Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ðức Phật đản sinh qua thi phẩm của Edwin Arnold

14/05/201104:05(Xem: 10363)
Ðức Phật đản sinh qua thi phẩm của Edwin Arnold

phatdansinh_2013
ĐỨC PHẬT ĐẢN SINH
QUA THI PHẨM CỦA EDWIN ARNOLD
Trần Phương Lan dịch và chú giải


Lời người dịch: Đức Phật đản sanh là một sự kiện kỳ diệu hy hữu như lời Ngài đã dạy: ”Có một người sinh ra đời vì an lạc của quần sanh, vì lòng thương tưởng đối với đời, vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc của chư thiên và nhân loại. Người ấy là ai? Đó là đức Như Lai, bậc A-la-Hán, Chánh Đẳng Giác” (Kinh Tăng Chi I)

Đức Phật đã xuất hiện ở đời dưới hình thức một vị thái tử đầy đủ hảo tướng, tài đức vẹn toàn. Khi trưởng thành, Ngài cũng lập gia đình như một người thường, nhưng sau đó, Ngài muốn tìm giải pháp cho vấn đề sanh tử của đời người, nên Ngài đã làm đại sự xuất thế và đã chứng ngộ chân lý. Ngài trở thành bậc Vô Thượng Giác Ngộ và đem giáo lý của Ngài soi sáng trí tuệ của những ai muốn nghe pháp để tận diệt khổ đau, đạt đến chân hạnh phúc, Niết Bàn bất tử.

Suốt hơn hai mươi lăm thế kỷ qua, giáo lý của Đức Phật đã đem lại biết bao niềm hạnh phúc cho các dân tộc Châu Á và dần dần được truyền bá rộng khắp năm châu, vì thế Đức Phật đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao công trình văn học nghệ thuật, nghiên cứu, khảo cổ… từ ngàn xưa đến nay.

Vào cuối thế kỷ thứ 19, sự xuất hiện của thi phẩm Ánh Sáng Á Châu hay sự Xuất Thế Vĩ Đại (The Light of Asia or The Great Renunciation) của Sir Edwin Arnold (1832-1904), là một hiện tượng văn học Anh đặc biệt mang đậm dấu ấn Phật giáo đã gây sự chú ý của giới trí thức đương thời. Thi sĩ này vốn là một nhà quý tộc xuất thân từ trường Đại học King’s College thuộc Viện Đại Học Cambridge và sau đó học ở Viện Đại Học Oxford Luân Đôn, là những lò đào tạo trí thức cho giới thượng lưu của cả Âu Châu ngay từ thế kỷ XII. Nhân chuyến công du sang Ấn Độ để làm hiệu trưởng trường Đại học Poona College ở Bombay (1856 - 1861), vị ấy đã đến với đạo Phật và được cảm hoá vào đạo. Kết quả của thời kỳ Đông du ấy đã đạt đỉnh cao nhất với thi phẩm The Light of Asia và nhiều dịch phẩm từ nguyên tác Sanskrit.

Đặc biệt thi phẩm The Light of Asiađược xây dựng quanh chủ đề cuộc đời Đức Phật từ khi Ngài từ cung trời Tusita (Đâu-suất-đà) nhập mẫu thai Hoàng hậu Màyà, rồi sinh ra làm thái tử sống đời vương giả ở hoàng cung cho đến ngày Ngài làm đại sự xuất thế tầm cầu chân hạnh phúc để cứu độ nhân loại. Sáu năm khổ hạnh và trận chiến đấu cuối cùng đầy khốc liệt của đạo sĩ Gotama trước sự tấn công như vũ bão của ma vương và ma quân quanh cội Bồ đề đã diễn ra vô cùng sinh động dưới ngòi bút tài hoa đầy sáng tạo của thi sĩ cho đến khi Ngài chứng đắc tam minh và liễu ngộ lý duyên khởi của vạn pháp. Ngài trở thành bậc chiến thắng trên chiến trường lúc bình minh vừa xuất hiện ở phương Đông, ánh sao mai mờ dần nhường chỗ cho ánh mặt trời ló dạng trước niềm hân hoan của chư Thiên và loài người trên thế giới.

Mặc dù là một người Tây phương sống cách xa thời đức Phật gần hai ngàn năm trăm năm, tác giả tự nhận mình đã thay lời một Phật tử Ấn Độ diễn tả lòng ngưỡng mộ thành tín sâu xa của mình đối với cuộc đời kỳ diệu của đức Phật và sự nghiệp thuyết pháp độ sanh của ngài qua thi phẩm trữ tình này, làm cho nó có một sức hấp dẫn mãnh liệt đối với các tầng lớp trí thức Tây phương và đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ Tây phương, nên đã góp công rất lớn vào sứ mạng truyền bá đạo Phật ở Âu Châu và đặc biệt ở Anh từ cuối thế kỷ thứ 19 đến nay.

Thi phẩm chấm dứt với lời phát nguyện quy y Tam Bảo của chính tác giả như bất kỳ một đệ tử thuần thành nào trước Đức Thế Tôn đã đem lại ánh sáng của trí tuệ và từ bi để cứu khổ muôn loài chúng sanh trên thế gian.

Sau đây là trích đoạn sự kiện đức Phật đản sanh trong phần mở đầu thi phẩm này.

Chương một

Kinh của Ngài, Phật Thế Tôn cứu độ
Sĩ-đạt-ta là Thái tử giáng trần,
Trong đất, trời, địa ngục chẳng ai bằng
Bậc Tối thắng, Đại từ bi, Trí tuệ
Được tất cả muôn loài đồng kính lễ
Bậc Đạo Sư dạy Giáo pháp Niết bàn.
Như vầy Ngài tái thế cứu nhân gian:
Dưới cõi tối cao, Tứ Thiên Vương (1) ngự
Trị thế gian, và dưới đó là miền
Cao nhưng gần, nơi các vị thánh hiền
Sẽ sống lại ba mươi ngàn năm tới
Chầu Đức Phật, trên trời cao chờ đợi
Vì nhân gian, hiện năm tướng giáng sanh,
Nên Chư Thiên hiểu biết các điềm lành
Đồng bảo:” Phật tái sanh giúp thế giới”.
“- Phải, ta đi giúp trần gian, Ngài nói,
Đời cuối cùng qua bao kiếp tử sanh
Đến với ta và kẻ học pháp lành
Ta sẽ xuống giữa Thích-ca (2) bộ tộc
Dưới sườn núi miền nam Hy-mã-lạp (3)
Có thần dân mộ đạo với minh quân”.
Một đêm kia, chánh hậu Tịnh Phạn Vương (4)
Bà Mà-Yà (5), ngủ yên bên chúa thượng,
Thấy mộng lạ: sao từ trời hiện xuống
Sáu hào quang màu hồng ngọc huy hoàng
Từ sao kia là một đại tượng vương
Sáu ngà (6) trắng như sữa thần tham dục (7)
Giữa cõi không, chiếu vào bà lập tức
Nhập mẫu thai bên phải. Tỉnh gìấc mơ
Diễm phúc siêu phàm tràn ngập long bà
Và nửa cõi đất, hào quang mầu nhiệm.
Ngay trước ban mai, hào quang xuất hiện:
Các đồi cây lay động, sóng ngàn trùng
Lặng yên dần, hoa nở rộ tưng bừng
Như giữa ngọ, tận các miền ngục tối
Niềm hân hoan của bà hoàng chiếu dọi.
Khi mặt trời ấm áp nhuộm màu vàng
Các khu rừng, xuyên tận các đại dương.
Một tiếng thì thầm dịu dàng vang vọng
“Hỡi các người chết kia, nay phải sống,
Dậy mà nghe, hy vọng: Phật–đà sanh!
Ở Lâm-tì-ni (8) vạn vật an bình
Đang trải rộng, tâm thế gian náo nức
Làn gió mát, lạ, lướt qua biển, đất.
Khi bình minh ló dạng, chuyện đem trình
Những người đoán mộng tâu:”Chính điềm lành!
Sao con Cua cùng mặt trời tụ hội,
Hoàng hậu sanh một hoàng nam nối dõi,
Bậc Thánh hiền đại tuệ lợi quần sanh
Sẽ giải thoát loài người khỏi vô minh
Hoặc chiếu cố thế gian và ngự trị (9)
*
Theo cách này, đức Phật–đà giáng thế:
Đúng giữa trưa, Hoàng hậu đứng lâm bồn
Dưới Sa-la (10) đại thọ trong khu vườn,
Thân hùng vĩ, thẳng cao như ngọn tháp,
Dưới tàng lá sum sê, hoa thơm ngát,
Cùng muôn loài, khi biết đã đến thời,
Cây khôn liền uốn nhánh lá cao vời
Xuống đất để làm mái che Hoàng hậu.
Mặt đất bỗng hiện đủ ngàn hoa báu
Trải tọa sàng. Chuẩn bị tắm hoàng nam
Đá kế gần phun nước suối trong nguồn (11)
Pha lê chảy, mẫu hoàng ôm con trẻ
Thật bình an. Ngài vẹn toàn thân thể,
Ba mươi hai tướng tốt báo điềm lành (12)
Tin mừng vui vang đến tận cung đình.
Nhưng khi chúng đem kiệu hoa đến đón
Ngài hồi cung, đám người khiêng đôi cáng
Hoá ra là bốn vị Đại Thiên Vương
Từ núi Tu-di (13) canh giữ bốn phương:
Thần phương Đông có biệt danh Trì Quốc (14)
Đoàn tùy tùng khoác xiêm y bằng bạc,
Và mang theo những khiên mộc ngọc trai.
Thần phương Nam,Tăng Trưởng chính tên ngài,
Đoàn kỵ mã, Cưu-bàn-trà đại quỷ,
Cỡi ngựa xanh, mang khiên thanh ngọc quý,
Thần phương Tây là Quảng Mục Thiên Vương (16),
Đoàn quân hầu là các vị Long thần (17)
Cỡi tuấn mã màu máu đào rực rỡ,
Mang các tấm khiên bằng san hô đỏ.
Đa Văn là chúa tể ở Bắc phương (18)
Đoàn Dạ-xoa hộ tống mặc toàn vàng (19)
Cỡi hoàng thố, mang khiên vàng chói sáng.
Các thiên thần vẫn tàng hình hiện xuống
Khiêng cáng và mặc y phục thường dân,
Song thật ra là các đại lực thần
Cùng rảo bước cùng phàm nhân hôm đó,
Dù loài người không làm sao biết rõ:
Trên cõi trời tràn ngập nỗi hân hoan
Cũng chỉ vì hạnh phúc của trần gian
Khi biết Phật Thế Tôn vừa giáng thế.
Việc này Tịnh Phạn Vương chưa hiểu nghĩa,
Các điềm kia làm chúa thượng lo âu,
Cho đến khi các người giải mộng tâu
Hoàng tử sẽ cầm quyền khắp cõi thế,
Là một Chuyển luân vương (20) lên ngự trị,
Một ngàn năm mới chỉ có một lần,
Ngài chủ quyền luôn bảy thứ bảo trân (21)
Bánh xe báu, ngọc thần kỳ, tuấn mã,
Ngựa báu sẽ dẫm lên ngàn mây gíó,
Một tượng vương sắc như tuyết trắng ngần
Được sinh ra để chở vị Thánh quân,
Đại thần giỏi và tướng quân vô địch,
Một hoàng hậu với dung nhan toàn bích,
Dáng yêu kiều hơn thần nữ Rạng đông (22)
Vì bảy báu kia cùng vị Đông cung,
Vua ra lệnh kinh thành khai đại lễ:
Mọi lối đi được quét chùi sạch sẽ,
Nước hoa hồng được rảy khắp trên đường,
Cây treo đèn, cờ xí rợp mười phương
Trong lúc đó, từng đám đông vui vẻ
Trố mắt nhìn người múa gươm oai vệ,
Bọn làm trò, nhữ rắn, bọn leo dây,
Bọn nhào lộn và vũ nữ từng bầy
Váy lấp lánh với chuông rung thánh thót
Như cười nhẹ quanh đôi chân nhảy nhót,
Bọn mang mặt nạ da báo, hươu, nai,
Bọn đá chim, luyện cọp và quăng dây,
Bọn đánh trống và những bầy đô vật,
Làm mọi người thật hân hoan hạnh phúc.
Còn thương nhân tấp nập tự đằng xa,
Nghe tin đản sanh đem tặng lắm quà
Trong mâm vàng, đầy khăn quàng, ngọc biếc,
Cây hương liệu, sắc trời chiều tơ dệt
Thật mỏng manh dẫu xếp mười hai tầng
Cũng không thể che khuôn mặt thẹn thùng,
Những chiếc váy được thêu đầy ngọc trắng,
Gỗ đàn hương từ thị thành phụ cận
Cung kính chào “ Hoàng tử Sĩ-đạt-ta”(23),
“Toàn thành công” họ nói đúng tên kia.
Giữa khách lạ từ phương xa từng đám,
Một bậc Thánh tóc râu màu tro xám,
A-tư-đà (24), người có một đôi tai
Dài chấm đất, nghe âm hưởng từ trời,
Khi cầu nguyện dưới gốc cây sung mãn (25).
Các Thiên thần đồng ca bài “Phật đản”,
Người tinh thông kiến thức bởi tu thiền,
Người đến gần, dáng điệu thật trang nghiêm,
Vua đảnh lễ và mẫu hoàng ra lệnh
Đưa hoàng nhi đặt dưới chân bậc Thánh.
Nhưng khi nhìn Thái tử, lão Hiền nhân
Thốt tiếng kêu: “Đừng làm vậy, Nương nương!”
Và đặt khuôn mặt già nua lập tức
Tại chỗ ấy, tám lần người chạm đất,
Nói:” Ta xin đảnh lễ đấng Hài đồng!”
Ngài thật là vị cứu thế chính tông!
Với hồng quang (26), lòng bàn chân có ấn (27),
Cuộn lông mềm, cuốn theo hình chữ Vạn (28),
Ba mươi hai tướng tốt của Thánh hiền,
Và tám mươi tướng phụ đã hiển nhiên (29)
Ngài quả thật chính là người Giác ngộ,
Ngài sẽ thuyết pháp lành và cứu độ
Những người nào được học pháp sau này,
Dù chẳng bao giờ ta được nghe Ngài,
Vì ta sắp phải lìa đời quá sớm,
Ta trước đây chỉ mong ngày số tận,
Tuy nhiên nay ta đã thấy được Ngài.
Phải biết rằng, tâu chúa thường ở đời,
Đây chính Đóa Hoa trên cây nhân loại,
Hằng vạn năm mới nở ra sáng chói,
Nhưng nở rồi, làm tràn ngập thế gian
Với hương thơm của trí tuệ siêu phàm,
Và mật ngọt của tấm lòng Từ ái,
Từ gốc rễ của Hoàng gia vĩ đại
Một đóa Hoa sen Thiên giới nở ra,
Ôi! Muôn vàn hạnh phúc hỡi Hoàng gia!
Tuy nhiên cũng chẳng hoàn toàn ân phước,
Vì một lưỡi gươm kia đành xuyên suốt
Cõi lòng bà, do Thái tử ra đời,
Trong lúc bà, hỡi Chánh hậu tuyệt vời,
Được Thiên thần và loài người yêu quý
Vì đã sanh bậc Thánh nhân kỳ vĩ,
Nên từ đây bà quá đỗi thiêng liêng
Không thể nào còn chịu lắm ưu phiền,
Mà cuộc đời này chính là khổ hải,
Do vậy trong vòng bảy ngày trở lại,
Lệnh bà không đau đớn dứt sầu bi”.
Việc xảy ra: ngày thứ bảy đêm kia,
Hoàng hậu Màyà mỉm cười say ngủ,
Và từ đấy, đức bà không đi nữa,
Thật hài lòng lên cõi Đâu-suất đà (30)
Vô số Thiên nhân sùng bái đức bà,
Và hầu hạ Mẫu hoàng thành Thiên nữ.
Còn Hoàng gia tìm mẹ nuôi Hoàng tử,
Đó chính là Di mẫu Go-ta-mì (31),
Bầu sữa thanh cao nuôi nấng Ấu-nhi,
Đôi môi ấy sẽ cứu toàn thế giới.

Như vậy theo truyền thuyết, tất cả chư Thiên và loài người đều hân hoan trước sự ra đời của Đức Phật, cho nên bốn vị Thiên Vương đã đích thân đem đoàn tùy tùng của mình xuống vườn Lâm-tì-ni để khiêng kiệu hoa hộ tống Hoàng hậu và Thái tử hài nhi về kinh thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) cùng với đoàn người hầu cận vua, và bày tỏ sự hân hoan trước niềm hạnh phúc lớn lao của loài người hôm ấy.

CHÚ GIẢI:

(1) Tứ-Thiên-Vương (Catumahàrajika): Bốn vị Thiên vương ở cõi trời thấp nhất trên đỉnh núi Simeru (Tu-di).

(2) Sakya: Tên bộ tộc thuộc quyền cai trị của vua Suddodana.

(3) Himalaya: Tuyết sơn, vùng đồi núi cao nhất thế giới ở miền Bắc Ấn Độ và Nepal ngày nay.

(4) Suddodana (Tịnh Phạn Vương): Vị vua cai trị bộ tộc Thích-ca thời bấy giờ.

(5) Màyà (Ma-da): tên bà chánh hậu của vua.

(6) Voi trắng sáu ngà hay Hào quang sáu sắc: là biểu tượng của Đức Phật theo truyền thống kinh điển.

(7) Kàmaduk: Tên của vị thần tham dục theo truyền thuyết cổ Ấn Độ.

(8) Lumbini: Tên một hoa viên nằm trên đường đi của hoiàng hậu lúc bà sắp lâm bồn.

(9) Những người tiên tri đoán mộng giải thích rằng khi sao con Cua hội họp với mặt trời, hoàng hậu sẽ sinh một hoàng nam là bậc thánh hiền đại tuệ có thể ngự trị toàn thế giới hoặc sẽ xuất gia thành đạo sĩ chứng quả Giác ngộ và giải thoát loài người khỏi vô minh.

(10) Sala: cây hoa cao lớn ở vườn Lumbini, theo truyền thuyết, là nơi hoàng hậu đứng và sanh Thái tử.

(11) Hai giòng nước nóng và lạnh từ trời tuôn xuống để tắm hoàng hậu và Thái tử hài nhi theo truyền thuyết.

(12) Thái tử hài nhi có đủ ba mươi hai tướng tốt lành của một bậc Đại nhân theo khoa xem tướng ở cổ Ấn Độ.

(13) Bốn vị Đại Thiên Vương bảo hộ thế giới ngự trên đỉnh Tu-di là trung tâm của vũ trụ theo vũ trụ quan cổ Ấn Độ.

(14) Dhatarattha (Trì Quốc): Vị Thiên vương canh giữ phương Đông, có đoàn tuỳ tùng là các thần Gandhabba (Nhạc thần).

(15) Virulha (Tăng Trưởng): Vị Thiên vương canh giữ phương Nam, có đoàn tuỳ tùng là các thần Kumbhanda (Cưu-bàn-trà).

(16) và (17) Virupakkha (Quảng Mục): Vị Thiên vương canh giữ phương Tây, có đoàn tuỳ tùng là các thần Nàga (Long thần hay Xà thần).

(18) và (19) Kurera (Đa Văn): Vị Thiên vương canh giữ phương Bắc, có đoàn tuỳ tùng là các thần Yakkha (Thần Dạ-xoa, Đại lực).

(20) Chuyển luân vương (Cakkavatti): Vị vua cai trị toàn cầu bằng chánh pháp.

(21) Vua có đầy đủ bảy báu vật: bánh xe báu, ngọc báu, ngựa báu và nữ báu.

(22) Rạng đông: tên của một nữ thần trong thần thoại cổ Ấn độ.

(23) Siddhattha: tên của Thái tử có nghĩa là Toàn thành công, Toại nguyện.

(24) Asita: tên vị thánh ở vùng Tuyết sơn đã đắc các thắng trí (Abhinna: lục thông) và tám thiền chứng (jhàna), nhờ thiên nhĩ nghe tin các Thiên thần ca ngợi Đức Phật đản sanh, nên đã đến thăm Ngài tại hoàng cung và đảnh lễ Ngài khi thấy các tướng tốt của Ngài.

(25) Peepul hay pipala: một loại cây sung ở Ấn độ.

(26) Hào quang màu hồng ngọc.

(27) Lòng bàn chân có dấu bánh xe.

(28) Lông cuốn theo hình chữ vạn (Svastika) là một tướng tốt trong 32 tướng chính.

(29) 80 tướng phụ của bậc Đại nhân theo khoa tướng số ở Ấn độ, có thể trở thành một vị Chuyển luân vương hay một bậc Giác ngộ để cứu đời.

(30) Theo truyền thống kinh điển, Hoàng hậu Màyà từ trần và tái sanh lên cõi trời Đâu-suất-đà (Tusita), chứ không phải cõi trời ba mươi ba (Tavatimsa) như trong thi phẩm này.

(31) Thứ phi Mahàpajipati Gotamì, em gái của chánh hậu Màyà, trở thành mẹ nuôi Thái tử từ đó và giao hài nhi mới sanh của bà là Hoàng tử Nanda cho một nhũ mẫu.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/08/2024(Xem: 1267)
1/ Đào giếng cấp nước đường xa Bộ hành đỡ khát giải hòa nhọc công 2/ Xây cầu thông lối bến sông Giúp người qua lại góp công đẹp đời 3/ Đắp lộ lưu rộng khắp nơi Không còn hiểm trở chơi vơi giữa đường
31/07/2024(Xem: 1272)
Quán Âm Bồ Tát Nhĩ căn viên thông Đại từ đại bi Diệu âm tự tánh
30/07/2024(Xem: 926)
Cơm Hương Tích kính cúng dường, Thơm mùi đạo vị mười phương an lành, Trăng Lăng Già bát nhã thanh, Chúng Hương thanh tịnh cùng hành giác tâm.
30/07/2024(Xem: 989)
Đào nở đẹp tươi khắp cửa thiền Hoa xinh cảnh tịnh thiệt lung linh Gió nhẹ hoa bay thêm huyền ảo Đủ mùi hương vị giải thoát thay.
30/07/2024(Xem: 2251)
Nhớ lại câu hò tiếng mẹ ru Thuở còn ẳm ngửa những ngày thu Dẫu lớn khôn rồi, tâm thức cũ Hiện về nhân ảnh tuổi phàm phu.
30/07/2024(Xem: 1124)
Vầng trăng trí tuệ ngời ngời Mừng người đem đạo vào đời an nhiên Ba ngàn cảnh giới an nhiên Thấm nhuần đạo cả, nguồn thiền Như Lai Thơm danh trưởng tử mừng người: Hòa Thượng Thích Như Điển Đạo đời viên dung Trăng mêng mang, sáng tầng không Đường về bến Giác, sen hồng dâng hương.
30/07/2024(Xem: 1919)
Tâm trí phàm phu luôn kích thích sự kiêu ngạo ! Vì củng cố bản ngã, tiếp tục tạo khổ đau Không biết rằng người xung quanh ta, được vũ trụ gửi đến, nhằm muốn gửi trao … Tín hiệu phản ánh những góc khuất, tiềm năng mình đang sở hữu!
28/07/2024(Xem: 1184)
Kính dâng Thầy bài thơ con cảm tác khi được đọc chi tiết bài kinh Trung bộ 3, phẩm thứ 110 “TIỂU KINH MÃN NGUYỆT được dịch là Đoản khúc đêm trăng rằm”:do HT Bhikkhu Bodhi chú giải, mới thấy mình đại Phước duyên có được 3 thứ trân báu trong đời ( 1- Người Thầy hiền trí , 2- Nhóm bạn Tốt, 3-Tam tạng kinh điển và sách quý ). Kính chúc sức khỏe Thầy và kính tri ân Thầy , HH
25/07/2024(Xem: 975)
Mẹ tôi mất lúc tôi năm tuổi Còn quá nhỏ để có hiểu biết Mất mẹ là thiếu vắng vòng tay Ôm ấp vỗ về dịu đắng cay. Làm sao biết tình mẹ thương con Bao la vĩ đại như thế nào? Đời từ nay hụt hẫng trống trải Ngậm ngùi nuốt lệ tiếc nhớ thương.
22/07/2024(Xem: 2113)
Vạn vật bao trùm tính nhị nguyên trong một hiện tượng! Ý thức và vật chất hai thái cực khác nhau Dù tương phản lại không tìm ra điểm bắt đầu Vậy nên đừng tách biệt mà hãy nhìn về sự tương tức (1)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com