Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Về Hơi Thở

05/11/201315:45(Xem: 35528)
05. Về Hơi Thở

mot_cuoc_doi_bia_3



Về Hơi Thở




Ra giêng, thời tiết có nắng nhẹ, dễ chịu, đức Phật và hội chúng tỳ-khưu chuẩn bị du hành sang nơi khác; hai hàng cư sĩ và quần chúng quyến luyến, sụt sùi tiễn chân dọc hai bên đường. Tôn giả Sāriputta đi sau cùng, dừng lại thuyết cho họ nghe một thời pháp, dạy phải biết áp dụng Bốn Niệm Xứ trong đời sống để vượt thoát khổ ưu, nhất là chấm dứt được ngay những giọt nước mắt ái niệm để có được sự an vui trong hiện tại. Hãy trở lại với hơi thở đi thôi! Hãy an trú vào hơi thở đi thôi!

Mọi người đã nghe lời, ra về hết, tôn giả Ānanda hóa ra vẫn chưa chịu rời vị sư huynh khả kính, đáng mến của mình, ngài hỏi:

- Hơi thở! Hơi thở! Thưa tôn huynh! Thế nào an trú hơi thở có hiệu quả để được hiện tại pháp lạc?

- Hay lắm! Này hiền đệ! Câu trả lời này chỉ có đức Tôn Sư mới có đủ thẩm quyền để giảng nói. Tôi là ai mà lại dám đánh trống qua cửa nhà sấm?

Khi dừng chân tại khu rừng cây đa ven đường, độ ngọ xong, đức Phật lựa ngồi một chỗ cao ráo dưới gốc cây; tịnh chỉ một lát rồi ngài nói với đại chúng vây quanh:

- Đáng lý ra, về hơi thở, về an trú hơi thở trong hiện tại, Sāriputta có khả năng, có duệ trí để trả lời cho Ānanda nghe được, nhưng do bản chất khiêm tốn, do tôn kính Như Lai, do không dám qua mặt Như Lai; lại còn muốn cho phần đông được nghe nên ông ta đã thoái thác như vậy đấy!

Tôn giả Ānanda nói:

- Lành thay! Bạch đức Thế Tôn! Chúng đệ tử muốn nghe cho rõ ràng về hơi thở, cách thở, toàn bộ nguyên lý của nó để khả dĩ tu tập Bốn Niệm Xứ một cách có hiệu quả hơn.

- Vậy thì hãy nghe đây, này chư tỳ-khưu! Như Lai sẽ giảng, nhưng Như Lai sẽ thuyết tóm tắt, còn Sāriputta sẽ thuyết lại bằng trí tuệ phân tích chi ly, sắc bén của ông ta; và cũng nhờ thế, các thầy có thể đặt câu hỏi, đưa ra câu trả lời giữa nhau như là buổi hội thoại, một cuộc pháp đàm thú vị vậy.

Rồi đức Thế Tôn đã giảng như sau:

- Này chư tỳ-khưu! Phép quán niệm hơi thở nó có lợi ích tối thượng, có hiệu quả và công năng tối thượng. Người sơ cơ khi tu tập sẽ làm cho lắng dịu bất an, rối loạn do nóng nảy, giận hờn, bức xúc, buồn chán... gì gì đó tan biến đi. Kẻ trung căn thì giảm trừ được phóng dật, buông lung, trạo cử, vọng tưởng, thất niệm, bất giác do đã có chỗ để nương tựa, đã có chỗ để an trú. Bậc thượng căn, nếu muốn định, có định, đi sâu vào các tầng thiền định; muốn tuệ, có tuệ, từ cạn vào sâu để lần lượt chứng đắc các tầng thánh đạo quả!

Này các thầy tỳ-khưu! Thở thì ai cũng phải thở, có thở mới sống được, nhưng mấy ai thấy mình đang thở, biết mình đang thở và thở ra sao? Dường như ai cũng giao phó việc ấy cho sinh lý tự nhiên của cơ thể - thở, dường như là phận việc, chức năng của bộ phổi, ít ai để ý tới! Và quả đúng như thế, tất cả mọi người, tất cả chúng sanh không ai quan tâm đến hơi thở cả; cái mà họ quan tâm là làm thế nào cho mình được sung sướng; gia đình, vợ con mình được ăn ngon, mặc đẹp, sở hữu tài sản kho đụn; còn thế gian, mọi người, dầu cho đói khổ, thiên tai, dịch họa họ cũng không màng quan tâm! Chuyện ấy thì chư vị biết rồi, Như Lai không cần nhắc lại. Chỉ cho đến khi tay đã nhúng chàm, chỉ đến khi tội lỗi đã đắm sâu, chỉ cho đến khi đau khổ, thống khổ, chán chường, tuyệt vọng... họ mới đấm ngực, bức tóc, than cha, oán mẹ, kêu trời, kêu đất. Giáo pháp của Như Lai là giáo pháp chỉ nói đến khổ, nguyên nhân khổ và con đường diệt khổ. Vậy những ai cảm thấy mình đau khổ thì hãy đến với giáo pháp của Như Lai. Và tập thở, lắng nghe hơi thở, theo dõi hơi thở, an trú vào hơi thở là bước đầu tiên của con đường nội quán.

Này các thầy tỳ-khưu! Trong thời pháp hôm trước, khi quán niệm thân, Như Lai có nói đến hơi thở như dài ngắn, sâu cạn, thô tế chúng vào ra như thế nào, cần phải chú niệm. Ở đây, Như Lai cũng trở lại đề tài này nhưng sẽ rộng rãi hơn, chi tiết và có hệ thống hơn, không chỉ dành riêng cho lãnh vực thân mà cả thọ, tâm và pháp nữa. Chúng ta sẽ có bốn cách thở thuộc quán niệm thân, bốn cách thở thuộc quán niêm thọ, bốn cách thở về quán niệm tâm và bốn cách thở về quán niệm pháp. Hãy lắng nghe và Như Lai sẽ giảng nói.

Này các thầy tỳ-khưu! Thế nào là bốn cách thở thuộc về quán niệm thân?

Ở đây, vị tỳ-khưu khi thở vô dài, biết rõ, thấy rõ đang thở vô dài. Khi thở ra dài, biết rõ, thấy rõ đang thở ra dài.

Khi thở vô ngắn, biết rõ, thấy rõ đang thở vô ngắn. Khi thở ra ngắn, biết rõ đang thở ra ngắn.

Cảm giác toàn thân khi thở vô, vị ấy thực tập, lắng nghe, theo dõi, ghi nhận. Cảm giác toàn thân tôi thở ra, vị ấy thực tập, lắng nghe, theo dõi, ghi nhận..

An tịnh thân hành khi thở vô, vị ấy thực tập, lắng nghe, theo dõi, ghi nhận. An tịnh thân hành khi thở ra, vị thực tập, lắng nghe, theo dõi, ghi nhận..

Bốn cách thở thuộc về thân này, Như Lai nhắc nhở các thầy chữ tuệ tri, nghĩa là thấy rõ, biết rõ hơi thở thực, trực tiếp trên hơi thở đang vận hành vào ra, xuống lên chứ không bởi tưởng tri hay thức tri. Cảm giác toàn thân là ghi nhận trực tiếp, trọn vẹn toàn thân hơi thở; phải học, phải thực tập, phải thực hành bài học hơi thở ấy. Càng thực tập, càng chú niệm thì hơi thở sẽ càng ngày càng nhẹ nhàng, vi tế hơn. Khi mà hơi thở nhẹ nhàng, vi tế thì cái thân sẽ không còn thô cứng, tê ngứa hoặc nhức đau nữa, nó đã được ổn định rồi, đã được điều phục rồi. Hơi thở an tịnh, thân cũng được an tịnh. Chính ở đây là an tịnh thân hành khi thở vô, an tịnh thân hành khi thở ra; phải tuệ tri điều ấy, thực tập điều ấy.

Này các thầy tỳ-khưu! Thế nào là bốn cách thở thuộc về quán niệm thọ?

Cảm giác hỷ khi thở vô, vị ấy thực tập, lắng nghe, theo dõi, ghi nhận. Cảm giác hỷ khi thở ra, vị ấy cũng làm như vậy.

Cảm giác lạc khi thở vô, vị ấy thực tập, lắng nghe, theo dõi, ghi nhận. Cảm giác lạc khi thở ra, vị ấy cũng làm như vậy..

Cảm giác tâm hành khi thở vô, vị ấy thực tập, lắng nghe, theo dõi, ghi nhận. Cảm giác tâm hành khi thở ra, vị ấy cũng làm như thế.

An tịnh tâm hành khi thở vô, vị ấy thực tập, lắng nghe, theo dõi, ghi nhận. An tịnh tâm hành khi thở ra, vị ấy cũng làm như thế.

Đây là lãnh vực của cảm thọ, cảm giác nhưng đã được loại trừ khổ và ưu. Tại sao vậy? Vì khi hơi thở đã nhẹ nhàng, thân đã ổn định, an tịnh thì khổ và ưu không còn tồn tại mà chỉ có các cảm thọ hỷ, lạc trên lộ trình tu tập thiền quán. Vậy, khi có hỷ hay có lạc, vị ấy vẫn với tuệ tri, nhìn ngắm chúng như chân, như thực khi thở vô cũng như khi thở ra. Khi mà lạc đã thấm sâu, đến độ sung mãn thì tâm như được thấm ướt, tẩm mát rồi nó sẽ đưa đến sự an tịnh của tâm. Và đây chính là an tịnh tâm hành, là pháp lạc, là thực phẩm an lạc, nó nuôi dưỡng thân tâm trên lộ trình tu tập của mỗi người.

Này các thầy tỳ-khưu! Thế nào là bốn cách thở thuộc về quán niệm tâm?

Cảm giác tâm khi thở vô, vị ấy thực tập, lắng nghe, theo dõi, ghi nhận. Cảm giác tâm khi thở ra, vị ấy cũng làm như vậy.

Với tâm hân hoan khi thở vô, vị ấy thực tập, lắng nghe, theo dõi, ghi nhận. Với tâm hân hoan khi thở ra, vị ấy cũng làm như vậy.

Với tâm định tĩnh, khi thở vô, vị ấy thực tập, lắng nghe, theo dõi, ghi nhận. Với tâm định tĩnh khi thở ra, vị ấy cũng làm như thế.

Với tâm giải thoát, khi thở vô, vị ấy thực tập, lắng nghe, theo dõi, ghi nhận. Với tâm giải thoát khi thở ra, vị ấy cũng làm như thế.

Tâm ở đây, nó không đơn giản là tâm thức hay tâm ý. Nó gồm cả tưởng, hành và thức. Nó gồm tất thảy tâm vương và tâm sở. Nói cách khác, nó gồm cả mười sáu loại tâm trong thời pháp quán niệm tâm. Tuy nhiên, ở đây, do thân tâm đã trở thành một khối thuần nhất an tịnh thì các loại tâm xấu, ác, bất thiện sẽ không còn tồn tại. Nếu hơi thở càng được an trú thì an tịnh càng được kiên trú, theo đó, các loại tâm lành, tốt, thiện sẽ nẩy sinh, nó chi phối, lây lan ảnh hưởng làm cho thọ, tưởng và các tâm sở liên hệ cũng đều được thấm nhuần, thanh lương; và đó là các loại tâm hân hoan, định tĩnh, giải thoát.

Này các thầy tỳ-khưu! Thế nào là bốn cách thở thuộc về quán niệm pháp?

Với vô thường tùy quán khi thở vô, vị ấy thực tập, lắng nghe, theo dõi, ghi nhận. Với vô thường tùy quán khi thở ra, cũng y như thế..

Với ly ái tùy quán khi thở vô, vị ấy thực tập, lắng nghe theo dõi, ghi nhận. Với ly ái tùy quán khi thở ra, cũng y như thế.

Với tịch diệt tùy quán khi thở vô, vị ấy thực tập, lắng nghe, theo dõi, ghi nhận. Với tịch diệt tùy quán khi thở ra, cũng y như vậy.

Với xả ly tùy quán khi thở vô, vị ấy thực tập, lắng nghe, theo dõi, ghi nhận. Với xả ly tùy quán khi thở ra, cũng y như vậy.

Khi tâm đã có được hân hoan, định tĩnh, giải thoát, nghĩa là giải thoát tạm thời được các triền cái, kiết sử, trần cấu, thầy tỳ-khưu còn cần phải đi sâu vào quán chiếu, minh sát các pháp để phát sanh tuệ giác, tuệ minh. Đến đây, thầy tỳ-khưu quán sát như thực tánh thấy rõ sắc sanh sắc diệt, thọ sanh, thọ diệt, tưởng sanh, tưởng diệt, hành sanh hành diệt, thức sanh, thức diệt. Nói gọn hơn là danh sắc sanh, danh sắc diệt. Chúng sanh diệt rất nhanh, chúng tụ rồi tan, chúng có rồi mất, chúng đến rồi đi. Nói cách khác, chúng sanh khởi, an trú, lụi tàn... tức là thay đổi, biến hoại, vô thường. Nhờ vô thường tùy quán(1)ấy mà thầy tỳ-khưu không còn thấy tướng của các hành, mở được cánh cửa thứ nhất là vô tướng giải thoát(2).

Còn ly ái tùy quán? Ở đây vì thấy tất cả mọi danh sắc, nghĩa là thân hành, tâm hành đều thay đổi, biến hoại, vô thường nên thầy tỳ-khưu sẽ không khởi lên lòng ái dục với các pháp hữu vi, với các hành(1)nữa nên gọi là ly ái; và cũng nhờ ly ái tùy quán(2)nên thoát khỏi các khổ, mở được cánh cửa giải thoát thứ hai là vô ái giải thoát(3).

Này các thầy tỳ-khưu! Thế nào là tịch diệt tùy quán(4)? Tịch diệt nghĩa là vắng lặng các hành, nghĩa là Niết-bàn. Thật ra, hai cửa trước đã hàm nghĩa Niết-bàn rồi; một, hai phần Niết-bàn; nhưng chỉ có ở đây Niết-bàn mới toàn diện hơn. Ở đây, khi thầy tỳ-khưu thấy được sự vắng lặng các hành, hoặc các hành là rỗng không như thân cây chuối không có lõi, các hành vô ngã, đồng nghĩa thấy được không tánh của các hành trong đạo lộ siêu thế, vị ấy mở được cánh cửa cuối cùng được gọi là tịch diệt giải thoát hoặc không tánh giải thoát(5).

Cuối cùng, này các thầy tỳ-khưu! Là xả ly tùy quán! Khi thấy được vô tướng, vô ái, không tánh, vị ấy đã giải thoát, biết mình đã giải thoát nhưng không chấp thủ vào giải thoát ấy nên được gọi là xả ly tùy quán. Nói cách khác là để tâm rỗng rang, không dính mắc bên trong, không dính mắc bên ngoài để tùy duyên rộng độ chúng sanh.

Này các thầy tỳ-khưu! Đấy là nguyên lý thở; nói cách khác là toàn bộ cách thở, phương pháp thở trong bài pháp Bốn Niệm Xứ! Không có, không còn một cách thở nào khác. Hãy như thế mà thọ trì! Điều gì chưa lãnh hội, chưa khai thông thì cứ hãy tìm bậc Chưởng giáo của các ông mà học hỏi để tu tập cho có hiệu quả hơn.



(1)Aniccānupassī - người ta thường dịch là vô thường tùy quán – nhưng thật ra, anupassī đồng nghĩa với anupassaka - người đứng quan sát, là người đứng xem- là người đứng quan sát vô thường thì chính xác hơn.Cũng có từ tương đương là Aniccānupassanā.

(2)Animitta vimokkha: Vô tướng giải thoát. Ý nói- vì chúng thay đổi luôn – nên các pháp vốn không có một tướng nào cả, một thực thể nào cả.

(1)Saṅkhāra: Hành, sự lăng xăng tạo tác - gọi chung là 50 tâm sở - đi liền với các tâm vương để tạo tác các nghiệp bất thiên, thiện, bất động – thành dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu để thọ sanh ba cõi dục, sắc và vô sắc giới.

(2)Virāgānupassī: Ly ái tùy quán. Thật ra rāga ở đây hàm nghĩa cả tham, cả ái, cả dục, cả tình dục. Vì ly ái nên thoát khỏi các khổ - nên còn được gọi là khổ tùy quán (dukkhanupassanā). Cũng có từ tương đương là vô nguyện tùy quán (appaṇihītānupassanā).

(3)Arāgā vimokkha: Vô ái giải thoát – cùng một nghĩa vô nguyện giải thoát (appaṇihīta vimokkha).

(4)Nirodhānupassī: Tịch diệt tùy quán – cùng một nghĩa với không tánh tùy quán (suññātanupassanā).

(5)Suññāta vimokkha: Không tánh giải thoát. Giải thích thêm: Vì thấy mọi danh pháp, sắc pháp đều duyên khởi, vô tự tính, vô ngã – nên thấy được không tánh của các pháp.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/03/2018(Xem: 6999)
Ai chưa hội đủ duyên lành Hành hương Xứ Phật, tâm thành hướng nơi Quê Cha ngời rạng bầu trời Phật Tích Xứ Ấn! Chao ơi nhiệm huyền!..
07/03/2018(Xem: 7981)
CẢM HỌA LẠC QUAN Lòng người lúc buồn lúc vui Chấp ghì Ngã - Pháp ngậm ngùi Nhân sinh Hoa kia nở rộ đẹp xinh Đến khi tàn úa tội tình sắc hương !
06/03/2018(Xem: 7037)
Kính cảm tạ Thi Hữu Bạch Xuân Phẻ ( Tâm Thường Định ) đã gởi tặng tập thơ : Vẻ Đẹp Đa Văn Hoá . Trong đời thường tâm thường định tỉnh Đạo và Đời chung sức phát huy Một lòng sống đạo từ bi Đông Tây hoà hợp đường đi lối lối về . Tuổi trung niên lòng đầy nhiệt huyết Theo quý Thầy khai phóng tâm linh Đứng trên bục giảng một mình Lời hay ý đẹp chân tình thuyết ra .
06/03/2018(Xem: 7303)
Thầy một cái đầu, Con cái đầu Cũng đều là Đầu mà khác nhau Đầu không có tóc là đầu trọc ( quy y thế phát ) Tóc không có Đầu trụ ở đâu ?
05/03/2018(Xem: 8424)
Nạn cướp lộc mong cầu may mắn Tranh đua nhau xô đẩy tả tơi Tung tiền ném liệng tới nơi Nhìn xem cảnh tượng tơi bời lá hoa . Kẻ bói quẻ xin xăm khấn vái Cầu công danh sự nghiệp dài lâu Chẳng tham học quán thâm sâu Cuộc đời vẫn cứ lo sầu mãi thôi . Tâm ta an chẳng cầu cũng phước Lòng ta yên mọi việc đều yên Thế gian lắm nỗi truân chuyên Tìm về Chánh Pháp vui niềm lớn vui . Tánh Thiện 4-3-2018
03/03/2018(Xem: 8486)
Khi áo bạc thênh thang cùng mây trắng Ta loay hoay theo cát bụi phong hồ Những dấu hỏi giữa hồn sa mạc nắng Thăm thẳm nhìn về phương tận hư vô.
03/03/2018(Xem: 6839)
Đua nhau hương khói cầu xin Rắn thần cứu giúp cho mình gặp may Thông tin rộng khắp đường dài Muôn người kéo đến cả ngày khấn van .
02/03/2018(Xem: 9688)
Xuân Đạo của Thích Chúc Hiền, Ngày mai nắng ấm tiết xuân sang, Én lượn mây thêu dệt mộng vàng. Tuệ nghiệp vun trồng hoa giác nở, Tâm thiền tỏa chiếu bóng mê tan. Nhàn chân rảo bước miền An Lạc, Thoả chí ngao du chốn Niết Bàn. Thắm vẻ xuân sang, xuân bất diệt, Xuân thiền, xuân đạo, mãn xuân tâm...!
01/03/2018(Xem: 6935)
Đời không thơ như đời thiếu nước Ta không Thầy như gió thiếu mây Dù cho sống tận trời Tây Nguồn thơ kết nối ở đây bây giờ . Thơ trải nghiệm sẻ chia tình đạo Dở hoặc hay đừng quá khắc khe Học tu bỏ chứng hoa hoè Đời ta mãi có bạn bè vui chơi . Nguồn cảm hứng trong thơ tự đến Khi ta ngồi nặng óc viết ra Thơ càng xa mãi lòng ta Vần hay ý đẹp chẳng là gì đâu . Viết từ tâm bao giờ cũng đẹp Đừng nghĩ rằng ta mãi hơn ai Nếu như có phạm lỗi này Ta nên xét lại bỏ ngay bây giờ .
01/03/2018(Xem: 7005)
Hôm nay đã hiểu vì đâu Chẳng còn rơi rớt giọt sầu tả tơi Màng chi cay đắng cuộc đời Dao bén không dễ cắt rời tim gan ?! Tỉnh thức nào có trễ tràng Hoà đồng thân ái muôn vàn yêu thương Triệt tiêu ý nghĩ chán chường Nhũ lòng bình thản chớ vương "bụi mờ"
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]