Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chèo vỡ sông trăng (thơ)

04/10/201004:12(Xem: 12166)
Chèo vỡ sông trăng (thơ)

Tựa

anhtrangsoi-langdau-contentDẫu như mây hiện giữa trời
chút tình trăng nước tạc lời làm vui!
mười phương gió cát bồi hồi
mười phương hoa cỏ nụ cười mênh mông.

Niềm tin

Nằm nghiêng
nghe hơi thở
mặc máu chảy về đâu
ta có chỗ gối đầu
mảnh trăng bên cửa.

Thi nhân

Con còng già đi qua
hư vô còn để lại
hạt cát
nở thành hoa
nên lời thơ tồn tại.

Đạo sĩ và hư vô

Ta ngồi mãi giữa hư vô lòng núi
bỗng thấy chiều hớt hải đuổi theo mây
khối thời gian rơi vào triền đá lặng
hiện tại nào mất hút ở đầu cây

đời đạo sĩ, con còng già bỏ tổ
lên non cao còn sợ nước triều lên
bụi đầy áo, phủi hoài tay cũng mỏi
có nhiều khi ẩn dật cũng ưu phiền

ta ghé bến đìu hiu tìm hạt lệ
rơi quanh mình với nỗi chết xanh xao
hoa đốm bay đã vô tri tròng mắt
còn bầu trời ai hái những vì sao!

đời đạo sĩ, con chim trên đỉnh núi
ngợi ca ngày nắng mới, giữa mù sương
chim rướm máu bởi hồn thơ u khoát
rớt xuống trần như lửa cháy tà dương

ta bước xuống, đêm, và vầng trăng lạnh
khóm lau già run rẩy nước sương mưa
trọn thân thế ta chối từ vinh hạnh
theo con đường lặng lẽ tự ngàn xưa

chừ vô biên chỉ còn là hơi thở
và nụ cười bất diệt ở quanh đây
đời đạo sĩ, con còng già bỏ tổ
hóa thân làm lau cỏ ở đồi tây!

Tờ kinh không

(Kính tặng Đại huynh Viên Minh)

Từ huynh
bỏ núi lên đường
tình ta để mặc vô thường,
hỡi ai!
đôi khi thơ hứng, một vài,
đôi khi họa hứng,
nghiên mài vẩn vơ!


Bình thơ

Xinh xinh vài nụ cỏ
đặt lên đĩa án thư
lung linh vầng nhật nguyệt
lung linh cả thái hư.



Tiền thân

Thu về
sương trắng hiên thơ
lòng trang kinh cũ
mấy giờ cổ nhân
non xanh
nhớ cụm bạch vân
cổng sài hoa rụng
tiền thân thoảng chừng!


Gốc tùng
và cội đá
hoa nở
đã ngàn năm
trượng mây
nhìn thương hải
non ẩn
nửa
vầng trăng!


Bên hồ cỏ


Qua cầu
bỏ bóng quên mình
bóng bao nhiêu ảnh
mê tình bấy nhiêu
cỏ xanh
liễu biếc yêu kiều
thế thân sương khói
phiêu diêu mấy bờ!



Quảy nắng hồng

Trâu và mục tử đều quên
non xanh nước biếc
còn mình với ta
ba ngàn tám vạn yêu ma
giấc Trang Chu mộng
bướm sa bồi hồi
trâu và mục tử quên rồi
nỗi kia niềm nọ
tiếng lời sạch không
mù sương quảy gánh nắng hồng!



Đêm nguyệt trúc

Tạ từ
xuôi ngược bể dâu
tạ từ danh tướng
sắc màu thế gian
non sâu
đã lặng tiếng đàn
đêm đêm nguyệt trúc
gió ngàn vô thanh…


Giấc ngủ của đá


Giấc ngủ xuống giữa triền non vắng lặng
bóng ai về lạnh buốt cả ngàn dâu
tay chạm khẽ vào mong manh của gió
bỗng trần gian va động những cung sầu

ta đứng lên,
gọi đò, bên bờ sông lau lách
lá tử sinh cháy đỏ cuối ghềnh xa
lòng dừng lại, nhìn thời gian huyễn hoặc
chẳng bao giờ thấy hết cõi người ta

chừ bẻ kiếm!
đi vào sơn cốc
chợt hôm kia đầu đá mọc thành hoa
nỗi vinh hiển như bóng trăng chẳng thực
giọt sương trời, rơi vỡ, cảnh hà sa!

giấc ngủ xuống,
giữa hoang liêu của núi
vượn rừng sâu mê mải cây cành
ta hát khẽ,
vang vang bầu vọng tưởng
trái nhân tình muôn thuở chẳng màu xanh!

ta chống gậy, qua sông,
không bè bạn
cỏ bên đường lất phất trông theo
mỗi câu thơ là mỗi trang cao sĩ
thoảng hương trầm trong nỗi nhớ trong veo!

chừ với đá! ba đời giấc ngủ
viễn khách ơi! viễn mộng nào đây!
phù phiếm quá, con sông không chảy
và bờ kia,
hiển hiện bờ này!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/05/2010(Xem: 7877)
Thầy từ phương xa đến đây, Chúng con hạnh ngộ xum vầy. Đêm nay chén trà thơm ngát, Nhấp cho tình Đạo dâng đầy. Mừng Thầy từ Úc tới thăm, Đêm nay trăng sáng ngày rằm. Thầy về từ tâm lan tỏa, Giữa mùa nắng đẹp tháng Năm
10/03/2010(Xem: 11892)
Qua sự nghiệp trước tác và dịch thuật của Hòa Thượng thì phần thơ chiếm một tỷ lệ quá ít đối với các phần dịch thuật và sáng tác khác nhất là về Luật và, còn ít hơnnữa đối với cả một đời Ngài đã bỏ ra phục vụ đạopháp và dân tộc, qua nhiều chức năng nhiệm vụ khác nhaunhất là giáo dục và văn hóa là chính của Ngài.
10/03/2010(Xem: 9074)
Ba La Mật, tiếng Phạn Là Pu-ra-mi-ta, Gồm có sáu pháp chính Của những người xuất gia. Ba La Mật có nghĩa Là vượt qua sông Mê. Một quá trình tu dưỡng Giúp phát tâm Bồ Đề. Đây là Bồ Tát đạo, Trước, giải thoát cho mình,
10/03/2010(Xem: 13690)
Tên Phật, theo tiếng Phạn, Là A-mi-tab-ha, Tức Vô Lượng Ánh Sáng, Tức Phật A Di Đà. Đức A Di Đà Phật Là vị Phật đầu tiên Trong vô số Đức Phật Được tôn làm người hiền. Ngài được thờ nhiều nhất Trong Ma-hay-a-na, Tức Đại Thừa, nhánh Phật Thịnh hành ở nước ta.
01/10/2007(Xem: 9635)
214 Bộ Chữ Hán (soạn theo âm vận dễ thuộc lòng)
20/10/2003(Xem: 34072)
Tình cờ tôi được cầm quyển Việt Nam Thi Sử Hùng Ca của Mặc Giang do một người bạn trao tay, tôi cảm thấy hạnh phúc - hạnh phúc của sự đồng cảm tự tình dân tộc, vì ở thời buổi này vẫn còn có những người thiết tha với sự hưng vong của đất nước. Chính vì vậy tôi không ngại ngùng gì khi giới thiệu nhà thơ Mặc Giang với tác phẩm Việt Nam Thi Sử Hùng Ca. Mặc Giang là một nhà thơ tư duy sâu sắc, một nhà thơ của thời đại với những thao thức về thân phận con người, những trăn trở về vận mệnh dân tộc, . . . Tất cả đã được Mặc Giang thể hiện trong Việt Nam Thi Sử Hùng Ca trong sáng và xúc tích, tràn đầy lòng tự hào dân tộc khi được mang cái gène “Con Rồng Cháu Tiên” luân lưu trong huyết quản.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]