Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 11

16/04/201312:12(Xem: 9982)
Chương 11

Tâm Lý và Triết học Phật giáo
áp dụng trong đời sống hàng ngày

Nguyên tác: "Abhidhamma in daily life",
Tác giả: Nina Van Gorkom

Ðại đức Thiện Minh dịch ra Việt ngữ
Kỳ Viên Tự xuất bản, 2001
---o0o---

Chương 11

Những loại Tâm Tái Tục khác nhau

-ooOoo-

Trên thế gian này, chúng ta thấy nhiều chúng sanh khác nhau, con người và thú vật, tất cả đều có một sự xuất hiện khác nhau và có một đặc tính khác nhau. Chắc chắn chúng khác biệt từ những khoảnh khắc đầu tiên của kiếp sống, từ những khoảnh khắc của tâm tái tục. Chúng ta có thể nghĩ rằng chắc chắn có nhiều loại tâm tái tục, nhưng trái lại, chúng sanh chào đời trên thế gian này cũng có nhiều thứ giống nhau. Chúng ta cùng chia sẻ thế gian và cùng cảm nhận những cảm giác qua sáu căn, bất kể là dù chúng ta giàu hay nghèo. Do bởi những cảnh tượng mà chúng ta biết xuyên qua sáu căn, nên tâm thiện và tâm bất thiện. Tất cả những tâm này phát sanh trong đời sống hàng ngày, chúng là những tâm Dục giới (Kàmàvacaracitta). "Kàmà" có nghĩa là "dục lạc" hoặc là "những cảnh tượng của dục lạc". Tuy nhiên, tâm dục giới không những là các tâm có nguồn gốc tham ái; mà chúng còn có liên quan với cõi dục.

Tái sanh làm người là kết quả của nghiệp thiện. Tâm tái tục phát sanh trong cõi người mà ở đó có các căn là kết quả của nghiệp thiện do tâm dục giới tạo tác. Nó không phải là kết quả của tâm thiền mà cũng không phải là tâm dục giới. Tâm thiền phát sanh khi chúng ta có sự an lạc ở mức độ "an chỉ tịnh", lúc đó chúng ta không biết chính các cảnh hiện diện do ngũ căn. Tâm thiền không phải là nguyên nhân tái sanh trong đời này. Như vậy, chúng sanh tái sanh trong cõi người có chung một điều là tâm tái tục của họ là kết quả của nghiệp thiện do tâm dục giới tạo tác. Ðối với những sự khác nhau về việc tái sanh làm người, chính là mức độ nghiệp thiện tạo ra tâm tái tục.

Người ta phân chia con người theo sự tái sanh của chúng thành hai loại, mà một trong hai loại này gồm có nhiều mức độ tâm quả. Hai loại:

1. Tái sanh bằng tâm tái tục quả thiện vô nhân.
2. Tái sanh bằng tâm tái tục quả thiện hữu nhân.

Khi con người tái sanh bằng tâm tái tục vô nhân, sự tái sanh của người đó là kết quả của nghiệp thiện dục giới, nhưng mức độ nghiệp thiện thì ít hơn nghiệp thiện mà nó tạo ra tâm tái tục hữu nhân. Ngưới ta tái sanh bằng tâm tái tục vô nhân thì bị tật nguyền từ khoảnh khắc đầu tiên của kiếp sống. Nhãn căn, nhĩ căn thì không phát triển hay họ có những khuyết tật khác. Tuy nhiên, khi chúng ta thấy một người bị tật nguyền chúng ta không thể nói rằng khoảnh khắc đầu tiên kiếp sống của người đó có tâm tái tục vô nhân hay là tâm tái tục hữu nhân. Chúng ta không thể nói người bị tật nguyền từ khoảnh khắc đầu tiên kiếp sống của người đó hay bị tật nguyền sau này, thậm chí ngay khi còn trong bụng mẹ, và như vậy chúng ta không biết loại tâm tái tục nào mà người đó tái sanh. Sự việc cho thấy là một người bị tật nguyền không xảy ra một cách ngẫu nhiên; điều đó là do bởi nghiệp của họ.

Chỉ có một loại tâm tái tục quả thiện vô nhân, nhưng tâm quả này có nhiều mức độ tùy thuộc vào nghiệp tạo ra nó: Có thể tái sanh trong những môi trường khác nhau, như sống trong môi trường bất hạnh và môi trường hạnh phúc. Loại tâm tái tục này thậm chí có thể phát sanh trong cõi trời thấp nhất.

Cũng có một tâm tái tục vô nhân quả bất thiện. Loại tâm này không phát sanh trong cõi người, nhưng nó chỉ có trong cõi khổ. Chỉ có một loại tâm tái tục quả bất thiện, nhưng nó có nhiều mức độ. Có nhiều sự khác nhau về nghiệp bất thiện và do đó chắc chắn là có nhiều sự khác nhau về sự tái sanh bất hạnh. Sự tái sanh bất hạnh, chúng ta có thể thấy trong thế gian này là tái sanh làm thú. Có ba cõi khổ mà chúng ta không thể thấy: ngạ quỉ, a tu la và địa ngục. Có những cõi địa ngục khác nhau bởi vì có nhiều mức độ nghiệp bất thiện mà sản sinh những loại tái sanh bất hạnh khác nhau.

Nhiệm vụ của tái tục có thể thực hiện do bởi những loại tâm quả khác nhau mà nó có những kết quả nghiệp khác nhau. Nó tùy thuộc vào nghiệp lực mà loại tâm quả thực hiện những chức năng của tâm tái tục trong trường hợp của một chúng sanh đặc biệt. Tâm tái tục không phát sanh trong tiến trình tâm ngũ căn hoặc tiến trình tâm ý môn mà chúng biết cảnh xuyên qua một trong sáu căn. Ðơn thuần nó chỉ thực hiện chức năng của sự tái sanh.

Có hai loại tâm quả vô nhân mà chúng có thể thực hiện nhiệm vụ tái tục: tâm quan sát quả bất thiện và tâm quan sát quả thiện. Như chúng ta đã gặp (trong chương 9), tâm quan sát là tâm vô nhân. Khi tâm quan sát phát sanh trong tiến trình ngũ căn thì nó biết cảnh xuyên qua một trong năm căn, nó thực hiện chức năng quan sát cảnh. Tuy nhiên tâm quan sát cũng có thể thực hiện chức năng tái sanh, và đây là điều kiện khi tâm tái tục là quả vô nhân. Nhưng ở khoảnh khắc khác và trường hợp khác, cùng loại tâm này có thể thực hiện nhiều hơn một chức năng. Khi tâm quan sát thực hiện nhiệm vụ tái tục nó không phát sanh trong tiến trình ngũ căn và nó không quan sát cảnh.

Như chúng ta đã gặp (trong chương 9), có ba loại tâm quan sát:

1. Tâm quan sát quả bất thiện, câu hành thọ xả.
2. Tâm quan sát quả thiện, câu hành thọ xả.
3. Tâm quan sát quả thiện, câu hành thọ hỷ.

Tâm quan sát quả bất thiện, câu hành thọ xả, có thể thực hiện nhiệm vụ tái sanh trong cõi khổ. Ðiều này có nghĩa là loại tâm tái tục này phát sanh trong cõi khổ, giống như loại tâm quan sát quả bất thiện thực hiện chức năng quan sát trong tiến trình ngũ căn.

Tâm quan sát quả thiện, câu hành thọ xả, ngoài ra nó có thể thực hiện chức năng quan sát trong tiến trình ngũ căn, nó cũng có thể thực hiện chức năng tái sanh trong cõi người và cõi trời.

Tâm quan sát quả thiện, câu hành thọ hỷ nó không thực hiện chức năng tái sanh.

Nghiệp bất thiện và nghiệp thiện của những chúng sanh khác nhau có thể sản sanh tất cả mười chín loại tâm tái tục, phát sanh trong những cõi khác nhau. Một trong những loại tâm này là quả bất thiện và mười tám loại tâm còn lại là quả thiện. Trong mười tám loại tâm quả thiện chỉ có một loại tâm quả thiện vô nhân và mười bảy loại tâm hữu nhân (câu hành với nhân tịnh hảo). Có nhiều mức độ khác nhau trong mười chín loại tâm tái tục vì nghiệp thì đa dạng. Vì nghiệp mà con người tái sanh có dung nhan đẹp hoặc xấu và họ có hoàn cảnh gia đình hạnh phúc hoặc đau khổ. Sự việc cho thấy là người tái sanh trong hoàn cảnh gia đình đau khổ không có nghĩa là kiếp tương lai của họ cũng bị đau khổ. Tất cả tùy thuộc vào nghiệp mà chúng ta đã tạo và nó sẽ trổ quả. Ðối với người tái sanh trong hoàn cảnh gia đình hạnh phúc, nếu nghiệp bất thiện trổ quả trong kiếp tương lai thì người này chắc chắn sẽ gặp những điều bất hạnh.

Chúng ta xem trong Tăng Chi Bộ Kinh(quyển 4, chương IX, 5, Tối tăm):

Này chư Tỳ khưu, có bốn hạng người được tìm thấy trên thế gian này. Thế nào là bốn?

Có người sanh ra trong bóng tối và hướng đến bóng tối; có người sanh ra trong bóng tối nhưng hướng đến ánh sáng; có người sanh ra trong ánh sáng nhưng hướng đến bóng tối; có người sanh ra trong ánh sáng và hướng đến ánh sáng.

Này chư Tỳ khưu, và thế nào là người sanh ra trong bóng tối hướng đến bóng tối?

Ở đây, người này sanh trong gia đình hạ tiện, gia đình của người đổ phân, gia đình thợ săn, gia đình đan rổ, gia đình đan tre, gia đình bẫy sập, gia đình đóng xe, gia đình quét rác, hay trong một gia đình nghèo, ăn uống thất thường, sinh kế gặp khó khăn, khó tìm được miếng ăn, tấm mặc. Vả lại, người đó còn bị xấu xí, khó trông, lưng còm, nhiều bịnh tật, chột mắt, tay chân bại liệt, hay đi khập khễnh, hoặc bán thân bất toại, không có được thức ăn, đồ uống, y phục, xe cộ, vòng hoa hoặc hương thơm, phấn son, chỗ nằm, chỗ cư ngụ hay đèn đuốc. Người ấy sống với thân khẩu ý ác; vì sống như vậy, khi thân hoại mạng chung, người đó tái sanh vào khổ cảnh, ác thú, địa ngục. Do đó, này chư Tỳ khưu, là người sanh trong bóng tối và hướng đến bóng tối.

Và này các thầy Tỳ khưu, thế nào là người sanh trong bóng tối nhưng hướng đến ánh sáng?

Ở đây, người này sanh trong gia đình hạ liệt ... Không có giường nằm, chỗ ở hay ánh sáng. Người ấy sống thân khẩu ý thiện và làm như vậy, khi thân hoại mạng chung, người đó tái sanh cõi lành, thiên giới.

Và này các thầy Tỳ khưu, thế nào là người sanh trong ánh sáng nhưng hướng đến bóng tối?

Ở đây, người này sanh trong một gia đình quí tộc ...

Người đó đẹp trai, dễ nhìn, dễ thương, có màu da xinh đẹp. Người ấy có quần áo, xe cộ, tràng bông và hương thơm, chỗ nằm, trú xứ và ánh sáng. Nhưng người ấy sống với thân khẩu ý ác. Do hành động như vậy, khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này chư Tỳ khưu, như vậy là người sanh trong ánh sáng nhưng hướng đến bóng tối.

Và này các thầy Tỳ khưu, thế nào là người sanh trong ánh sáng và hướng đến ánh sáng?

Ở đây người đó sanh trong gia đình quí tộc ... có nhiều quần áo ... giường nằm, chỗ ngụ và ánh sáng. Người đó sống thân khẩu ý thiện. Do thực hành như vậy, khi thân hoại mạng chung ngưới đó tái sanh trong cõi lành, thiên giới. Như vậy này chư Tỳ khưu, là người sanh trong ánh sáng nhưng hướng đến ánh sáng.

Này chư Tỳ khưu, đây là bốn hạng người được tìm thấy trên thế gian này.

Nghiệp thiện sinh ra tâm tái tục quả hữu nhân (có nhân tịnh hảo) có mức độ cao hơn nghiệp thiện sản sinh một tâm tái tục vô nhân. Nghiệp thiện dục giới có thể sinh ra tám loại tâm quả hữu nhân khác nhau mà nó có thể thực hiện chức năng tái tục. Loại tâm quả nào thực hiện chức năng này trong trường hợp một chúng sanh đặc biệt thì tùy thuộc vào nghiệp thiện mà sinh nó.

Người sanh ra có những đặc tính khác nhau và những khả năng khác nhau; họ sanh ra với những mức độ khác nhau về trí tuệ hoặc không có trí tuệ. Tâm tái tục của con người thì khác nhau. Khi tâm tái tục hữu nhân, nó luôn luôn câu hành với vô tham và vô sân, nhưng thường không có trí tuệ. Nó có thể câu hành với trí tuệ hoặc không có trí tuệ, tùy thuộc vào nghiệp lực mà sinh ra nó. Khi tâm tái tục câu hành với trí tuệ, người sanh ra với ba nhân tịnh hảo: vô tham, vô sân và trí tuệ. Người tái sanh có trí tuệ thì tu tập trí tuệ trong kiếp sống của mình nhiều hơn người mà sanh ra không có trí tuệ. Những ai tái sanh với một tâm tái tục câu hành với trí tuệ thì có thể đạt đến sự giác ngộ nếu họ tu tập Bát chánh đạo. Nếu người tái sanh không có trí tuệ họ vẫn có thể tu tập chánh kiến, nhưng kiếp sống đó, họ không thể đạt đến sự giác ngộ. Nhu vậy chúng ta thấy rằng mọi vật trong cuộc sống của chúng ta thì tùy thuộc vào nhân duyên.

Ngoại trừ những sự khác nhau trong số lượng của nhân (hai nhân hoặc ba nhân) mà nó câu hành với tâm tái tục hữu nhân thì chúng còn có những sự khác biệt nữa. Nghiệp thiện sinh ra tâm tái tục có thể là nghiệp được thực hiện do tâm thiện thọ hỷ hoặc thọ xả; do tâm thiện không cần nhắc bảo hoặc tâm thiện cần được nhắc bảo [1].Có nhiều yếu tố để xác định nghiệp thiện mà sản sinh theo kết quả của nó. Tâm tái tục hữu nhân là kết quả của nghiệp thiện dục giới mà được phân chia tất cả thành tám loại khác nhau. Tóm tắt như sau:

1. Câu hành thọ hỷ, tương ưng trí tuệ, không cần nhắc bảo (Somanassa sahagatam, Nanasampayuttam, asankhàrikamekam) [2]

2. Câu hành thọ hỷ, tương ưng trí tuệ, cần được nhắc bảo (Somanassa sahagatam, Nanasampayuttam, sasankhàrikamekam)

3. Câu hành thọ hỷ, bất tương ưng trí tuệ, không cần nhắc bảo (Somanassa sahagatam, Nanavippayuttam, asankhàrikamekam)

4. Câu hành thọ hỷ, bất tương ưng trí tuệ, cần được nhắc bảo (Somanassa sahagatam, Nanavippayuttam, sasankhàrikamekam)

5. Câu hành thọ xả, tương ưng trí tuệ, không cần nhắc bảo (Upekkhà sahagatam, Nanasampayuttam, asankhàrikamekam)

6. Câu hành thọ xả, tương ưng trí tuệ, cần được nhắc bảo (Upekkhà sahagatam, Nanasampayuttam, sasankhàrikamekam)

7. Câu hành thọ xả, bất tương ưng trí tuệ, không cần nhắc bảo(Upekkhà sahagatam, Nanavippayuttam, asankhàrikamekam)

8. Câu hành thọ xả, bất tương ưng trí tuệ, cần được nhắc bảo (Upekkhà sahagatam, Nanasampayuttam, sasankhàrikamekam)

Thật là hữu ích để biết nhiều chi tiết hơn về tâm tái tục, bởi vì nó giúp chúng ta hiểu biết lý do tại sao con người có quá nhiều sự khác nhau. Tám loại tâm tái tục hữu nhân là những kết quả của nghiệp thiện dục giới không chỉ phát sanh trong cõi người mà chúng còn còn phát sanh trong những cõi trời dục giới (Kàmabhùmi).

Có mười một cõi dục giới là: một cõi người, sáu cõi trời và bốn cõi khổ. Những chúng sanh sanh ra một trong những cõi dục thì tiếp nhận những cảm xúc giác quan, họ có những tâm dục giới. Cũng có những cõi trời cao hơn mà nó không phải là cõi dục giới. Có tất cả ba mươi mốt cõi [3].

Nếu người sanh ra một trong những cõi dục và tu tập thiền định, ngoài tâm dục giới họ cũng có thể có tâm thiền sắc giới và tâm thiền vô sắc giới [4]. Nếu ngưới tu tập Bát chánh đạo họ có thể có tâm siêu thế (Lokuttaracitta) mà tâm này thì cảm nhận trực tiếp Níp bàn.

Khi người đắc thiền, nghiệp thiện người đó thực hiện không phải là nghiệp thiện dục giới. Ở khoảnh khắc thiền định thì không có những cảm xúc giác quan. Thiền là nghiệp thiện mà nó không trổ quả trong cùng kiếp sống khi người đắc được, nhưng nó có thể trổ quả trong hình thức tâm tái tục, tâm tái tục của kiếp sống tương lai. Trong trường hợp này, có những tâm thiền phát sanh không lâu trước khi chết và tâm tái tục của kiếp sống tương lai biết cùng một cảnh như những tâm thiền đó.

Kết quả của tâm thiện sắc giới (tâm thiện là tâm thiền sắc giới) là sự tái sanh trong cõi trời không phải là cõi dục giới mà là cõi Phạm thiên sắc giới. Kết quả của một tâm thiện vô sắc giới (tâm thiện là tâm thiền vô sắc giới) là sự tái sanh trong một cõi trời mà là cõi trời Phạm thiên vô sắc giới. Có những cõi trời Phạm thiên sắc giới và những cõi trời Phạm thiên vô sắc giới khác nhau.

Có năm tầng thiền sắc giới và như vậy có năm loại tâm thiện sắc giới mà chúng có thể tạo ra năm loại tâm quả sắc giới. Có bốn tầng thiền vô sắc giới và như vậy có bốn loại tâm thiện vô sắc giới mà chúng có thể tạo ra bốn loại tâm quả vô sắc giới. Do đó có năm loại tâm tái tục là quả của tâm thiện sắc giới và bốn loại tâm tái tục là quả của tâm thiện vô sắc giới. Nói chung có mười chín loại tâm tái tục là những kết quả của tâm thiền khác nhau. Chúng là những tâm quả hữu nhân và luôn luôn câu hành với trí tuệ.

Mười chín loại tâm tái tục được tóm tắt như sau:

1 tâm quan sát quả bất thiện.
1 tâm quan sát quả thiện.
8 tâm đại thiện [5]
5 tâm quả sắc giới
4 tâm quả vô sắc giới.

Chúng ta không biết những hành động nào của chúng ta sẽ sinh ra tâm tái tục cho kiếp sống tương lai. Mặc dù một hành động đã tạo trong kiếp quá khứ có thể sinh ra tâm tái tục trong kiếp sống tương lai. Mỗi hành động thiện thì rất có giá trị; chắc chắn nó sẽ trổ quả. Chúng ta xem Phật thuyết như vậy (Tiểu bộ kinh, "Itivuttaka" pháp một chi, chương ba, 6 ) về giá trị của sự bố thí. Ðức Phật dạy cho chư Tỳ khưu:

Nầy chư Tỳ khưu, nếu chúng sanh biết như ta đã biết, kết quả của việc bố thí, chúng sẽ không được thụ hưởng nếu chúng không bố thí, và lòng ô nhiễm tham lam không có ám ảnh tâm của chúng ta an trụ. Dù là miếng cuối cùng, dù là miếng ăn tối hậu, chúng sẽ không thụ hưởng, nếu chúng không chia sẻ khi có người nhận.

Nghiệp thiện là nguyên nhân cho sự tái sanh an vui, nhưng chấm dứt tái sanh thì được Ðức Phật khuyến khích hơn. Nếu người tu tập Bát chánh đạo và chứng đắc được quả vị A la hán thì vị đó sẽ không còn tái sanh nữa. Tâm tử của vị A la hán không có tiếp nối bởi tâm tái tục. Ðức Phật nhắc nhở chúng ta về những sự nguy hiểm của sự tái sanh và khuyến khích chúng ta phải có chánh niệm, để chứng được bất tử Níp bàn. Chúng ta xem trong Tăng Chi Bộ Kinh(Pháp tám chi, chương VIII, 4) khi Ðức Phật ngự ở Nàdika, trong Lò gạch, ngài dạy cho chư Tỳ khưu:

Suy niệm về sự chết, này chư Tỳ khưu, khi được tu tập, sẽ được hoan hỷ, có kết quả, có nhiều lợi lạc lớn, chứng đắc bất tử.

Và này chư Tỳ khưu, thế nào là suy niệm về sự chết ...?

Ở đây, này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu khi ngày hết và đêm an trú, suy niệm như vầy: "Các nhân duyên về cái chết đến với ta rất nhiều. Con rắn, con bò cạp hoặc con rít có thể cắn ta và có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết; điều đó có thể là một chướng ngại cho ta. Ta có thể vấp ngã và té xuống; thực phẩm ta ăn có thể gây cho ta bịnh hoạn; mật có thể làm khuấy động ta; đàm cũng như thế; những luồng gió như cái kéo cũng có thể khuấy động ta; con người hoặc phi nhân có thể công kích ta và tất cả những lý do trên, có thể dẫn ta đến cái chết. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta".

Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu đó cần phải suy niệm như vầy: "Nếu ta có những ác bất thiện pháp chưa được đoạn trừ, và nếu như ta lỡ lâm chung đêm nay, đó là chướng ngại cho ta". Này chư Tỳ khưu, nếu vị ấy nhận thức rằng, có những trạng thái như vậy... rồi đoạn tận các ác bất thiện pháp, cần phải duy trì sự mong muốn, tinh tấn, chuyên cần, nỗ lực không thối lui, chánh niệm và tĩnh thức phải do vị Tỳ khưu đó chuyên tâm thực hiện.

Này chư Tỳ khưu, ví như cái khăn bị cháy, hoặc tóc bị cháy, để dập tắt khăn hay đầu ấy, cần phải có sự tác động mong muốn, tinh tấn, nỗ lực, tinh cần, nỗ lực không thối lui, chánh niệm và tỉnh giác. Cũng vậy này chư Tỳ khưu, phải tác động duy trì sự mong muốn, tinh tấn, nỗ lực, chuyên cần, không thối lui, chánh niệm và tỉnh thức phải được vị Tỳ khưu đó thực hiện để đoạn trừ ác bất thiện pháp.

Nhưng nếu vị Tỳ khưu đó suy xét rằng: Ta không có những pháp ác, các bất thiện pháp chưa được đoạn tận, nếu lỡ lâm chung đêm nay, điều đó là một chướng ngại cho ta. Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu ấy sống hoan hỷ, đêm ngày thực hiện những thiện pháp.

Ở đây, này chư Tỳ khưu, vị Tỳ khưu đó suy niệm cũng như vậy... khi đêm đã qua ngày vừa an trú. Vị ấy cũng suy niệm giống như thế...

Này chư Tỳ khưu, suy niệm về sự chết, khi được tu tập như vậy thì có những kết quả lớn, lợi lạc nhiều, đạt được cứu cánh bất tử".

CÂU HỎI:

1/- Tâm tái tục có thể là tâm vô nhân không?
2/- Có bao nhiêu loại tâm tái tục?
3/- Có bao nhiêu loại tâm tái tục là quả bất thiện?
4/- Khi nào tâm tái tục câu hành với trí tuệ do bỏi yếu tố nào nó làm duyên cho điều này?

Chú thích:

[1] Xem Chương 4. Tâm thiện có thể phát sanh không cần nhắc bảo, tự phát, hoặc cần được nhắc bảo, sai khiến do người khác hoặc do sự suy nghĩ của chính mình

[2] Nanalà trí tuệ (pannà)

[3] Ðiều này sẽ được giải thích ở chương 20,về cõi giới.

[4] Ðối với sự khác nhau giữa thiền sắc giới và thiền vô sắc giới, xem chương 22

[5] Từ ngữ đại thiện,đại quả,và đại tố thường sử dụng cho những tâm dục giới.

---o0o---

Source : BuddhaSasana Home Page

---o0o---

Trình bày : Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]