Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Nhân duyên thầy trò (Trần Phong Lưu)

17/06/201403:42(Xem: 18370)
10. Nhân duyên thầy trò (Trần Phong Lưu)

blank

Gia đình tôi theo Phật. Đúng ra lúc đầu chỉ có Má tôi lập trang thờ Phật Bà Quan Âm trong nhà và ăn chay mỗi tháng hai lần. Còn ba tôi theo đạo thờ Ông bà của gia đình bên nội. Cho đến một ngày rằm tháng 7, lúc đó các ông già xưa còn gọi là tiết Trung ngươn, chớ chưa nghe ai nói tới lễ Vu Lan, Má tôi theo các bà bạn, đón xe xích lô, đưa chị em chúng tôi đi chùa cô Hai trên tận Vòng nhỏ.

Cô Hai là một bà phốp pháp phúc hậu, không lập gia đình, nhưng có của phụ ấm, ruộng vườn. Cô đã đứng ra xây ngôi chùa khang trang trong đất nhà, bên bờ Tiền giang, ngoại ô châu thành Mỹ Tho và dựng nhiều cốc nhỏ, loại nhà sàn vách ván lợp lá, nối với con đường lát gạch sau chùa bằng những cầu ván hẹp, để Sư Bà nhập thất và các Sư Cô trú ngụ.

Tôi không còn nhớ rõ buổi lễ Quy y đã diễn ra như thế nào. Đôi mắt của cậu bé 7, 8 tuổi lúc đó còn bận nhìn những dĩa, những tô thức ăn thịnh soạn bày đầy bộ ván, chắc chuẩn bị dọn lên cúng hay sắp ra các bàn. Má tôi phải kéo tay, kêu gọi mấy lần chúng tôi mới lúp xúp theo nhau vào khoanh tay cúi đầu chào thưa cô Hai. Cô bới tóc cao, mặc áo bà ba lụa Lèo màu hột gà, quần Mỹ A đen bóng, đang ngồi nơi bộ ván trong, chỉ huy đám người giúp việc và các cô bác công quả nấu nướng, dọn bàn. Bữa tiệc chay hôm đó, chúng tôi chia nhau vét sạch mấy dĩa bì cuốn cắt khúc, cơm đồ kho, đồ xào, đồ chiên, nhứt là mấy chén kiểm bí, khoai lang hầm nước dừa, ăn như chè lạt. Từ đó Ba tôi có pháp danh là Minh Quang, tôi Minh Châu, em tôi Minh Trí. Còn Má tôi đã có pháp danh Diệu Quý và các chị em gái tôi cũng bắt đầu pháp danh bằng chữ Diệu.

Lúc theo học trung học Nguyễn Đình Chiểu, lớp đệ nhứt, cha Phạm Văn Long giảng triết, phán rằng, bác ái Công giáo cao cả hơn vì là tình thương giữa anh em, còn Từ bi của Phật giáo là người trên ban cho kẻ dưới, lại thiếu lòng nhân vì đem bố thí cả vợ con!... Cả lớp ngớ ra, chẳng ai có ý kiến gì, duy chỉ thằng bạn thân ngồi cạnh dám đứng dậy phản bác:

“Thưa Cha! Cha so sánh như vậy e rằng hơi phiến diện, vì nếu chỉ lấy một hai chữ trong một đoạn văn làm sao diễn hết ý một bài kinh, huống gi kinh Phật có nhiều bộ, nhiều quyển, chưa đọc hết, khó lòng hiểu được Phật… Trong năm mười phút ngắn ngủi của giờ triết, một cậu trẻ mới thành niên, chưa từng tu học, chưa nghe trọn một bài giảng pháp nào trong chùa, thậm chí còn chưa đọc một trang kinh nào, làm sao tranh luận nỗi với một Linh Mục già dặn trong tu viện, làu thông kinh Thánh; một học trò mới học mấy tháng môn học khó khăn nầy, đâu dám cãi lâu với vị giáo sư giảng dạy nắm quyền sinh sát hai kỳ thi lục cá nguyêt và ảnh hưởng cả bài viết thi Tú tài toàn phần! Nên chuyện đành ngưng ở đó.

Lên đại học được ở nhà ông Cha, ăn cơm bà Phước, tức trọ học trong Câu lạc bộ sinh viên Phục Hưng của các Linh Mục dòng Đa Minh, ăn cơm do nhà thầu nấu. Mỗi phòng ở 3 người. Phòng tôi vào trọ đã có bác Quý học năm 3 Y khoa, anh Tăng học văn chương Pháp đang lấy thêm chứng chỉ Văn minh Việt Nam. Một hôm anh Tăng ngồi vò đầu trước mấy xấp tài liệu, sách vở Pháp ngữ để soạn bài thuyết trình bằng tiếng Việt về đình chùa, đền miếu trước giáo sư Nguyễn Đăng Thục và các sinh viên đồng học. Bỗng anh xoay mặt về phía tôi đang ngồi vẽ ở cuối phòng hỏi cầu may:

”Lưu có biết ông Phật nào thờ trong chùa tên Mạnjushri cỡi con sư tử xanh?”. Tôi hồi tưởng lại ngay vị Bồ Tát thu phục một ông tiên phe Triệt giáo bắt hiện nguyên hình sư tử trong truyện Phong Thần đã đọc hồi năm đệ lục, liền trả lời ngay, đó là ngài Văn Thù Sư Lợi cỡi con Thanh sư”.

- Còn ông cỡi con voi trắng ?

- Là Bồ Tát Phổ Hiền cỡi Bạch tượng sáu ngà.

Anh Tăng nhào lại như muốm ôm tôi để tỏ nỗi mừng “Euréka” mà anh đã tốn bao ngày giờ lục tìm trong các thư viện tới lúc đó vẫn chưa tìm ra đầy đủ cả hai vị Bồ Tát thiết trí trên bàn thờ phụ hai bên bàn thờ chánh, thờ Tam Thế Phật.

Chiều chiều sau bữa cơm tôi thường thả bộ ra đường Nguyễn Thông, băng qua Phan Thanh Giản, vòng ra cửa hông chùa Xá Lợi, vừa vào ngoạn cảnh, vừa đi lại cho tiêu cơm, nếu cửa chánh điện trên lầu còn mở, lại được dịp vào lễ Phật. Gặp buổi lễ sám hối, hay lễ Phật cầu an, còn được ngồi lại nghe tụng một đoạn kinh chót. Rồi lần lần thuộc cả tam Tự quy y Phật …, Pháp …, Tăng.

Mỗi tháng ở trường Kiến trúc đều có hai bài thi đồ án kiến trúc và họa cảo. Trên Première, từ năm thứ tư đến năm thứ sáu, mỗi năm còn có 3 concours (Họa cảo lấy ý trong 3 ngày, trang trí kiến trúc và viên cảnh). Chưa kể các môn khoa học kỹ thuật, lịch sử, sức bền vật liệu, tính bêton, statique… Nên chúng tôi lúc nào cũng ở trong tình trạng lo lắng vì bài vẽ có thể bị hạ, chết đứng hay bị four (bỏ vào lò đốt bỏ). Nên tôi càng phải tới chùa thường xuyên hơn để cầu Phật gia hộ cho bài thi được Mention (chấm đậu)! Một ngày chủ nhựt rỗi rảnh, vì phần đông các sinh viên ngụ trong Câu lạc bộ đi nhà thờ xem lễ, rồi qua trụ sở bên cạnh sinh hoạt trong liên đòan sinh viên Công giáo, tôi tạt qua chùa theo tôn giáo của mình, không ngờ nhằm ngày lễ Phật Đản, Khách thập phương áo quần chỉnh tề lên chánh điện lễ Phật. Tôi cũng theo vào. Lễ xong xuống lầu thấy nhiều người đã vào ngồi đầy trong hội trường đang nghe ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền giảng kinh Pháp Hoa. Tôi rón rén vào ngồi chỗ đầu băng sau cùng, mới hay ông chủ tịch hội Phật học Nam Việt nầy đang giảng đến mấy trang chót phẩm Phổ Hiền Bồ Tát khuyến phát. Sau buổi giảng phần cuối quyển Diệu Pháp Liên Hoa kinh, lúc mọi người đứng dậy ra về thì các ông bà mặc áo tràng nhanh nhẹn ôm chồng sách đến phát từng người. Tôi nhận quyển kinh đầu tiên trong đời của chính diễn giả chủ tịch hội trao, bìa màu vàng nâu, tựa đề Pháp Hoa huyền nghĩa, in trên giấy trắng tinh thật tốt. Ông Chánh Trí viết kinh theo lối văn thông thường rất dễ hiểu. Phần huyền nghĩa ông còn dịch các bản văn của ông Tây Burnof để so sánh, hoặc minh chứng theo cái nhìn của Tây phương. Từ đó quyển kinh đã trở nên sách gối đầu giường của tôi. Mỗi đêm trước khi ngủ tôi đều đọc vài ba trang. Mỗi sáng cuối tuần hay những hôm không có giờ học sớm tôi cũng đọc hai trang trước khi rời khỏi giường. Nhờ vậy tôi đã được đọc trọn quyển tâm kinh nầy, chẳng những một mà đôi ba lần.

Khoảng giữa năm 1974, sau chuyến tu nghiệp ở Mỹ trở về, tôi được ông ngoại của một đứa bạn, chủ tịch Hội Đền Hùng, kêu gọi thiết kế Tổng Y viện Phật giáo trên khoảnh đất của Thượng Tọa Quảng Liên ngoài xa lộ Biên Hòa. Trước đây tôi chưa có dịp vẽ ngôi chùa nào ở Việt Nam mà chỉ mới có kinh nghiệm thiết kế Thánh đường các Đấng Tử Đạo (vì các vị lúc đó chưa được phong Thánh) ở đường Trương Minh Giảng Sài gòn và Giáo đường xứ Kẻ Sặt, Hố Nai, Biên Hòa. Hôm lễ đặt viên đá đầu tiên Tổng Y viện, dưới sự chủ tọa của ông bà Thủ Tướng, được đông đủ cac hệ phái Phật giáo miền Nam, mỗi hệ mặc một màu áo dài, hợp lại thành màu cờ Phật giáo, kể cả Phật giáo Hòa Hảo mặc áo nâu, Phật giáo Tứ Ân ở vùng Thất Sơn mặc y màu vàng đất và các ông Lục chùa Miên mặc y vàng… Chỉ tiếc chiến cuộc leo thang, biết bao biến cố xảy ra không ai còn lòng dạ góp công, góp của xây một công trình tôn giáo! Dù là bệnh viện để chữa trị cho mọi người.

Theo lời giới thiệu và ca ngợi của dượng Mười, người dượng rễ bên ngoại nghiên cứu nhiều về triết học, thông thiên học và ngưỡng mộ Krisnamurti như một hóa thân của Phật Di Lặc, vào một ngày chủ nhựt rỗi rảnh, tôi chạy xe qua Khánh Hội đến Linh Quang Tịnh Xá, trước lễ Phật, sau chờ xem Hòa Thượng Phổ Ứng, chuyên trì chú Mật Tông, chữa bịnh tâm thần cho một vài người. Các bịnh nhân thường vùng vẫy cự tuyệt khi được đưa tới cửa chùa. Hai ba người thân lực lưỡng, phải mạnh tay lôi kéo mới đưa được bịnh nhân vào ngồi trong chánh điện. Khi Hòa Thượng đến đặt chiếc mõ lên đầu bịnh nhân, anh ta vẫn còn cựa quậy giãy nảy, nhưng lúc Hòa Thượng chú nguyện được một hai biến anh ta mới chịu ngồi yên. Nghe nói những lần sau bịnh nhân đã để cho dẫn đến chùa, chịu để cho Hòa Thượng gõ mỏ chú nguyện. Vài người khỏi bịnh theo thân nhân đến lễ tạ. Tôi được dịp hầu chuyện với Sư Ông và ngỏ ý muốn ở lại nghe pháp và thọ trai. Hòa Thượng làm lễ quy y ngay dù chỉ có một mình tôi và trước đó tôi cũng thưa rằng mình đã quy y lúc nhỏ với pháp danh Minh Châu. Nhưng các Thầy đệ tử đã trả lời thay rằng, đã đến chùa nầy, nghe pháp, thọ trai cúng dường, thì nên quy y theo Sư Ông, vì lúc nhỏ dù đã quy y theo gia đình, nhưng không tự hiểu biết. Từ đó tôi mang Pháp danh mới là Từ Hùng; mỗi chủ nhựt tôi đểu cố thu xếp chạy xe gắn máy Yamaha qua lễ Phật, thọ trai, cúng dường, mặc dầu lúc đó tôi đã dạy đại học sắm xe hơi. Cho đến sau năm 75 tiếp tục phải đạp xe lọc cọc, tôi vẫn giữ gần đúng thông lệ nầy, may mà chiếc xe đạp nhôm của Ba tôi để lại, còm măng (commande) từ bên Pháp vào năm 1948, đến lúc đó đạp vẫn còn nhẹ. Bây giờ nhớ lại suốt bao năm tháng đi chùa Linh Quang Tịnh xá, tôi chỉ lễ Phật, thọ trai, thưa chuyện, hỏi đáp với quý Thầy Pháp tự hàng chữ Từ, chớ chưa trực tiếp nghe Hòa Thượng giảng Pháp, càng không biết việc tu học như thế nào. Vốn Phật học rốt lại cũng chỉ quanh quẩn trong quyển Pháp Hoa huyền nghĩa! Quyển kinh nầy tôi đã bỏ vào túi xách đeo theo bên mình trên đường vượt biên, cùng với mấy trang đình Việt Nam của KTS Nguyễn Bá Lăng, rút ra từ tạp chí Đông Phương và cây thước Lỗ Ban bằng gõ mà ông thầy Lỗ Ban ở Bến Tranh đã nhờ thợ mộc của ổng sao lại từ cây thước mẫu mốc thít, thờ trong miếu nhỏ ngoài góc vườn. Chỉ tiếc lúc gió mưa nước tràn vào khoan thuyền, không mấy ai chịu giúp tát nước, tôi đã gửi chiếc túi xách nầy cho đứa cháu của chủ ghe để rảnh tay cùng các anh em xúm nhau tát nước ra khỏi ghe. Đến khi leo được lên tàu Cap Anamur, mở ra lấy giấy tờ mới hay ba vật quý đó đã biến mất cùng với túi dollar lẻ và tiền cent, hai túi nilon đường chanh mà má tôi đã cẩn thận bỏ vào mỗi túi xách của anh em tôi, phòng lúc đói khát trên biển!

Lúc qua Đức (1980) còn ờ trong trại tỵ nạn Schwalbach, Saarland, để học tiếng Đức, tới năm 1981, một ông chủ nhà hàng từ München đến trại để rủ bà bạn cùng đi lên chùa trên Hannover dự lễ Phật Đản, chúng tôi mới biết ở Đức cũng có chùa như bên Pháp. Sau khóa học chúng tôi lên định cư ở Saarburg, được ông bảo trợ giới thiệu vào tập sự ở văn phòng kiến trúc sư Conen bố ở Konz. Năm 82 được giới thiệu tiếp lên văn phòng Architekt VFA của KTS bậc Thầy Becker chuyên về quy hoạch các làng nghỉ mát và thành phố du lịch ở Kall gần thành phố Köln. Ông quen biết rất rộng, nghe tôi từng dạy ĐH kiến trúc Sài gòn, sau thời gian tập sự muốn giới thiệu tôi vào giảng dạy ở Đại học Aachen, nhưng tôi tự nghĩ mình Đức ngữ còn kém dạy học chưa nổi, gặp lúc thành phố Saarlouis gởi thư giới thiệu tôi lên Đại học Hannover để dự khóa tu nghiệp chuẩn bị hành nghề KTS, nên tôi đưa cho ông Becker xem để thối thoát.

Thế là đêm 2 tây tôi chuẩn bị đón xe lửa từ Saarbrücken để sáng sớm hôm 3.1.83 kịp đến trình diện ở văn phòng trung tâm tu nghiệp. Mãn giờ học văn phòng đưa giấy giới thiệu, chỉ tôi đón U Bahn số 4 hoặc 5 chạy tới cuối đường đổi xe bus đi thêm 2 trạm sẽ đến cư xá VW. Như vậy đời tỵ nạn của tôi ở Đức bắt đầu trú tại cư xá thợ mỏ hãng than vùng Saar phía cuối làng gần rừng, rồi đến cư xá công nhân hãng xe hơi Nhân Dân xa (Volkswagen) ngoài rìa thành phố Hannover gần đường cao tốc, lúc nào cũng ồn tiếng xe chạy. Được vài ngày gặp các em sinh viên cũng trọ học ở đây mới biết có em học trò cũ K76 từng theo Đại học KT Sài gòn. Thỉnh thoảng gặp lại nhau hàn huyên chuyện trường cũ. Em kể, mấy hôm sau ngày tôi vượt biên, trên vách vài lớp học, giảng đường bỗng thấy mấy tấm giấy dán viết chữ lớn: “Trường Kiến trúc sắp đóng cửa vì hết Thầy dạy”. Lý do tôi là người giảng sư cuối cùng của chế độ cũ. Còn các vị giáo sư lớn tuổi sẽ lần lượt đi Tây, đi Bỉ hay sẽ về hưu.

Dự khóa tu nghiệp được hơn tháng, bắt đầu quen nơi ăn (Mensa của Đại học Hannover), chốn ở (dọn ra phòng chiếc phía ngoài đỡ ồn hơn phòng đôi phía trong nhìn ra đường cao tốc). Một sáng thứ bảy, có em sinh viên gõ cửa phòng cho hay khoảng 4 giờ chiều sẽ có xe đến rước mấy người đến trung tâm sinh hoạt dự tiệc tất niên. Anh Hiếu lái chiếc xe đò đến rước chúng tôi, tự nhiên nhìn anh tôi mường tượng ngay đến nhân vật được mô tả trong tiểu thuyết “Vòng tay học trò” của nhà văn nữ Nguyễn Thị Hoàng. Đến Trung tâm gặp nhiều đồng hương, được quen biết anh Châu và các anh chị sinh viên du học nay đã tốt nghiệp đang đi làm, hoặc các anh em cô bác mới bảo lãnh qua sau, hay vừa qua đây tỵ nạn, được ăn lại các món chả giò, bánh mứt do mọi người tự làm, hỏi thăm nhau, kể chuyện vượt biên, chuyện bên nhà, bên đảo… Vừa chạng vạng tối, mọi người phụ nhau dọn dẹp, rồi rủ nhau lên mấy chiếc xe cùng đi đến chùa đón giao thừa. Các xe hơi nối nhau chạy qua cửa cổng trụ gạch, cửa ván song quét vôi trắng mở ra hai bên, chạy vào đậu trên đường trải sỏi hay sân dài dọc theo một phần nhà, khởi đầu là bức tường phẳng bên trên treo tấm bảng gỗ nhỏ đề ba chữ Viên Giác Tự được chiếu sáng bằng đèn néon gắn ở trên, kế đến khung cửa sổ kính, rồi tới hàng ba với cửa cái, trên che mái hiên, rồi đến cửa sổ kính lớn hơn chiếu sáng cho văn phòng, nối với khung cửa mở rộng của dãy nhà kho, mỗi gian đều chừa cửa sổ lớn, lắp kính đục nhưng phân thành những ô nhỏ. Người ta thường nói “Cải gia vi Tự”, nhưng ở đây phải đổi lại là “Cải kho vi Tự”, đúng ra phải nói là cải khố. Lần đầu tiên bỡ ngỡ bước vào một ngôi chùa ở hải ngoại, tôi chưa tìm ngay được hình ảnh quen thuộc của các ngôi chùa ở tỉnh nhà, ngoài chiếc bàn dài trải vải nhựa mà các cô bác đang ngồi bao quanh bình trà mấy cái tách và vài dĩa bánh mứt, trên hai mặt vách kê hai dãy kệ sắt chưng các quyển kinh sách và một số tạp chí. Phải nhìn qua khung cửa gỗ dán đôi câu liễn đối, bắt đầu câu bên trái đề chữ VIÊN, đầu câu bên phải chữ GIÁC, vào chánh điện thờ Phật, khói hương nghi ngút, đèn nến sáng trưng, với bàn thờ Phật trang nghiêm, đặc biệt ở góc trong chưng một cành mai to cắm trong độc bình lớn chen lẫn trong các bông mai giấy vàng rất giống hoa thật, là những phong bao lì xì, giấy đỏ in hình chữ Phúc, mới nhận ra ngôi chùa không âm u mờ tối như các ngôi chùa xưa. Các cô bác, anh chị em đã vào ngồi chờ đọc kinh sám hối, tôi cũng theo vào lễ Phật. Được một lát, nghe tiếng chuông khánh, mọi người đứng dậy chắp tay theo lệnh của bà trưởng ban trật tự, hướng về con đường giữa trải thảm hoa, Thầy Trụ trì từ phía sau khoan thai tiến lên Phật điện. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Sư Phụ, người mảnh khảnh, khuôn mặt hơi gầy, nhưng tiếng tụng kinh rất thanh tao. Cũng lần đầu tiên trong đời tôi được dự trọn buổi lễ lạy, tụng kinh sám hối.

Sau đó mọi người được Thầy mời ra lại tiền sảnh, chờ xem phim video, đợi giờ đón giao thừa. Thật không ngờ tối tất niên mà Thầy lấy nước mắt bà con Phật tử tha phương qua vở phim kịch “Lá Sầu Riêng” của đoàn Kim Cương. Mặc dầu tôi đã xem vở kịch nầy trên sân khấu hai lần rồi, một lần trước 75, một lần sau khi mất nước, mất tất cả những thứ mà mình đã từng có, mà lúc đó tôi vẫn thấy cảm động. Chúng tôi đã ở lại dự trọn buổi lễ Phật đón giao thừa, nhận lì xì của Thầy trao như món lộc đầu năm. Mãi khi mọi người lục tục ra về, chúng tôi mới lên xe về lại cư xá VW.

Từ đó mỗi chủ nhựt tôi đều lên chùa Viên Giác lễ Phật, thọ trai, mượn sách về cư xá đọc, trừ thỉnh thoảng cuối tuần về lại Saarburg. Gặp hôm chùa có lễ hoặc thọ Bát Quan trai, tôi cũng tham dự đến hết buổi. Có khi bận việc, tôi tới trễ, Thầy và các Sư Cô cùng vài Phật tử đã ngồi vào bàn ăn, nhưng Thầy vẫn cho mời tôi vào thọ trai. Trong những thời Pháp có lúc Thầy giảng về giá trị cao xa của từng hạt cơm mình thọ dụng tại chùa, do Phật tử thập phương tiến cúng. Vậy mà hồi còn thọ trai tại Linh Quang Tịnh Xá bên Khánh Hội, tôi cứ cúng số tiền gấp đôi gấp ba bữa ăn là đã yên chí, còn nghĩ mình đang bao một hai người đến ăn chùa mà không đóng góp chút gì. Vì thế tôi vẫn tự nhủ lòng, phải góp một chút công quả gì cho chùa.

Cơ duyên đã đến, khi có một sinh viên cũ của tôi nhận được chữ ký “sửa bài” ở trường Kiến trúc, thảo lối chữ Triện, nơi quyển sổ cho mượn sách của chùa và anh đã thông báo cho Thầy biết về nghề nghiệp của tôi. Rồi anh Danh ở gần nơi tôi trọ học, đến nhắn với tôi lời kêu gọi của Thầy vào dịp anh đến chùa xin mớ rau thơm. Cho nên tôi đã đến gặp Thầy nhiều lần và được nghe Thầy trình bày dự định xây chùa mới để đáp ứng nhu cầu lễ Phật, nghe Pháp của hàng ngàn Phật tử tại Đức vào các dịp đại lễ. Tôi cũng thú thực với Thầy, chưa được vẽ một ngôi chùa nào và trình Thầy quyển album hình ảnh các công trình tôi đã thiết kế và thực hiện ở Việt Nam, đặc biệt là ngôi tân Thánh Đường các Đấng tử Đạo ở Sài gòn và ngôi Giáo Đường Kẻ Sặt, Biên Hòa. Tôi nhớ mãi câu Thầy nói hôm đó:

“Anh vẽ Nhà Thờ rất giống chùa, nhưng ráng thiết kế Chùa đừng giống nhà Thờ”.

Ôm mớ tài liệu, kinh sách Thầy giao cho tôi quay về quê mới Gia Bảo (Saarburg), nơi có lâu thành Trung cổ, do Bá tước Siegfried của Lục Xâm Bảo kiến tạo, để nghiên cứu dự án, phác thảo họa cảo. Trong thời gian đó Chi Hội Phật Tử Saarland Trier và VPC được thành lập, tôi được bầu làm Chi Hội trưởng do quá trình đại diện Hội Người Việt Tỵ Nạn vùng Saar, Barack trưởng, khu phó khu 8, Trung tâm phó huấn nghệ trại tỵ nạn Galang. Nhờ vậy con được đón Thầy về nhà trú ngụ, được đưa Thầy đến hội trường Nhà Thờ, Hồng Thập Tự, được nghe Thầy giảng pháp nhiều lần, được nhiều dịp trình lên Thầy các bản sơ phác và bàn luận những sửa đổi, thêm bớt trong dự án. Đặc biệt là các lần Thọ Bát Quan Trai, sống và tu như một tu sĩ một ngày một đêm, nhứt là kỳ thọ Bát trong lữ quán ven rừng Kirkel. Con đã lần lần thấm nhập vào tinh thần đạo Phật của ngôi chùa, không đơn giản như những đồ hình trong quyển Lịch sử Nghệ thuật của ông Bezacier hay những họa đồ vẽ ghi các chùa Bút Tháp, Thần Quang… của trường Viễn Đông Bác Cổ, Hà Nội thời Pháp.

Hai phương án dần dần hình thành: - Tòa sen mãn khai với các các cánh sen bêton kết thành tràng, làm tường vây chánh điện có thể đón cả ngàn khách thập phương vào lễ. Sau nầy có dịp hành hương bên Ấn Độ mới biết có tác giả thiết kế có ý tưởng tương tự, khi xây Đại Thánh đường đạo BaHai, chỉ khác họ chọn tòa bông súng với những cánh hoa bêton cẩn đá cẩm thạch, nhọn hoắt vút cao theo kiểu chọc trời, không hợp với tinh thần hòa ái của đạo Phật với những cánh sen đầu bầu tròn đầy đặn hơn. - Phương án lá Bồ Đề xếp làm mái lợp trên bình đồ hình chiếu của tòa sen búp, rất gần với mái chùa dân tộc nên đã được Thầy chọn.

Sau đó Thầy đã để cho con hoàn toàn tự do trong việc thiết kế đồ án, cũng như thể hiện ước vọng kiến trúc của mình. Như Thầy đã có lần tâm sự, không lẽ một bệnh nhân có thể đòi hỏi bác sĩ phải chữa bịnh cho mình bằng thứ thuốc nầy, cách điều trị kia hay một vị phú gia yêu cầu ông Thầy phải tụng bộ kinh theo ý mình để cầu an cho bà mẹ hoặc cử hành nghi thức theo tập tục ưa thích riêng để làm lễ tống táng cho ông cha… Nhờ vậy con chỉ lo nghiên cứu đồ án theo tinh thần sáng tạo kiến trúc mới, chỉ chịu tìm những biểu tượng chung của Phật giáo, chỉ cố gắng đáp ứng nhu cầu hàng ngàn người do Thầy đề ra, mà không hết sức thể hiện tính dân tộc, không suy lường trước khả năng tài chánh về sau. Cũng từ đức tính khoan dung đó mà Thầy phải bước qua bao thử thách chông gai, mà nếu không gặp con, có thể Thầy sẽ an hòa hơn với hình ảnh một ngôi chùa bình dị, trong tình tự dân tộc ở quê hương xứ Quảng, hay một công trình thanh lịch vừa tầm như ngôi chùa ở Lyon, mà Thầy thường hay nhắc nhở, trong dịp đưa con đi hành hương thập Tự bên Pháp, hầu lấy ý trước khi vẽ chùa Viên Giác mới. Mặc dầu qua nhiều lần họp chung, trình bày với đại chúng trong các ngày lễ, hay những bàn luận giữa hai Thầy trò: Tòa sen mãn khai đã thu gọn thành búp sen, giảm nhu cầu hàng ngàn người xuống còn 5, 6 trăm, sau một giai đoạn xây dựng, mình hãy tạm ngưng, chờ huy động thêm vốn. Cứ ”liệu cơm gắp mắm”, tiền đóng góp được đến đâu sẽ xây dựng đến đó. Nhưng theo kinh nghiệm xây chùa của quý Thầy đi trước, nếu cứ ngưng xây, cứ chờ đủ tiền sẽ khó mà hoàn tất nổi. Thời gian càng kéo dài, chi phí càng leo thang. Thế rồi Thầy hướng dẫn chúng con tiếp tục lướt sóng. Chưa đổ móng hội trường, phải lo đúc tầng hầm dãy nhà Tây. Vừa xây lên tường Chánh điện, phải lo đóng dàn giáo đúc sàn lầu Tây đường. Chưa hết đợt kêu gọi 1 thước vuông đất xây chùa, đến ngay phần đóng góp định kỳ. Còn đang xây dãy nhà Đông, đã lên tầng Bảo tháp. Hội thiện chưa đóng sổ, đã mở ra chương trình 1 viên ngói lợp mái chùa! Những lời phàn nàn lại vang lên như sóng vỗ mạn thuyền: ”Thầy nghe ông Lưu xây chi ngôi chùa to lớn quá, để hết kêu lại réo bà con, đóng góp bao giờ mới đủ !”.

Thật là mệt cho Thầy, mà cũng oan cho con. Dự án kiến trúc thường phải dự trù trước mọi hướng phát triển trong tương lai, tận dụng hết khu đất. Còn vấn đề thực hiện sẽ tùy theo khả năng tài chánh, điều kiện nhân lực mà phân ra nhiều giai đoạn xây dựng. Ngay buổi đầu trình bày, con chỉ mong sao xây được tòa chánh điện, có thể dựng trên những hàng cột chịu của hội trường bên dưới, như kiểu nhà sàn. Nhưng thật không ngờ, theo với thời gian, ngôi chùa Viên Giác ngày càng được xây cao, lớn rộng. Chẳng những tòa chùa chính được lợp ngói tiểu, ngói đại, mà Bảo tháp còn được xây cao lên 7 tầng, lại mở được cả cổng Tam quan. Chính con đã chứng kiến từ buổi đo đạc đào móng, theo dõi từng bước xây dựng với bao khó khăn, trở ngại và chậm trễ đến từ mọi phía, nên không tưởng tượng trước được chỉ trong hai năm, Thầy có thể phát thiệp khắp năm châu mời chư Tôn Đức cùng quan khách về dự lễ Khánh Thành, dù chùa chưa hoàn tất và cũng thêm hai năm nữa để Thầy tổ chức lễ Hoàn Nguyện. Người xưa thường nói: ”Chọn mặt gởi vàng”. Như vậy gần 7 triệu Đức Mã, thêm một triệu công quả đã được chư Tăng Ni, cô bác, anh chị Phật tử khắp thế giới và cả những bàn tay đóng góp của các anh em, mới từ Đông Âu chạy qua, đã trao gởi đến Thầy, trong một thời gian ngắn. Đủ nói lên sự bái phục công đức tu tập của Thầy.

Nhưng sau lễ Khánh Thành, gặp Thầy buồn bả kể lại những lời phê bình của chư Tăng, vài điều chỉ trích của mấy ông khách Việt, khiến con đâm lo và nghi ngờ: Chẳng lẽ mình đã bỏ hết công ăn, việc làm trong nhiều năm, bỏ luôn cơ hội thăng tiến nghề nghiệp trong một công trình lớn ở Bồ Đào Nha, có dịp mở mặt ra quốc tế, để tìm học kinh nghiệm của người xưa, để hỏi han những kỹ thuật mới đương thời, để nghiên cứu các phương cách xây dựng Đông Tây. Ngày đêm miệt mài thiết kế. Rồi lên hẳn trên chùa sống chay tịnh như một người tu. Dự từ buổi công phu khuya, lễ sám hối buổi tối, từ lạy tam thiên, vạn Phật đến lạy kinh Pháp Hoa mỗi tối, mỗi chữ mỗi lạy. Cũng thọ Bát Quan Trai, theo khóa Giáo Lý. Đóng góp công quả từ trí óc đến chân tay. Dè xẻn được chút tiết kiệm nào cũng gởi vào hội Thiện. Lại vận động thêm bà con, bạn bè, góp hơi tiếp sức. Không ngờ cuối cùng chỉ dựng lên kết quả sai sót như vầy sao ? Nhìn lại đồ án kiến trúc của mình đã kinh qua những luật lệ nghiêm nhặt tại thủ phủ tiểu bang lớn của Đức, phải đáp ứng những tính toán chịu lực, với hệ số an toàn quá lớn của phương Tây, lúc thực hiện phải chịu đựng khí hậu lạnh giá, mưa tuyết thất thường của Trung Âu và phải qua tay đúc xây, tô lợp của các thầu thợ khác chủng tộc. Ngôi chùa Viên Giác mới dĩ nhiên đã biến thể ít nhiều, để thích nghi với khung cảnh Đức, như người tỵ nạn Việt Nam phải chấp nhận một số thay đổi để hội nhập vào xã hội mình định cư. Như tô phở Sài Gòn không còn giống phở Hà Nội, nếu lại do ông đầu bếp Đức, lấy bánh phở khô Thái Lan, nấu trong nước lèo Tây và nêm gia vị Tàu, thì khó mà tìm lại hương vị của phở 79.

Trong suốt quá trình nghiên cứu thiết kế và trông coi xây dựng, lúc nào con cũng cố dung hòa hai khuynh hướng đối nghịch nhau. Nếu vận dụng óc sáng tạo theo đà tiến của kiến trúc, thì khó dựng lại những khung quen thuộc của mái chùa xưa. Còn nếu ráng lập lại đường nét cũ, dựng lên những hình thái lâu đời, không khéo lại bị đồng nghiệp, các nhà nghệ thuật Kiến trúc Đông Tây và cả học trò mình chê là đã sao chép lại cổ điển.

Thầy đã viết: ”Trong suốt 16 năm trường ở Đức, quý Thầy, Cô, quý chú và các Phật tử cũng như đệ tử kề cận đã hỗ trợ, chia xẻ nhọc nhằn, âm thầm góp công, ủng hộ tài vật từ năm nầy qua năm nọ lại không bao giờ phàn nàn oán trách. Ngược lại những người phê bình nhiều, chỉ trích nặng lại ít thấy đến góp công sức cho chùa”. Chính con đã gặp rất đông anh em làm thêm giờ phụ trội ở sở, hãng xưởng, để dành thật nhiều ngày nghỉ, hiến công xây chùa; đã chứng kiến cả những thân hữu khác tôn giáo bỏ ra các cuối tuần, để góp tay nghề trang trí chốn Phật tự. Từng đợt anh em tỵ nạn từ Đông Âu, sau lần đầu bị nhóm đưa người bỏ bơ vơ trước cổng chùa, được Thầy và các Sư Cô lo bữa ăn, chỗ ngủ, giúp tiền xe, cho người hướng dẫn đưa tới sở an ninh, trật tự Thành phố, thông dịch lập thủ tục xin tỵ nạn, lần lượt đã quay trở lại tiếp tay đóng sàn dừng vách, lắp cửa, hoàn tất công tác dãy nhà Tây, dựng gác Đông đường và leo lên 7 tầng tháp lợp nóc dù chỉ mới học nghề tại chỗ. Cả “Vô Thượng Sư” Thanh Hải, người đệ tử thứ năm ở Đức của Thầy, qua 2 lần điện thoại, nhờ bán đấu giá 3 bức tranh đã gửi nửa triệu DM về giúp Sư Phụ. Nhưng con cũng đã nghe đầy tai những lời khen tiếng chê: Các điều khen tặng thường rải rác đó đây, trên từng thời điểm, chỉ mình biết, chỉ mình mình hay. Còn các lời chê trách thì ngày thêm tồn đọng, ngày càng đè nặng, lại dễ lan rộng, vang khắp đến tai mọi người khiến mình nhiều lúc tưởng như không gánh vác nổi. May mà Thầy cũng từng kể, một vị Tổ đã từng khuyên: ”Lo chuyện Phật sự cũng như xây chùa, dựng miểu, chẳng khác nào vác trên lưng mấy tảng đá nặng. Cứ mỗi người đến chê bai, phê bình lại chính là người muốn đỡ bớt gánh nghiệp của mình. Tại sao lại từ chối, không san sẻ bớt cho họ một tảng?”.

Qua những tháng ngày dài giúp Thầy lo việc xây cất, con còn được chứng kiến số người Đức ra vào chùa, tu học Phật ngày càng nhiều. Từ những lớp học sinh Trung tiểu học thuộc các trường trên khắp Tiểu bang Niedersachsen, đều có buổi học “Tỉ giảo tôn giáo” tại chùa, ghi trong chương trình mỗi niên học, đến các thầy cô đến tham quan để tổ chức lớp, cả các giáo sư Đại học cũng muốn đến nghe giáo lý nhà Phật, rồi nhóm Thông Thiên Học cho đến các tổ chức trí thức Thiên Chúa giáo, Phật giáo Đức đề nghị những khóa hội thảo nhiều ngày. Đến Quốc hội Tiểu bang cũng muốn được nghe Thầy nói chuyện. Có vị bác sĩ nghiên cứu thêm Phân tâm học, đến chùa xin ngồi Thiền trên nền gạch lạnh, đều đặn mỗi chiều thứ tư từ lúc chánh điện chưa bắt xong hệ thống sưởi. Có anh người Đức tin Phật, lúc hấp hối, yêu cầu gia đình xin cho chôn trong nghĩa trang Phật giáo ở Hannover. Tầm vóc ngôi chùa Viên Giác mà lúc đầu có lời chê là quá lớn, nay chỉ thấy tạm đáp ứng các nhu cầu Phật sự của người Việt và những yêu cầu tu học của người bàn xứ. Mà họ lại chiếm hết những ngày thường trong tuần, ghi trước đầy hết cả tháng, đều khắp trong năm. Trong khi người mình chỉ đến chùa vào dịp cuối tuần, ngày rằm mùng một, hay những kỳ đại lễ. Họ chịu khó nghiên cứu tận phần thâm sâu của giáo lý, hỏi han cho đến hết mọi thắc mắc. Còn người mình thường chỉ đến cúng bái, xin xăm cầu phước. Thành ra có lần Thầy đã phát biểu, người Đức càng ngày càng đến chùa tu học đông hơn người Việt. Những ngày hẹn của các nhóm người Đức chiếm phần lớn thời khóa biểu của Thầy, nhiều hơn phần dành cho Phật tử người Việt. Như vậy con mới hiểu ý của Sư Ông, Sư Phụ của Thầy, lúc qua thăm Thầy sau lễ Khánh Thành đã hỏi, sao Thầy không đúc tượng Phật với diện mục, nhân dáng của người Đức.

Sau đây là ý kiến của quý Thầy và quan khách hôm lễ Khánh Thành chùa, được bản tin Khánh Anh thu góp thành bài:

“Một ngôi chùa rộng lớn nhứt, huy hoàng nhứt của người Việt ở Âu châu và cả ở hải ngoại. Nhiều Thầy và quan khách về dự lễ Khánh thành đều khen như vậy. Còn về mặt đẹp nhứt, có hình ảnh Á Đông nhứt, thì nhiều ý kiến còn ngập ngừng…

Mặt khác, chùa Viên Giác theo họa đồ, là một kiến trúc mô phỏng hình lá Bồ Đề, một hình ảnh đặc thù mà hiện nay chưa ngôi chùa nào có cả. Bởi vậy nếu đi tìm đường nét Á Đông, thì có lẽ ít thấy, nhưng nếu nhìn dưới con mắt “Khám phá mới” hay “sáng tác đặc thù” thì quả là một đặc điểm mới lạ của một ngôi chùa Việt ở Đức nói riêng và cả hải ngoại nói chung.

Năm 1889, ngôi tháp Eiffel được dựng lên ở Paris, để kỷ niệm 100 năm cách mạng Pháp (1789). Nghe đâu lúc ấy ý kiến chống đối, phê bình không nương tay, chê nhiều hơn khen về mặt kiến trúc. Nhưng ngày nay tháp Eiffel là một kỳ quan không những của Pháp mà của cả thế giới. Mọi người đều nô nức đến xem.

Chùa Viên Giác chưa phải là kiến trúc mới như kiểu tháp Eiffel, mà là phối hợp kiến trúc Đông Tây, có tân có cổ. Có điều rất ư tốn kém, trong khi sức đóng góp của Phật tử Việt Nam hải ngoại có giới hạn… Tuy nhiên tốn kém mà xây dựng được một ngôi Tam Bảo để đời vẫn là công đức vô lượng vô biên. Cao hơn hết và quý báu hơn hết. Tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tợ chơn kim. Tiền tài tuy cần thiết và khó khăn mới kiếm được. Nhưng về lâu về dài với thời gian thì chính nhân nghĩa mới là tiếng thơm để đời. Còn tiền bạc chỉ là đất bụi của một thời đã qua.

Huống chi nhân nghĩa ở đây lại là một ngôi chùa, tức là thế gian trụ trì Tam Bảo để đời, lưu truyền mãi mãi cho nhiều thế hệ về sau, thì phước đức càng quý trọng dường bao!”

Hoàn tất nhiệm vụ thiết kế và trông coi xây dựng chùa Viên Giác, tôi được Thầy thưởng cho chuyến hành hương Trung Quốc. Chúng tôi đáp xe lửa tới gặp phái đoàn ở Frankfurt để cùng bay qua Bắc Kinh vào thời phi trường nầy còn u ám vắng vẻ. Cô hướng dẫn viên du lịch nói được tiếng Việt khoe tên cô trùng tên phu nhân của nhà văn nổi tiếng Việt Nam, cách đây mấy trăm năm, chúng tôi lục lọi trí nhớ mãi vẫn không tìm ra, cho đến khi cô xưng danh là Thành Lộ Lộ. À! thì ra nhà văn Nguyễn Trải. Phái đoàn được đưa lên Quan ải Bắc viếng Vạn Lý Trường thành vì “Bất đáo Trường thành phi hảo Hán”.

Về lại Quãng trường Thiên An môn, vào Hoàng thành, thăm Tử Cấm thành, dạo Dỉ Hòa Viên của Tây Thái Hậu. Xuống địa đạo xem Thập tam Lăng… Rồi theo Thầy đi lần xuống Đại Đồng, Thái Nguyên, lên Ngũ Đài sơn, leo 1080 bậc thang Đại trí Lộ, vào Thanh Lương tự đảnh lễ nơi thị hiện của Đức Bồ Tát Văn Thù, đi tàu ra biển, đến Phổ Đà sơn, đứng chờ ở hẻm núi, mà những người hữu duyên có thể nhìn thấy Đức Quan Thế Âm thị hiện. Vào đi dạo và mua sắm ở Thượng Hải. Ghé Hàng Châu xem ngọn núi bay, nơi đục tượng ngài Di Lặc. Đi tiếp đến Nam Hoa tự, nhiểu quanh tháp báu ngài Lục tổ tới Ngũ dương Thành Quảng Châu, đất cũ Nam Việt quốc, lên đồi Hoàng Hoa Cương, viếng mộ nhà chí sĩ Phạm Hồng Thái, qua công viên Việt Tú thăm lăng Triệu Minh Vương. Sau hết đón xe lửa qua Hương Cảng, vừa trả về Trung Quốc, xuống phà đến Cữu Long để viếng Đại Phật tượng. Tới một thành phố nào, thăm một di tích lịch sử nào là thu nhận chút học hỏi mới. Vào một ngôi chùa nào phái đoàn cũng cúng dường, đảnh lễ một Thánh tích Phật giáo nào Thầy cũng giảng một đoạn Pháp ngắn, hay kể một chuyện đạo liên quan đến chốn danh lam…

Sáu bảy năm sau Thầy giới thiệu tôi với Sư Ông Khánh Anh để khởi sự thiết kế ngôi chùa mới bên Pháp, cũng lớn nhứt Âu châu, tại ngõ Thiết Thủ (Bras de fer) trong công viên Thỏ Rừng (Parc aux Lièvres). Tới nay mới xong kiến trúc bên ngoài còn thiếu hoặc sửa đổi vài thành phần, kỹ thuật và trang trí bên trong, hy vọng kịp khánh thành vào năm tới. Tuy vậy đã được thân hữu bên nhà khen là công trình rất hoành tráng. Nhưng các giáo sư Kiến trúc Đông Tây thì thích đường nét mới của chùa Viên Giác hơn. Cho nên Ủy Ban soạn sách Giáo Khoa ĐH Kiến Trúc đã chọn đăng 2 trang các họa đồ của chùa Viên Giác với bài viết về kỹ thuật xây dựng trong ấn bản đầu. Qua ấn bản thứ hai sau 5 năm, thu lại còn 1 trang, trong khi các đồ án nhà thờ Thiên chúa của các giáo sư, Kiến trúc sư bên Mỹ bên Đức gộp chung lại chỉ đăng trong 1 trang. Vị thầy cũ ĐH Kiến Trúc hiện cư ngụ bên Bỉ cũng lấy làm tiếc, sao tôi không tiếp tục hướng đi mà tôi đã mở ra khi thiết kế ngôi chùa bên Đức. Sư phụ cũng giới thiệu với Thượng Tọa Tâm Huệ để thiết kế ngôi chùa tại Malmö Thụy Điển, nay đã gần xong phần Tăng xá, ngôi chùa gần Cheb bên Tiệp, giới thiệu với Ni Sư Linh Thứu. Ni Sư đã cùng vài anh chị em xuống tận nhà tôi để nhờ thiết kế chùa ở Berlin, nhưng mới gởi phác thảo đầu. Ni Sư đã mua đất có sẵn cơ sở đủ tạm làm chùa. Phải vài năm sau Sư mới mua thêm đất xây chánh điện mới. Cũng được Sư gọi lên họp vài lần góp ý, phác thảo trên Computer. Thượng Tọa Minh Giác cũng đón gặp ở chùa Khánh Anh cũ, để nhờ góp ý xây chùa với ban hưng công bên Hòa Lan, Sư Cô Như Quang cũng nhờ qua Strassbourg xem đất, cho ý kiến xây chùa mới. Sư Phụ đã nhờ thiết kế cổng Tam Quan và Quan Âm đình cho Tu Viện Viên Đức, rồi xin phép xây cất. Sau đó nhờ Sư thúc Như Tịnh đặt làm gỗ toàn bộ cột kèo, xiêng trính bên Việt Nam, rồi chuyên chở qua Đức, nhờ thầu thợ Ravensburg đào móng, đúc trụ cột, ráp lại dựng lên, lợp mái ngói, kéo dài hơn một năm, đến cuối tháng nầy sẽ làm lễ Khánh thành nhân mùa Phật Đản. Ngoài ra hàng chục bộ kinh sách của Thầy viết, hay dịch từ tiếng Nhựt, tiếng Hán, tiếng Anh xếp cả dãy trên đầu nằm con, để trước khi ngủ hay mỗi sáng thức dậy đọc vài trang, chẳng những giúp con học hiểu thêm Phật Pháp, hành xử mọi việc ở đời, sửa soạn cuộc sống tâm linh tuổi xế chiều, chuẩn bị cho chuyến ra đi an lạc, và còn diễn dịch được những tên Nhựt khó nhớ ra tiếng Việt như Pháp Long Tự, Đông Đại Tự, niên hiệu Bình An…, cố đô Nại Lương… mà trước kia các sinh viên môn Lịch sử Kiến trúc của con đã phải vất vả nhai mãi những chữ Ryo, Ri, Hei để phân biệt làm bài thi! Bây giờ tuy muộn nhưng những bài viết về sau sẽ dễ đọc hiểu hơn.

Nhân kỷ niêm 50 năm xuất gia và hành đạo của Sư Phụ, con muốn mượn dịp nầy viết mấy trang kể lại nhân duyên quy y Phật, đến chùa Viên Giác, gặp Thầy, tu học thực sự và thêm vài dòng cám ơn Thầy một lần nữa về cơ duyên Thầy đã tạo cho con trong việc thiết kế ngôi chùa Viên Giác ở Hannover, không ngờ bên công tác xây dựng, con đã vô tình gây ra cái nhân thị phi, mối bận tâm cho Thầy, nay con xin tiếp tục ghé vai gánh đỡ phần nào nỗi nhọc nhằn trong phần trách nhiệm, như mấy lần con đỡ Thầy vác tấm ván nặng, hay cùng nhau khiêng chiếc đòn tay gỗ dài. Thật ra con chịu ơn Thầy trong việc ban cho dịp may thiết kế tới hai ngôi chùa lớn nhứt Âu châu, mang nhiều ý nghĩa về đạo cũng như về mặt Kiến trúc, mà nếu không được gặp Thầy, con khó lòng có cơ hội thực hiện được: “…Thiết kế hai chùa hoa Sen nở….” (Thầy đã sửa chữ hoa sen trong câu thơ con viết về danh).

Đúng như vị giáo sư đại học Úc, được mời thỉnh giảng tại đại học Hannover, nhìn ngôi chùa nầy lúc chưa lợp ngói tô hồ đã nói ngay: ”Sau khi xây dựng ngôi chùa nầy, anh đã có đủ hành trang để về hưu, không cần làm gì thêm nữa”.

Về cuộc đời hoằng hóa Phật Pháp, Hành Đạo của Sư Phụ, con tin rằng chư Tôn Đức và các đạo hữu sẽ ghi lại nhiều cảm niệm. Về những đóng góp trong lãnh vực Văn Hóa và Dân tộc, các văn hữu và thân hữu sẽ viết lại nhiều kỷ niệm, nhận xét qua quá trình sinh hoạt của Sư Phụ. Phần con nhớ lại lời đáp của Linh Mục Cao văn Luận, Viện trưởng viện Đại học Huế, trả lời phái đoàn văn hóa Nhật đến hỏi về nơi chốn có thể tìm hiểu, nghiên cứu về mỹ thuật, nghệ thuật Kiến trúc, những mỹ nghệ phẩm truyền thống Việt Nam: ”Qúy vị có thể tìm gặp những điều đó trong các ngôi chùa Việt Nam”.

Con muốn chép lại cảm tưởng của những nhân vật đạo Thiên Chúa:

- Phái đoàn sáu vị Linh mục Việt Nam từ khắp nơi về họp mặt với các linh mục Đức ở địa điểm gần Hannover, đã ghé qua thăm chùa và phát biểu:

“Có những việc Thầy làm được, mà chúng tôi không thể làm được. Cám ơn Thầy đã đem được Văn hóa Việt Nam, mỹ thuật và kiến trúc nước nhà sang đây để giới thiệu với dân Đức và người Tây phương”.

Giáo sư Phạm Việt Tuyền, Chủ tịch Văn bút Việt Nam Âu châu, nhân buổi Đại hội ở Hannover, đã ngỏ lời cám ơn Thầy:

“Khi bước vào chánh điện giữa những hình tượng, trang trí Việt Nam, tôi đã thắp hương khấn Phật cầu Trời và van vái Tổ tiên để phù hộ cho cuộc hội họp Văn Bút Việt Nam Âu châu dưới bóng mát mái chùa Viên Giác, được nhiều sự lợi lạc và cho các anh em cầm bút ngày càng đóng góp được nhiều điều hay, điều tốt như gương Thượng Tọa đã làm được phép lạ, là tạo lập giữa khung cảnh nước Đức một ngôi chùa Việt Nam, dựng lên các tôn tượng Phật Việt Nam và đem văn hóa Việt Nam trong vùng văn hóa Á Đông, cấy trồng trên đất Âu châu, tại miền Bắc Đức, để người Tây phương được thưởng thức và sống thêm trong văn hóa Đông Phương. Chúng tôi vào nhà Tổ, đọc bảng đại tự Tổ- Tổ Tương Truyền” dựng trên bàn thờ chư Tổ, thấy Thầy còn giữ được truyền thống cho các thế hệ dân tộc, thể hiện không những cho tư tưởng Phật giáo mà cho cả tinh thần Việt Nam trong mọi người theo tôn giáo khác nữa. Bên công cuộc lớn lao đó, truyền thừa di sản văn hóa cho đàn em cháu và hiến tặng món quà tư tưởng quý báu cho người Đức, dân Âu châu và cả nhân loại thưởng ngoạn, chúng tôi muốn nương nhờ mái chùa Viên Giác để đóng góp phần nhỏ bé của anh em Văn Bút, trong dòng sống chung của dân tộc từ năm 93 bước qua kỷ nguyên 21”.

Thêm hai cảm tưởng nữa của hai nhân vật Tây và Đông Phương:

- Vào dịp Lễ Thượng lương, vị Kỹ sư cố vấn kỹ thuật Đức, Tiến sĩ Meihorst đã tâm sự: “Thật không ngờ kiến trúc cổ truyền Việt Nam, lại đã thể hiện từ xưa những đường nét tân kỳ của nền kiến trúc hậu hiện đại (Post´ Moderne) rất gần với quan niệm thưởng ngoạn của Tây phương ngày nay và rất hài hòa với bao cảnh (Environment) của nước Đức.

Rồi nhân danh người công dân 50 năm của Hannover, ông đã chào mừng Đại hội Tăng già Thế giới: ”Thành phố Hannover hãnh diện với Trung Tâm Phật giáo nầy” và vào dịp lễ Khánh thành, ông đã kết thúc bài phát biểu:

“Hợp đúng với chủ đề Con Người, Thiên Nhiên và Kỹ Thuật của Hội chợ Thế giới năm 2000, ngôi chùa Viên Giác chẳng những là quê hương tinh thần của người Việt Nam sống tại Đức và ở Âu châu mà còn là Trung tâm Trao đổi Tâm linh của mọi người thuộc mọi Chủng tộc và Tôn Giáo”.

Cũng trong Đại Hội Tăng già Thế giới, tổ chức lần đầu tại Đức, vào lúc ngôi chùa Viên Giác mới lợp, chưa tô, giàn trò còn bày dựng ngỗn ngang, vị Trưởng Lão Đại Đức Tích Lan, giáo sư Đại học Anh quốc đã mở đầu buổi thuyết pháp trước đám đông Phật tử Việt Nam:

“Tôi đến đây ngoài việc tham dự Đại hội, còn muốn tìm xem những điều mới lạ tại nước Đức, nhưng tôi thực không ngờ, Thượng Tọa Như Điển trẻ như vậy, trong một thời gian ngắn như vậy, lại có thể tạo dựng nên một công trình to lớn và tốt đẹp đến như vậy, nơi đất khách quê người, thuộc bản địa một tôn giáo lâu đời của văn minh Âu Tây…”.

Như vậy theo chân Thầy đến nay, con đã phụ Thầy bắt được một nhịp cầu nho nhỏ qua hai bờ văn hóa khác biệt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/10/2014(Xem: 10144)
Đất Trời nuôi dưỡng vạn loài Sao ta nở giết chẳng hoài đoái thương Trời dạy ta biết tỏ tường Đất dạy ta phải yêu thương nhau cùng
17/10/2014(Xem: 12168)
Động Tĩnh Như Nhiên Một bữa học trò tới hỏi Thầy: - Thưa Thày, mấy bữa nay lòng con không yên, tâm con động. Làm sao đây? Thiền Sư: - Động thì cứ động, sao phải mong tĩnh. Vài bữa sau, học trò lại chạy tới: - Mấy hôm rày con ngắm trời xanh trong, nước suối văn vắt, thấy lòng yên tĩnh lạ thường. - Tĩnh thì cứ tĩnh sao phải nói ra thành động. - Bao năm rồi con theo Thầy, nhưng tự cảm thấy chưa hiểu được gì. Lòng con lúc tĩnh, lúc rối... Thiền Sư: - Ta cũng như con, lúc rối lúc tĩnh... Nhưng ta không thấy phải nói ra điều đó thành ngôn ngữ. Ta chỉ... như ngồi yên trên con thuyền ý thức, mặc cho sóng lòng chao đảo hay yên bình..*:) happy
15/10/2014(Xem: 11418)
Vâng, em sẽ về Quảng Ngãi thăm anh. Khi nắng hoàng hôn nhạt nhòa trước ngõ. Khi quê anh, qua rồi mùa mưa gió. Em sẽ về, vì vẫn biết anh mong.
15/10/2014(Xem: 15665)
Vang Vọng Nguồn Thương (tập thơ)
15/10/2014(Xem: 11805)
Cuộc chờ Cuộc hẹn – hôm nay Cuộc vui sơ ngộ Cuộc đày đọa qua. Mây nghiêng Nghiêng dặm quan hà Nửa chìm bóng mộng Nửa pha phôi chiều.
14/10/2014(Xem: 11791)
Xông vào dông bão ngồi chơi Một khi tâm tịnh bão thời cũng yên Xông vào chợ búa đảo điên Một khi tâm sáng chợ nghiêng cũng lành!
14/10/2014(Xem: 11688)
Tuổi đời đã sáu mươi già Thân thể biến đổi trán đà xếp ly Mắt mờ tai lãng lắm khi Bộ đi chậm chạp nạng ghì chống thêm
12/10/2014(Xem: 10773)
A ha, tay bắt được vàng Lộc duyên thu hốt ngập tràn si mê Phước bất tận hưởng lặng nghe Mở lòng từ ái sớt chia tay người.
12/10/2014(Xem: 12883)
Quảng Đức Tu Viện hôm nay Cảnh quang chùa đã đổi thay tuyệt vời Xung quanh hoa nở tứ thời Phật cảnh tôn dựng khắp nơi vườn chùa Giúp quên những chuyện hơn thua Khách trần ngoạn cảnh ganh đua cũng dừng Quan Âm thị hiện vui mừng Liên trì sen nở đài vàng thân quen Người người mến mộ ngợi khen Trụ Trì Tân Chủ một phen đổi dời
11/10/2014(Xem: 16399)
Vấn vương, vương vấn làm chi Hợp tan, tan hợp chẳng gì bận tâm Con về thăm mẹ lần này Trọng trách con gánh từ rày nghe con Lời xưa con gắng giữ tròn Gieo duyên tạo phước, lái thuyền từ bi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]