Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

67. Kỷ niệm dưới mái chùa xưa (Chơn Đắc Nguyễn Văn Đồng)

17/06/201408:54(Xem: 20978)
67. Kỷ niệm dưới mái chùa xưa (Chơn Đắc Nguyễn Văn Đồng)

blank
Tôi năm nay thiếu một tuổi (tôi sinh năm Bính Tuất-1946) là bước đến bực thềm mà người xưa gọi là “Cổ Lai Hy”. Với ngần ấy thời gian của đời người, tôi chứng kiến biết bao sự thay đổi trong cuộc sống, thay đổi từ bản thân mình cho đến hoàn cảnh và con người chung quanh. Tuy nhiên, khoảng thời gian gần 20 năm tu học tại chùa Viên Giác, Hội An (1958 đến 1976) là quảng đời đẹp nhất trong tôi. Nơi đây tôi có nhiều kỷ niệm của thuở ấu thơ thời làm điệu cũng như những huynh đệ đồng tu của một giai đoạn gian khổ.

Tôi từ nhỏ được thân phụ đưa về chùa Long Tuyền quy y với Tổ Phổ Thoại nên có pháp danh Chơn Đắc. Ông thân tôi là một người viết chữ Nho rất đẹp, về sau xuất gia với Tổ nên có pháp danh Chơn Tề hiệu Long Niệm và được Tổ cử làm Thư ký của chùa. Chính vì mối quan hệ đồng môn với Thầy tôi (tức cố Hoà Thượng thượng Long hạ Trí) nên năm 1958, khi tròn 13 tuổi thân phụ gởi tôi về chùa Viên Giác tu học với Thầy. Vì tôi quy y 5 giới với Tổ Phổ Thoại nên khi xuống tóc, Thầy vẫn giữ nguyên pháp danh Chơn Đắc. Và sau này các huynh đệ cũng vậy, ai có pháp danh rồi thì Thầy giữ nguyên, chỉ cho Pháp tự hoặc Pháp hiệu mà thôi.

Chùa Viên Giác vốn dĩ là ngôi chùa của làng Cẩm Phô và Thầy mới về đảm nhận trụ trì. Lúc ấy, chùa làm bằng gỗ nên rất thấp, hai bên thờ Thập Điện Diêm Vương, Quan Thánh Đế Quân v.v… tạo nên một không khí âm u huyền bí khiến một đứa trẻ như tôi không phải phát khiếp khi nhìn gương mặt của Tổ Đạt Ma. Thời gian đầu, một Thầy một trò chăm lo việc chùa. Lúc ấy, đời sống người dân rất khó khăn, sự cúng dường của tín đồ không có là bao nên kinh tế nhà chùa tự cung tự cấp. Thầy vừa canh tác mấy sào ruộng rồi còn đi cày thuê đổi công cho các nhà nông khác. Mỗi sáng Thầy làm cho tôi một rổ kẹo ú kẹo mè mang xuống chợ Hội An bán để có thêm kinh tế cho chùa. Có những lúc bán không hết thì mấy bà đạo hữu mua ủng hộ, hoặc có khi tôi cao hứng kẹo ú kẹo mè trộn thêm với “đường cát” thì mấy bà góp tiền ủng hộ từ thiện để có vốn cho ngày mai.

Dần dà vào những năm sau thì chùa mới có người vào tu như bác Hồ Quyên pháp danh Thị Tâm, chú Phạm Ngọc Thứ pháp danh Thị Phẩm, chú Nguyễn Thanh Tùng pháp danh Như Mậu. Trong mùa tranh đấu năm 1963 thì huynh trưởng Lê Thanh Hải xuất gia tại đây, về sau là Hòa Thượng Thích Tâm Thanh, khai sơn tu viện Vĩnh Minh ở Lâm Đồng. Đến năm 1964 thì chú Lê Cưỡng tức thầy Như Điển, chú Phạm Kim Biên pháp danh Như Lượng, rồi các chú Ngô, chú Quang, chú Duy pháp danh Như Giáo, chú C, chú Đức, chú Trai tức Sư Giác Thanh ngày nay v.v… cùng về tu học. Bên cạnh đó chùa còn có các học sinh được Thầy nuôi ăn học như Nhơn, Nhiêu, Hoàng, Sơn, Hùng tức Sư Giác Ánh ở Vĩnh Long ngày nay v.v…

Năm 1965 tôi thọ Sa di tại chùa Long Tuyền được Thầy cho pháp tự Giải Hành và năm 1970 thọ Tỳ kheo tại giới đàn Vĩnh Gia và Thầy cho hiệu là Trí Viên. Tôi tuy là đệ tử đầu tay của Thầy nhưng cái thuở tôi vào chùa thì còn quá nhiều khó khăn, thêm vào đó khả năng tôi hạn chế nên việc học hành không được nhiều. Tuy nhiên, Thầy thường dẫn tôi đi ứng phú nên tôi thừa hưởng được âm diệu tán tụng của Thầy. Vì thế ở chùa, tôi lo việc nhang đăng cũng như chủ trì các đám lễ mỗi khi Thầy vắng mặt. Chú Thứ là người lanh lẹ tháo vát nên thường theo làm thị giả cho Thầy. Thầy Tâm Thanh xuống tóc trong mùa tranh đấu năm 63, ở một thời gian ngắn rồi vào Nam tu học. Chùa Viên Giác lúc ấy chúng lý rất đông cũng như những người tỵ nạn chiến tranh về ở cũng nhiều.

Sau pháp nạn 1963, Thầy tôi đã trở thành một trong những yếu nhân quan trọng của Phật giáo Quảng Nam. Ai cũng nghĩ chúng Viên Giác lúc đó sướng nhưng thật ra kinh tế vẫn giữ tinh thần của chư tổ “bất tác bất thực”. Tôi lo về phần ứng phú, chú Như Mậu mở phòng mạch châm cứu, chú Như Điển chầm nón v.v… Trong những ngày sóc vọng chùa làm đậu khuôn để phát hành. Chú Như Điển lo phần gánh nước và bòng đậu. Lúc ấy không có máy nước như bây giờ nên Chú Điển phải gánh nước ở các giếng gần chùa mới đủ nước cung ứng cho công việc. Các em học sinh như Nhơn, Nhiêu lo phần xay đậu với một cái cối bằng đá to, phần chế biến thành phẩm nhờ các đạo hữu như bà Chín, bà Trợ, bà Năm Nga, chị Bốn v.v…, phần đi phát hành thì có chú Ngô, chú Đức. Đôi khi các bà đạo hữu dưới phố lên mắng vốn: “Chú Đức gánh đậu khuôn đi bán mà cứ rao ai mua cá liệt không” khiến cả chúng được một trận cười vỡ bụng.

Người đời thường nói “Thợ rèn ăn dao luộc” quả không sai. Tuy cả chúng làm đậu nhưng mấy khi được ăn một miếng đậu ngon. Đa phần đậu được đem đi bán để có tiền trang trải cho các khoản sinh hoạt của chùa. Các mảnh cắt rẻo còn lại thì nấu canh cho chúng ăn. Thỉnh thoảng các cô cũng như các anh Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Quảng Nam lấy xác đậu xào với rau răm rồi nướng bánh tráng xúc ăn. Đó là bữa tiệc ngon nhất của đại chúng thời ấy.

Chúng chùa Viên Giác thời ấy rất đông nhưng tôi chẳng thân ai ngoài chú Như Điển. Thời gian chú Như Điển ở Viên Giác khoảng 2 năm nhưng anh em chúng tôi rất là khắn khít. Chú Điển là người siêng năng trong việc tu việc học. Trong những mùa thi, tôi thấy Chú học bài rất khuya nhưng sáng sớm 3 giờ đã dậy cùng đại chúng công phu. Sự chăm chỉ siêng năng của Chú được đền bù xứng đáng khi cuối năm học Chú được xích lô chở về chùa với đầy phần thưởng của trường, khiến cả chúng ai cũng tự hào.

Chú Như Điển tánh tình nghiêm túc, ít khi nào tôi thấy chú giỡn cười và nói chuyện của người nên trong chúng ai cũng nể sợ. Chú tuy trẻ tuổi nhưng cũng đã toát lên sự uy nghiêm của một người Thầy. Có lần chú Trai trèo lên mái chùa hái trộm khế của Bà Chất. Chẳng may chú sẩy tay té xuống, cả chúng ai cũng nghĩ chú gãy chân. Có ai đó la lên: “Chú Điển ra đó mi!”. Thế là chú Trai co giò chạy trốn vì sợ bị chú Điển trách phạt.

Thời gian huynh đệ chúng tôi ở Viên Giác chỉ có 2 năm với nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Đến năm 1969 thì chú Như Điển vào Sài Gòn tu học rồi du học Nhật Bản năm 1972. Đến năm 1974 Chú có dẫn vài người Nhật về thăm quê hương. Tôi có hỏi Chú khi nào về lại? Chú nói học xong thì sẽ về. Tuy nhiên, sau năm 1975 thế sự đổi thay và từ đó đến nay anh em chúng tôi không có cơ duyên gặp gỡ nhau nữa. Sau này nghe nói Thầy Như Điển đã sang nước Đức hành đạo và làm một ngôi chùa rất lớn cũng lấy tên Viên Giác.

Sau năm 1975, đứng trước những biến động của xã hội, đời sống của người tu cũng gặp nhiều khó khăn hơn trước. Thế rồi, cuối năm 1976 tôi giã từ ngôi chùa Viên Giác thân yêu và trở lại đời sống của người cư sĩ. Tuy không còn làm Trưởng tử Như Lai nhưng tôi vẫn hằng tâm niệm mình sẽ làm theo khả năng thực tế của mình để báo đáp ân Thầy Tổ và trả nợ tín thí đàn na. Vì thế, trong những ngày sóc vọng tôi về chùa phụ Thầy trong nghi lễ, hoặc ruộng nương tôi cũng phụ giúp cùng Thầy, hoặc khi những vị đạo hữu lâm chung mà Thầy bận việc thì tôi đến hộ niệm tống táng v.v….

Trong nhà chùa thường có câu “bông xoài trứng cá” để chỉ cho sự khó thành tựu xuyên suốt một đời tu của người tăng sĩ. Ngẫm lại điều này cũng không sai. Trước năm 1975, chúng chùa Viên Giác rất đông, nhưng trải một cuộc biến thiên của lịch sử thì giờ chỉ đếm còn trên đầu ngón tay. Thế hệ chúng tôi trước 1975 có khoảng 20 vị nhưng đi đến chung cuộc thì chỉ còn hai vị, đó là Cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh -khai sơn Vĩnh Minh Tự Viện tỉnh Lâm Đồng và hiện tại còn Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương trượng chùa Viên Giác, Đức Quốc. Cả hai vị đều thành tựu đạo nghiệp, hoằng pháp một vùng làm rạng rỡ cho ngôi nhà Phật pháp. Đây cũng là điều tự hào của tất cả anh em chúng tôi.

Giã biệt nhau cũng đã tròn 40 năm tôi chưa một lần gặp lại Hòa Thượng Như Điển. Thời gian sau này, Thầy có viết thư thăm tôi và thỉnh thoảng cũng trợ giúp trong những khi gia cảnh ngặt nghèo. Tuy giờ tăng tục có phần cách biệt nhưng tôi nghĩ rằng tình cảm anh em chúng tôi không bao giờ thay đổi. Hy vọng sẽ có một ngày nào đó tôi sẽ gặp lại Hòa Thượng, gặp lại Chú Điển thân thương thuở nào để ôn lại một thời tu học dưới mái chùa xưa.

(Đầu hạ năm Giáp Ngọ, 2014)

Quỹ Học Bổng Hiền Mẫu của HT. Thích Bảo Lạc và Quỹ Học Bổng Thích Như Điển

cấp phát suốt 20 năm qua cho học sinh nghèo học hạnh kiêm toàn tại các trường trung học Quảng Nam
blankblankblank

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/03/2015(Xem: 14183)
Thanh Lương là bút hiệu của Thích Thiện Sáng, một hành giả Thiền tông. Thế danh Trương Thượng Trí, sinh năm 1956, lớn lên bên dòng sông Cửu Long giữa trời thơ đất mộng An Giang. Bản chất thông minh, mẫn tuệ, vốn từ bi, hiếu thảo, có trực giác bén nhạy, ngay từ thời còn bé nhỏ đã có những biểu hiện khác thường như trầm tư, ưa đọc sách đạo lý suốt ngày, thích ăn chay và học hành ở trường lớp thì tinh tấn, luôn luôn dẫn đầu, xuất sắc.
25/03/2015(Xem: 12345)
Thấy đời khổ quyết tìm đường cứu khổ Mặc dầu đang sống nhung lụa quyền uy Trong bốn mùa có cung điện theo tùy Với vợ đẹp con ngoan người hầu hạ
20/03/2015(Xem: 11039)
Hoằng dương Pháp thoát luân hồi sinh tử Giác chu toàn cứu cánh (1) của đời tu Cất bước cao ra khỏi chốn ngục tù Nhiếp ma quân hướng về nơi Cực lạc
20/03/2015(Xem: 10632)
Khép cánh Phù Du (thơ)
19/03/2015(Xem: 10098)
Tháng Giêng, Di Lặc tươi cười, Cùng bầy ngũ tặc vui chơi thiện lành. Tháng Hai là tháng học hành, Khẩu, thân, ý, chính là nguồn sân si. Tháng Ba, học “Đà Ra Ni”, Bút nghiên kinh kệ nhớ ghi hằng ngày.
18/03/2015(Xem: 9613)
Tết mâm ngũ quả cúng gia tiên Bắc Trung Nam, khác cả ba miền Năm Yếu tố cấu thành vủ trụ Thể hiện Mộc Thủy Hỏa Thổ Kim
16/03/2015(Xem: 11849)
Ai tin tuổi số ghé xem Đầu năm một quẻ, ngó thèm, khó qua Lấy hên năm mới thiệt mà Mời cô, mời cậu, mời bà, mời ông Cô nào tuổi Tý chưa chồng Năm mới sẽ hết nằm không biếng lười Đừng ham ngủ như đười ươi
14/03/2015(Xem: 9611)
Quá cảnh trần gian lạc bến tình Tình vui phơi phới buổi bình minh Thuyền lòng thả nổi không người lái Đâu ngờ, trôi dạt chốn điêu linh..
13/03/2015(Xem: 9765)
Phố còn cổ đến bao năm Người đi kẻ ở thăng trầm phiêu linh Dòng trôi lưu bóng biệt tình Đêm nghe cổ kính trở mình ngói rơi.
11/03/2015(Xem: 16921)
Mai năm nay nở sớm trước Tết. Qua Tết thì những cánh hoa vàng đã rụng đầy cội, và trên cây, lá xanh ươm lộc mới. Quanh vườn, các nhánh phong lan tiếp tục khoe sắc rực rỡ giữa trời xuân giá buốt. Đêm đến, trời trong mây tịnh, vườn sau đón ngập ánh trăng, tạo một không gian huyền ảo lung linh. Đã không có những ngày xuân rực nắng, không có những đêm xuân ấm cúng tiếng đàn câu ca và những chung trà bằng hữu; nhưng chân tình của kẻ gần người xa, vẫn luôn tỏa sự nồng nàn, tha thiết. Cái gì thực thì còn mãi với thời gian thăm thẳm, vượt khỏi những cách ngăn của không gian vời vợi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]