Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tản mạn tính thiền trong thi ca

16/08/201320:07(Xem: 13753)
Tản mạn tính thiền trong thi ca
hoa_sen (12)
Đi vào cõi Thiền trong Thi ca là đi vào cõi mênh mông bạt ngàn, trùng trùng điệp điệp của muôn vàn cảm xúc. Ngôn ngữ của Thiền trong Thi ca bất luận sử dụng theo một cấu trúc nào nó vẫn luôn hàm chứa những triết lý siêu việt, vượt ra ngoài cảm quan và tri giác của cuộc sống đời thường. Tính Thiền trong Thi ca là một dạng ngôn ngữ được sử dụng như là một công cụ tìm kiếm chân lý, hay nói cách khác là lịch nghiệm nó bằng sự rung động của trái tim hơn là để hiểu nó.

Nói về Thi ca và Thiền, Tuệ Sỹ viết: "… Muốn cho lời thơ tuyệt diệu thì phải là không gò ép vừa không vừa tĩnh. Tĩnh cho nên thâu tóm hết mọi vọng động; không cho nên bao hàm vạn cảnh. Ngắm nhìn sự đời bôn ba giữa đời mà như thấy mình nằm trên chóp đỉnh non cao. Đủ hết mặn nồng, chua chát trong đó có cái hương vị tuyệt vời.
… Đạt tới cõi thượng thừa của thơ, như người học thiền chứng chỗ không tịch của Đạo; cái đó vừa khó, vừa dễ. Học Thiền ba mươi năm đày đoạ thâm tâm mà không thành. Phẫn chí bỏ đi, bất chợt thấy một cánh hoa rơi, cõi không tịch cũng hốt nhiên, đột ngột mở ra chỗ ảo diệu đó." Vì thế, tính Thiền trong Thi ca luôn ẩn chứa những tư tưởng uyên áo, thậm thâm vi diệu.

Thử đọc bài thơ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 – 1117) bàn về triết lý Có Không (hữu không) thâm u viễn viễn đầy thuyết phục:

“Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không.”


(Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Kìa xem bóng nguyệt lòng sông

Ai hay không có, có không là gì?)

Bằng sự quán chiếu tu tập sâu sắc về triết lý Tánh Không, Thiền sư đã trực ngộ được bản thể của vũ trụ nhân sinh là thâm diệu mà ngôn ngữ thế gian không thể diễn đạt hết nghĩa lý sâu xa, nó chỉ có thể “thực chứng” với nổ lực của tự thân.

Vì tự tại vô ngại với vạn pháp mà Thiền sư nhìn hoa rơi mà chẳng thấy xuân tàn, nhìn lá vàng rơi mà chẳng thấy mùa thu úa màu. Mãn Giác Thiền sư (1052 - 1096) trong “Cáo Tật Thị Chúng” đã cho chúng ta diện mạo của một mùa xuân miên viễn như thế:


“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”

(Xuân ruổi trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai.)

Sanh, trụ, dị, diệt hay xuân, hạ, thu, đông là quy luật tuần hoàn tất yếu của vũ trụ, nhưng qua cái nhìn “vô ngã tính” và cách chuyển tải triết lý Phật giáo bằng ngữ điệu Thi ca của Thiền sư, bài thơ đã trở nên bất hủ.

Cứu cánh của Thiền là “đốn ngộ”, là đưa hành giả trở về với “Bản lai diện mục”. Cho nên, dù chỉ là những câu thoại đầu đơn giản hay những bài kệ, câu thơ ngắn gọn nhưng cũng có thể trở thành chiếc bè để đưa hành giả sang bên kia bờ giác ngộ.

Chỉ là chuyện đói thì ăn, khát thì uống thôi mà Trần Nhân Tông (1258 – 1308), sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm, đã chỉ cho chúng ta một “công án” Thiền trong bài “Kệ Vân” (bốn câu cuối của “Cư Trần Lạc Đạo Phú”):

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”

(Cư trần vui đạo hãy tùy duyên,
Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền.
Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm,
Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền.)

Thơ Trần Nhân Tông vừa mang tính chất uyên bác thâm u của một Thiền sư, vừa mang tính chất dân dã nên dễ đi vào lòng người. Từ sự thực nghiệm sâu sắc về Thiền đi đến một đời sống tâm linh đầy phóng khoáng, không gò bó bởi hình tướng của thế gian. Đọc bài thơ “Nguyệt” ta mới cảm nhận sự rung cảm đầy chất lãng mạn của Ngài:

“Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,
Lộ trích thu đình dạ khí hư,
Thụy khởi châm thanh vô mích xứ,
Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.”

(Đèn song chếch bóng, sách đầy giường,
Đêm vắng, sân thu lác đác sương,
Thức dậy tiếng chày đâu chẳng biết,
Trên cành hoa quế, nguyệt lồng sương.)

Nhìn thấy trăng trong giọt sương lung linh huyền ảo giữa đêm khuya thanh vắng chỉ có Thi sĩ và Thiền sư mới nhìn được. Khách thể là trăng, chủ thể là thi nhân. Cả chủ thể lẫn khách thể đang gặp nhau trong cuộc tồn sinh phiêu phong bạt ngàn vô tận.

Trăng trong thơ Lý Bạch thì khác, ông u uẩn trong trăng niềm cô liêu khắc khoải về một quê hương xa xăm vời vợi. Bài thơ “Tĩnh Dạ Tứ” thể hiện điều đó:

“Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương.”

(Đầu giường trăng tỏ rạng
Đất trắng ngỡ như sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.)

Cái chếch choáng mờ ảo giữa màn đêm, hồn thơ Lý Bạch đã bay bỗng lâng lâng vào cõi mộng ảo bao la đất trời. Ở đây trăng là sương hay sương là trăng? Hay như cuộc đời mộng thực, tỉnh mê mờ ảo?

Hàn Mặc Tử thì điên với trăng trong thống ẩm cuồng ca:

“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng Trăng!
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…
Bao giờ đậu trạng vinh qui đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ.
...

Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!”.
(Trăng Vàng Trăng Ngọc)

Trăng trong Thi ca có khi là cái đẹp trong sáng hồn nhiên, nhưng cũng có khi là giọt lệ chia ly, là tiếng hờn lưu lạc, là chứng nhân cho nội tâm đắng cay, sầu khổ.

Tô Đông Pha không thổn thức trong trăng mà nghẹn ngào trong đêm mưa buồn thanh vắng:

“Thềm vắng, đêm mưa, buồn da diết
Nghẹn ngào cô quạnh khóc ai đây.”

Hay như Tuệ Sỹ một mình bước đi heo hút cô liêu trên đỉnh tuyết để tìm lại hồn mình trong “dấu tích hoang đường”:

“Ai tóc trắng đìu hiu trên đỉnh tuyết
Bước chập chùng heo hút giữa màn sương
Viên đá cuội mấy nghìn năm cô quạnh
Hồn tôi đâu trong dấu tích hoang đường.”

Trong cuộc phiêu bồng lang thang từ mấy nẻo luôn hồi, thi nhân cảm nhận cuộc sống như là một cuộc chơi. Vũ Hoàng Chương ngậm ngùi:

"Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở nọ sông cát bồi,
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về."

Bùi Giáng cứ ngỡ dạo gót trần gian chơi một chút rồi đi, nhưng “Có ngờ đâu ở mãi đến bây giờ.” Và cuộc chơi đó vẫn đến hồi kết:

"Rồi tôi cũng phải xa tôi
Đời tài hoa cũng xa xôi ven trời."

Trịnh Công Sơn xem cuộc đời như hạt bụi trong cuộc tồn sinh rong chơi lữ thứ... “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi / Để một mai vươn hình hài lớn dậy / Ôi cát bụi tuyệt vời / Mặt trời soi một kiếp rong chơi...”

Thiền sư và Thi sĩ tuy đi hai con đường nhưng chung một hướng. Thiền sư đi tìm sự chứng ngộ tâm linh, còn thi sĩ đi tìm cái đẹp trong muôn trùng cảm xúc bao la bạt ngàn của con người và vũ trụ vạn hữu.

Thơ và Thiền gặp nhau trong cảm nhận tri thức và trực giác. Thiền không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt, mà thơ cũng không thể dùng lời để diễn đạt hết xúc cảm của nội tâm. Thơ là “Thi thị khả giảng bất khả giảng chi gian” có nghĩa là thơ có cái giảng và có cái không thể giảng được. Thơ và Thiền nằm trong cái siêu nhiên đó. Cho nên, những bài thơ tuy là thơ thiền nhưng vẫn phóng khoáng. Phạm Thiên Thư trong tập thơ “Đưa em tìm động hoa vàng” có đoạn viết:

"Mùa xuân mặc lá trên ngàn
Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư
Động Nam Hoa có Thiền sư
Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn."

Khi Thiền sư đủ bản lĩnh để đổi kinh lấy rượu rồi là thong dong “thõng tay vào chợ”, “kỵ ngưu quy gia”, giải thoát và giác ngộ.

Thiền sư Ngốc Tử muốn lên cõi Niết Bàn vẫn thương cho người ở lại:

“Tim này ví xẻ làm đôi
Nửa dâng cúng Phật chao ôi còn nàng?
Lung linh dưới ánh trăng vàng
Như lai Điều ngự trên làn tóc em.”

Như Lai là Điều Ngự, điều ngự cũng có nghĩa là về ngự trên làn tóc em. Trong em, Thiền sư nhìn thấy được thấp thoáng có bóng dáng của Như Lai dưới ánh trăng vàng lung linh huyền ảo.

Hai câu thơ sau của Thiền sư Thiện Quang cũng mang Từ bi tâm của công hạnh Bồ tát:

“Ta sợ khi ta thành chánh quả
Nghìn năm chẳng thấy dấu chân em.”

Ta là Thiền sư biết chuyển hóa tự thân, đoạn trừ khổ đau, đạt đến cảnh giới Niết Bàn vẫn thương cho em cứ mãi rong ruỗi trôi dạt trong biển sanh tử luân hồi.

Tính Thiền trong Thi ca không chỉ là những triết lý siêu việt, ngôn ngữ huyền ảo mà cũng có lúc phóng khoáng với một tinh thần lạc quan, yêu đời.

Cuộc đời chúng ta như những “Con chim ở trọ trần gian, con cá ở trọ trong khe nước nguồn...”, thắc mắc làm chi bến nọ bờ kia.

Dù sao ta cũng phải cám ơn trần gian tạm bợ này như nhà thơ Bùi Giáng:

“Ta cám ơn trần gian này lắm lắm
Nhờ nơi đây ta biết được vui sầu.”

Và vẫn biết rằng “Luân Hồi Có Nhau” như nhà thơ Thái Tú Hạp:

"Ta về tịch mặc ngàn hoa
Lá cao vút đẫm mây qua đỉnh trời
Nhân gian dành trọn cuộc chơi
Ta cùng em hát bên đồi xuân xưa
Nhất quán rồi - mộng mai sau
Tâm vô lượng mở - có nhau luân hồi
Cảm ơn thơ, cảm ơn đời
Trăm năm nhật nguyệt, đầy vơi nghĩa tình".


Tính Thiền trong Thi ca vượt ra ngoài ngôn ngữ của thế gian, vượt ra ngoài luận lý của con người, chỉ có thể cảm nhận nó bằng sự rung cảm của tâm hồn.

Kỷ niệm Khóa Tu Học Bắc Mỹ, 8 / 2013
(hanlongan@gmail.com)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/06/2010(Xem: 25377)
Ba môn vô lậu học Giới Định Tuệ là con đường duy nhất đưa đến Niết bàn an lạc. Muốn đến Niết-bàn an lạc mà không theo con đường này thì chỉ loanh quanh trong vòng luân hồi ba cõi. Nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ– ba môn học liên kết chặt chẽ vào nhau, nhờ vậy mới đủ sức diệt trừ tham ái, đẩy lùi vô minh, mở ra chân trời Giác ngộ. Nhưng Giới học mênh mông, Định học mêng mông, Tuệ học mênh mông; nếu không nắm được “Cương yếu” thì khó bề hiểu biết chu đáo, đúng đắn. Không hiểu biết đúng đắn thì không sinh tâm tịnh tín; không có tâm tịnh tín thì sẽ không có tịnh hạnh, như vậy, con đường giải thoát bị bế tắc. Như một người học hoài mà vẫn không hiểu, tu hoàí mà vẫn không cảm nhận được chút lợi ích an lạc nào.
19/05/2010(Xem: 8038)
Đừng tưởng cứ trọc là sư Cứ vâng là chịu, cứ ừ là ngoan Đừng tưởng có của đã sang Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây Đừng tưởng cứ uống là say Cứ chân là bước cứ tay là sờ Đừng tưởng cứ đợi là chờ Cứ âm là nhạc cứ thơ là vần Đừng tưởng cứ mới là tân
16/05/2010(Xem: 6662)
Thầy từ phương xa đến đây, Chúng con hạnh ngộ xum vầy. Đêm nay chén trà thơm ngát, Nhấp cho tình Đạo dâng đầy. Mừng Thầy từ Úc tới thăm, Đêm nay trăng sáng ngày rằm. Thầy về từ tâm lan tỏa, Giữa mùa nắng đẹp tháng Năm
10/03/2010(Xem: 10207)
Qua sự nghiệp trước tác và dịch thuật của Hòa Thượng thì phần thơ chiếm một tỷ lệ quá ít đối với các phần dịch thuật và sáng tác khác nhất là về Luật và, còn ít hơnnữa đối với cả một đời Ngài đã bỏ ra phục vụ đạopháp và dân tộc, qua nhiều chức năng nhiệm vụ khác nhaunhất là giáo dục và văn hóa là chính của Ngài.
10/03/2010(Xem: 7731)
Ba La Mật, tiếng Phạn Là Pu-ra-mi-ta, Gồm có sáu pháp chính Của những người xuất gia. Ba La Mật có nghĩa Là vượt qua sông Mê. Một quá trình tu dưỡng Giúp phát tâm Bồ Đề. Đây là Bồ Tát đạo, Trước, giải thoát cho mình,
10/03/2010(Xem: 12226)
Tên Phật, theo tiếng Phạn, Là A-mi-tab-ha, Tức Vô Lượng Ánh Sáng, Tức Phật A Di Đà. Đức A Di Đà Phật Là vị Phật đầu tiên Trong vô số Đức Phật Được tôn làm người hiền. Ngài được thờ nhiều nhất Trong Ma-hay-a-na, Tức Đại Thừa, nhánh Phật Thịnh hành ở nước ta.
01/10/2007(Xem: 7521)
214 Bộ Chữ Hán (soạn theo âm vận dễ thuộc lòng)
20/10/2003(Xem: 31236)
Tình cờ tôi được cầm quyển Việt Nam Thi Sử Hùng Ca của Mặc Giang do một người bạn trao tay, tôi cảm thấy hạnh phúc - hạnh phúc của sự đồng cảm tự tình dân tộc, vì ở thời buổi này vẫn còn có những người thiết tha với sự hưng vong của đất nước. Chính vì vậy tôi không ngại ngùng gì khi giới thiệu nhà thơ Mặc Giang với tác phẩm Việt Nam Thi Sử Hùng Ca. Mặc Giang là một nhà thơ tư duy sâu sắc, một nhà thơ của thời đại với những thao thức về thân phận con người, những trăn trở về vận mệnh dân tộc, . . . Tất cả đã được Mặc Giang thể hiện trong Việt Nam Thi Sử Hùng Ca trong sáng và xúc tích, tràn đầy lòng tự hào dân tộc khi được mang cái gène “Con Rồng Cháu Tiên” luân lưu trong huyết quản.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567