Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhị Thập Tứ Hiếu (Hai mươi tư tấm gương hiếu thảo của người xưa)

08/02/201306:54(Xem: 20869)
Nhị Thập Tứ Hiếu (Hai mươi tư tấm gương hiếu thảo của người xưa)


Nhị Thập Tứ Hiếu


NHỊ THẬP TỨ HIẾU

Hai mươi tư tấm gương hiếu thảo của người xưa.


LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn Nhị Thập Tứ Hiếu
Được viết vào đời Nguyên.
Tác giả - Quách Cự Nghiệp,
Một túc nho, người hiền.

Hai mươi tư gương tốt
Về đạo hiếu xưa nay
Ông sưu tầm, chép lại,
Đưa vào cuốn sách này.

Ở nước ta, đời Nguyễn,
Dưới triều vua Gia Long,
Cử nhân Lý Văn Phức
Viết lại, rất thành công,

Thành song thất lục bát
Cả hăm tư bài này.
Được nhiều người truyền tụng
Và đọc tới ngày nay.

Tôi xin phép được chuyển
Thành thể thơ ngũ ngôn,
Nôm na và dễ hiểu,
Phù hợp với trẻ con.

Ca dao và truyện cổ
Gắn liền với tuổi thơ.
Thiếu nó, tâm hồn trẻ
Dễ thui chột, cằn khô.

Mong các bậc bố mẹ
Luôn ghi nhớ điều này.
Hãy đọc sách cho trẻ,
Đều đặn và hàng ngày.

Hiếu thảo là đức tính
Cần có ở mỗi người.
Trẻ được dạy từ nhỏ,
Sẽ hiếu thảo suốt đời.

1
NGU THUẤN

Vua tên hiệu là Thuấn,
Quốc hiệu là Đại Ngu.
Có cha là Cổ Tẩu,
Tức “mắt sáng mà mù”.

Vì cha Ngài gàn dở,
Không biết lý, biết tình,
Nên người đời gọi thế,
Lên án và coi khinh.

Mẹ Ngài bệnh, chết sớm.
Mẹ kế ác và lười.
Em cùng cha khác mẹ
Thì gian xảo hơn người.

Ba người độc ác ấy
Tìm cách hãm hại Ngài.
Nhưng vốn rất hiếu thảo,
Ngài không oán trách ai.

Vẫn một lòng tôn kính
Và cung phụng mẹ cha.
Cả với đứa em xấu,
Ngài vẫn rất ôn hòa.

Tấm gương hiếu thảo ấy
Làm cảm động đất trời.
Nên Ngài được phù hộ
Mọi lúc và mọi nơi.

Lần nọ bị bố bắt
Cày ruộng bên Lịch San,
Voi kéo đến cày giúp,
Chim nhặt cỏ từng đàn.

Lần khác, hồ Lôi Trạch
Đang gió lớn, sóng to,
Khi Ngài đến đánh cá,
Nước bỗng lặng như tờ.

Vua Nghiêu, khi hay chuyện,
Bèn truyền ngôi cho Ngài,
Còn gả hai con gái,
Xinh đẹp và lắm tài.

Mười tám năm, Ngu Thuấn
Nổi tiếng một vua hiền.
Chỉ gảy đàn và hát
Mà đất nước bình yên.

2
VĂN ĐẾ

Vua Văn Đế nhà Hán
Một vị vua anh minh,
Nổi tiếng rất hiếu thảo
Với bố mẹ của mình.

Mẹ Ngài, bà Bạc Hậu,
Ba năm ốm liệt giường.
Trong suốt ba năm ấy,
Ngài, một đấng quân vương,

Với áo bào ngũ sắc
Và vương miện trên đầu,
Lễ phép đứng bên cạnh,
Một mình, không người hầu.

Suốt đêm Ngài không ngủ,
Thay quần áo, đổ bô,
Lo thuốc thang cho mẹ,
Với nét mặt buồn lo.

Vì sợ có thuốc độc,
Trước khi mời mẹ ăn, 
Ngài tự mình nếm trước,
Rồi dỗ dành ân cần.

Nhờ gương hiếu thảo ấy
Của vị vua anh minh,
Dân Hán cũng hiếu thảo
Và đất nước yên bình.

3
TĂNG TỬ

Tăng Tử người nước Lỗ,
Tự Tử Dư, tên Sâm,
Thời Xuân Thu Chiến Quốc,
Có tài và có tâm.

Ông là học trò giỏi
Của Khổng Tử, về sau
Thành tứ đại đồ đệ
Của thánh nhân Khổng Khâu.

Là người rất chí hiếu,
Ông chỉ chọn ăn rau,
Dành thịt cho cha mẹ,
Luôn kiên nhẫn đứng hầu.

Thức ăn thừa, không hết,
Cha mẹ bảo cho ai,
Ông đem cho người ấy,
Không bao giờ dám sai.

Một lần, nhà có khách
Đến thăm ông bất ngờ,
Mà ông thì đi vắng.
Làm thế nào bây giờ.

Mẹ ông muốn ông biết
Để nhanh chóng về nhà.
Bèn quay đầu lặng lẽ
Cắn vào ngón tay bà.

Dù ở đâu, bà nghĩ,
Khi mẹ cắn vào tay,
Thì người con chí hiếu
Cảm được cái đau này.

Quả đúng thế, Tăng Tử
Đang hái củi dưới khe,
Bỗng thấy lòng đau quặn
Liền vội vã quay về.

4
MẪN TỬ KHIÊN

Là học trò Khổng Tử,
Có đức và có tài.
Không may mẹ mất sớm,
Ông bố lấy vợ hai.

Bà này vốn độc ác,
Sinh được hai người con,
Cũng độc ác như mẹ.
Ông luôn bị ăn đòn.

Là một người có hiếu,
Ông luôn vâng lời cha.
Dù mẹ kế khắc nghiệt,
Ông vẫn kính trọng bà.

Lần nọ, trời giá rét,
Ông kéo chiếc xe bò
Chở cha đi công chuyện.
Trời rét, bước co ro.

Nhiều lần ông vấp ngã,
Thâm tím cả mặt mày.
Cuối cùng thì kiệt sức,
Ông cúi gục, buông tay.

Bố ông liền bước xuống,
Ôm con trai vào lòng.
Chỉ bấy giờ mới biết
Con không có áo bông.

Thì ra bà vợ kế
Bắt ông khoác bao đay.
Hai con bà thì khác,
Được mặc áo bông dày.

Ông tức giận, lập tức
Sai quay xe về nhà.
Thẳng tay đuổi bà vợ
Cùng hai con của bà.

Mẫn Tử Khiên thấy thế
Liền quỳ xuống mà rằng:
“Xin cha hãy nghĩ lại.
Trời đang đầy tuyết băng.

Cả ba người sẽ rét
Nếu bị đuổi ra đường.
Nếu họ được ở lại,
Thì là chuyện bình thường

Chỉ mình con chịu rét.
Con chịu được; đang đêm,
Xin cha hãy nghĩ lại,
Đừng đuổi mẹ và em.

Ông bố nghe, nguôi giận,
Không đuổi nữa, còn khen.
Về sau bà mẹ kế
Trở thành bà mẹ hiền.

5
DIỄM TỬ

Đời nhà Chu, Diễm Tử
Nổi tiếng thờ mẹ cha.
Nhà nghèo, thường đứt bữa.
Bà mẹ ông mù lòa

Một hôm buột miệng nói
Thèm uống sữa nai tươi.
Ông, lúc ấy còn nhỏ,
Bèn sang mượn nhà người

Bộ da nai còn mới,
Giả làm nai mói sinh,
Vào rừng tìm nai mẹ,
Vắt sữa cho mẹ mình.

Lần sau, cậu chợt thấy
Một bác thợ săn già
Dương cung định bắn cậu,
Liền vứt bỏ bộ da.

Bác thợ săn khen cậu
Ngoan, có hiếu, và rồi,
Săn con dê vừa bắn,
Bác hào phóng chia đôi.

7
LÃO LAI TỬ

Lão Lai người nước Sở,
Thời Xuân Thu; là con,
Ông đã bảy mươi tuổi
Mà bố mẹ vẫn còn.

Là người con chí hiếu,
Dù đã là ông già,
Ông vẫn rất tận tụy,
Chiều, cung phụng mẹ cha.

Ông mặc áo sặc sỡ,
Múa hát như trẻ con,
Hoặc giả vờ vấp ngã
Để bố mẹ không buồn.

Tấm gương hiếu thảo ấy
Được truyền tụng muôn đời.
Hiếu thảo là đức tính 
Quí nhất ở con người.

8
ĐỔNG VĨNH

Sinh vào thời Hậu Hán,
Đồng Vĩnh, vốn nghèo hèn.
Bố chết, nhà trống rỗng,
Không gạo cũng không tiền.

Để lo bề chôn cất,
Chàng đến một nhà giàu,
Vay tiền, hứa sẽ trả
Bằng tiền dệt lụa màu.

Dệt đủ ba trăm tấm
Mà không lấy tiền công.
Sẽ bắt đầu làm việc
Ngay khi chôn cha xong.

Sau tang lễ, bất chợt,
Trên đường trở về nhà,
Bỗng có một cô gái 
Xinh đẹp và nết na

Xin kết duyên chồng vợ.
Với điều kiện dệt xong
Cả ba trăm tấm lụa
Nàng mới về nhà chồng.

Cô gái xinh đẹp ấy
Đi đến nhà người giàu,
Ngồi xuống dệt, dệt hết
Ba trăm tấm lụa màu.

Rồi nhẹ nhàng, lặng lẽ,
Cô gái bay lên trời.
Nàng là một tiên nữ
Được phái xuống cõi người

Để giúp đỡ Đồng Vĩnh,
Chàng trai nặng nghĩa tình.
Không quản ngại vất vả
Lo chôn cất cha mình.

9
ĐƯỜNG THI

Đường Thi, người phụ nữ
Không chỉ giỏi thờ chồng,
Mà còn rất chí hiếu
Với bà cụ mẹ ông.

Bà cụ già, ốm yếu
Được nàng dâu thương yêu
Còn hơn cả mẹ đẻ,
Luôn chăm sóc sớm chiều.

Không ăn được cơm cứng
Vì răng đã lung lay,
Nàng tắm rửa sạch sẽ,
Cho cụ bú hàng ngay.

Mấy năm liền như thế,
Nhờ bú sữa của nàng,
Bà cụ vẫn khỏe mạnh,
Thậm chí da mịn màng.

Lúc chết, cảm ơn ấy,
Cụ khấn Phật anh linh
Cho ai cũng hiếu thảo
Như nàng dâu của mình.

Lời khấn đã công hiệu.
Nhà họ Thôi sau này
Con dâu đều hiếu thảo,
Hưởng lộc lớn, phúc dày.

11
THÁI THUẬN

Thái Thuận nhà nghèo khổ.
Từ bé mồ côi cha.
Thờ mẹ rất hiếu thảo,
Nổi tiếng khắp gần xa.

Một năm nọ, đói kém,
Lại đang buổi đao binh.
Ông vào rừng hái quả
Nuôi mẹ và nuôi mình.

Gặp một bụi dâu dại,
Những quả chín ngon lành
Ông để riêng một chỗ.
Chỗ khác để quả xanh.

Xích My, một tướng giặc,
Thấy, ngạc nhiên và rồi
Hỏi vì sao làm thế.
Sao phải chia làm đôi?

Ông đáp: “Những quả chín
Để dành cho mẹ ăn.
Những quả xanh và chát
Thì tôi ăn, nếu cần.

Tướng giặc khen có hiếu,
Tặng ông một thúng to
Loại gạo ngon và trắng,
Kèm thêm nửa đùi bò.

12
ĐINH LAN

Sớm mồ côi cha mẹ,
Đời nhà Hán, Đinh Lan
Nổi tiếng rất có hiếu
Và là đứa con ngoan.

Ông thuê người tạc tượng
Của cả mẹ và cha.
Đặt hai bức tượng gỗ
Trên bàn thờ giữa nhà.

Ngày cơm dâng hai bữa.
Tối sửa soạn gối chăn.
Hệt như ngày còn sống,
Hầu hạ rất ân cần.

Mấy chục năm như thế.
Vợ ông sinh nản lòng,
Lấy que nhọn châm mạnh
Vào tượng mẹ cha ông.

Chỗ châm ứa máu đỏ.
Hầu cơm như hàng ngày,
Ông thấy hai bức tượng
Rớm nước mắt, chau mày.

Biết thủ phạm là vợ,
Mặc dù rất yêu bà,
Ông xin lỗi bố mẹ,
Rồi đuổi vợ khỏi nhà.

13
LỤC TÍCH

Lục Tích người Đông Hán,
Lên sáu tuổi theo cha
Thăm quan lớn Viên Thuật
Ở Cửu Giang, Nhị Hà.

Trên bàn tiệc hôm ấy,
Có đĩa quýt, khi ăn
Cậu nhón lấy hai quả
Rồi cho vào túi quần.

Lúc về, cúi chào chủ,
Hai quả quít rơi ra.
Viên Thuật thấy, đùa hỏi:
“Sao lấy quít của ta?”

Cậu đáp rất thành thật:
“Mẹ cháu ốm đã lâu.
Cháu biết bà thèm quýt,
Đem về, có sao đâu.

Vả lại, phần của cháu
Cháu không ăn, hôm nay
Cháu mang về cho mẹ
Hai quả quít ngon này.

Viên Thuật nghe, cảm động,
Còn cho thêm nhiều quà.
Đích thân ra tận ngõ
Tiễn hai người về nhà.

15
HOÀNG HƯƠNG

Hoàng Hương, đời Đông Hán,
Nổi tiếng tốt là người
Rất chí hiếu - mẹ chết,
Khóc thương mấy tháng trời.

Từ đấy ông, chín tuổi,
Một mình sống với cha.
Hầu hạ cha rất mực,
Đảm đang hết việc nhà.

Mùa hè, ngày nóng bức,
Ông đứng quạt bên giường.
Mùa đông không củi sưởi,
Sợ cha lạnh, Hoàng Hương

Quấn chăn vào người trước,
Rồi nhảy múa khắp nhà.
Chờ đến khi chăn ấm
Mới đem đắp cho cha.

Quan thái thú cảm động
Bèn viết sớ tâu lên.
Vua Hán ban bốn chữ
Là “Người con hiếu hiền”.

16
VƯƠNG THÔI

Vương Thôi người nước Ngụy.
Cha làm quan, về sau
Tây Tấn diệt nước Ngụy,
Cha ông bị chém đầu.

Hàng ngày, lòng đau xót,
Ông phủ phục bên mồ,
Khóc đến mức nước mắt
Làm sống lại cỏ khô.

Vì căm ghét Tây Tấn,
Mãi mãi về sau này
Không một lần, thà chết,
Ngoảnh nhìn về phía Tây.

Vua Tây Tấn xuống chiếu
Mời ông làm quan to.
Ông dứt khoát từ chối,
Ở nhà làm thầy đồ.

17
NGÔ MÃNH

Ngô Mãnh, đời nhà Tấn,
Rất hiếu với mẹ cha.
Lên tám tuổi, nghèo đói,
Không màn, muỗi đầy nhà.

Ông cởi trần nằm ngủ,
Muỗi cắn vẫn nằm yên.
Sợ xua, muỗi bay đến
Cắn bỗ mẹ nằm bên.

18
SƯU KIỀM LÂU

Ở nước Tề, Trung Quốc,
Có chàng Sưu Kiềm Lâu
Được bổ làm tri huyện
Một huyện nhỏ vùng sâu.

Xe ngựa vừa mới đến,
Nhậm chức được mười ngày.
Ông bỗng thấy lo lắng.
Mồ hôi ướt lòng tay.

Linh tính chắc có việc
Không lành với mẹ cha,
Ông treo mũ, từ chức
Vội vã quay về nhà.

Cha ông, quả đúng thế,
Đang ốm, nằm liệt giường.
Thầy thuốc nói: Người bệnh
Phân đắng là bình thường.

Phân ngọt là bệnh nặng.
Ông liền nếm thân cha.
Thấy ngọt, rất lo lắng,
Đêm đêm ra hồi nhà

Thắp hương khấn Bắc Đẩu,
Cầu xin được chết thay,
Vừa cấu khấn vừa khóc
Liên tục mấy đêm ngày.

Một hôm mệt, ngủ thiếp,
Ông thấy có vị quan
Trao chiếc thẻ có chữ
Là “Sắc Tứ Bình An”.

Tỉnh dậy, ông cúi đọc
Bốn chữ trên thẻ vàng.
Hôm sau bố ông khỏi
Mà không cần thuốc thang.

24
HOÀNG ĐÌNH KIÊN

Đời nhà Đường, Trung Quốc,
Có ông Hoàng Đình Kiên,
Làm đến chức Thái Sử,
Nhà lắm ruộng, nhiều tiền.

Đầy tớ lại càng lắm.
Nhưng tự ông hàng ngày
Đổ bô cho bố mẹ.
Quần áo tự ông thay.

Cũng tự ông nấu nướng,
Cơm nước cho hai người.
Tự ông rửa bát đĩa.
Không kêu ca một lời.

 

LỜI KẾT

Đức Phật đã từng dạy,
Ghi trong nhiều bộ kinh -
Với cha mẹ, con cái
Phải có hiếu, có tình.

Đạo làm người, chữ Hiếu
Là cao quí nhất đời.
Người mà không biết hiếu
Thì không phải là người.

Hãy dâng lòng hiếu thảo
Cúng Phật và chư tăng.
Trong các quà dâng cúng
Quả không có gì bằng.

 

*************

 

ĐẠT LAI LẠT MA

Các tư tưởng triết lý
Của Đạt Lai Lạt Ma
Là ngọn đèn chân lý
Soi đường cho chúng ta.

Đó là trí tuệ Phật,
Hướng thiện và từ bi
Trong một thế giới động,
Bạo lực và ngu si.

Con người mất định hướng.
Cái Ác đang hoành hành,
Thiên nhiên bị tàn phá,
Ngùn ngụt lửa chiến tranh.

Giản dị và sâu sắc,
Lắng đọng và tâm tình.
Những điều lành Ngài dạy
Giúp ta tìm lại mình.

Hãy buông bỏ lo lắng.
Hãy xả lòng từ bi.
Để tịnh tâm hướng Phật,
Bỏ cái Tham - Sân - Si.

1
Quan trọng là phải biết
Hài lòng với những gì
Hiện tại ta đang có.
Không than vãn, suy bì.

Sự hài lòng nội tại
Giúp ta thấy yên bình
Quan sát và đánh giá
Cuộc sống xung quanh mình.

2
Khi có ai cố ý
Làm ta thấy tổn thương.
Hãy tha thứ cho họ.
Không bận tâm vấn vương.

Là vì họ làm thế,
Chưa hẳn do xấu xa.
Mà họ đang đau khổ.
Có khi hơn chúng ta.

3
Hãy làm việc bố thí
Mà không mong đợi gì.
Bố thí là nền tảng
Của Nhân Ái, Từ Bi.

Bằng Tình Yêu, bố thí
Giúp chúng ta, nghèo, giàu,
Vượt qua thói ích kỷ
Để lại gần với nhau.

4
Với kẻ thù, đừng giận,
Mà hãy học cảm ơn.
Họ là người giúp bạn
Trở thành khôn lớn hơn.

Họ dạy bạn nhẫn nhục,
Bao dung và từ bi.
Và điều quan trọng nhất -
Họ không đòi hỏi gì.

5
Tài sản quí giá nhất
Bạn có, là tình yêu,
Lòng từ bi, nhân ái.
Chỉ thế, không cần nhiều.

Hạnh phúc hay đau khổ,
Giàu sang hay thấp hèn
Là nhờ những cái ấy,
Chứ không phải nhờ tiền.

6
Việc giải trừ vũ khí
Phải bắt đầu trước tiên
Từ giải giáp tâm thức,
Để tâm thức bình yên.

Thế giới không vũ khí
Là ước mơ của tôi.
Tạm thời ước mơ ấy
Vẫn chỉ ước mơ thôi.

7
Thấy ai đó hạnh phúc,
Cả khi mình khổ đau,
Hãy chia vui với họ.
Bạn không mất gì đâu.

Ngược lại, khi làm thế,
Bạn sẽ tin rằng mình
Có ngày cũng hạnh phúc
Như những người xung quanh.

8
Làm người, ai cũng sợ.
Đó là chuyện bình thường.
Xua đi nỗi sợ ấy
Là từ bi, yêu thương.

Người mà có tâm thiện
Luôn dũng cảm, yên hòa.
Đừng quên chính tâm thức
Chi phối cuộc đời ta.

9 -
Hãy tu tập để sống
Hài hòa với chính mình
Cả khi đang gặp khó,
Cả với người xung quanh.

Một khi tâm thức thiện,
Thì không ai, không gì
Làm bạn thấy bất hạnh
Thậm chí buồn, tin đi.

10
Phật dạy, quan trong nhất
Là giây phút lìa đời
Phải an bình, tĩnh tại,
Mãn nguyện và thảnh thơi.

Để có trạng thái ấy,
Thì trong suốt đời mình
Phải tu tập tâm thiện,
Tĩnh tại và an bình.

11
Muốn cháy, cần có củi.
Ai đó chọc tức mình,
Đừng để mình bốc cháy
Rồi rơi vào vô minh.

Nhẫn nhục là phẩm hạnh,
Cũng một dạng từ bi.
Bạn nhẫn nhục, chắc chắn
Không ai làm được gì.

12
Cuộc sống chỉ ý nghĩa
Khi ta đặt cho mình
Một mục đích cao cả
Là phục vụ chúng sinh.

Đời không chỉ tồn tại,
Càng không phải ăn chơi
Để hưởng thụ lạc thú.
Đời là sống làm người.

13
Hãy làm đẹp thế giới
Bằng việc làm từ tâm.
Bất kể lớn hay nhỏ,
Miễn là tốt, từ tâm.

Hãy thương yêu người khác
Như thương yêu chính mình,
Hãy xem phúc người khác
Như phúc của chính mình.

14
Đời vô thường, phù phiếm.
Đừng ghen tị với người.
Sinh ra ta trần trụi.
Trần trụi ta lìa đời.

Để chết được thảnh thản,
Thì khi sống, hàng ngày
Phải học sống thanh thản,
Học buông bỏ hàng ngày.

15
Để tâm thức giác ngộ,
Thoát khỏi vòng vô minh
Và gần hơn với Phật,
Thì thân xác của mình

Không nuông chiều thái quá,
Nhưng cũng không bỏ bê.
Thân xác giúp tu tập,
Vượt qua dòng Sông Mê.

16
Không kìm được thèm muốn,
Tức là ta vô tình
Cách này hay cách khác
Tự trói buộc chính mình.

Ta trở thành nộ lệ
Của những thói phù hoa.
Tâm thức không tĩnh tại,
Cuộc sống không yên hòa.

17
Khi làm việc bố thí,
Không được gây tổn thương
Cho người nhận bố thí,
Dẫu nhỏ nhặt, bình thường.

Ta bố thí người khác,
Tức là ta giúp mình.
Ta làm đau người khác,
Tức là làm đau mình.

18
Ở đời, luyện nhẫn nhục
Là luyện lòng yêu thương
Để tha thứ cho kẻ
Làm ta thấy tổn thương.

Yêu thương là liều thuốc
Dài lâu và vạn năng
Chữa lành cho tâm thức,
Làm cuộc sống cân bằng.

19
Phần vì thiếu sáng suốt,
Phần vì do vô minh,
Nhiều khi ta tự nguyện
Gây bất hạnh cho mình.

Ta hành động như thể
Chỉ mình ta trên đời.
Quên rằng ta cũng chết
Y hệt như mọi người.

20
Tâm thức sẽ bệnh hoạn
Nếu chỉ lo làm giàu.
Nhiều của cải vật chất
Chưa thể gọi là giàu.

Một người giàu thực sự
Là giàu về tâm linh,
Mang cho đời hạnh phúc
Bằng nụ cười của mình.

21
Khi tức giận ai đó,
Thì việc làm đầu tiên
Là cố thương người ấy,
Rồi nhắm mắt, nhập thiền.

Khi làm được điều ấy,
Mọi cái sẽ vô thường.
Thuốc hóa giải giận dữ
Chính là lòng yêu thương.

22
Tình cảnh của Tây Tạng
Oan trái như ngày nay
Là kết quả của Nghiệp
Và việc làm trước đây.

Nhưng Nghiệp khác Định Mệnh.
Người dân của chúng tôi
Phải và đang tranh đấu
Để bảo vệ giống nòi.

23
Từ Bi là tâm điểm
Của Đạo Phật Thích Ca.
Từ Bi là cứu rỗi
Cho người và cho ta.

Đấng chân tu, giác ngộ
Tâm nguyện giúp chúng sinh
Hiểu cội nguồn đau khổ
Để cứu người, cứu mình.

24
Hạnh phúc, như ta biết,
Chỉ có ở những người
Biết sống vì người khác
Và dâng hiến cho đời.

Điều ấy không có nghĩa
Họ không sống vì mình.
Để giúp đỡ người khác,
Trước hết phải giúp mình.

25
Ta, một phần bé nhỏ
Của vũ trụ bao la.
Trong Vũ Trụ, mọi cái
Liên kết và hài hòa.

Mỗi việc làm, dù nhỏ,
Của ta và của người,
Có tác động tương hỗ
Đến Vũ Trụ và Đời.

26
Không giúp được ai đó,
Thật tiếc, nhưng chẳng sao.
Vấn đề là cách nói,
Cách từ chối thế nào.

Để người cần giúp đỡ,
Dẫu ra về tay không,
Cảm thấy được an ủi
Và chút ấm trong lòng.

27
Thỉnh thoảng phải nên nhớ
Rằng hạnh phúc của mình
Phụ thuộc vào hạnh phúc 
Của những người xung quanh.

Mình muốn sống hạnh phúc
Và thảnh thơi ở đời,
Thì việc làm trước hết
Là phải cố giúp người.

28
Việc tu tập Đạo Pháp
Là quá trình dài lâu,
Kiên nhẫn và liên tục,
Ngày nào cũng như nhau.

Lúc đầu sẽ rất khó.
Nhưng dần dần sẽ quen.
Tự lúc nào không biết,
Ta đạt tới Chân Thiền.

29
Trong khi mang thai nghén,
Kể cả thời kỳ đầu,
Tâm thức mẹ an tịnh,
Thì đứa con về sau

Tâm thức cũng an tịnh,
Hướng thiện và yên bình.
Vậy đừng quên thai giáo,
Cả khi con chưa sinh.

30
Nuôi con bằng sữa mẹ
Là cách nuôi tuyệt vời.
Sữa mẹ không đơn giản
Là sữa, mà tình người.

Nó là chất xúc tác
Để mẹ truyền cho con
Tình yêu vô bờ bến
Và hơi ấm tâm hồn.

31
Mưu sinh, ai cũng bận.
Chẳng mấy ai an nhàn.
Muốn, ta vẫn có thể
Dành được chút thời gian

Để tĩnh tâm suy nghĩ,
Hoặc dạo chơi một mình
Để thanh lọc ý nghĩ
Và cuộc sống tâm linh.

32
Thường thì ta cảm nhận
Sự vật xung quanh mình
Chủ quan và cảm tính,
Làm tâm mất an bình.

Biết nhìn nhận chính xác
Sự vật trong tự nhiên,
Nghĩa là ta một bước
Gần hơn với Chân Thiền.

33
Vạn vật trong vũ trụ
Vô thường và nhất thời.
Cũng tương tự như vậy,
Sống chết một kiếp người.

Biết được thế, cuộc sống
Sẽ đơn giản hơn nhiều.
Đơn giản cả sống chết,
Khổ đau và thương yêu.

34
Tất nhiên không phải dễ
Cải thiện tâm thức mình.
Nhất là trong xã hội
Hiện đại và văn minh.

Tâm thức dễ suy thoái
Trong xã hội ngày nay.
Vì vậy phải tu tập
Kiên nhẫn và hàng ngày.

35
Muốn tâm thức tốt đẹp,
Phải khởi phát Từ Bi.
Cố tinh tấn tu tập
Bỏ cái Tham - Sân - Si.

Nên bắt đầu bằng việc
Vận dụng trí thông minh
Để nhìn nhận, đánh giá
Chính xác bản thân mình.

36
Chúng ta quá chú ý
Tới Quá Khứ, Tương Lai
Mà quên mất Hiện Tại,
Quên cả mình là ai.

Hiện Tại mới là lúc
Ta cảm nhận chính mình
Để rèn luyện tâm thức
Và cứu giúp chúng sinh.

37
Khi ta chợt ghen tị
Với ai đó hơn mình,
Thì hãy nên bình tĩnh
Để suy xét thông minh.

Sau đấy hãy nhắm mắt,
Nghĩ tốt về người ta.
Cảm giác ghen tị ấy
Dần dần sẽ trôi qua.

38
Cái độc ác, ngu dốt
Là vô tận ở người.
Nhưng vô tận hơn thế
Là cái thiện ở người.

Muốn gì sẽ có ấy.
Tình thương, sự bao dung,
Từ bi và bác ái
Cũng vô tận, vô cùng.

39
Phát lộ cái tâm thiện
Để giúp đỡ chúng sinh,
Tức là giúp người khác
Và cũng giúp chính mình.

Ngược lại, khi ghen ghét,
Ta làm ác với người.
Thì người nhận ác một,
Mà ta nhận ác mười.

40
Thiền giúp ta tĩnh tại,
Dễ và rất giản đơn,
Để chấp nhận cuộc sống
Thanh thản và vui hơn.

Cơ thể bẩn, ta tắm.
Ý nghĩ bẩn trong đầu
Có thể được gột rửa
Bằng ngồi thiền thật lâu.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/03/2022(Xem: 5373)
Con Kính tặng Cụ Bà Tâm Thái (Mẫu thân của TT Tâm Phương, TT Nguyên Tạng, NS Tâm Vân) bài thơ này, vì Cụ Bà đã cho chúng con thêm niềm tin và hạnh tinh tấn, mỗi ngày Cụ Bà miên mật hai thời niệm Phật sáng- tối, ngoài thời gian này cụ bà lúc nào cũng giữ mình trong đời sống chánh niệm, tay không rời chuỗi hạt và nghe pháp thoại. Đó là hạnh phúc giản đơn mà ít người biết hưởng ? Kính chúc Cụ Bà Tâm Thái sống lâu trăm tuổi để tiếp tục lan toả hạnh tinh tấn đến cho mọi người. HH
23/03/2022(Xem: 4382)
Kiếp con người sướng vui hay đau khổ? Câu hỏi này đặt dấu hỏi chính ta Quả và Nhân muôn kiếp mới chính là Tốt hay xấu do Duyên ta tạo tác.
21/03/2022(Xem: 6524)
Bạn đã từng yêu thơ, đã từng đọc thơ, đã từng làm thơ, đã từng say đắm với thơ... tôi tin rằng bạn sẽ đứng tim khi đọc tới những dòng: cổng chùa khuya chưa khép bầy sao rủ nhau về soi trong hồ nước biếc tiếng hạc buồn lê thê Tôi đã đứng tim như thế, đã kinh ngạc đọc đi đọc lại các dòng thơ trên. Tôi đã nghiêng đầu, áp tai sát trang giấy để nghe xem tiếng hạc buồn lê thê thế nào. Tôi đã nghiêng trang giấy qua lại để xem có ngôi sao nào rơi ra từ giữa những dòng thơ. Khi đó, tôi đã thắc mắc vì sao có hình ảnh cổng chùa chưa khép trong thơ, có phải vì nhà sư thi sĩ đã đi lạc nơi phố chợ và quên mất lối về.
21/03/2022(Xem: 4707)
Sống an yên giữa dòng đời hối hả Đơn giản biết đủ trong mọi nhu cầu Giữ lòng thanh tịnh tu học chuyên sâu Điều không như ý …vẫn diễn ra suôn sẻ !
20/03/2022(Xem: 6028)
Những tưởng Ninh Giang Thu Cúc sẽ gác bút sau tập nhận định “Đọc Kiều Thương Khách Viễn Phương” nhưng nào có được - bởi nghiệp dĩ đeo mang nên mới có Kiều Kinh gởi đến quý vị. Với tuổi tác và bệnh trạng – tác giả muốn nghỉ viết để duy dưỡng tinh thần, trì chú niệm kinh và chung sống an yên cùng căn bệnh nghiệt ngã là xẹp cột sống lưng... Thế nhưng; với tiêu chí – còn thở là còn làm việc, tác giả không cam chịu là người vô tích sự vì thế NGTC vẫn viết (dù trong tư thế khó khăn) mong đóng góp chút công sức nhỏ nhoi cho nền Văn học nước nhà.
19/03/2022(Xem: 9070)
Thuở xưa có một anh kia Nấu đường cát trắng chuyên nghề đã lâu Một hôm đang bận, chợt đâu Có ông khách nọ sang giàu đến thăm
17/03/2022(Xem: 6907)
Tạ thâm ân những lần bên bờ vực thẳm Mầu nhiệm, gần gũi thay Đức Quán Thế Âm. Cứu khổ muôn loài vô biên Ứng hoá thân Người thọ nhận cảm ứng chỉ mình mình hiểu, Vì có nói chẳng ai tin cũng không thể hiểu !
17/03/2022(Xem: 7341)
Đại xuân mơ vẳng tiếng chuông ngân Tỉnh khách lợi danh rõ mộng trần Vượn hú đêm khuya nghe tiếng kệ chim kêu buổi sớm ngộ phù vân Chiều buông ảo ảnh vờn mây nước Sáng tỏa sương mù đón Mặc nhân Tọa chủ tĩnh lòng theo Phật hiệu Nhẹ tơn tâm trí hướng thanh tân
16/03/2022(Xem: 7075)
Vào chùa học hạnh khiêm cung Ra sân gặp mộ anh hùng Nam mô Oai linh toả sáng đền thờ Hoa thơm chánh điện Dòng thơ tươm vần Tháp vườn sau vắng chuông ngân
15/03/2022(Xem: 5335)
Hoá duyên khất thực độ tha, Tay ôm bình bát ngàn nhà gieo duyên. Tâm lành bố thí hạnh nguyền, Kết tràng hạnh phúc chẳng riêng Ta bà.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]