Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

13. Trùng điệp nhân duyên (Phù Vân)

17/06/201403:48(Xem: 18291)
13. Trùng điệp nhân duyên (Phù Vân)

Phần 01

Phần 02


Phần 03


Phần 04





Tôi gặp Thầy hay Thầy gặp tôi? Âu đó cũng là nhân duyên chòng chéo với nhau tự thuở nào. Năm 1982 chúng tôi thành lập một Ban Liên Lạc Phật Giáo tại Hamburg và đã mời một vị tăng sĩ Việt Nam duy nhất tại Đức từ Hannover lên làm lễ Phật cho bà con Phật tử Việt Nam tại địa phương. Trước buổi lễ, trong đạo tràng của Nhóm nghiên cứu Phật Giáo người Đức, tôi đã thành thật thưa với Thầy rằng tôi là một Phật tử không thuần thành, không thông kinh kệ, không rành chuông mõ, cũng chưa nếm mùi tương chao; nhưng vì không muốn thấy bà con Phật tử bơ vơ không có chỗ nương tựa tâm linh, nên tôi quy tụ bà con để mời Thầy lên hướng dẫn tinh thần. Thầy vui vẻ nói: „Không sao cả, miễn anh giữ tâm đạo bền vững bắt một cây cầu cho bà con Phật tử lên cõi Niết Bàn là quý rồi!“. Sau buổi lễ, tôi chở Thầy ra ga xe lửa. Thầy cho biết, Thầy gốc Duy Xuyên Quảng Nam, thời gian từ 1964 đến 1968 Thầy theo học trường Trung học tư thục Diên Hồng, rồi chuyển qua trường Trung học tư thục Bồ Đề khi trường vừa xây xong, rồi chuyển qua Trần Quý Cáp Hội An tiếp học trung học đệ nhị cấp… Tôi thưa với Thầy là thời gian đó tôi đang công tác tại Ty Thủy Lâm Quảng Nam. Thầy chợt nhớ ra hồi năm đệ ngũ Thầy học môn Vạn Vật với cô giáo Thúy Lan là mẹ của các cháu. Hồi đó Thầy còn là chú điệu, nay Thầy là Hòa Thượng Thích Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc.

Biết tôi đang điều hành tờ báo VietHamb, tiếng nói của người Việt tại Hamburg, Thầy nhắc nhở: „Giáo Hội Phật Giáo cũng có chủ trương tờ báo Viên Giác, đang cần những tài năng, những cây bút; là một Phật tử mong anh dành bài vở gởi cho tờ báo này…“. Tôi cũng thưa với Thầy, tôi sẽ đề nghị anh Vũ Ngọc Long, hiện đang cộng tác với tờ VietHamb sẽ gởi cho Thầy những bài tham luận chính trị, riêng tôi cũng sẽ đóng góp ít nhiều văn thơ. Anh Vũ Ngọc Long và tôi lần lượt đến với độc giả Viên Giác từ năm 1984 thì phải.

Tuy nhiên tờ báo Viên Giác hồi đó, trong mấy năm đầu còn đang chập chửng bước đi với mục đích chính là thông tin Phật sự và hoằng pháp lợi sanh theo chủ trương của một vị tu sĩ với nhiều bài trích giảng có trình độ Phật pháp tương đối khá cao. Trong một lần họp mặt cuối năm- hồi đó chưa gọi là họp Ban Biên Tập, nên có nhiều Chùa, Niệm Phật Đường, Chi Hội… về họp. Thầy hỏi về dư luận của bà con Phật tử về tờ báo Viên Giác như thế nào? Trong khi Thầy đang hoan hỷ muốn được nghe nhiều người ngợi khen, thì tôi- có lẽ nêu nhận xét không đúng lúc chăng, là tôi đi đến rất nhiều nhà bà con Phật tử, người Việt và người Việt gốc Hoa, họ đem tờ báo lót son lót nồi thậm chí còn vẽ râu ông Phật, trông tội nghiệp và đau lòng lắm! Sở dĩ có tình trạng như thế, vì tờ báo hồi đó được sự tài trợ của Bộ Nội Vụ, nên tờ báo trở nên „báo… chùa“ đem phát không cho họ; nên họ không quý trọng. Thêm nữa, khi nhận được tờ báo ai cũng vui, cũng ham đọc lắm, nhưng nội dung Phật pháp cao quá, đọc không… tiêu, nên hai mí mắt cũng… tiêu diêu vào giấc ngủ gục! Thầy chủ tọa ngồi yên không mấy bình thường, không ai dám cười. Tôi nghĩ mình đã không nói quá lời. Chỉ nêu lên vấn đề để cùng tìm giải pháp tốt đẹp hơn mà thôi! Tôi suy nghĩ, thật mình có lỗi hay không để nói lời xin lỗi đây. Sau cùng Thầy vui vẻ hỏi ý kiến thảo luận về các tiết mục cần thiết cho một tờ báo „Đạo“. Thầy còn trẻ, cũng dễ bị những cú „sốc“ khi có ai làm trái ý hay có những lời phê phán thẳng thắn, nhưng Thầy cũng dễ „hạ hỏa“ để xét lại và làm theo những lời góp ý đứng đắn. Đó là điểm đáng ghi nhận khi làm việc chung với Thầy. Nhưng sau đó tôi được Thầy ban cho một cái pháp danh „Đồ Gàn“ bởi ai ai cũng khen tờ báo hay, đẹp cả!

Trong một lần họp báo khác, Thầy mang ra „trình làng“ tờ báo Xuân Viên Giác do chính Thầy thực hiện. Tờ báo „ngoại khổ“, lớn như các tờ báo Xuân thường thấy xuất hiện trong các dịp Xuân và Tết trước năm 1975 treo trước các sạp báo. Tờ báo lại còn đóng gáy như một đặc san lớn hơn DIN 4 nên không bỏ vào thùng thư được! Thầy lại hân hoan hỏi ý kiến, tôi lại nhanh nhẩu khôi hài: „Đây là một tờ báo có… trọng lượng mà không có… chất lượng“, vì quá nặng không thể cầm đọc được, mà hầu hết bài viết đều sao chép lại từ các tờ báo khác…!“. Anh Vũ Ngọc Long lại còn hỏi thêm „Không hiểu Thầy có xin phép họ hay không?“. Thầy đỏ mặt, rời phòng họp đi ra ngoài. Ai cũng biết Thầy giận, không hiểu Thầy sẽ phản ứng ra sao. Tuy nhiên Thầy là người biết lắng nghe, nên khi trở lại phòng họp Thầy ngỏ lời xin lỗi và vui vẻ điều khiển lại buổi họp. Thầy ấn định nhiệm vụ cho những cộng sự viên đảm trách các phần Tôn giáo, Trang Hoa phượng, Trang Gia Đình Phật Tử, Văn học Nghệ thuật, Chính trị… Riêng đặc trách thực hiện các số báo Xuân Viên Giác, Thầy „ưu ái“ giao nhiệm vụ cho tôi để trị tội „cái miệng ăn mắm ăn muối“ phát ngôn không… hợp thời trang!. Tôi đành ngậm miệng cười trừ, để cứ vào tháng 10 hằng năm tôi phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, viết thư, điện thoại viễn liên Âu, Mỹ, Úc, Canada để xin bài viết của các bạn văn. Nên số tiền chi phí cho tem thư và điện thoại cũng „khẩm“!. Hồi đó chưa có giá tiền điện thoại „trọn gói“ (Pauschal) hàng tháng, cũng chưa có hệ thống internet như bây giờ, phương tiện nhanh nhất là điện thoại mà thôi. Để trả tiền điện thoại mấy trăm Đức Mã mỗi tháng, tôi phải nhận thêm việc chăm sóc vườn tược cho tư nhân vào mùa hè sau giờ làm việc hay vào những ngày cuối tuần. Cũng may từ năm 1987, tôi sinh hoạt trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, hơn nữa khi đang điều hành tờ báo VietHamb, tôi được nương tựa bóng mát văn chương của các cây đại thụ nhận làm người em văn nghệ như nhà biên khảo Vũ Ký (Vương quốc Bỉ), được ghi tên dự tranh Giải Văn Chương Thế Giới; Tiến sĩ văn chương Hương Giang Thái Văn Kiểm (Pháp), Hàn Lâm Viện Pháp; Nguyễn Ang Ca (Vương quốc Bỉ), Ký giả lừng danh với 3 giải thưởng viết phóng sự Thế Vận Hội Quốc Tế; Nữ sĩ Vân Nương Lê Ngọc Chấn (Pháp) và Nữ sĩ Tuệ Nga (Hoa Kỳ) nổi danh một thời trong Văn đàn Quỳnh Giao từ Việt Nam… Cho nên số bài viết cho báo Xuân lúc nào cũng thừa để gối đầu cho số báo Tân Niên.

Thầy Như Điển là như vậy đó. Hễ ai đề nghị điều gì thì trước hết người đó phải đảm trách! Riết rồi ai cũng ngại đưa ra ý kiến nhất là những người ở chung quanh Thầy.

Sau này, trong một đêm ở chùa tôi mơ thấy Mẹ tôi „về thăm tôi“. Mẹ về thăm tôi, bởi khi Mẹ tôi mất, tôi đã không về chịu tang được. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của anh Hoài Việt ở Pháp „Con không về thăm Mẹ, thì Mẹ về thăm con…“. Đêm đó, tôi thao thức không ngủ được vì ăn năn hối hận về tội bất hiếu của mình, mặc dù trước khi mất Mẹ tôi đã dặn dò không nên về khi tình trạng an ninh cá nhân không cho phép. Mẹ tôi mất rồi, các anh em vẫn còn ở lại quê hương, nhưng tôi đã quyết tâm không về; cũng giống như quyết định của Thầy „không về Việt Nam khi còn chế độ cộng sản“.

Hôm sau, tôi gặp riêng Thầy, kể cho Thầy nghe cuộc đời gian khổ của Mẹ tôi- một bà Mẹ nghèo, nuôi tôi ăn học thành tài. Ở cấp tiểu học, tôi có phần thưởng cuối năm về học hành xuất sắc. Thế mà khi thi tuyển vào trường công, tôi lại thi rớt. Đúng là học tài thi phận! Mẹ tôi lại phải xin cho tôi theo học trường tư thục Bồ Đề, Huế. Đóng được học phí tháng đầu tiên, lãnh bằng danh dự cuối tháng, nhưng bắt đầu tháng thứ hai, Mẹ tôi lại phải khăn gói quả mướp lặn lội đến trường xin khất học phí. Nhà trường cũng thông cảm. Nhưng đến tháng thứ ba, học phí vẫn chưa đóng khi đã hết hạn. Nhà trường không thể chấp nhận, nên chú thư ký cho gọi tôi lên văn phòng khi Mẹ tôi được nhà trường mời đến và báo tin „tôi bị đuổi học“… vì không đủ tiền đóng học phí. Thử mường tượng một đứa bé mười mấy tuổi như tôi hồi đó ngơ ngác khoanh tay đứng xớ rớ một góc trong văn phòng, không hiểu tôi có khóc hay không, nhưng nhìn Mẹ tôi khúm núm tay kẹp chiếc nón lá, miệng không ngớt năn nỉ nhà trường cho đóng học phí trễ và xin cho tôi „được“ học tiếp. Hồi đó chắc tôi không cảm nhiễm được nỗi thống khổ ê chề của Mẹ, nhưng tôi biết chắc chắn một điều là tôi thương Mẹ tôi lắm. Tôi kéo Mẹ tôi đi về… Nhưng trong bầu không khí ngột ngạt đó, bỗng có người lên tiếng hỏi về tình trạng học vấn của tôi. Nhân viên văn phòng cho biết, trong 2 tháng vừa qua, tháng nào tôi cũng đứng đầu lớp, cũng đều có bảng danh dự cả. Người quan tâm ấy chính là Thầy giáo Việt văn Tôn Thất Dương Tiềm, đang chờ đổi giờ để lên lớp. Thầy chỉ nói: „Thế à… Cứ cho em học tiếp xem sao. Học phí của em tháng này hãy trừ vào sổ lương của tôi!“. Trước khi lên lớp, Thầy quay qua nói với Mẹ tôi: „Bà hãy yên tâm về đi, tôi sẽ đề nghị nhà trường xét cấp học bổng cho những học sinh nghèo học giỏi, hạnh kiểm tốt!“. Thầy ân cần dắt tôi ra khỏi văn phòng và bảo tôi về lớp học. Tôi khóc rấm rứt, lí nhí cảm ơn Thầy không thành tiếng, dù niên học đó tôi không phải là học sinh của Thầy. Từ đó, tôi được nhà trường cấp học bổng miễn phí trong suốt 4 năm Trung học. Sau khi đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp tôi thi tuyển đậu vào trường Quốc Học để tiếp tục học chương trình Trung học đệ nhị cấp. Sau này, khi tốt nghiệp Cao Đẳng Nông Lâm Mục (tiền thân của Đại Học Nông Nghiệp bây giờ), tôi được bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng, có cuộc sống tương đối sung túc nhưng vẫn không bao giờ quên giai cấp nghèo khó của mình và tôi vẫn hằng nhớ ơn Thầy Tôn Thất Dương Tiềm. Mà „ơn đền, nghĩa trả“, tôi muốn kiếm Thầy để trả ơn, nhưng Thầy và người anh là Tôn Thất Dương Kỵ đã bị bắt vì hoạt động cho cộng sản và bị trao trả cho chính quyền cộng sản Hà Nội tại Bến Hải.

Sau cuộc đổi đời năm 1975, tôi đi tù cộng sản như hầu hết công chức, sĩ quan của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi tốt nghiệp trường „Đại Học Máu“ trong trại tù của Việt Cộng trở về tôi cũng có ý nghe ngóng tin tức của Thầy, nhưng vẫn biệt vô âm tín. Vì thế cho đến bây giờ tôi vẫn còn nặng lòng với mối ân tình của Thầy. Vì nếu không có Thầy can thiệp từ đầu thì không hiểu cuộc đời của tôi sẽ ra sao? Vâng, tôi mang món nợ ân tình quá lớn với Thầy Tôn Thất Dương Tiềm mà chưa trả được. Tôi muốn gặp Thầy một lần để nói lên lời cảm ơn chân thành nhất tự đáy lòng mình.

Trong thời gian làm việc, hằng năm các trường đều gởi văn thư đến các cơ quan xin phần thưởng cho các học sinh giỏi- giống như thời tôi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường- tôi luôn sẵn sàng ủng hộ, không hẳn chỉ là một nghĩa cử mà tôi coi như là một bổn phận phải đóng góp. Có lẽ hồi đó tôi chưa hiểu được ý nghĩa vi diệu về thuyết „vay, trả“ của nhà Phật. Nhưng tôi đã „vay“ một ơn nghĩa quá lớn, thì có một ngày nào đó tôi phải „trả“, phải đền đáp lại thôi!

Cũng trong thời gian này, năm 1964, trường Bồ Đề Hội An bắt đầu tiến hành xây cất, một vị tu sĩ- sau này tôi mới biết là Thầy Thích Như Vạn, trụ trì chùa Phước Lâm, Trưởng Ban Kiến Thiết Trường Bồ Đề Hội An thuộc Giáo Hội Phật Giáo VNTN tỉnh Quảng Nam, có đến gặp tôi và nhờ giúp đỡ. Hồi đó tôi còn quá trẻ, mới 25 tuổi, một Trưởng Ty trẻ nhất tỉnh Quảng Nam. Tôi đã can thiệp nhà thầu cung cấp gỗ cho nhà trường với giá miễn thuế và sau đó còn cho công nhân đến trồng cây bóng mát chung quanh trường. Sau này, nhà thầu còn lợi dụng uy tín của tôi để vụ lợi riêng, nên tôi cũng suýt gặp vài khó khăn.

Trong thời gian công tác tại Quảng Nam, tôi đã gặp và tiếp xúc với rất nhiều hạng người- trong đó có nhiều bà cụ già „khố rách, áo ôm“ khúm núm vào gặp tôi năn nỉ xin tha tội trốn thuế về mấy xe củi, mấy bao than… Thấy tình cảnh của các bà, tôi chợt động lòng nhớ đến thời kỳ tủi nhục của Mẹ tôi. Tôi đã ân cần mời bà cụ ngồi xuống và đề nghị nhân viên tha cho bà. Tại Quảng Nam tôi đã gặp nhiều trường hợp như thế và tôi không có giải pháp nào tốt đẹp và hợp lý hơn cho những người „buôn gánh bán bưng“, tôi chỉ yêu cầu họ đóng thuế theo luật định. Tôi vẫn nhớ lời Mẹ tôi căn dặn khi tôi đi nhận việc „con phải cầm cân, nẩy mực cho công minh“. Tôi lắc đầu thầm nói: „Mẹ ơi Mẹ, họ nghèo quá! Con không nỡ phạt họ được!“.

Mấy năm sau tôi chuyển công tác về Đà Nẵng, Thầy Thích Minh Tuấn, Hiệu Trưởng trường Bồ Đề có mời tôi đến phụ trách giảng dạy, tôi thưa với Thầy nếu tôi có dạy thì tôi cũng dành số tiền lương đó để cấp học bổng cho học sinh, nhưng vì bận nhiều công việc nên tôi chỉ xin cấp học bổng toàn phần cho một học sinh nghèo học giỏi của trường trong suốt thời gian trung học. Về điều này tôi xin Thầy giữ kín đừng tiết lộ cho ai hay…

Tôi bùi ngùi kể một đoạn đời riêng tư này cho Thầy Như Điển nghe, đêm nằm mơ thấy Mẹ khi tôi nhận được tin các em tôi đang chỉnh trang lại nghĩa trang gia đình. Thầy lắng nghe và cuối cùng Thầy ân cần hỏi ngay: „Anh có cần tôi giúp đỡ gì không?“. Tôi rất cảm động trước sự quan tâm chia xẻ của Thầy, nhưng tôi thành thật „cảm ơn Thầy, vì đây là điều hiếu đạo, phận làm con, con phải tự lo liệu lấy!“. Rồi Thầy nói đến điều mà tôi chưa hề nghĩ đến, là nhân quả nhãn tiền, những gì tôi đã nhận và lần lượt tôi phải đáp đền trong hiện kiếp…

Tôi cũng ưu tư không hiểu tôi đến với Chùa Viên Giác, gần gũi gắn bó với Thầy có đúng là một phần trong nhân duyên nhân quả này không? Nhưng dù sao, có lần tôi đã thưa với Thầy, sở dĩ tôi cộng tác lâu năm với Thầy, với Viên Giác phần lớn là tôi thương quý Thầy!

Thầy là người lúc nào cũng nhớ ơn và tìm cơ hội để báo ơn. Nên mỗi năm Thầy tổ chức một lần họp mặt những người cộng tác với tờ báo. Ngoài tiền lì xì, Thầy còn thanh toán chi phí di chuyển, vé xe lửa hạng 2. Từ đó, hằng năm các anh Vũ Ngọc Long từ Lichtenstein lên; Vũ Nam, Đan Hà từ Reutlingen tới; anh Từ Hùng Trần Phong Lưu và chị Quỳnh Hoa từ Saarlouis về; chị Hồng Nhiên và anh Thiện Căn Phạm Hồng Sáu từ Lingen/Elms tới; tôi- Phù Vân từ Hamburg về; Huy Giang Trần Ngọc Nam từ Schramberg lên, Bác sĩ Trương Ngọc Thanh từ Minden tới, Bác sĩ Tôn Thất Hứa từ Würzburg lên và tại địa phương Hannover có Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp, bác Thị Tâm Ngô Văn Phát, chị Lâm Yến Nga, anh Lương Hiền Sanh, anh Như Thân Hà Phước Nhuận. Những năm sau này, khi chùa mới xây xong còn có sự hiện diện của chị Lê Ngọc Tuyết, anh Lê Ngọc Châu từ München đến tham dự nữa.

Khổ nỗi, Thầy chỉ tổ chức họp mặt trong ngày „đông thiên lạnh giá“, nên hồi còn ở chùa cũ, buổi tối, bộ „tứ đại nhân bang“ Lưu Nhơn Nghĩa, Vũ Ngọc Long, Thị Chơn và Phù Vân phải co ro chun dưới gậm bàn thờ thì thầm tâm sự, vừa đốt thuốc liền tù tì vừa nghe tiếng máy phun hơi nóng kêu đinh tai nhức óc… Nhưng đó còn thời kỳ chùa thuê, làm gì có đủ phòng ốc cho khách thập phương. Tuy nhiên, trưa hay tối hôm sau Thầy đãi hết mọi người một bữa ăn thịnh soạn tại một nhà hàng Việt Nam, thường do anh Từ Hùng hay chị Nga chọn lựa. Điều đặc biệt là Thầy cũng tham dự „một bàn danh dự“ riêng với cổ phần chay thuần túy! Sau bữa ăn, lúc nào cũng có màn kể chuyện vui, chuyện tiếu lâm luân phiên… không ai có quyền „đắp mô“ cản trở lưu thông cả! Có lẽ đó là thời gian vui thú nhất, thông cảm, thương mến nhau nhất và tất cả đều một lòng cho tờ báo Viên Giác!

Từ hồi gia nhập gia đình Viên Giác, tôi đã ngưng viết cho Lửa Việt, Làng Văn (Canada) và ngay cả tờ báo Độc Lập tại Đức cũng vậy. Từ niềm say mê văn học, tôi dành hết tâm huyết để xây dựng cho tờ báo Viên Giác.

Tôi biết, tờ báo Viên Giác là một phần lẽ sống của Thầy Như Điển, cho nên mỗi lần nếu có dịp Phật sự xa Thầy đều mang tờ báo đi theo để giới thiệu và kêu gọi mọi người vừa viết bài vừa gởi tiền ủng hộ tờ báo.

Từ lòng đam mê văn học, Thầy đã viết bài thường xuyên cho các số báo; nhờ vào uy tín của Thầy nhiều cây bút nổi tiếng đã cộng tác với tờ báo. Từ đó nội dung của tờ báo trở nên phong phú hơn và độc giả khắp nơi rất hài lòng. Cho dù khi Bộ Nội Vụ liên bang, sau 25 năm không còn tài trợ nữa, tờ báo Viên Giác vẫn tự tồn tại và phát triển.

Trong thập niên đầu, tờ báo Viên Giác được hình thành là do chị Nga đánh máy toàn bộ, anh Thị Chơn phụ trách kỹ thuật „cắt dán“. Lắm lúc trong khi làm „thợ mã“ có cơn gió vô tình thổi qua bay mất một vài phần… tìm hoài không thấy. Thôi kệ, cứ „dán“ tiếp, nên khi báo in ra, tác giả la làng ỏm tỏi… vì khúc giữa đã bị „cuốn theo chiều gió“ rồi! Từ khi chùa trang bị hệ thống computeur thì phần kỹ thuật trang trí tờ báo ban đầu do anh Thị Đạo Ngô Ngọc Trung (Lâm).

Về chuyện in báo thì ôi thôi có bao nhiêu chuyện xảy ra. Khi Thầy xin được và chở về chùa cái máy in „đồ sộ, gồ ghề“ như con trâu cui có tuổi đời cũng đã hơn 40 năm. Ai cũng hoan hỷ khi nhân viên kỹ thuật người Đức chỉ dẫn cách sử dụng. „Ja, ja. Alles klar“- Vâng, vâng. Tất cả đều rõ ràng. Nhưng sau một thời gian ngắn, cái máy in trở “bệnh”. Từ Thầy trụ trì, đến bác Năm Phát và vài anh em ra công “tắm rửa”, cho dầu mỡ, mực in vào đầy đủ… máy in cũng nhất quyết “đình công” không chịu làm việc nữa, chỉ xin về hưu thôi ! Mỗi lần gọi “bác sĩ kỹ thuật” tới tốn kém không ít. Tôi thông cảm về cơn bệnh “già nua” của cái máy in này, và cũng thông cảm với Thầy về lòng mê say văn hóa rước của nợ vào thân. Bởi vì trong thời gian tôi thực hiện tờ báo VietHamb tại Hamburg, cũng có cái máy in cũ “nặng nề” cồng kềnh như con bò mộng xin được từ tờ Tuần báo Die Zeit do bà Ilse Rüzel, đỡ đầu cho người Việt địa phương chở về, cũng đã làm reo anh em chúng tôi bao nhiêu năm như thế!

Sau này, chùa mua lại cái máy in khác, cũng cũ, nhưng còn hoạt động khá tốt; lại có mấy anh em Đông Âu đang công quả trong chùa, nên chùa cũng in được nhiều tác phẩm văn hóa. Tuy nhiên, khi các anh em Đông Âu ra riêng hay xin trở về Việt Nam, Thầy Thích Hạnh Tấn, trụ trì thời gian đó quyết định đình chỉ “nhà in chùa” vừa tốn công và tốn kém hơn khi giao tờ báo Viên Giác cho nhà in Đức bên ngoài.

Cũng trong năm 1986, Chính phủ Đức muốn thành lập Giáo Hội Phật Giáo tại Đức bao gồm các quốc gia theo đạo Phật như Việt Nam, Thái Lan, Tây Tạng, Miến Điện, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Ấn Độ, Sri Lanka; nên Giáo Hội Phật Giáo/VNTN tại Đức cũng được mời tham gia, trong đó có cả tổ chức của Vietnamesisches buddhistisches Bewegungszentrum tại München. Tổ chức này có liên hệ mật thiết với Hội Việt-Đức và lại có quan hệ với chính quyền CS Việt Nam. Giáo Hội Phật Giáo Đức trong tương lai nếu có đủ 40.000 tín đồ thì sẽ được hưởng những quy chế và quyền lợi như Giáo Hội Thiên Chúa Giáo. Giáo Hội PG/VNTN có nhiều tín đồ nhất, nếu gia nhập thì sẽ vượt túc số ấn định. Tuy nhiên, trong buổi họp chung tại Hamburg, tất cả đều không đồng ý tham gia nếu có sự hiện diện của tổ chức Bewegungszentrum nói trên, lý do là Phật tử tỵ nạn không chấp nhận sinh hoạt chung với những người có quan hệ với chế độ CSVN. Tôi, với tư cách là Chi Hội Trưởng Phật Tử Việt Nam tại Hamburg cùng với đạo hữu Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp, là Hội Trưởng Hội Phật Tử VNTN Đức Quốc, đã tổ chức cuộc biểu tình ngồi yên lặng cầu nguyện trước cửa Đại Hội, đưa thỉnh nguyện thư yêu cầu Đại Hội không chấp thuận cho tổ chức nói trên gia nhập. Thực ra, khi Giáo Hội PG/VNTN không gia nhập thì tổ chức này cũng đương nhiên bị loại ra ngoài „vòng chiến“ rồi! Tuy nhiên chúng tôi muốn nói lên chính kiến, chính nghĩa và lập trường quốc gia của người Phật tử nói riêng và cho cộng đồng người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản nói chung. Tôi còn nhớ, trước khi rời phòng họp Thầy kéo tôi ra riêng dặn dò „Nhớ ngủ sớm, đừng nói chuyện nhiều! Thị Chơn nói nhiều quá nên không… mập nổi“. Vì mang Pháp danh của Thầy đặt cho là „Thị“, lại thêm cái tên là Ngọc Diệp thì chắc chắn ai cũng nghĩ rằng “Thị Chơn là con gái“! Thế cho nên, trong thời gian tôi làm Chủ Bút có nhiều chàng viết thư đến hỏi thăm… nàng Thị Chơn. Nhiều đến nỗi, tôi phải trả lời chung trong mục „Trả Lời Thư Độc Giả“ Thị Chơn là một Ưu Bà Tắc, là một đấng thiện nam tử!

Sau biểu tình, tôi viết một bài phóng sự „Em Không Cộng“. Văn tếu với nhiều trích dẫn thơ văn, ca dao tục ngữ… chữ nghĩa văn chương gây ấn tượng về đời thường. Lời thanh, ý tục! Sau khi báo phát hành, một thời gian sau chùa nhận được đơn khởi tố tác giả viết phóng sự nói trên về mười mấy tội danh mạ lỵ, vu khống bà Tiến sĩ lãnh đạo tổ chức Bewegungszentrum nói trên là cộng sản. Chúng tôi bắt đầu dịch bài viết, tập trung sách báo, tài liệu liên hệ gởi đến cho luật sư của chùa để chứng minh cho những điều đã viết. Cho đến khi luật sư công tố viện của Hannover yêu cầu Thầy Chủ nhiệm phải cho biết đích danh của tác giả, Thầy báo tin cho tôi hay và trấn an tôi là cứ yên tâm ra tòa khi cần; mọi chi phí chùa sẽ thanh toán cả. Tôi chuẩn bị sẵn sàng đứng trước vành móng ngựa, nhưng lòng lại buồn rười rượi vì mình chưa làm gì có lợi cho chùa mà chùa phải lo mọi chi phí. Bẵng đi một thời gian khá lâu, một buổi tối Thầy điện thoại báo tin cho tôi rằng, vì đơn khiếu nại không có hiệu lực sau khi tờ báo đã phát hành trên 3 tháng, nên vụ kiện trên bị hủy bỏ. Tôi thở phào nhẹ nhỏm trút được gánh nặng, vì việc làm thiếu kinh nghiệm, xém đem lại thiệt thòi cho chùa. Tôi đã tuồn tuột lôi tên bà ta trên mặt báo! Bà ta không kiện mới là điều lạ chứ! Nhưng điều đó cũng không đáng trách, vì hồi đó tôi và Vũ Ngọc Long còn trẻ, lòng còn mang nặng nỗi hận thù vong quốc!

Tôi ghi lại điều này để tự nhắc nhở mình trong mọi việc, trong khi viết lách – khi viết cần phải biết lách để tránh gây ân oán giang hồ, tránh va chạm kiện tụng. Tôi ghi lại điều này để ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của Thầy đến những người cộng tác, ngay cả những người như tôi chưa đóng góp được gì nhiều trong giai đoạn đó.

Cũng trong giai đoạn này Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm đến lãnh đạo tinh thần Phật tử Hamburg từ năm 1984, tôi cũng tham gia trong Ban Chấp Hành Chi Hội Phật Tử, giúp Sư Bà kiến tạo từ Tịnh Thất Bảo Quang, đến Niệm Phật Đường, cuối cùng là Chùa Bảo Quang; tôi mới thực sự bắt đầu làm người học đạo, học kinh, trì tụng kinh chú, đặc biệt theo học khóa thực hành chuông mõ đầu tiên do Sư Bà hướng dẫn để những buổi lễ Phật kế tiếp tôi cùng với anh Nguyễn Ngọc Đường, cựu huynh trưởng GĐPT nhận vai trò duy na duyệt chúng. Sau này Sư Bà mở tiếp các khóa chuông mõ cho các cháu tham gia, chúng tôi mới được thảnh thơi.

Có thể nói, đây là duyên khởi Sư Bà đưa tôi đến cửa Thiền môn; cũng như Thầy Như Điển đưa tôi vào làng báo chí.

Tuy nhiên có một câu hỏi của nhiều người cũng như Sư Bà đã hỏi tôi: „Tại sao tôi cộng tác với Thầy Như Điển lâu dài như vậy, trong khi với cộng đồng người Việt, với Chi Hội Phật Tử và ngay cả với Trung Tâm Văn Bút Âu Châu tôi chỉ cộng tác khoảng trên dưới 10 năm?

Câu trả lời thật ra cũng đơn giản thôi, với cộng đồng người Việt tôi cũng đã có nhiệm vụ đóng góp trong vấn đề xã hội, văn hóa, chính trị ngay bước đầu tiên; với Chi Hội Phật Tử NVTN và chùa Bảo Quang Hamburg tôi cũng tham gia trong những ngày đầu xây dựng, đã đóng góp phần xã hội, văn nghệ, tổ chức tu học…; với Trung Tâm Văn Bút Âu Châu, tôi cũng đã tham gia trong Ban Chấp Hành trong 4 nhiệm kỳ. Tôi xin tạm ngưng hoạt động vì tôi không đủ thì giờ và khả năng để cùng gánh vác trọng trách hai bên, dù rằng hoạt động văn hóa là con đường tôi đã chọn. Và tôi chỉ chọn Viên Giác, có Trung Tâm Văn Hóa và Xã Hội của Giáo Hội PG/VNTN, có tôn giáo của tôi, có cả phần văn hóa, chính trị nữa…

Ngoài ra Thầy với tôi cùng đồng điệu, đồng quan điểm và đồng sở thích. Chỉ khác một điều: Thầy là người của quần chúng, còn tôi là người của hậu trường sân khấu.

Thầy có óc tổ chức, khi giao việc cho ai thì Thầy đặt hết tin tưởng vào người đó, cho họ có quyền hạn để hoạt động. Khi Thầy và các cộng sự viên bầu tôi làm chủ bút (1996), Thầy để tôi được quyền quyết định trong phạm vi quyền hạn. Với tấm lòng cởi mở, với chủ trương hòa đồng tôn giáo vốn có nên người ta không ngạc nhiên khi thấy Thầy và Sư huynh Hà Đậu Đồng là những người bạn tâm giao từ hồi còn du học ở Nhật, thường xuất hiện chung trong nhiều buổi lễ của cộng đồng. Vì thế Thầy rất hoan hỷ khi tôi mời một số tín hữu Thiên Chúa Giáo vào cộng tác như ông bà Tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi và Tường Lam, Giáo sư Vũ Ký, anh Phan Ngọc Minh, Giáo sư Võ Thu Tịnh, Sư huynh Hà Đậu Đồng, Họa sĩ ViVi Võ Hùng Kiệt, anh Lê Ngọc Châu, anh Nguyễn Quý Đại; có người tôi còn giao trọng trách giữ những mục chính trong tờ báo.

blank

HT.Thích Như Điển và Sư Huynh Hà Đậu Đồng trong ngày khánh thành Tượng Đài 12.9.2009 tại Hamburg

Tôi thường ra Tượng Đài Thuyền Nhân Việt Nam tại cảng Hamburg chiêu niệm linh hồn những người uổng tử đã bỏ mình trên biển cả trong những chuyến vượt biển tìm tự do. Hình ảnh của Thầy Thích Như Điển và Sư huynh Hà Đậu Đồng cùng chung cầu nguyện trong buổi lễ khánh thành Tượng Đài vẫn là một hình tượng có giá trị tâm linh thật cao quý. Tôi vẫn còn nhớ lời Linh Mục Tuyên úy Nguyễn Trung Điểm, phụ trách Mục Vụ của các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam miền Bắc Đức trước đây, vẫn thường khẳng định rằng, là ngay từ buổi ban đầu nhờ vào tinh thần hòa đồng tôn giáo của tôi và anh Huỳnh Thoảng- là hai “Ông Trùm” của Chi Hội Phật Tử Việt Nam và Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hamburg; nên không khí thân thiện hòa ái của cộng đồng người Việt nơi đây vượt trội hơn các nơi khác! Anh Huỳnh Thoảng với tôi cũng là đôi bạn thân, ít ra cũng trên 30 năm, nào có khác chi Thầy và Sư huynh Hà Đậu Đồng. Âu đó có phải là một trùng hợp ngẩu nhiên không?!

Thầy có lòng quan tâm đến nền văn hóa dân tộc. Là người viết văn, dịch kinh sách nên Thầy quý mến anh chị em cầm bút. Sau khi Thầy không còn giữ chức trụ trì cũng như chỉ giữ vai trò sáng lập chủ nhiệm để dành nhiều thời gian cho văn hóa dân tộc, chuyên tâm dịch thuật và nghiên cứu kinh điển. Sau nhiều năm họp Ban Biên Tập, tôi thấy công việc có thể liên lạc trực tiếp qua điện thoại, nên tôi đề nghị với Thầy một giải pháp khác để „cảm ơn các cộng sự viên“ như Thầy mong muốn, bằng cách cuối năm Thầy gởi thiệp Chúc Mừng Năm Mới. Ban đầu Thầy cũng ái ngại là cách hành xử như vậy có lịch sự không so với cách gặp nhau để cảm ơn trực tiếp ? Nhưng ngược lại, với phương cách này Thầy có thể gởi thiệp cảm ơn cho hầu hết những cộng sự viên ở các quốc gia khác. Lần đầu tiên nhận được thiệp của Thầy, nhiều người đã điện thoại hay email vui mừng lẫn ngạc nhiên hỏi thăm tôi lý do. Có người trước nay đâu có biết Thầy, chưa gặp mặt Thầy, chưa có cảm tình sâu đậm với Thầy; hoặc ngay cả những người không bằng lòng với Thầy khi họ đọc những email vu khống Thầy… Trong những trường hợp sau này, tôi không giải thích hay xác minh gì cả, chỉ yêu cầu bản thân các thân hữu hãy tự tìm hiểu chứ đừng nghe những gì người khác viết hay nói, hãy cố gắng tìm đọc các tác phẩm của Thầy cũng như theo dõi những bài viết của Thầy ở báo Viên Giác cũng như trên các trang mạng internet, theo dõi những bài thuyết pháp của Thầy khi Thầy dẫn phái đoàn của Giáo Hội PG/VNTN đi hoằng hóa nhiều nơi ở các châu lục. Nếu các thân hữu nhận thấy trong các bài viết, trong các bài Pháp hay trong sách của Thầy có đoạn nào làm lợi cho CSVN thì hãy kết luận cũng không muộn…!

Tôi đã học được nơi Thầy hạnh nhẫn nhịn, buông xã. Những thị phi, nhân ngã rồi cũng theo thời gian sẽ được xác minh; chỉ thương cho những người sân si quá nặng, chẳng biết đến kiếp nào mới thoát được nghiệp chướng trầm luân!

Thầy cũng không có tâm phân biệt, không những chỉ giúp in sách cho những cây bút cộng tác thường xuyên với tờ báo Viên Giác in sách như Trần Thị Nhật Hưng, Vũ Nam, Vũ Ngọc Long, Đan Hà, Huy Giang, Phù Vân, Tùy Anh, Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa, Lý Phách Mai, Hoa Lan… mà Thầy còn in giúp cho các nhà văn khác như Hồ Trường An (Pháp), Nguyễn Ang Ca (Bỉ), Đặng Văn Nhâm (Đan Mạch), Nguyễn Tấn Hưng (Hoa Kỳ), Lê Thị Bạch Nga (Canada), Phạm Thăng (Canada), Inna Thiện Xuân (Nga).

Ngoài ra tuy không liên hệ gì đến Trung Tâm Âu Châu/Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, nhưng khi tôi đại diện Trung Tâm VBÂC xin Thầy in giúp sách, Thầy đã hoan hỷ in cho Trung Tâm 2 cuốn Đặc San Văn Bút Âu Châu 2 (năm 1994) và Văn Bút Âu Châu 3 (năm 1996). Trong kỳ Đại Hội Đồng ngày 29 và 30 tháng 4 năm 2000 để tưởng niệm Ngày Quốc Hận, là khách danh dự Thầy đã hứa sẵn sàng in cuốn Đặc San Văn Bút Âu Châu 4. Nhưng rất tiếc Ban Chấp Hành của nhệm kỳ đó không ai tiến hành cả!

Thầy cũng đã giúp cho Nhóm „Những Cây Bút Nữ“ in được 2 tập Những Cây Bút Nữ 1 (2008) và 2 (2014); và Thầy cũng nhắn nhủ riêng với tôi „Khi còn có tôi, anh hãy cố gắng giúp và vận động các cô trong Nhóm sáng tác để có thể sớm phát hành cuốn Những Cây Bút Nữ 3“. Câu nói đã thể hiện tấm lòng quảng đại vừa muốn giúp cho các cây bút vươn lên, vừa tạo cơ hội phát triển văn học Việt Nam.

Điểm nổi bật là Thầy không những chỉ quan tâm đến những anh chị em cộng tác với tờ báo từ khi sống mà Thầy còn lo cho gia đình họ khi mai táng. Cụ thể như trường hợp Vũ Ngọc Long, cộng tác với tờ báo Viên Giác khoảng 10 năm. Những bài tham luận chính trị của anh đã gây một tiếng vang lớn. Tại quê nhà, chính quyền cộng sản đến làm khó dễ gia đình bà chị. Tại Lichtenstein, nơi cư trú của anh tại Đức, anh cũng bị quấy nhiễu bằng điện thoại hay thư hăm dọa. Tiếc rằng, vì một bất đồng không quan trọng, anh với Thầy lại chia tay nhau trong một hoàn cảnh không mấy tốt đẹp. Tuy nhiên, khi nghe tôi báo tin anh Vũ Ngọc Long đã tử nạn xe hơi vào ngày 11.12.1995, Thầy hết sức xúc động và dành thì giờ để chủ lễ cho đám tang anh Vũ Ngọc Long tại Reutlingen vào ngày 15.12.1995.

blank

(Phù Vân viếng mộ phần Vũ Ngọc Long, 12.10.2008)

Vũ Ngọc Long vừa là bạn, vừa là đứa em văn nghệ của tôi. Long là người có tài, là ký giả thứ thiệt tốt nghiệp Ban Báo Chí Trường Đại Học Vạn Hạnh năm 1972, viết cho các tờ báo, Sống, Sóng Thần… hồi còn ở Việt Nam. Long ra đi để lại 2 đứa con thơ còn tuổi vị thành niên.

Trong lễ tang, tôi đã đọc bài điếu văn cho Long, có đoạn như sau:

Long ơi,

Con cháu còn đây, người thân còn đây

Bạn Thầy còn đó

Anh ở nơi nào trong cõi hư vô

Kẻ ở người đi, âm dương cách trở

Biết bao giờ gặp lại nhau trên chốn sông hồ!

Hương trầm đây, nấm mộ đây!

Muôn nghìn kiếp cũng từ đây

thăm thẳm biết bao giờ trở lại

Chín suối đâu, Niết Bàn đâu?

Long ơi,

Nếu có linh thiêng xin về chứng giám!

(Điếu văn đọc trong ngày tang VNL ngày 15.12.21995 tại nghĩa trang Unter den Linden/Reutlingen)

Trong lễ giỗ 10 năm vào tháng 10 năm 2005 tại niệm Phật Đường Tam Bảo, anh em Văn Bút chúng tôi (Vũ Nam, Đan Hà, Phù Vân) về Reutlingen tham dự. Vào tháng 10.2008 tôi lại về Reulingen, ngôi mộ của Vũ Ngọc Long vẫn còn đó. Nhưng đến nay (tháng 3.2014), do linh ứng hay sao, tôi điện thoại cho người bạn văn là Đan Hà nhắc nhở vào thắp ba nén hương tưởng niệm cho Long thì ngôi mộ đã dời đi nơi khác? Hay là quá 15 năm gia đình không gia hạn nên chỗ đất nghĩa trang đã được bán cho người khác! Tiếc thương thay! Hai cháu Chinh, Phương- con của bạn tôi giờ chẳng biết lưu lạc nơi nào!

blank

Vũ Nam, cháu Chinh, Huỳnh Thoảng, Nguyễn Hữu Hậu, cháu Phương và Phù Vân tại Niệm PĐ Tam Bảo

blankRồi tôi lại có dịp theo Thầy tham dự đám tang của Bác Quang Kính. Phật tử khắp nơi đều quen biết Bác – quen Bác qua tiếng còi giữ trật tự trong các buổi lễ, biết Bác trong những bài Thơ Cổ Động trong các giai đoạn xây chùa Viên Giác. Bác Quang Kính Nguyễn Thị Viên, Pháp danh Viên Mãn đã bình an về cõi A Di Đà giữa mùa hè năm 1998. Trong đám tang ngày 13.6.1998 tại nhà nguyện Laatzen/Hannover, tôi đã đọc tặng Bác bài thơ:

Bác Quang Kính ơi,

nghe tin Bác mất rồi

Giữa mùa hè mưa rơi

Lòng tôi buồn biết mấy

Nói năng chẳng nên lời!

Dù đời là ảo mộng

Lòng không khỏi ngậm ngùi

Ba nén hương hồi tưởng

Thương nhớ Bác bồi hồi.

Này Bác Quang Kính ơi,

Từ nay xa nhau rồi

Mấy vần thơ viết vội

Lòng tôi buồn khôn nguôi!

(Tùy Anh: Mấy vần thơ viết vội)

Rồi đến đứa em văn nghệ của tôi, Huy Giang Trần Ngọc Nam, gốc Thủy Quân Lục Chiến, sính thơ văn, cũng nhắm mắt xuôi tay trước cơn bệnh hiểm nghèo vào ngày 24.6.2004. Tôi là người ít tháp tùng với Thầy trong các chuyến Phật sự, nhưng tôi lại theo Thầy trong hầu hết các đám tang của văn hữu. Lần này tôi cùng Thầy trên cùng một chuyến xe về „phố nhỏ“ Schramberg để làm lễ tang cho Huy Giang.

Xót thương thay!

Sinh bất phùng thời, tử lìa cố thổ.

Phận làm trai trong thời tao loạn, xếp bút nghiên xuôi ngược kiếp chinh nhân;

Thân lính chiến giữa cõi hồng trần, vững tay súng nào sá chi gian khổ!

Hiến thân cho nước, son sắt một lòng;

Trả nghĩa cho dân, tuyết sương mấy độ !

Hơn nửa đời bươn bả, lội suối băng ngàn, bốn Vùng Chiến Thuật, quyết giữ an nguy tổ quốc, tránh họa xâm lăng;

Trọn một kiếp bôn ba, dầm mưa dãi nắng, ba cõi biên cương, thề bảo vệ hạnh phúc lương dân, diệt loài khủng bố!

Rày đây mai đó, phiêu bạt dấu giày,

Chẳng quản đêm ngày, một thân lao khổ!

(Điếu văn cho Huy Giang trong ngày tang 29.6.2004)

Sau đó tôi còn viết bài Tâm bút „Phố Nhỏ vắng người Ngựa Phi Đàng Xa“ và bài thơ „Đếm những muộn phiền“ để tưởng niệm người em kết nghĩa:

Ngẩn ngơ dáng núi vô tâm

Tôi về phố nhỏ âm thầm gọi tên

Thôi đành, em một phương quên

Còn tôi đếm những muộn phiền qua tay.

Chia nhau một chút thương này

Cho vơi nỗi nhớ, cho đầy tình thương

Như con chim hót trong sương

Thương đời vô nhiễm, xót đường trầm luân!

Một mai giữa cõi phù vân

Nghe trong phấn bụi hồng trần hợp tan.

Một mai giữa cuộc điêu tàn

Ngu ngơ nghe lá cuối ngàn rụng rơi.

Từ trăng vô lượng lưng trời

Lửng lơ nỗi nhớ, đầy vơi mạch sầu!

Từ trong hư ảo cơ cầu

Thấy em trên bến giang đầu quê hương!

Chắp tay niệm khúc vô thường

Trầm hương bát nhã mười phương độ trì

Ngọn triều giữa buổi tà huy

Xóa tan chứng tích kinh kỳ ngày xưa.

Buồn ơi ray rứt cơn mưa

Bóng em, dáng núi vẫn chưa xóa nhòa!

Em đi như buổi xa nhà

Em về vẫn bóng hoàng hoa bên tường!

Em, trong cội rễ tình thương

Âm dương đôi ngả vẫn thường có nhau…

(Tuỳ Anh - Đếm những muộn phiền, 2004)

blank

Huy Giang: một góc nhỏ thơ văn

Nỗi buồn phiền ân hận thêm chồng chất khi tôi được Thầy từ Úc báo tin, anh Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa bệnh trở nặng và Thầy khuyên tôi nên cố gắng thu xếp công việc để qua Úc thăm bạn. Tôi điện thoại cho anh Lưu Nhơn Nghĩa và được anh cho biết tuần tới anh vào bệnh viện để chuyền tủy sống, chưa biết kết quả ra sao. Nhưng anh vẫn giọng khôi hài nói với tôi: „Nếu anh không qua, thì tôi sẽ không chờ anh được đâu!“. Tôi dứt khoát và nhắn nhủ với anh, anh hãy cố gắng chiến đấu dũng mãnh với cơn bệnh trầm kha và tôi hứa sẽ qua thăm anh sau khi tôi hoàn tất số báo Viên Giác vào tuần đầu tháng 10.2007. Nhưng anh đã không chờ đợi tôi và ra đi vào ngày 27.9.2007. Tôi thành thật cảm niệm ân Thầy và rất ray rứt bất an vì đã không đến với bạn tôi lúc còn sống. Tôi hủy vé máy bay và luôn nhớ nghĩ đến người bạn vẫn luôn an nhiên tự tại dù trải qua một đời bầm dập:

Như con nước chảy vào lòng kinh Xáng

Như lời văn bình thản chảy trong hồn

Anh đã đến trong tiếng cười tâm lượng

Rồi lại đi trên đợt sóng vô thường.

Ngày, an lạc với tình người Châu Đốc

Đêm, an vui cùng rơm rạ sóc Miên

Anh bình dị như trăm loài thảo mộc,

Lòng đơn sơ như dân dã khắp miền.

Ừ thuở đó, mới đây thành miên viễn

Anh đi rồi, người cũng lại hóa duyên

Trăm sông nước cũng luân lưu về biển

Đời bao dung cũng hóa giải muộn phiền.

Từ giã nhé, cuộc đời đầy huyễn mộng

Đời thư sinh, màu áo trắng hoang sơ

Nghe trong nắng có tiếng cười lồng lộng

Mà âm vang nghe lạnh cả hư vô…

(Tùy Anh - Trên từng đợt sóng vô thường, 20.10.07)

Năm sau, lại thêm một cái tang, một nỗi mất mát lớn nhất cho văn đàn Việt Nam hải ngoại là Giáo sư Vũ Ký, nhà nghiên cứu, biên khảo văn học Việt Nam đã từ giã cuộc đời để vĩnh viễn về cõi Vĩnh Hằng vào một ngày mùa đông ảm đạm 14.11.2008. Lần này chỉ một mình tôi đáp tàu lửa đến Bruxelles để kịp tham dự lễ tang ngày 21.11.2008 do Linh Mục Joan Nguyễn Hùng Lân chủ tế.

blank

(LM. Nguyễn Hùng Lân, chủ tế đám tang cố Gs Vũ Ký)

Đây là lần thứ ba tôi đến với anh, nhưng anh đã mãi mãi thành người thiên cổ. Trong không khí trang nghiêm đượm màu tang buồn thảm, trong tiếng kinh cầu nguyện thổn thức tiếc thương, tôi chợt lắng lòng nghe những lời dặn dò của anh thuở nào. Than ôi:

Đã hẹn nhau rồi, sẽ gặp nhau

Nào hay biền biệt chốn giang đầu

Em còn ngóng đợi nơi biên ải

Anh đã đi ngoài cuộc bể dâu.

Từ thuở còng vai mang thánh giá

Dốc lòng gánh hết tội nhân gian

Anh về trong cõi thiên đàng lạ

Em đến theo lời gọi phúc âm.

Vương vấn lời kinh, vương vấn buồn

Lòng thêm trăm nhớ với ngàn thương

Khói hương trầm khuất hồn phiêu bạt

Hàng nến cư tang lạnh giáo đường.

Hãy lắng lòng nghe lời cứu chuộc

Với lời thệ nguyện giữ điều răn

Như là điều chứng đầy ân phước

Như chuyện nhân gian lấm bụi trần.

Lời cuối này anh, lời phó thác

Lệ buồn đẩm ướt cả kinh thư

Bao nhiêu hoài bão, bao khinh bạc

Cũng bỏ ngoài tai lẽ thật hư !

...

Cánh hạc bay vào thời sáng thế

Rừng xưa đánh mất dấu chân như

Nắng hanh vàng võ nơi trần thế

Thôi thế em đành xa thảo lư !

Tâm sự đầy vơi ngày lại ngày

Bên trời vong lữ chỉ mình hay

Anh đi để lại bao niềm nhớ

Lồng lộng lưng trời cánh vạc bay !

(Tùy Anh - Hàng nến cư tang lạnh giáo đường)

blank

H.T Thích Như Điển (phải), Giáo sư Vũ Ký và

Họa sĩ Vũ Hối tại Bruxelles, 14.9.2002

Tôi xin phép Linh Mục Nguyễn Hùng Lân cho tôi đọc lời phân ưu của Hòa Thượng Thích Như Điển gởi cho gia đình tang chủ lời tâm tình với người quá cố:

Chúng tôi đang ở Úc nghe tin buồn Giáo sư Vũ Ký đã thuận thế vô thường ra đi về cõi Vĩnh Hằng vào ngày 14.11.2008, thượng thọ 88 tuổi.

Riêng tờ báo Viên Giác đã được xuất bản tại Hannover đã hơn 30 năm nay và trong 30 năm đó Giáo sư ít vắng bóng lần nào đóng góp bài vở cho tờ báo Viên Giác. Giờ đây Giáo sư đã ra đi nhưng những gấm hoa của văn chương mà Giáo sư đã dệt cho đời, ngày nay vẫn còn để lại đó; nếu đời sau có ai lật lại những trang sử cũ, sẽ thấy được hình bóng của người xưa.

Xin chắp tay nguyện cầu cho hương linh của Giáo sư luôn được sống nơi cõi Vĩnh Hằng và xin thành thật chia buồn cùng với gia đình và tang quyến về sự mất mát to lớn nhất trong cuộc đời của mình.

Kính nguyện,

(Thích Như Điển, trích thư „Vĩnh biệt Gs.Vũ Ký“)

Năm 2003 nhân 25 năm báo Viên Giác, Thầy đã trao truyền chức trụ trì cho Thầy Thích Hạnh Tấn, tuyên bố trở về vị trí của vị Hòa Thượng khai sơn; đồng thời rút về vai trò của vị sáng lập chủ nhiệm, giao lại cho tôi điều hành tờ báo. Tôi không dám nghĩ rằng Thầy đã có cái nhìn thông thoáng về niềm đam mê văn hóa của tôi cũng giống như Thầy; mà Thầy còn tin tưởng về tinh thần và ý thức trách nhiệm của tôi đối với mọi công việc. Tuy nhiên, tôi với Thầy gần gũi làm việc chung trong suốt hơn 30 năm thì niềm tin cậy đến với nhau một cách tự nhiên mà thôi.

Từ đó Thầy thong dong hằng năm dành 3 tháng để hoằng pháp ở Ấn Độ và 3 tháng nhập thất tại tu viện Đa Bảo, Úc châu để viết sách, dịch kinh. Số lượng sách, kinh Thầy viết trong giai đoạn 10 năm này không phải là ít và điều đó không phải ai cũng có khả năng làm được nếu không có một số kiến thức sâu rộng và một số vốn liếng sinh ngữ khả dĩ đáp ứng cho công việc sáng tác và dịch thuật.

Khi sách đã được phát hành, thì quần chúng có quyền bình phẩm. Khen chê là lẽ thường. Sách dịch thuật về kinh điển có thể là rất khó hiểu, nhưng hãy cố gắng đọc và chiêm nghiệm. Ít ra khi xấp sách lại, chúng ta cũng tìm được một ý tưởng hay, một thái độ sống, một cách hành xử thích đáng, một số triết lý nhà Phật mà chúng ta không có cơ hội học hỏi… Vì vậy không nên tìm trong những tác phẩm văn học hay dịch thuật của Thầy những áng văn chương mềm mại như nhung lụa, bởi Thầy luôn khiêm hạ tự nhận mình "là con nhà nông dân xứ Quảng Nam hiền hòa, được nuôi dưỡng trong một cuộc sống đơn sơ chất phác, nên lời văn cũng vụng về, mộc mạc; vì tôi không phải là nhà văn mà chỉ là một người thích ghi lại cảm xúc của mình".

Thầy nói rất thật, viết rất thật về nguồn gốc „chân quê“ của Thầy mà không sợ ai chê cười cả. Cái hay là ở đó, cái xuất sắc hơn người là ở đó. Cái công khai quá khứ nghèo khó của gia đình nông dân xứ Quảng của Thầy, với tôi đó là điểm sáng chói làm rực rỡ thêm đạo hạnh của Thầy.

Có người hỏi tôi trong quá trình viết cho Viên Giác tại sao không thấy tôi viết bài nào ca tụng Thầy Như Điển cả? Tôi cũng chỉ đơn giản trả lời „hữu xạ tự nhiên hương“. Hương của người tài đức sẽ thơm ngát bốn phương dù thuận hay nghịch chiều gió. Ngược lại, tôi sẽ không có phương tiện thiện xảo nào để tô lục chuốt hồng hay đánh bóng, thổi phồng Thầy lên được, nếu Thầy không đủ tài đức và đạo hạnh hơn người. Huống chi Thầy đã nổi danh trên thế giới từ lâu, không những chỉ về phương diện truyền bá đạo pháp cho người bản xứ, tạo nền móng vững chắc về sự phát triển Giáo Hội Phật Giáo/VNTN ở hải ngoại; nên Thầy và cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm được Hội Đồng Tăng Già và Thủ Tướng chính phủ Sri Lanka trao bằng danh dự vào năm 2011. Thầy còn được nhiều giới trên văn đàn biết đến qua nhiều bài nghiên cứu Phật Giáo và đặc biệt qua khối lượng tác phẩm Thầy đã sáng tác, dịch thuật kinh điển cũng như qua chương trình hoằng pháp nhiều năm liên tục từ Âu, Mỹ, Úc, Canada…

Tuy nhiên, nhận định về những tác phẩm của Thầy Như Điển, cố Giáo sư, nhà biên khảo văn học Vũ Ký tại Vương Quốc Bỉ cho rằng „Hòa Thượng Thích Như Điển tuy không nhận mình là người làm văn hóa, nhưng qua những tác phẩm của Hòa Thượng lại chứng tỏ rằng Hòa Thượng không những là một nhà văn có kiến thức cao rộng về văn học Việt Nam; mà còn có hiểu biết thâm sâu về Phật học… Thầy còn có tư tưởng phóng khoáng nhìn xa về sự phát triển Phật giáo trong tương lai qua chương trình đào tạo tăng tài. Từ đó Phật giáo Việt Nam được thế giới nể trọng hơn…“.

Nguyên Minh, một nhà phê bình văn học tại Việt Nam, cũng nhận định rằng: „Những tác phẩm của Hòa Thượng Thích Như Điển đã đánh dấu bước phát triển văn hóa Phật giáo đã bắt đầu khởi sắc. Những tác phẩm này về nội dung không đơn thuần là tôn giáo mà có sự trộn lẫn giữa đạo và đời, có sự đi về giữa Thánh đế và Tục đế.…

Một số sự kiện, niên hiệu, niên lịch được tác giả nhắc đến chẳng qua là cái mốc của thời gian có liên quan đến các cuộc hành trình lưu viễn. Nhưng so với nhiều người cùng cảnh ngộ thì tác giả được nhiều y báo, phước báo hơn.

Những thành tựu đã tạo được như ta thấy trong những tác phẩm của tác giả không phải là chuyện ăn may nói khoát. Đó là hoa trái của một quá trình chuyển hóa đi từ khổ học, khổ tu, khổ luyện. Tất cả những thiên tài, hiền minh, thánh triết không thể nào tự lột xác hóa thánh mà phải Tu. Tu có nghĩa là sửa, là chuyển hóa…

Tác giả là một thiền sư hướng ngã. Đã là thiền sư thì phải phá chấp, nhất là chấp ngã. Tác giả không tự nhận mình là thiền sư nhưng người đọc vẫn có cảm giác tác giả là thiền sư. Nói về mình, đề cao mình để làm cái cớ kiến lập một chơn nghĩa nào đó thì rõ ràng không phải là chấp ngã. Cái Tôi thì đáng ghét, song chỉ đáng ghét khi phô diễn cái Tôi để lòe thiên hạ. Còn đề cập đến cái Tôi như cái cớ để nói đến cái khác cao cả hơn, đẹp hơn thì đó là một phương tiện thiện xảo.

Cuối cùng tác giả là một nhà tu dấn thân. Xuất thân từ dòng Lâm Tế chánh tông, chịu ảnh hưởng tư tưởng Đại thừa của Thầy Tổ, tác giả luôn có ý tưởng nhập thế hành đạo. Hoạt động ở nước ngoài về văn hóa, xã hội, hành hương, xây chùa, viết sách, mở nhà xuất bản v.v… đều nhắm mục đích truyền bá giáo nghĩa đạo Phật trong đời sống hằng ngày cho người Việt Nam và người nước ngoài.

Cái đáng kính nể và khâm phục là thánh hóa cuộc đời mà không bị cuộc đời tục hóa…

(Trích: Cảm nhận về tác giả và tác phẩm, VG 139, tháng 02.2004).

Tôi nghĩ, đó chính là câu trả lời thiết thực nhất cho những người đã hỏi tôi giá trị về những tác phẩm của Thầy.

]

Kính bạch Thầy,

Con với Thầy gắn bó với nhau hơn ba mươi mấy năm, có nhiều cơ hội gặp gỡ ở nhiều nơi khác nhau, đôi lúc con cũng có nhiều thì giờ để hầu chuyện, tâm tình, bàn bạc hay thảo luận với Thầy về nhiều vấn đề khác. Thế nhưng không có lần nào con nhắc đến vài lỗi lầm của con hồi trước khi cùng làm việc, chắc chắn đã làm buồn lòng Thầy không ít. Thực tình trong những lần nhìn lại đời mình, con cảm thấy ăn năn và hứa nếu có dịp gặp Thầy con sẽ nói lời xin lỗi. Nhưng mỗi lần gặp Thầy, thấy Thầy vẫn có thái độ thong dong, an nhiên tự tại, trong sáng vui vẻ…; con lại hòa chung với Thầy trong thế giới an lạc nên không còn muốn khơi lại chuyện cũ nữa. Rồi sau đó con lại tự dằn vặt và cũng tự an ủi mình: „Đó là chuyện nhỏ, chắc Thầy không chấp đâu!“. Mà cho dù Thầy không nhớ, không chấp; nhưng với con những lỗi lầm nhỏ, qua thời gian sẽ lớn dần nỗi ân hận sâu kín gậm nhấm mãi trong tiềm thức con!

Dịp này, con viết lại những Trùng Điệp Nhân Duyên, về những vui buồn gắn bó với Thầy cũng là cơ hội để con được một lần nói lên lời xin lỗi Thầy chân thành và sâu kín nhất trong tâm khảm. Hay nói đúng hơn, con tự làm cho lòng mình nhẹ nhàng thanh thản hơn, không còn gợn lên những dằn vặt khó chịu nữa…

Kính bạch Thầy,

Qua một thời gian dài Thầy đã được tấn phong lên hàng Giáo phẩm Thượng Tọa, nay là Hòa Thượng trong các Đại Giới Đàn, nhưng với con Thầy bao giờ cũng là vị Thầy mà con đã gặp lần đầu cách đây hơn ba mươi mấy năm về trước, vẫn trong tiếng gọi „Thầy“ đầy thương kính. Chính niềm thương kính này là chất keo gắn bó giữa Thầy với con. Cũng chính nhờ niềm thương kính này, con đã học nơi Thầy lòng khiêm hạ, từ hòa để gieo được hạt giống Bồ Đề bén rễ trong lòng con. Rồi từ đó hạt Bồ Đề tiếp tục tăng trưởng vào lòng tha nhân để mong cầu cho mọi người được nương bóng mát từ quang và xã hội có một cuộc sống thiện lương hơn…

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát.

Phù Vân

Chủ Bút Báo Viên Giác

(Hamburg, những ngày sau cơn bệnh, tháng 4.2014)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/09/2016(Xem: 9576)
Người về giữa chốn phù vân. Sông Hàn ngấn lệ khôn ngần tiếc thương. Người về chung cuộc vô thường. Không còn mưa nắng khói sương Bà Nà. Người về tiếng khóc vang xa. Là kinh động giữa ta bà khói mây.
29/09/2016(Xem: 8285)
Cuộc sống quanh ta khóc lẫn cười Khổ đau hạnh phúc bấy nhiêu người Cái vòng xoay chuyển không cùng tận Ngày nắng đêm mưa giữa cuộc đời.
29/09/2016(Xem: 10778)
Một niệm Di Đà không niệm khác Tấc lòng thành một Pháp không sai Chẳng nhọc một khảy móng tay Tây Phương liền tới trước ngay hiện tiền
29/09/2016(Xem: 7575)
Lắng lòng nghe mọi âm vang Nghe trong hơi thở nhịp đàn tiếng tim Bước chân mỗi bước niệm thầm Thiền hành bách bộ nghiệmtầm sắckhông.
28/09/2016(Xem: 6977)
Mái chùa che đở nắng mưa Cho người lỡ bước đường chưa muốn về Bây giờ đổ nát tứ bề Người ơi ! sao lại nặng nề xuống tay
28/09/2016(Xem: 7864)
Bao la độ lượng giữa đời nầy Chất chứa khoan dung bỏ dở hay. Rác thối phân dơ đều ngậm trọn, Thây ươn gỗ mục vẫn ôm đầy. Ngàn năm chôn chặt không xao xuyến, Vạn thuở vùi sâu chẳng giãi bày. Lá biếc hoa tươi nhờ chuyển hóa, Thế gian thắm nghĩa động tâm lay.
27/09/2016(Xem: 7547)
Nghiệp ác theo ta suốt cả đời Khổ đau cùng cực chẳng nào ngơi Do nhân bất thiện từ muôn kiếp Quả báo hiện tiền ập tới thôi Nước mắt cuộc đời tuôn chảy mãi Sông dài biển rộng ngập ngàn khơi Nay ta tìm đến bờ tuệ giác Vui đạo từ bi đẹp cuộc đời .
27/09/2016(Xem: 7475)
Quảng Đức trang nhà tận Úc Châu Nguyên Tạng Tỳ Kheo xướng khởi đầu Xiễn dương Phật Pháp qua mạng lưới Thời đại @ có khác đâu
27/09/2016(Xem: 9045)
GIỮ TRỌN NIỀM TIN Đời xuất sĩ hoà mình trong cuộc sống Đi vào đời mang hạt giống tuệ bi Dẫu biết rằng thế cuộc lắm thị phi Bao tâm huyết không bao giờ thay đổi . Áo đã cởi mà tâm ta chẳng mỏi Mặc kệ đời luôn cứ mãi đãi bôi Ta chỉ cần theo pháp Phật tu bồi Dưỡng đạo đức sống đời không chấp ngã . Khi ta chết xin đưa về biển cả Rãi tro tàn trên sóng nước đại dương Xin cảm ơn dù cuộc sống có vô thường Ta vẫn giữ trọn niềm tin nơi Chánh Pháp . Tánh Thiện 26-9-2016
22/09/2016(Xem: 19622)
Đã có nhiều người nói và viết về nhạc sĩ Hằng Vang . Phần nhiều là những bài viết trong sáng, chân thực. Thiết tưởng không cần bàn cãi, bổ khuyết . Viết về anh, nhạc sĩ Hằng Vang, tôi chỉ muốn phác một tiền đề tổng hợp cốt tủy tinh hoa tư tưởng, sự nghiệp sáng tác của anh ; rằng : Anh là một nhạc sĩ viết rất nhiều ca khúc cho nền âm nhạc Phật Giáo Việt Nam, anh là một thành phần chủ đạo trong dòng chảy âm nhạc nầy ngay từ khi khởi nghiệp sáng tác thời phong trào chấn hưng Phật giáo, xuyên suốt qua nhiều biến động lịch sử trọng đại của PGVN cho đến tận bây giờ, anh vẫn miệt mài, bền bĩ cảm xúc, sáng tạo trong dòng chảy suối nguồn từ bi trí tuệ đạo Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]