Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thử bàn về Cái Tĩnh và Cái Không trong thơ

13/01/201416:15(Xem: 15042)
Thử bàn về Cái Tĩnh và Cái Không trong thơ
hoa_sen (9)

Thử bàn về Cái Tĩnh
và Cái Không trong thơ
Minh Đức Triều Tâm Ảnh




(Đọc bài “Tìm hiểu một bài thơ xuân của Vương Duy” của Hoàng Phong, tôi rất tâm đắc; không phải là tâm đắc toàn bộ bài viết, mà tâm đắc ở chỗ: Chúng ta đừng nên dễ dãi hoặc rập khuôn theo những bình luận văn học, thiền học của các thế hệ đi trước. Phải biết thẩm định giá trị mỹ học bằng chính con mắt của mình chứ đừng mượn mắt của người khác. Và tôi cũng chợt có ý nghĩ: Chưa chắc Vương Duy đã ‘hiểu’ Thiền là gì – như qua cái ‘thấy’ của Tô Đông Pha trong bài viết này!)



Đọc một câu thơ, thấy một “nhãn tự”, nghĩa là thấy một chữ đắc địa, thật là thú vị! Đọc một bài thơ, thấy một câu hay thì thật là sảng khoái! Xem một tập thơ, thấy được dăm bảy bài hay, chừng chục bài đường được, số còn lại dẫu chưa đạt nhưng câu kéo, chữ nghĩa ra vẻ đã có một sự lao động nghiêm túc thì thật không uổng phí thời gian “vén mây tìm trăng”!

Tôi làm thơ đã trên dưới 50 năm. Đối với ai không biết, chứ riêng tôi thì nó đã đọa đày, đã rút hết tinh lực của tôi không phải ít!

Trong một quyển sổ tay văn học, cách đây đã mấy mươi năm, tình cờ gặp lại trong đống lưu cảo, tôi có chép: “Báo Văn Nghệ Thứ Bảy, số 3, ra ngày 18/01/1992, có bàn về Cái Tĩnh và Cái Không trong thơ. Đọc được lắm, khá hay, nhưng tiếc là chưa tới! Giá như họ hiểu Tô Đông Pha thêm một chút, hiểu Cái Tĩnh và Cái Không của Phật hơn một chút nữa! Nhưng mà không sao, vậy là quý rồi! Có chút đổi mới rồi đấy!” Tên tác giả bài viết, vì sơ ý thế nào mà tôi lại không chép luôn? Bậy quá. Bây giờ cũng không còn nhớ nội dung! Chẳng rõ lời nhận xét trên có đúng chăng? Có võ đoán và chủ quan chăng? Vậy, xin lỗi về tất cả. Lật sang trang sau, thấy có một bài viết có tựa đề: “Xin mạo muội ‘nối điêu’ về Cái Tĩnh và Cái Không trong thơ, trong con-người-thơ của Tô Đông Pha”.

Tôi xin chép lại đây bài viết thuở ấy. Nó như sau:

Người ta bảo rằng, Tô Đông Pha là một thi sĩ thượng thừa, trầm luân khoát hoạt, quảy cuộc chơi “lao viễn mộng” trên đôi cánh thiên thu để bay qua cõi huyền hư khói sương cát bụi! Thế mà tại sao, thật là ngạc nhiên dĩ hĩ, Tô thi sĩ của chúng ta lại có 5 điều không hiểu nơi Đạo Tiềm ? (1) Thật tình mà nói, đây là người viết không hiểu hay Tô thi sĩ không hiểu! Tô của chúng ta kiếp trước là thiền sư Ngũ Tổ Sư Giới kia mà! Chỉ do một niệm sai sẩy cỏn con nên bị trầm luân, đọa đày đó thôi!

Xem nào, Tô nói Đạo, tại sao: “Một, thân lạnh mà đạo giàu? Hai, văn rành rõi mà nói năng chậm chạp? Ba, ngoài mềm mà trong cứng? Bốn, không ganh đua với đời, nhưng hay châm chọc cái quấy? Năm, hình khô, tâm lạnh nhưng không vong tình, biết thưởng ngoạn ngoại vật”. Đúng rồi, Đạo Tiềm là một vị sư, lại là thi sĩ nên làm sao tránh khỏi chạy theo cái rực rỡ của văn tự, ngữ ngôn? Mà khi đã lỡ bước vào thế giới văn tự, ngữ ngôn rồi thì than ôi, đã trở thành cái nghiệp dĩ không rời, chung thân khổ sai trong cuộc đọa đày “lao viễn mộng”. Tô trách Đạo “tại sao học đạo khổ không, trăm niệm tưởng đều như tro lạnh hết, sao lại còn muốn bộc bạch cái hào, cái mãnh với ai?” (2)

Có du hí với nhau không đó?

Thật ra, đấy mới chỉ là mở đề, nội dung cốt lõi bài thơ Tô tặng Đạo là bàn về tinh yếu của thơ, cái thượng thừa của thơ, cõi chơi ngàn cao sương khói của thơ. Thơ ấy phải vừa Không vừa Tĩnh, vừa Tĩnh vừa Không; trong Không có Tĩnh, trong Tĩnh có Không! Vì Không nên dung chứa tất thảy trăng sao, núi sông, tất cả cỏ cây, hoa rác, cát bụi trần gian. Nhờ Tĩnh nên tất thảy đều được phản chiếu trong tâm hồ xanh trong, lặng lẽ.

Còn nữa. Nhờ Không nên sinh tử, trầm luân, đọa đày mà không sinh tử, không trầm luân, không đọa đày dù một mảy tơ hào! “Lao viễn mộng” mà chẳng lao viễn mộng một tí xíu nào. Nhờ Tĩnh nên dẫu có nắng quái, mưa cuồng, sóng dồn, gió dập - thi nhân vẫn điềm nhiên tọa thị ngắm nhìn tính mệnh của mình khoác áo trăng tà rong chơi trong cuộc lữ huy hoàng mộng triệu!

Cõi chơi của thơ mở ra!

Và đấy là cõi chơi thượng thừa của Tô thi sĩ của chúng ta. Nó có đầy đủ cảm khái thế tình, thân phận, xót xa, cô đơn, đói lạnh, buồn đau, tình yêu, tình bạn, chan hòa với thiên nhiên ngoại vật... ở một góc tâm hồn vô cùng thanh khiết, cao diệu của nhà thơ vốn kiếp trước là một nhà sư!

Thế vậy! Nhưng ai là người đọc được, nghe được mật ngữ ấy trong thế-giới-tâm-linh-thơ của Tô tiên sinh? Có đấy! Một ngàn năm sau, có một nhà-thơ-lãng-đãng-mù-mịt-biên-phương là Tuệ Sỹ, đã từng “thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn” nghe được ngôn ngữ bí tàng, thâm diệu ấy ở trong tập sách “ Tô Đông Pha - những phương trời viễn mộng” của ông.

Và bây giờ, là tu sĩ, lại có làm thơ, tôi đã cảm nhận rất thấm thía điều mà Tô nói với Đạo, điều mà Tuệ Sỹ “nghe” được từ thế giới tâm linh thơ của Tô - nên tôi còn muốn “nối điêu” chỗ này thêm chút nữa!

Tĩnh ở nơi tâm, Không ở nơi trí! Vậy Tô đã thật sự có Tâm Tĩnh (Định) và Trí Không (Tuệ) chưa - hay mới chỉ có Tâm Tĩnh và Trí Không ở trong thơ? Thi nhân (người sống thơ) và thi sĩ (kẻ làm thơ) đã khác nhau một trời một vực rồi - giữa nhân cách và ngôn ngữ, giữa người và thơ - huống hồ thiền sư và thi sĩ!

Người học thiền là học cái chi chi? Nói theo yếu tính thiền, là có chi cũng trật mà không chi cũng chẳng nhằm! Khổ nỗi, có một thời, thiền của chúng ta - tôi muốn nói thiền Đông độ và thiền Zen - do “thõng tay vào chợ” quá nhiều mà bị lấm lem mặt mũi, khó nhìn ra chân tướng! Soạn phẩm thiền luận của Suzuki rất uyên áo, thậm mật, rất bổ ích cho nhận thức luận, có thể “thò tay nắm bắt thực tại mà không mang găng tay” - Trúc Thiên và Tuệ Sỹ dịch - nhưng tiếc thay, có một thời, có một số thanh niên bị tẩu hỏa nhập ma! Những trí thức trẻ đáng yêu của chúng ta với tóc tai bù xù, râu ria hỗn loạn, tay ôm bộ sách thiền luận, ngồi đấu láo với nhau nơi các quán cà phê vỉa hè, là hình ảnh làm xúc phạm bậc học giả chân tu Suzuki không phải ít! Cũng từ đấy mà sinh ra thiền-sư-bụi-đời, thiền-sư-lang-thang và cả thiền-sư-thi-sĩ nữa! Do nội hàm cả ba loại thiền sư này nên họ nói rằng, họ lao thân vào khổ đau, vào hư vô, vào bụi bặm trần gian bằng chính hơi thở, thịt xương và cả sinh mệnh của mình! Nói cách khác, họ để cho dục vọng đổ tràn vào cuộc chiêm nghiệm, thử lửa ấy, rồi nói rằng, dẫu “đọa đày lao viễn mộng” nhưng chẳng “đọa đày lao viễn mộng” một tí xíu nào! Họ thấy được tính Không của chúng nên cuộc chơi trần tục, bụi bặm của họ vẫn Tĩnh! Thế rồi, họ luôn Không và Tĩnh, luôn Tĩnh và Không!

Than ôi! Tôi có câu thơ tặng họ:

“- Hư vô thổi rụng hai hàng chữ!

Để cục trần gian hiện mặt mày!”

Thiền sư không thể là thi sĩ! Đã là thi sĩ thì không thể là thiền sư! Yếu tính thiền, cốt tủy thiền thì ở ngoài thế giới khái niệm, ước lệ - không có loại ngôn ngữ nghệ thuật nào, thẩm mỹ nào có thể với tay đến thế giới đó được. Nó ở ngoài mọi bến bờ, biên cõi! Đã là thiền sư thì các vị không cần loại ngôn ngữ kiểu cách, văn hoa, hay đẹp! Họ chỉ cần nói thực, giản dị, hiện tiền, cụ thể, sinh động! Ngôn giáo của họ bao giờ cũng như chân, như thật, nhắm đến sự khai ngộ cho các căn cơ môn sinh hoặc đại chúng! Nó luôn là đệ nhất nghĩa, vượt các khái niệm phạm trù, tục thể! Đây là cuộc chơi nghiêm túc, đáng tôn kính mà không một thiên tài thi sĩ trần gian nào - cả Đông và Tây - bén mảng tới được!

Thi sĩ lại càng không phải là thiền sư vì tâm hồn họ còn tràn trề và lai láng quá, đôi khi họ không làm chủ được cảm xúc của mình, kể cả cảm xúc thẩm mỹ, kể cả cái rực rỡ của văn tự! Đây có thể là chỗ mà Tô Đông Pha trách nhẹ ông sư Đạo Tiềm chăng?

Cũng có thể thiền sư và thi sĩ “là một” - nếu thi sĩ nhìn ngắm thực tại trong chớp mắt vi vút trôi qua với tâm thái hoàn toàn trạm nhiên tịch lặng (Tĩnh). Và thi sĩ có thể buông xả tình, thức ngay khi vừa diễn đạt tình, thức mà không một tơ hào dính mắc nào; buông xả một cách tự nhiên, như nhiên như lằn chớp lóe hiện giữa hai sát-na sinh diệt (Không). Và cuối cùng, nếu có làm thơ thì câu thơ ấy phải nóng hổi và tinh khôi sự sống, đang vận động và hoạt dụng hiện tiền, không có lông lá và râu ria của tình, thức chủ quan găm cắm lên thực tại! Một số ít bài thơ của thiền sư Trung Quốc, Việt Nam và Haiku Nhật Bản có được kích thước và phong độ ấy. Có thể họ đã nói ra thơ một cách tự nhiên chứ không gượng ép ngôn ngữ, cả không kỹ xảo ngôn ngữ!

Ôi, than ôi! Cuộc chơi vô biên, vĩnh cửu, thượng thừa này, hồ dễ không trải qua công phu ngàn năm sương khói hay sao?

Chưa hết, còn nữa. Tĩnh là tâm định, vắng lặng tham sân, phiền não. Không là tuệ không, thấy rõ tánh không của ngã và pháp. Tĩnh và Không này là thực địa, là chỗ rong chơi của thiền sư nhưng lại là nấm mồ vùi chôn ngôn ngữ nghệ thuật của thi sĩ!

Tuy nhiên, nói về người và thơ thì nó có khác. Thức tri dù không thể sống trong cõi Tĩnh và Không nhưng nó có thể thức tri cõi Tĩnh và cõi Không ấy! Thức tri có thể tự trang bị cho mình một đôi mắt từ ngàn cao sương khói, chỗ giải thoát thênh thang của Tĩnh và Không để nhìn ngắm thế giới hỗn mang, đa phức và rối rắm của trần tục!

Ngôn ngữ thơ, theo đó, nói như cách Tô đã nói với Đạo:
Vô áp Không thả Tĩnh
Tĩnh cố liễu quần động
Không cố nạp vạn cảnh
Duyệt thế tẩu nhân gian
Quán thân ngọa vân lãnh
Hàm toan tạp chúng hảo
Trung hữu chí vị vĩnh”.

Vậy là đã rõ! Nếu là chân diệu thơ, thượng thừa thơ thì thơ ấy: “Đừng có gò ép, phải vừa Không, vừa Tĩnh! Nhờ Tĩnh nên nó tóm thâu tất thảy mọi vọng động. Nhờ Không nên nó dung nạp được vạn cảnh. Nhìn ngắm sự đời, bôn ba giữa cuộc đời mà thấy mình nằm trên chóp đỉnh mây cao. Và cũng từ đây, thơ đi vào cuộc đời, nhấm nháp đủ mọi đắng cay, mặn nồng, chua ngọt của nó để cảm nghiệm hương vị thù thắng của cõi đại toàn!” (3)

Đấy có thể là hành trạng của Tô Đông Pha và thế giới thơ của ông - một nhà thơ có tâm thiền, có con mắt thiền?

Và khi ấy, vị thiền sư sẽ lặng lẽ tặng chàng thi sĩ - chỉ trong một con người, trong một tâm linh thơ:
“Không cả Tĩnh và Không
Cả hai đều thanh thản
Đừng để chúng trói buộc
Là Niết-bàn thi nhân”.

Tô Đông Pha có kết luận: “Thi, Pháp không chống trái nhau!” Đúng! Và tôi cũng thấy rõ nó là “bất tương phương”, nhưng thơ bao giờ cũng tâm trạng, nỗi niềm nhưng thiền thì không phải thế!

Thơ đã như một nghiệp dĩ, một định phận không rời. Đúng là một cuộc đọa đày “lao viễn mộng”. Tất cả đó đều đang trên đường. Và trên lộ trình ấy, biết bao nhiêu là thao thức, là trăn trở. Với tất cả. Với cả trần gian.

Thơ bao giờ cũng có bụi, có trăng và có lửa. Giữa sự trơ cảm của con người, giữa máy móc của lý tính, giữa sự khô hạn của tâm hồn, thơ cần thiết cho nhân sinh hơn lúc nào hết. Đôi khi nó chỉ đơn thuần là kỷ niệm, là tự sự của một kẻ lên đường, tìm kiếm một cái gì vô danh, lạ mặt chẳng bao giờ lộ diện giữa đời thường với những tham vọng, toan tính, sáo mòn và chật hẹp của nó. Do vậy, thơ như đang bay trong chân trời tuyệt lộ. Tuyệt lộ ngay chính chỗ đang bay, tuyệt lộ trên đôi cánh và tuyệt lộ cả cõi về! Đây chính là hố thẳm ngăn cách giữa ngón tay và mặt trăng, giữa ngôn ngữ biểu đạt và thực tại tuyệt đối, giữa hình tượng nghệ thuật và mỹ học ngàn đời, nhất là mỹ học tâm linh.

Thơ và người, thơ và thiền là cuộc tao phùng kỳ ngộ vô song, xa hút và bập bềnh trong khói sương mộng huyễn, thật khó mà nhìn ra chân tướng.

Cái Tĩnh và cái Không nó “như thị ngã văn” như vậy.



Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Am Mai Trúc, Xuân Giáp Ngọ



Chú thích:

(1) Đạo Tiềm, tức là Sâm Liêu Tử, người sống cùng thời và bạn giao tình thi ca với Tô Đông Pha (1035 - 1101) đời Tống, chứ không phải Đào Tiềm (Đào Uyên Minh) đời Tấn.

(2) Xem thêm “Tô Đông Pha - Những phương trời viễn mộng” của Tuệ Sỹ, NXB Ca Dao, năm 1973.

(3) Diễn ý có khác với Tuệ Sỹ một chút.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/04/2018(Xem: 9001)
đêm Kusinārā… vầng trăng nghiêng khóc Người đại trí… rừng Sāla lá rũ trắng một màu tang… lệ Anan úa vàng trang sử cũ, Người đi rồi…sinh tử khép từ đây…Tưởng niệm ngày Thế Tôn diệt độ lần thứ 2562 (2018) Cư sĩ Trí Hải cung kính
02/04/2018(Xem: 11258)
Vườn xưa vẫn nhớ cuộc đời Ướt mi xa dấu mặt trời thiêng liêng Ôi... xin mặt trời ngủ yên Tự tình khúc tưởng đã quên vô thường Em còn nhớ hay đã quên Rừng xưa đã khép gọi tên bốn mùa Nguyệt ca tình xót xa vừa Đời gọi em biết bao lần ướt mi
02/04/2018(Xem: 8999)
Thơ ca Đạo Pháp diễn bày Ấy người căn lợi thắm ngay lẽ Huyền Hương thơ thi sĩ hữu duyên Chở chuyên Thiền vị phổ truyền thiết tha
01/04/2018(Xem: 15573)
Chánh Pháp, số 77, tháng 4.2018, ¨ THƯ TÒA SOẠN, trang 2 ¨ TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 ¨ XUÂN ĐẾN VUI GÌ? (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 8 ¨ NỘI DUNG KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA, t.t. (HT. Thích Thắng Hoan), trang 9 ¨ KHI GIỮA ĐỜI THƯỜNG (thơ Mặc Phương Tử), trang 12 ¨ BẢN TÍNH CON NGƯỜI VỐN VỊ KỶ HAY VỊ THA? (Nguyên Hạnh dịch), trang 13 ¨ THƯ CUNG THỈNH CHỨNG MINH/THAM DỰ ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL.2562 (TK. Thích Pháp Tánh), trang 15 ¨ HOÀI NIỆM HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ THỦ (Quách Tấn), trang 16 ¨ CÔ ĐỘC HÀNH, HOÀI HƯƠNG (thơ Phù Du), trang 18 ¨ ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA NÓI VỀ PHẬT GIÁO ỨNG DỤNG, t.t. (Tuệ Uyển dịch), trang 19 ¨ KHÓC TỐ NHƯ (thơ Diệu Viên), trang 22 ¨ ĐIỆN THƯ PHÂN ƯU: NI SƯ THÍCH NỮ NHƯ THỦY VIÊN TỊCH (Tổng vụ Ni Bộ), trang 23 ¨ TƯỞNG NIỆM NI TRƯỞNG THÍCH NỮ NHƯ THỦY (TN Như Đức), trang 24 ¨ NHỮNG BÀI HỌC TỪ CÁCH ỨNG XỬ (TN. Như Bảo), trang 26 ¨ MỘT VẦNG TRĂNG (thơ Vĩnh Hảo), trang 27 ¨ VEN. SANGHARAKSHITA (1925 -)
01/04/2018(Xem: 8924)
Tâm nguyện ấp ủ, ước mong trăn trở nhiều năm, nay được tin: Tuyển tập Truyện ngắn "Động cửa thiền" của mình sẽ được in 1.000 bản, sau khi được chư tôn đức tăng cùng mọi người thân quen khắp nơi trợ duyên, hợp lực, nên mừng vui quá mà có thơ thủ thỉ với cuốn sách sắp ra đời! Mơ nhau Mơ sắp thật rồi Ôm trong tình Đạo giữa Đời vô tâm Đã từng ấp ủ lặng câm Đã từng ve vuốt chồi mầm sớm khuya Mơ nhau Ảo mộng hiện về
31/03/2018(Xem: 9395)
Được Thầy tán thán ngợi ca Con đây cảm kính chan hoà niệm ân Vui niềm Đạo con ân cần Hướng về nẽo Thiện xa dần mờ mê
31/03/2018(Xem: 11068)
Sông Bài thơ cực ngắn, chỉ có 7 câu 16 chữ gọi là thơ lồng đèn do hình dáng của bài thơ để đọc vui. Trôi Sông ơi Bao lâu rồi Chỉ một dòng thôi Từ nguồn cội Xa xôi Gọi Dallas 30-3-2018 Khánh Hoàng
31/03/2018(Xem: 8731)
Chất chồng Tuổi Hạc bay về Sự đời đã trãi nhiêu khê lắm rồi! Thì nay buông xã lo thôi Tháng ngày còn lại phản hồi tự tâm
30/03/2018(Xem: 8714)
Vào mùa Hè đỏ lửa 1972, theo lệnh Tổng Động Viên, tác giả đã nhập ngũ thi vào binh chủng Không Quân QLVNCH và đã rời VN ngay tại phi trường TSN cũng là lúc chiến tranh kết thúc ngày 30-4. Quê hương Việt biết bao người nằm xuống Nguyện giữ gìn đất , biển đến ngày nay Kẻ tham tàn (TQ) đừng diệu võ giương oai Trong ngoài Việt luôn một lòng yêu nước .
30/03/2018(Xem: 9675)
Ngày xưa có chú nai hiền Nhởn nhơ vui sống giữa miền hoang sơ Trong khu rừng rậm ven bờ Sông Hằng cuồn cuộn sóng mờ nhân gian. Dáng nai đẹp đẽ dịu dàng Sừng trong nước ngọc, thân vàng ánh châu Nhưng mắt nai lắng u sầu Thương cho trần thế nhuốm mầu bi ai, Nai nghe, nói được tiếng người Nai là Bồ Tát một thời hiện thân. Bên nai muông thú quây quần Coi nai như mẹ muôn phần yêu thương
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]