Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Về Thăm Quê Hương

26/10/201318:46(Xem: 28837)
06. Về Thăm Quê Hương
Mot cuoc doi bia 02



Về Thăm Quê Hương


Sau khi Kāḷudāyi trở về quê nhà báo tin, đức Phật cho họp tăng chúng, lựa chọn năm trăm vị tỳ-khưu lậu hoặc đã tận cùng lên đường với ngài, có tôn giả Sāriputta, tôn giả Mahā Kassapa hướng dẫn hội chúng. Còn mọi sinh hoạt tại Trúc Lâm, giáo giới, nhắc nhở chư tăng tu tập, thuyết pháp cho hai hàng cư sĩ áo trắng, đức Phật giao phó cho tôn giả Moggallāna, nhóm tôn giả Yasa, ba tôn giả Kassapa cùng các vị đệ tử lớn tuổi khác. Còn tôn giả Koṇḍañña thì đã xin ẩn cư tại Himalaya.

Đức Phật và chư tỳ-khưu tăng năm trăm vị, lên đường vào một ngày trời nắng nhẹ, gió xuân phơi phới mát lành, trăm hoa nở rộ khắp nơi. Đường bộ từ Rājagaha trở về Kapilavatthu phải ngược lên phía tây bắc, đạp qua sông Gaṅgā, tại thị trấn Pāṭaligāma rồi theo con đường thương buôn, trọn lộ trình xa chừng sáu mươi do-tuần. Vì vừa đi vừa trì bình khất thực, thỉnh thoảng đức Phật còn phải thuyết pháp tại các làng mạc, thị trấn nên phái đoàn mỗi ngày chỉ đi được trên dưới một do-tuần. Như thế thì gần hai tháng sau mới có thể tới nơi.

Tôn giả Kāḷudāyi và trên mười vị tỳ-khưu dòng tộc Sākya đã đắc quả A-la-hán đón tiếp đức Phật trước chín mười ngày đường. Do niềm vui siêu thế ở trong tâm, do niềm hạnh phúc của triều đình, của hai quốc độ được đón tiếp bậc Thiên Nhân Sư, tôn giả Kāḷudāyi đã cảm hứng ngữ thốt lên một bài tụng ca đẹp lộng lẫy với màu sắc tươi thắm, rực rỡ:

“- Bầu trời đức Thế Tôn đi,

Chư thiên nam tấu nhạc,

Chư thiên nữ rắc hoa,

Giữa nền mây ngọc bích,

Giữa nền mây pha-lê châu!

Con đường đức Thế Tôn đi,

Những hàng cây tàn xanh bóng mát,

Hoa hồng thắm, hoa vàng tươi,

Bướm ngũ sắc từng đàn lấp lánh,

Nào quả trái đỏ xanh lủng lẳng,

Hòa niềm vui nghinh đón sa-môn,

Cả vùng trời tỏa ngát hương thơm,

Ôi, bất tuyệt trần gian một thuở!

Thật đúng thời,

Đức Thế Tôn trở lại,

Hoa rải cánh,

Tin lành kết trái,

Kết hỷ hoan, hỷ lạc dâng tràn,

Đã qua rồi nắng hạ, đông hàn,

Xuân vĩnh cửu,

Với từng bước đi vĩnh cửu!

Tộc Sākya, tộc Koliya,

Có được phúc lành hy hữu!

Dòng sông Rohini biếc xanh,

Lòng người biếc xanh,

Cung nghinh, chiêm bái đức Tôn Sư!”

Đức Phật phải dừng chân lại, mỉm cười cho những lời lẽ miêu tả thanh tao, trong sáng nhưng không kém phần diễm lệ, huy hoàng của người bạn thân vừa mới đắc quả! Và quả thật vậy, đức Phật và đoàn sa-môn thảnh thơi bước đi trong không gian tỏa nức mùi thơm của hương đồng cỏ nội, của hoa lá ngày xuân.

Đến Kapilavatthu, đức Phật bảo với Kāḷudāyi là chưa nên đi vào kinh thành mà hãy để cho ngài và hội chúng tỳ-khưu tạm trú tại Nigrodhārāma (Ni-câu-luật viên), tức là rừng đa cổ thụ ở phía đông nam kinh thành, có nhiều cây to bóng mát mà trước đây các đạo sĩ, du sĩ thường hay lui tới.

Đức vua Suddhodana, triều đình và con cháu dòng tộc Sākya đã hay tin nên đồng đến Nigrodhārāma để đón tiếp. Tuy nhiên, vốn bản tính ngã mạn đã thành nề, các vị cao niên trưởng lão của dòng tộc, nghĩ rằng: “Dẫu là ông Phật, ông thánh chăng nữa thì vị sa-môn kia cũng chỉ thuộc vai con vế cháu mà thôi!” Do vậy, họ chỉ đứng yên hoặc lựa ngồi một chỗ nào đó ở phía sau, bảo những người nhỏ tuổi đến đằng trước để chào đón. Hướng tâm đến, đức Phật hiểu tất cả, nhưng ngài lại bước đến phía đức vua Suddhodana:

- Phụ vương!

- Thái tử !

Trao bình bát cho vị thị giả là tỳ-khưu Nāgita, đức Phật nắm chặt hai bàn tay khô gầy của vua cha. Đã gần tám năm xa cách, đức vua tuy có già hơn nhưng vẫn còn tinh anh, quắc thước. Nhìn những giọt nước mắt trôi chảy lặng lẽ xuống đôi gò má nhăn nheo của vua cha, đức Phật rất thương cảm, nhưng ngài đã làm chủ cảm xúc, trao gởi một cái nhìn vô cùng dịu dàng và ấm áp! Riêng nhà vua thì cảm nhận rất rõ rằng, con ngài bây giờ không còn là thái tử Siddhattha thuở xưa nữa, mà đã là một đại sa-môn cao quý, một bậc lãnh tụ tinh thần vĩ đại, đã vượt cao, vượt xa, vượt trên nhân thế, không còn bị giới hạn trong sự thông tục của đời thường. Bất giác, đức vua cúi đầu xuống, thành kính chấp tay theo phong cách, mỹ tục của một quốc vương lúc diện kiến một bậc chân sư, một đạo sư, một giáo chủ!

Đức Phật thấy thái độ trí thức của vua cha, ngài rất hài lòng; và muốn để tăng trưởng đức tin ấy, đồng thời nhằm cảm hóa, nhiếp phục tính kiêu căng của hoàng tộc, ngài liền bay lên giữa hư không, tạo một con đường bằng ngọc nằm vắt từ đông sang tây rồi đi kinh hành qua lại. Lát sau, đức Phật sử dụng một loại thần thông bất khả tư nghị, hóa phép yamaka pāṭihāriya, có nghĩa là “hai thần lực song song” làm cho nước và lửa cùng một lúc phát sanh từ lỗ chân lông; rồi hai tia sáng xanh và đỏ tỏa ra ngời ngời như hai tia điện chớp chóa mắt hội chúng. Hiển lộng thần oai xong, đức Phật đáp xuống chỗ bảo tọa đã soạn sẵn, ngồi đoan nghiêm, thanh tĩnh!

Thấy thần thông kỳ diệu của đức Phật, đức vua Suddhodana mọc ốc cả toàn thân, niềm tin phát khởi, và một lần nữa, ông lại xác nhận cái điều mà ông đã suy nghĩ: “Quả thật, con ta bây giờ không còn là thái tử đương triều nữa – mà đúng là thần oai của một vị Phật, một đức Chánh Đẳng Giác như mọi người đã xưng tán, tôn vinh!” Nghĩ thế xong, bất giác, đức vua quỳ xuống đảnh lễ rồi thốt lên rằng: “Đây là lần thứ ba, phụ vương đảnh lễ con đây!” Cả triều đình, dòng tộc Sākya lớn nhỏ, sợ hãi, quỳ lạy theo!

Tôn giả Sāriputta ở bên cạnh đức Phật, còn tôn giả Moggallāna, lúc ấy, đang ở Trúc Lâm tịnh xá cách xa sáu mươi do-tuần nhưng cả hai tâm ý tương thông, muốn trợ duyên cho đức Thế Tôn dễ dàng khai hóa hoàng tộc; nên đồng một lúc, như chỉ trong cái nháy mắt, đã như hai đám mây vàng rực, bay lên giữa hư không, đồng một lúc, đáp xuống bên phải và bên trái, năm vóc sát đất, đảnh lễ ngài rồi cùng thưa rằng:

- Bạch đức Tôn Sư! Muốn trở thành một đức Chánh Đẳng Giác thì phải tu tập như thế nào? Phải trải qua thời gian công hạnh ba-la-mật như thế nào?

Biết dụng tâm của hai vị đại đệ tử, đức Phật bèn cất giọng phạm âm với tám tuyệt hảo, thuyết một thời pháp nói về Phật tông (Buddhavaṃsa); tức là gốc nguồn, hành trạng của chư Phật! Muốn thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác phải trải qua bảy a-tăng-kỳ phát nguyện ở trong tâm, chín a-tăng-kỳ phát nguyện thành lời; bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp thực hành mười ba-la-mật trải qua hai mươi bốn vị Phật. Rồi đức Phật cũng kể tóm tắt nhưng đầy đủ hành trạng của hai mươi bốn vị Phật ấy: Phật Dīpaṅkara, Phật Koṇḍañña, Phật Maṅgala, Phật Sumana, Phật Revata, Phật Sobhita, Phật Anumodassī, Phật Paduma, Phật Nārada, Phật Padumuttara, Phật Sumedha, Phật Sujāta, Phật Piyadassī, Phật Atthadassī, Phật Dhammadassī, Phật Siddhattha, Phật Tissa, Phật Phussa, Phật Vipassī, Phật Sikhī, Phật Vessabhū, Phật Kakusandha, Phật Koṇāgamana, Phật Kassapa. Và chính ngài là vị Phật thứ hai mươi lăm, có danh hiệu là Sākya Gotama! Trong vô lượng kiếp trôi lăn sinh tử ấy, chính ngài có năm kiếp làm đạo sĩ, chín kiếp làm tỳ-khưu, năm kiếp làm cư sĩ, hai kiếp làm long vương, một kiếp làm Sakka, một kiếp làm nguyên soái Dạ-xoa, một kiếp làm vua sư tử đã được chư Phật thọ ký với tên tuổi, quê quán, dòng tộc, hành trạng hiển nhiên, minh bạch như thế nào! Rồi còn có vô lượng kiếp mê mờ, như đi giữa sương mù, xuống lên, chìm nổi giữa ba cõi, sáu đường thật không tính xuể!

Thời pháp của đức Phật, lạ lùng làm sao, lại có rất nhiều chư thiên chứng quả Nhập lưu, còn hội chúng thì như được mở hé một chân trời vi diệu nhưng không ai chứng đắc gì! Ngay khắc ấy, một trận mưa bất ngờ tuôn đổ xuống. Một trận mưa đỏ như màu máu. Một trận mưa lạ lùng: Đức Phật, chư thánh tăng, những người bắt đầu có đức tin thì khô ráo; còn những ai kiêu căng, ngã mạn thì ướt như chuột lột! Mọi người bàn tán sôi nổi. Đức Phật thuyết thêm một thời pháp nữa, kể lại kiếp áp chót làm người, thái tử Vessantara, đã bố thí bất nghịch ý với năm đại thí như thế nào, sau mười hai năm lưu đày, trở lại làm vua, giữa hội chúng thân thuộc, cũng có một trận mưa như thế nhưng là một trận mưa bảy báu ngập tràn cung điện! Sau kiếp người, sanh làm thiên tử Setaketu ở cung trời Tusita, hết tuổi thọ mới giáng sanh vào lòng mẹ Mahāmāyā,vua cha Suddhodana, dòng tộc Sākya, kinh đô Kapilavatthu... để hoàn thiện công hạnh của một bậc Chánh Đẳng Giác!

Vậy là nhân duyên, nhân quả vô lượng kiếp đã được đức Thế Tôn giảng nói, thuyết minh khá rõ ràng làm cho hội chúng rất thỏa thích. Nhưng khi chia tay, cả hoàng tộc, không ai biết bổn phận là phải thỉnh mời đức Phật và chư tăng giáo đoàn vào ngày mai ra sao! Riêng đức vua Suddhodana thì đơn giản nghĩ rằng: “Đã về đến quê nhà, tất phải thọ thực ở cung điện rồi!”; nên ngài đã cho chuẩn bị yến tiệc đãi đằng đức Phật rất chu đáo!

Đêm ấy, tại công viên Nigrodhārāma, đức Phật tiếp những người bạn cũ do tôn giả Kāḷudāyi dẫn đến, đó là Mahānāma, Bhaddiya, Ānanda, Anuruddha, Kimbila, Bhagu... cả Nanda và Channa nữa. Có lẽ là tôn giả Kāḷudāyi đã kể cho họ nghe khá nhiều về đức Phật, vị huynh trưởng xưa của họ, người đã tìm ra ý nghĩa và giá trị đích thực của cuộc sống, đã giải quyết trọn vẹn vấn đề tử sinh! Lại nữa, buổi chiều, lẫn trong đám đông, họ đã chứng kiến thần thông vi diệu của đức Phật, đã nghe được hai thời pháp nên biết rõ rằng, bây giờ họ là người trần tục, và những ý tưởng được ngài tuyên thuyết không còn nằm trong lãnh vực tế thế an bang, cơm no, áo ấm cho muôn dân nữa, mà là cái gì vĩnh cửu hơn thế, đại toàn hơn thế! Lạ lùng làm sao, đức Phật không giáo giới gì, ngài chỉ hỏi thăm chừng mực công việc của từng người, ai đã lập gia đình, ai chưa lập gia đình! Đức Phật mỉm cười, khi biết chỉ có Mahānāma là có vợ con, các vị khác đều thích sống độc thân! Suốt trong thời gian đàm đạo, họ như được tẩm mát trong làn khí tâm từ, sau đó, đức Phật hẹn dịp khác, ngài bảo rằng, chưa đủ duyên để nói chuyện nhiều hơn!

Nửa cuối canh ba ngày hôm sau, đức Phật hướng tâm đến quá khứ, biết rằng, theo thông lệ của chư Phật, lúc về thăm quyến thuộc, các ngài không đi thẳng về nhà mà đều theo hạnh trì bình khất thực nên báo cho tôn giả Sāriputta hay biết. Thế rồi, với đại y màu san hô vắt vai, bát đá đen tuyền cầm tay, đức Phật như sư tử chúa lông vàng dẫn đầu hơn năm trăm vị tỳ-khưu thánh tăng đi vào trung tâm thành phố. Cứ lần lượt con đường này sang con đường khác, từ cửa nhà này sang cửa nhà khác, chẳng phân biệt giàu nghèo, sang hèn... Lần đầu tiên, kinh thành Kapilavatthu như bừng sáng lên bởi đoàn sa-môn mà họ đã được nghe tin truyền từ chiều hôm trước! Vị giáo chủ sáng lập tôn giáo mới ấy là đức Phật, nghe nói chính là thái tử Siddhattha nhân đức, thân yêu của họ! Miệng truyền miệng, tai truyền tai, không mấy chốc, cả kinh thành như lên cơn sốt! Những đôi mắt tò mò, ngạc nhiên. Những tụm năm tụm bảy chỉ trỏ, bàn tán. Thế là họ đồng kéo ra xem rồi thành kính đặt bát cho đức Phật và đoàn sa-môn!

Đức vua Suddhodana nghe quân hầu báo tin, vừa giận, vừa thương, tức tốc lên cỗ xe tứ mã ra khỏi hoàng cung. Đến con đường lớn, đức vua nhìn thấy đoàn sa-môn như con rồng vàng uốn lượn xa mút mắt; và đức Phật với dáng dấp cao to, uy nghi, trang nghiêm từng bước một đi đầu như chúa phượng hoàng! Bất giác, đức vua sinh tâm kính trọng! Bao nhiêu sự phẫn nộ ở trong lòng chợt như bị nguội tắt. Bước về phía đức Phật, nhà vua cung tay chào lịch sự nhưng lại mở giọng như hờn, như trách:

- Dầu sao, thái tử vẫn được xem như là đức vua của nước này! Chẳng lẽ nào cả ta và cả hoàng tộc không lo nỗi cho thái tử một bữa cơm, lại đi xin ăn lang thang như kẻ đầu đường xó chợ như thế? Sao thái tử nỡ làm tổn thương hoàng tộc như thế? Làm nhục nhã truyền thống vương triều như thế?

Đức Phật dừng chân lại, mỉm cười:

- Không phải vậy đâu, phụ vương! Như Lai không hề làm tổn thương hoàng tộc và làm nhục vương triều! Đi trì bình khất thực trước cửa mọi nhà chính là truyền thống, dòng dõi của Như Lai!

Đức vua dịu giọng, nhưng vẫn giữ ý mình:

- Dòng dõi Sākya là dòng dõi của những vị chiến sĩ anh hùng, ta chưa hề thấy một ai trong truyền thống ấy lại nhục nhã đi xin ăn như thế!

- Phụ vương! Đức Phật mềm mỏng nói – Truyền thống, dòng dõi Sākya anh hùng thì không ai làm như thế; nhưng đây là truyền thống của chư Phật ba đời! Rồi ngài giảng giải – Tất cả mọi người trong giáo pháp này đều phải đi xin ăn. Khi nhận một muỗng cháo, một vá cơm từ người nghèo khổ hay một món ăn thượng vị của bậc đế vương, các vị sa-môn khất sĩ đều xem trọng như nhau! Trong đôi mắt xanh trong suốt của vị tỳ-khưu, tất cả đều bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, quý tiện! Một bà-la-môn, một sát-đế-lỵ, một vệ-xá, một thủ-đà-la hay cả một chiên-đà-la nô lệ đều là con người, đều có nhân phẩm, phẩm giá, giá trị giống nhau! Và ai cũng có khả năng giác ngộ, giải thoát! Nghỉ hơi một chút, đức Phật ra dấu thị giả Nāgita ôm bát theo sau, tôn giả Sāriputta cùng đi với ngài; tôn giả Mahā Kassapa, tôn giả Kāḷudāyi hướng dẫn đoàn sa-môn tản ra các con đường để khất thực, sau đó về công viên Nigrodhārāma đợi ngài, còn đức Phật nắm tay vua cha, đi bộ về cung điện, vừa đi vừa tiếp tục câu chuyện - Phụ vương thấy không, xã hội chúng ta quá chênh lệch về tài sản, chẳng đồng đẳng về quyền lợi; kẻ thì quá đói nghèo, bần khổ, người thì quá giàu sang, xa xỉ. Sự phân biệt và kỳ thị giai cấp đã tạo nên hố sâu ngăn cách, đã làm cho biết bao nhiêu con người không còn giữ được giá trị con người nữa! Giáo pháp mà Như Lai đã khai sáng, chứng ngộ, lấy con người làm trọng tâm và tất cả đều bình đẳng. Như vậy, đi xin ăn qua cửa mọi nhà, không phân biệt là phương pháp tu tập của tất thảy sa-môn từ ngàn trước đến ngàn sau! Khi đi trì bình như thế, họ khiêm nhu và vắng lặng, họ chánh niệm và tỉnh giác, họ vô sản và bần hàn, họ vô ngã và vô mạn, họ thong dong và siêu thoát! Ngoài ra, họ còn tạo cơ hội cho mọi người mở rộng tấm lòng, ai cũng có thể bố thí, cúng dường gieo duyên với giáo pháp. Làm được như thế là đem lại hạnh phúc, an vui cho mình và cho người! Các giá trị nhân văn và nhân bản ấy, cái mỹ học tuyệt vời ấy, đáng lý ra, phụ vương nên đem áp dụng vào đường lối chính sách của vương triều, tôn trọng giá trị nhân phẩm của con người vì bình đẳng, vì tình thương, vì hạnh phúc cho muôn dân mới phải!

Nghe đến ngang đây, cơ duyên chín muồi, đức vua Suddhodana chứng quả Nhập lưu, cảm thấy tâm trong, trí sáng, có đức tin bất động, mọi hoài nghi tiêu sạch, ông cúi xuống, khiêm cung, hoan hỷ thỉnh mời đức Phật về hoàng cung độ thực.

Đức Phật không lên xe ngựa mà ngài đi bộ, thong dong, nhàn nhã. Vậy là đức vua cũng phải đi bộ theo.

Đến hoàng cung, mấy ngàn người đã tề tựu như cuộc hội lớn. Khung cảnh chẳng mấy đổi thay nhưng hoa cảnh rực rỡ và trầm hương tỏa ngát khắp mọi nơi. Ai cũng trầm trồ vì thấy đức Phật dường như còn đẹp đẽ, sang trọng và có cái gì đó trông đáng kính, khác lạ hơn thái tử Siddhattha thuở trước!

Đức Phật mỉm cười, đưa mắt nhìn quanh như thầm chào hỏi tất cả mọi người. Từ xa, bà Gotamī nụ cười rạng rỡ, dáng dấp còn trẻ trung trong tấm Sarī màu xanh da trời, lanh lẹ và nhẹ nhàng bước đến.

- Mẫu hậu sức khỏe vẫn còn rất tốt, chẳng khác xưa bao nhiêu! Đức Phật cất giọng đầm ấm; và khi thấy bà bắt đầu sụt sùi đỏ lệ, ngài nói tiếp với nụ cười - Cuộc hội ngộ này đáng lý ra phải mừng vui mới phải chứ! Ở đây còn thiếu Yasodharā, Rāhula, Sundarī-Nanda, Nanda nữa đấy!

Đức vua mời đức Phật vào chỗ ngồi đã được soạn sẵn. Tại sân chầu rộng rãi, chính đức vua và hoàng hậu đích thân sớt vật thực vào bát cho đức Phật. Tôn giả Sāriputta và tỳ-khưu thị giả Nāgita cũng được tiếp đãi như thế.

Độ ngọ xong, đức Phật nói:

- Phụ vương đã lớn tuổi rồi, cũng cần có chỗ nương tựa vững chắc cho đời mình! Phụ vương có thể bắt đầu ghép mình vào đời sống chánh hạnh vì an vui cho đời này và an vui cho nhiều đời sau nữa!

Kỳ diệu thay, sau câu nhắc nhở của đức Phật, đức vua Suddhodana chứng quả Nhất lai, Tư-đà-hàm (Sakadāgāmi), còn bà Gotamī chứng quả Nhập lưu, Thất lai, tức là Tu-đà-hoàn quả (Sotāpatti)!

Biết việc gì xảy ra trong tâm của những người thân yêu, đức Phật chợt đứng dậy, ân cần nắm tay đức vua đi về hướng đông cung, nơi ở của Yasodharā! Là bậc Toàn Giác, đức Phật biết tâm sự của nữ nhân, của Yasodharā, dễ cảm xúc, dễ tủi thân, tủi phận! Chính ngài phải đến thăm Yasodharā, chứ không phải Yasodharā đến thăm ngài! Và đức Phật đã nghĩ đúng! Yasodharā, trong lúc ấy, đã được nghe tràn tai về đấng phu quân của mình, vừa mừng, vừa tủi, vừa nôn nả, háo hức, vừa hồi hộp, run ry, nàng tự nghĩ: “Nếu trong thời gian thái tử vắng mặt, tám năm ròng rã, ta khiếm khuyết đức hạnh, ta khiếm khuyết thủy chung thì thái tử sẽ không đến thăm ta; bằng ta là một viên ngọc maṇī không tỳ vết thì chính thái tử phải đến thăm ta dù ông ta có là một vị Phật chăng nữa!”

Đức Phật chợt nói với tôn giả Sāriputta:

- Tình cảm của nữ nhân, ông biết đấy! Vậy khi Như Lai đến thăm Yasodharā, hãy cứ để công nương tùy nghi biểu tỏ tình cảm của mình!

Và quả thật vậy, khi đức Phật vừa ngồi trên bảo tọa đã được sắp đặt sẵn, Yasodharā mặc tấm Sarī màu vàng trăng, chẳng châu báu điểm trang, chẳng hoa hương lòe loẹt từ hậu cung, đi bằng hai đầu gối, đến bên chân Phật, quỳ úp mặt vào bàn chân bụi của ngài, khóc ròng rã. Đức Phật cứ để yên vậy. Một lát sau, khi biết những giọt nước mắt đã trôi đi những cảm xúc lâu ngày dồn nén lại, đức Phật dịu dàng nói:

- Này Yasodharā! Này Gopā! Như Lai vẫn không khác xưa lắm đâu! Như Lai vẫn là con người cũ đó thôi! Nhưng bây giờ, tâm Như Lai thanh tịnh hơn, trí Như Lai quang rạng hơn! Như Lai đã tìm ra giá trị vĩnh hằng của cuộc sống mà đã một thời, chúng ta, các ông hoàng, đã cùng nhau thao thức, đã cùng nhau trăn trở! Bây giờ, Như Lai là hiện thân cho cái gì vừa ở bên trong cuộc đời này mà vừa ở bên ngoài và bên trên cuộc đời này nữa, để cứu độ nhân sinh! Do vậy, Như Lai không còn sống cho riêng mình, mà là sống vì hạnh phúc và an vui cho chúng sanh ba giới bốn loài! Này Gopā! Là bậc trí, là kẻ cùng chung vui khổ với Như Lai, cùng chung hạnh nguyện ba-la-mật với Như Lai, Gopā phải cần biết như thế!

Được lời như cởi mở tấm lòng, Yasodharā lau ráo lệ. Hoàng hậu Gotamī trìu mến nhìn công chúa rồi ca tụng công đức của nàng:

- Từ lúc thái tử ra đi, công chúa vô cùng sầu muộn, như mất một bảo vật trân quý nhất ở trên đời; tuy nhiên nàng vẫn giữ được sự tự chủ hiếm có. Niềm an ủi lớn nhất của công chúa chính là trẻ Rāhula! Khi nghe thái tử sống đời tu sĩ, lang thang không cửa, không nhà, công chúa đã tự vất bỏ châu báu điểm trang, chỉ quàng tấm Sarī màu trắng dị giản! Khi nghe thái tử sống đời khổ hạnh, công chúa cũng bắt đầu từ bỏ vật thơm, dầu thoa, giường cao, chăn ấm; chỉ gối cây, nằm đất và mỗi ngày chỉ dùng một ít vật thực vào buổi trưa! Biết bao vương tôn, Hoàng tử, công tử giàu sang, hào hoa, quý phái xứng đôi, vừa lứa tìm đến nhăm nhe dạm hỏi, công chúa đều từ chối không tiếp! Khi nghe thái tử đã đắc thành quả Phật, đắp y vàng dẫn đầu đoàn sa-môn thanh tịnh về thăm quê hương thì công chúa cũng quàng tấm Sarī màu vàng! Thế đấy, không những công chúa có đức hạnh vẹn toàn mà còn biết cảm thông, chia sẻ với thái tử trong mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày xa cách, biệt ly!

- Mẫu hậu đừng nói nữa! Yasodharā chợt nói rồi đi đến bên cạnh bà – Thái tử bây giờ đã là một vị Phật rồi, chẳng có gì mà vị Phật lại không biết!

- Phải đấy, Gopā! Chẳng có gì mà Như Lai không biết! Và Như Lai còn biết nhiều hơn thế nữa! Rồi ngài quay sang, như nói chuyện với đức vua và hoàng hậu Gotamī - Gopā là thế đấy, không những bây giờ, mà đã từ vô lượng kiếp trước, từ thời đức Phật Dīpaṅkara rồi trải qua hai mươi bốn vị Chánh Đẳng Giác, nàng luôn chính đính, đoan trang, tiết hạnh, thủy chung; chia vui, sẻ buồn; không ngừng giúp đỡ Như Lai, nâng đỡ Như Lai, khuyến khích Như Lai trên đường tấn tu đạo nghiệp!

Nói thế xong, đức Phật vén bức màn quá khứ:

“- Cách đây phỏng chừng bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, có đức Phật Dīpaṅkara xuất hiện. Thuở ấy có chàng thanh niên Sumedha, xuất thân gia đình bà-la-môn cự phú, thiên tư thông tuệ, tài mạo và sở học đều xuất chúng. Sau khi cha mẹ qua đời, Sumedha đã làm một cuộc bố thí vĩ đại rồi lên non sống đời đạo sĩ. Nhờ tinh cần tu tập, đạo sĩ đắc bát định và ngũ thông; tuy nhiên, chàng biết rằng, bài toán phiền não và đau khổ chưa được giải đáp tận cùng!

Hôm kia, tại thành phố Rammavāti, dân chúng xôn xao chuẩn bị đón tiếp đức Phật và hội chúng thánh tăng; họ phải cùng nhau ra tay làm một con đường dài do mưa lũ xói mòn, bùn sình lầy lội! Mới nghe đến từ Phật (Buddho! Buddho!), tâm trí đạo sĩ Sumedha bị chấn động mãnh liệt, chàng khởi tâm đóng góp một tay vào công đức này, nên xin đảm nhận một quãng đường khó khăn nhất! Chàng suy nghĩ: Nếu ta sử dụng thần thông thì trong nháy mắt sẽ xong ngay, nhưng nếu làm vậy thì chẳng đổ mồ hôi, chẳng phải tổn hao sức lực, rốt lại, chẳng có ý nghĩa và giá trị gì! Thế rồi, đạo sĩ bèn sử dụng sức lao động của mình! Khi đức Phật và hội chúng ngự giá đến nơi, con đường dài đã phẳng phiu, phong quang, sạch sẽ, khô ráo nhưng phần đường do chàng đảm nhiệm lại chưa hoàn thành!

Nhìn đoạn đường sình lầy chỉ còn chừng một đòn gánh, đạo sĩ Sumedha đã có chủ định. Tuy nhiên, khi đức Phật Dīpaṅkara và hội chúng thánh tăng đã đi gần đến nơi, thấy tướng hảo quang minh của ngài, đạo sĩ khởi tâm tịnh tín, muốn cúng dường cái gì đó nên cứ đưa mắt nhìn quanh! Trong đám đông dân chúng, đạo sĩ chợt nhìn thấy một cô gái xinh đẹp, đang cầm trên tay 8 đóa hoa sen! Và lạ lùng làm sao, cô gái ấy cũng đang chăm chú nhìn chàng! Cô gái ấy tên là Sumitta, khi nhìn thấy Sumedha thì trái tim nàng xao xuyến mãnh liệt; và rồi như hiểu được nguyện vọng của chàng, nàng nói:

- Trong tám đóa hoa sen nầy, ba đóa là phần của thiếp để cúng dường đến đức Phật, năm đóa còn lại là phần của chàng, nhưng với một điều kiện...

- Cô nương cứ nói đi! Đạo sĩ Sumedha hối hả nói - bất cứ điều kiện gì mà khả năng ta có thể làm được!

Nàng Sumitta mỉm cười:

- Tướng mạo và phẩm cách của chàng thật là tuyệt vời! Công đức hoàn thiện con đường để nghinh đón đức Phật của chàng cũng thật là tuyệt vời! Trong tương lai, chắc chàng sẽ thành tựu được sở nguyện vĩ đại trong lộ trình tu tập của mình! Thiếp nguyện được đi theo bên chàng, nâng khăn sửa túi cho chàng trong vô lượng kiếp sau...

Trái tim đạo sĩ trai trẻ chợt rung động, nhưng chàng lại nói:

- Ta đồng ý điều kiện ấy, nhưng nàng hãy hứa là đừng cản trở chí nguyện và những công hạnh ba-la-mật của ta mới được!

Thiếu nữ mỉm cười, gật đầu ưng thuận rồi trao cho đạo sĩ năm đóa sen tươi thắm. Rồi cả hai cùng nắm tay nhau, chạy đến quỳ bên chân Phật, đồng dâng tám đóa sen lên ngài! Việc vừa xong, đạo sĩ Sumedha chợt sụp xuống đất, ôm chân bụi của ngài, thốt to lên rằng:

- Chỉ còn một khúc đường sình lầy, đệ tử xin nguyện lấy tấm thân giả hợp nầy để trải đường cho đức Thế Tôn và thánh chúng bước lên! Xin nguyện công đức của ngày hôm nay, mai sau đệ tử sẽ đắc thành quả Phật vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người!

Phát nguyện thế xong, đạo sĩ Sumedha vội đến nằm sấp vào đám sình! Đức Phật chợt hướng tâm, biết rõ nhân quả! Ngài cũng nghe rõ, quả đất đang rung động vì lời nguyện vô thượng của đạo sĩ; chư thiên, phạm thiên khắp mấy tầng trời đang rải hoa mạn-đà xưng tán, ca ngợi công đức vô thượng ấy, ngài quay lại nói với đại chúng rằng:

- Có hai việc vừa xẩy ra được xem là hy hữu trên đời nầy! Việc thứ nhất là tám bông sen của chàng trai và cô gái. Với sự thành tâm phát nguyện của họ, cả hai sẽ nên duyên tình nghĩa vợ chồng từ đời này sang kiếp khác, luôn đầm ấm, thủy chung và luôn khuyến khích, nhắc nhở nhau trên lộ trình tu tập! Việc hy hữu thứ hai, là đạo sĩ này, với lời nguyện vô thượng của mình, thực hành ba-la-mật trong thời gian bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, trải qua hai mươi bốn vị Phật sẽ thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác đúng như ước mơ của chàng!

Rồi đức Phật quay sang hai người:

- Này Sumedha! Ước nguyện của con sẽ được thành tựu; và bắt đầu từ kiếp sau, Sumitta sẽ là người bạn đời chung thủy của con, như chim liền cánh để bay qua sông dài biển rộng, sẽ đồng tâm, đồng chí, đồng phước, đồng nhân, đồng quả! Và này Sumitta! Con chẳng bao giờ cản trở chí nguyện của chồng con đâu!

Kể đến ngang đây, đức Phật kết luận:

- Giàu sang, vương giả, địa vị, danh vọng, quyền lực và tiền bạc... như vậy không phải là điều kiện để mang lại hạnh phúc cho con người. Tình yêu thương không, chưa đủ, mà còn cần sự hiểu biết, thông cảm và tôn trọng lẫn nhau. Sumedha và Sumitta đã vô lượng kiếp nên duyên chồng vợ; và cũng từng ấy kiếp, Sumitta luôn sát cánh, chung vai với người bạn đời của mình thực hiện con đường vô thượng. Sumitta thuở ấy giờ là Yasodharā, còn Sumedha chính là Như Lai vậy.

Ai cũng xúc động. Riêng Yasodharā thì bồi hồi, rưng rưng giọt lệ, nhưng là những giọt lệ hạnh phúc. Hoàng hậu Gotamī khẽ ôm vai công chúa, thốt lên rằng:

- Đúng là như thế! Yasodharā luôn là như thế, kể từ đêm thái tử rời bỏ kinh thành. Chính công chúa tinh ý nên biết tất cả và đã âm thầm hỗ trợ cho thái tử ra đi theo chí nguyện của mình!

Mọi người cười vui, không khí đã trở nên đầm ấm, mát mẻ. Đức Phật chợt hỏi:

- Thế còn Nanda, Sundarī-Nanda cùng Rāhula ở đâu, không thấy!

- Sundarī-Nanda đã dẫn Rāhula đi chơi đâu đó ngoài hoa viên - Lệnh bà Gotamī trả lời - Còn Nanda thì ngày nào cũng cùng bên vị hôn thê của mình!

Khi đức Phật, tôn giả Sāriputta đứng dậy giã từ, đức vua Suddhodana ngỏ ý thỉnh ngài và tăng chúng đặt bát tại hoàng cung vào ngày mai!





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]