Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Linh Sơn nghìn năm vờn mây trắng

20/09/201307:38(Xem: 15500)
Linh Sơn nghìn năm vờn mây trắng
chua_Linh_Son_Van_GiaLINH SƠN
NGHÌN NĂM
VỜN MÂY TRẮNG

Rời quê một sớm sương mù

Tôi đi vào lúc hoang vu bắt đầu

Lòng ơi ! Có đẫm mưa ngâu

Thôi mưa ở lại với bầu trời xưa

Mùa hè 1969, mới học lớp Đệ nhị mà tôi đã bắt đầu biết ngao du lãng tử rồi. Khi cha qua đời thì tôi đang rong rêu phiêu bạt ở Nha Trang. Nhận được điện tín của người bạn từ Đà Nẵng khẩn cấp gởi vào, tôi liền vội vã quy hồi cố quận. Trên đường về quê xa ngút dặm dài cô lữ, suốt đêm ngồi trên chuyến xe ngậm ngùi thao thức, sầu nhớ cảm hoài những hình ảnh phụ thân mà bần thần không sao ngủ được, bèn làm một bài thơ buồn thảm thiết, trong đó có mấy câu :

Ngày cha mất tôi không về kịp

Thắp nén nhang tưởng niệm trước mộ phần

Gẫm một kiếp người như áng phù vân

Không hiểu được đây là hư hay thực ?

Hồi đó, mới 17 tuổi nên tôi rất đỗi bàng hoàng, thảng thốt trước lẽ sinh và tử, hư và thực, có và không… Vì thế, về quê để tang cha xong, tôi lại tiếp tục lên đường lang thang, sống đời lãng tử không phương hướng.

Đi và đi và đi mãi như một tên cuồng sĩ. Khi thì lê la ở Huế, Qui Nhơn, Tuy Hòa, lúc thì lêu lổng ở Pleiku, Ban Mê Thuột, Đà Lạt rồi rong rêu phiêu hốt tận chốn miền Bảo Lộc, Đồng Nai, Sài Gòn… Đi đến đâu cũng xin lưu trú ở chùa vài ba hôm, có khi cả tuần nửa tháng, rồi lại tiếp tục lưu linh lạc địa theo cuộc lữ phiêu bồng không mục đích.

Chính nhờ ở chùa nhiều mà tôi có dịp tiếp xúc với Thiền học. Tha hồ đọc và đọc miên man choáng váng, xuất cốt nhập thần theo Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Nhất Hạnh, Trúc Thiên, Huyền Giác, Hoàng Bá, Lâm Tế, Huệ Năng, Bồ Đề Đạt Ma, Trang Tử, Nguyễn Du, Hermann Hesse, Whitman, Rimbaud, Henry Miller, Hoelderlin, Nietzsche, Heidegger, Rainer Maria Rilke, Nikos Kazantzakis, Suzuki, Milarepa, Vivekananda, Krishnamurti, Duy Ma Cật Kinh, Hoa Nghiêm Kinh, Kim Cang Kinh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh... và một ngày hốt nhiên, tôi chợt thấp thoáng thấy được một cõi đi về.

Thế là đang chới với chơi vơi giữa sóng vỗ vô thường, lênh đênh trên dòng đời nhấp nhô xuôi ngược không bờ không bến, bất chợt tôi chuyển một hướng say, trút hết bụi giang hồ xuống bờ biển Nha Trang và dừng gót phiêu linh nơi chùa cổ Linh Sơn ở Hiền Lương, Vạn Giã.

Ra đi đã đuối mộng tình

Chút thân bèo bọt vô minh bềnh bồng

Nỗi đời lệ chảy trăm sông

Về đâu giữa chốn bụi hồng hoang mê ?

Mang câu hỏi sinh tử ấy, một ngày tha thiết lặn lội đến gõ cửa Thiền. Duyên lành may mắn, nhờ ông anh Thiện Tánh giới thiệu, tôi xin xuất gia với thầy Tịch Tràng, một vị thiền sư đạo cao đức trọng mà ánh mắt nụ cười bao dung độ lượng đã âm thầm nhiếp dẫn kẻ phong trần lạc lối này về bến bờ an vui miên viễn của tâm hồn, Thầy trụ trì chùa Linh Sơn, một ngôi chùa nằm yên tĩnh, tịch mịch bên dòng sông bồng bềnh mây nước, soi bóng thuỳ dương giữa trời thơ đất mộng, quanh năm rợp bóng dừa xanh ngát và lồng lộng gió nắng ngàn khơi đại hải từ cửa biển Vạn Giã thổi vào.

Dào dạt lòng thơ sâu lắng, tôi ném cái ngã điên rồ của mình xuống dòng sông trước cổng tam quan và bắt đầu thực tập Thiền tông dưới sự hướng dẫn vô vi, vừa đơn sơ dễ hiểu vừa ẩn mật khôn dò của bậc đạo sư thâm hậu. Thực sự thầy dùng cách mặc như lôi, im lặng sấm sét, bằng ánh mắt thấu thị, chan chứa từ bi, để dắt dìu kẻ sơ cơ nhập diệu cõi miền sâu thẳm tâm linh… Từ từ tự khám phá tự lãnh hội, tự tri tự ngộ và hoát nhiên một ngày thưởng thức được hương vị cô liêu, thuần nhiên tịch mịch ở ngay giữa lòng nguyên sơ thanh tịnh của chính mình.

Hình ảnh thanh thản an nhiên, đạm bạc giản dị, sâu sắc trầm hùng với cung cách khiêm hạ từ tốn ôn tồn, rộng lượng khoan dung cùng với nụ cười luôn luôn hoan hỷ là ấn tượng nổi bật nơi vị thầy khả kính mà bất cứ ai ai cũng đều cảm nhận được như vậy.

Thầy ứng cơ tiếp vật nhẹ nhàng, vô sự như nước chảy mây bay. Chẳng có chi là quan trọng cả, chẳng có gì là ghê gớm lắm. Chẳng vô tâm chẳng hữu tâm. Hoà cùng tất cả bước trầm nhiên qua.

Qua đi một đời. Chơi xong một kiếp phù sinh. Tịch nhiên lặng lẽ, nhẹ nhõm thong dong từng bước chân bất nhị đi về tự tại tự do giữa cát bụi ta bà rồi nhẹ nhàng ra đi, tuỳ hỷ gởi lại cho hậu thế nhân sinh vài lời nhắn nhủ ân cần : Hãy buông xả, xa lìa mọi khen chê thương ghét, phải trái hơn thua, lìa xa hết những đối đãi nhị nguyên phù phiếm. Không vướng mắc, không ô nhiễm và cũng đừng chạy đông chạy tây kiếm tìm chi nữa cả vì cảnh giới Tịnh Độ Niết Bàn chẳng ở đâu xa mà ở chính ngay giữa lòng tự tâm tự tánh thanh tịnh của mình đây thôi. Nhớ thường miên mật nhẫn nhục để lòng rỗng rang vô ngại thì mọi ưu phiền khổ lụy đều tiêu tan. Thầy muốn nhắc nhở chúng ta như thế qua bài kệ thị tịch, trước khi hắt hơi thở cuối cùng, hòa nhập vào linh khí vũ trụ bao la :

Hơn thua phải trái biết bao là

Xét nét tu hành giữ lấy ta

Tâm để rỗng không thường nhẫn nhục

Muôn phiền não chướng cũng tiêu ma

Đó là di huấn của thầy, bậc thiền sư dù đã vắng bóng nhưng thần hồn vẫn còn linh hiện khắp quanh đây, nơi tổ đình Linh Sơn này. Nơi mà mỗi năm vào tháng 6, khi mùa hạ bắt đầu trổ vàng hoa nắng trên khắp biển ngàn sông núi là chúng ta cùng gọi nhau về như đàn chim bay về tổ ấm để niệm tưởng thương yêu bậc thầy tôn kính và cùng trợ duyên, trợ lực thực hiện những điều tâm huyết của thầy đã di giáo bảo khuyên. Về chùa cũ giống như về mái nhà xưa chứa chan xiết bao nỗi niềm lai láng bồi hồi :

Mỗi năm một bận quay về

Bên dòng sông nọ ngõ quê quán này

Khắp mười phương tề tựu đây

Thắp hồn tưởng niệm nhớ Thầy Tổ xưa

Tình Linh Sơn trải mái chùa

Mát xanh bóng rợp sớm trưa quanh vườn

Che đời thôn xóm Hiền Lương

Dù bao dâu bể vẫn thường lạc an

Hồng ân Tam Bảo vô vàn

Nghìn thu còn vọng dư vang đất trời

Con đường mây trắng muôn nơi

Mở ra vạn thuở nụ cười Linh Sơn

Mây trắng nghìn năm còn bàng bạc trên tuyệt đỉnh cao mù Linh Sơn tuyết phủ, vẫn còn mãi đoá hoa Đức Phật đưa lên và Ca Diếp mỉm cười. Ơi từ đỉnh Linh Sơn xưa đến tổ đình Linh Sơn nay vẫn con đường mây trắng đó, vẫn bất tuyệt thiên thu một nụ cười niêm hoa vi tiếu phiêu diêu.

Nụ cười tiếp nối những nụ cười, mở ra những phương trời bát ngát, những cõi miền huyền mộng không đến không đi.

Khi đến chẳng mang theo gì

Cũng như vậy đó ra đi nhẹ nhàng

Sá chi đâu chuyện thế gian

Mà lưu dấu vết son vàng viễn vông ?

Mây trôi nước chảy gió lồng

Từ hư không đến thì không hư về

Thấy rồi một cõi lòng quê

Chưa từng đi đến hay về nơi đâu

Ngay giây phút đủ nhiệm mầu

Đã tan vạn kiếp niềm đau nỗi buồn

Thưa rằng nắng lượn sương buông

Nghìn thu chảy mãi suối nguồn Diệu Tâm

Một lần uống được giọt nước thanh lương từ nguồn suối vi diệu ấy là vĩnh cửu tiêu dao vô sự cùng mạch sống muôn đời.

Cho đến bây giờ, tôi mới thấu hiểu hết nụ cười không chấp, nụ cười vô ngã mà thầy đã âm thầm chuyển hoá mọi người và tôi vội :

Quỳ xuống đó với lòng thành chánh niệm

Lạy ơn Thầy một thuở mở khai tâm

Là muôn thuở thấy ra rồi lối ngõ

Ở ngay đây hoà điệu khúc cung cầm

Linh Sơn ơi ! Trời mây vờn đỉnh núi

Bay về đây che chở suốt bốn mùa

Từ đóa hoa xưa nụ cười Ca Diếp

Đến bây giờ vẫn trổ ngát hương xưa

Tâm Nhiên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/01/2024(Xem: 4913)
Vườn thiền tĩnh mịch gió vờn hoa Chuông vẳng bên song lặng ác tà Nghiệp thiện vun trồng cây hạnh nở Đường lành dạo bước lối thiền qua Trăng huyền chiếu sáng trên ao diệu Phật bảo ngời soi dưới tháp ngà Mộng ảo tan dần khơi suối ngọc Trần duyên nghiệp lực bỗng vơi xa!
10/01/2024(Xem: 5336)
Tôi bắt đầu dịch thơ của Thầy Tuệ Sỹ vì khâm phục đức độ và lòng dũng cảm của Thầy. Khi nhận được những góp ý từ những người hâm mộ thơ Thầy là bài dịch của tôi giúp họ hiểu thơ Thầy hơn, thì khi đó tôi mong muốn dịch toàn bộ các bài thơ của Thầy sang tiếng Anh. Cuốn sách này được viết vì cái mong muốn này đã lớn thành cái đam mê. Có dịch thơ của Thầy, tôi mới thấy rất rõ ràng những bài thơ của Thầy là một cống hiến to lớn không chỉ cho văn hóa Việt Nam mà còn cho Phật giáo thế giới. Thầy đã đem Thiền vào thơ bằng ngôn ngữ của một con suối, một hạt cải hay hai kẻ yêu nhau. Sự trừu tượng hóa này khiến cho rất khó hiểu được thơ Thầy. Nhiều bài, tôi phải suy nghĩ cả ngày, đôi khi cả mấy ngày, mới hiểu ẩn ý của Thầy. Công việc này không đam mê không làm được.
09/01/2024(Xem: 2440)
Gát chuyện hơn thua giữa thế tình Lòng trong trí sáng chuyển vô minh An yên nhiếp niệm về chân tính Lặng lẽ hồi tâm hướng diệu kinh Lễ Phật quay đầu khơi suối tịnh Tham thiền định ý mở nguồn linh Trần lao vọng tưởng tiêu vong bịnh Thanh thản đêm ngày giũ nhục vinh.
03/01/2024(Xem: 6036)
Nguyệt San Chánh Pháp số 145_tháng 12 năm 2023: Tâm chí nhỏ thì nhìn cuộc đời trong phạm vi trăm năm, thấy mục đích sống trong vòng gia đình, xã hội, tôn giáo, quốc gia. Tâm chí rộng hơn thì hướng đến lợi ích của nhân loại, của thế giới, trong hiện tại và nhiều thập niên hay thế kỷ tương lai.Giới hạn nhỏ, lớn là ở nơi không gian và thời gian. Mục tiêu nhỏ, lớn thì đặt nơi lợi ích của cá nhân hay số đông. Nhưng dù ngắn hạn hay dài hạn, con đường tất yếu của đời sống nhân loại là giáo dục. Con đường của Phật giáo ở cuộc đời này cũng không ngoài lãnh vực giáo dục, thuật ngữ thiền môn gọi là giáo hóa, hóa độ, hoằng pháp.
03/01/2024(Xem: 6991)
Bậc chân tu thực chứng thì bước đi không để lại dấu vết. Có nghĩa là không lưu lại dấu vết hay tì vết gì trong tâm thức và hành xử của mình, như được nói trong kinh “Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng” [1]. Tu mà không chấp nơi việc tu của mình mới thật là chân tu; chứng đắc mà không chấp nơi sở đắc của mình mới thật là chứng đắc. Đó là nói sở tri, sở hành, sở chứng của vị ấy trong việc tu tập, hành đạo; chứ trên thực tế, thân giáo và ngữ giáo của bậc tuệ đức để lại vô số kỳ tích và ấn tượng sâu đậm cho những ai được thân cận, học hỏi, thọ pháp. Hòa thượng Tuệ Sỹ là một nhà tu, một con người nhẹ nhàng đi qua cuộc đời như thế.
21/12/2023(Xem: 5077)
Thoắt đã hai năm Thầy về đất Phật Hăm Ba+Hăm Bốn / Mười Hai_ Đại tường Để triêm ân cố Sư Bà viện chủ Cung nghinh Chư Tôn Đức đến Phật đường Giữ mãi trong con về những hình ảnh Đã từng làm thị giả ở bên Thầy Giọng nói tiếng cười như đang bên cạnh Ánh mắt nhìn trìu mến vẫn còn đây...
15/12/2023(Xem: 5385)
Học lịch sử để biết Nhân quá khứ Quả hiện tiền rất thời sự gay go Cứ quây quần tìm giải thoát, tự do Xuôi dòng chảy theo cơ đồ vận nước Và Đạo Pháp thuận theo đời xuôi ngược Lúc Bắc phương vô chiếm được miền Nam Nhiều người vui nhưng lắm kẻ lầm than Bắt Chư Tăng phải nhập trần hoàn tục
14/12/2023(Xem: 3373)
Nắng trải trời thu giữa phố phường Người về ghé lại cảm tình thương Triêm ân đạo cả nào phân được Giữ đức tâm khoan chẳng tính lường Tuổi hạc bình yên vui pháp trưởng Trần đời lặng lẽ sống hiền lương Kinh thâm giảng giải Thầy trao nghĩa Khắp chúng luôn cùng thắm vị hương
03/11/2023(Xem: 3456)
Lâm Tế huân tu ba tát tay Hốt nhiên giác ngộ lạ lùng thay Phá tan kiến chấp vô văn tự Trực chỉ chân tâm thấy biết ngay.
02/11/2023(Xem: 3043)
Nhân khi nghe pháp thoại HT Từ Thông giải thích Hồng danh Đức Phật A Di Đà, con Huệ Hương xin có bài thơ kính tặng Cụ Bà Tâm Thái là hình tượng cho thế hệ trẻ kế tiếp, một kho tàng kinh nghiệm quý báu khi chỉ ra Tuổi già là một hồng ân, là tuổi đạt đến sự tròn đầy của cuộc đời làm người và được làm đệ tử Phật!, dù ở tuổi đại thọ 91, nhưng cụ bà Tâm Thái vẫn tinh tấn niệm Phật mỗi ngày. Xin đa tạ, luật hấp dẫn Vũ trụ hiển hiện ! Phật A Di Đà tên của Vô lượng Quang Chính là ánh sáng vô biên ( không gian ) Còn biểu trưng tên khác …Vô Lượng Thọ Đấy là thời gian vô tận bao trùm lưu bố !
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]