Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

33. Nhớ ngày đầu gặp gỡ (Thiện Nguyện Bảo Chí)

17/06/201407:52(Xem: 19932)
33. Nhớ ngày đầu gặp gỡ (Thiện Nguyện Bảo Chí)

Tháng 7 năm 1983, tôi và gia đình bình yên đến được bến bờ tự do, chúng tôi tri ân nước Ý, đã đón nhận gia đình tôi và sớm giúp đỡ chúng tôi hội nhập vào cuộc sống mới, dù gì thì dân Ý vẫn nghèo khi so với các nước láng giềng như Pháp, Đức hay Thụy Sĩ. Chỉ có mỗi một điều, tuy họ nghèo về kinh tế thật nhưng lại rất giàu lòng thương người. Ở đây, không phải “lá lành đùm lá rách“ mà là “lá rách đùm lá nát“ hơn...

Trong lịch sử vớt người Việt Nam tỵ nạn trên biển đông, ngoài các chiến hạm của Mỹ thì chỉ nước Ý là nước duy nhất trên thế giới đã dùng đến quân đội. Vào năm 1978 chính phủ Ý đã gởi nguyên một hạm đội thuộc hải quân Ý với các chiến hạm STROMBOLI, VITTORIO VENETO, ANDREA DORIA, trên tàu có bịnh viện điều trị, có sân bay cho máy bay trực thăng đi tải thương và kiếm người trên biển cả. Ngày nay tên của những chiến thuyền này đã in sâu vào tâm khảm của những thuyền nhân tại Ý. Đây chính là điều làm gia đình chúng tôi quyết định chọn nơi này làm quê hương. Như các người tỵ nạn khác, chúng tôi cũng có một bà mẹ đỡ đầu, bà Maria, bà đã tận tình giúp đỡ gia đình chúng tôi trong giai đoạn khởi đầu khó khăn, với lòng tin mãnh liệt vào Đấng Kitô, bà tin tưởng là không có việc gì bà xin mà không được, việc khó nhất, theo bà, là đã đưa được gia đình chúng tôi sang định cư tại Ý.

Năm 1998, mẹ vợ của tôi qua đời tại California, sau khi đi Mỹ thọ tang bà cụ, nhà tôi trở về với niềm cô đơn về tinh thần cực lớn. Chúng tôi phát hiện ra ở bên kia bờ đại dương, những người cùng hoàn cảnh như chúng tôi không những có một cuộc sống thoải mái hơn về kinh tế mà họ còn may mắn có được các vị Tăng Ni chăm lo về đời sống tâm linh. Đây là điều mà chúng tôi rất cần. Bà Maria cùng những người bạn Ý tốt bụng nhưng không thể nào cho chúng tôi điều này được!!! Họ giúp đỡ chúng tôi và rất mong muốn chúng tôi chỉ sau một thời gian ngắn sẽ biến thành người Ý như họ, đây là sự hội nhập mà họ đang mong đợi. Việc thỉnh một Thầy qua giảng pháp cho Phật tử tại Ý cũng đã là quá khó khăn rồi, Thầy Minh Tâm (HT Khánh Anh) có qua một vài lần vào cuối thập niên 70 và đầu năm 80 nhưng sau đó Thầy không qua nữa vì Thầy quá bề bộn Phật sự tại các nơi khác và ở Ý không qui tụ được Phật tử. Thầy Nhất Hạnh, nổi tiếng tại Ý qua các kinh sách chuyển dịch sang Ý ngữ, nhưng Thầy chỉ sang miền nam Ý để dạy thiền cho thiền sinh người Ý. Như vậy việc lập một ngôi chùa Việt trên xứ Ý rất khó khăn như trồng cây hoa sen trên cánh đồng tuyết trắng vậy.

Vào tháng 6 năm 1999, năm đó tại Padova mùa hè đến hơi sớm, nhiệt độ nóng đến 35 °C, theo lời mời của anh chị Hoàng Hoa (anh là nhạc sĩ Nguyễn Hoàng, chị là ca sĩ kiêm nhạc sĩ Hoàng Hoa) chúng tôi đến một ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng. Hôm đó lần đầu tiên tôi được gặp gỡ Thượng Tọa Thích Như Điển. Dưới bóng cây, trong khuôn viên chùa Tây Tạng ở Villorba, Treviso, người ta kê một cái bàn, và Thầy đang giảng pháp, sau lưng Thầy là một lá cờ vàng thật lớn. Thầy giảng về Phật pháp, bắt đầu từ những khái niệm đơn giản nhất, và với tôi vậy là đủ. Tôi không mong đợi Thầy sẽ nói về chính trị, nhưng câu nói ngày hôm ấy của Thầy với những bà con trong các hội đoàn chính trị hiện diện hôm đó: ”Quý vị nên tu một chút, như vậy sau này, về nước có làm lớn, thì người dân sẽ đỡ cực“ đã đánh động con tim tha hương của tôi, tôi cảm nhận ngay ở giây phút này: Thầy là người sẽ mang đến cho chúng tôi những gì mà chúng tôi đang thiếu thốn, ở một xứ mà Thiên Chúa giáo là quốc giáo.

Lúc này ở Ý chưa có Hội Phật Tử, và chỉ có bà con người Việt đến nghe pháp nên Thầy giảng bằng tiếng Việt. Khi một Phật tử xin ý kiến của Thầy về việc lập một ngôi chùa tại Ý thì thầy đã khuyên: Trước khi xây một ngôi chùa trên mặt đất thì quý vị phải xây cho mình một ngôi chùa trong tâm linh trước. Lời dặn đó, sau này được dùng làm kim chỉ nam cho việc kiến tạo ngôi già lam tại Ý.

blank

Thầy (trên cao) cùng với Phật tử trước NPĐ Viên Ý, 2002

Trong lần hội ngộ hôm đó, Hội Phật Tử Việt Nam tại Ý được thành lập và sau đó Niệm Phật Đường Viên Ý (được thầy đặt tên với nghĩa là “Ý nguyện đã được viên mãn“) cũng bắt đầu hoạt động vào tháng 9 trong năm. Thầy đã hứa, mỗi năm Thầy sẽ sang Viên Ý một lần, nhưng vì Phật sự quá bề bộn hoặc gặp trở ngại hoặc Ban Chấp Hành Hội không giải quyết được nên có năm Thầy phải qua 2 hoặc 3 lần, cho đến khi công việc Phật sự tại Ý đi vào nề nếp. Khi bắt đầu lập Hội, có một số vị trong Ban Chấp Hành Hội nhìn đâu cũng thấy đầy chướng duyên, nên sinh ra nản lòng, nhưng thầy đã khuyên: ”Quý vị cứ bắt đầu, bởi vì có bắt đầu thì sẽ có hanh thông“. Một lần đi hành hương về chùa tổ Viên Giác, được dịp trao đổi với Phật tử Đức, các vị ấy cho biết phải cẩn thận vì Thầy rất hay la. Nhưng đến nay, sau 15 năm gần gũi, làm việc chung với thầy, chúng tôi chưa thấy thầy la lần nào (có người cho là Thầy thương Phật tử Ý sanh sau đẻ muộn nên không nỡ la rầy). Chỉ có một lần, đầu năm 2000 sau 12 giờ 30 Thầy than phiền là nước Ý không có đồng hồ hay sao mà Ban Trai Soạn dọn cơm quá trễ, làm chương trình buổi chiều bị thiếu giờ…. Đúng giờ, vâng đúng giờ là thói quen của Thầy. Để khỏi phải bắt Thầy chờ đợi nên mỗi khi Thầy qua Ý chúng tôi điều chỉnh đồng hồ cho chạy sớm hơn 10 phút (cho chắc ăn) và việc này dĩ nhiên cũng bị Thầy phát hiện ra liền, sau khi nhìn đồng hồ Thầy nói với tôi: “Cứ thong thả, đồng hồ nhà anh chạy sớm hơn 10 phút”.

Và cứ như vậy, hết lần gặp này đến lần gặp khác, từ những lần gặp gỡ đó tôi từ từ khám phá ra ở Thầy nhiều điều mới lạ. Trước hết, sau thói quen rất đúng giờ, Thầy là một nhà văn, một nhà báo, một thi sĩ, và mới đây cuốn tiểu thuyết “Chuyện tình của Liên Hoa Hòa Thượng“ đã được trình diễn qua nghệ thuật sân khấu cải lương… Nhưng điều làm tôi phục nhất là khả năng giải quyết các vấn đề khó khăn của Thầy. Trong quá khứ, lúc nước Ý chưa có Thầy trụ trì, có những việc mà chúng tôi 5 người họp mà không biết giải quyết cách nào, thì chỉ cần điện thoại cho Thầy là mọi việc thấy rõ ràng, giải quyết xong ngay.

Tôi không được may mắn gần gũi Thầy nhiều, nhưng qua các tác phẩm của Thầy tôi cũng học được rất nhiều điều bổ ích. Lòng biết ơn là đặc điểm nổi bậc. Qua các tác phẩm này lòng biết ơn của Thầy với các bậc sinh thành cho thấy Thầy là một người con hiếu thảo. Sự kính trọng và lòng tri ân với Sư Phụ của Thầy chứng tỏ Thầy là một đệ tử trung thành, cũng như sự nhớ ơn các Chư Tăng cùng các bạn bè đã giúp đỡ cho thầy trong giai đoạn khó khăn thuở ban đầu mà Thầy luôn luôn ghi nhớ đã nhắc nhở cho tôi cái câu “uống nước phải nhớ lấy nguồn”, hay “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mặc dù ngày nay chúng ta đang ở thế kỷ kim tiền, không ít người khi đã “qua cầu thì rút ván” cho khỏe thân….

Ngày nay, ngôi già lam của chúng tôi đã tròn 10 tuổi. 15 năm đã qua đi kể từ hôm gặp Thầy lần đầu, dạo này, nhiều người Ý đến chùa, có khi Thầy phải giảng bằng tiếng Anh, có khi thầy giảng bằng tiếng Việt và tôi có bổn phận chuyển sang Ý ngữ. Mấy năm sau này tôi thấy mình càng ngày càng gặp khó khăn hơn trong công việc dịch thuật này, không biết vì mình bắt đầu già đi nên khả năng Ý ngữ bắt đầu suy giảm, hay là vì Phật tử Ý nay đã có trình độ Phật học cao nên Thầy giảng mỗi ngày một khó hơn, dù biết rằng ai cũng phải qua giai đoạn lão hóa nhưng mong rằng điều sau đúng hơn điều trước thì vẫn tốt hơn.

Để kết thúc bài viết này, xin ghi lại câu nói của Giáo sư Nguyễn Văn Hai (Cựu phó Viện trưởng Viện Đại Học Huế) qua điện đàm với tôi vào năm 1999: ...” Đến hơn 70 tuổi, cậu mới đến được với Phật pháp, mà cháu ở tuổi 48 đã gặp được Thượng Tọa Như Điển thì thật là một điều may mắn lớn cho cháu…”. Tôi xin dừng bút ở đây, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Thầy xuất gia, xin mượn những dòng chữ đơn giản này kính gửi đến Thầy tấm lòng thành kính tri ân, và xin cám ơn anh chị Hoàng Hoa, nhờ anh chị tôi mới gặp được một vì Thầy tuyệt vời như vậy...

Thiện Nguyện Bảo Chí – Italia

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/01/2024(Xem: 5220)
Tôi bắt đầu dịch thơ của Thầy Tuệ Sỹ vì khâm phục đức độ và lòng dũng cảm của Thầy. Khi nhận được những góp ý từ những người hâm mộ thơ Thầy là bài dịch của tôi giúp họ hiểu thơ Thầy hơn, thì khi đó tôi mong muốn dịch toàn bộ các bài thơ của Thầy sang tiếng Anh. Cuốn sách này được viết vì cái mong muốn này đã lớn thành cái đam mê. Có dịch thơ của Thầy, tôi mới thấy rất rõ ràng những bài thơ của Thầy là một cống hiến to lớn không chỉ cho văn hóa Việt Nam mà còn cho Phật giáo thế giới. Thầy đã đem Thiền vào thơ bằng ngôn ngữ của một con suối, một hạt cải hay hai kẻ yêu nhau. Sự trừu tượng hóa này khiến cho rất khó hiểu được thơ Thầy. Nhiều bài, tôi phải suy nghĩ cả ngày, đôi khi cả mấy ngày, mới hiểu ẩn ý của Thầy. Công việc này không đam mê không làm được.
09/01/2024(Xem: 2358)
Gát chuyện hơn thua giữa thế tình Lòng trong trí sáng chuyển vô minh An yên nhiếp niệm về chân tính Lặng lẽ hồi tâm hướng diệu kinh Lễ Phật quay đầu khơi suối tịnh Tham thiền định ý mở nguồn linh Trần lao vọng tưởng tiêu vong bịnh Thanh thản đêm ngày giũ nhục vinh.
03/01/2024(Xem: 5920)
Nguyệt San Chánh Pháp số 145_tháng 12 năm 2023: Tâm chí nhỏ thì nhìn cuộc đời trong phạm vi trăm năm, thấy mục đích sống trong vòng gia đình, xã hội, tôn giáo, quốc gia. Tâm chí rộng hơn thì hướng đến lợi ích của nhân loại, của thế giới, trong hiện tại và nhiều thập niên hay thế kỷ tương lai.Giới hạn nhỏ, lớn là ở nơi không gian và thời gian. Mục tiêu nhỏ, lớn thì đặt nơi lợi ích của cá nhân hay số đông. Nhưng dù ngắn hạn hay dài hạn, con đường tất yếu của đời sống nhân loại là giáo dục. Con đường của Phật giáo ở cuộc đời này cũng không ngoài lãnh vực giáo dục, thuật ngữ thiền môn gọi là giáo hóa, hóa độ, hoằng pháp.
03/01/2024(Xem: 6889)
Bậc chân tu thực chứng thì bước đi không để lại dấu vết. Có nghĩa là không lưu lại dấu vết hay tì vết gì trong tâm thức và hành xử của mình, như được nói trong kinh “Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng” [1]. Tu mà không chấp nơi việc tu của mình mới thật là chân tu; chứng đắc mà không chấp nơi sở đắc của mình mới thật là chứng đắc. Đó là nói sở tri, sở hành, sở chứng của vị ấy trong việc tu tập, hành đạo; chứ trên thực tế, thân giáo và ngữ giáo của bậc tuệ đức để lại vô số kỳ tích và ấn tượng sâu đậm cho những ai được thân cận, học hỏi, thọ pháp. Hòa thượng Tuệ Sỹ là một nhà tu, một con người nhẹ nhàng đi qua cuộc đời như thế.
21/12/2023(Xem: 4981)
Thoắt đã hai năm Thầy về đất Phật Hăm Ba+Hăm Bốn / Mười Hai_ Đại tường Để triêm ân cố Sư Bà viện chủ Cung nghinh Chư Tôn Đức đến Phật đường Giữ mãi trong con về những hình ảnh Đã từng làm thị giả ở bên Thầy Giọng nói tiếng cười như đang bên cạnh Ánh mắt nhìn trìu mến vẫn còn đây...
15/12/2023(Xem: 5300)
Học lịch sử để biết Nhân quá khứ Quả hiện tiền rất thời sự gay go Cứ quây quần tìm giải thoát, tự do Xuôi dòng chảy theo cơ đồ vận nước Và Đạo Pháp thuận theo đời xuôi ngược Lúc Bắc phương vô chiếm được miền Nam Nhiều người vui nhưng lắm kẻ lầm than Bắt Chư Tăng phải nhập trần hoàn tục
14/12/2023(Xem: 3298)
Nắng trải trời thu giữa phố phường Người về ghé lại cảm tình thương Triêm ân đạo cả nào phân được Giữ đức tâm khoan chẳng tính lường Tuổi hạc bình yên vui pháp trưởng Trần đời lặng lẽ sống hiền lương Kinh thâm giảng giải Thầy trao nghĩa Khắp chúng luôn cùng thắm vị hương
03/11/2023(Xem: 3378)
Lâm Tế huân tu ba tát tay Hốt nhiên giác ngộ lạ lùng thay Phá tan kiến chấp vô văn tự Trực chỉ chân tâm thấy biết ngay.
02/11/2023(Xem: 3005)
Nhân khi nghe pháp thoại HT Từ Thông giải thích Hồng danh Đức Phật A Di Đà, con Huệ Hương xin có bài thơ kính tặng Cụ Bà Tâm Thái là hình tượng cho thế hệ trẻ kế tiếp, một kho tàng kinh nghiệm quý báu khi chỉ ra Tuổi già là một hồng ân, là tuổi đạt đến sự tròn đầy của cuộc đời làm người và được làm đệ tử Phật!, dù ở tuổi đại thọ 91, nhưng cụ bà Tâm Thái vẫn tinh tấn niệm Phật mỗi ngày. Xin đa tạ, luật hấp dẫn Vũ trụ hiển hiện ! Phật A Di Đà tên của Vô lượng Quang Chính là ánh sáng vô biên ( không gian ) Còn biểu trưng tên khác …Vô Lượng Thọ Đấy là thời gian vô tận bao trùm lưu bố !
02/11/2023(Xem: 3595)
Kính lễ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát …. “Từ chân tánh hiện thân Đại Sĩ Giữa Hồng Trần chẳng nhiễm bụi bay” Ngôi chùa nào của Phật giáo đại thừa hiện nay Bồ Tát Quan Âm đều được trang nghiêm tôn trí! Chiêm ngưỡng hình tượng Ngài, thầm đọc Chú Đại Bi Phổ độ lợi lạc chúng sinh bất tư nghì Mỗi lần lễ vía…. nguyện đọc thông điệp về hạnh nguyện ! Sống hoà hợp, tôn trọng, tinh tấn tụng niệm Tính siêu việt nhất là… hạnh kiên nhẫn, khả năng lắng nghe, Mắt thương nhìn đời không gì có thể ngăn che Tầm thinh cứu khổ cứu nạn với trái tim đồng cảm !
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]