Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

42. Người Ngu

15/03/201408:41(Xem: 23189)
42. Người Ngu
blank

Người Ngu


Thời gian này, trong hạ này, vì muốn giáo giới chư tỳ-khưu Tăng ở Kỳ Viên, trong kinh thành cũng như ở phương xa về nên đức Phật ít khi cất bước vân du. Và đây cũng là dịp cho hoàng hậu Mālika tìm đến cúng dường, nghe pháp. Cũng trong dịp này, chị của đức vua Pāsenadi là lệnh bà Sumanā xin xuất gia tỳ-khưu-ni nên vị thế của giáo hội càng nổi bật! Các gia chủ, danh gia, triệu phú và nhất là trưởng giả Cấp Cô Độc càng không bỏ lỡ cơ hội hộ độ đức Phật và Tăng chúng. Do vậy, không những tăng chúng có đời sống tứ sự đầy đủ mà các kho lẫm ở chùa Kỳ Viên cũng không còn có đủ sức chứa nữa. Trưởng giả Cấp Cô Độc phải gấp rút cho xây dựng thêm nhiều phòng ốc cùng nhiều kho lẫm để chứa ngũ cốc, dầu đèn, hương liệu cùng các loại thực phẩm, hiện vật linh tinh khác.

Hôm kia, tôn giả Sāriputta đến hầu đức Phật và thưa là ngũ cốc quá nhiều, nhất là gạo không biết sẽ xử lý, phân phối ra sao. Đức Phật dạy:

- Hãy bố thí cho các trại chẩn bần.

- Thưa, cũng không hết!

- Hãy bố thí cho các nhóm tàn thực.

- Thưa, ít hôm sau các kho lẫm lại đầy!

- Vậy thì phải tìm cách sử dụng chúng vì đấy là tâm cúng dường trong sạch của chư thí chủ. Các vị sa-di, những giới tử, những người giúp việc sẽ lo phần việc nấu cơm rồi dâng cho chư trưởng lão, chư vị tỳ-khưu trong trường hợp không đi khất thực được.

- Việc phân phối gạo chỉ xảy ra một thời gian ngắn tại Trúc Lâm mấy năm về trước, bạch đức Tôn Sư! Sau đó, chư tăng trở lại đời sống chỉ dùng vật thực trong bát mà thôi!

- Đúng vậy! Nhưng mà hãy tùy duyên, tùy nghi, không thể để cho gạo cúng dường của hai hàng cư sĩ trở thành mối mọt, hư mục được! Không những là chuyện xử lý chuyện gạo mà pháp và luật của Như Lai, sau này cũng phải được quyền biến, linh động như vậy! Hãy thông báo chuyện này với đại chúng tăng ni, nơi nào có sự phát sanh tương tự, này Sāriputta!

Lời giáo huấn của đức Phật sau đó được ban ra. Chư vị trưởng lão tôn túc lại họp bàn, biết tìm ai là người phân phối gạo? Đấy là trọng trách, là nhiệm vụ khó khăn chứ không đơn giản chút nào! Tôn giả Moggallāna chợt giới thiệu một người mà ai cũng phải thừa nhận là tuyệt vời nhất: Đấy là vị thánh tăng Dabha Malla! Tỳ-khưu Dabha đến hạ này đã mười bảy tuổi, mười hạ rồi, là người duy nhất và đầu tiên trong giáo hội vừa tu sa-di, sau đó lại được thọ đại giới khi bảy tuổi, lúc vừa đắc quả A-la-hán. Suốt mấy năm qua, tại chùa Trúc Lâm, ngài nổi tiếng đảm đang, phân minh trong việc chăm sóc, thu xếp lịch trình đặt bát hằng ngày; bảo quản, coi sóc các kho lẫm ngũ cốc, vải vóc, dầu đèn, hương liệu ở Trúc Lâm tịnh xá. Vị thánh tăng này còn nổi tiếng khắp nơi về cái ngón tay: “Nhất chỉ quang tướng thần thông” để dẫn lối, chỉ đường đến chỗ ngụ cư cho chư thánh, phàm tăng trong những đêm tối trời!

Thế rồi, từ Trúc Lâm tịnh xá, ngài Dabha Malla phải sử dụng thần thông sang Kỳ Viên nhận nhiệm vụ mới. Và từ đó, vị thánh tăng trẻ tuổi này cầm cán cân phân phối thực phẩm rất phân minh và chu đáo. Với số hạ lạp như vậy thì được gạo hoặc thực phẩm tương đương. Và thường thường số gạo xấu, phẩm chất thô là phần cho các vị còn trẻ hoặc sơ tu. Ðấy là thứ tự hình thức, là lễ giới cần thiết trong giáo pháp của đức Tôn Sư.

Hôm kia, tỳ-khưu Udāyi mặc dầu hạ lạp khá cao nhưng nhận được gạo xấu liền làm rộn lên trong phòng phát thẻ. Người ta biết vị đó còn nhiều phàm phu tính nên ai nấy đều giữ im lặng.

Ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa, tỳ-khưu Udāyi vẫn nhận được gạo xấu, vì thật ra gạo tốt không còn bao nhiêu, phải để dành cho các vị trưởng lão niên cao, lạp lớn. Tỳ-khưu Udāyi mặc dầu biết vậy, vẫn nói nặng lời với ngài Dabha Malla, chỉ trích và phỉ báng vị ấy.

Vị thánh tăng trẻ tuổi Dabha Malla im lặng như cái mõ bể, chỉ lo tròn bổn phận mình, không hề cãi lại. Nhưng có một số tỳ-khưu sơ tu, tập khí còn nhiều, nội tâm chưa ổn định, tham sân và uế trược chưa lắng dịu cũng nhân cơ hội ấy mà la ó lên, làm cho căn phòng phát thẻ ồn ào như vỡ chợ.

- Ngài Dabha không công bằng, nghỉ việc đi!

- Ðề nghị ngài Udāyi làm thay!

Giáo hội đức Tôn Sư là tập thể dân chủ; lại biết phân công các vai trò quản lý hay các chức vụ điều hành sinh hoạt, nên cũng dễ hiểu thôi, sự đề nghị tỳ-khưu Udāyi thay thế chức vụ ấy được ngài vui lòng nhường lại ngay!

Cuộc phát gạo đã xong, thánh tăng Dabha Malla mang thẻ đến, trao vào tay tỳ-khưu Udāyi:

- Nếu hiền giả mong muốn gánh vác trách nhiệm này, tôi có một vài lời khuyên. Hiền giả phải biết tôn kính bậc nên tôn kính. Hiền giả phải biết vị nào nhiều công đức và vị nào ít công đức. Ðây là việc làm không thể chiếu lệ, đại khái mà cần sự sáng suốt, định tĩnh và nghiêm túc. Nó cần sự tinh tấn, cần mẫn, chăm chuyên và chịu khó. Không thể cẩu thả, làm biếng, thiểu trí và vô trách nhiệm được đâu. Hiền giả Udāyi thân mến! Hiền giả phải biết như vậy.

Udāyi bực mình hét toáng lên:

- Sao tôn giả lại lắm điều như vậy? Tôn giả có phải là Ðạo Sư của tôi đâu. Tôi biết việc mình phải làm, đâu cần phải quá nhiều lời nặng óc, nặng tai của tôn giả!

Biết cái cứng đầu và ngu si của vị ấy, thánh Tăng Dabha Malla bỏ đi với ý nghĩ: “Hy vọng ông ta học được bài học và giác ngộ được điều gì đó trong khi làm công việc này! Chắc chắn đức Ðạo Sư biết rõ là đến lúc nào đúng thời để thuyết giáo đến ông ta”

Thế rồi đến phiên tỳ-khưu Udāyi phát thẻ phân phối gạo. Ông ta không cần biết đến số hạ lạp và tuổi tác của một ai, không cần biết vị nào nhiều công đức, vị nào ít công đức. Ông ta ghi những cái dấu trên sàn hoặc trên tường để chỉ rõ hàng này bao nhiêu người, hàng kia bao nhiêu người. Và ông ta y cứ vào đấy, y cứ vào những cái dấu của mình mà phân phối gạo.

Ðến ngày sau, dĩ nhiên là thường có một số tỳ-khưu ra đi và có một số tỳ-khưu khác mới đến. Do vậy số người nhận gạo thường thường phải thay đổi luôn, cả số thẻ và hàng. Tỳ-khưu Udāyi lại không để ý đến điều đó, cứ theo cái dấu của mình mà phát. Bởi thế, có người không nhận được gạo, và gạo tốt không vào được tay các vị trưởng lão. Người ta phản ảnh với Udāyi điều đó. Tỳ-khưu Udāyi nói:

- Sao các tôn giả không tự động đứng theo những cái dấu của tôi? Tại sao tôi lại phải tin lời các tôn giả? Tôi tin vào cái dấu của tôi hơn.

Thế rồi Udāyi gạt phăng chư vị ra một bên bằng cánh tay lực lưỡng thô bạo của mình.

Có vị tỳ-khưu có ý thức, nắm tay Udāyi lại, rồi kéo qua một bên:

- Này bạn, liệu hồn đấy! Có rất nhiều vị truởng lão không có phần, và các ngài đã không nói gì, lặng lẽ ra đi như chiếc bóng.

Udāyi sừng sộ nói:

- Tôi không cần biết là ai. Tôi đã có những cái dấu của tôi!

- Bạn vừa nói gì? Một giọng quát lớn - Bạn xúc phạm đến chúng tôi thì được. Nhưng bạn lại dám đụng đến các bậc trưởng lão đáng kính trong giáo hội này? Tôi với cái nắm tay, cái mũi của bạn sẽ như trái cà chua đỏ, và cái miệng của bạn sẽ méo qua một bên như trái xoài dập!

Tỳ-khưu to lớn kia nói xong liền bước lại. Các vị khác can ra. Ồn ào, huyên náo thế là xảy ra trong phòng phát thẻ.

Bậc Ðạo Sư lúc ấy đang đi kinh hành, quay lại hỏi thị giả:

- Như một cái chợ đang họp trong phòng phát thẻ. Chuyện gì vậy?

Một lát sau, tỳ-khưu thị giả trình bày tự sự lại với đức Thế Tôn.

Bậc Ðạo Sư yên lặng, mỉm cười không nói gì. Buổi chiều, trong giờ giảng pháp, đức Phật lấy đó làm đề tài, nói rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Hãy lấy đó để làm gương, lấy đó để làm bài học, lấy đó làm điều để giác ngộ. Có một người chỉ giết một sinh mạng mà phải lấy năm trăm mạng liên tiếp để trả quả. Có những chúng sanh bị những tật, những nghiệp, những kiết sử dầu lớn, dầu nhỏ mà trải qua vô lượng kiếp chúng vẫn không làm cho nó nguội tắt đi, tốt đẹp hơn, thanh lương hơn! Nó chỉ nguội lạnh đi, tốt đẹp hơn, thanh lương hơn khi chúng thấy rõ, giác ngộ được bài học ấy. Còn nếu không thì cứ mãi mãi, liên tục bị trả quả; mãi mãi liên tục bị khổ đau và phiền não.

Như kẻ Udāyi ngu si rỗng không kia! Nó làm mất phần gạo của các vị trưởng lão, làm cho số đông tỳ-khưu bị thiệt thòi. Không phải chỉ ngày nay mới thế thôi đâu, mà một kiếp lâu xa kia, nó cũng làm cho nhiều người khác bị thiệt thòi như thế rồi. Từ đấy biết bao nhiêu là quả đau khổ mà nó phải gánh chịu. Tuy nhiên, nó vẫn không giác ngộ được bài học.

Thế rồi đức Ðạo Sư kể chuyện về quá khứ đã bị che lấp như sau:

“Thuở xưa, ở nước Kāsi, tiền thân Như Lai là vị quan đại thần chuyên trách việc đánh giá của cải, tài sản, châu báu cho quốc độ. Như Lai biết đúng giá trị của từng hiện vật, từng loại hàng hóa nên sự định giá không bao giờ lầm lẫn để đem đến sự thiệt thòi cho người này hay thiệt hại cho người kia.

Nhưng đức vua vốn là kẻ tham lam, bao giờ cũng muốn lợi về phần mình, nên tỏ vẻ không bằng lòng sự công bình đúng mức của vị quan đại thần nọ. Do vậy, đức vua luôn cố tìm một kẻ tín cẩn, kẻ tri kỷ, kẻ cùng một tâm địa, kẻ cầm cán cân nghiêng về một bên.

Hôm kia, giả dạng thường dân để cùng đi du hành với Như Lai, đức vua quan sát, thăm viếng những ngôi chợ, những cửa hàng; sau đó chăm chú theo dõi một người đang đánh giá một món hàng trước cửa hiệu của y. Hàng là một bao sắn mì to nặng của người nhà quê lam lũ, nghèo khổ.

Người chủ hiệu nói:

- Giá nó chỉ bằng bốn trái cam! Vậy là giá đã hời! Cam ăn mát mẻ, thanh nhiệt, bổ dưỡng, còn sắn mì của ngươi chỉ ăn nặng bụng, thường dành cho heo, chó, gà vịt mà thôi!

- Thưa chủ! Người nhà quê khép nép nói - Không được đâu! Cam nhà cháu cũng có đấy nhưng không thể ăn no. Ðây là cả một bao sắn mì to, ăn cả trăm người không hết.

Người chủ hiệu gắt:

- Mày mà biết gì nào? Sắn kia chỉ để súc vật ăn. Cam là để người ăn. Thế ra mày bảo súc vật giá trị hơn người sao? Quân này láo!

- Cháu không dám, cháu có nói thế đâu!

- Thế hãy để hàng lại. Và đây là hai xu đồng tiền vàng, hai xu vàng māsaka cơ đấy! Nhiều lắm rồi, hãy xéo đi!

Nói xong người chủ hiệu sai người vác bao sắn vào nhà sau rồi quẳng xuống chân người nhà quê hai đồng xu. Người nhà quê đứng chết lặng, miệng há hốc ra.

- Chê vàng à? Người chủ hiệu quát - Thế ra mày chê vàng à? Mày chê vàng không có giá trị bằng sắn mì? Chao ôi! Sắn thì sắn mốc, sắn meo, có xương không có thịt. Còn cam của ta kìa! Tươi roi rói, mọng mọng vàng, ngọt lịm kìa! Chê ít à? Xem chừng hai xu còn nhiều quá đấy. Một xu thôi! Nếu không lấy mà đi thì ông kêu lính bắt!

Người nhà quê kinh hãi:

- Cháu có tội tình gì?

- Sao không tội? Người chủ hiệu hăm dọa - Muốn tội là có tội ngay thôi. Mày chê vàng! Thế là mày đã chê giá trị mà đức vua anh minh xứ Kāsi này đã chế định, đã trở thành pháp quy! Thế không phạm pháp luật quốc độ là gì?

Người nhà quê xanh mặt, cúi xuống lượm hai xu rồi hốt hoảng đi như chạy không dám ngoái lại.

Vị quan đại thần đau lòng chảy nước mắt nhìn cảnh sai trái, bất công xảy ra trước mắt: Kẻ giàu có, quyền thế, lắm bạc tiền thường bức hiếp kẻ cô thế, đói nghèo! Nhưng ngài biết rõ, can thiệp vào lúc này là không có lợi, đành phải ẩn nhẫn thôi, chờ một dịp nào đấy, sẽ đem đến lợi ích toàn diện cho mọi người bằng công pháp nghiêm minh hơn chứ không phải bằng tình cảm nhất thời.

Vị quan đại thần còn biết rõ rằng, người nhà quê tội nghiệp kia, nếu không chịu lấy hai xu thì còn bị thiệt hại hơn nữa. Và nếu không bán cho người chủ hiệu này, thì dẫu cho y có đi cùng thành phố Kāsi, hàng cũng không bán được. Ðấy là luật “đen”, luật “bất thành văn”, luật “phi pháp” vốn đã được thỏa thuận ngầm với nhau trong giới con buôn, của bọn thương gia bất hảo. Lại nữa, chuyện hăm dọa cho lính bắt, không phải là không thể xảy ra, vì bọn con buôn gian tham thường có cách khôn khéo đút lót cho giới chức trị vì và cả bọn công quyền, công lực nữa! Và khi mà lòng tham đã chế ngự lương tâm thì trí óc của nó đã biến thành sự gian xảo, quỷ quyệt, lật lường của loài chồn cáo!

Trong lúc Như Lai thở dài, chán ngán thay cho lòng người thì đức vua mặt mày hớn hở, tươi như hoa, miệng không ngớt tủm tỉm cười.

- Tuyệt! Tri kỷ! Thật là tri kỷ! Nhà vua thốt lên - Với người đánh giá này, xoài chín sẽ thành xoài thối, cam tươi sẽ thành cam sống, ngựa lành sẽ thành ngựa què, vàng mười sẽ thành vàng non, chuối mật mốc sẽ thành chuối hư! Ta mà có y thì chẳng mấy chốc, vương quốc ta sẽ giàu có nhất Diêm Phù Ðề. Lại nữa, y còn biết bảo vệ luật pháp của quốc độ! Một công dân toàn hảo như thế mà sao từ lâu ta lại không biết kìa?

Ngày hôm sau, đột ngột, vị quan đại thần liêm chính được giấy ban khen của nhà vua cùng với một số tiền phụ cấp hưu dưỡng. Và người chủ hiệu tri kỷ của đức vua được phong quan to, thế chân Như Lai.

Vị quan đánh giá là người có bổn phận đánh giá tất cả những sản phẩm được làm ra từ nghề thủ công, từ nông nghiệp, từ lâm nghiệp cùng hằng trăm ngàn hiện vật, phẩm vật linh tinh khác! Là người cầm cán cân công lý thương mại cho cả nước. Một vật, một món hàng, quan đã đánh giá như thế nào thì hàng đó có trị giá như vậy. Ðấy là luật pháp của quốc độ mà mọi người phải tuân theo.

Vị tân quan từ khi nhậm chức đã tỏ ra khả năng“siêu quần bạt tụy” của mình trong lĩnh vực này. Y đánh giá tùy sở thích, tùy cảm hứng vui buồn của mình, không đếm xỉa gì đến sự thua lỗ của người khác hoặc giá trị đích thực của món hàng như thế nào, miễn là có lợi cho đức vua là được. Ðôi khi vì tức giận vô cớ, y như cướp không của người ta bằng giá cám bèo rẻ mạt. Cho nên, chẳng bao lâu, tài sản của đức vua cứ tăng lên vùn vụt như nước của trăm con sông chảy tràn vào quốc khố. Người ta bắt đầu sợ hãi không đem hàng đến bán cho triều đình nữa thì đích thân vị quan đánh giá “mẫu mực” này cho xe đi thu mua chỗ này, chỗ khác với lính tráng tiền hô hậu ủng. Mỗi ngày tài sản đổ về tràn đầy cho công khố nhưng đức vua không phải tốn kém bao nhiêu giá trị hàng hóa hay tiền bạc trao đổi cả.

Hôm kia, từ một nước ở phương bắc, một lão lái buôn “vô phước” dẫn đến đức vua năm trăm con ngựa. Ðấy là ngựa thuộc nòi giống tốt. Vua rất thích bèn kêu vị quan đánh giá tri kỷ của mình đến.

Vị quan đánh giá nhìn biết ngay là giống ngựa tuyệt hảo, một số được lai với ngựa rừng, lai với nòi giống Sindhu tối thượng. Tuy nhiên, y bắt đầu chê. Y chê con này mập quá, con này gầy quá, con kia quá cao cẳng, con này quá thấp cẳng; sắc lông con này quá hung, quá nhạt, quá bù xù; lông đuôi quá ít, bụng quá tóp, ngực quá gồ... rồi y đánh giá như sau:

- Trị giá năm trăm con ngựa tồi tệ này chỉ bằng một đấu gạo, tâu đại vương! Mặc dầu ngựa xấu, nhưng dẫn ngựa đi quá xa xôi mệt nhọc, ta nên đánh giá nới tay một chút kẻo tội nghiệp!

Nói xong, vị quan đánh giá sai người đem cho lão lái buôn một đấu gạo rồi dẫn ngựa vào chuồng, trao người chăn giữ.

Lão lái buôn chết sững, đứng im như hóa đá, không biết nói năng gì, chẳng biết khiếu nại cùng ai. Sau đó, y tức giận, đau khổ đi thất tha thất thểu như người điên. Biết chuyện ấy, người trong thành phố Kāsī ai cũng thương tình, khuyên lão lái buôn nên đến gặp quan đại thần xin ngài bày cho phương kế lấy lại ngựa.

Sau khi nghe chuyện, Như Lai trầm ngâm giây lâu rồi nói:

- Vị quan đánh giá kia chỉ là một gã tiện dân tham lam, không có trí. Ðối với y, có tiền là tối mắt, có tiền thì bảo sao nó nghe vậy.

- Trăm sự nhờ ngài! Lão lái buôn van vỉ - Nhờ ngài tìm phương kế cho chứ con e không sống nổi khi sự nghiệp tiêu tan. Và hiện giờ con chẳng còn một trinh, một hào dính túi! Ngài hãy cứu con!

Như Lai đưa mắt ra xa, nói như nói một mình:

- Sự bất công, ngu muội, đảo điên xảy ra khắp nơi. Tất cả đều do tham lam, sân hận và si mê của con người mà ra cả. Dẫu ta có tìm ra phương cách đối trị mọi bất công trên xã hội thì nó cũng chỉ có giá trị tạm thời. Phải có một phương thuốc nhiệm mầu hơn, vĩnh cửu hơn có thể chẩn trị tận căn gốc, tận nguyên nhân, lúc ấy mới chấm dứt được tất cả mọi đau khổ trầm thống trên cuộc đời. Vì lòng từ với sanh loại, ta phải tìm ra con đường bất tử.

Rồi Như Lai nói với lão lái buôn:

- Trường hợp mất ngựa của ngươi không khó lắm đâu. Hãy bình tĩnh, hãy an tâm! Ta sẽ cứu ngươi. Tuy là ta cứu ngươi nhưng đồng thời, ta cũng cứu luôn cho cả quốc độ. Từ lâu ta vẫn chờ cơ hội. Nay cơ hội thuận lợi đã đến. Ðức vua sẽ tự thấy xấu hổ mà ngưng đi sự tham lam ngu si của mình.

Như Lai đứng dậy, trao cho lão lái buôn một bọc tiền vàng, nói chậm rãi:

- Ngươi hãy đến trao tận tay vị quan đánh giá kia bọc tiền vàng này và nói với y rằng: “Cúi xin quan đánh giá cho thật tốt, cho thật lớn vào giá trị của đấu gạo trước mặt đức vua. Chỉ có thế thôi. Làm như vậy, quan chẳng mất gì mà lại còn được một bọc vàng này nữa”. Ngươi hãy nói với y như thế, sau đó là ngươi sẽ lấy lại được ngựa. Ta sẽ gặp nhau vào ngày mai, tại triều đình.

Lão lái buôn ngần ngừ không dám nhận bọc tiền vàng. Như Lai mỉm cười nói:

- Ðấy chỉ là cái mồi để nhử con rắn tham lam đi ra khỏi cái hang của nó mà thôi. Bắt được rắn, ta lấy mồi lại chứ không mất đâu cả!

Lão lái buôn tin tưởng vào Như Lai nên vui mừng đến sa nước mắt. Y quỳ xuống ôm chân Như Lai với lòng tri ân vô hạn.

Quả nhiên, với bọc tiền vàng, vị quan đánh giá vâng dạ đủ điều.

Hôm sau, trước đầy đủ tai mắt của bá quan văn võ, có cả Như Lai, lão lái buôn quỳ lạy đức vua xong rồi nói:

- Tâu đại vương chí tôn! Con đã biết giá trị năm trăm con ngựa bằng một đấu gạo, nhưng trị giá một đấu gạo là bao nhiêu con cũng chưa rõ. Vậy xin đại vương hãy cho quan đánh giá xác định trị giá của đấu gạo để con dễ bề tính toán lúc trở về.

Ðức vua không phải là người có trí nên không thấy cái mồi câu, cái lưỡi câu con rắn tham lam nằm ở đâu, bèn chuẩn tấu.

- Này ái khanh! Ái khanh hãy lập lại trị giá năm trăm con ngựa cho trẫm nghe nào!

- Là một đấu gạo, tâu đại vương!

Ðức vua gục gặc đầu rồi tiếp:

- Vậy trị giá một đấu gạo là bao nhiêu, hãy cho lão lái buôn này rõ, hỡi quan đánh giá hiền thiện!

Chỉ thấy túi vàng, không thấy đức vua mà cũng chẳng thấy ai nữa cả, vị quan đánh giá đáp:

- Trị giá một đấu gạo thì quá lớn, quá nhiều, tâu đại vương! Nó phải bằng cả kinh đô Ba La Nại (Bārāṇasī) và cả vùng ngoại ô cộng lại!

Lúc bấy giờ toàn thành Ba La Nại dài đến mười hai do tuần. Còn nội ngoại thành Ba La Nại rộng lớn mỗi bề đến ba trăm do tuần. Cho nên khi vị quan đánh giá xong, tất cả bá quan văn võ đồng “ồ” lên một tiếng. Có nhiều vị đã cất tiếng nói và tiếng cười chế nhạo, châm biếm, xem vị quan đánh giá như một gã hề trên sân khấu.

Có một quan đại thần thanh liêm chính trực, là bạn thân của Như Lai, cảm thấy xấu hổ trước lão lái buôn là người nước ngoài, nên nói to với giọng mỉa mai, cốt ý cho đức vua nghe:

- Trước đây tổ tiên chúng ta nói quốc độ là vô giá. Nhưng nay chúng ta biết rằng nó có giá hẳn hòi. Ai cũng có thể mua được đức vua chí tôn và quốc độ một cách dễ dàng. Vì chỉ cần một đấu gạo, ta có thể mua nội ngoại thành Ba La Nại, dĩ nhiên là có cả đức vua, hoàng hậu, ba cung, sáu viện, điện ngọc, lầu vàng, quốc khố, quốc bảo cùng của cải tài sản của lương dân trăm họ! Ôi! Vị quan đánh giá này thật là bậc đại siêu việt, thật là bậc đại trí tuệ!

Bá quan văn võ được dịp nổ ra một trận cười thật hả dạ.

Ðức vua hổ thẹn quá không biết giấu mặt vào đâu, tức giận tên đánh giá ngu si nên nổi cơn thịnh nộ, quát mắng liên hồi; rồi sau đó, tước bỏ chức vị, lấy hết gia sản của nó rồi tẩn xuất ra khỏi quốc độ.

Tuy thế, khi quay lại, đức vua thấy rõ trăm quan vẫn nhìn mình với đôi mắt thiếu thiện cảm, khinh bỉ thế nào, bèn hối lỗi:

- Trẫm có lỗi thật sự, hỡi các khanh! Trẫm nguyện sẽ chừa bỏ. Vì lòng tham nên trẫm đã u tối lương tri. Từ rày về sau, trẫm sẽ đốt lên một ngọn đèn. Ngọn đèn này sẽ thường trực chiếu sáng để soi dẫn mọi hành động hợp với đạo đức, hợp với lẽ phải, hợp với tình người.

Bá quan đồng phủ phục lạy mừng, vô cùng cảm kích thái độ cải hối sáng suốt của đức vua. Rồi họ đồng thanh tâu xin cho Như Lai phục hồi chức cũ để nắm cán cân công minh cho sơn hà xã tắc.

Ðức vua thân hành đến nắm hai tay của Như Lai, cất giọng đầy xúc động:

- Chỉ có khanh, không những là ngọn đèn cho trẫm mà còn là ngọn đèn cho cả quốc độ. Khanh phải được tạc tượng bỏ lên bệ thờ cho mọi người ngưỡng mộ và tôn thờ mới phải.

Từ đó, Như Lai phục hồi chức cũ, dẫn dắt cả vương quốc theo lẽ công bằng, tự do và hạnh phúc.

Mệnh chung, tiền thân của Như Lai đi theo nghiệp của mình”.

Kể xong chuyện quá khứ, đức Ðạo Sư nói với đại chúng:

- Tên chủ hiệu đánh giá ngày xưa chính là Udāyi ngày nay vậy. Thuở ấy nó đâu thèm để ý đến sự thiệt thòi của người khác thì nay vẫn cứ vậy. Cái ngu si cứ chồng chất ngu si, lặp lại sự ngu si mãi hoài như vậy mà nó vẫn không nhận chân được bài học. Những kẻ như vậy thì vòng tử sinh thống khổ sẽ còn trầm luân, tiếp diễn mãi mãi.

Còn Như Lai, tức vị quan đánh giá công minh, từ vô lượng kiếp trước cho đến vô lượng kiếp sau, luôn luôn đi tìm phương thuốc nhiệm mầu, bất tử để chữa trị tận căn gốc mọi đau khổ trầm thống của chúng sanh. Và nay đã tìm ra. Giáo pháp mà Như Lai đã chứng ngộ, tuyên thuyết chính là phương thuốc nhiệm mầu chữa trị căn bệnh tham lam, sân hận và si mê trong lòng chúng sanh vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/10/2014(Xem: 9492)
Ráng tu đi ngày mai hưởng phước Ráng tu đi để được thảnh thơi Đó là phần thưởng của Phật Trời Đó là mộng đẹp muôn đời như hoa Dầu tiền bạc đầy rương tràn tủ Cũng không đủ huynh đệ ơi Sớm giác ngộ nương tầm nẽo đạo Dứt nghiệp trần, trả báo oan khiên Trở về theo Phật Thánh Hiền Tu cho đắc quả đến miền lạc bang./.
27/10/2014(Xem: 9592)
Hạ tuần tháng mười vừa qua, HT Thích Như Điển Phương trượng chùa Viên Giác về hướng dẫn khóa tu Bát Quan Trai Giới tại tỉnh Reutlingen. Nhân dịp nầy, Thầy mang quà tặng về cho Phật tử địa phương, đó là tác phẩm thứ 63 của thầy với tựa đề: “Hiện Tượng của Tử Sinh”. Đồng thời thêm một quà tặng của Bào huynh thầy: Thi phẩm “Hạt Cát Mịn” của Song Thu (Bút danh của HT Thích Bảo Lạc). Chúng con xin cung kính đảnh lễ và cảm niệm Công đức của nhị vị Ân Sư. Cũng như xin trân trọng những tấm lòng từ bi đối với tha nhân qua những lời nguyện ước. Như người làm từ thiện chỉ biết cho, với cái tâm mong cầu mọi người đón nhận sự hỷ lạc:
25/10/2014(Xem: 8116)
Mới đó đà sang đến tháng Mười Dòng đời cứ thế lẹ làng trôi Ngày đi đêm tới không dừng nghỉ Lưu dấu tàn phai trên mắt, môi.
24/10/2014(Xem: 8379)
Ngự hàn lẫm liệt thuở bình Nguyên Vang dội đông tây tam pháp quyền Phi tướng buông ngôi tìm gốc đạo Vô tâm thấy tánh dụng nguồn thiền Đầu đà* bất động xa trần tục Khổ hạnh chơn thường vượt cõi tiên Rừng trúc sơ khai trăng bát nhã Truyền đăng vô tận chấn non Yên.
24/10/2014(Xem: 10207)
Nhất tâm niệm Bụt DI ĐÀ Đàm kinh nhập diệu voi già khiêm cung!
23/10/2014(Xem: 8050)
Chào đời có biết gì đâu Lớn lên mới hiểu thâm sâu cuộc đời Trần gian cũng rất tuyệt vời Mẹ cha thầy bạn những lời dạy khuyên Quê hương đất nước tổ tiên Chúng sanh các loại gắn liền trước sau Tương quan mật thiết với nhau Vui buồn chia sẻ dồi trau tâm mình Nhu hòa thuần thiện chân tình Điểm tô đời đạo nhân sinh kiếp người Thế nhân cần sự vui tươi Cần nên có một nụ cười an nhiên
22/10/2014(Xem: 9341)
ĐÔNG Dơi nhập thiền Rét đậm Thắm hoa trạng nguyên ƠN THẦY Ngọng nghịu i… tờ Thầy dìu dắt Nên vần thờ… ơ thơ
22/10/2014(Xem: 12446)
Trần gian quán trọ đời mình Đến chơi một chút thình lình rồi đi Trăm năm tay giữ được gì Có mang xuống dưới âm ty bạc vàng?
21/10/2014(Xem: 8248)
Chiều đã kéo mây về phơi chóp núi Mà ta còn lầm lũi ở trần gian Ôm hơn thua để phỏng tay trần trụi Đâu biết đời tan hợp tợ khói giăng Hãy để thơ chơi giữa miền thường tại Tung chân thật thôn tính hết dối gian Dẫu nghiên lệch mực khô câu rớt vận Cũng chẳng cầu phủi sạch bụi trầm luân Hãy để thơ chia với đời khốn khổ Nghe lũ chà nhức nhối tước thềm thơ
20/10/2014(Xem: 9323)
Giữa trưa tĩnh tọa trong rừng Chim về tắt nắng gió lừng chiêm bao Ngồi đôi mắt chết phương nào Run cơn mộng đỏ chớp hào quang bay
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567