Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cành mai trong thơ

26/03/201109:58(Xem: 10356)
Cành mai trong thơ

hoa mai 19Cuộc sống vốn là sự hỗ tương giữa con người với thiên nhiên. Từ ngàn xưa, con người đã cảm nhận được sự cần thiết của cỏ, cây, hoa, lá theo thời gian. Một ngọn lá rơi, một cành hoa hé nở đều được người xưa tận tình quan chiêm về lẽ biến dịch của trời đất, của nhân sinh và hoa trở thành người bạn tri kỷ của con người. Vì chọn hoa làm bạn đồng hành trên con đường nhân sinh vời vợi nên người ta vô tình đem hoa giam vào cái xã hội đầy tính phân biệt đẳng cấp.

Sự đặt định về địa vị của các loài hoa cũng tùy nghi theo sở thích và quan niệm riêng tư trong cung cách xử thế mà người ta xếp từng loài hoa vào một địa vị, nhưng tựu trung vẫn dựa vào truyền thống văn hóa của dân tộc và đặc tính riêng biệt của mỗi loài hoa.

Người Trung Hoa xưa đã dựa trên nền tảng triết lý của Khổng, Lão mà phân chia các loài hoa theo cấp bậc:

Hoa Lan: Vi vương giả chi hương.

Hoa Cúc: Đồng ẩn dật chi sĩ.

Hoa Mẫu Đơn: Quốc sắc thiên hương chi phú quý.

Hoa Mai: Băng cơ ngọc cốt ngạc chi thanh kỳ.

Lại có lắm người cho rằng: thanh cao, tinh khiết như Lan, Huệ. Không khuất phục trước cường quyền như Mẫu Đơn thì được gọi là loài hoa vương giả. Lộng lẫy như Hường, thanh kỳ như Mai, kín đáo như Cúc là các loài hoa thuộc hạng phú quý. Vạn thọ, Mồng Gà là loài hoa bình dân…

Từ sự gần gũi với hoa, con người đã nắm bắt được thời gian nở, tàn của hoa, nắm bắt được mối tương quan giữa hoa với sự biến dịch của thời tiết. Người xưa phân định rõ ràng cái “hiện tượng thời gian của hoa” theo nguyên từ “tiết”. Mỗi tiết, hoa kéo dài 15 ngày, mỗi tiết có một ngọn gió riêng tác động lên mỗi loài hoa để chúng nở rộ.

Đặc biệt, Mai là hình ảnh của mùa xuân, “Mai vàng đem đến tin xuân”. Vào khoảng đầu tháng chạp, người ta bắt đầu lặt lá Mai để hoa trổ đúng vào ngày xuân. Những ngọn gió xuân sẽ mơn trớn những nụ mai và chúng sẽ trổ đúng thời.

Mùa xuân là bắt đầu của năm mới, sức sống mới, đồng thời cũng là tiếng nói của thời gian; có lẽ vì thế mà Xuân Diệu đã viết:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già. (Vội vàng)

Mùa xuân là mùa của khí hậu ôn hòa ấm áp. Mỗi lần xuân về trên muôn cây cỏ đều khoác lên mình chiếc áo mới thật lỗng lẫy, nhưng chiếc áo ấy rồi cũng thay đổi khi mùa xuân qua đi. Đối với nhân sinh, xuân đến xuân đi tâm trạng thường lo mừng, nuối tiếc, nhưng với thiền sư Mãn Giác đã “ngộ” được lẽ huyền vi của tạo hóa từ sự biến dịch của loài hoa nên Cáo Tật Thị Chúng:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch:
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai. (Ngô Tất Tố dịch)

Cái nhìn của bậc đạt đạo về việc hoa nở, hoa tàn không như cái nhìn của thế nhân, cái nhìn ấy vượt ra ngoài sự còn mất, trói buộc, có không. Có lẽ mai là loài hoa có nhiều đặc tính như chịu đựng được giá rét buốt lạnh của mùa đông, nhưng khi nắng xuân về ấm áp thì mai lại đơm bông rực rỡ. Người biết yêu mai sẽ cảm nhận cái đẹp của mai. “Mai trắng tinh khiết thanh tao. Mai vàng nhớ nhung xao xuyến”. Mai đẹp ở sắc, đẹp cả cành. Hương mai kín đáo nhẹ nhàng; do đó, nhà thơ Nguyễn Du có câu:

Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Mỗi nghệ nhân thi sĩ nhận xét về hoa mai theo từng khía cạnh khác nhau tùy theo quan điểm của mình nhưng tựu trung vẫn là ca ngợi nét đẹp thuần túy, thanh bạch, tinh khiết của hoa mai. Đời Tống có bài Mai Hoa rất hay. Hay nhất ở hai câu “Dao trì bất thị tuyết. Vị hiểu ám hương lai”. Ở xa, màu trắng của hoa không phải màu trắng tuyết, vì có hương thầm bay đến. Hương mai tuyệt lắm, không nồng nàn như bông sứ, bông sen. Hương mai thoảng nhẹ chừng như hòa tan trong gió… Mai lại có sức chịu đựng dữ dội, có lẽ vì thế mà các nhà thơ thường ví cây mai với sự cao cả, thanh khiết, tao nhã.

Nguyễn Trãi, nhà thơ, nhà văn hóa nổi tiếng, bậc anh hùng dân tộc, đã ca ngợi vẻ đẹp của mai:

Ái mai, ái tuyết, ái duyên hà?
Ái duyên tuyết bạch mai thanh khiết.

Dịch:
Yêu mai, yêu tuyết bởi vì đâu?
Tuyết trắng và mai thì thanh khiết.

Các nhà thơ còn xem mai là hoa đi đầu, là ‘chúa xuân’ báo hiệu niềm vui năm mới!

“iên hướng bách hoa đầu thượng khai.
(Trong trăm loài hoa, mai nở trước tiên)

Nhà thơ Cao Bá Quát trong bài Tài Mai:

Đầu xuân nắm hạt mai gieo
Giống thanh gởi chốn núi đèo xanh tươi
Nữa mai xuân điểm bầu trời
Bức tranh tuyệt tác cho đời ngắm chung.

Điều này cho thấy, hoa mai có thể hiểu đồng nghĩa với cái đẹp, điều tốt lành mà ông một đời mong ước. Ông đã từng vượt qua số phận thăng trầm, dám ngẩng cao đầu sống giữa đất trời; người đã từng đứng lên khởi nghĩa chống chế độ phong kiến, như ông nói: “Bước tới đường danh chẳng cúi đầu”, nhưng với hoa mai, ông suốt đời “cúi đầu bái phục”:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.

Dịch:
Mười năm bàn đạo giao du, khó như tìm gươm cổ
Một đời chỉ biết cúi đầu bái phục hoa mai.

Nhà thơ Tản Đà, người đã phất cao ngọn cờ văn chương thời kỳ cận đại, thơ của ông khác nào một luồng gió mạnh ào ạt thổi vào lòng nhân gian đang ngái ngủ. Ông sống để cống hiến hết mình cho cộng đồng, nhưng ông cũng là khách đa tình, ông dùng hình ảnh mai để so sánh với người đẹp:

Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương. (Thề Non Nước)

Còn nhà thơ Chế Lan Viên gặp cành mai nở trong thời chiến tranh, ông gọi đó là “cành mai trận mạc”, vàng rực một màu thương nhớ. Ngắm nhìn hoa mai mà nỗi nhớ quê nhà dâng ngập tâm hồn khiến nhà thơ thổn thức:

…yêu cành mai yêu lắm
…cành mai ấy sao khuây. (Đào và Mai)

Từ một nhành mai, các nhà thơ đã đưa cảm nhận của mình với mai vào thơ bằng nhiều hình ảnh rất đặc sắc. Cánh mai luôn là biểu tượng của niềm vui, của sự tốt đẹp, thanh khiết, tao nhã trong cuộc sống.

Tết đến, theo tập tục của người dân từ Trung bộ vào Nam, mỗi nhà thường trang trí một nhành mai vào bình sứ và gắn lên cành mai đầy những tấm thiệp chúc Xuân đủ màu càng tạo thêm vẻ quý phái của hoa mai. Hoa mai nở rộ, còn là biểu hiện của điềm tốt lành cho năm mới, tượng trưng cho sự đầy đủ, trọn vẹn của cuộc sống mà người chơi mai trong ngày xuân luôn ước nguyện mọi việc sẽ tốt lành.

Cành mai trong thơ, chính là chất liệu của nhân thế, là hơi thở, là tiếng lòng của các nhà thơ miêu tả cái vui mà các nhà thơ cảm nhận bằng hình ảnh cành mai mùa xuân. Còn với thiền sư Mãn Giác “cành mai” không tàn, không thể bảo rằng, “xuân tàn hoa rụng hết”. Vì Ngài đã thể nhập được chân lý của vũ trụ, bản thể của vạn vật trong cuộc đời, thấy được mặt thật của chính mình, nên Ngài không còn bị sắc hương lôi cuốn, tâm hồn Ngài lắng trong tự tại, lặng lẽ nhìn hoa “nở, rụng” một cách tự nhiên.

Chuyện hoa nở, hoa tàn không còn là hình ảnh khiến người tăng sĩ buồn vui. Dưới mắt người đạt đạo, có một điều thoát ra ngoài quy luật sanh diệt của thời gian, đó là “chân tâm bất diệt”. Dù thời gian có biến đổi, thân tứ đại có đổi thay, nhưng cái chân tâm không bao giờ mất, như cành mai vẫn còn đó mặc dù mùa Xuân đã đi qua. “Đêm qua sân trước một nhành mai”.

Nguồn: Tập San Pháp Luân 23

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/06/2014(Xem: 16668)
"Lợi" có đến nhưng lòng không dao động "Suy" vi nhiều vẫn vững dạ kiên trinh "Hủy" bao nhiêu cũng phải giữ yên mình "Dự" là điểm giúp ta hằng quán chiếu
03/06/2014(Xem: 16728)
Ba bảy pháp trợ Bồ đề viên mãn Bốn niệm xứ căn bản của tu hành Bốn chánh cần hằng niệm mỗi chúng sanh Bốn như ý viên dung nguyện đầy đủ
02/06/2014(Xem: 11232)
Ta về thả giấc ngủ trưa Giựt mình, Hương núi rừng đưa bên thềm. Đất trời Xanh một niềm riêng Cánh hoa còn đọng màu nguyên xuân nầy.
02/06/2014(Xem: 10998)
Tu là sửa một quá trình trải nghiệm Quán chiếu tâm thanh lọc hết mê lầm Diệt bản ngã điều tiên quyết trọng tâm Chuyển nghiệp lực mới chính là thành quả Tu phải hiểu rõ ràng luật nhân quả
29/05/2014(Xem: 15114)
Tu tại gia hay xuất gia Khiêm cung trên kính dưới hòa nhẫn kham Thay người việc khó tranh làm Thành tựu việc tốt chớ ham cho mình Khi tĩnh tọa lúc nhàn đàm Phải luôn quán chiếu nên nhàm thị phi
29/05/2014(Xem: 11858)
Ngọn đuốc cúng dường Tổ quốc Lê Thị Tuyết Mai, pháp danh Đồng Xuân (1947-2014) Nguyện làm ngọn đuốc thiêu thân cúng dường Huệ mạng Đồng Xuân bảo chứng quê hương Phản đối láng giềng Trung Quốc xâm chiếm Lãnh hải Việt Nam trân quý yêu thương!
29/05/2014(Xem: 10410)
Bồng bồng ! Bống bống bang bang Bống theo chân Bụt Dặm ngàn hóa thân . Chiếc hài Tấm ướm vừa chân Thành hia bảy dặm đến gần quân vương.
29/05/2014(Xem: 14218)
DÒNG THƠ QUÊ HƯƠNG Quê hương yêu dấu ngàn thơ Lời ru mẹ kể à ơ ngày nào Quê hương muôn thủa ngọt ngào Ca Dao nước Việt tuôn trào ngàn sau .
28/05/2014(Xem: 15757)
Nụ cười Di Lặc thật hồn nhiên Bình đẳng ban vui rải Phước điền Dìu dắt kẻ tà ra nẻo chánh Vỗ về chúng khổ dứt ưu phiền Đường xa Bảo Sở đưa về tới Vực thẳm Nại Hà vớt được lên
27/05/2014(Xem: 13296)
Cuộc đời rồi cũng vậy thôi Cũng là thân phận con người khác chi, Cùng mang một khối sân si Công danh sự nghiệp một thì trôi qua, Trẻ thơ rồi đến tuổi già Ốm đau bịnh tật đến giờ ra đi, Đau thương giây phút biệt ly Xác thân tan rã còn gì mai sau,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]