Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2 : Hãy biến mình thành những con người bất khuất vì hoà bình

30/12/201718:20(Xem: 3846)
Chương 2 : Hãy biến mình thành những con người bất khuất vì hoà bình



Hay Lam Mot cuoc cach mang

HÃY LÀM MỘT CUỘC CÁCH MẠNG !
Lời kêu gọi tuổi trẻ của Đức Đạt-lai Lạt-ma

Đức Đạt-lai Lạt-ma, Sofia Stril-Rever
Hoang Phong chuyển ngữ



Chương 2

 Hãy biến mình thành những con người

bất khuất vì hoà bình

 

 

 

 

            Đã 82 tuổi rồi, quả là đã đến lúc mà tôi phải nói lên lời từ giã: Bye bye, my dear younger brothers and sisters (trong nguyên bản là tiếng Anh: "Xin tạm biệt các anh chị em trẻ tuổi thân mến của tôi!"). Với tuổi tác đó, quả tôi đã là người của thế kỷ XX. Thế nhưng vì niềm ước vọng hòa bình đã thấm sâu trong tâm hồn tôi khiến tôi cảm thấy mình vẫn còn thuộc vào tương lai, cùng lứa với tuổi trẻ của thế giới này. Trên bình diện đó chúng ta đều có cùng một tuổi đời như nhau, cái tuổi mà mọi sự có thể bắt đầu trở lại. Đoạn cuối của đời tôi và bước đầu của cuộc đời các bạn cùng gặp gỡ nhau.

 

            Cuộc hội ngộ giữa chúng ta cũng chẳng khác gì một thoáng phù du trong một buổi sáng tinh sương, khi bóng tối và các tia sáng đan vào nhau giữa trời. Không còn là đêm tối nữa, nhưng cũng chưa phải là ban ngày. Đấy là lúc một ngày mới đang bắt đầu ló dạng. Nơi chân trời một trang sách đang được lật qua, mở ra một trang mới. Bây giờ thì đến lượt các bạn đấy nhé, hỡi những người bạn trẻ của tôi, các bạn hãy viết lên trang giấy trinh nguyên đó dòng lịch sử mới mẻ của thế kỷ này, và tôi ước mong rằng đấy sẽ là dòng lịch sử đẹp nhất và hạnh phúc nhất trong ký ức con người.  

 

            Tôi từng ấp ủ viễn tượng của nền hòa bình đó từ khi tôi còn trên quê hương Tây Tạng của tôi. Thuở thiếu thời, tôi chỉ biết đến quê hương của các bạn qua những hình ảnh trong các tạp chí đến được Lhassa (thủ đô của xứ Tây Tạng trước đây) mà tôi cứ lật đi lật lại một cách thèm thuồng (có nghĩa là ước muốn được viếng các nơi ấy). Thế rồi trong chuyến du hành đầu tiên trên lưng bò yak (một loại bò núi) và ngựa, tôi đã đến nước Ấn năm 1956, (Đức Đạt-lai Lạt-ma vượt biên bằng cách băng ngang rặng Hy Mã Lạp Sơn). Lúc trên đường tôi nghĩ rằng biết đâu từ các đỉnh đèo cao nhất của hành tinh này tôi sẽ trông thấy được các tòa nhà chọc trời ở Nữu Ước. Thật vậy tôi hy vọng sẽ trông thấy được các tòa nhà ấy qua chiếc viễn vọng kính bằng đồng mà tôi thừa hưởng từ vị tiền nhiệm của tôi. Trước đây nơi sân thượng của ngôi đền Potala, với chiếc viễn vọng kính này tôi vẫn thường ngắm nhìn các miệng hố trên mặt trăng. Thuở ấy tôi cũng đã bắt đầu tìm hiểu các nền văn minh tân tiến và tham gia vào các trào lưu tư tưởng thời bấy giờ, thế nhưng chưa bao giờ tôi xao lãng trước sự quyết tâm "không lay chuyển vì hòa bình" của tôi. Với kinh nghiệm suy tư của cả một đời người, tôi có thể nói với các bạn một điều là nếu các bạn dấn thân vào sự hung bạo thì các bạn sẽ không tránh khỏi chứng kiến cảnh hấp hối của nhân loại. Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ hòa bình nhưng cũng có thể là ngược lại. 

           

            Hỡi những người trẻ trên khắp thế giới, tôi kêu gọi các bạn hãy kiến tạo một thế hệ hòa bình đầu tiên cho Địa cầu huynh đệ này (suốt trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ ngưng chiến tranh và xung đột. Phải chăng con người là sinh vật hung dữ và ích kỷ nhất trên hành tinh này? Xin đừng gây chiến nữa). Hãy kiến tạo một thể chế công dân thế giới! Đấy không phải là một điều không tưởng mà là một chiến lược với một chủ tâm rõ rệt, tức là một cách đánh thức bổn phận của mỗi người trong các bạn, phải làm thế nào cho thế kỷ XXI này không còn tạo ra các cảnh khổ đau, tàn phá, ngập tràn xương máu như trong quá khứ nữa (có nghĩa là khi đã là công dân của một thế giới chung thì sẽ không còn sự tranh chấp giữa các quốc gia và dân tộc nữa). Tôi vững tin các bạn ngay trong kiếp sống này sẽ kiến tạo được hòa bình và phát huy được tình huynh đệ, đấy là các ước vọng sâu xa nhất của con tim con người.

Hãy tạo ra một thế hệ không bế tắc

 

            Các vấn đề khó khăn mà các bạn đang phải gánh chịu ngày nay không phải là do các bạn tự tạo ra cho mình. Đấy là các khó khăn lưu lại từ thế hệ của tôi và của cha mẹ các bạn, tức là các thế hệ của thế kỷ XX. Hãy tạo ra một thế hệ với thật nhiều lối thoát. Cha mẹ của các bạn nào có cố tình phá hoại môi trường đâu. Phần đông trong số họ khi ý thức được sự tác hại rộng lớn của thảm họa này thì đã muộn. Tại sao? Chẳng qua vì sự suy thoái môi trường thiên nhiên diễn tiến một cách tuần tự, vì thế chỉ có thể nhận thấy được sự suy thoái đó sau một thời gian dài. Năm 2011 tôi đã quy tụ được các chuyên gia quốc tế cùng họp với tôi tại Dharamsala để bàn thảo về chủ dề "Môi sinh, Đạo đức và Nguyên lý Tương liên" (Hội nghị Mind & Life XXIII, Oct 2011. Các cuộc hội họp Mind & Life/Tâm thức và Sự sống là nhằm kết hợp giữa Phât giáo và Khoa học với chủ đích phát huy sự hiểu biết về bản chất của hiện thực, w.w.w.mindandlife.org - ghi chú trong sách). Một trong các chuyên gia trên đây cho biết thán khí (CO²) là một loại khí không có mùi cũng không có sắc, điều này thật đáng tiếc, bởi vì nếu thán khí có màu xanh hay màu hồng, hoặc bốc mùi, thì người ta sẽ nhận biết nó dễ dàng hơn. Nhờ đó những người làm chính trị cũng như quần chúng sẽ cảm thấy dễ dàng hơn sự nguy hại khi nồng độ của nó tăng cao.

            Nửa đùa nửa thật trong buổi họp ấy tôi gợi ý một cách hóm hỉnh như sau: giả thử nếu kết hợp được tất cả các nguyên thủ quốc gia trong một gian phòng đóng kín và sau đó xịt thán khí vào phòng cho đến khi tất cả đều cảm thấy khó thở và bực bội - mục đích không phải là để làm cho họ bị chết ngạt mà chỉ để ý thức họ là phải sớm tìm các biện pháp ngăn ngừa. Thật vậy đây là lần đầu tiên trong lịch sử con người, quyền sống của các bạn và con cái các bạn đang bị lâm nguy.

            Hoan hô sáng kiến của các bạn trẻ trong lứa tuổi từ 9 đến 20 ở Mỹ đã đứng lên nhân danh các thế hệ tương lai! Hoan hô các bạn trẻ vị thành niên đó đang tranh đấu cho quyền hạn căn bản của mình đã được ghi hẳn hoi trong hiến pháp là được quyền sống an toàn trong một môi trường không bị ô nhiễm bởi các loại khí gây ra các hiệu ứng nhà kính (vụ kiện "Juliana chống lại Chính phủ Mỹ về môi trường"/Juliana vs US Lawsuit" trước tòa án tiểu bang Oregon, tháng 9, năm 2015, với sự ủng hộ của nhà khí tượng học James Hansen, w.w.w.ourchildrentrust.org - ghi chú trong sách)! Vị thẩm phán của phiên tòa căn cứ vào các phúc trình khoa học về sự gia tăng thán khí trong bầu khí quyển sẽ không bảo đảm cho trẻ em trong thiên niên kỷ này sống an toàn đến tuổi trưởng thành và đã cho các em thắng kiện. Các vụ kiện cáo như thế không chỉ riêng xảy ra ở Mỹ, mà là cả một phong trào quốc tế về pháp lý liên quan đến khí hậu, đang bùng lên khắp nơi trên thế giới, từ Bắc Mỹ đến Phi Luật Tân, Từ Tân Tây Lan đến Ấn Độ và cả xứ Na Uy, bắt buộc các chính phủ và các xí nghiệp phải chịu trách nhiệm về các biến đổi môi sinh. Hỡi các bạn trẻ, các bạn hãy đứng lên như những người tiên phong bảo vệ công lý cho môi trường, chẳng qua vì các bạn chính là các nạn nhân trực tiếp!    

            Sự tham gia đông đảo của các bạn sẽ giúp tôi phấn khởi và lạc quan hơn. Các vấn đề mà các bạn đang gặp phải dù thuộc lãnh vực môi trường, sự hung bạo nói chung hay khủng bố nói riêng, không phải do Thượng Đế, Đức Phật hay những người bên ngoài hành tinh này tạo ra. Những khó khăn ấy cũng không phải từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất chui lên. Đó là các vấn đề mà nguyên nhân là do nhân loại tự tạo ra cho mình từ đầu đến cuối. Thế nhưng đấy cũng lại là một điều đáng mừng, bởi vì nếu chúng ta đủ khả năng tạo ra các vấn đề đó thì cũng thật hết sức hữu lý khi cho rằng chúng ta cũng sẽ có đầy đủ phương tiện để giải quyết các vấn đề ấy. Các cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối đầu không phải là định mệnh. Hãy cứ tự hỏi như thế này: "Vậy thì tình huynh đệ có thể giải quyết được các cuộc khủng hoảng đấy hay không?"

 

 

Tôi chọn cho tôi khẩu hiệu

"Tự do, Bình đẳng và Tình huynh đệ"

 

            Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tôi được nghe thuật lại cuộc Cách mạng Pháp. Lúc đó tôi còn bé, còn ở trong ngôi đền Potola, tại Lhassa. Ngoài ra tôi cũng còn được nghe thuật lại cuộc Cách mạng Nga. Tôi rất say mê các câu chuyện ấy vì thế mỗi khi gặp được một vài người ngoại quốc hiếm hoi đến được nơi này thì tôi liền gạn hỏi họ [về các câu chuyện cách mạng ấy], quả đúng họ là các vị thầy của tôi trong các lãnh vực hiểu biết thế tục. Ngoài ra tôi cũng còn nhớ đến một cuộc cách mạng khác mà lần đầu tiên tôi được trực tiếp theo dõi nhờ tin tức đưa vào Tây Tạng. Đó là cuộc Cách mạng Hung Gia Lợi năm 1956. Tuy cách xa Budapest trên phương diện thân xác, thế nhưng về mặt xúc cảm thì tôi lại cảm thấy rất gần với những người trẻ đang vùng lên.

 

            Lý tưởng của cuộc Cách mạng Pháp đã khiến tôi xúc động mạnh, quả là một khẩu hiệu tuyệt vời nêu lên thể chế Cộng hòa: Tự do, Bình đẳng và Tình huynh đệ. Và đấy cũng là phương châm mà tôi đã chọn cho tôi. Là một người Phật giáo, tôi hiểu rằng mục đích của việc tu tập là giải thoát tôi khỏi vô minh căn bản tạo ra các thứ ảo giác, tách rời tôi với kẻ khác và cả môi trường chung quanh, sự tách rời đó cũng chính là cội nguồn của tất cả mọi thứ khổ đau. Bình đẳng cũng là một nguyên tắc căn bản trong Phật giáo, chẳng qua vì tất cả chúng sinh, dù là con người hay không phải con người cũng vậy, đều hàm chứa một tiềm năng giác ngộ như nhau. Bình đẳng có thể hiểu như là một sự công bằng (impartiality/không thiên vị) hay bình thản (equanimity/thanh thản, bình lặng, không phân biệt). Sau hết là tình huynh đệ, đó là sự phát lộ của tình thương yêu và lòng từ bi khi được nuôi nấng trong từng ngày. Hiến pháp của Ấn Độ có thể bổ khuyết cho câu châm ngôn của nước Pháp trên đây bằng cách thêm vào một tiêu đề thứ tư là Công lý. Điều này theo tôi thật hết sức chính đáng, bởi vì một xã hội hay một nền kinh tế không có công lý thì tình huynh đệ cũng chỉ vỏn vẹn là một khẩu hiệu cao quý, nhưng trên thực tế không mang một ý nghĩa nào cả.

           

            Vừa được tấn phong chức vụ lãnh đạo chính trị và tín ngưỡng của xứ Tây Tạng tại Lhassa năm 1950, thì tức khắc sau đó tôi đưa ra một nghị quyết nhằm xây dựng một xã hội dựa trên tình huynh đệ. Tôi nhận thấy trong các nhà giam không xa ngôi đền Potala, các tù nhân bị kết án mang gông, là một khối gỗ tròng vào cổ, vừa dầy vừa nặng. Chiếc gông bằng gỗ cứng đè gẩy cả xương gáy họ. Tôi bèn ra lệnh đại xá toàn bộ tù nhân trên toàn lãnh thổ Tây Tạng. Sau đó tôi bắt tay vào việc cải tổ xã hội phong kiến của chúng tôi bằng cách thiết đặt một nền tư pháp độc lập. Tôi đề cử một ủy ban phân phối đất đai và xóa bỏ chế độ nợ nần cha truyền con nối, biến tầng lớp nông dân thành nô bộc của giới quý tộc. Thế nhưng chưa được bao lâu thì người Trung Quốc xâm lược nắm quyền bính, áp đặt một chế độ đi ngược lại với thể chế dân chủ trong chương trình canh tân hóa xứ Tây Tạng.

 

            Vì sinh mạng bị đe dọa, tôi phải bỏ trốn năm 1959. Trong khi lưu vong tại Ấn, tôi đã tái lập lại tinh thần dân chủ cho các thể chế trong chính phủ của chúng tôi. Ngày 2 tháng 9, 1960, và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử của xứ Tây Tạng, các nghị sĩ đã phải tuyên thệ tại Dharamsala (trên đất Ấn). Sau đó tôi cũng đã soạn thảo bản Hiến Pháp công bố sự phân quyền, sự bình đẳng giữa người dân trước luật pháp, bầu cử tự do và một nền chính trị đa nguyên. Căn cứ vào Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948, bản Hiến Pháp  của chúng tôi đã được soạn thảo theo nguyên tắc căn bản của một Quốc gia thế tục, nhưng đồng thời cũng kết hợp với các giá trị tín ngưỡng của chúng tôi, và đó cũng là cả một sự cam kết long trọng giữ vững tinh thần phi-bạo-lực và hòa bình.

 

            Tôi đã phải vận dụng tất cả uy tín sẵn có của mình để thuyết phục người dân Tây Tạng chấp nhận các cải cách nhằm giới hạn các quyền lực đã được quy định theo truyền thống lâu đời đối với chức vụ lãnh đạo của tôi. Sự quý trọng và lòng tôn kính quá mức của họ là cả một trở ngại trong việc tập cho họ quen dần với tinh thần dân chủ. Mãi đến năm 2011, tôi mới có thể quyết định với tất cả niềm hãnh diện trao lại các trọng trách chính trị nhằm thế tục hóa hoàn toàn nền dân chủ lưu vong của chúng tôi. Hỡi các bạn trẻ của tôi, các bạn thấy đó, người dân Tây Tạng nào cần phải làm Cách mạng như tổ tiên của các bạn đâu, tức là phải hy sinh cả tính mạng mình vì dân chủ, kể cả phải xử trảm vua của mình. 

 

 

Các cuộc cách mạng trong quá khứ

không biến cải được tâm thức con người

 

            Vì mang danh là Lạt-ma Tây Tạng nên một số người lấy làm ngạc nhiên khi thấy tôi phát biểu về chính trị. Thế nhưng tôi cũng là một môn đệ của cuộc Cách mạng Pháp. Tôi không hề bỏ qua bất cứ một dịp nào - chẳng hạn như mỗi khi đến Pháp, hoặc tiếp xúc với các bạn trẻ người Pháp - mà tôi lại không nói lên điều đó. Dù không rành từng chi tiết về cuộc Cách mạng Pháp, thế nhưng tôi nghĩ rằng chính cuộc Cách mạng này đã đưa đến sự hình thành của Bản tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên cho toàn thế giới, và sau đó thì các nguyên tắc căn bản trong bản tuyên ngôn này lại được đưa vào Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948. Có một điều mà các bạn có thể không hề biết đến là tại Tây Tạng có lệnh cấm cất giữ Bản tuyên ngôn này. Vị phạm sẽ bị ghép vào tội mưu phản và bị kết án nặng nề, tương đương với tội vi phạm an ninh quốc gia, tức có thể bị tù và tra tấn. Sở dĩ tôi nêu lên điều này là để thấy tầm quan trọng của bản tuyên ngôn trên đây. Tôi có cảm giác qua dòng lịch sử các nhà trí thức Pháp luôn cho thấy mình có một khả năng lý luận thật phóng khoáng, một tầm nhìn toàn cầu thật cởi mở về thế giới. Những người nổi bật nhất trong số họ thường là những người có tư tưởng bất khuất, khả năng phán đoán sắc bén, quả họ là những người mà thế kỷ XXI rất cần đến, chẳng qua là vì ngày nay những gì cần phải làm là vặn cổ các ý thức hệ của thế giới già nua từng gây ra cho chúng ta mọi thứ khổ đau.

 

            Không những là đệ tử của Đức Phật và Cách mạng Pháp mà tôi còn là đệ tử của Karl Marx. Chính Karl Marx từng xem nước Pháp là một nước cách mạng tuyệt vời nhất và ông ta cũng đã giải thích thật chính xác về các động cơ thúc đẩy đã đưa đến sự nổi dậy năm 1789. Xã hội cũ rích của thời đại bấy giờ không còn đủ sức để thích ứng với hiện thực của nền kinh tế mới, tình trạng đó đã đưa đến các sự kình chống thật hỗn loạn giữa các giai cấp trong xã hội, nhằm dành lại quyền lực và các sự ưu đãi nằm gọn trong tay giới quý tộc. Cách suy luận này cũng có thể áp dụng cho cuộc Cách mạng Bolshevik tại nước Nga của các Nga hoàng. Thật vậy cuộc cách mạng Nga cũng là một phong trào tranh đấu chống lại sự khai thác quá đáng tầng lớp vô sản. Các cuộc tranh đấu mang tính cách giải phóng và đòi hỏi công bằng xã hội cho thấy luôn phải cần đến một cuộc cách mạng, nhất là khi mà các người nắm giữ quyền hành chính trị tìm cách ngăn chận mọi sự đổi thay. Qua góc nhìn của tình huynh đệ và sự chia sẻ thì quả tôi là người mác-xít, thế nhưng tiếc thay Lenine và sau đó là Staline đã làm cho tư tưởng nguyên thủy của Karl Marx trở nên tồi tệ, biến lý tưởng cộng sản thành chủ nghĩa độc tài.

 

            Tôi từng nói với các bạn thật hết sức quan trọng là phải nghiên cứu lịch sử để tránh các sai lầm của quá khứ. Nếu các bạn phân tích các cuộc cách mạng thì các bạn sẽ thấy rằng tất cả đều phát sinh từ sự tranh dành quyền lợi, và đó cũng là nguyên nhân đưa đến hận thù, giận dữ và mất mát. Tất cả các thứ ấy sẽ trở nên ngày càng gay gắt hơn, và đến một lúc nào đó thì sẽ không còn kìm hãm được nữa và không sao tránh khỏi rơi vào vòng lôi kéo của sự nổi loạn. Dù đấy là cuộc Cách mạng Pháp, cuộc Cách mạng Bolshevik hay cuộc Cách mạng Văn hóa thì cũng vậy, tất cả đều đưa đến những cảnh đẫm máu, tàn phá và kinh hoàng. Dù có thể hạ bệ được một thủ lãnh chính trị hay thay đổi được cả một thể chế đi nữa, nhưng các cuộc cách mạng ấy không thể nào biến cải được tận gốc tâm thức con người (bản năng sinh tồn đưa đến tranh dành quyền lợi. Tranh dành quyền lợi đưa đến hận thù, giận dữ và mất mát. Hận thù, giận dữ và mất mát sẽ đưa đến bạo loạn, cách mạng và chiến tranh. Chuỗi dài lôi kéo đó không biến cải được tâm thức con người mà chỉ đưa đến khổ đau chồng chất mà thôi. Hạt mầm của bản năng sinh tồn vẩn còn nguyên bên trong tâm thức, nó nẩy mầm, bắt rễ, ăn sâu vào tâm thức và cả trên da thịt mình. Tranh dành quyền lợi, nổi loạn, chiến tranh, cách mạng chỉ là hậu quả bùng ra bên ngoài. Đức Phật diệt ngay hạt mầm đó của bản năng sinh tồn một cách thật đơn giản: một chiếc bình bát trên tay).

 

            Các cuộc cách mạng vào cuối thế kỷ XX cho thấy một đặc điểm chung là rất ôn hòa, chẳng qua cũng vì những người nổi dậy là những người trẻ yêu chuộng hòa bình. Đấy là lý do tại sao trước những sự thách đố của thời đại chúng ta, tôi lại kêu gọi các bạn hãy làm một cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử con người. 

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 26.12.17

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]