Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

31. Hạ thứ 23 tại Jetavana (năm -567)

02/03/201421:08(Xem: 18523)
31. Hạ thứ 23 tại Jetavana (năm -567)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


3- Hạ thứ 23 tại Jetavana (năm -567)

Giáo lý là ngón tay chỉ mặt trăng

Đầu mùa xuân năm 567 trước tây lịch, Phật lại trở về Sàvatthi để chuẩn bị mùa an cư thứ 23. Tại đây Phật lại có dịp giảng thêm về vấn đề phá chấp. Vốn là trong một buổi pháp đàm, khất sĩ Arittha cho rằng những điều Phật giảng đều là chân lý. Trong một buổi thuyết giảng tại tinh xá Jetavava, Phật nói :

Này các thầy, Giáo Pháp của Như Lai có thấp có cao tùy theo trình độ của thính chúng mà giảng nói. Đối với những người đam mê dục lạc thế gian, Như Lai nói đời là khổ. Đối với những vị Bồ tát mới phát tâm, Như Lai nói tất cả pháp giới chúng sanh đều thanh tịnh. Đối với những người ham muốn danh lợi tài sản thế gian, Như Lai nói tất cả các pháp đều vô thường, không thể nắm giữ được. Đối với những người mong cầu hạnh phúc, Như Lai nói cảnh giới Niết bàn đầy đủ thường, lạc, ngã, tịnh.

"Này các thầy, Giáo Pháp của Như Lai không phải là chân lý nhưng không rời chân lý. Cũng như ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay không phải là mặt trăng. Nhưng người chưa biết mặt trăng phải nương theo ngón tay để nhìn thấy mặt trăng. Vì chân lý không thể nghĩ bàn, nên không thể dùng lời nói và suy luận mà diễn tả được. Các thầy không nên chấp nơi lời nói, nơi văn tự mà phải nương theo đó để tìm hiểu chân lý, cũng như người nương theo ngón tay để nhìn thấy mặt trăng. Người nào chỉ lo chăm chú nhìn ngón tay thì không thể nào thấy được mặt trăng.

Giáo lý là chiếc bè đưa người sang sông[1]

Đức Phật nói tiếp :

Này các thầy, giáo lý là chiếc bè đưa người sang sông, từ bờ mê đến bến giác. Người mê phải dùng bè để vượt qua con sông sinh tử. Nhưng khi đến bờ giác rồi thì chiếc bè trở nên vô dụng, không nên đội chiếc bè lên đầu mà đi.

"Này các thầy, tất cả các Giáo Pháp mà Như Lai đã giảng dạy như Tứ Diệu Đế, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo, vô thường, vô ngã, khổ, không, vô tướng, vô tác ... là những điều các thầy cần phải học, hiểu và thực hành để đạt đến giác ngộ và giải thoát, chứ không phải những giáo điều mà quý vị phải tôn thờ.

Ngôn thuyết pháp và thân thuyết pháp[2]

Năm nay trung tâm tu học của ni chúng tại Sàvatthi có đến 500 vị nữ khất sĩ. Ni sư Pajàpati thường thỉnh Phật hoặc các bậc cao đức từ Jetavana hoặc từ Pubbàràma tới giảng dạy. Thượng tọa thị giả Ànanda được Phật giao cho trách nhiệm đề cử các vị giảng sư cho ni chúng. Nhận thấy Thượng tọa Bhanda là người có thật tu thật chứng nhưng ít khi chịu giảng nói, một số thầy đề nghị với Thượng tọa Ànanda nên cử Thượng tọa Bhanda một lần thử xem. Thượng tọa Bhanda được chỉ định và bị nhiều thầy nói vào nên không thể từ chối. Ngày hôm sau, sau khi đi khất thực, Thượng tọa ghé vào một cụm rừng để thọ trai. Thọ trai xong, Thượng tọa đi về phía nữ tu viện. Thượng tọa được các ni sư ân cần đón tiếp. Ni sư Gotamì thỉnh Thượng tọa lên pháp tòa.

Từ trên pháp tòa, Thượng tọa Bhanda nói :

Thưa các đạo hữu, tôi không quen nói trước đại chúng. Hôm nay tôi xin đọc tặng các đạo hữu bài kệ mà tôi thường tâm niệm :

"An trú trong tĩnh mặc,

"Thấy pháp, trở về nguồn,

"Không hận thù bạo động,

"Niềm an lạc trào tuôn.

"Điều phục được kiêu mạn,

"Sống an hòa chân thật,

"Vượt ra ngoài ái nhiễm,

"Là niềm vui lớn nhất.

Đọc xong bài kệ, Thượng tọa im lặng nhập đại định.

Bài thuyết pháp của Thượng tọa Bhanda chỉ có mấy chục tiếng, nhưng đạo phong của Thượng tọa đã làm cho ni chúng rất hoan hỉ. Một số ni cô bạch với ni sư Gotamì xin Thượng tọa nói thêm. Ni sư Gotamì chiều ý, tiến lên thỉnh cầu Thượng tọa giảng thêm về ý nghĩa bài kệ. Nhưng Thượng tọa Bhanda chỉ đọc lại bài kệ một lần nữa rồi bước xuống pháp tòa.

Câu chuyện này được trình lên Phật. Có thầy đề nghị từ nay chỉ nên cử những giảng sư có biện tài. Phật dạy :

Này các thầy, biện tài tuy cần nhưng đạo phong của sự thực chứng là điều quan trọng hơn. Thân thuyết pháp thường có hiệu lực hơn là ngôn thuyết pháp. Từ nay thầy Ànanda nên lấy ý kiến chung của đại chúng trong việc đề cử giảng sư cho ni chúng.

Rồi đức Phật nói kệ :

"Người nói pháp hoạt bác

"Chưa hẵn là đạt đạo.

"Người tuy nghe học ít

"Nhưng hiểu hành hợp nhất

"Chính là người đạt đạo

"Có khả năng truyền trao. (Kinh Pháp Cú, bài 259)

Jìvaka hỏi Phật về ăn chay ăn mặn[3]

Sau mùa an cư, Phật về Ràjagaha (Vương Xá) để viếng thăm và giảng dạy đại chúng tại đây. Sau khi ở vài ngày tại Venuvana (Trúc Lâm), Phật lên núi Griddhakùta (Linh Thứu) ở tại tịnh thất của ngài trên đỉnh núi. Phật thích ở đây hơn vì nơi đây thanh tịnh, mát mẻ, khoảng khoát rất thuận lợi cho việc an dưỡng và thiền định.

Được ít hôm, Y sĩ Jìvaka thỉnh Phật đến vườn xoài của ông dưới chân núi để tịnh dưỡng và để ông có dịp chăm sóc sức khỏe cho Phật. Jìvaka đã dựng một tịnh thất nhỏ cho Phật ở ngay trong vườn xoài. Hằng ngày ông tự tay nấu thức ăn chay đem đến cúng dường Phật. Ông khuyên Phật nên nghỉ đi khất thực độ mươi bữa để ông cho thuốc bổ dưỡng. Thuốc này được chế toàn bằng rễ cây, lá cây và trái cây. Một hôm, ngồi trong vườn xoài, Jìvaka hỏi :

Bạch Thế Tôn, có người đồn đãi rằng các vị khất sĩ được Thế Tôn cho phép ăn thịt cá. Họ còn nói "Sa môn Gotama cho phép giết thú vật để làm thức ăn cúng dường cho ông ta và các khất sĩ". Bạch Thế Tôn, con biết những lời đồn đãi này không đúng sự thật, nhưng con muốn được nghe Thế Tôn trực tiếp nói rõ về việc này.

Này Jìvaka, Như Lai không hề cho phép giết sinh vật, bất cứ là loại nào, để làm thực phẩm cho các khất sĩ. Như Lai đã từng nhắc nhở các vị khất sĩ như vầy: Nếu thấy người ta giết thú vật để làm thực phẩm cúng dường mình thì phải từ chối, không được ăn. Nếu không thấy mà chỉ nghe nói người ta đã vì mình mà giết thú vật thì cũng không được nhận thực phẩm đó. Và hơn thế nữa, dù không thấy, không nghe, nhưng một khi đã nghi rằng người ta vì mình mà giết thú vật thì cũng phải từ chối, không được ăn.

"Này Jìvaka, theo phép khất thực thì người ta cho mình thức ăn gì mình cũng phải nhận, không được chê khen. Nhưng trong trường hợp đã thấy, nghe hay nghi rằng người ta đã vì mình mà sát hại thú vật thì mình phải từ chối. Như thế mới nuôi dưỡng và bảo vệ được lòng từ bi của mình.

"Thông thường, các thí chủ đều biết cúng dường bằng vật thực chay tịnh. Trừ khi họ không có sẵn thức ăn chay, mà đã đến giờ ngọ, họ mới chia xẻ phần ăn sẵn có của họ cho các thầy. Hoặc những người mới cúng dường lần đầu tiên, không biết, đem cúng thức ăn mặn, thì các vị khất sĩ cũng có thể thọ dụng để khỏi phụ lòng thí chủ, và cũng để cho thí chủ có dịp kết duyên từ từ với đạo giải thoát.

"Nhưng đúng theo giới luật, đã cử sát sanh thì không nên thọ dụng những vật thực có hại đến sinh mạng của bất cứ loài vật nào.

Bạch Thế Tôn, con thấy ăn chay làm cho cơ thể nhẹ nhàng và ít bệnh hơn ăn mặn. Thịt, cá thường có nhiều độc tố hơn rau cải và trái cây. Từ mười năm nay con đã ăn chay, con thấy vừa được khỏe mạnh, vừa nuôi dưỡng được lòng từ bi. Hôm nay con rất vui mừng được nghe chính Thế Tôn chỉ dạy về việc này.

Đức Phật khen ngợi Jìvaka và ngỏ lời mời ông hôm nào rảnh rỗì đến tinh xá Venuvana nói cho các vị khất sĩ nghe về các phép vệ sinh trong đời sống hằng ngày.

Sư cô Subhà gặp tên du đãng[4]

Đã tạo được nhiều phước báo trong quá khứ, cô Subha được tái sanh vào gia đình của một vị Bà-la-môn khả kính tại Ràjagaha (Vương Xá). Nàng có sắc đẹp tuyệt trần, vì lẽ ấy nên có tên là Subhà. Vào mùa an cư thứ hai của Phật, cô đã nghe Phật thuyết pháp nhiều lần và đã trở thành một tín nữ trung kiên. Đến khi ni sư Pajàpati Gotamì được Phật cho phép thành lập Giáo Đoàn Nữ Khất Sĩ, cô xin xuất gia để gia nhập vào giáo đoàn. Sư cô Subha tinh tấn chuyên cần thực hành Thiền Vắng Lặng (Samatha) và Thiền Minh Sát (Vipassanà). Sư cô đã đạt được từng thánh thứ ba (Anàgàmi).

Một ngày kia, vào đầu mùa xuân năm 566 trước tây lịch, sư cô Subhà định đi đến Griddhakùta (Linh Thứu) viếng Phật. Lúc cô vừa đến khu vườn xoài vắng vẻ xinh đẹp của ông Jìvaka thì có một thanh niên bước đến chận ngang đường, lả lơi trêu chọc. Sư cô nói :

Này ông, tôi là một sư cô đã xuất gia, xin ông đừng chạm đến người tôi. Tôi đâu có làm gì xúc phạm đến ông, tôi đâu có lỗi gì mà ông chận đường tôi ? Tôi rất quý mến Giáo Pháp và rất tôn trọng giới luật của đức Bổn sư đã ban hành. Tôi thực tập Giáo Pháp và nghiêm trì Giới Luật thật tinh cần để giữ cho thân tâm luôn luôn được trong sạch. Tại sao ông lại chận đường tôi ?

Này cô, cô đang còn son trẻ, sắc đẹp của cô thật trong sáng, thân hình của cô thật diễm kiều. Gia nhập vào Giáo Hội thì có lợi ích gì ? Hãy lột bỏ đi lớp y vàng che mất thân hình kiều diễm của cô. Hãy đến đây, này cô, chúng ta hãy thọ hưởng lạc thú trong khu rừng đầy bông hoa đang đua nở này, chúng ta hãy vui thú với mối tình nam nữ của trời ban. Này cô, hãy lại đây với tôi !

Này ông, tâm ông còn chứa đầy những tư tưởng tham dục, nhưng tâm tôi đã thanh tịnh. Quả tim ông đang bị những khát vọng đê hèn khuấy động, nhưng tôi đã chán ngán cái xác thân phàm tục dơ bẩn này rồi. Tại sao ông mãi đứng đó chận đường tôi ?

Này cô, cô hãy xem kìa, hương thơm ngào ngạt của ngàn hoa đang phảng phất trong gió. Hãy thưởng ngoạn mùa xuân đang tung nở, hớn hở trong niềm vui. Hãy đến đây thọ hưởng lạc thú trong khu rừng đầy hương hoa này như đàn bướm đang nhởn nhơ bay lượn kia, hãy tìm thú vui thơ mộng của tuổi xuân nam nữ. Những ngọn cây đầy bông hoa nghiêng ngả, lả lơi uốn mình trước gió, hình như đang ca hát để đón mừng chúng ta. Nhưng cô thì thui thủi vào rừng một mình, làm sao tìm được hạnh phúc trong đó ?

"Ôi ! này người thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, như một pho tượng đúc bằng vàng ròng lộng lẫy sáng chói, như một tiên nữ đang múa hát nơi cõi bồng lai, hãy đến đây với tôi. Tôi sẽ tặng nàng những bộ y phục làm bằng tơ lụa của thành phố Benares, cô sẽ càng thêm xinh đẹp không ai bì kịp.

"Ôi ! Đôi mắt bồ câu của cô thật mơ mộng, đẹp đẽ tinh anh như hai vì sao lấp lánh giữa đêm thanh. Tôi sẽ quỳ phục dưới uy quyền của cô nếu chúng ta có thể cùng nhau hưởng lạc thú trong khu rừng hoang dại này. Cô là tất cả của đời tôi. Tôi quý cô còn hơn mạng sống của tôi.

"Nếu cô lưu ý đến những lời thành khẩn của tôi thì chúng ta sẽ cùng nhau chung sống đời tại gia cư sĩ và tha hồ thụ hưởng lạc thú ở đời. Những kiều nữ thướt tha dễ mến sẽ chăm sóc và cung phụng cho cô đầy đủ mọi nhu cầu trong những tòa nhà nguy nga tráng lệ. Hằng ngày cô sẽ được trang điểm bằng những vòng hoa tươi thắm, ướp tẩm hương thơm ngào ngạt. Tôi sẽ rất sung sướng được tặng cô nhiều vòng vàng trang sức đủ loại, với những hạt kim cương lóng lánh sáng ngời.

"Hằng đêm, cô sẽ nằm trải mình trên một cái giường ấm cúng, tiện nghi và sang trọng, có mùi thơm của gỗ trầm phảng phất, đắp lên mình một tấm chăn bông mịn màng, nhẹ nhàng, êm ấm, và gối đầu trên những cái gối dồn lông thiên nga mềm mại.

"Này cô, cô không nên phí phạm tuổi xuân để sống đời thanh khiết phạm hạnh, vì rồi đây cô sẽ già nua, suy nhược, tàn tạ như một hoa sen héo tàn trong một ao đầm hoang dại.

Này ông, nhìn vào phần nào trên cơ thể phù du yếu ớt này mà ông thấy thích thú? Có gì mà ông xem là dễ mến trong cái thân nhơ bẩn hôi thúi này?

Ôi ! Đôi mắt cô dễ mến như đôi mắt một con hưu con rụt rè e sợ, tinh anh như hai vì sao sáng. Nhìn vào đó lòng tôi tê tái, tràn đầy khát vọng. Gương mặt cô còn tươi đẹp hơn vầng trăng rằm, thân hình cô còn sống động hơn pho tượng vàng rực rỡ. Nhìn vào đó lòng tôi rung cảm đê mê. Nhưng riêng về đôi mắt ngọc của cô, đối với tôi thật là vô giá. Trên thế gian này không có chi mà tôi yêu quý bằng đôi mắt của cô.

Ông chận đường một sư cô xuất gia sống đời phạm hạnh. Ước vọng của ông thật điên rồ, và ông đang dấn bước trên con đường nguy hại. Lòng khao khát dục vọng thấp hèn của ông sẽ bị luật vua phép nước trừng phạt. Ai cũng biết đức vua Bimbisàra là tín đồ trung thành của đức Bổn sư Gotama. Dù có trốn thoát luật vua phép nước, thì lương tâm ông cũng không bao giờ được yên ổn. Sau khi mạng chung, ông sẽ sa vào hỏa ngục để chịu hình phạt giường sắt, trụ đồng.

"Này ông, ông đừng dùng lời ngon ngọt và các thứ dục lạc ở thế gian để cám dỗ tôi vô ích. Tôi không còn biết tham dục là gì. Hạnh phúc của tôi là Con Đường Cao Thượng đang mở ra trước mắt, đưa tới giác ngộ và giải thoát. Nếu muốn, ông hãy đi cám dỗ người đàn bà nào chưa có đủ sáng suốt để thấy thân này là nhơ bẩn, là giả tạm, và cuộc đời này là vô thường, khổ, không, vô ngã.

"Tôi là đệ tử của đức Phật, người đã vượt ra ngoài mọi ô nhiễm, đã tận diệt mọi ái dục, và đang dùng thuyền Bát-Nhã đưa tôi thẳng tiến đến Niết-Bàn. Những mũi tên tham dục không còn chạm được đến tôi. Tôi chỉ thích sống những nơi thanh vắng để dễ trở về bản thể Chơn Như tịch tĩnh.

"Này ông, ông cố bám vào thân này như một vật quý báu thường còn và thuộc về của riêng ông, trong khi nó vốn là bọt bèo, là bong bóng. Tấm thân phù du tạm bợ này tựa hồ như trò chơi của nhà ảo thuật. Đôi mắt này cũng chỉ là hai cái bong bóng chứa đầy nước mắt, chất nhờn và máu mủ. Nếu chỉ vì đôi mắt này mà ông chận đường tôi thì tôi cũng không tiếc rẻ gì.

Nói đến đây, sư cô Subha hồn nhiên đưa tay lên móc một tròng con mắt ra đưa cho tên du đãng, sư cô nói :

Đây, con mắt của tôi đây. Ông hãy lấy đi, rồi tránh đường cho tôi đi.

Tên du đãng hoảng hốt, la lên :

Ối ! Này sư cô ! Bậc thánh thiện thanh cao ! Tôi đã lỡ lầm phạm tội lớn. Ngưỡng nguyện sư cô được an lành ! Cầu xin mắt sư cô được hồi phục ! Tôi không bao giờ còn dám tái phạm tội ác như thế này nữa. Cúi xin sư cô khoan dung tha lỗi cho tôi.

Nói xong, tên du đãng bỏ chạy mất. Sư cô Subhà lần mò tìm đến am Phật trong vườn xoài của y sĩ Jìvaka. Đứng trước đức Bổn sư, sư cô ngước mặt nhìn lên, bỗng nhiên nhãn quan của sư cô được phục hồi như xưa, và sư cô chứng được quả vị A-la-hán.

Sau khi nghe sư cô Subhà kể lại câu chuyện thương tâm này, đức Phật ra lệnh từ nay các nữ khất sĩ không được đi đâu một mình, bất cứ đi khất thực, vào thôn xóm, lội qua sông, băng qua một cánh đồng hay một khu rừng. Lúc ngủ cũng phải ngủ chung với một nữ khất sĩ khác để có thể bảo vệ cho nhau.

Phật nói kinh Phạm Võng (Brahmàjala sutta)[5]

Giữa mùa xuân năm 566 trước tây lịch, đức Phật bắt đầu lên đường đi về phương bắc, chuẩn bị trở về Jetavana nhập hạ thứ 24. Trên đường đi, trong lúc các vị khất sĩ im lặng theo dõi hơi thở để nuôi dưỡng chánh niệm, thì phía sau lưng đoàn khất sĩ có hai thầy trò du sĩ Suppiyà cùng đi theo. Hai người nói chuyện với nhau về đức Phật và Giáo Pháp của ngài. Họ cố ý nói lớn tiếng để các vị khất sĩ có thể nghe được. Suppiyà thì nêu lên những dư luận và lý lẽ để kích bác đức Phật và Giáo Pháp của Phật. Trái lại đệ tử của ông là Brahmàdattà thì lại hết lòng bênh vực Phật và Giáo Pháp của Phật, lại còn khéo léo dùng lời lẽ và thí dụ cụ thể để tán dương Phật, làm cho các vị khất sĩ đang đi phía trước đều có cảm tình với chàng.

Chiều hôm ấy, Phật và các vị khất sĩ vào nghỉ đêm tại khu rừng Ambalatthikà, gần Nàlandà. Khu rừng này là nơi nghỉ mát của hoàng gia. Vua Bimbisàra đã cho phép các tu sĩ, bất cứ thuộc giáo phái nào cũng có thể tạm sử dụng khu rừng Ambalatthikà để nghỉ ngơi. Đêm đó hai thầy trò Suppiyà cũng nghỉ đêm tại đây.

Sáng hôm sau, các vị khất sĩ bàn tán với nhau về thái độ hôm qua của hai thầy trò Suppiyà. Nghe được những lời bàn tán ấy, Phật bảo :

Này các thầy, khi nghe người ta công kích, phỉ báng Như Lai hay Giáo Pháp, hay giáo đoàn khất sĩ, các thầy không nên sanh lòng công phẩn hay phiền muộn. Vì điều ấy có hại đến tâm thanh tịnh của các thầy. Khi nghe người ta khen ngợi Như Lai hay khen ngợi Giáo Pháp và giáo đoàn khất sĩ, các thầy cũng không nên mừng rỡ, thích thú và mãn nguyện. Vì điều ấy cũng có hại đến tâm thanh tịnh của các thầy. Các thầy chỉ nên bình tâm nhận xét xem những lời chỉ trích hay những lời khen ngợi đó đúng hay sai, đúng ở chỗ nào, sai ở chỗ nào, để mình có dịp rút tỉa kinh nghiệm học hỏi thêm.

"Này các thầy, phần lớn những người khen ngợi Tam Bảo chỉ thấy được cái hay cái đẹp nhỏ bé bề ngoài như nếp sống phạm hạnh, công phu trì giới, lối sống đạm bạc, thái độ thanh nhàn của chúng ta mà thôi. Ít người thấy được phần trí tuệ, giác ngộ và giải thoát là phần cốt tủy của Giáo Pháp. Chỉ có người thực tu thực chứng mới biết được giá trị siêu thoát của phần này.

"Này các thầy, trong thế gian có bao nhiêu chủ thuyết và bao nhiêu luận chấp, Như Lai đều rõ biết cả. Các giáo phái không ngớt tranh luận và đả kích nhau vì sự khác biệt giữa các chủ thuyết và luận chấp. Nhưng dù cho có nhiều khác biệt đến đâu cũng không ra khỏi 62 luận chấp căn bản. Hằng ngàn chủ thuyết triết học và tôn giáo hiện nay cũng chỉ quanh quẩn trong 62 luận chấp căn bản đó cho nên đều có những chỗ kẹt và những chỗ sai lầm. Chỉ cóGiáo Pháp giác ngộ và giải thoát là vượt ra ngoài tất cả những chỗ kẹt và sai lầm của tư tưởng, tri giác và cảm thọ, vì Giáo Pháp giác ngộ có đặc tính giải thoát tri kiến[6].

Rồi Phật nói kinh Phạm Võng Lục Thập Nhị Kiến[7](Brahmàjala sutta), phân tách nội dung của cả 62 kiến chấp và vạch ra những chỗ sai lầm của các kiến chấp này. Trong 62 kiến chấp (pubbantàkappika) có[8]:

a)- 18 kiến chấp về ngã (attà, atman) và thế giới (loka) trong quá khứ tối sơ, gồm :

4 chủ trương ngã và thế giới là thường trụ,

4 chủ trương ngã và thế giới vừa là thường trụ vừa là vô thường,

4 chủ trương ngã và thế giới là hữu biên, là vô biên, là vừa hữu biên vừa vô biên, là không hữu biên cũng không vô biên,

4 chủ trương ngụy biện, không có giải đáp rõ ràng,

2 chủ trương ngã và thế giới phát sanh không do nguyên nhân nào cả.

b)- 44 kiến chấp về ngã trong tương lai, sau khi chết, gồm :

16 chủ trương ngã là tri giác còn lại sau khi chết,

8 chủ trương ngã không còn tri giác sau khi chết,

8 chủ trương ngã không phải còn cũng không phải không còn tri giác sau khi chết,

7 chủ trương đoạn diệt, sau khi chết không còn ngã,

5 chủ trương Niết bàn vừa là thú vui ngũ dục vừa là thú vui thiền định trong đời này.

Sau khi phân tách và trình bày những chỗ sai lầm của 62 kiến chấp, Phật nói :

Hàng trăm hàng ngàn học thuyết hiện hành đang tranh chấp lăng xăng trong giới triết học và tôn giáo hiện nay đều nằm kẹt trong màng lưới của 62 kiến chấp nói trên, không thể nào vượt thoát ra nổi. Này các thầy, các thầy đừng đi vào cái lưới mê hồn ấy để mất hết thì giờ và cơ hội tu tập đạo giải thoát. Đừng đi vào màng lưới của sự hý luận.

"Này các thầy, tất cả những kiến chấp kia đều phát sinh do sự lừa gạt của tư tưởng, tri giác và cảm thọ. Vì không tu tập chánh niệm và quán chiếu nên người ta không biết được chân tướng của tư tưởng, tri giác và cảm thọ, do đó đã bị tư tưởng, tri giác và cảm thọ lừa gạt. Một khi thấy được nguồn gốc và bản chất của tư tưởng, tri giác và cảm thọ, người ta sẽ thấy được tự tánh vô thường và duyên sinh của sự vật. Một khi thấy được tự tánh vô thường và duyên sinh của sự vật, người ta mới thấy được Chơn Như Tánhthường, lạc, ngã, tịnh, và không còn vướng mắc vào tham ái, lo âu, sợ hãi. Lúc bấy giờ mọi kiến chấp, luận chấp đều là trò hý luận, không có nghĩa lý chân thật.

Sau khi nghe Phật giảng kinh Phạm Võng Lục Thập Nhị Kiến, thầy Ànanda thấy lòng nhẹ nhỏm, không còn thắc mắc gì về các lý thuyết của lục sư ngoại đạo nữa.

Lục sư ngoại đạo[9]

Đại đức Svastika vừa nghe Phật giảng về 62 kiến chấp, trong đó có các kiến chấp của sáu giáo phái ngoại đạo thời bấy giờ, nhưng thầy chưa hiểu rõ. Thầy tìm đến Thượng tọa Moggallàna để nhờ chỉ rõ thêm về các kiến chấp của lục sư ngoại đạo.

Thượng tọa Moggallàna nói cho Svastika biết là tôn giáo cổ xưa nhất ở Ấn độ là Bà-la-môn giáo[10](Bràhmana) lấy kinh Veda (Vệ Đà, Phệ Đà) làm gốc, chủ trương đa thần. Theo kinh Rig Veda (Lê Câu Phệ Đà) thì thế giới được chia ra thành ba cảnh giới: Trời, Hư không và Đất. Mỗi cảnh giới đều có 11 vị thần. Cảnh giới Trời có 11 vị Thiên thần. Cảnh giới Hư không có 11 vị Hư không thần. Cảnh giới đất có 11 vị Địa thần. Sinh hoạt của Bà-la-môn giáo lấy sự cúng tế làm trọng tâm, vì cúng tế được xem là phương tiện duy nhứt để tiếp xúc với các vị thần linh gieo họa hoặc giáng phúc. Ngoài ra các tu sĩ Bà-la-môn cũng phải biết bói toán và tướng số. Dòng tu sĩ Bà-la-môn là do cha truyền con nối, người thuộc giai cấp khác không thể trở thành tu sĩ Bà-la-môn. Người tu sĩ Bà-la-môn được đầy đủ các ưu đãi về địa vị, uy quyền và tài chánh trong xã hội.

Vào thế kỷ thứ 7 trước tây lịch, ở Ấn Độ có 6 giáo phái nổi lên chống lại tư tưởng cổ truyền của Bà-la-môn giáo, và tạo được uy thế rất mạnh trong dân chúng. Vì 6 giáo phái này không thuộc Phật giáo nên trong kinh Phật gọi là "lục sư ngoại đạo" để tránh sự lầm lẫn với Phật giáo. Lục sư ngoại đạo gồm có :

1- Sanjaya Belatthiputta(San Xà Da Tỳ La Chi Tử): Hai Thượng tọa Sàriputta và Moggallàna ở trong giáo phái này trước khi xuất gia theo Phật. Giáo phái này chủ trương Bất khả tri (Hoài nghi), Thích ứng và Ngụy biện. Họ cho rằng tri thức con người không thể đạt được chân lý tuyệt đối (Bất khả tri). Cho nên chỉ có chân lý tương đối tùy theo hoàn cảnh, không gian và thời gian. Chân lý trong hoàn cảnh này, ở thời gian này, ở địa phương này có thể không phải là chân lý trong hoàn cảnh khác, hoặc trong thời gian khác, hoặc ở địa phương khác. Người tu không cần cầu đạo cao siêu, không cần tìm hiểu chân lý tuyệt đối, vì có tìm cũng không hiểu nổi, chỉ cần ăn ở hiền lành theo phong tục, tập quán của địa phương mình, trải qua 8 muôn kiếp tự nhiên chứng đắc. (Trường Bộ 2: 31-33)

2- Ajita Kesakambala(A Kỳ Đa Xí Xá Khâm Bà La): Giáo phái này chủ trương Duy vật, Đoạn diệt và Khoái lạc, phủ nhận lý nhân quả. Họ cho rằng con người do bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa tạo thành. Sau khi chết bốn yếu tố đó tan rã, không còn gì khác. Không có thiện ác, họa phước, nhân duyên, quả báo, quá khứ, vị lai gì cả. Theo phái này, mục đích của đời người là hưởng lạc thú khi còn đang sống. (Trường Bộ 2: 22-24)

3- Makkhali Gosaleiputta(Mạt Già Lê Câu Xá Lê Tử): Giáo phái này ra đời ở Sàvatthi, chủ trương thuyết Định mạng và Tự nhiên. Thế giới và chúng sanh đều sanh ra theo luật Tự nhiên. Các khổ vui và định mạng con người đều do những quy luật vận hành tự nhiên. Con người không thể cưỡng lại được, tốt hơn hết là nên vui vẻ thuận theo luật luân hồi tịnh hóa đó, sau 8.400.000 kiếp sẽ được giải thoát. (Trường Bộ 2: 19-21)

4- Pùrana Kassapa(Phú Lan Na Ca Diếp): Giáo phái này chủ trương không có giá trị Đạo đức, không có nghiệp báo thiện ác. Quan niệm thiện ác chỉ là một nhận thức sai lầm do con người bày đặt ra để lừa gạt. (Trường Bộ 2: 16-18)

5- Pakudha Kaccàna(Ca La Cưu Đà Ca Chiên Diên): Giáo phái này chủ trương con người không thật có, mà chỉ là sự phối hợp của 7 yếu tố bất sanh bất diệt là đất, nước, gió, lửa, khổ, vui và mạng. Sống và chết chỉ là sự quy tụ hay phân tán của 7 yếu tố bất diệt đó. Mạng sống và khổ vui của con người đều do Tự Tại Thiên (Para nimmita vasa vattin) tạo ra và quyết định. (Trường Bộ 2: 25-27)

6- Nigantha Nàtaputta(Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử) còn gọi là Mahàvira (Đại Hùng) hay Jina (Thắng Giả): Ông sanh trưởng ở ngoại ô Vesàlì, là khai tổ của đạo Jaina (Kỳ Na giáo) ngày nay. Ông mất năm 72 tuổi tại thành Pàvà, gần Kusinàgar (Kusinàrà). Giáo phái này chủ trương tuyệt đối không sát sanh, cấm giết sinh vật để cúng tế, khổ hạnh tối đa nhất là về ăn uống, không mặc quần áo. Họ cho rằng vận mạng đời nay đều do đời trước tạo ra, không thể do sự tu hành mà thay đổi được. Tu hành trong kiếp này là để tạo phước cho đời sau, đến khi hết nghiệp là được giải thoát khỏi sinh mạng (jìva) để trở thành linh hồn (attà, atman) tự do không bị vật chất ràng buộc trong luân hồi nữa. (Trường Bộ 2: 28-30)

Thượng tọa Moggallàna nói :

Này Svastika, Bà-la-môn giáotuy là tôn giáo cổ xưa nhất, nhưng chỉ dành độc quyền cho những người thuộc dòng dõi giai cấp Bà-la-môn. Những người thuộc giai cấp khác không thể trở nên tu sĩ Bà-la-môn. Đó là một hình thức độc tài phi lý, vì không phải tất cả những người thuộc giai cấp Bà-la-môn đều toàn thiện, cũng không phải tất cả những người thuộc các giai cấp khác đều bất thiện. Tu sĩ Bà-la-môn chỉ lo các nghi lễ cúng tế để cầu tránh tai họa, được phước báo, được sanh về cõi trời Phạm Thiên. Như vậy là phủ nhận giá trị nội tại của con người. Trái lại chính giá trị đạo đức trong tâm con người mới thật sự đáng quý, mới có thể nâng cao con người lên bậc thánh.

"Này Svastika, Giáo Pháp của Sanjaya Belatthiputtachỉ có thể giúp người tu trở thành một con người tốt trong xã hội, không thể giúp người tu đạt được giác ngộ và giải thoát.

"Này Svastika, Giáo Pháp của Ajita Kesakambalakhông khéo chỉ tạo nên những con người đồi trụy, chỉ biết thụ hưởng dục lạc thấp hèn, không biết trau giồi những đức tánh cao thượng.

"Này Svastika, theo Giáo Pháp của Makkhali Gosaleiputtathì việc tu hành như lục bình trôi trên sông, cứ thả trôi theo dòng đời sanh già bệnh chết, không nên có sáng kiến, không cần khổ công học tập hay xây dựng bất cứ cái gì, vì tất cả đều do luật tự nhiên điều động.

"Này Svastika, theo Pùrana Kassapathì không cần tu vì không có gì là thiện, không có gì là ác, ai muốn làm gì cứ làm. Giáo lý này chỉ đưa đến một xã hội rối loạn, đầy dẫy trộm cướp và giặc giã.

"Này Svastika, theo Pakudha Kaccànathì sự sống và những khổ vui ở thế gian đều do Tự Tại Thiên tạo ra và quyết định. Như vậy con người chẳng khác nào con cờ của Tự Tại Thiên. Con người không thễ có sáng kiến và không có quyền quyết định gì cả, tất cả đều do Tự Tại Thiên điều khiển. Con người không có trách nhiệm gì cả.

"Này Svastika, giáo phái Nigantha Nàtaputtacó nhiều điểm hay như cấm sát sanh, cấm giết sinh vật để cúng tế, chuyên tu khổ hạnh, thiểu dục tri túc, nhưng vẫn còn kẹt trong những kiến chấp nên không thể đạt đến giải thoát. Vì còn kiến chấp nên thiếu tinh thần tùy thuận, hỷ xả. Do kiến chấp nên họ chủ trương tuyệt đối không mặc y phục. Rốt cuộc sự lõa thể của họ làm chướng mắt những người trần tục. Và khi Giáo Pháp của họ được truyền đến các vùng băng giá ở Himalaya, các tu sĩ tại đây cũng phải mặc y phục màu trắng để chịu đựng khí lạnh. Ngoài ra họ cho rằng sống kiếp này là để trả các nghiệp đã tạo ra trong đời trước, như vậy chẳng khác nào nói kiếp này mình bị tù vì đời trước mình ăn trộm.

Đại đức Svastika cám ơn Thượng tọa Moggallàna, rồi suốt ngày hôm ấy thầy trầm ngâm suy nghĩ mới thấy Giáo Pháp của đức Phật thật là cao siêu, vượt ra ngoài mọi kiến chấp và luận chấp. Giáo Pháp của đức Phật giúp cho người tu tự giải thoát tri kiến của mình, trước khi tự giải thoát ra khỏi sanh tử luân hồi.

Balaka Upàli xin xuất gia theo Phật[11]

Upàli là một cư sĩ thông minh và giàu có vào bậc nhất ở thành phố Balaka, thuộc miền bắc nước Magadha. Do đó người ta gọi ông là Balaka Upàli để khỏi lẫn lộn với những người tên Upàli khác. Ông là thí chủ lớn nhất của giáo phái Nigantha Nàtaputta. Giáo phái này, lúc bấy giờ, được rất đông dân chúng tín mộ.

Lúc ấy vào giữa mùa xuân, Phật đang cư trú trong vườn xoài của ông Pàvàrika ở Nàlandà. Một hôm, đạo sĩ Dìgha Tapassi, một cao đệ của giáo chủ Nigantha Nàtaputta, nhân đi khất thực ở Nàlandà, đã ghé vào thăm Phật để đàm luận về đạo lý. Qua câu chuyện, đạo sĩ Tapassi nói :

Này sa môn Gotama, trong Giáo Pháp của chúng tôi không dùng danh từ hành nghiệp (karmani) mà chỉ dùng danh từ tội báo (dandani). Tội báo có ba loại là do thân, do miệng hay do ý. Tội báo có nặng, có nhẹ, nặng nhất là các tội do thân tạo.

Này Tapassi, theo Giáo Pháp của chúng tôi thì ý nghiệp mới là quan trọng nhất, vì ý là gốc, là chủ của hành động và lời nói.

Tapassi buộc Phật phải lập lại điều này ba lần để sau này không thể chối cãi. Sau đó ông kiếu từ ra về. Ông tìm đến giáo chủ Nàtaputta, kể lại chi tiết của cuộc đàm thoại. Nàtaputta cười lớn, nói :

Sa môn Gotama đã lầm lẫn nghiêm trọng. Tội trong tâm ý và nơi lời nói chưa hẳn là tội. Chỉ những tội do thân thể gây nên một cách cụ thể mới là quan trọng. Ví như khi người ta đang nghĩ hoặc nói đến giết người mà chưa thực hành thì đâu có tội. Chỉ khi nào đã thật sự giết người thì tội trạng mới rõ ràng, không chối cãi được. Này Tapassi, thầy đã nắm được yếu chỉ Giáo Pháp của ta.

Trong lúc Nàtaputta và Tapassi nói chuyện, có nhiều cư sĩ có mặt, trong đó có Balaka Upàli. Nghe tới đây, Balaka Upàli xin tình nguyện đến gặp Phật để đối chất và chỉ rõ chỗ sai của Phật. Giáo chủ Nàtaputta đồng ý, nhưng Tapassi e ngại Upàli sẽ bị Phật chinh phục. Nàtaputta cười nói :

Này Tapassi, thầy đừng ngại cư sĩ Upàli sẽ trở thành đệ tử của Gotama. Trái lại, có thể Gotama sẽ trở thành đệ tử của Upàli, không biết chừng.

Tapassi cố ngăn nhưng không được. Balaka Upàli đến gặp Phật và cuộc đàm đạo giữa hai người rất là hào hứng. Đây là lần đầu tiên nhà trí thức này gặp Phật. Qua bảy thí dụ liên tiếp, Phật chỉ cho Upàli thấy ý là căn bản của tội. Biết rằng giáo phái Nigantha trì giới sát sanh rất kỹ lưỡng, Phật hỏi :

Này Upàli, trong khi đi đường, nhiều người không cố ý mà không tránh khỏi dẫm đạp lên các loài côn trùng thì có phạm tội không ?

Trong trường hợp này, giáo chủ Nàtaputta bảo rằng vì không cố ý đạp nên không có tội.

Này Upàli, như vậy là giáo chủ Nàtaputta đã nhìn nhận ý là căn bản của tội rồi.

Đến đây, Upàli không còn tìm cách ngụy biện được nữa. Ông nhìn nhận là qua những thí dụ đầu tiên ông đã thấy là Phật có lý rồi. Ông rất khâm phục đức độ và tuệ giác của Phật. Ông liền đảnh lễ Phật, xin làm đệ tử. Phật nói :

Này Upàli, ông hãy suy nghĩ cho thật kỹ. Một người có tên tuổi như ông không thể quyết định một cách vội vã được. Ông hãy trở về suy nghĩ cho chín chắn trước đã.

Bạch Thế Tôn, con đã suy nghĩ chín chắn lắm rồi. Xin Thế Tôn cho con quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng. Con rất mừng đã tìm được con đường đạo lý chân chính. Con rất mừng được gặp Thế Tôn.

Này Upàli, bấy lâu nay ông đã là một thí chủ lớn cho giáo phái Nigantha. Vậy đừng vì theo tôi mà ngưng việc cúng dường các thầy bên đó.

Thế Tôn thật là cao cả. Giáo chủ Nigantha không được như thế đâu.

Nghe tin Upàli đã theo Phật, Tapassi đến báo cho giáo chủ Nàtaputta. Ông này không tin. Cả hai tìm tới nhà Upàli để được chính Upàli cho biết sự thực.

Được tin này, các vị khất sĩ rất vui mừng. Phật bảo :

Này các thầy, đáng mừng hay không là ở chỗ các thầy có tu học tinh tấn hay không. Chúng ta không nên vui buồn theo sự thịnh suy. Chúng ta nên thản nhiên trước cái suy cũng như trước cái thịnh.

Thanh niên Bà-la-môn Sonadantà vấn đạo[12]

Sau khi thăm viếng và giáo hóa tại Nàlandà, Phật đi về hướng đông, đến Campà, thủ đô xứ Anga, cách Nàlandà 150 km. Campà hiện nay là thành phố Bhagalpur. Xứ Anga nằm dưới quyền bảo hộ của vua Bimbisàra. Dân cư ở đây đông đúc, ruộng đất phì nhiêu, hoa màu tươi tốt. Phật cư trú trong một khu rừng mát mẻ, bên cạnh hồ Gaggara. Trong hồ, hoa sen nở thơm ngát.

Nghe tin Phật ngụ tại bờ hồ Gaggara, dân chúng lũ lượt đến thăm viếng, cúng dường và nghe thuyết pháp. Sonadantà là một thanh niên dòng Bà-la-môn, nổi tiếng thông minh xuất chúng tại địa phương, cũng có ý muốn đi viếng Phật. Những người Bà-la-môn khác ngăn cản, nhưng Sonadantà mỉm cười bảo rằng Phật là một nhân vật lỗi lạc, trên đời ít có, nếu không đến gặp thì thật là bỏ phí cơ hội ngàn năm một thuở. Ông nói :

Tôi phải đi đến đó để học hỏi chứ. Để biết ai hơn ai ở những điểm nào.

Nghe Sonadantà nói quả quyết như vậy, giới trí thức rủ nhau đi theo ông ta rất đông để được nghe cuộc tranh luận giữa hai người. Lúc đến nơi, sau khi chào hỏi, Sonadantà mở lời :

Thưa sa môn Gotama, chúng tôi được nghe danh tiếng của sa môn từ lâu, hôm nay chúng tôi đến đây để được học hỏi Giáo Pháp của ngài. Không biết Giáo Pháp của ngài có những đặc điểm gì ?

Thưa quý vị, trước khi nói đến Giáo Pháp của chúng tôi, tôi cũng muốn được biết cái hay trong Giáo Pháp của quý vị. Xin quý vị cho tôi biết một tu sĩ Bà-la-môn chân chính phải như thế nào ?

Này sa môn Gotama, một tu sĩ Bà-la-môn chân chính cần phải có đủ năm điều kiện sau đây: Thứ nhất là phải có dung nhan đẹp đẽ, thứ hai là phải biết kỹ thuật xướng tụng kinh chú Veda, thứ ba là phải có huyết thống thuần túy Bà-la-môn trong bảy đời, thứ tư là phải có đức hạnh, thứ năm là phải có trí tuệ.

Trong năm điều đó, điều nào là căn bản, điều nào là thứ yếu ?

Tất cả năm điều kiện đều quan trọng như nhau, không thể thiếu một điều kiện nào cả.

Này Sonadantà, ông nghĩ sao ? Nếu có vị Bà-la-môn đầy đủ đức hạnh, trí tuệ hơn người, xướng tụng kinh chú thật hay, thì vị đó có làm tròn sứ mạng tu sĩ của ông ta không ? Ông ta có phải là một tu sĩ Bà-la-môn chân chính không ?

Cũng tạm được, nhưng dù sao nếu có thêm dung nhan đẹp đẽ và huyết thống thuần túy vẫn hơn.

Này Sonadantà, nếu có vị Bà-la-môn có dung nhan đẹp đẽ, huyết thống thuần túy, nhưng thiếu đạo đức và trí tuệ thì ông nghĩ sao ? Vị đó có làm tròn sứ mạng tu sĩ Bà-la-môn không ?

Dĩ nhiên là không thể làm tròn sứ mạng của một tu sĩ nếu thiếu đạo đức và trí tuệ.

Này Sonadantà, vậy ông có nhìn nhận là điều kiện đạo đức và trí tuệ quan trọng hơn điều kiện dung nhan và huyết thống không ?

Thưa sa môn, đúng như vậy.

Nói đến đây, gần 500 vị Bà-la-môn có mặt đưa tay lên phản đối Sonadantà. Họ kết tội Sonadantà đã bị Phật đưa vào bẫy phải chấp nhận điều kiện huyết thống không quan trọng. Phật can thiệp :

Này quý vị quan khách, nếu quý vị có lòng tin nơi người đại diện của quý vị là Sonadantà, thì xin quý vị im lặng để tôi tiếp tục nói chuyện với ông ta. Còn nếu quý vị không có lòng tin nơi ông ta, thì quý vị hãy bảo ông ta im lặng để tôi nói chuyện với quý vị.

Mọi người trở lại im lặng. Sonadantà nói :

Xin sa môn Gotama cho phép tôi có đôi lời nói với các bạn tôi.

Rồi Sonadantà quay lại với 500 vị Bà-la-môn. Ông ta chỉ vào một thanh niên ngồi hàng đầu và nói :

Các bạn có thấy cháu tôi là Angaka đang ngồi kia không ? Angaka là một thanh niên tuấn tú, khôi ngô, phong thái trang nhã. Về dung nhan ít ai sánh kịp Angaka. Angaka lại thông hiểu ba bộ kinh Veda, văn phạm, ngữ pháp và kỹ thuật xướng tụng kinh chú, điều này ai cũng biết. Angaka cũng có huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời, kể cả bên cha lẫn bên mẹ. Nhưng giả sử Angaka giết người, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu, thì các bạn có chấp nhận cho Angaka làm tu sĩ Bà-la-môn không ? Thưa các bạn, điều kiện đức hạnh và trí tuệ mới đích thực quan trọng. Đây là sự thực chung cho tất cả mọi người chứ không phải sự thực riêng của sa môn Gotama.

Sonadantà nói tới đây thì tiếng hoan hô lại nổi lên vang dậy. Đợi cho tiếng hoan hô chấm dứt, Phật hỏi Sonadantà :

Nhưng trong hai điều kiện còn lại là giới hạnh và trí tuệ, ta có thể bỏ bớt một điều để chỉ giữ lại một điều không ?

Thưa sa môn Gotama, không thể được. Vì nhờ giới hạnh tinh nghiêm mà trí tuệ được phát triển; nhờ trí tuệ phát triển mà giới hạnh càng tinh nghiêm. Cũng như lấy tay để rửa tay, lấy chân để kỳ cọ chân. Giới hạnh và trí tuệ phải nương nhau mà phát triển, không thể thiếu một.

Đúng như vậy, Sonadantà, giới hạnh và trí tuệ phải nương nhau mà phát triển. Nhưng làm sao để phát triển giới hạnh và trí tuệ đến mức độ cao nhất?

Phải xướng tụng kinh chú Veda theo đúng kỹ thuật và càng nhiều càng tốt.

Này Sonadantà, ông nói phải xướng tụng kinh chú Veda theo đúng kỹ thuật. Vậy theo đúng kỹ thuật là như thế nào ?

Phải có giọng tốt, phải biết chỗ nào lên cao, chỗ nào xuống thấp ... cho âm thanh hòa hợp với nghĩa lý, vừa gây tác động mạnh vào tâm trí người nghe, vừa cảm ứng đến chư thiên.

Này Sonadantà, theo như ông vừa nói thì người tu sĩ chỉ đóng vai trò trung gian giữa con người và chư thiên. Chưa phải là phương pháp hay nhất để phát triển giới đức và trí tuệ. Này Sonadantà, muốn phát triển giới đức và trí tuệ đến mức tối đa phải thực hành ba vô lậu học là Giới, Định và Tuệ. Tu giới để được định, tu định để được tuệ, rồi dùng tuệ để phát triển giới. Giới càng thanh tịnh thì định lực càng vững, định lực càng vững thì trí tuệ càng lớn. Này Sonadantà, muốn thành tựu giới đức và trí tuệ lại phải thực hành minh sát tuệ(Vipassanà) để biết những gì là đau khổ, những gì là nguồn gốc của đau khổ, làm sao để dứt trừ nguồn gốc của đau khổ, để biết được thật tướng của tất cả sự vật ở đời, để biết tất cả sự vật ở đời đều là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã, để không còn tham lam, giận tức, si mê, để tự giải thoát khỏi mọi ràng buộc ở thế gian, để được tự tại vô ngại thành bậc A-la-hán.

"Này Sonadantà, đó là phương pháp tự tu tự chứng, tự phát triển giới đức và trí tuệ của mình đến mức tối đa. Không phải nhờ cầu khẩn chư thiên mà được.”

Sonadantà và 500 người Bà-la-môn chăm chú ngồi nghe một cách say sưa. Khi Phật dứt lời, Sonadantà nghiêm chỉnh đứng dậy chấp tay nói :

Bạch sa môn Gotama, hôm nay, nhờ nghe những lời chỉ dạy của sa môn, con cảm thấy như người ở nơi tăm tối vừa được ngọn đèn sáng, như người đi lạc trong rừng vừa thấy lối ra. Con xin cám ơn sa môn đã mở mắt cho con. Con xin được quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con xin được làm môn đệ của ngài. Con kính thỉnh Thế Tôn và giáo đoàn ngày mai tới nhà con thọ trai.

Đức Phật gật đầu chấp thuận. Hằng trăm người bạn của Sonadantà cũng xin quy y Tam Bảo. Sau khi gặp Phật, Sonadantà đã mô tả đức Phật như sau: "Quả thật Sa môn Gotama diện mạo tuấn tú, khả ái, gợi niềm tin tưởng, đặc biệt có làn da như màu hoa sen, màu da tương tợ như Phạm-thiên, rực rỡ như Phạm-thiên. Diện mạo ngài thật cao sang. Giọng nói ngài thanh lịch, ngôn từ ngài diễn đạt cũng vậy, tao nhã, tế nhị, hùng hồn, trong sáng và chính xác." (Trường Bộ 4: 6; trích Đức Phật Lịch Sử đoạn 05A).

Sau đó ít lâu, tại làng Icchanankala ở xứ Kosala, một thanh niên Bà-la-môn nổi tiếng khác tên Ambattha lại cùng với thầy là Pokkharasadi xin quy y Tam Bảo sau khi đến viếng thăm và đàm đạo với Phật (Trường Bộ 3: kinh Ambattha). Uy tín của Phật và giáo đoàn càng lên cao càng gây thêm nhiều ganh tị và bực tức trong các giáo phái khác.



[1]Xem Trung Bộ 22; Trung A Hàm 200.

[2]Xem Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 1428.

[3]Xem Trung Bộ 55: Jìvaka sutta.

[4]Xem Tiểu Bộ, Trưởng Lão Ni Kệ, kinh 71: Subhà.

[5]Xem Trường Bộ (Dìgha Nikàya), kinh số 1.

[6]Giải thoát tri kiếnlà đưa sự hiểu biết ra ngoài các kiến chấp có/không, phải/quấy, đúng/sai, tốt/xấu, ...

[7]Kinh Brahmàjala sutta này nằm trong Trường Bộ (Dìgha nikàya) 1 và Trường A Hàm 14. Kinh "Phạm Võng, Lô-xá-na Phật Thuyết Bồ tát Tâm Địa Giới, Phẩm Đệ Thập" chỉ là một phẩm của kinh trước.

[8]Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 200. Có thuyết cho rằng 62 kiến chấp là : 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) X 4 chấp (sắc là ngã, sắc là ngã sở, sắc ờ trong ngã, ngã ở trong sắc; thọ là ...) X 3 đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) + 2 kiến chấp (có ngã, không ngã). Tức là : 5 uẩn X 4 chấp X 3 đời + 2 kiến chấp = 62 kiến chấp.

[9]Xem Trường Bộ (Dìgha nikàya) 2.

[10]Bà-la-môn giáo (Brahmanism)về sau phát triển thành Ấn Độ giáo (Hinduism) ngày nay.

[11]Xem Trung Bộ 56; Trung A Hàm 133. Theo Tăng Chi Bộ, chương 8 pháp, kinh 12 thì tướng Siha Licchavi ở Vesàlì đã bỏ ngoại đạo sư Nigantha Nàtaputta để quy y theo Phật sau khi nghe Phật đính chánh những tuyên truyền xuyên tạc của ngoại đạo.

[12]Xem Trường Bộ (Dìgha nikàya) 4; Trung Bộ (Majjhima nikàya) 98.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]