Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

18. Cách học cho giỏi

14/04/201409:13(Xem: 6392)
18. Cách học cho giỏi
blank


XVIII.- Cách học cho giỏi

Tiện đây, tôi xin mách quý vị về cách học làm sao cho mau thuộc bài và nhớ lâu, đồng thời làm sao một lúc có khả năng nói nhiều ngoại ngữ nhưng đừng cho sai, vấp váp, hoặc giả ngôn ngữ nầy lộn qua ngôn ngữ kia v.v... Đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân thôi. Dĩ nhiên nó càng không phải là một hình thức giáo dục tập thể cho vấn đề chuyên môn nầy. Khi mỗi chúng ta sinh ra trong đời nầy đều có những tia di truyền học khác nhau được cấu thành bởi thân thể của chúng ta. Cho nên mỗi người có mỗi cách suy nghĩ, hành động và tiếp thu khác nhau và do đó không có ai trên quả địa cầu nầy gồm 6 tỷ người có chỉ tay giống nhau; 6 tỷ người ấy có chỉ tay khác nhau. Trong kinh Phật hay thí dụ việc nầy với câu chuyện về nước như sau. Đối với cá, nước là lẽ sống; Đối với Long Vương, nước là lưu ly, là cung điện; Đối với loài người nước dùng để uống và để rửa, không nhất thiết phải sống trong nước ấy mới gọi là sống; trong khi đó cá không chịu lý luận nầy. Vì lẽ cá chỉ biết có nước để sống, chứ đâu có biết được rằng, ngoài nước còn có không khí để cho con người sống còn nữa. Câu chuyện tôi kể sau đây nó cũng chỉ là kinh nghiệm cá nhân thôi. Nếu quý vị nào áp dụng được thì cứ làm, nếu làm không được thì cứ bảo đó là kinh nghiệm riêng của ông Thầy Như Điển mà thôi.

Học ngoại ngữ ngày xưa hay bây giờ cũng thế. Nghĩa là phải cần cái ý muốn ham học là có thể học được một ngôn ngữ rồi. Điều quan trọng là phải nắm vững văn phạm của câu văn, không nói bồi. Vì khi lãnh đạo quần chúng mà nói động từ không chia, hoặc câu văn sai văn phạm thì khó nghe lắm. Ngay cả câu văn tiếng Việt cũng thế. Có nhiều vị cứ nói vòng vo Tam Quốc, không đi vào đề tài chính. Do vậy người nghe họ nản. Một bài diễn văn hay là một bài diễn văn ngắn, gọn có nhập đề, thân bài và kết luận đàng hoàng. Muốn cho bài văn hay phải chấm câu chỗ nào, chấm phẩy chỗ nào và chấm sang hàng dứt câu chỗ nào. Câu văn càng ngắn càng hay; nhưng rất khó viết. Vì lẽ người nghe họ chỉ muốn mình nói gì là đủ rồi.

Nói một câu văn đúng bằng tiếng Việt gồm chủ từ rồi đến động từ, tiếp theo sau là hình dung từ theo túc từ chỉ nơi chốn hay thời gian hay hoàn cảnh v.v... là đủ nghĩa. Ví dụ câu. Tôi đã đến Paris, nơi đó là kinh đô ánh sáng của Âu Châu. Một câu văn như thế rất dễ hiểu và có hai mệnh đề, một mệnh đề chánh là tôi đã đến Paris gồm có chủ từ, động từ chia ở thể quá khứ và túc từ chỉ nơi chốn là Paris. Kế đó mệnh đề phụ “nơi đó là kinh đô ánh sáng của Âu Châu“. “Nơi đó“ là trạng từ. “Là“ là động từ và “kinh đô ánh sáng của Âu Châu“ là tính từ của hình dung từ đó. Ta đọc những bài văn xưa của Tự Lực Văn Đoàn như bài: Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh ta thấy hay. Vì câu văn đầy gợi hình và gợi cảm . Còn bây giờ đọc nhiều bài văn nghe nó tục tĩu, dị hợm chẳng chuyên chở một nội dung gì cả, ta cảm thấy mất thì giờ, nên gấp sách lại và tìm loại sách khác để đọc.

Câu văn tiếng Nhật không khó dùng, nhưng văn phạm của Nhật không giống văn phạm Việt Nam. Nghĩa là câu văn ấy được cấu tạo bởi chủ từ, túc từ rồi mới đến động từ. Chỉ riêng động từ không, không cần trợ từ, câu ấy cũng có thể diễn tả được năm cách khác nhau như: Ăn, không ăn, muốn ăn, hãy ăn, đã ăn v.v... Như thế chỉ riêng động từ ấy đã có thể dùng cho cả hiện tại, quá khứ và vị lai. Đó là chưa kể cách dùng kính ngữ trong câu văn tiếng Nhật. Điều ấy rất khó, nhưng nếu một người ngoại quốc mà biết dùng bốn loại nầy thì người Nhật mới khâm phục. Điều ấy cũng giống như chúng ta, nếu chúng ta nghe một người nào đó nói tiếng Việt không chuẩn thì ta cười; nhưng nếu ta nghe một người Nga, một người Đức, một người Anh hay một người Mỹ mà nói rằng: “Chắc là tôi không chịu được nổi, vì trời hôm nay nóng quá!“ Rõ ràng người ấy nói đúng văn phạm và biết cách dùng chữ. Ta phải phục. Nếu người ấy nói rằng: “Chịu tôi không nổi, vì quá nóng trời“ chẳng hạn, thì ta sẽ cười ngay. Vì cách sắp xếp câu văn không đúng. Bước sang câu văn tiếng Nhật, ví dụ như động từ cho là Yaru, có nghĩa là cho ai một vật gì đó từ người cao đưa xuống người thấp. Tiếp theo là ageru, nghĩa là cho một cái gì đó với kẻ ngang hàng của mình. Nếu muốn tặng một cái gì đó cho người cao hơn mình, cách thứ ba, phải nói là Sashiageru. Điều ấy có nghĩa là đồ vật ấy phải đưa lên cao hơn trán. Nếu dùng vật ấy để cúng dường, để dâng lên cho chư Phật, chư vị Bồ Tát, Vua chúa v.v… thì tất cả những danh từ đứng trong câu văn muốn nói phải dùng chữ “ngự“ hay chữ “ô“ và động từ chia ở thể lễ phép nhất. Ví dụ động từ “là“ gọi theo tiếng Nhật là “da“ nhưng khi chia ở thể lễ phép phải gọi là “de gozaimasu“.

Khi học một ngoại ngữ mà nghe hiểu người ta nói và mình nói người ta hiểu đã là khá lắm rồi. Đầu tiên mình chỉ nói cho người ta nghe thôi và khi họ hỏi lại, mình chẳng biết trả lời, hoặc trả lời sai. Điều ấy chứng tỏ rằng khả năng nghe của mình còn kém. Hãy về mở truyền hình lên và nên nghe phần tin tức hằng ngày bằng tiếng địa phương hoặc những vở kịch ngắn chẳng hạn, thì ta sẽ dễ hiểu và học được từ cách đối thoại rất nhiều. Những ngôn ngữ đối thoại ấy có thể là những câu ta đã học ở trường rồi, nhưng đã quên ít dùng đến thì nay nhìn nghe truyền hình hoặc radio mà ta có thể sử dụng tiếp danh từ ấy khi giao tiếp. Ở đây ta có một cái lợi là đa phần những xướng ngôn viên trên các đài truyền hình đều dùng ngôn ngữ tiêu chuẩn của nước đó, chứ không nói tiếng địa phương, nên ta dễ tiếp thu. Ví dụ như ở Nhật thì dùng tiếng Tokyo làm tiêu chuẩn. Ở Đức dùng tiếng vùng Hannover làm tiêu chuẩn. Ở Việt Nam có thể tiếng Hà Nội làm tiêu chuẩn v.v..

Khi phát âm sai người đối diện họ sẽ cười mình. Nếu là bạn bè hay Thầy cô giáo họ có thể sửa lại cho mình, nhưng khi đã đi ra thuyết trình cho thiên hạ nghe về một vấn đề gì đó thì mình đã là cái đích cho mọi người nhắm vào đó để học hỏi, để lấy ra một bài học kinh nghiệm chẳng hạn, thì trong trường hợp nầy phải rất là thận trọng.

Khi người ngoại quốc nói chuyện với ta mà ta hiểu được cái cười của họ, cái lắc đầu, cái suy tư, cái trầm ngâm, cái ý không ưa v.v... thì bạn đã giỏi ngoại ngữ rồi đó. Hoặc giả có nhiều người khi nghe câu nói chẳng hiểu gì hết mà đã cười rồi, chứng tỏ điều ấy mình còn ngơ nghếch lắm. Hoặc giả cũng có đoạn đáng vỗ tay thì không vỗ, những đoạn không đáng vỗ tay lại vỗ lớn chẳng hạn. Điều ấy chứng tỏ rằng mình không nắm vững ý chính của ngôn ngữ mà mình đang nghe. Trong trường hợp nầy tốt hơn hết như ông bà mình vẫn thường khuyên là “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe“. Nghĩa là làm thinh, không phát biểu và không biểu lộ qua hành động thì người ta sẽ không hiểu gì về mình cả. Đây là cơ hội để bạn học ngôn ngữ. Lúc về nhà phải biết rằng mình còn kém, phải cần nỗ lực gấp hai, gấp ba lần như thế mới được. Nếu bạn đi thuyết trình cho hãng mà chẳng thuyết phục được một khách hàng nào mua đồ của mình giới thiệu thì quả thật đã thất bại rồi. Điều quan trọng ở đây là bạn khi trình bày câu chuyện phải có tính cách thuyết phục cao, mà muốn thế thì lý luận của bạn phải giỏi. Trong trường hợp nầy đòi hỏi ngoại ngữ của bạn phải rõ ràng, rành mạch và dĩ nhiên là không thể có một ngôn ngữ nói tiếng bồi nào trong buổi thuyết trình của bạn hôm đó cả.

Thật sự ra điều nầy nó không khó lắm đâu. Nếu bạn muốn trở thành người học giỏi ngôn ngữ thì bạn chỉ cần chăm chỉ học hành và nắm vững vấn đề là được. Ở đây không có đặt thành vấn đề là thông minh hay không thông minh. Điều nầy thiết tưởng nó không cần thiết lắm. Đứng trên phương diện giáo dục mà nhìn thì mỗi cá nhân của chúng ta cần làm chủ đến 80 phần trăm mọi vấn đề. Sau đó 10 phần trăm là ta học được từ Thầy bạn, 5 phần trăm thông minh và 5 phần trăm là hên xui, may rủi. Nếu bạn tổng hợp lại thống kê trên đã đủ 100 phần trăm rồi đó. Bạn đừng trách người khác và trách bất cứ cái gì cả, mà chỉ nên trách là mình dụng công chưa hết 80 phần trăm đó, nên mình đi lạc đề. Trong khi đó chư Phật, chư vị Bồ Tát và các vị Thánh Nhân họ đã sử dụng tự lực của sự học sự tu đến 100 phần trăm nên họ thành Thánh, còn chúng ta không chịu sử dụng hết nên mình vẫn còn là phàm phu tục tử vậy.

Ngôn ngữ thật sự ra chỉ là một sự lặp lại mà thôi. Ví dụ bạn nói bằng tiếng Anh rằng: Today, I go to school. Tiếng Pháp là Aujourd’hui je vais à l’école. Tiếng Nhật là Kyo watashi wa gakko ni Ikimasu. Tiếng Hoa là Chintien wo chu sueso, tiếng Đức là Heute gehe ich in die Schule v.v... còn rất nhiều ngôn ngữ khác mà ta cần phải học nữa, nếu ta muốn. Tuy nhiên khi nói một câu bằng ngôn ngữ nào là phải rõ ràng rành mạch, xếp cho đúng câu, đúng nghĩa và đúng văn phạm. Như thế ta nói lần thứ nhất cho đến lần thứ 20, rồi 50, rồi lần thứ 100 v.v… chắc chắn ta sẽ giỏi. Nhưng khi học xong rồi bỏ nó vào đâu? Trong óc của chúng ta có rất nhiều ngăn chứa. Nó cũng giống như một tủ lạnh có ngăn để mát, có ngăn đông đá. Điều quan trọng ở đây là bạn phải nhớ cái đồ nào để vào ngăn nào, đừng cho lộn xộn là được. Ngoài ra phải do sự tích lũy làm chủ và tính nhạy bén của bạn. Muốn thế bạn phải tập làm quen. Nghĩa là một ngôn ngữ phải học ít nhất từ 6 tháng đến một năm mới có thể giỏi được. Ở đây tôi muốn nói với những người ở độ trung bình, chứ không nói với những người giỏi hay với những người không chịu cố gắng. Học xong một ngoại ngữ bạn đừng cho nó đông đá mà hãy tìm cách thực tập ngoại ngữ ấy, nếu được hằng ngày thì càng tốt, ít lắm thì một tháng cũng phải có cơ hội nói một lần.

Nếu không, bạn sẽ cứng miệng khi gặp người sử dụng ngôn ngữ ấy.

Nếu bạn giỏi, một người có thể chứa trong ngăn óc của bạn đến 30 ngăn hay 40 ngăn ngoại ngữ khác nhau, mà khi rút ra để dùng, người ấy chẳng bị lộn lạo gì cả. Trong trường hợp nầy người ta gọi là “thiên tài“ có nghĩa là cái tài giỏi ấy từ trời, nhưng ở đây chỉ cần “nhân tài“ là bạn có thể giỏi rồi, đâu có cần đến thiên tài nữa.

Các ngôn ngữ Á Châu đa phần tượng hình như tiếng Hoa, tiếng Đại Hàn, tiếng Nhật và tiếng Việt cổ. Có nghĩa là nếu bạn không thuộc mặt chữ và ghi vào đầu óc của bạn thì bạn không thể nào nhớ và viết cũng như đọc chữ ấy là gì. Trong khi đó, ngôn ngữ Tây Phương lại khác. Mặc dù bạn không hiểu nghĩa câu văn đó ý gì, nhưng bạn có thể đọc được. Đây là cái tiện lợi cho những ngôn ngữ dùng theo mẫu tự A, B, C. Ví dụ như tôi có thể sử dụng nhiều ngôn ngữ để trao đổi với người ngoại quốc nhưng khi gặp chữ Ấn Độ, Népal, Bhutan, Tây Tạng, Lào, Cao Miên, Thái Lan, Tích Lan v.v... thì tôi cũng chịu trận như quý bạn thôi. Trong những trường hợp nầy dùng ngôn ngữ giao dịch thông dụng trên thế giới ngày nay là tiếng Anh thì dễ dàng nhất. Tiếng Anh tuy không phải là ngôn ngữ có nhiều người nói nhất trên thế giới như tiếng Trung Hoa. Tuy nhiên tiếng Anh là tiếng thế giới, bạn đi đâu hay ở bất cứ nơi nào trên quả địa cầu nầy bạn cũng có thể dùng được cả. Nếu bạn chỉ biết ngoại ngữ là tiếng Hoa, khi sang Âu Châu hoặc Phi Châu mà có được một người thông dịch tiếng nầy qua tiếng địa phương cho bạn là điều hơi khó đấy. Cũng như tiếng Đức và tiếng Pháp tuy là đại diện cho những nước có nền kinh tế hùng mạnh nhất nhì ở Âu Châu, nhưng những ngôn ngữ nầy cũng chỉ dùng trong phạm vi Âu Châu thôi, còn khi qua Úc hoặc Nam Mỹ thì khó mà sử dụng đến được.

Ngôn ngữ Đức là một trong những ngôn ngữ khó nhất nhì Âu Châu, gần bằng tiếng Nga vậy. Tuy nhiên, nếu bạn siêng năng, bạn cũng có thể giỏi bằng hay giỏi hơn người Đức cũng là chuyện bình thường thôi. Vì có không ít người Đức không biết văn phạm tiếng Đức là gì. Điều nầy nó cũng giống như nhiều người Việt Nam thôi. Vì khi cha sinh mẹ đẻ ra họ, có bao giờ họ đến trường cho hết bậc tiểu học đâu mà họ biết. Họ là những người kém may mắn hoặc lười biếng đã bỏ lỡ đi một cơ hội lớn về ngôn ngữ rồi đó bạn ạ. Ngày nay con em người Việt Nam có mặt khắp nơi trên thế giới là một đặc điểm vô cùng lợi lạc. Vì lẽ các em có đến hai nền văn hoá trong một lúc. Đó là văn hóa của quê hương cha mẹ mình và nền văn hóa thứ hai là nền văn hóa bản xứ, mà người bản xứ họ thiếu nền văn hóa thứ nhất của người Việt Nam mình.

Cách cấu tạo câu văn tiếng Đức cũng khác lạ lắm. Ví dụ như một câu nói, bình thường rất giống tiếng Pháp và tiếng Anh; nhưng nếu nói câu nói ấy có trợ động từ thì trợ động từ ấy sẽ đứng sau chủ từ và động từ chính nằm ở cuối câu. Trong khi đó tiếng Anh và tiếng Pháp khác. Có nghĩa là trợ động từ nằm sát động từ rồi mới đến túc từ. Ví dụ câu tôi muốn thăm Paris. Tôi là chủ từ, muốn là trợ động từ, thăm là động từ chính và Paris là túc từ chỉ nơi chốn. Nếu nói tiếng Đức đúng cách phải nói rằng: Ich will (möchte) Paris besuchen. Ich là chủ từ, will hay möchte là trợ động từ, Paris là túc từ và besuchen là động từ chính. Nếu viết bằng tiếng Anh thì phải viết I shall visit Paris hay tiếng Pháp là Je voudrai (veux) visiter à Paris. Tiếng Pháp hơi khó hơn một chút là khi có trợ động từ đứng trước thì động từ chánh đứng phía sau phải để nguyên mẫu và túc từ chỉ nơi chốn phải có chữ “à“ đứng đầu. Học ngôn ngữ là phải để ý cách dùng và sau đó từ từ đọc sách sẽ qua đi. Khi quen dần mình tập dịch những câu văn ngắn gọn, dễ hiểu từ từ mình sẽ thuần thục. Ở đời không có ai là Thánh cả. Ai cũng bắt đầu từ chỗ phàm phu để tiến lên con đường Thánh, chứ không phải sanh ra đã là Thánh nhân rồi thì đâu có cần ở cõi Ta Bà nầy nữa mà làm gì?

Vậy quý bạn nào muốn học ngoại ngữ giỏi thì cứ bắt đầu. Điều quan trọng ở đây là sự học hỏi ấy không bao giờ có giới hạn ở tuổi tác và địa vị, nên người xưa mới nói rằng:

“Học hải vô nhai cần thị ngạn
Thanh không hữu lộ, chí vi thê“
Nghĩa là:
“Biển học không bờ, siêng là bến
Trời xanh có lối, chí là thang“

Quý vị chắc đồng ý với tôi về điều nầy? Và bây giờ tôi xin cống hiến đến quý vị và các bạn cách học làm sao cho mau nhớ và càng phải được nhớ lâu nữa, thì đây là phương pháp.

Nếu học bài của trường Tiểu hay Trung Học cũng giống nhau thôi. Chỉ có bài nhiều ít tùy theo giáo sư cho mình. Ví dụ, một bài nói về lịch sử hay địa lý hoặc vạn vật, ngay cả thơ văn v.v… cũng đều có thể ứng dụng với phương pháp nầy được. Đầu tiên hãy ngồi thật yên lặng ở một nơi không bị chi phối, tiếp theo là đem bài ấy đọc qua một lần thật chú tâm trong một phút. Điều ấy có nghĩa là nội dung chính quý vị và các bạn đã nắm lấy rồi. Sau đó chia bài ra làm 3 đoạn. Quý vị đọc qua đoạn một một lần nữa, rồi cho từng câu, từng chữ vào đầu mình trong một phút nữa. Đoạn thứ hai cũng làm thế. Sau đó nối đoạn hai với đoạn đầu và nhắm mắt lại đọc trong đầu cũng như đọc ra thành tiếng như lúc trả bài và sau đó học đoạn ba, tiếp theo là nối đoạn ba với đoạn hai rồi đoạn một. Như vậy tổng cộng chừng 5 phút là bạn có thể học thuộc lòng xong một trang A5. Nếu bạn không tập trung tư tưởng được nhiều thì phải đọc trong nhiều lần như thế để thuộc. Tôi cam đoan với bạn là khi bạn đã cố gắng học thuộc rồi thì bạn sẽ tự tin hơn. Ví dụ như bạn không ngại khi gặp Thầy mình hỏi bài và rất hãnh diện với bạn bè, vì bạn được Thầy, cô khen và cuối tháng, cuối năm thi đậu điểm cao. Bạn nên nhớ rằng người học trò chỉ có bổn phận là học, mà đã đến trường không chịu học thì thử hỏi phải làm cái gì đây để báo ân cho ông bà cha mẹ, Thầy Tổ và đàn na tín thí bây giờ?

Khi học lên Đại Học thì không cần phải học thuộc lòng như thế, nhưng bài vở những ý chính phải nắm vững. Có thể phải tô đậm bằng mực màu lên những nơi đáng chú ý và cũng có thể cho ta biết rằng sách ấy, môn ấy, ta đã đọc qua. Thời gian trước khi thi, chỉ cần ôn lại những chỗ gạch chính là đủ. Nếu các bạn học Tiểu Học, Trung Học và Đại Học mà thực hành như tôi vừa nói thì tôi đoán chắc rằng nếu bạn không đỗ tối ưu thì cũng ưu và nếu không bình thì cũng bình thứ, chứ tuyệt nhiên không bao giờ đậu thứ và thi hỏng đâu mà sợ.

Ngày nay ở ngoại quốc học kiểu khác. Nghĩa là Thầy giáo cho học sinh, sinh viên biết tổng quát khá nhiều rồi khai triển tinh thần làm chủ ấy khi trình bày quan điểm của mình cho giáo sư nghe và giáo sư sẽ góp ý vào. Cách dạy nầy hay, tôi không phản đối, nhưng nếu một công thức toán học không học thuộc, một phương trình khi giải phải cần đến sách vở và tự điển thì phải nói rằng nó ngồ ngộ làm sao. Khi tôi còn học Tiểu Học và Trung Học tại Việt Nam thuở bấy giờ không có lối giáo dục như thế.

Ngày xưa nếu người học trò trả lời em không biết; hoặc không có thời giờ để xem bài, sẽ bị phạt ngay, bằng nhiều hình thức khác nhau, chứ đâu có như ngày nay là cứ thật tình trả lời như thế, rồi Thầy giáo kêu người khác, mà đã chẳng có một lời khuyên nào với những học trò kia thì quả là một lối giáo dục hoàn toàn mới. Đa phần ở Á Châu chúng ta chỉ học từ ông Thầy những gì ông Thầy biết là đủ.Trong khi đó cái học của Âu Mỹ là cái học khai phóng, tạo cho con người có đầu óc tự tin và tự chủ khi trình bày điều mình muốn nói. Điều ấy tạo cho học trò và sau nầy đi vào trường đời có nhiều bản lãnh hơn; nhưng bảo đọc một bài thơ của Nietzche hay Victor Hugo chẳng hạn thì người học trò thời nay không làm được. Chỉ nhớ loáng thoáng cái gì đó rồi trình bày mà thôi. Còn ngày xưa chúng tôi là phải học thuộc lòng. Tất cả đều phải học thuộc lòng. Tiếng Pháp gọi là récitation, tiếng Đức cũng nói thế nhưng viết khác rezitation – rezitieren. Cái lợi của học thuộc lòng là khi đi giảng hoặc thuyết trình, một phần để thay đổi không khí, một phần để kéo dài thời gian, một phần khác không kém phần quan trọng là lỡ mình quên đi phần chính của việc nói pháp hay thuyết trình thì mình chêm thơ vào để giải bày và trong khi đó đầu óc mình nó sẽ móc nối lại với tư tưởng trước đó mà mình đã lãng quên. Ở dưới cử toạ sẽ hầu như không để ý về sự sơ hở nầy của mình, mà đôi khi còn vỗ tay tán thưởng những đoạn thơ hay, ý vị nữa thì mình sẽ tự tin, lấy lại tinh thần để lái đi tiếp tục câu chuyện, nhưng đâu có ai biết rằng đó là thủ thuật của diễn giả. Thế nhưng trong trường hợp nầy diễn giả chẳng thuộc một bài thơ nào hay một câu chuyện ngụ ngôn, trào phúng nào cả thì phải nói rằng phần thuyết trình hôm ấy nó sẽ trở nên buồn tẻ lắm.

Còn một việc nữa không kém phần quan trọng trong lúc giao tế là nên nhớ gương mặt mà người mình đã gặp một vài lần rồi, nếu nhớ được tên thì rất quý. Nếu người ấy lỡ có gọi phone đến cho mình mà mình không nhận ra tiếng nói của người ấy và cũng chẳng nhớ lại tên họ, thì quả thật rất bất lợi trong việc ngoại giao vô cùng. Lẽ ra khi nghe tiếng alô đầu tiên bạn phải reo lên là bạn hay ông, bà Nguyễn Văn ... gì đó đã gọi cho mình, thì đầu dây điện thoại kia họ sẽ vui lắm. Vì người bên kia đầu dây có thể ở xa với bạn lắm và đã lâu lắm rồi không gặp bạn, nhưng lúc nào bạn ấy cũng nhớ đến họ, nên bạn mới nhớ đến tiếng nói và nhớ đến tên. Chắc chắn họ sẽ vui và những giao dịch sau đó đa phần bạn sẽ gặt hái thành công.

Có nhiều người thuộc cả hàng trăm số điện thoại và tên đường phố. Có nhiều người không chạy Taxi mà Paris có bao nhiêu con đường chính họ đều nằm lòng. Hoặc giả khi nói về lịch sử, danh nhân và các cuộc cách mạng trên thế giới v.v... phải đòi hỏi bạn nói đúng ngày, giờ, năm tháng và sự kiện lịch sử chứ không thể nói u ơ là vào khoảng năm đó v.v… ví dụ như khi nói về cách mạng Pháp là phải nói xảy ra vào ngày 14 tháng 7 năm 1789. Cách mạng Trung Hoa Dân Quốc là vào ngày 10 tháng 10 năm 1911. Cách mạng Việt Nam là ngày 1 tháng 11 năm 1963 v.v… Còn những phương diện khác nữa cũng cần đòi hỏi ở bạn nhiều vấn đề tâm lý nữa mới có thể làm cho bạn thành công trọn vẹn được.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567