Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Đoá Mai Vàng Đẹp Mãi Ngàn Năm

02/02/201110:18(Xem: 9142)
Những Đoá Mai Vàng Đẹp Mãi Ngàn Năm

NHỮNG ĐOÁ MAI VÀNG
ĐẸP MÃI NGÀN NĂM
TT. Thích Giác Toàn
1) Đối với các Thiền Sư thời Lý-Trần, sự ứng dụng tâm thức tu hành với những giáo lý Đức Phật truyền dạy là một. Trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới, Đức Phật khai thị về không gian: "Mười phương thế giới đồng nhất thể." Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật mở bày ý niệm về thời gian: "Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vi lai tâm bất khả đắc."

Câu chuyện vua Lý Thái Tông, khoảng niên hiệu Thông Thụy (1034-1038), một sáng mùa Xuân tìm vào núi viếng thăm Thiền Sư Thiền Lão. Với 4 câu thơ, đáp lời hai câu hỏi của nhà vua, Thiền Sư đã lưu lại cho chúng ta những câu thơ tuyệt bích trong thi ca Thiền học về không gian và thời gian.

Lúc lên núi, gặp Thiền Sư vua hỏi: "Hòa Thượng đến tu núi này được bao lâu rồi?"

Thiền Sư đáp:

Sống ngày nay biết ngày nay

Còn Xuân Thu trước ai hay làm gì!

(Đản tri kim nhật nguyệt

Thùy thức cựu Xuân Thu)

Vua lại hỏi tiếp: "Như vậy hằng ngày Hòa Thượng làm việc gì?"

Thiền Sư đáp:

Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác

Trăng trong mây trắng hiện toàn chân.

(Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân)

Thiền Sư không làm thơ nhiều, nhưng tâm hồn Thiền Sư hiền và đẹp nên ngôn ngữ Thiền Sư thốt ra cũng nhẹ và đẹp lãng đãng như áng mây trời. Vì thế, không gian và thời gian đối với Thiền Sư lại càng như không có gì để phải bận tâm. Bởi quá khứ là cái đã đi qua; những điều hiện tại trong khoảnh khắc rồi cũng qua mau, trở thành quá khứ; còn việc tương lai là điều chưa đến, mà nếu có đến thì nó lại cũng đi qua và sẽ trở thành quá khứ. Dòng thời gian luôn qua nhanh như một dòng nước trôi xuôi. Nắm bắt cái đã qua vừa làm mất công, vừa tự mình làm mệt, làm khổ cho chính mình. Cho nên, chúng ta thấy các Thiền Sư chẳng những sống với thực tại mà còn tỉnh thức trước thực tại. Các Pháp vốn "như thực như thị," hãy để nó diễn biến đúng theo quy luật nhân quả của chính nó.

Chúng ta tin chắc lời đáp của Thiền Sư đã tạo nên sự ngạc nhiên lý thú cho nhà vua và kết quả đã đưa nhà vua về với thực tại: - Như vậy, hằng ngày Hòa Thượng làm việc gì? Thiền Sư không trả lời là hằng ngày mình làm việc gì, nhưng nhà vua vẫn không buồn mà lại càng thích ý hơn khi được Thiền Sư đưa nhà vua thể nhập vào sự hài hòa toàn bích của tâm và cảnh, giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên không hai không khác:

"Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác

Trăng trong mây trắng hiện toàn chân."

Chính cái bên ngoài là pháp trần, là hóa thân làm đẹp cái bên trong; còn cái bên trong là tâm thức, là pháp thân chủ để làm rạng rỡ, rực sáng cái bên ngoài. Người thân chứng là người không còn thấy có khoảng cách giữa tâm và vật, thức và trần. Cảnh chỉ là một – huyền diệu lung linh.

2) Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) nếu so với các Thiền Sư đời Lý thì tuổi thọ nơi thân xác tứ đại của Thiền Sư có phần ngắn ngủi hơn. Nhưng pháp thân chân tính của Ngài hiển hóa trong thi ca thì sống mãi muôn đời. Và một điều kỳ diệu là mùa Xuân nào đọc lại bài thơ của Thiền Sư vẫn nghe như mới, như trào dâng một cảm xúc vô biên:

"Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai."

"Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai."

(HT.Thích Thanh Từ dịch)

Về mặt cấu tạo vật chất, thân con người là tứ đại (đất, nước, lửa, gió) cấu thành, cảnh vật hoa cỏ thiên nhiên cũng là tứ đại thành. Nhưng con người hơn vạn vật ở chỗ là con người có hình thức sống, có tâm hồn, cho nên con người đương nhiên là chủ thể của vạn vật. Điều vi diệu ở đây là chủ thể và khách thể, tức con người và vạn vật lại hội nhập hòa điệu trong tính đồng nguyên nhất thể. Con người nhìn tấm gương phản chiếu của dòng thời gian đến – đi, của hoa cỏ nở- rụng mà có thể cảm nhận được dòng đời "trước mắt việc đi mãi," để tự nhìn lại chính mình "trên đầu già đến rồi" quả vô cùng tuyệt diệu. Thấy được tính vô thường nơi thời gian, vô thường của cảnh vật hoa cỏ thiên nhiên rồi cảm nhận ra được sự vô thường nơi chính xác thân mình đâu phải là điều dễ làm. Trong cuộc sống trùng trùng điệp điệp này ai cũng trải qua, ai cũng đến đi, ai cũng trẻ già, ai cũng sống chết; nhưng giác ngộ được thực tướng của chính mình trong mỗi lúc, không phải ai cũng có thể cảm nhận ra.

Khi đốidiện nhân chứng trước sanh tử vô thường, chẳng những không sợ hãi mà Thiền Sư còn đưa con người vào cõi an trú vĩnh hằng, Niết Bàn bất diệt: "Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một cành mai." Giữa cõi đất trời siêu tuyệt, cành mai của Thiền Sư Mãn Giác chính là sự hội tụ của tính nhân văn, là nét đẹp không cùng tận của con người.

Đời Trần, Thiền Sư Huyền Quang – một thi sĩ tài hoa, là một trong số ít các vị tác giả có nhiều tác phẩm, hiện nay còn lưu lại cũng khá nhiều. Bài thơ "Hoa Cúc" là một trong những bài thơ nổi tiếng của Thiền Sư. Từ ngày Thiền Sư tịch đến nay gần 700 năm, hễ nói đến Thiền Sư thì người ta nhớ đến bài thơ "Hoa Cúc." Bài thơ có sáu đoạn tứ tuyệt, mỗi người có mỗi tâm trạng hòa nhịp theo ý thức xúc cảm sâu lắng của Thiền Sư.

Giáo lý vô thường, khổ não, vô ngã trước cuộc đời và sự thâm cảm giữa ý thức uyên áo của con người với thiên nhiên được Thiền Sư lột tả một cách tuyệt mỹ nơi đoạn 3:

"Vương thân vương thế dĩ đô vương,

Tọa cửu tiêu nhiên nhất thập lương

Tuế vãng sơn trung vô lịch nhật,

Cúc hoa khai xứ, tức trùng dương."

"Quên mình, quên hết cuộc tang thương

Ngồi lặng đìu hiu mát cả giường

Năm cuối trong rừng không có lịch

Thấy hoa Cúc nở biết trùng dương."

(bản dịch của Phan Võ – lược khảo LSVHVN)

Bốn loài: Mai, Lan, Cúc, Trúc là biểu tượng của bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Thiền Sư ngồi thiền định trong rừng, cảnh cũng không người cũng không. Cây cỏ, hoa cảnh, thời gian, không gian như đứng ngừng im lặng, như "giao hội" cùng trời đất. Chỉ cần thấy "hoa Cúc nở" là biết "tiết trùng dương đã đến, tựa như Thiền Sư Viên Chiếu đời Lý cũng đã từng thổ lộ:

"Trùng dương Cúc nở dưới rào

Trên cành Oanh hót thanh tao dịu dàng."

Nhưng nét đẹp siêu tuyệt nơi Huyền Quang không dừng lại ở đây, nó còn vương lên, vượt khỏi ta – người, tâm- cảnh, có – không v.v… Nói theo tư tưởng Thiền của các Tổ sư là dứt bỏ "Nhị kiến" không còn thấy có hai, dù không gian, thời gian nào, dù người hay vật, sắc hay không (đoạn 5):

"Hoa tại trung đình, nhân tại lâu

Phần hương độc tọa tự vong ưu.

Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh

Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu"

"Người ở trên lầu hoa dưới sân

Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông

Hồn nhiên người với hoa vô biệt

Một đóa hoa vàng chợt nở tung"

(bản dịch của Nguyễn Lang)

Khi nào con người trở về với chính mình thì khi đó cái đẹp "tính nhân bản" hội tụ. Và cũng chính nơi mình, "tính nhân bản" tỏa sáng muôn đời.

Tóm lại, như chúng ta đã biết, cánh hoa vàng (hoàng hoa) của Thiền Sư Thiền Lão, cành Mai vàng của Thiền Sư Mãn Giác đầu, giữa đời Lý và đóa Cúc vàng của Thiền Sư Huyền Quang gần cuối đời Trần… cả 3 đóa hoa vàng cách nhau trên dưới 300 năm. Vậy mà khi đọc lại, ta tưởng chừng như 3 con người, 3 vị Thiền Sư Thiền Lão-Mãn Giác-Huyền Quang và 3 đóa hoa vàng chỉ là một – như mới đâu đây, mới hôm nào… rồi chợt giật mình. Ồ! Đây rồi – đóa hoa vàng của chính lòng ta "tâm thức sống của chính mình," của mỗi người chúng ta. Ôi! Những đóa hoa vàng tuyệt bích thiên thu.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/06/2017(Xem: 9968)
Duyên lành Thầy đã xuất gia, Bốn mươi năm chẳng như là chiêm bao Lăng Nghiêm vang vọng thuở nào Mà trong tiềm thức Ưu đàm rộ bông
21/06/2017(Xem: 8567)
Thị Ngạn Am ẩn hiện Mây trắng bay ngang đồi Tinh mơ sương còn đọng Côn trùng thay tiếng kinh
21/06/2017(Xem: 9022)
Trong đời tôi, có được hữu duyên gặp những pháp hữu, những người anh cùng chí nguyện và những anh chị trong văn học nghệ thuật xa gần, trong đó có anh Lưu Nguyễn Đạt. Ông là một hoạ sỹ, luật sư, nhà thơ và có nhiều học vị từ giáo sư đến tiến sỹ v.v… nhưng chúng tôi quen biết nhau và đến với nhau chỉ vì một tấm lòng trong sáng và hướng thiện, cũng không ngoài mục đích trở về với mái nhà dân tộc, mái nhà tâm linh và mái nhà nhân loại. Anh Lưu Nguyễn Đạt đã mời tôi nói về thơ của anh, nhưng làm sao chúng tôi nói hết được sức viết và cái tâm của ông trong hơn 50 năm qua. Cũng làm thơ như anh, chúng tôi hiểu được mỗi b
20/06/2017(Xem: 7604)
Tình cha nghĩa rộng bao la Âm thầm như núi cao xa ngút trời Bao năm cuộc sống đổi dời Vui buồn cha mãi một đời vì con .
20/06/2017(Xem: 7936)
Cuộc sống trăm năm có nghĩa gì ? Ở ăn mặc nghỉ cứ liên chi Chạy theo ngũ dục mờ tâm tánh Tháng rộng năm dài chẳng được chi .
18/06/2017(Xem: 10705)
NẮNG CÒN TRONG ĐÊM "Còn Cha gót đỏ như son Đến khi Cha mất gót con đen xì" Câu ca trôi với tháng ngày Ngậm ngùi nghiền ngẫm nhìn mây ngắm trời Gọi thầm hai tiếng "Cha ơi!"
15/06/2017(Xem: 14353)
HOAN CA Tung lên mây trắng trời xanh Tiếng ca reo nhịp hòa thanh tưng bừng Sử xanh hào sảng bi hùng Trái tim kết nối hát cùng nhau nghe! HOA QUỲNH Ngày mai xa tắp đời mình Trái tim đập những nhịp tình đa âm Lời yêu sương khói mong manh Quỳnh hoa thổn thức đêm trăng ru hồn.
14/06/2017(Xem: 10429)
Sống cũng vui mà chết cũng vui Tự tại tháng ngày chẳng thối lui Đói ăn khát uống nóng cởi áo Đêm lạnh choàng chăn lặng lẽ ngồi .
13/06/2017(Xem: 8583)
Không tham lam là Đức Chơn thù thắng Bố thí lòng hoan hỉ cả Pháp Duyên Dẫu cho ai có tham quý của tiền Ta vẫn quyết không tham cầu tư lợi .
12/06/2017(Xem: 16037)
Lá tươi, hoa thắm reo đùa Mầm chồi non nớt cũng vừa nẩy xanh Tháng ngày buôn chuyện tử sinh Thời gian thoăn thoắt, sắc hình tàn phai.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]