Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cung oán ngâm khúc (thơ)

05/10/201014:46(Xem: 13429)
Cung oán ngâm khúc (thơ)
nguyen gia thieu

cung oan ngam khuc-1

Trải vách quế gió vàng hiu hắt,
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng,
Oán chi những khách tiêu phòng,
Mà xui phận bạc nằm trong má đào.

Duyên đã may cớ sao lại rủi,
Nghĩ nguồn cơn dở dói sao đang,
Vì đâu nên nỗi dở dang,
Nghĩ mình, mình lại thêm thương nổi mình.

Trộm nhớ thuở gây hình tạo hoá,
Vẽ phù dung một đoá khoe tươi,
Nụ hoa chưa mỉm miệng cười,
Gấm nàng Ban đã lạt mùi thu dung

Áng đào kiểm đâm bông não chúng,
Khoé thu ba rợn sóng khuynh thành,
Bóng gương lấp loáng trong mành,
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa.

Chìm đáy nước cá lừ đừ lặn,
Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa,
Hương trời đắm nguyệt say hoa,
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình.

Câu cẩm tú đàn anh họ Lý,
Nét đan thanh bậc chị chàng Vương,
Cờ tiên rượu thánh ai đang,
Lưu Linh, Đế Thích là làng tri âm.

Cầm điếm nguyệt phỏng tầm Tư Mã,
Địch lầu thu đường gã Tiêu Lang,
Dẫu nghề tay múa miệng xang,
Thiên tiên cũng xếp nghê thường trong trăng.

Tài sắc đã vang lừng trong nước,
Bướm ong còn xao xác ngoài hiên,
Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn,
Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng.

Hoa xuân nọ còn phong nộn nhị,
Nguyệt thu kia chưa hé hàn quang,
Hồng lâu còn khóa then sương,
Thâm khuê còn rấm mùi hương khuynh thành.

Làng cung kiếm rắp ranh bắn sẻ,
Khách công hầu ngấp nghé mong sao,
Vườn xuân bướm hãy còn rào,
Thấy hoa mà chẳng lối vào tìm hương.

Gan chẳng đá khôn đường khá chuyển,
Mặt phàm kia dễ đến Thiên Thai,
Hương trời sá động trần ai,
Dẫu vàng nghìn lạng dễ cười một khi.

Ngẫm nhân sự cớ gì ra thế,
Sợi xích thằng chi để vướng chân,
Vắt tay nằm nghĩ cơ trần,
Nước dương muốn rẩy nguội dần lửa duyên.

Kìa thế cục như in giấc mộng,
Máy huyền vi mở đóng khôn lường,
Vẻ chi ăn uống sự thường,
Cũng còn tiền định khá thương lọ là.

Đòi những kẻ thiên ma bách chiết,
Hình thì còn bụng chết đòi nau,
Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra !

Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
Ai bày trò bãi bể nương dâu,
Trắng răng đến thuở bạc đầu,
Tử, sinh, kinh, cụ làm nau mấy lần.

Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc,
Lớp cùng thông như đúc buồng gan,
Bệnh trần đòi đoạn tâm toan,
Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da.

Gót danh lợi bùn pha sắc xám,
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu,
Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.

Mùi tục vị lưỡi tê tân khổ,
Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu,
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô,
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh.

Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán,
Chết đuối người trên cạn mà chơi.
Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

Đền vũ tạ nhện giăng cửa mốc,
Thú ca lâu dế khóc canh dài,
Đất bằng bỗng rấp chông gai,
Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương.

Mồi phú quí dữ làng xa mã,
Bả vinh hoa lừa gã công khanh,
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

Sân đào lý mây lồng man mác,
Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng.
Cánh buồm bể hoạn mênh mang,
Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh.

Quyền họa phúc trời tranh mất cả,
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai,
Cái quay búng sẵn lên trời,
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.

Hình mộc thạch vàng kim ố cổ,
Sắc cầm ngư ủ vũ ê phong,
Tiêu điều nhân sự đã xong,
Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư.

Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ,
Quán thu phong đứng rũ tà huy.
Phong trần đến cả sơn khê,
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.

Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì !

Mùi tục lụy đường kia cay đắng,
Vui chi mà đeo đẳng trần duyên.
Cái gương nhân sự chiền chiền,
Liệu thân này với cơ thiền phải nao.

Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật,
Mối thất tình quyết dứt cho xong,
Đa mang chi nữa đèo bòng,
Vui gì thế sự mà mong nhân tình !

Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa,
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên.
Thoát trần một gót thiên nhiên,
Cái thân ngoại vật là tiên trong đời.

Ý cũng rắp ra ngoài đào chú,
Quyết lộn vòng phu phụ cho cam.
Ai ngờ trời chẳng cho làm,
Quyết đem dây thắm mà giam bông đào.

Hẳn túc trái làm sao đây tá,
Hay tiền nhân hậu quả xưa kia.
Hay thiên cung có điều gì,
Xuống trần mà trả nợ đi cho rồi.

Kìa điểu thú là loài vạn vật,
Dẫu vô tri cũng bắt đèo bòng.
Có âm dương, có vợ chồng,
Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

Đường tác hợp trời kia run rủi,
Trốn làm sao cho khỏi nhân tình.
Thôi thôi ngoảnh mặt làm thinh,
Thử xem con tạo gieo mình nơi nao ?

Tay Nguyệt lão khờ sao có một,
Bỗng tơ tình vướng gót cung phi.
Cái đêm hôm ấy đêm gì,
Bóng dương lồng bóng đồ my trập trùng.

Chồi thược dược mơ mòng thụy vũ,
Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu.
Cành xuân hoa chúm chím chào,
Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai.

Xiêm nghê nọ tả tơi trước gió,
Áo vũ kia lấp ló trong trăng.
Sênh ca mấy khúc vang lừng,
Cái thân Tây Tử lên chừng điện Tô.

Đệm hồng thúy thơm tho mùi xạ,
Bóng bội hoàn lấp ló trăng thanh,
Mây mưa mấy giọt chung tình,
Đình trầm hương khóa một cành mẫu đơn.

Tiếng thánh thót cung đàn thúy địch,
Giọng nỉ non ngón địch đan trì.
Càng đàn càng địch càng mê,
Càng gay gắt điệu, càng tê tái lòng.

Mày ngài lẫn mặt rồng lồ lộ,
Sắp song song đôi lứa nhân duyên.
Hoa thơm muôn đội ơn trên,
Cam công mang tiếng thuyền quyên với đời.

Trên chín bệ mặt trời gang tấc,
Chữ xuân riêng sớm chực trưa chầu.
Phải duyên hương lửa cùng nhau,
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.

Khi ấp mận ôm đào gác nguyệt,
Lúc cười sương cợt tuyết đền phong.
Đóa lê ngon mắt cửu trùng,
Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu.

Vẻ vưu vật trăm chiều chải chuốt,
Lòng quân vương chi chút trên tay.
Má hồng không thuốc mà say,
Nước kia muốn đổ thành này muốn long.

Vườn Tây Uyển khúc trùng Thanh Dạ,
Gác Lâm Xuân điệu ngã Đình Hoa.
Thừa ân một giấc canh tà,
Tờ mờ nét ngọc lập lòa vẻ son.

Trên trướng gấm chí tôn vòi vọi,
Những khi nào gần gũi quân vương.
Dẫu mà tay có nghìn vàng,
Đố ai mua được một tràng mộng xuân.

Thôi cười nọ lại nhăn mày liễu,
Ghẹo hoa kia lại diễu gót sen.
Thân này uốn éo vì duyên,
Cũng cam một tiếng thuyền quyên với đời.

Lan mấy đóa lạc loài sơn dã,
Uổng mùi hương vương giả lắm thay.
Gẫm như cân trất duyên này,
Cam công đặt cái khăn này tắc ơ.

Tranh tỷ dực nhìn ưa chim nọ,
Đồ liên chi lần trỏ hoa kia.
Chữ đồng lấy đấy làm ghi,
Mượn điều thất tịch mà thề bách niên.

Hạt mưa đã lọt miền đài các,
Những mừng thầm cá nước duyên may.
Càng lâu càng lắm điều hay,
Cho cam công kẻ nhúng tay thùng chàm.

Ai ngờ bỗng mỗi năm một nhạt,
Nguồn ân kia chẳng tát mà vơi.
Suy di đâu biết cơ trời,
Bỗng không mà hóa ra người vị vong.

Đuốc vương giả chí công là thế,
Chẳng soi cho đến khóe âm nhai.
Muôn hồng nghìn tía đua tươi,
Chúa xuân nhìn hái một hai bông gần.

Vốn đã biết cái thân câu chõ,
Cá no mồi cũng khó nhử lên.
Ngán thay cái én ba nghìn,
Một cây cù mộc biết chen cành nào !

Song đã cậy má đào chon chót,
Hẳn duyên tươi phận tốt hơn người.
Nào hay con tạo trêu ngươi,
Hang sâu chút hé mặt trời lại râm.

Trong cung quế âm thầm chiếc bóng,
Đêm năm canh trông ngóng lần lần.
Khoảnh làm chi bấy chúa xuân,
Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi.

Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ,
Gác thừa lương thức ngủ thu phong.
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng,
Gương loan bẻ nửa, dải đồng xé đôi.

Chiều ủ dột giấc mai khuya sớm,
Vẻ bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ.
Thâm khuê vắng ngắt như tờ,
Cửa châu gió lọt, rèm ngà sương gieo.

Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ,
Dấu dương xa đám cỏ quanh co.
Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu,
Gối loan tuyết đóng, chăn cù giá đông.

Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng,
Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền.
Lạnh lùng thay giấc cô miên,
Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u.

Tranh biếng ngắm trông đồ tố nữ,
Mặt buồn trông trên cửa nghiêm lâu.
Một mình đứng tủi ngồi sầu,
Đã than với nguyệt lại rầu với hoa.

Buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải,
Ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ.
Hoa này bướm nỡ thờ ơ,
Để gầy bông thắm để xơ nhụy vàng.

Đêm năm canh lần nương vách quế,
Cái buồn này ai dễ giết nhau.
Giết nhau chẳng cái lưu cầu,
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa !

Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ,
Xe thế này có dở dang không ?
Đang tay muốn dứt tơ hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra !

Nào dạo lối vườn hoa năm ngoái,
Đóa hồng đào hái buổi còn xanh.
Trên gác phượng, dưới lầu oanh,
Gối du tiên hãy rành rành song song.

Bây giờ đã ra lòng rẻ rúng.
Để thân này cỏ úng tơ mành.
Đông Quân sao khéo bất tình,
Cành hoa tàn nguyệt, bực mình hoài xuân.

Nào lúc tựa lầu Tần hôm nọ,
Cành liễu mành bẻ thuở đương tơ.
Khi trướng ngọc, lúc rèm ngà,
Mảnh xuân y hãy sờ sờ dấu phong.

Bây giờ đã ra lòng ruồng rẫy,
Để thân này nước chảy hoa trôi.
Hóa công sao khéo trêu ngươi,
Bóng đèn tà nguyệt tẻ mùi ký sinh.

Cảnh hoa lạc nguyệt minh hôm ấy,
Lửa hoàng hôn như cháy tấm son.
Hoàng hôn thôi lại hôn hoàng,
Nguyệt hoa thôi lại thêm buồn nguyệt hoa !

Buồn vì nỗi nguyệt tà ai trọng,
Buồn vì điều hoa rụng ai nhìn.
Tình buồn cảnh lại vô duyên,
Tình trong cảnh ấy, cảnh bên tình này.

Khi trận gió lung lay cành bích,
Nghe rì rầm tiếng mách ngoài xa.
Mơ hồ nghĩ tiếng xe ra,
Đốt phong hương hả mà hơ áo tàn.

Ai ngờ tiếng dế than ri rỉ,
Giọng bi thu gọi kẻ cô phòng.
Vắng tanh nào thấy vân mồng,
Hơi thê lương lạnh ngắt song phi huỳnh.

Khi bóng nguyệt chênh vênh trước ốc,
Nghe vang lừng tiếng giục bên tai:
Đè chừng nghĩ tiếng tiểu đòi,
Nghiêng bình phấn mốc mà nhồi má nheo.

Ai ngờ tiếng quyên kêu ra rả,
Điệu thương xuân khóc ả sương khuệ
Lạnh lùng nào thấy ỏ ê,
Khí bi thu sực nức hè lạc hoa.

Tiếng thúy điện cười già ra gắt,
Mùi quyền môn thắm rất nên phai.
Nghĩ nên tiếng cửa quyền ôi,
Thì thong thả vậy cũng thôi một đời.

Ví sớm biết lòng trời đeo đẳng,
Dẫu thuê tiền cũng chẳng mang tình.
Nghĩ mình lại ngán cho mình,
Cái hoa đã trót gieo cành biết sao !

Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm,
Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon.
Cùng nhau một giấc hoành môn,
Lau nhau ríu rít cò con cũng tình.

Ví sớm biết phận mình ra thế,
Dải kết điều ỏe ọe làm chi.
Thà rằng cục mịch nhà quê,
Dầu lòng nũng nịu nguyệt kia hoa này.

Chiều tịch mịch đã gầy bóng thỏ,
Vẻ tiêu tao lại võ hoa đèn.
Muốn đem ca tiếu giải phiền,
Cười nên tiếng khóc, hát nên giọng sầu.

Ngọn tâm hỏa đốt dàu nét liễu,
Giọt hồng băng thấm ráo làn son.
Lại buồn đến cảnh con con,
Trà chuyên nước nhất, hương đùn khói đôi.

Trong gang tấc mặt trời xa bấy,
Phận hẩm hiu nhường ấy vì đâu ?
Sinh ly đòi rất thời Ngâu,
Một năm còn thấy mặt nhau một lần.

Huống chi cũng lạm phần son phấn,
Luống năm năm chực phận buồng không.
Khéo vô duyên bấy cửu trùng,
Son nào nhuộm được má hồng cho tươi.

Vườn thượng uyển hoa cười với nắng,
Lối đi về ai chẳng chiều ong.
Doành Nhâm một dải nông nông,
Bóng dương bên ấy đứng trông bên này.

Tình rầu rĩ làm ngây nhĩ mục,
Chốn phòng không như giục mây mưa.
Giấc chiêm bao những đêm xưa,
Giọt mưa cửu hạn còn mơ đến rày.

Trên chín bệ có hay chăng nhẽ,
Khách quần thoa mà để lạnh lùng !
Thù nhau ru hỡi đông phong,
Góc vườn đãi nắng cầm bông hoa đào.

Tay tạo hóa cớ sao mà độc,
Buộc người vào kim ốc mà chơi.
Chống tay ngồi ngẫm sự đời,
Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm !

Nơi lạnh lẽo nơi xem gần gặn,
Há phai son lạt phấn ru mà.
Trêu ngươi chi bấy trăng già,
Trao con chỉ thắm mà ra tơ mành !

Lòng ngán ngẫm buồn tênh mọi nỗi,
Khúc sầu tràng bối rối đường tơ.
Ngọn đèn phòng động đêm xưa,
Đài hoa tịnh đế trơ trơ chưa tàn.

Mà lượng thánh đa đoan kíp bấy,
Bỗng ra lòng ruồng rẫy vì đâu ?
Bõ già tỏ nỗi xưa sau,
Chẳng đem nỗi ấy mà tâu ngự cùng.

Đêm phong vũ lạnh lùng có một,
Giọt ba tiêu thánh thót cầm canh.
Bên tường thấp thoáng bóng huỳnh,
Vách sương hót gió đèn xanh lờ mờ.

Mắt chưa nhắp đồng hồ đã cạn,
Cảnh tiêu điều ngao ngán dường bao.
Buồn này mới gọi buồn sao ?
Một đêm nhớ cảnh biết bao nhiêu tình.

Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi,
Những hương sầu phấn tủi bao xong.
Phòng khi động đến cửu trùng,
Giữ sao cho được má hồng như xưa.



nguyen gia thieu
Nguyễn Gia Thiều (阮嘉韶, 1741-1798), tức Ôn Như Hầu là một nhà thơ thời Lê Hiển Tông. Ông là tác giả Cung oán ngâm khúc, tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam.

Tiểu sử
Nguyễn Gia Thiều sinh ngày 5 tháng 2 năm Tân Dậu,[1] tức ngày 22 tháng 3 năm 1741, cuối thời vua Lê chúa Trịnh, ở làng Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, Bắc Ninh, nay là làng Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông xuất thân trong một gia đình quý tộc, có nhiều người làm tướng, làm quan cho triều đình.

Ông nội Nguyễn Gia Thiều là Nguyễn Gia Châu, một võ quan nhưng thông kinh sử được phong tước Siêu Quận công. Bà nội ông là bà Cảo Phu Nhân là em họ bà chúa Ghênh -Thái Phi Trương thị Ngoc Chử và là vú nuôi của chúa Trịnh Cương. Cha của Nguyễn Gia Thiều là Nguyễn Gia Ngô, một võ quan cao cấp được phong tước Quận công 2 người chú bác của ông cũng là Quận Công. Mẹ của ông là quận chúa Quỳnh Liên, con gái chúa Trịnh Cương. Nguyễn Gia Thiều gọi chúa Trịnh Doanh đang cầm quyền lúc bấy giờ là cậu ruột, và là anh em họ với chúa Trịnh Sâm. Vợ của Nguyễn Gia Thiều là con gái trưởng của quan Chưởng phủ sư Đại tư đồ Bùi Thế Đạt.

Vì gia đình bên ngoại thuộc họ nhà chúa, nên từ lúc lên năm, sáu tuổi Nguyễn Gia Thiều đã được vào học trong phủ chúa. Năm 1759 khi mới 18 tuổi, ông giữ chức Hiệu úy, quản Trung mã tả đội. Sau đó ông làm chỉ huy Thiêm sự, năm 1782 thăng Tổng binh coi giữ xứ Hưng Hóa. Nguyễn Gia Thiều là một người rất được chúa Trịnh tin dùng. Vì có công nên ông được phong tước hầu - Ôn Như Hầu. Các em của ông cũng lần lượt được phong tước hầu, tước bá, như Nguyễn Gia Thưởng là Thưởng Vũ Bá; Nguyễn Gia Xuyên là Du Lãnh Hầu.

Thời gian làm Tổng binh ở Hưng Hóa, mặc dù có công được khen thưởng, Nguyễn Gia Thiều vẫn thường hay bỏ về nhà riêng ở gần hồ Tây để vui chơi, làm thơ và cùng bạn bè bàn luận về triết học. Ông tự xưng là Hy Tôn tử và Như ý thiền, lấy biệt hiệu là Tâm Thi viện Tử và Sưu Chân. Có người bảo giai đoạn này chúa Trịnh không còn tin ông như trước, mới đẩy ông đi trấn giữ Hưng Hóa, và Nguyễn Gia Thiều biết điều đó, nên ông chán nản bỏ về.

Năm 1786, khi Tây Sơn kéo quân ra Bắc diệt chúa Trịnh, Nguyễn Gia Thiều trốn lên miền núi xứ Hưng Hóa. Năm 1789, Nguyễn Huệ đánh thắng quân Thanh, lập ra triều Tây Sơn. Vua Quang Trung trọng người tài, thu dụng một số quan lại cũ của triều đình Lê - Trịnh, Nguyễn Gia Thiều được mời ra cộng tác, nhưng ông cáo bệnh từ chối. Nguyễn Gia Thiều về lại làng cũ, sống ở đấy cho tới khi mất vào ngày 9 tháng 5 Mậu Ngọ, tức ngày 22 tháng 6 năm 1798, thọ 57 tuổi.

Sự nghiệp văn học
Nguyễn Gia Thiều là người có sự hiểu biết sâu rộng về văn học, sử học và triết học. Ông còn tinh thông nhiều bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, kiến trúc, trang trí. Về âm nhạc, Nguyễn Gia Thiều sở trường các bài ca, bài tán, ông là tác giả các bản Sơn trung âm và Sở từ điệu. Về hội họa, ông có bức tranh lớn Tống sơn đồ, dâng vua xem được khen thưởng. Về kiến trúc, trang trí, ông là người được chúa Trịnh giao cho trông nom việc trang hoàn phủ chúa và điều khiển xây tháp chùa Thiên Tích. Các công trình nghệ thuật của Nguyễn Gia Thiều đến nay không còn được lưu lại.

Về sáng tác, Nguyễn Gia Thiều có hai tập thơ chữ Hán là Ôn Như thi tập, khoảng một nghìn bài, nhưng đã thất truyền. Những tác phẩm chữ Nôm, ngoài Cung oán ngâm khúc, ông còn có Tây hồ thi tập và Tứ trai thi tập, hiện cũng chỉ còn vài ba bài chép trong tập Tạp ký của Lý Văn Phức như Cảnh trong vườn và Miếng tình.

Nguyễn Gia Thiều tuy thuộc tầng lớp quý tộc, nhưng sống trong một thời kỳ nhiều biến động, loạn lạc. Tác phẩm Cung oán ngâm khúc của ông nói lên tâm trạng ai oán của một cung phi sống trong hoàng cung. Nhiều nhà phê bình đánh giá Cung oán ngâm khúc chịu ảnh hưởng bởi Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn qua bản dịch của Đoàn Thị Điểm,[2] từ thể loại ngâm khúc viết bằng song thất lục bát đến cách phát triển chủ đề cũng như bút pháp nghệ thuật.

Nguyễn Gia Thiều có nhiều con, trong số đó bốn người con đầu giỏi văn chương, có một tác phẩm chung là Tứ trai thi tập, gồm sáng tác của Tâm Trai - tức Nguyễn Gia Thiều, Kỷ Trai - Nguyễn Gia Cơ, Hoà Trai - Nguyễn Gia Diễm và Thanh trai - Nguyễn Gia Chu.

Tưởng nhớ
Tên của ông được đặt cho một phố yên tĩnh, có nhiều biệt thự kiến trúc Pháp ở thủ đô Hà Nội, gần hồ Thiền Quang (trước kia phố này có tên Ôn Như Hầu, sau năm 1954 đổi lại là Nguyễn Gia Thiều) và ở nhiều thành phố khác của Việt Nam. Ở Hà Nội, có một trường trung học phổ thông được mang tên ông. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, quận Tân Bình có một trường Trung học cơ sở mang tên ông.Và ngay cả ở nơi ông sinh ra (Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng có một ngôi trường TH,THCS được mang tên ông



cung oan ngam khuc-1

Thành ngữ trong
"Cung oán ngâm khúc"
của Nguyễn Gia Thiều

Bài của TRẦN MINH THƯƠNG

1. Đặt vấn đề

Việc các văn gia, thi sĩ dùng thành ngữ trong các tác phẩm văn chương là điều phổ biến. Vấn đề đặt ra là ở mỗi người có một nghệ thuật sử dụng nhằm phát huy tối đa hiệu quả cả các thành ngữ đó. Ở tiếng Việt, lớp thành ngữ đã phong phú lại càng đa dạng hơn khi được kết hợp với các điển tích thời trung đại. Có thể khẳng định rằng hầu hết các nhà thơ Việt Nam trung đại đều dẫn, chuyển ý của thành ngữ vào mạch thơ của mình. Nghiên cứu vấn đề này Trần Đình Sử trong Thi pháp truyện Kiều đã có phần đề cập đến. Riêng Cung oán ngâm khúc, theo tầm bao quát tài liệu của tôi, đến nay việc khảo sát, chỉ ra giá trị của các thành ngữ mà Nguyễn Gia Thiều đưa vào khúc ngâm này chưa có công trình nào hệ thống, hoàn chỉnh.

Tìm hiểu nghệ thuật sử dụng thành ngữ qua các ngâm khúc hình thức song thất lục bát cũng nhằm góp phần giảng dạy và học tập những tác phẩm cổ điển ở thể loại này hiệu quả và sâu sắc hơn.    

2. Các khái niệm về thành ngữ

Đề cập đến thành ngữ, nhiều khái niệm được các nhà ngôn ngữ, các nhà nghiên cứu văn học đưa ra. Ở đây chúng tôi chỉ nêu lại một số quan điểm:

Sách giáo khoa Ngữ Văn 7, tập 1 trong mục Ghi nhớ viết:

Thành ngữ là cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh.

Nghĩa của thành ngữ có thể bắt nguồn trực tiếp từ nghĩa đen của các từ tạo nên nó nhưng thường thông qua một số phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, so sánh, …

Lương Văn Đang - Nguyễn Lực xác định ba đặc tính cơ bản của thành ngữ tiếng Việt:

a. Về mặt kết cấu hình thái, thành ngữ tiếng Việt phổ biến thuộc loại cụm từ cố định, cũng có thể có thành ngữ tính cố định cao, kết cấu vững chắc, đạt mức một ngữ cú cố định.

b. Ngoài kết cấu hình thái, còn cần phải xem về mặt biểu hiện nghĩa của thành ngữ. Mặt này rất phức tạp. (…) Có người xem nghĩa của thành ngữ có tính chất biểu trưng.

c. Xem xét quá trình vận động và sử dụng của thành ngữ tiếng Việt cũng là một vấn đề phức tạp (…) [7 - 11; 2]

Đỗ Hữu Châu trong giáo trình Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt đưa ra khái niệm thành ngữ (trong phần ngữ cố định) như sau: Do sự cố định hoá, do tính chất chặt chẽ mà các ngữ cố định ít hay nhiều đều có tính thành ngữ. Tính thành ngữ được định nghĩa như sau: cho một tổ hợp có ý nghĩa S do các đơn vị A, B, C … mang ý nghĩa lần lượt s1, s2, s3,… tạo nên; nếu như ý nghĩa s1, s2, s3 thì tổ hợp A, B, C có tính thành ngữ. Thí dụ: hết nước hết cái là tổ hợp thành ngữ vì ý nghĩa quá dài, quá mức chịu đựng, bực dọc, sốt ruột của nó không thể giải thích được bằng các ý nghĩa của hết, nước, cái, …[61-62; 1]

Lê Văn Đức đưa ra cả hai khái niệm:

Thành ngữ: Lời nói ngắn gọn, có sẵn, được nhiều người dùng đã lâu, để diễn một ý hay một trạng thái cho có màu mè. Dốt đặc cán mai, Nói toạc móng heo đều là thành ngữ. [1512; 3]

Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi đưa ra khái niệm thành ngữ: cụm từ cố định, bền vững, có tính nguyên khối về ngữ nghĩa không nhằm diễn trọn một ý, một nhận xét như tục ngữ, mà nhằm thể hiện một quan niệm dưới một hình thức sinh động, hàm súc. Ví dụ: Vui như mở cờ trong bụng; Đen như cột nhà cháy; … Ý nghĩa của thành ngữ không phải là tổng số nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có nghĩa đen. Thành ngữ hoạt động như một từ trong câu.

Dù ngắn hay dài, xét về nội dung ý nghĩa cũng như về chức năng ngữ pháp, thành ngữ cũng chỉ tương đương như từ, nhưng là từ đã được tô điểm và nhấn mạnh nghĩa bằng sự diễn đạt sinh động, có nghệ thuật.

Chẳng hạn, thành ngữ Cò bay thẳng cánh tương đương với từ “rộng” được nhấn mạnh (có nghĩa là “rất rộng”), … [297 – 298; 4]

Chúng tôi sử dụng khái niệm của các tác giả Từ điển thuật ngữ văn học làm cơ sở khoa học để khảo sát hiện tượng sử dụng thành ngữ của Nguyễn Gia Thiều trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc.

3. Khảo sát thành ngữ trong Cung oán ngâm khúc

3.1. Cấu tạo của thành ngữ trong Cung oán ngâm khúc

3.1.1. Thành ngữ Hán Việt

Thế nào là từ Hán Việt? Theo cách nhận diện đơn giản mà đảm bảo độ tin cậy, Phan Ngọc cho rằng: một âm tiết Hán Việt là một âm tiết người Việt thấy có nghĩa nhưng không thể hoạt động thành từ đơn tiết mà chỉ đóng vai trò một bộ phận để tạo nên những từ đa nghĩa. Và ngược lại, bất kỳ âm tiết nào có thể hoạt động thành từ đơn tiết đều được xem là từ thuần Việt. Phan Ngọc, công thức hoá thành: từ đơn tiết (hình thức) = thuần Việt (nội dung). Trên cơ sở này, Lã Nhâm Thìn xác lập từ đa tiết (hình thức) = Hán Việt (nội dung). Có thể xem đây như, theo cách nói của Phan Ngọc, là các “mẹo cần thiết để công thức hoá các thao tác”, các hình thức hoá gọn để giảm bớt thời gian lao động cho người nghiên cứu, khảo sát các hiện tượng ngôn ngữ cụ thể, nhất là các hiện tượng ngôn ngữ văn học”

Chúng tôi quan niệm rằng: Thành ngữ Hán Việt là thành ngữ chứa toàn những từ Hán Việt.

Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều đã mấy lần sử dụng trọn nguyên thành ngữ Hán Việt như vậy.

Đòi những kẻ thiên ma bách chiết,

Hình thì còn bụng chết đòi nau!

Bửu Kế giải thích thiên ma bách chiết một cách cặn kẻ rằng: thiên = ngàn; ma = mài; bách = trăm; chiết = gãy. Nghĩa trọn vẹn của thành ngữ này là: Bị biết bao điều khổ sở như nghìn lần mài, trăm lần gãy vậy!

Tác giả dùng để tỏ bày thái độ về nhân tình thế thái. Ở một đoạn khác, ông viết:

Cảnh hoa lạc nguyệt minh hôm ấy,

Lửa hoàng hôn như cháy tấm son.

Thành ngữ hoa lạc nguyệt minh với nét nghĩa là trăng mờ, hoa rụng dùng để tả cảnh cung phi phải chịu lắm nỗi bi thương thể thảm khi chịu cảnh chăn đơn gối chiếc trong cung cấm.

3.1.2. Thành ngữ thuần Việt

Cùng với những thành ngữ Hán Việt, những thành ngữ thuần Việt được nhà thơ sử dụng phổ biến trong khúc ngâm này.

Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai.

Càng gay gắt điệu, càng tê tái lòng.

Tác giả dùng cợt đào ghẹo mai để diễn tả sự thiếu chính chắn bởi men tình đã ngất say.

Hay như:

Muôn hồng nghìn tía đua tươi,

Chúa xuân nhìn hái một hai bông gần.

Muôn hồng nghìn tía với nét nghĩa chỉ mùa xuân. Hình ảnh ẩn dụ của thành ngữ này giúp người đọc liên tưởng đến chốn thâm cung với nhiều vóc ngọc da ngà đang đợi chờ chúa xuân ban ơn mưa móc. Nhưng … chúa chỉ với tay tới một hai bông ở gần mà thôi, còn lại thì chịu cảnh phòng không lạnh lùng.

3.1.3. Thành ngữ điển tích

Lê Văn Đức đưa ra khái niệm Thành ngữ điển tích như sau: Lời nói ngắn gọn có sẵn được nhiều người dùng do một việc xảy ra lâu, được nổi tiếng: Ông già Ba Tri; Hoả hồng Nhựt Tảo, đều là thành ngữ điển tích [1512; 3]

Về thành ngữ chúng tôi đã nêu ở phần đầu bài viết, còn ở khái niệm điển tích, Từ điển văn học (bộ mới) cho rằng: điển cố là thuật ngữ của giới nghiên cứu nhằm mô tả một trong những đặc điểm nổi bật của văn học cổ trung đại phương Đông trong phạm vi các nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa.

Do những nguyên nhân khác nhau, đã hình thành một tâm thế, một phong cách của những người làm văn: trong hành văn thường hay nhắc đến sự tích xưa hoặc một vài câu thơ, câu văn cổ để diễn tả ý mình, nhưng đây không phải là lối trích dẫn nguyên văn, mà là lối dùng lại vài chữ cốt gợi nhớ được điển tích cũ, câu văn cũ ấy. Lối này gọi chung là dùng điển cố, bao gồm phép dùng điển và lấy chữ [416, 5]

Dùng điển: nhà văn “sai khiến” các tích cũ chuyện xưa cho thích hợp vào văn mạch của mình.         

Lấy chữ: là mượn, dùng lại một vài chữ trong các áng văn thơ cổ vào câu văn của mình, gợi cho người đọc phải nhớ đến câu thơ, câu văn ở tác phẩm của người xưa. [416, 5]

Chúng tôi quan niệm, theo nghĩa hẹp: điển tích, (hay điển cố – chúng tôi cho rằng đây là hai thuật ngữ tương đương) là một biện pháp tu từ, ở đó nhà văn sử dụng “câu chuyện đó” sao cho phù hợp với văn mạch mình nhằm tạo tính hàm súc cho lời văn, ý thơ. (Chúng tôi nhấn mạnh điển tích phải có tình tiết của một câu chuyện: chuyện trong sử sách, chuyện hoang đường truyền tụng, …) [68; 10]

Như vậy hiểu một cách ngắn gọn thì thành ngữ điển tích là cụm từ cố định, bền vững gắn liền với một “câu chuyện” nào đó trong sách sử.

Cung oán ngâm khúc có câu:

Giấc Nam Kha khéo bất bình,

Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

Thành ngữ giấc Nam kha được lấy từ chữ: Nam kha mộng, nghĩa là giấc mộng ở cành hướng Nam. Trong một bài ký của Lý Công Tá, đời Đường, chép rằng: Thuần Vu Phần chiêm bao đến nước Hoè An được quốc vương nước này cho làm chức Thái thú và gả con gái cho, hưởng đủ mọi điều vinh hiển; nhưng sau bị thua trận, vợ lại chết; vua sinh nghi cho về. Người ấy giật mình tỉnh giấc, thấy mình ngủ dưới gốc hoè, dưới nhánh hoè hướng nam  có cái hang kiến, mới sự tỉnh biết mình nằm chiêm bao nơi hang ấy. Từ tích ấy để nói rằng mọi thứ vinh hoa phú quý trên đời này chẳng khác gì giấc chiêm bao, có đó rồi mất đó.

Để miêu tả chuyện người cung nữ được vua yêu khi nàng còn là đóa hoa xuân sắc Nguyễn Gia Thiều viết:

Gan chẳng đá khôn dường há chuyển

Mặt phàm kia dễ đến Thiên thai

Hương trời sá động trần ai

Dẫu vàng nghìn lạng dễ cười một khi.

Câu thơ cuối sử dụng ý từ thành ngữ nhất tiếu thiên kim. Chuyện ấy xuất phát từ việc vua Chu U Vương mê say nàng Bao Tự nhưng chưa bao giờ thấy nàng cười nên ra lệnh ai làm cho nàng cười sẽ thưởng nghìn lạng vàng. Nàng vẫn không hở môi. Cuối cùng vua phải đốt phong hỏa đài gạt chư hầu. Bao Tự cười nhưng sau đó thành nhà Chu nghiêng ngửa, vua Chu phải bỏ mạng.

Thơ của Vương Tăng Nhu, vịnh người hầu yêu của mình cũng có câu: Nhất tiếu thiên kim mãi (một nụ cười nghìn vàng cũng mua).

Tiên thi Lý Bạch cũng từng hạ bút Mỹ nhân nhất tiếu hoán thiên kim (nụ cười người đẹp xứng một nghìn lạng vàng).

Trong mạch nghĩa đó, Nguyễn Gia Thiều còn có câu thơ khác:

Dẫu mà tay có nghìn vàng,

Đố ai mua được một tràng mộng xuân

3.2. Các cách sử dụng thành ngữ

Khảo sát qua 356 câu thơ của Cung oán ngâm khúc (bản của Tôn Thất Bình chú giải và hiệu đính) chúng tôi nhận thấy Nguyễn Gia Thiều sử dụng thành ngữ ở các dạng cơ bản như sau:

3.2.1. Sử dụng nguyên vẹn thành ngữ

Đây là dạng thức những thành ngữ được dẫn nguyên vào mạch thơ. Tái hiện hoàn cảnh cung nữ khi được tuyển làm cung phi, Nguyễn Gia Thiều dùng thành ngữ nhúng tay thùng chàm để xem như chuyện đã rồi, khó thể đổi dời:

Càng lâu càng lắm điều hay,

Cho cam công kẻ nhúng tay thùng chàm.

Hay khi miêu tả nét tài hoa của người cung nữ, nhà thơ dùng thành ngữ cờ tiên rượu thánh để tái hiện tài sắc đã vang lừng trong nước của nàng.

Cờ tiên rượu thánh ai đang,

Lưu Linh, Đế Thích là làng tri âm.

Thành ngữ cờ tiên rượu thánh nhắc đến hai nhân vật: Lưu Linh (một người trong thất hiền trúc lâm, Lưu Linh tự Bá Luân (210-270), người đất Bái sống vào cuối thời Ngụy đầu đời Tấn, dung mạo xấu xí, tính tình buông thả phóng túng. Nhưng tâm hồn lại thanh khiết, cao siêu. Trong cơn say, Lưu Linh thường tâm sự với bạn bè về chủ thuyết của mình) và Đế Thích – vị tiên tục danh là Lý Chế, người nổi tiếng về uống uống rượu và đánh cờ không ai sánh kịp. Thú vị hơn, Lưu Linh, Đế Thích được xem như tri âm với người ở lầu hồng gác tía, điều đó lại giúp độc giả liên tưởng đến thành ngữ tri âm tri kỷ với một câu chuyện khác: Bá Nha – Tử Kỳ. Do khuôn khổ bài viết, chúng tôi không nhắc lại điển tích này ở đây.

Cũng có khi ông lại dùng nguyên hai thành ngữ để đối nhau, như trường hợp:

Khi ấp mận ôm đào gác nguyệt,

Lúc cười sương cợt tuyết đền phong

Nội dung các thành ngữ ấp mận ôm đào và cười sương cợt tuyết đều gợi hành động ân ái của cung nữ khi nàng còn được mặt rồng đoái tưởng.

3.2.2. Dịch ý của thành ngữ

Như chúng tôi vừa phân tích ở trên, ngoài việc sử dụng nguyên vẹn một thành ngữ nào đó, Nguyễn Gia Thiều cũng không ít lần dùng ý của thành ngữ trong khúc ngâm Cung oán của mình. Dạng thức này khiến người đọc phải có sự liên tưởng mới nhận ra. 

Để diễn tả sự cô đơn, tủi phận hồng nhan, Ôn Như Hầu đã khéo léo sự dụng hình ảnh:

Tay nguyệt lão chẳng se thì chớ,

Se thế này có dở dang không?

Nguyệt lão se tơ hay ông tơ bà nguyệt là một thành ngữ điển tích liên quan đến chuyện Vi Cố đời nhà Đường. Điều đáng nói là Nguyễn Gia Thiều chỉ dùng ý của thành ngữ để gợi tả mà thôi.

Tương tự, chúng ta còn gặp những trường hợp khác:

Áng đào kiểm đâm bông não chúng,

Khóe thu ba gợn sóng khuynh thành

Câu thơ sử dụng ý của thành ngữ khuynh quốc khuynh thành hay nghiêng thành đổ nướcKinh thi có câu triết phu thành thành, triết phụ khuynh thành: người đàn ông giỏi dựng nên một thành trì, người đàn bà giỏi làm nghiêng đổ thành trì.

Lý Diên Niên đời Hán, khi tả người con gái đẹp đã viết: Bắc phương hữu giai nhân; Tuyệt thế nhi độc lập; Nhất cố khuynh nhân thành; Tái cố khuynh nhân quốc (Phương bắc có người đẹp/ Một mình nhất thời gian/ Nhìn một cái thì nghiêng thành của người ta/ Nhìn hai cái thì nghiêng nước người ta).

Ý thành ngữ cũng xuất hiện ở đoạn thơ khác:

Má hồng không thuốc mà say

Nước kia muốn đổ, thành này muốn long!

3.2.3. Tách chiết thành ngữ

Một dạng thức nữa trong cách sử dụng thành ngữ của Nguyễn Gia Thiều chúng tôi khảo sát được là việc ông tách chiết một thành ngữ nào đó ra thành hai phần để đưa vào ý thơ của mình.

Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,

Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa.

Thành ngữ chim sa cá lặn hay thành ngữ trầm ngư lạc nhạn được tách ra và dùng bằng cách chuyển dịch ý của nó đặt vào hai dòng thơ khác nhau giúp người đọc cảm nhận vẻ đẹp gần như tuyệt đối của đối tượng được miêu tả.

Ở trường hợp khác:

Trên gác phượng, dưới lầu oanh,

Gối du tiên hãy rành rành song song.

Mượn hình ảnh gác phượng lầu oanh rồi tách ra để diễn tả một không gian rộng hơn để thể hiện sự tượng tưởng của phi nữ những lúc mới vào cung nội, chúa yêu chiều hầu như mọi lúc mọi nơi. Tách chiết thành ngữ ra nhằm mở rộng chủ thể mà đối tượng hướng đến, xem ra đây là một nghệ thuật tài hoa mà tinh tế  của thi nhân vậy.

3.3. Công dụng của việc dẫn thành ngữ

3.3.1. Tính hàm súc

Hàm súc là lời ít mà ý nhiều, hàm ý vừa rộng, vừa sâu, người đọc phải có kiến thức uyên bác mới hiểu được tận cùng lời nhà thơ muốn nói. Cách dùng dẫn thành ngữ thể hiện rõ chức năng này trong các tác phẩm văn học Việt Nam trung đại nói chung và Cung oán ngâm khúc nói riêng.

Đoạn thơ diễn tả nỗi lòng nhắm mắt đưa chân phó mặc trời cao dong ruỗi đẩy đưa duyên phận:

Chữ đồng lấy đấy làm ghi,

Mượn điều thất tịch mà thề bách niên.

Ở dòng bát xuất hiện hai thành ngữ, mỗi thành ngữ tác giả chỉ sử dụng một ý để đưa vào. Thất tịch gợi người đọc hướng đến thành ngữ Ả Chức chàng Ngưu, hay Ngưu Lang Chức Nữ, còn bách niên được tỉnh lược từ thành ngữ bách niên giai lão quen thuộc. Như vậy chỉ với hai cụm từ thất tịch và bách niên đã kiệm lời gần như tối đa nhưng ý tứ thì mở rộng biết dường bao.

Chịu cảnh bướm chán người chường, người cung nữ tâm niệm quy y nương nhờ cửa Phật, khi đó nàng thể hiện ý định:

Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa,

Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên

Thành ngữ hoa đàm đuốc tuệ có nguồn gốc từ ngôn ngữ nhà Phật. Ưu đàm là loại hoa thiêng, ba nghìn năm mới nở một lần. Hoa Nghiêm kinh có dẫn lời Phật nói rằng ngọn lửa trí tuệ (tuệ hỏa) sẽ đem chúng sinh ra khỏi chướng ngại khổ đau. Hoa đàm đuốc tuệ với nét nghĩa chỉ cửa Phật sẽ đưa những kiếp người bất hạnh ra khỏi bến mê. Nguyễn Gia Thiều dùng thành ngữ này ở đây cũng với nét nghĩa như vậy.

3.3.2. Tính trang nhã

Văn chương trung đại đậm tính ước lệ. Đặc điểm đó góp phần làm cho lời thơ thêm trang nhã. Nói khác đi khi gặp những vấn đề tế nhị liên quan đến bản năng các nhà thơ trung đại thường dùng biện pháp nói tránh. Ngay cả việc miêu tả “tứ khoái” của con người, các nhà Nho ngày trước cũng sử dụng những điển tích để biểu đạt:

Cơm Phiếu Mẫu, gối Trần Đoàn

Ngửa nghiêng gối phương, nhẹ nhàng nương long.

Trở lại với Cung oán ngâm khúc, khúc ngâm diễn tả các cung bậc từ sung sướng đến thất vọng của người cung nữ khi được sủng ái rồi thất sủng, tất nhiên không thể thiếu được những cảnh chiếu chăn. Nguyễn Gia Thiều khéo léo dùng những thành ngữ để gợi nhắc vừa diễn tả được hành động ân ái vừa đảm bảo yếu tố trang nhã: 

Bóng gương lấp loáng trong mành,

Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa

Chữ mây mưa liên quan đến thành ngữ đỉnh Giáp non thần. Tích xưa kể rằng: vua Tương Dương nước Sở đi chơi ở đầm Vân Mộng gần núi Vu Sơn chiêm bao thấy người con gái rất đẹp chung chạ chăn gối với vua và tự xưng là Vu Sơn thần nữ. Nàng còn nói với vua rằng: buổi sớm mai thần nữ làm mây, buổi chiều thần làm mưa ở núi. Về sau, Tương Dương nghiệm xem thì quả thật đúng như lời trong mộng, vua bèn lập đền thờ ở chân núi. Từ đó người đời dùng thành ngữ đỉnh Giáp non Thần hay các chữ mộng Vu Sơn, mây mưa, vân vũ, … để ví cảnh trai gái chung chạ, ấp yêu. Trong tác phẩm đang nói còn có những câu khác mang dáng dấp của thành ngữ này:

- Mây mưa mấy giọt chung tình,

Đình trầm hương khóa một cành mẫu đơn.

- Tình rầu rĩ làm ngây nhĩ mục,

Chốn phòng không như giục mây mưa.

3.3.3. Tính thuyết phục

Muốn thuyết phục người khác không gì bằng việc dẫn giải ý của người đi trước. Sử dụng thành ngữ điển tích hoặc thành ngữ có nguồn gốc từ thơ, từ của văn học Trung Quốc xưa là điều mà các nhà văn Việt Nam thường dùng. Mượn thành ngữ có sẵn của người để nói ý mình như một sự khẳng định chắn chắn không thể bàn cãi.

Nói về cuộc đời chìm nổi người ta thường hay nhắc đến chuyện bãi bể hóa nương dâu. Tác giả của Cung oán ngâm khúc cũng dùng phương thức như vậy.

Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,

Ai bày trò bãi bể nương dâu.

Bãi bể nương dâu được chuyển ngữ từ thương hải tang điền trong Thần tiên truyện. Theo đó, cứ ba năm lại có một lần thay đổi, biển cả hóa thành ruộng dâu, ruộng dâu hóa thành biển cả (tam thập niên vi nhất biến, thương hải biến vi tang điền) hàm ý chỉ sự thay đổi lớn lao của vạn vật.

Ta cũng có thể gặp bóng dáng của thành ngữ này lần nữa trong khúc ngâm được chọn khảo sát với chi tiết tang thương:

Phong trần đến cả sơn khê,

Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.

Người cung nữ ở chốn phòng khuê từng giây từng khắc ngóng chờ hình bóng đấng quân vương. Nguyễn Gia Thiều khéo léo miêu tả:

Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng,

Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền.

Tin nhạn hay tin hồng đều mang nét nghĩa chỉ tin tức. Nó gắn với điển tích Tô Võ chăn dê. Vị tướng nhà Hán họ Tô khi đi sứ sang đất Hung Nô thì bị đày chăn dê tại đây gần hai mươi năm trời. Hán Võ Đế nhiều lần dò hỏi nhưng lại tưởng Tô Võ đã lìa đời. Mãi về sau, khi nhận được phong thư của Võ cột vào chân chim nhạn mang đến. Hán đế mới rõ nguồn cơn, buộc Hung Nô phải thả Tô Võ về cố quốc.

3.4. Vị trí thành ngữ

3.4.1. Thành ngữ trong lời thoại của nhân vật

Lời khẩn nguyện thiết tha của người cung nữ để mong chúa xuân một lần đoái hoài, vọng tưởng:

- Phải duyên hương lửa cùng nhau,

Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào

Duyên hương lửa lấy ý từ thành ngữ hương lửa ba sinh. Thành ngữ này được ghép từ hai chữ ba sinh và hương lửa.

Ba sinh nguyên thủy từ Truyền đăng lục, sách này chép: có một người mộng đi đến chân núi đá, thấy một nhà sư ngồi trước mắt có một cây hương. Nhà sư này nói với người kia rằng: cây hương này chính là của ông kết nguyện đó. Hương còn cháy mà ông đã trải qua ba đời rồi.

Hương lửa bắt nguồn từ một phong tục của người Hán xưa. Mỗi khi trai gái thề nguyền nhân duyên phối ngẫu thường dùng hương lửa để cúng vái quỷ thần. Nói duyên hương lửa nghĩa là sự phối ngẫu tơ tình đã định từ kiếp trước.

Theo mạch thơ trên, người cung nữ thầm ước nếu phải có tiền duyên thì dê sẽ dừng xe, chúa sẽ ghé ngự ở cung của nàng.

Rồi niềm hạnh phúc cũng đến, nhưng tiếc rằng nó ngắn chẳng tày gang, người cung nữ lại thổn thức:

Khi trướng ngọc, lúc rèm ngà,

Mảnh xuân y hãy sờ sờ dấu phong.

Bây giờ đã ra lòng ruồng rẫy,

Để thân này nước chảy hoa trôi.

Các thành ngữ trướng ngọc rèm ngà; nước chảy hoa trôi được dùng đắc địa trong trường hợp này.

3.4.2. Thành ngữ trong lời trần thuật, lời miêu tả của nhà thơ

Với đặc trưng nghệ thuật của thể loại ngâm khúc hình thức song thất lục bát, nhà thơ khá nhiều lần sử dụng lời trần thuật để tả cảnh, tả tình.

Trần thuật lại hoàn cảnh bi đát của người cung nữ khi mang tiếng là gái có chồng nhưng phòng không gối chiếc:

Tranh tỷ dực nhìn ưa chim nọ,

Đồ liên chi lần trỏ hoa kia.

Câu thơ đầu sử dụng hình ảnh tranh tỷ dực tức là bức tranh vẽ chim chấp cánh. Đó chính là ý trong thành ngữ chim liền cánh, cây liên cành. Sách Nhĩ Nhã chép: ở phương nam có loài chim mỗi con chỉ có một cánh, khi bay, hai con phải chấp cánh vào nhau. Ý của chim chấp cánh được ẩn dụ chỉ nghĩa vợ chồng keo sơn gắn kết.  

Qua bao sự thay đổi thăng trầm người cung phi giờ đành an phận cho một kiếp hồng nhan nơi trướng gấm màn loan. Nguyễn Gia Thiều thuật lại nỗi niềm đó:

Nơi lạnh lẽo nơi xem gần gặn,

Há phai son lạt phấn ru mà

Thành ngữ phai son lạt phấn thay cho lời diễn đạt biết bao tâm sự cảm cảnh u hoài. 

3.4.3. Thành ngữ trong lời trữ tình ngoại đề

Các tác giả Từ điển thuật ngữ văn học giải thích: “trữ tình ngoại đề là một trong những yếu tố ngoài cốt truyện, một bộ phận của ngôn ngữ người kể chuyện trong các tác phẩm thuộc loại hình tự sự, trong đó, tác giả hoặc là người kể chuyện trực tiếp bộc lộ những tư tưởng, tình cảm quan niệm của mình đối với cuộc sống và nhân vật được trình bày qua cốt truyện” [375, 4].

Cung oán ngâm khúc, cũng có dạng trữ tình ngoại đề đó:

Trải vách quế gió vàng hiu hắt,

Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng,

Oán chi những khách tiêu phòng,

Mà xui phận bạc nằm trong má đào.

Đoạn thơ dẫn ý hai thành ngữ. Ở dòng đầu gợi nhắc đến thành ngữ nguyệt trung đơn quế, với tích chép trong sách Nam Bộ yên hoa ký: vua Trần Hậu chúa khi dựng cung điện cho người phi là Trương Lệ Hoa ở đã sai thợ chừa một cửa tròn lớn khảm tấm thủy tinh pha lê hình mặt trăng. Lại cho trồng trước sân cây quế lớn, tượng trưng cho ý cây quế trong trăng, như cung Quảng của Hằng Nga vậy.

 Nguyễn Gia Thiều dùng thành ngữ này với dụng ý chỉ nơi ở sang trọng của cung nhân khi được vua yêu chiều.

Để rồi tiếp theo nhà thơ triết luận về chuyện trời đất hay ghen ghét má hồng qua thành ngữ hồng nhan bạc mệnh mà Tình sử đã ghi tự thuở nào: Tạo vật đố hồng nhan!

4. Kết luận

Cung oán ngâm khúc là một trong những tuyệt tác trong văn học Việt Nam trung đại bởi ngoài ngoài nội dung trăn trở về thân phận của những người cung phi nói riêng và phận đàn bà nói chung, tác phẩm này còn thể hiện sự kỳ tài diệu bút của thi nhân.

Việc sử dụng thành ngữ vừa chuyển tải nội dung một cách sống động vừa làm cho một tác phẩm điển phạm mang sắc thái dân gian. Nói không quá khi cho rằng thành ngữ là một phần quan trọng trong việc bắc nhịp cầu vững chắc cho tác phẩm Cung oán ngâm khúc đến với đông đảo độc giả Việt Nam qua bao thế hệ xưa nay.

T.M.T

--------------

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Đỗ Hữu Châu (1981), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.

2. Lương Văn Đang - Nguyễn Lực (1978), Từ điển thành ngữ tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Lê Văn Đức (1970), Việt Nam tự điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.

4. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử,  Nguyễn Khắc Phi (Đồng chủ biên, 2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (Chủ biên, 2003), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội.

6. Đỗ Thị Kim Liên (2006), Tục ngữ Việt Nam dưới góc nhìn ngữ nghĩa - ngữ dụng, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội.

7. Phan Trọng Luận (Tổng chủ biên, 2007), Ngữ văn 11, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

8. Tôn Thất Lương (Dẫn giải và chú thích, 1950), Cung oán ngâm khúc, Sách giáo khoa Tân Việt xuất bản, Sài Gòn.

9. Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên, 2003), Ngữ văn 7, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

10. Trần Minh Thương, Điển tích qua các tác phẩm ngâm khúc hình thức song thất lục bát trong văn học Việt Nam trung đại, Tạp chí Ngôn ngữ, số 5(240), Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội, 2009, trang 68, 73.

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/03/2014(Xem: 13621)
Quảng Đức Tu viện chúng ta Mệnh danh bốn chữ Tuyết Trồng Sen Hoa Sen trồng trên tuyết khó đà Giữ sen tươi thắm mới là khó hơn Ai ơi biết nghĩa nhớ ơn
20/03/2014(Xem: 28091)
Khi được tuệ giác vô thượng Bản thân rực sáng muôn phương thế giới Ba mươi hai tướng sáng ngời Tám mươi vẽ đẹp, mọi người giống con.
20/03/2014(Xem: 17226)
Mùa Xuân, Thơ ngát trầm hương Dâng lời tôn kính cúng dường Như Lai Hương Từ Bi, Ánh Dương ngời Cho Đời nhân ái, cho Người sống vui Xuân Hoan Hỷ đến muôn loài
19/03/2014(Xem: 23491)
Mẹ Hiền Nam Hải Quan Âm Xót thương sanh chúng giáng lâm tại trần Ngai vàng Mẹ cũng chẳng cần Đi tu theo Phật cứu lần chúng sanh Hôm nay mừng Mẹ đản sanh Con hiền quỳ xuống lòng thành kính dâng
18/03/2014(Xem: 16344)
Trong văn học Trung Hoa, từ thời đại xa xưa, Chu Hy cho rằng “nhân chi sơ tính bản tĩnh”. Từ “bản tĩnh”, do cảm xúc của dục tính mà “tĩnh” chuyển sang “động”. Và một khi tâm đã động thì trí sẽ vận dụng đến suy tư, khi đã suy tư thì phải thốt lên bằng tiếng nói.
18/03/2014(Xem: 12468)
Bạch hạc ẩn tàng làn sương mỏng Dạo bước rừng sâu sư tử hống Tịch mịch hề! mây hay mộng Gió rót thơ tràn suốt thiên niên.
17/03/2014(Xem: 10779)
Biền biệt đường bay Mịt mờ dấu lặng Tiếng ai gào thống thiết giữa đau thương Ngước lên trời cao Mất hút dặm trường Nhìn xuống biển Bóng chim tăm cá
17/03/2014(Xem: 10443)
MƯA ĐÊM Mưa từng giọt rớt vào đêm đặc quánh Tiếng ếch kêu thảng thốt
16/03/2014(Xem: 13980)
Bạn ơi, Làm thiện nguyện đã có từ lâu đời trong tấm lòng của tổ tiên chúng ta: “Dù xây chín đợt phù đồ. Không bằng làm phúc cứu cho một người.” Nó khởi đi từ tấm lòng thiện luơng vốn có của con người. “Nhân chi sơ tính bản thiện” Giống như Phật tánh.
16/03/2014(Xem: 15195)
Bạn ơi, Gọi tôi là gã bán hàng. Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh. Hàng về phải bán cho nhanh. Bán mau, bán đắt mới thành đại gia. Nhưng tôi ăn nói thật thà.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]