Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mẹ Tôi (sách)

16/10/201317:45(Xem: 19478)
Mẹ Tôi (sách)
HT_Thich_Minh_Tam_Me_Toi_2


Dâng Mẹ

Cảm xúc, chân tình, tha thiết, thành kính, Con xin mượn bài thơ “Dâng Mẹ” của HT. Thích Quảng Độ dâng lên hương hồn Mẹ. Con tin Hòa thượng sẽ hoan hỷ vì tâm trạng của Ngài giống hệt tâm trạng của Con.

MT

Bao năm rồi con lưu lạc ngàn phương,

Con nhớ Mẹ suốt canh trường khắc khoải.

Ơn dưỡng dục Mẹ ơi sao xiết kể,

Công sinh thành con nghĩ : quặn lòng đau.

Gốc mai già xơ xác đã từ lâu,

Chơ vơ đứng giữa trường đời gió lộng.

Dòng sông chảy : ấy đời con trong mộng,

Lững lờ trôi, trôi mãi đến bao giờ ?

Có những đêm con thiêm thiếp trong mơ,

Con mơ thấy hồn con về thăm Mẹ.

Được ấp ủ trong tình thương của Mẹ,

Mảnh hồn con ấm dịu biết bao nhiêu !

Bốn phương trời con tìm kiếm đã nhiều,

Nhưng không có một tình yêu của Mẹ.

Vu Lan đến, cõi lòng con quạnh quẽ,

Bóng người xưa như phảng phất đâu đây.

Một chiều thu lạnh dâng bát cơm đầy,

Tình nghĩa ấy, Mẹ ơi ! bao thấm thía.

Phương trời này con ngậm ngùi rơi lệ,

Đức cù lao muôn một trả chưa xong.

Thích Quảng Độ



Lời tái bản lần thứ ba

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Tôn Giả.

Thưa quý vị,

Có lẽ, trong thời gian qua, trong cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ dù chưa dư thừa với đa số, nên con người cần một cái gì đó về đạo đức tâm linh, muốn trở về nguồn cội, nên tưởng nhớ nhiều về tổ tiên ông bà mà gần gũi nhất là cha mẹ, anh em huyết thống.

Tập sách nhỏ này, tôi viết để tưởng nhớ mẹ tôi, nhưng may mắn trong cái riêng ấy lại hòa nhập được với cái chung của những tấm lòng hiếu kính. Do đó, rất nhiều người tâm đắc muốn có, muốn đọc, có người vừa gọi điện vừa khóc, tôi cũng chạnh lòng nhớ mẹ mà khóc theo, đa số qua điện đàm yêu cầu tái bản, vâng lời, tôi cũng cố gắng tái bản 2 lần rồi.

Trong dịp người đệ tử tôi là Trung Anh ở Úc về, cần một quyển để tặng BS. Đoàn Ngọc Tuấn, một người con rất có hiếu, mà tìm một quyển không có, rồi nhiều người khác muốn có để tặng cho bạn bè. Trước tấm lòng của những người thân thương như thế, nên tôi xin tái bản lần thứ 3 này gọi là chút đáp đền ơn tri ngộ, và cũng để nguyện cầu nhân ngày húy nhật lần thứ 22 của mẹ tôi.

Xin chân thành niệm ơn quý vị đã cùng tôi hòa nhập lòng hiếu kính mẹ cha vào với đất trời vạn loại.

Phật Ân tự, ngày 06/12 Mậu Tý

Minh Tâm


Lời đầu

Mẹ, chỉ một âm ngắn gọn nhưng thật cao cả, thiêng liêng.

Mẹ, không những chỉ là con người mà còn cả sông núi, cỏ cây, hồn dân, vận nước, bao trùm cả vũ trụ nhân sinh.

Những chữ “QUÊ MẸ, ĐẤT MẸ” thân thương lắm phải không ? Tôi nặng tình nhưng chỉ xin ấp yêu như bao người biết trân quí tình mẹ bao la ấy.

Ở đây, “MẸ TÔI” nghe riêng lẻ nhưng xin bạn xem đây là tiếng gọi chung vì ai trong chúng ta không là thân thuộc, không là anh em, không là gia tộc của nhau trong nhiều kiếp luân hồi, do đó mà chuyện tôi cũng là chuyện bạn và ngược lại.

Sáu (6) năm qua loạt bài này xuất hiện ở Phật Ân mỗi năm một bài và được nhiều độc giả thân thương hưởng ứng như một khích lệ kính yêu đầy cảm thông và hơn thế là một tấm lòng bao dung đồng cảm.

Giỗ thân mẫu tôi lần thứ 18, tôi in lại các bài này thành một tập để thân ái tặng những người thân thương, trước hết là trong gia đình Phật Ân và gia tộc Đoàn Đình, mong thêm một chút nữa trong mối tương giao đầy đạo vị.

Phật Ân tự, Vu Lan 2550

Minh Tâm


Mẹ tôi

Trích Phật Ân số 4

PL.2545 – DL.2001

Vu lan về con nhớ mẹ

Nhớ nhiều hơn ngày thường

Ngày ngày con nhớ mẹ

Nhớ cả một trời thương.

Trung Phong

Mấy hôm nay, lòng tôi ray rứt, đi dự lễ “Chúc Thọ” của một gia đình Phật tử. Tôi phát biểu rất hay, hay lắm, tôi cảm nhận như thế và mọi người cũng thấy như thế, nhất là gia đình chủ nhân, thấy họ xúc động đến rơi nước mắt và chính tôi cũng phải đưa khăn lau vội nước mắt nó cứ trào ra không kiềm chế được, mà làm sao kiềm chế được khi thấy những đứa con tóc đã bạc quỳ ôm gối người mẹ khóc sướt mướt không nói được nên lời dù chỉ một lời chúc ngắn gọn – làm sao không xúc động khi cả một gia đình trên dưới năm mươi người già trẻ, bé lớn, nam nữ thành kính quỳ lạy sống một bà cụ tóc trắng như bông, ôm đứa cháu nội vào lòng “con có thương nội không?” “con thương nội lắm!” “thương nội thì ráng học cho giỏi, trau giồi đức hạnh cho ngoan” “con cố gắng vâng lời nội” rồi bà cháu ôm nhau, hôn lên tóc, lên trán, lên má – gò má nhăn nheo của bà sát với gò má ửng hồng đầy sức sống của lứa tuổi sinh viên – thấy mà thèm, thèm quá tình thương của bà cháu, của mẹ con – nhìn lại mình, tôi thiếu, thiếu tất cả. Bà nội chết khi tôi mới lên năm, bà ngoại chết tôi ở Đồng Hới, xa nhà nên không gặp, lúc tuổi mới mười hai. Còn ông nội, ông ngoại chết lúc tôi chưa ra đời. Tôi thật quả vô phước, tủi buồn ! Thế mà có những người còn ông, còn bà, còn cha, còn mẹ thật diễm phúc, thật ấm áp tình thân gia tộc, thế mà, họ lãng quên, họ đánh mất, họ phụ rẫy, họ từ chối. Nghe đâu, một số người Việt Nam ta qua ở Mỹ, ở Pháp, ở Ý không cho ông bà gần cháu, họ hấp thụ nếp sống văn minh vật chất, họ sợ, sợ ông bà già lây bệnh cho con họ, lây cái già, cái yếu cho con họ, ông bà thèm ẳm, thèm nựng, thèm hôn cháu mình mà không được nên họ sống cô đơn, tẻ nhạt, buồn chán. Họ thèm sống tại Việt Nam – ở Việt Nam sống với bà con xa gần rất ấm áp – sống với làng với xã rất thắm tình, họ tìm được sự bình an khi đi chùa lễ Phật, tụng kinh bên thầy, bên bạn đạo.

Tôi càng nghĩ, càng ray rứt, càng nhớ mẹ, nhớ bà – nhớ những kỷ niệm bên bà, bên mẹ, không chỉ thuở ấu thơ mà đến lúc trưởng thành tôi cũng có quá nhiều kỷ niệm đẹp trong sự chăm sóc thánh thiện của mẹ, của bà.

Mẹ ơi !

Năm nay con đã 64 mùa xuân đi qua trong cuộc đời, con của mẹ đã già rồi phải không? Mỗi lần thấy mẹ của mấy điệu đến thăm, tình mẫu tử qua ánh mắt, qua nụ cười, qua sự vuốt ve thăm hỏi, con thèm quá mẹ ơi, có người bảo như vậy chúng nó khó tu, có thể – nhưng con thấy chúng nó rất hạnh phúc, có mẹ, còn mẹ thì cuộc đời có gì hơn nữa.

Mỗi lần, hằng năm đến ngày giỗ mẹ, trên bàn thờ bao giờ con cũng cúng mẹ một viên xà bông thơm, một lọ dầu xanh và một thỏi son nhỏ, ba thứ mà mẹ ưa thích nhất. Lúc sinh tiền con thắc mắc, mẹ bảo: “Viên xà bông mẹ dùng giặt khăn mặt và gội đầu trừ gàu ngứa, lọ dầu xanh đề phòng cảm mạo và nếm vào lưỡi một tí cho thông cổ hạ đàm đỡ ho và cũng đỡ hôi miệng – rồi mẹ cười, nụ cười của mẹ thật hiền từ bình dị – còn thỏi son, con thấy thây ma không? – và mẹ tiếp – nếu không điểm sơ một tí son nhè nhẹ, môi thâm đen hoặc trắng chợt như thây chết kỳ lắm”. Hiểu ra, con cũng cười với mẹ và rồi con cũng ghiền dầu xanh và xà bông thơm từ đó, các em Long, Uyển, Châu chúng cũng ghiền như con vậy – có điều, sau 1975 cho đến lúc mẹ qua đời, con không đào đâu ra tiền để sắm dâng mẹ các thứ đó nên mẹ thường thiếu dùng. Bây giờ, dầu xanh và xà phòng thơm con dư dùng thì mẹ không còn trên đời này nữa. Do đó mà mỗi lần đưa tay cầm đến hai thứ này, con nhớ mẹ quá nên chẳng dám dùng nhiều vì tự cảm thấy mình bất hiếu – chắc mẹ hiểu lòng con ! Thương nhỏ Đồng Phúc bao giờ giỗ bà nội nó cũng sắm ba thứ đó cúng nội đầu tiên dù chưa bao giờ thấy được bà nội. Chỉ có T. Thanh và bé Loan ở Mỹ, bé Lan ở Phan Thiết là được mẹ vuốt tóc khen ngoan nên chúng rất nhớ nội.

Mẹ ơi,

Phước duyên con rất lớn, con thường hãnh diện có được một người mẹ siêu tuyệt trong những người mẹ siêu tuyệt rất hiếm có trên đời. Thường thường, cha hát con khen, mẹ hò con ứng, nhưng trong trường hợp của mẹ và con nó không thường tình như người ta tưởng.

Con nhớ lần con chặt một ngón tay (1966) tại văn phòng Quận trưởng Phú Vang để phản đối quân đội Mỹ Thiệu đàn áp Phật giáo, mẹ đã đĩnh đạc đi vào giữa một rừng người trả lời câu hỏi của phóng viên Nhật Bản: “Nếu vì Đạo pháp và Dân tộc con tôi hy sinh cả thân mạng tôi cũng vui lòng huống gì chỉ một ngón tay thì chẳng thấm chi mô”. Mọi người đã ngạc nhiên lẫn thán phục và nhờ vậy mà con chẳng thấy đau đớn gì.

Đời con, lắm nghiệp chướng, nhất là nghiệp ở tù. Sống với bốn (4) chế độ, ở tù đúng bốn (4) lần. Thuở nhỏ, theo Việt Minh (Đội thiếu nhi văn nghệ kiểu mẫu chống thực dân Pháp): ở tù; năm 1963 – chống Diệm: ở tù; năm 1966 – chống Mỹ Thiệu: siêu ở tù; năm 1977 khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại cũng ở tù... Mẹ đã lo lắng, đau khổ vì con. Con đã có lỗi với mẹ nhưng mẹ biết con không có tội, mẹ đi thăm nuôi con đã khóc nhiều vì nhớ thương con nhưng khi người ta hỏi, mẹ đã thẳng thắn trả lời: “Con tôi vô tội nó chống Pháp vì yêu nước thì có tội gì? Nó chống Diệm độc tài gia đình trị thì nó có tội gì? Nó chống Mỹ Thiệu đàn áp Phật giáo, gây cảnh chiến tranh đau khổ cho dân, nó có tội gì? Nó chống đập phá tượng Phật, lấy chùa làm kho, nó có tội gì? Vô lẽ yêu nước, mến đạo, thương dân, chống bất công gian ác là có tội sao? Các Ngài cầm tù nó, tôi lo nuôi, các Ngài giết nó, tôi lo chôn. Tôi rất vui khi có được những đứa con như nó. Các Ngài hiểu mà thả nó ra tù, tôi cám ơn, việc nó làm đúng đắn tôi không ngăn cản, thế thôi”.

Trước mặt họ, mẹ cứng rắn, bản lĩnh là thế, nhưng khi gặp con, nước mắt mẹ lưng tròng, mẹ khuyên con giữ gìn sức khỏe, thường xuyên niệm Phật. Mẹ lặn lội từ Đà Nẵng vào tới Sông Cái (Ninh Thuận) để thăm nuôi con – giỏ thức ăn nặng trĩu, hai tay mẹ sưng vù. Từ xa, trên đường lao động về với các bạn tù, con đã nhìn thấy mẹ, lưng mẹ đã còng, mẹ ốm quá, con muốn chạy đến ôm chầm lấy mẹ, la lên thật to hai tiếng “Mẹ ơi”, nhưng, nội qui của trại cải tạo không cho phép, cán bộ quản giáo hôm đó, ông rất quý mến con, ông là cán bộ tốt, nếu con xin thăm mẹ vài phút, chắc chắn ông sẽ du di, nhưng con nhìn lại mình, eo ôi ! Áo quần rách nát, vá đùm vá đụp mấy trăm mảnh, tay chân bùn đất dơ dáy, vai vác một ôm cuốc to tướng, lao động về mệt lả – với cái tướng này mà để mẹ thấy chắc mẹ đau lòng lắm, mẹ sẽ không yên tâm. Bên lề đường mẹ chăm chăm nhìn từng người tù đi qua trước mặt, con biết, mẹ đang tìm con – con run lên vì cảm động, nước mắt con ứa ra, tim con như thóp lại, đi qua trước mặt mẹ con ngoảnh nhìn hướng khác, trun vai, rút cổ cho nó khác đi, sợ mẹ trông thấy – qua khỏi chỗ mẹ đứng, con hồi hộp liếc mắt nhìn lui và để cho nước mắt tự do tuôi chảy. Vào đến trại, con tắm rửa, lựa bộ quần áo đẹp nhất mặc vào, các bạn tù lại có dịp “chọc quê” : “Có mẹ thăm, sướng hí, tha hồ đồ ăn”. Con im lặng, cho người khác lãnh khẩu phần ăn trưa, trưa nay con gặp mẹ, con đâu cần ăn, đợi máy phóng thanh gọi tên để ra thăm nuôi – từng phút, từng giây dài như cả thế kỷ, rồi cuối cùng cũng được gọi tên, con cố giữ bình tĩnh khi gặp mẹ, cố giữ thái độ tự nhiên cho ra vẻ anh hùng, không để cảm xúc quá đáng, thường tình. Nhưng khi gặp mẹ, nhìn khuôn mặt nhăn nheo, mái tóc điểm bạc, ánh mắt cố dấu kín nỗi thương đau của mẹ – cả hai mẹ con, nhìn nhau, không nói được một chữ thứ hai, mẹ chỉ nói được một chữ “con” nho nhỏ, con cũng chỉ nói một chữ “mạ” cũng chẳng lớn hơn, rồi im lặng. Cả hai mẹ con đều đóng kịch, đóng quá dở, cho đến lúc thấy môi mình mằn mặn, mẹ lại cười, mà nước mắt mẹ cứ chảy – mẹ giễu con “Lớn rồi, gặp mẹ mà khóc, xấu lắm”, con cũng cố nói vui “Còn mẹ, già rồi mà gặp con cũng khóc”, mọi người chung quanh cười ồ, mấy ông cán bộ cũng cười – cả mẹ và con đều cười theo, nhờ vậy mới lấy lại bình tĩnh. Hôm ấy, ông cán bộ phụ trách tốt quá, ông làm ngơ cho hai mẹ con tha hồ mà thăm hỏi và hình như ông muốn tỏ ra công bình, ông nói lớn “Anh Tâm có bà mẹ ở xa, từ ngoài Đà Nẵng vào, và ba năm mới thăm nuôi một lần nên gia thêm thời gian, các trại viên khác hết giờ thì vào để gọi người khác”. Mẹ sung sướng cám ơn rối rít. Bây giờ con mới thấm thía cái câu: “Mẹ già chín chục, còn thương con bảy mươi”.

*

* *

Xách giỏ thăm nuôi của mẹ tuy có nặng nhưng không nặng bằng lòng con lúc này – con cứ tưởng tượng cái giỏ này con mới xách mấy trăm thước đã thấy ê tay. Vậy mẹ tuổi già sức yếu làm thế nào xách lên xe xuống tàu từ Đà Nẵng vào Phan Rang, từ Phan Rang lên gần Sông Pha – rồi từ Sông Pha vào trại cải tạo Sông Cái mấy chục cây số đường rừng, bụi bặm, nắng gió rát da, mẹ có phép tiên chăng hay chỉ là quả tim của mẹ ? Lòng mẹ cao vời vời – Lòng mẹ quá bao la – Tình mẹ quá ngọt ngào thấm sâu cả vũ trụ – thì Sông Cái với Đà Nẵng đối với mẹ chỉ là khoảng không gian quá ngắn phải không mẹ ? Soạn giỏ thăm nuôi của mẹ, con xúc động hơn khi thấy những thức ăn mà con ưa thích và chắc chắn do chính tay mẹ làm và những dòng chữ chính do mẹ viết “tương ớt để ăn với cơm, bánh cám ăn mỗi ngày hai cái cho khỏi phù thủng, muối đậu mè ăn cho có chất béo…” Cán bộ kiểm tra cũng phải buộc miệng: “Anh có được bà mẹ chu đáo quá, phước lắm đó”. Con hãnh diện: “Mẹ tôi, bà mẹ tuyệt vời trong các bà mẹ tuyệt vời nhất thế giới”.

Mùa Vu Lan 2545

Minh Tâm


Mẹ tôi

Trích Phật Ân số 5 & 6

PL.2547 – DL.2003

Mẹ tôi, chỉ có hai tiếng, viết nên hai chữ mà tâm tư bỗng chùng xuống, chùng xuống vì thương mẹ, nhớ mẹ mà mẹ đã không còn, mẹ không còn bằng xương, bằng thịt, nhưng gương mặt mẹ, tiếng nói mẹ, nụ cười mẹ, ánh mắt mẹ kể cả dáng đi, cách ngồi, thế đứng của mẹ không một chút phai mờ trong tâm thức của con !

Mẹ ơi !

Hai năm qua, giỗ mẹ lần thứ 14 và 15 con đã không cử hành như mọi năm, con đã chuyển hướng theo lời mẹ dặn “Đến ngày giỗ mạ, các con cháu chỉ cần thắp ba cây hương tưởng niệm là đủ”. Tuy vậy, các nghĩa tử của mẹ đã giỗ mẹ tại Từ đường (An Truyền), em Châu (con gái út của mẹ) và các cháu nội ngoại ở Đà Nẵng cũng có giỗ mẹ. Còn con, ngày đó (6/12) con đi cứu trợ đồng bào bị bão tại Từ Nham (Sông Cầu, Phú Yên) và hồi hướng công đức đó cầu siêu cho mẹ.

Thật ra, giỗ mẹ đơn giản con đã thực hiện ngay từ đầu, nhưng tình cảm thiêng liêng giữa con với các đệ tử xuất gia, tại gia, các pháp hữu, các đạo tràng, tự tâm họ nhớ ngày, tự động họ tổ chức, sắm lễ đến chùa “Giỗ mệ”, từ một thành hai, hai thành bốn và cứ thế mà lan ra thành cái lệ trong suốt hơn mười năm qua, con đã từng giải thích “Mệ chỉ là một Phật tử tại gia như bao nhiêu Phật tử khác, mến tôi, kính mệ xin quý vị góp lời cầu nguyện là quý lắm rồi, đừng sắm sanh lễ vật, mệ không hưởng mà chỉ thêm mang nợ mà thôi”. Vậy mà, ai cũng ậm ự rồi cứ… và cứ… Do đó, tránh không khỏi miệng đời, thế là con đành phải dời địa điểm “Giỗ mệ” về Huế, nhẹ nhàng, lặng lẽ, thanh tịnh.

Mẹ ơi !

Nói về mẹ, viết về mẹ, con không muốn tìm sáo từ để ca tụng mẹ “Thừa” và điều đó tối kỵ với mẹ, với con và với bất cứ ai có một chút tự trọng, vậy mà bao ký ức về mẹ lại dồn dập kéo về trong trí nhớ của con.

Theo lời ngoại kể, trong mười hai (12) lần sanh thì con và Diệu Uyển có hiện tượng đặc biệt hơn cả. Thường thường, người mẹ rất đau đớn khi “chuyển dạ” trước khi sanh con. Riêng con, mẹ không đau đớn gì cả mà chỉ nhức mỏi ở chân, gần một giờ sau thì con ra đời đúng 5 giờ sáng (cuối giờ Dần), ngày 15/10 năm Mậu Dần (thứ ba, ngày 06/12/1938). Ngoại thường mắng yêu “Mi là cái thằng nghịch ngợm nhất nhà, trước khi ra đời dè đôi chân của mẹ mày mà nhéo” – còn em Uyển, con nhớ rất rõ : đúng ngày cưới anh chị Thuyết (Giờ Mão, ngày 25/09 năm Bính Tuất (1946)). Mẹ trang điểm rất đẹp với tư cách bà mẹ đi cưới vợ cho con (tại làng Hà Trử) trước giờ nộp lễ, mẹ cũng chẳng đau đớn gì, khi bước từ đó lên đường thì em Uyển oa oa rớt xuống ruộng nước, và cũng không rõ vì sao từ đó cả nhà đặt cho nó một cái biệt danh là “Óc ne tai thỏ, ngồi chò hỏ sau nương (vườn)” và lối sống của nó dễ thương nhất trong bảy người con gái của mẹ.

Mẹ ơi ! con ghi điều này để thấy rõ phúc duyên của mẹ con chúng ta, vì cả nhà ta ai cũng theo Phật, tin Phật nhưng tín tâm không bằng được ba mẹ con mình. Mẹ là đệ tử của Hòa thượng Trí Thủ lại được quý Hòa thượng Trí Nghiêm, Huyền Quang, Thiện Siêu và Bổn sư của con kính mến dù mẹ chỉ là một tín đồ nhưng tín đồ rất thuần thành, nhiệt tâm với Phật sự. Còn Uyển, nó cũng có nhiều diễm phúc, trước khi lìa trần được trên hai mươi vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, chứng minh lễ thế phát xuất gia, hộ niệm khi nhắm mắt, tang lễ được tổ chức ở chùa, gần cả trăm tăng ni hộ niệm suốt thời gian tang lễ – vậy đó, con ghi vài dòng để thấy phúc duyên của mẹ con mình với Tam bảo và những hiện tượng tốt khi chúng con chỉ là một thai nhi mới lọt lòng.

Ký ức về mẹ thì quá nhiều, vì đời con xuất gia theo Phật, làm việc Phật, được Phật che chở, trong đó ảnh hưởng và công lao của mẹ rất lớn.

Thuở nhỏ, mẹ và bà ngoại thường khuyên dạy chúng con không được ăn thịt trâu, thịt chó, mẹ giải thích “Chúng là hai loài vật rất có công, hữu ích và rất trung thành với chủ”.

Lớn lên, con mới thấy, mới nhận rõ lời khuyên của mẹ, con chứng kiến tận mắt một chú chó ở Rạng (Phan Thiết) chủ đi vượt biên năm 1975 để lại chú chó trên bờ biển vì không thể đem theo được, hằng ngày chú chó cứ nằm bên bờ biển, mắt dõi trông ra khơi, nhịn đói, nhịn khát, nước mắt chảy dài cho đến chết đói bên gốc dừa, con đã không cầm được nước mắt với nó và không biết chủ của nó qua bên Tây bên Mỹ, bơ sữa dư thừa có còn nhớ đến chú chó trung thành đã chết đói vì nhớ thương chủ ! Các nước Âu Mỹ người ta cũng rất thương chó, chăm sóc chó, có bệnh viện cho chó, có những cuộc thi chó đẹp, chó khôn, chó làm trò v.v…

Ở Việt Nam chú chó của cụ Phan Bội Châu cũng trung thành chết theo cụ, người ta phải lập mộ, dựng bia ca ngợi và chôn nó gần mộ của cụ. Thế mà có người giết chó, nướng chó, thui chó, nhậu thịt chó không một chút từ tâm, thật tội cho loài chó ! Mẹ thường nói vậy.

Trong kinh đức Phật có dạy “khi lục căn thanh tịnh tiếp xúc với lục trần sẽ không bị nhiễm ô”â. Mẹ có được Tỷ căn (khứu giác) khá đặc biệt.

Một lần mẹ dẫn con lên Thành phố Huế, đi ra khỏi nhà chưa quá 100 mét, mẹ đứng lại rồi quay nhanh vào nhà, tỏ vẻ rất khó chịu rồi nói “Thịt chó, họ giết chó trên kia, không đi qua đó được” con thất vọng vì không được đi Phố nhưng ngạc nhiên hơn là con chẳng thấy, chẳng nghe mùi vị gì cả. Tò mò, lần theo đường làng, dọc bờ kinh (hói) đến làng Truyền Nam, một làng nhỏ mà muốn lên Huế, người làng An Truyền phải đi qua làng này, thì quả nhiên con thấy người ta đang làm thịt chó dưới bến. Con chạy về hỏi, thì mẹ trả lời là “Từ nhỏ, bất cứ ở đâu, ai làm thịt chó trong phạm vi hơn 1 km đường kính mẹ điều biết qua tỷ căn và rất khó chịu, phải tránh xa gần cả cây số mới khỏi bị ói”. Con ghi điểm đặc biệt này về khứu giác của mẹ thật quá tinh tường hay nhờ thiện căn quá khứ và cái thiện tâm của mẹ đối với loài chó trong hiện tiền.

Mẹ thật quả là một bà mẹ tuyệt vời đối với chồng, với con cái.

Con làm sao quên được, ba con, một người ăn chơi nổi danh xứ Huế, là một thành viên của Hương Bình Thi xã mà cũng là hội viên hội đa thê, công khai đem về nhà hết bà này đến cô nọ, mẹ lo phục dịch ăn uống không một chút tỵ hiềm, ghen tương, ai đề cập đến vấn đề này, mẹ cười “vợ chồng là duyên nghiệp, đã một tá con rồi chưa đủ khổ sao còn ghen tương để chuốc thêm cái khổ”. Thế mà ba con chưa bằng lòng, đôi lúc đánh đập mẹ nữa, chúng con thương mẹ, chỉ biết khóc, còn mẹ, mẹ cười qua nước mắt: “Nghiệp mạ, mạ lo trả, mạ không oán trách, các con cũng vậy, Phật dạy, cuộc đời sướng khổ do mình, muốn gia đình êm ấm thì phải biết hi sinh và chịu đựng nghịch cảnh”. Chúng con gượng vui cho mẹ yên lòng.

Năm 1951 tản cư, chạy giặc về, chúng con đói khổ, mẹ đi năn nỉ vay mượn từng lon gạo về trộn với lá môn, rau lang, củ chuối nấu nhừ như cháo cho heo ăn, phát mỗi đứa một chén, không đủ no, mẹ lại nhịn phần cho chúng con, chúng con lại nhường cho mẹ, mẹ con nhường nhau, nhìn chén cháo rau đẩy qua đẩy lại, tám mẹ con một chén cháo, các chị con tủi thân ôm mặt khóc, còn mẹ, mẹ lại cười mà đôi mắt mẹ đỏ hoe, nước mắt chảy xuống má, mẹ bảo: “Thôi, các con phải nghe mạ, con Trang, Điểm, Diệm chuẩn bị đi mót lúa, còn chén cháo ba đứa Phúng, Điệp, Long chia ra làm bốn, ba anh em ăn mà đi học, một phần cho Uyển, mạï còn no”.

Mẹ ơi, mẹ ăn gì đâu mà no ? Mẹ thấy chúng con còn đói, còn thèm, mẹ nhường ! Ôi, chén cháo rau lưa thưa một ít gạo, mẹ cũng nhịn cho chúng con, nhìn mẹ, chúng con biết mẹ đang đói, mẹ ốm, mẹ xanh xao, gầy guộc, sức mẹ yếu, mười hai lần sinh nở, bồng con chạy giặc, phục vụ gia nương, suốt đời con chưa thấy mẹ thong thả, lo đứa này đến đứa khác, mẹ khổ suốt đời, có lẽ, không ai thông cảm nỗi khổ của mẹ bằng con, mấy chị con đi lấy chồng sớm, mẹ ráng sức cho ba đứa con trai ăn học, con phải nghỉ học sớm để giúp mẹ: sáng gánh hàng xuống chợ để mẹ bán, trưa lên mở quán hớt tóc, chiều gánh nước nấu cơm, tối đạp xe đi học, rồi mở lớp dạy thêm kiếm tiền giúp anh Phúng và em Long tiếp tục học, thấy vậy mẹ không đành, mẹ từng vuốt tóc con an ủi cảm thông, trong ba đứa con trai, con thiệt thòi nhất, nhưng bù lại con giúp được mẹ chút chút khó khăn nên con rất an tâm và hãnh diện, nhưng sống trong bốn chế độ con bị đủ bốn lần tù làm mẹ đau khổ không ít. Anh Phúng đau mấy trận, mẹ con mình lo, Long cũng bao lần đại nạn mẹ con mình cũng gánh vác cùng với hai người dâu, nhưng cuối cùng cũng đành chia ly vĩnh biệt.

Bây giờ, mười tám đứa cháu nội con Phúng và Long không rõ chúng nó có nghĩ, có nhớ gì về Bà nội đã suốt đời chịu đựng và hi sinh cho ba của chúng. Còn con, kiếp Tu sĩ không nhà, không vợ con, luôn niệm câu “Bát Nhã” và vì vậy, Vu Lan về con không cài hoa trắng mà cũng không có hoa hồng, các em Gia đình Phật tử cài hoa vàng cho con, màu vàng của chiếc y giải thoát. Vậy mà bao giờ cũng thế, khi cầm nhang cầu nguyện, hoặc khi lên Pháp tòa, sau khi nhớ Phật, niệm Phật xong, con vẫn nhớ mẹ và thầm gọi “Mẹ ơi !” vì mẹ cũng là Phật, Phật trong con. Phải không mẹ.

Mùa Vu Lan 2547

Minh Tâm


Mẹ tôi

Trích Phật Ân số 7

PL.2548 – DL.2004

Sửa bài cho mấy chú điệu, tôi đọc một bài thơ của chú T.G viết để nhớ mẹ của chú đã chết trước đây hai năm. Không rõ cái duyên như thế nào, suốt đời của chú và tôi chưa biết, chưa quen, chỉ nghe nói và cũng chỉ nghe mấy cuốn băng giảng của tôi, mẹ T.G mong ước gặp tôi trước khi chết vì bệnh quá nặng. Ở cách nhau quá xa, lại chưa gặp lần nào nên cũng khó. Thế mà, trong dịp tôi lên Buôn Ma Thuột để giảng lễ chúc thọ mẹ của Trung Nhật (đệ tử tôi) nên tranh thủ nhờ mấy Phật tử dẫn đến thăm. Nhà T.G cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 15 cây số. Dù đang bệnh nặng, Võ Thị Sương nghe tôi đến, ngồi dậy như người khỏe mạnh, “Mô Phật, con mừng quá Thầy ơi, đột xuất Thầy đến thăm, con toại nguyện rồi, không hiểu sao, chưa quen chưa biết chưa gặp Thầy mà con cứ mong gặp Thầy trước khi chết, nay con đã toại nguyện”. Qua vài lời thăm hỏi, an ủi, khuyến khích Sương niệm Phật và ý thức vô thường nằm trong định luật sinh lão bệnh tử.

Tôi hỏi: “Con muốn gặp Thầy có ý nguyện gì không?”. “Có – Sương trả lời – con mong Thầy cầu siêu cho con và giúp con nuôi thằng Út”. Tôi cười, “Cầu siêu cho con thì được, còn nuôi thằng Út, cái đó còn tùy nghiệp duyên”. Tôi không nỡ từ chối mà cũng không dám nhận lời vì mấy năm qua tôi không còn nhận điệu. Tôi trở về chùa thì mấy hôm sau Sương chết, bà ngoại và cậu nó đem T.G về xin cho nó tu. Đã hơn hai năm, hôm nay chùa làm báo, nó làm bài thơ “Nhớ Mẹ”. Hình ảnh mẹ nó cận tử nhất sanh chẳng lo cho bản thân mà lo cho đứa con út sợ không có nơi nương tựa, mong gặp tôi để gởi gắm mới yên lòng nhắm mắt. Ôi! tình mẹ cao quý, tình mẹ bao la, vì thế, tôi lại nhớ mẹ tôi, tự kiểm điểm bản thân, suốt đời làm cho mẹ vui thì ít mà buồn phiền, lo nhọc thì nhiều, tôi cảm thấy bất hiếu dù không chủ tâm. Bà ngoại tôi kể lại: “Lúc nhỏ mày bụ bẫm, khôi ngô, đau một trận gần chết, mẹ mày mất ăn mất ngủ bồng đi bác sĩ, gặp Bác sĩ Sa, ông ta không có con, muốn nhận mày làm con nuôi ông ta mới chữa, mẹ mày phải lạy lục xin ông ta chữa, nhưng không chịu xa con. Cảm động, ông ta chữa cho mày sống lại. Mẹ mày mừng quá đã quỳ lạy ông ta thật sự”. Mẹ ơi, vì con mẹ đã lao nhọc lại còn quỳ lạy người ta để cứu sống mạng con. Con hình dung cái cảnh mẹ vì con mà quỳ lạy thiên hạ cũng đủ đo lường tình thương của mẹ đối với con cao cả đến chừng nào!.

Năm 1966 hình ảnh mẹ theo nhỏ Tôn nữ Huệ giả làm bà đi cấy, ra tận đồng Phổ Minh mà thăm con tại nhà bác Mạnh khi con và Phan Văn Diên trốn Thiệu Kỳ ở đó, Diên nó cười chọc quê “bà cụ trắng trẻo, thanh nhã như hoàng hậu mà giả làm dân đi cấy, nhìn chẳng giống tí nào, rứa mà cũng lừa được mấy đứa Công An Thiệu Kỳ, cũng lạ”. Diên nó đã đánh giá trật lất vì sau đó nhà bác Mạnh nơi tôi trốn bị động, may có nhà bác Đính bên kia sông qua đó con mới thoát nạn.

Đời con bao nhiêu lần tù là bấy lần làm mẹ khổ, mẹ lo, mẹ nhớ, mẹ lặn lội đi thăm, mẹ tìm cách hối lộ cho Công an, cho cán bộ để được thăm, được gặp mặt, để xem con ốm hay mập, có bị tra khảo đánh đập gì không! Ăn uống thế nào?

Những thức ăn mẹ bới cho con chính tự tay mẹ làm, ở nhà con thích thứ nào thì mẹ làm và bới cho con thứ đó, tương ớt mẹ làm thật ngon, mẹ pha chế tài tình, cái hương vị thơm, cay, ngọt, mặn, béo hòa lẫn vào nhau, người khó ăn thế nào khi nếm vào cái lưỡi cũng thấy ngon đáo để. Chè kê, chè đậu xanh mẹ nấu thì tuyệt vời, dù cái bụng đã đầy mà cái miệng vẫn còn muốn ăn tiếp, muối mè muối đậu mẹ rang thì thơm phưng phức, đứng xa mấy chục thước nước miếng cũng nhiễu ra, đặc biệt canh mướp đắng (khổ qua) mẹ nấu, mẹ xắt mỏng như lá lúa, để vào miệng thì nhai đã tiếc mà nuốt chẳng đành lòng, sợ nuốt nhanh uổng đi cái hương vị đăng đắng, thơm thơm của những hợp chất gia vị.

Khi con đi tu, mẹ vui mừng khuyến khích. Khi đã lớn mặc dù gần 50 tuổi, đã là Giảng sư, Thượng tọa, mỗi lần về thăm nhà, mẹ vẫn coi con như trẻ nhỏ lên ba, mà chính con, khi gần mẹ, con cũng cảm thấy mình còn nhỏ, còn quá nhỏ. Mẹ nấu bồ kết gội đầu cho con, bàn tay nhăn nheo của mẹ vò cái đầu không tóc của con nó êm ái, nhẹ nhàng như bàn tay của Phật, con tưởng tượng như thế vì với cái tuổi gần 50 và vị thế như con ai dám sờ đầu, chỉ có Phật, chỉ có mẹ vì mẹ là Phật của con. Khi con ăn cơm, mẹ ngồi một bên khuyên bảo “đi đường mệt, gắng ăn một chút rồi đi nghỉ”, “rau mạ rửa đó con”. Mẹ biết tính con sạch sẽ, rau ăn phải lặt và rửa kỷ, mẹ nói để con yên lòng mà ăn cho ngon miệng, vì chỉ có mẹ, mẹ lặt rau, mẹ rửa rau, mẹ vo gạo thì con tin tưởng tuyệt đối, dù chị, dù em gái cũng thương, cũng lo, cũng sạch sẽ nhưng làm sao bằng mẹ được!

Mẹ là con nuôi của cụ Nguyễn Thượng Hiền (một trí thức yêu nước) nên mẹ rất giỏi về nữ công gia chánh, mấy người con gái mẹ truyền thụ đã đành, ba thằng con trai mẹ cũng bắt học làm bánh, làm mứt, thêu thùa, may vá, nấu ăn, có lúc ham chơi, con bất bình vung văng thì mẹ cười dịu dàng bảo “Mạ biết, con là con trai, không muốn học cái việc của đàn bà, nhưng con phải biết để sau này dạy vợ dạy con, để vợ con nó nể, hơn nữa biết thêm để phòng khi cần, tự lực tự lo có hại gì đâu!”. Anh Phúng con thì quá giỏi, mẹ làm gì anh học qua là biết, còn con, cố nghe lời mẹ nhưng cái tính xắc lắc, lười biếng đôi lúc làm mẹ buồn. Con muốn chơi đá bóng, mẹ bảo chạy đuổi giành nhau như vậy lỡ gãy tay gãy chân, dù rất muốn con cũng không dám, con học đàn, mẹ bảo sợ đau tim, con học thổi sáo, mẹ bảo hao hơi và ma nó dụ, con biết mẹ không cấm nhưng mẹ hạn chế để chúng con đừng ham mê mà bỏ học. Điều đặc biệt ở mẹ là tôn trọng con cái và coi bạn bè của con như con nên bạn bè của chúng con đều xem mẹ như Dưỡng Mẫu, rất mực yêu thương và khi mẹ qua đời con chưa kịp về thì chính những vị này đứng ra lo tang lễ của mẹ rất chu đáo, như anh chị Nhu, anh chị Hoài, Tư (Cự Lại) Ty, Cúc, Nhạn ở Diên Trường, và cho đến bây giờ các anh chị đều có thờ và giỗ mẹ hằng năm. Một chân tình chung thủy mà con rất trân quý. Tình thương của mẹ dành cho con cũng có phần vượt trội hơn các anh chị em trong nhà, nhưng không có ai đố kỵ vì mẹ xử sự rất công bằng, mẹ thường dạy “thằng Điệp nó chịu thiệt thòi, nghỉ học sớm để cùng mẹ lo việc gia đình, giúp Phúng và Long ăn học, nó gánh vác công việc và lo cho gia đình tụi bây, có gia đình đứa nào mà nó không lo đâu? Đời nó làm lụng vất vả từ nhỏ đến lớn, bây giờ lại độc thân không ai chăm sóc, như tụi bây có chồng, vợ, con cái, dù sao vẫn ấm áp hơn nó”. Do đó, con ở và làm việc bất cứ nơi đâu mẹ cũng tìm đến coi chỗ ăn, chỗ ở, chỗ làm việc của con, mới yên lòng. Tháng nào mẹ cũng gởi thư thăm hỏi, nhắc nhở “gắng lo ăn, uống, ngủ, nghỉ có điều độ, bảo vệ sức khỏe, làm việc vừa phải để bảo vệ Dân tộc và Đạo pháp lâu dài, nhất là đừng ngã mạn tự cao, đừng gây thù kết oán, ở cho người ta thương, đi cho người ta nhớ, đừng lo nghĩ chi cho mạ, mạ còn khỏe và vẫn có tiền của tiêu xài…”. Có những lúc mẹ bệnh vẫn không cho Long, Uyển, Châu tin cho con biết, sợ con lo mà sinh bệnh hay lơ là Phật sự, khi mô mẹ chết mới được tin, còn hấp hối cũng đừng nhắn.

Khi con ở Cam Ranh, Tuy Hòa, Phan Thiết mẹ đều có đến nơi thăm vài hôm rồi về. Khi mẹ về rồi con mới biết là mẹ đã đến quý Ôn, quý Thầy và những Phật tử quen thân gởi gắm, nhờ họ chăm sóc khi con đau ốm hoặc tiếp tế những thức ăn mà con ưa, mẹ làm như con là những học tăng khờ dại, con nít, không tự lo được cho mình! Con thấy mẹ lo lắng như thế, con chỉ cười, bây giờ con mới thấm thía nỗi lo của mẹ, con thấy hạnh phúc tràn đầy, thì mẹ ơi, mẹ đâu còn trên đời này nữa để con nói được vài chữ niệm ơn mẹ!

Trong những ngày mẹ con mình nuôi anh Phúng bị bệnh, hai lần mổ ở bệnh viện Nha Trang, một lần ở bệnh viện Chợ Rẫy, con thì thức trắng đêm gần sáu tháng trường, chị Phúng lo ngoại giao ơn nghĩa với Bác sĩ, còn mẹ, ngồi còm lưng gọt từng củ khoai tây, canh từng hạt gạo nấu cháo cho anh Phúng. Hình ảnh mẹ năn nỉ bảo vệ để vào cổng, người gác thang máy để được bới xách, có lúc xách cháo lên cầu thang, đi lên mươi bậc cấp mẹ vịn cầu thang đứng thở hổn hển rồi tiếp tục từng cấp một rất khó nhọc. Đến phòng thì mẹ ngồi thở dốc, duỗi chân ra bóp nắn cho đỡ mỏi, mặt tái nhợt vì mệt, ngày này qua ngày khác, chị Từ, anh Thuyết cũng phải phàn nàn “dì già rồi, để mấy cháu nó lo cho, lỡ đau ốm thì khổ”. Mẹ cười “các cháu còn dại, không chu đáo, dì già, chết không sao, chứ em nó còn trẻ, con đông, nếu có mệnh hệ gì lũ con nó khổ” mắt mẹ lại đỏ hoe, nước mắt chảy ra trào xuống đôi má nhăn nheo của mẹ, chị Từ cũng mủi lòng khóc theo. Vậy rồi, anh Phúng cũng qua đời, mẹ lại khóc luôn mấy tháng, chưa nguôi, thì em Long ngã bệnh, mẹ con mình lại chăm sóc nuôi bệnh, Bệnh viện Đà Nẵng đầu hàng, ra Huế tìm thầy thuốc hay, bác sĩ giỏi, mượn máy móc về nhà, kể cả việc mời anh Ngạn (đã tự vận hơn 40 năm) xin giúp (cầu hồn) nghĩa là “hữu sự vái tứ phương” mê tín mẹ cũng ừ, dị đoan mẹ cũng chịu, miễn hy vọng con mẹ còn sống thì việc gì mẹ cũng làm.

Bây giờ đọc Kinh Báo Ân mới thấy thấm thía lời Phật dạy.

Em Long chết, mẹ lại khóc, lại buồn, lại đau, lại bệnh. Chỉ 1, 2 năm sau thì chị Trang lại qua đời. Thế là chín đứa con đã bỏ mẹ mà đi, đi vĩnh viễn. Mẹ lại thư cho con “Điệp ơi, đã 9 đứa bỏ mạ mà đi, còn một mình con, hai em út con, Uyển và Châu còn dại, con gắng giữ gìn sức khỏe, đừng để mạ chết không ai chôn” thư nào cũng vậy, mẹ đều lo cho sức khỏe của con. Mẹ lặn lội vào tận Long Thành để xem cái chỗ con ở, Mẹ với bà Mười tâm sự, nhìn cái chòi, (gọi là cái cốc) vách đất lợp lá, mẹ lại phàn nàn “nhà cao cửa rộng không ở, phố thị không tới lại đục vô cái rừng cao su này, lỡ đau ốm mần răng” rồi mẹ lại cười “Thôi cũng được, Phật đã bỏ ngai vàng vào rừng tu mới thành đạo, con bắt chước Ngài mạ không dám nói chi, nhưng khi mô đau ốm nhắn cho mạ biết”.

Mẹ về Huế, lại gởi thư vào, lại nhắc nhở, lại đòi gởi tiền vào cho con tiêu, thư của mẹ con còn giữ lại nguyên cả chồng, nhưng không dám mở ra xem lại, chắc mẹ hiểu lòng con, con chỉ để lại để nhắc nhở mình, để nhớ mẹ, để thấy cái phúc báo của con, để thấy một bầu trời cao rộng của mẹ, một bể cả mênh mông trong quả tim của mình, là hơi thở ấm nồng tình mẫu tử trong chồng thư ấy.

Rồi sau này, trao lại cho bầy con anh Phúng, cho Minh Trí thằng cháu đích tôn của mẹ, à, Trí nó đã chết mấy tháng trước đây, nó có đi tìm bà nội? Nó còn thằng Minh Mẫn đích tôn của anh Phúng. Lễ chung thất Minh Trí, con làm lễ Giải Oan Bạt Độ, Chẩn Tế Cô Hồn, cầu cho cả dòng họ. Cháu Hạnh biết nghe lời, thương chồng, con bảo sao nó nghe vậy, cả bầy em của Minh Trí đã lớn, đã hiểu biết, nên sống rất có tình. Tội chị Phúng, thương con, khóc như dại, ốm xanh, có lẽ bây giờ chị mới hiểu, mẹ mất anh Phúng như chị mất thằng Ty, lũ cháu mất anh mới hiểu nỗi lòng của chú nó. Minh Mẫn rất dễ thương, lễ trai tăng nó đọc bài tác bạch, các Ôn các Thầy đều rất cảm động… rồi còn Đình Luyện, Tiên Sa, Lủy, Lập, anh Dũng, Đức Tâm, Linh, Chí Thiện….. Còn con, chùa là nhà, Thầy tổ là cha mẹ, bổn đạo là bà con, đệ tử là con cháu. Con có cả đại gia đình, đại gia đình là Phật giáo. Nhưng mỗi lần nhớ đến mẹ con vẫn thấy thiếu, thiếu cái khó tìm nhất là thiếu mẹ, mỗi lần như thế con chỉ biết niệm Phật, mầu nhiệm thay, niệm Phật là con thấy an lòng, niệm Phật là con bớt nhớ mẹ, niệm Phật là con cảm nhận như mẹ ở bên con, mẹ còn đó, mẹ mãi mãi sống với con. Nhớ Phật là có mẹ, nhớ mẹ là con niệm Phật.

Vu lan về

Con niệm Phật.

Con niệm Phật

Để nhớ mẹ của con.

Mùa Vu Lan 2548

Minh Tâm


Mẹ tôi

Trích Phật Ân số 8

PL.2549 – DL.2005

Một điều kỳ lạ, khi cầm viết để viết bài này mới viết được hai chữ “Mẹ tôi” thì người trực điện thoại ở chùa báo tin có Đồng Phúc gọi gấp (vì an cư thì chùa cắt điện thoại, chỉ khi cần thiết lắm mới găm vào để liên lạc). Tôi vẫn giữ lập trường không nghe, không gọi, nhưng người trực lại báo tin “Chị Phúc báo là Long (con trai của Phúc) đang hấp hối”. Tin bất bình thường này, tôi phải cầm máy. Nghe tiếng tôi Phúc chỉ nói được hai tiếng “Thầy ơi” rồi khóc nức nở trên điện thoại không nói được chữ thứ ba. Nỗi đau của người mẹ khi thấy con sắp chết…Thế là hình ảnh mẹ tôi lại kéo về trong ký ức, khi mẹ tôi chứng kiến cảnh những người con đã bỏ mẹ tôi mà đi trước, đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Đồng Phúc chỉ có một người con trai duy nhất là Long, con một, dù không thấy, tôi cũng hình dung được nỗi đau xé lòng của Phúc, tôi thấy không đủ sức khuyên giải Phúc lúc này. Tôi bảo Phúc trao máy cho Hưng (em Phúc) để tôi nói chuyện… để máy xuống, tôi lại thẩn thờ vì nhớ mẹ, thương Phúc.

Mẹ tôi 12 lần sinh và chứng kiến 9 cái chết của 9 đứa con (4 trai 5 gái) và khi mẹ tôi mất chỉ còn 3 đứa (1 trai, 2 gái). Hầu hết, anh chị em tôi chết vì bệnh và đều chết trước sự chứng kiến của mẹ tôi, chỉ trừ chị ba là mẹ tôi không thấy.

Tôi nhớ rất rõ, mỗi lần có chị em tôi chết mẹ tôi thẩn thờ như người mất hồn, hầu như không còn nước mắt, thỉnh thoảng, bà chỉ gọi hai tiếng “con ơi” rồi bất tỉnh, cả người lạnh ngắt, nhiều lúc tôi cũng hoảng hốt tưởng mẹ tôi đã tắt thở, phải lấy dầu thoa bóp tay chân, có lúc phải làm hô hấp nhân tạo mẹ tôi mới tỉnh lại, mẹ tôi đau khổ nhất là cái chết của anh Phúng và em Long vì hai người này mẹ tôi đã săn sóc nuôi bệnh mỗi người trên 6 tháng rồi cũng bỏ mẹ tôi mà đi, nên nỗi đau của mẹ tôi tăng lên gấp bội. Tôi muốn nói với hai đàn cháu nội của mẹ tôi là con Phúng và Long rằng : “Bà nội của chúng nó suốt đời vì chồng, vì con, vì ba nó và vì hai đàn cháu nội mà bà đã gánh chịu quá nhiều oan trái, đau buồn”.

Hình ảnh của mẹ tôi ôm thằng Ty (Minh Trí) và được ôn Trí Quang chở đi bệnh viện, một diễm phúc cho cả bà và cháu. Rồi hình ảnh mẹ tôi, 1975, ôm thằng Rớt (Tiên Sa) theo tàu Hải quân di tản từ Đà Nẳng vào Nha Trang và nó chỉ sống nhờ nước miếng của bà nội và phải chăng nhờ cái lộc đặc biệt ấy mà Rớt bây giờ mập mạnh, to béo nhất nhà! Khi chạy giặc mẹ Rớt (em dâu tôi) đã rớt nó trên bãi biển Tiên Sa Đà Nẵng, nên gọi nó là Rớt và đặt tên Tiên Sa để kỷ niệm. Bà nội làm bà đỡ rồi ẳm nó chạy xuống tàu, lạc mẹ, nó không sữa, không hồ, chỉ nhờ nước miếng, thế mà nó vẫn sống được, mẹ tôi thường nhìn nó mà cười “cái thằng Rớt trời đánh cũng không chết mô”.

Riêng tôi thì quá tệ, dùø được mẹ tôi thương và cảm thông cái nghiệp chướng của mình, tôi vẫn thấy mình là người bất hiếu vì trong cuộc đời tôi làm mẹ vui thì ít mà buồn thì nhiều.

1963, khi biết tôi đang bị Tổng Thống Diệm giam ở Đà Nẵng mẹ tôi đã vào tận nơi, xin thăm nuôi mà không được, rồi tìm cách đút lót (hối lộ) cho công an trại giam gởi cho tôi một hủ chè đậu xanh đánh, chỉ cần nhìn hủ chè là biết ngay mẹ tôi nấu, cái hương vị không tìm đươc ở người thứ hai nấu như thế. Tôi đã trở thành một tên tham ăn và ích kỷ khi dấu kỹ hủ chè và lén quẹt từng miếng mà thưởng thức không cho ai thấy vì sợ họ xin hoặc ăn vụng, một hủ chè mà tôi ăn gần bốn ngày mới hết, vì đâu dám ăn nhiều, mỗi ngày chỉ vài quẹt để tận hưởng niềm hạnh phúc lớn lao của tình mẫu tử.

Một bữa, công an dẫn tôi lên phòng hỏi cung, khi trở về anh ta dẫn tôi đi vòng theo bờ thành rào và đi rất chậm. Thấy lạ, tôi chú ý, thì ra, mẹ tôi đang lấp ló ngoài rào và đang dán mắt vào cái khoảng cách nho nhỏ của các tấm lam. Mừng quá, tôi gọi nho nhỏ :

- Mạ !

Mẹ tôi cũng chỉ nói nhỏ tiếng “con” rồi lau nước mắt.

- Sao dẫn nó đi ngõ đó?

Tiếng một tên công an đứng trong nhà hỏi vọng ra, tên công an dẫn tôi đi trả lời :

- Dẫn nó đi tiểu.

Hiểu ý, tôi vờ ngồi xuống, như đàn bà, và nói nhỏ :

- Không sao, con vẫn khỏe, họ không đánh đập gì cả mạ đừng lo.

Mẹ tôi cũng nói nhỏ :

- Để mạ nhờ các anh lo cho con ra”.

- Xong chưa ? Đi vô.

Tên công an ra lệnh, tôi đứng dậy nói to :

- Xong rồi.

Tên công an đến gần tôi nói nhỏ :

- Bà cụ đứng ngoài đường khóc lóc đã ba ngày, tôi không đành lòng mới cho thấy anh, chỉ tiếc, tôi không có quyền.

Tôi lại cám ơn. Sau khi ra tù tôi mới biết vợ người công an là một Phật tử đã thuyết phục chồng giúp đỡ bày cách cho mẹ con tôi gặp nhau như thế.

Khi mẹ tôi trở về, nhờ mấy người anh có chức lớn trong chế độ Diệm nhưng không có quyền vì không chịu theo Chúa hay vào Đảng Cần Lao do đó không đem tôi ra khỏi tù được.

Năm 1966, khi cuộc tranh đấu của Phật Giáo đến giai đoạn quyết liệt, Phật Giáo đem bàn thờ ra đường, bị xe quân đội Mỹ làm đổ, với tư cách Phó Chủ tịch lực lượng tranh đấu liên huyện Phú Vang và Phú Thứ, thương lượng từ 10 giờ trưa đến 4 giờ chiều chưa ngã ngũ, tôi phải tự chặt một ngón tay để khỏi kéo dài qua đêm bất lợi cho Phật Giáo vì cả ngàn đạo hữu, huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử hai huyện đang vây quanh Quận đường sẽ rất nguy hiểm cho các em.

Nghe tin, mẹ tôi đến tại văn phòng quận Phú Vang. Trước mặt một trung tá Mỹ và ông Đồng Sĩ Chương – Quận trưởng, ông Hồ Đình Chi – Chi trưởng Công an Quận, mẹ tôi đĩnh đạc đi vào, im lặng nhìn vũng máu và ngón tay tôi trên bàn ông Quận trưởng rồi cười, một nụ cười rất tự nhiên và tự tin, nén sự thương cảm khi mọi người dõi mắt quan sát thái độ của mẹ tôi, một Huynh trưởng Gia đình Phật tử đem đến một cái ghế “mời mệ ngồi”, trong lúc các nghĩa quân dọn dẹp súng ống, lựu đạn vất bừa bãi trong phòng vào một góc nhà, các vũ khí này là của công an, cảnh sát, nghĩa quân, dân vệ hưởng ứng theo tôi đã bỏ lại để ra đứng vào hàng ngũ Phật Tử tranh đấu.

Ông Đồng Sĩ Chương – Quận trưởng, rất lúng túng nhưng rõ ràng là đứng về phía quần chúng Phật Tử gọi điện thoại cầu cứu ông Tỉnh trưởng về giải quyết, còn ông trung tá Mỹ ngơ ngáo hết nhìn tôi, nhìn vũng máu trên bàn, nhìn đống vũ khí rồi nhìn ra sân cả ngàn Phật Tử đang đứng chờ đợi với một thái độ cương quyết, uất ức, căm giận.

Có người lên tiếng hỏi mẹ tôi :

- “Chừ mần răng mệ ?” Mẹ tôi dõng dạc trả lời :

- “Mần chi, nếu vì sự tồn vong của Đạo pháp và Dân tộc mà con tôi bỏ cả thân mạng tôi cũng vui lòng chớ mất một ngón tay thì đã có chi mô”.

Tuy nói cứng, nhưng nước mắt của mẹ cũng lưng tròng. Tôi vẫn ngồi yên để y tá băng bó chờ sự giải quyết của viên Trung tá Mỹ và ông Quận trưởng Đồng Sĩ Chương, trong lúc Chi Thông tin Phú Vang đem máy phóng thanh bắt loa trước Văn phòng Quận để người Mỹ và chính quyền xin lỗi. Mẹ tôi đứng lên nói : “Chính quyền và đại diện nước Mỹ đã xin lỗi, được rồi, mạ về, còn con, tự biết bổn phận và trách nhiệm của mình”. Mẹ tôi bước ra xe về nhà không hề quay nhìn lại, nhưng tôi biết rất rõ, vì nhìn theo, tôi thấy mẹ tôi kéo áo lên lau nước mắt. Tôi quan sát thấy viên trung tá Mỹ rất lo âu lẫn xúc động còn ông Chương lo lắng hơn nhưng lộ vẻ hãnh diện, trong lúc ông Chi trưởng Chi Cảnh sát Quận kề tai tôi hỏi nhỏ “Mình sắp thành công rồi, có đau không ? Hãy bảo vệ sức khỏe để còn tiếp tục”, tôi cười, không đau đớn gì cả, mà thật như thế đến chiều tối ngón tay nó mới hành.

Năm 1968, ba tôi mất tại Nha Trang, mẹ tôi vào trước Tết nên thoát nạn Mậu Thân ở Huế, mẹ tôi nhờ người về Huế tìm tôi nhưng mới đến Đà Nẵng thì đã gặp tôi đã vào trốn tại chùa Tỉnh Hội, người tìm trao thư của mẹ, tôi đọc kỹ và nhớ rõ mẹ tôi viết : Đám ma ba con có thầy Trí Nghiêm lo rất chu đáo, mạ vẫn khỏe, chỉ lo cho con không biết sống hay chết, nghe ông Loan ra lệnh gặp con đâu là bắn đó nên mạ rất lo. Mạ có nhờ anh Từ và anh Thuyết (anh Từ và anh Thuyết là hai người anh ruột của tôi đều làm lớn trong ngành cảnh sát của Thiệu Kỳ) xin cho con mà họ bảo con là Việt Cộng nằm vùng nên các anh đó xin không được và họ đòi cách chức mấy anh đó nữa. Nếu còn sống con tìm cách trốn vào Nha Trang, thầy Trí Nghiêm sẽ che chở, mạ rất nóng ruột muốn được tin con.

Trốn tại chùa Tỉnh Hội Đà Nẵng được mấy tuần, vâng lời mẹ, tôi tìm cách vào Nha Trang, mẹ tôi rất mừng, ngày nào cũng nấu thức ăn ngon ép tôi bồi dưỡng. Tôi lên ở Phật Học Viện mấy tuần, bị động, mẹ tôi nhờ ôn Trí Nghiêm gởi ra ở với thầy Viên Giác, làng Xuân Tự Ninh Hòa, cũng không xong, cuối cùng anh Thuyết tôi bảo lãnh tôi vào ở Cam Ranh, làm việc tại Văn phòng thị giáo hội với thầy Viên Đức, sau đó với thầy Đức Chơn và kết thân với các thầy : Huệ Tánh, Thiện Đạo, Giác Tuệ, Thiện Huệâ, Phước Châu, Phước Thắng, Hạnh Phát...

Ở Cam Ranh, mẹ tôi thường vào thăm có lần bà đọc tờ báo Quảng Hương thấy tôi viết bài chống chính quyền đương thời mẹ tôi ôn tồn bảo : “Người có lập trường, có mục đích không sợ khổ, sợ khó, rõ ràng là tốt, nhưng tính ngang bướng của con sẽ gặp trở ngại nhiều, viết nhè nhẹ để thức tỉnh người ta, con viết bài đốp chát quá họ tự ái rồi trả thù, họ có chức có quyền có vũ khí, còn con có gì ? Ngoài cái óc để phục vụ chính nghĩa, đừng làm liên lụy đến các anh con, bao nhiêu lần tù tội chưa đủ hay răng ?”. Tôi vâng lời, và từ đó, lời khuyên của mẹ ghi đậm trong óc, nếu không có lời khuyên của mẹ tôi, thì có lẽ tôi bị mất lòng dài dài và thêm nhiều oán đối.

Năm 1970, tôi về Tuy Hòa với thầy Thiện Đạo làm Phó Giám đốc trường Trung học kiêm Hiệu Trưởng trường Tiểu học Bồ Đề. Bốn anh em tôi Thiện Đạo, Tâm Thủy, Nguyên Đức, MT đã một phen điên đảo vì vài vị giáo sư cư sĩ có tài, họ muốn thao túng cơ sở giáo dục này. Thế là thầy trò phải đối đầu, chúng tôi là tu sĩ chỉ có tấm lòng với Phật, với giáo hội, với học sinh nhưng chuyên môn và cơ tâm thì thua xa mấy vị này. Nhưng anh em chúng tôi quyết tâm không nhượng bộ. Chúng tôi phải nhờ lực lượng học sinh, phụ huynh học sinh và một số giáo sư Phật tử thuần thành yểm trợ.

Thông cáo số 1, thông cáo số 2 của lực lượng tranh đấu bay vào Nha Trang. Thầy Đổng Minh gọi tôi vào, vui vẻ cười nói : “Tuy Hòa yên ắng lắm, chỉ có MT, cái phương pháp sử dụng quần chúng, thông cáo số 1, số 2 này chỉ do MT chủ đạo ! Tâm Thủy, Thiện Đạo, Nguyên Đức chơn chất thiệt thà chưa ai quen cái lối tranh đấu này của Huế. Nhưng mà được. Cơ sở văn hóa và giáo dục của Giáo hội phải do tu sĩ lãnh đạo, nhưng các chú phải biết sử dụng nhân tài cư sĩ để hỗ trợ cho mình, phải giải quyết êm đẹp không được quấy động ồn ào hơn. Tôi sẽ thay mấy chú giải thích với ôn Trí Nghiêm, chứ ôn đang bực mấy chú đó”ù.

Thế là tôi thêm sức mạnh, về nhà thăm thì mẹ tôi đã ra Tuy Hòa. Đón xe về Tuy Hòa, bước vào Văn phòng trường Tiểu Học đã thấy mẹ tôi ngồi chờ, mặt lạnh như tiền, tôi chào, mẹ tôi chẳng ừ hử, biết mẹ giận, tôi quỳ xuống ôm chân mẹ.

- Mẹ giận con việc gì, cho con xin lỗi, mẹ đừng buồn.

- Đứng dậy, con đừng tưởng lúc nào cũng tranh đấu là hay. Đừng tưởng làm thầy rồi là mạ không dám khuyên dạy, đừng tưởng việc gì con làm cũng đúng, kẻ khác làm sai, đừng tưởng mạ không theo dõi cuộc sống và việc làm của con.

- Dạ, con đâu dám.

- Mạ ra đây từ hồi sáng, đã đảnh lễ Hòa thượng Phúc Hộ và T.T Bát Nhã rồi, may mà các ngài không phàn nàn gì về con cả. Mạ đã dặn : “Chơi đúng lúc, cười đúng chỗ, nói đúng lời, làm đúng việc, có nhớ không ?”

- Dạ, con nhớ !

- Chú Nghệ (con ôn Tiêu Diêu) nhắn vào, mạ ra ngay, làm việc gì cũng nhớ, Phật trên đầu trên cổ, đừng làm ai buồn khổ vì mình, mình mới tới, người ta kỳ cựu, mình ở Huế vô, người ta dân địa phương, mình cô đơn người ta có bà con dòng họ, gây thù kết oán với người ta mình lỗ, may mà vì Phật pháp và quyền lợi chung, chứ tranh giành riêng tư thì không được !

Tôi chỉ im lặng dạ vâng rồi sau đó tiễn mẹ ra xe. Khi đã được mẹ tôi thông cảm, cười vui.

Xe sắp chạy mẹ tôi mới lôi trong xách một gói nhỏ nói chị Ba tôi gởi. Về phòng tôi mở ra thì quà của chị tôi là một tượng Phật nhỏ bằng vàng tây và một lá thư mấy chữ : “Điệp, chị cho em, nghe tin em dẫn học sinh biểu tình, mạ lo lắng, thao thức suốt đêm. Em đừng làm mạ buồn. Chị của em. Điểm”.

Tôi sực nhớ chuyện Tăng Sâm giết người nên vọng theo lộ trình Tuy Hòa – Nha Trang âm thầm nói với mạ “Mẹ ơi ! Con vẫn là Tăng Sâm của mẹ, mẹ yên lòng, cầu Phật gia hộ cho mẹ của con, một người mẹ tuyệt vời mà tu bao nhiêu kiếp con mới được làm con của mẹ, Mẹ ơi !”

Mùa Vu Lan 2549

Minh Tâm

Mẹ tôi

Trích Phật Ân số 9

PL.2550 – DL.2006

Sáng nay, chuẩn bị viết bài cho Phật Ân số 9. Vì nhu cầu liên lạc của chùa, Ban Chức sự xin nối điện thoại để dùng, trừ các giờ: Tụng kinh, Thiền quán, Quá đường, Chỉ tịnh thì tắt. Vậy là có điện thoại reo, thì ra Đồng Phúc báo tin thân mẫu đã nguy kịch và xin tham vấn về hậu sự cho mẹ, khi mẹ Phúc qua đời.

Năm qua, cũng thời gian này tấm lòng của người mẹ (Phúc) khi sắp mất con (Long). Năm nay là tâm trạng của người con sắp mất mẹ. Lại một sự trùng hợp kỳ lạ, hai lần điện thoại cách nhau một năm vào đúng mùa An cư, lúc chuẩn bị bài cho Phật Ân hằng năm.

Bỏ điện thoại xuống, tôi lại thẫn thờ nhớ mẹ, đã hơn 17 năm vắng bóng mẹ, 17 năm cuộc sống của tôi ít sóng gió, ít nhiêu khê mặc dù trên vai còn nặng nợ đời, nợ đạo, nợ dòng họ. Vì khi Mẹ tôi còn sống, người chỉ chứng kiến cái khổ tù tội vất vả, nguy hiểm của tôi trong cuộc sống nên Mẹ tôi luôn luôn lo âu. Tôi thật quả bất hiếu, nghĩ lại mà xót xa, ân hận, dù tội bất hiếu ấy do hoàn cảnh tạo nên. Nghĩ vậy, tôi chỉ khuyên Đồng Phúc bình tĩnh để lo hiếu sự, việc gì đến phải đến không cản được tử thần. Nói thì dễ nhưng khi đối cảnh thì không dễ chút nào vì có ai không đau khổ khi tử biệt sinh ly với người thân, mà người ấy lại là mẹ mình, mẹ mình đang đối đầu với cái chết, đang cố giành giữ mạng sống từng giây, từng phút thì người sắt đá đến đâu cũng không thể dửng dưng được huống gì những người Phật tử lấy chữ Hiếu, chữ Tình, chữ Nghĩa làm đầu khi thấy mẹ mình đi dần đến cửa tử mà người con bất lực đứng nhìn trong tuyệt vọng. Tôi may mắn hơn, không chứng kiến cảnh này (hay vô phước hơn không được nhìn mẹ lần cuối khi mẹ tôi lìa bỏ cõi trần!).

Khi còn sống Mẹ tôi rất sợ cảnh đau ốm dài ngày, lê la, nằm ngồi một chỗ, hành hạ con cháu, tốn kém tiền bạc mà cuối cùng cũng phải ra đi theo nghiệp lực. Tôi khuyên Mẹ tôi niệm Phật thật chuyên cần, thật chí thiết để giải trừ nghiệp chướng và Mẹ tôi đã thực hành, nhờ công năng niệm Phật hay nhờ phước duyên mà Mẹ tôi đã vun bồi từ trước nên chỉ bệnh nhẹ hai ngày và trước khi nhắm mắt năm phút Mẹ tôi còn tự tay bưng sâm để uống. (Ngày 06/12 năm Tỵ) trong lúc tôi còn ở Long Thành dẫn đệ tử về Thường Chiếu dự lễ, tối ngày mùng bảy đón lễ kỷ niệm Đức Thích Tôn Thành Đạo.

Được tin lúc 10 giờ tối, tôi bàng hoàng và cố giữ bình tĩnh trở về thất để chuẩn bị hôm sau về Huế (thật ra lúc này tôi chẳng có gì để chuẩn bị, ngoài hai bộ quần áo cũ mèm) kiểm lại tiền bạc có được mấy trăm đồng, làm sao đủ tiền xe, chưa nói đến việc lo đám tang cho mẹ! Mượn ai? Xin ai? Tôi định lên Già Lam mượn của Thầy Đức Chơn và lên Ấn Quang xin Sư phụ, ngoài ra chẳng biết xoay xở thế nào.

Do tự trọng, thanh liêm nên tôi rất nghèo, nay gặp cảnh này thật nan giải, liều đi mượn ư? Dù mượn chứ không xin, nói thế nào mà mượn? Nêu lý do gì? Nói rõ lý do mẹ chết ư? Nhục quá, nói láo ư? Hèn quá! Im lặng ư? Thì mọc cánh bay về Huế sao? May quá, bà Năm Thông biết chuyện cho mượn một ít, cô đệ tử ở Liễu Đức cho một ít, tổng cộng vẫn không đủ tiền xe về Huế.

Đến bến xe Văn Thánh, gặp xe đi Đà Nẵng, trả giá và chủ xe bằng lòng, có lẽ Hương linh Mẹ tôi hộ trì nên tôi lên xe và trao hết tiền cho họ, trong bụng nghĩ cứ liều, đến đâu hay đó. Dọc đường, xe cà rịch cà tang, đường xấu, xe khi bò khi lết, khi nhảy như ngựa, khi lắc như say, tôi chẳng quan tâm chỉ mong cho mau đến Huế. Chưa bao giờ tôi thấy nôn nóng như lần này, dĩ nhiên xe chạy chậm, quá chậm, ngồi trong xe tôi nghĩ ngợi lung tung; Mẹ tôi 12 lần sinh nở nay chỉ còn 3, trước tôi 3 chị 1 anh đều chết hết, bây giờ tôi lại là trưởng và sau tôi còn hai em gái đều làm dâu xứ Quảng, tôi lại là Tu sĩ, không gia đình, không tài sản, ở tù về là hai bàn tay trắng, một chiếc áo lành không có, một đôi dép tốt cũng không, bộ Y Hậu cũ mèm đụng đâu rách đó, nay về Huế lo đám tang mẹ, làm sao đây! Nghĩ đến con cháu, thì đàn con anh trai (Đoàn Đình Phúng) chín đứa ở Nha Trang, lúc này chúng còn hiểu lầm Bà Nội. Chín đứa cháu nội con Long tản mác khắp nơi, được thằng Luyện, biết sống thì ở quá xa, nửa vòng trái đất. Cháu ngoại mẹ tôi thì đông lắm nhưng kinh tế kiệt quệ, tản mác khắp ba miền đất nước mưu sinh, liệu có đứa nào về đám tang Bà Ngoại?! Tôi tính, nhanh lắm cũng hai ngày một đêm tôi mới có mặt ở Huế, Mẹ tôi nằm đó ai lo, ai liệm, ai làm lễ, quan tài ai mua? Tiền bạc ở đâu? Đành rằng ở quê còn có anh rể, em gái, có các Nghĩa tử của Mẹ tôi, có bà con làng xóm họ hàng. Nhưng ai chủ động? Ai mời Quý Thầy kinh kệ? May sao lăng mộ sanh phần kim tỉnh của Mẹ tôi, tôi đã lo trước, do em dâu tôi nhường sanh phần của nó. Tôi thấy mình quá bất hiếu, quá tệ hại, trên 50 tuổi đầu, bôn ba bay nhảy suốt đời, bấy giờ về quê lo tang lễ mẹ, không một xu dính túi, nhịn đói nhịn khát suốt một ngày một đêm rồi… Xe nghỉ, người ta vào quán xôn xao ăn uống, còn tôi lững thững dựa cột quán tiếp tục nghĩ ngợi mông lung mà thật tình, tâm trạng đâu mà nghĩ đến việc ăn uống! Cái thằng tôi vô vị, cái thằng tôi bất hiếu, cái thằng tôi vô phước… Tôi tự trách mình, MT ơi, mày tệ lắm phải không? Mày phải thấy cái nghiệp dĩ của mày, xã hội, chế độ đày đọa mày như vậy có phải không? Không phải, tại tôi u mê, tại tôi vô phước, tại tôi thiếu tu. Vì chống Mỹ, chống Diệm, chống Thiệu nên ở tù, Cha chết mày không gặp mặt, không lo được tang lễ (1968) nay Mẹ chết mày cũng không có bên cạnh, Mẹ đau, mày không có một viên thuốc, một muỗng cháo và liệu về quê mày có lo nỗi đám tang? Khi chính bản thân mày còn nhịn đói!

Mẹ ơi! tôi thầm gọi, xin Mẹ tha thứ cho con tội bất hiếu này, con tự biết, con không hư đốn, không vô tình, không bất nghĩa nhưng nghiệp dĩ của con Mẹ đã thấy, đã thông cảm và hơn nữa Mẹ đã đồng ý cho con được theo lý tưởng của mình, lý tưởng phụng sự Đạo pháp và phục vụ Dân tộc, những lúc vấp ngã, có Mẹ đỡ đần, những lúc khó khăn có Mẹ khuyến khích, lúc trở ngại có Mẹ sách tấn, nếu không có Mẹ chắc gì con đã đứng vững giữa cuộc đời đầy bão táp chông gai này, trong cuộc sống bốn lần tù mà không tội!

Ngày con ra khỏi trại cải tạo, bị quản thúc tại quê nhà, hằng ngày đến chính quyền trình diện, gặp mấy đứa cháu làm Cán bộ, Bí thư, sáng xỉn chiều say con bất tuân quyền lực, Mẹ lo ngại bảo con “Nên tìm cách vào Nam, hoàn cảnh khắc nghiệt ở Huế sẽ làm con tù túng, bức xúc sẽ rất phiền phức, đừng lo nghĩ bận tâm về Mạ, Mạ còn khỏe, tự lo được”, vâng lời Mẹ con đã đi kinh tế mới tự túc, vào Long Thành dựng thảo am tu niệm và nhờ vậy mới có Chùa Phật Ân ngày nay. Sơ khởi, lắm khó khăn, mẹ vào thăm tiếp tế, khi trở về mẹ cũng thường liên lạc bằng thư, mới mấy hôm trước đây, đọc thư mẹ, vẫn những lời dặn dò, chăm sóc, hỏi han, chỉ bảo, mẹ dặn con đừng thức khuya, đừng lao động quá sức, phải uống nước nấu chín, xử sự mềm mỏng, một sự nhịn chín sự lành, thiếu tiền tiêu mẹ gởi vào cho…

Mẹ ơi, bây giờ Mẹ không còn nữa, con chẳng còn có ai để được an ủi khi hoạn nạn, chăm sóc khi ốm đau, khuyến khích khi khó khăn, trợ duyên khi thiếu thốn. Nghĩ đến đây con xấu hổ, con thấy mình ít kỷ, tệ mạt. Tại sao con không ở bên mẹ để chăm sóc mẹ lúc tuổi già, không sống bên mẹ để lo thuốc thang cơm cháo! Sao con lại ngu ngốc đến thế để hôm nay Mẹ nhắm mắt thì con ở quá xa, không thấy mặt Mẹ lần cuối. Có lẽ giờ này bà con đã liệm Mẹ rồi!

Về Huế lần này con không còn diễm phúc được Mẹ gội đầu, được Mẹ cho ăn canh mướp đắng, ăn tương ớt thật ngon do Mẹ làm. Về Huế lần này để đưa Mẹ về miền đất lạnh, con vĩnh viễn xa Mẹ.

- Mời Thầy vào uống nước. Người khách ngồi bên cạnh lên tiếng, tôi sực tỉnh, xe đã dừng lại trước một quán cơm lụp xụp bên đường.

- Cám ơn, tôi không khát.

- Thầy đừng ngại, gần một ngày một đêm rồi, nhìn Thầy thẩn thờ không ăn uống gì, thỉnh thoảng lau nước mắt, con biết Thầy đang đau buồn.

- Không có gì. Tôi gượng cười nhưng nước mắt cứ chảy, người khách nhìn tôi ái ngại.

Mẹ ơi, con phải can đảm, phải tỉnh táo, đừng ủy mỵ phải không mẹ, mẹ từng dạy con như thế mà.

*

Đến Đà Nẵng, anh lơ xe lại tìm xe gởi con ra Huế khỏi trả tiền, con mừng lắm vì tiền đâu mà trả. Lần này con gặp toàn người tốt nên cũng nhẹ chút trong cuộc hành trình về lễ tang mẹ, lại một lần nữa con nghĩ Linh hồn Mẹ đã hộ trì theo từng bước con đi.

*

Đến nhà, mọi việc đã đâu vào đó, không có con, quý Thầy ở Huế, bà con ở làng, các Nghĩa tử của mẹ đã lo rất chu đáo, mọi người đón chờ con cả tấm lòng và nước mắt vì ai cũng thương mẹ con mình. Đứng trước quan tài, con hình dung xác thân mẹ nằm trong đó, nhìn ảnh mẹ trên bàn thờ, mẹ nhìn con, im lặng, mọi người chung quanh con im lặng và con chỉ nói được hai tiếng “Mạ ơi!”

Ảnh mẹ rất nghiêm trang, nhưng con thấy Mẹ đang cười rồi nước mắt Mẹ chảy làm nhòa cả tấm ảnh rồi mờ cả bàn thờ, khi nghe môi mằn mặn con mới biết là con khóc chứ không phải mẹ. Con bước đến sờ vào quan tài mà con tưởng như đang cầm tay mẹ mà sao lạnh ngắt chứ không ấm áp như nhiều lần trước đây, quan tài là gỗ, nó vô tri vô giác nhưng nó đang ôm giữ thân xác của mẹ tôi. Không khí im lặng, giờ phút thiêng liêng mẹ con gặp nhau nhưng là âm dương hai ngã, nhìn mọi người chung quanh, ai cũng thút thít khóc kể cả các em nhỏ trong xóm đôi mắt cũng đỏ hoe.

Bàn Phật, bàn thờ được thiết trí trang nghiêm, quan tài của Mẹ được trang trí rất công phu, mỹ thuật. Hồ Khế, con thầy Phổ Lợi gia công trang trí để cúng Mệ.

Con muốn quỳ xuống đảnh lễ cám ơn mọi người đã thay con lo mọi việc rất chu đáo, họ không cho con lạy, con lí nhí nho nhỏ hai tiếng cám ơn.

*

Mẹ tôi không có phúc duyên để được “Dự tri thời chí” (biết trước giờ chết) nhưng mẹ đã chuẩn bị rất cẩn thận, nghiêm túc. Mẹ đã biết khi mẹ nhắm mắt con không về kịp nên đã dặn dò kỹ, ghi vào băng nhựa, bảo anh Nhu (Nghĩa tử) lo mời Quý Thầy tẩm liệm, nhờ thầy Phổ Lợi, thầy Thiện Chí, sắp xếp bàn Phật, bàn linh… đợi Minh Tâm về sẽ lo tiếp những gì còn lại. Lời di huấn của mẹ đọc rất rõ ràng, dạy dỗ con cháu rất kỹ lưỡng kể cả việc ma chay, kỵ chạp, kể cả bổn phận đối với bà con dòng họ, trách nhiệm đối với Tam Bảo với Đất nước, với Tổ Tiên Ông Bà, Mẹ đều phân tích và chỉ giáo rất nghiêm. Chúng con nhất nhất làm theo không dám trái ý Mẹ và dĩ nhiên có nhiều điều rất khó trong hoàn cảnh hiện nay.

Tang lễ Mẹ khá lớn, không phải lớn vì heo mập bò to mà lớn nhờ tình đời nghĩa đạo. Hòa Thượng Thiện Siêu về chứng minh quy linh, Thượng Tọa Khế Chơn thuyết linh, các Thượng Tọa Từ Vân, Thanh Huyền, Hải Ấn, Quang Nhuận, Phước Toàn, Khế Viên, Thiện Chí, Tâm Thọ… đều thương mến hộ niệm cho đến ngày chung thất. Phật tử và Chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni các nơi: Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Thiết, Cam Ranh, Sài Gòn, Long Thành, Đồng Nai đều có phúng điếu, viếng tang cầu nguyện. Những nơi này con đã ở trong cuộc đời hoằng hóa rày đó mai đây và đều được bà con Pháp Lữ huynh đệ yêu thương nên khi nghe tin họ đều cảm thương mà gia tâm cầu nguyện. Ni chúng các chùa Hồng Ân, Kiều Đàm, Diệu Đức, Diệu Viên, Hoàng Mai cử quý cô về tụng kinh hộ niệm hằng tuần cho đến ngày chung thất.

Lại thêm, có những Huynh Trưởng và Đoàn sinh trong GĐPT Thừa Thiên và Phú Vang, Phú Thứ mà ngày trước con cùng sống chết với họ cho đạo, cho Tổ chức, trong dịp này anh chị em thể hiện trọn vẹn tấm chân tình, có mặt đông đủ, trừ những người đã chết. Vào mùa đông trời xứ Huế mưa lạnh cắt da thế mà anh Sơn và các cháu ở Nam Phổ không thiếu tuần nào tụng Đàn Thủy sám, Địa tạng cầu siêu cho Mệ, các khuôn hội lân cận như Triều Thủy, Dưỡng Mong, Phước Linh, An Lưu, Mỹ Lam, Diên Trường, Quy Lai, Tân Dương, Thuận An… đều viếng tang cầu nguyện. Tinh thần các Phật tử đất Thần Kinh, đạo tình thấm đượm, tình Pháp Lữ của các Thầy ở Huế đối với con với mẹ, với Đoàn Đình Gia Tộc thật cao quý, con chỉ biết khắc vào tâm khảm niệm ân.

Mẹ ơi! Con nghĩ, cái phúc duyên phước báo của Mẹ, của Con gieo trồng từ trước nay kết trái đơm hoa, rõ ràng không phải giàu sang chức quyền mà có được, nên Con nguyện đền đáp ơn Tam Bảo, ơn Đàn na, ơn thiện hữu, ơn chúng sanh bằng sự nỗ lực, tinh tấn tu hành, trung thành, phụng thờ và phát huy nền văn hóa Việt Phật trong khả năng hạn chế của bản thân mình.

Riêng với Mẹ, thân tứ đại Mẹ đã yên nghỉ dưới lòng đất, mồ đã yên, mã đã tốt và Mẹ đã để lại trong con, trong nhiều người những cái hay, cái đẹp. Khi còn sống Mẹ cấm con làm sai, nói trật, nghĩ xấu, 17 năm rồi không có Mẹ nhưng con vẫn luôn thấy mẹ bên cạnh, con đã cố gắng thực hiện những gì Mẹ dặn, Mẹ muốn. Mẹ có hai người con dâu, một người đã theo Mẹ về cõi âm, một người còn lại đã là một Phật tử thuần thành, hai đàn cháu nội đã nên người, biết sống cho ra sống như Mẹ muốn, còn năm đàn cháu ngoại của Mẹ thì nên hư là chuyện của nghiệp thức, nhân quả, chỉ có điều là hai cháu Đích Tôn Nội Ngoại của Mẹ (Minh Trí, Ngô Cát) chúng đã từ bỏ cõi đời giả huyễn này rồi, không biết Mệ cháu có gặp nhau bên kia thế giới? Con nhắc như thế để tự nhắc mình và nhắc những đứa cháu còn lại vì có đứa nó quên ngày giỗ bà! Nói điều này tim con nhói đau, đau vì con cháu có đứa vô tình thì ít mà đau vì thói đời của một xã hội băng hoại đạo đức nghĩa tình thì nhiều, mà điều này với Mẹ thì khó tha thứ phải không Mẹ?

Mẹ ơi! Con viết về Mẹ, nói việc của Mẹ và Con nhưng cũng là nói việc mọi người, tâm trạng của Con cũng là tâm trạng của nhiều người tuy hoàn cảnh có khác nhưng chữ Hiếu, chữ Tình, chữ Nghĩa, chữ Trung, chữ Tín nó chỉ có một nghĩa, một nghĩa thiêng liêng cao cả không ai phủ nhận được dù Đông Tây kim cổ hay Chủ nghĩa, Chế độ nào cũng thế mà thôi vì đó là Nhân bản, là Nhân cách, là Đạo lý làm người, Chế độ nào, Chủ nghĩa nào phủ nhận điều này thì sẽ biến con người thành con vật và còn tệ hơn con vật nữa là khác! Lời nói này Mẹ thường nhắc, Mẹ bảo đây là lời dạy của cụ Nguyễn Thượng Hiền (Nghĩa phụ của Mẹ).

Mỗi năm, trong Phật Ân con đều có một bài về Mẹ, con tâm sự với Mẹ, dâng cúng Mẹ trong lễ Vu Lan, con tưởng nhớ Mẹ bằng cách này vì có nhiều người đồng cảm. Con viết rất thật, rất chân tình vì nếu có một chữ một lời không thật thì con biết Mẹ sẽ giận rồi trừng phạt con như khi Mẹ còn sống, Mẹ chúa ghét dối lòng.

Tháng 10 tới, con đủ 70 tuổi, đã là một lão già, ước gì giờ này có Mẹ, để Mẹ vò cái đầu tóc bạc của con để chứng minh lời Phật dạy trong Kinh Báo Hiếu “Mẹ già trăm tuổi còn thương con 80” mà thấy mình hạnh phúc “Già đời còn có mẹ”. Nhưng mẹ ơi, con không có diễm phúc ấy nữa rồi. Đã 17 năm vắng mẹ, bây giờ mẹ ở đâu? Con tin tưởng và cầu nguyện mẹ của con được Hạ Phẩm Hạ Sanh cũng quý hoặc chí ít cũng tái sinh làm người và được sống trong Chánh Pháp của Phật.

Như vậy, dù đời này hay bao đời nữa, dù ở Âu hay ở Á, dù cõi trời hay cõi người, điểm mẹ con chúng ta phải đến và gặp nhau, mẹ tìm con bên cánh sen hồng, con gặp mẹ dưới hào quang chư Phật. Ở đó, Con gặp Mẹ của Con.

Mùa Vu Lan 2550

Minh Tâm

Niệm Ân Thân Mẫu

Mạ, nhũ danh là Trương thị Thí, tự là Hương, sinh năm Nhâm Tý, thọ tam quy ngũ giới với Hòa thượng Thích Trí Thủ – pháp danh NGUYÊN HOA. Chánh quán làng Phù Lễ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, nay là xã Quảng Phú, huyện Hương Điền. Là con của cụ ông Trương văn Thùy và cụ bà Nguyễn thị Dậu.

Lúc thiếu thời, do thiện duyên tiền kiếp, mạ được cụ Nguyễn thượng Hiền (một nhà trí thức yêu nước) nhận làm con nuôi. Sẵn có tư chất thông minh, lại được hấp thụ một nền Nho học lẫn Tây học nên đời sống khá văn minh so với các người cùng lứa. Bẩm tính vốn hiền hòa đôn hậu, cụ Nguyễn thương mạ như con đẻ, chăm sóc dạy dỗ rất chu đáo, vì vậy mạ trở thành một người con gái đảm đang, công dung ngôn hạnh vẹn toàn.

Năm 17 tuổi kết duyên với cha, hạ sinh 12 người con – 5 trai 7 gái. Năm trai là Phúng, Điệp, Long, Vịnh và Thành, bảy gái là Kim Trang, Ngọc Điểm, Từ Diệm, Ngọc Nga, Ngọc Quyến, Diệu Uyển, và Minh Châu.

Hai trai Vịnh và Thành, hai gái Nga và Quyến đã chết khi còn nhỏ, còn lại 3 trai 5 gái đều được mạ nuôi dưỡng đến lớn khôn.

Trong những năm đất nước loạn ly, chiến tranh chống Pháp, ruộng vườn tan hoang, mạ phải tần tảo giúp chồng nuôi con vô cùng vất vả nhưng mạ vẫn quyết tâm cho các con ăn học khỏi thua sút bạn bè. Nhất là 3 người con trai là anh Thuyết (con mạ Đích), Phúng và Long được mạ chăm lo việc ăn học, định vợ gả chồng chu đáo hơn cả.

Khổ nhọc nhất là những năm tản cư về Hà Trử từ năm 1949 đến 1952 – khi cha lâm nạn (ở tù), mẹ phải quán xuyến việc nhà, lo bới xách thuốc men cơm gạo, tay bồng tay dắt dẫn đàn con dại thập tử nhất sinh dưới làn mưa bom đạn. Nhưng nào đã yên, từ khi làm dâu họ Đoàn cho đến ngày nhắm mắt, mạ luôn ngậm đắng nuốt cay vì lòng ganh ghét, ố nhơn thắng kỷ của một vài người bám riết mưu hại, vu khống nhiều điều. Nhưng với sự ẩn nhẫn, lối cư xử tế nhị cao thượng, cộng thêm niềm thương kính của tuyệt đại đa số bạn bè, hàng xóm và bà con nội ngoại, mạ đã thắng vượt và cảm hóa được những người xấu tính. Cũng nhờ thế mà đức độ của mạ rạng ngời, tỏa sáng, ảnh hưởng con cháu xa gần.

Là một tín đồ thuần thành của đạo Phật, một hội viên trung kiên của giáo hội, mạ tham gia tích cực mọi sinh hoạt từ thiện và xã hội của Phật giáo địa phương, đã khuyến khích con cháu tấn tu và phục vụ Đạo pháp, đã xem các đạo hữu như người thân, xem các cao tăng đại đức như cha mẹ, tận tâm phục vụ cúng dường như một người con chí hiếu. Cũng nhờ thế, mạ được các ngài đạo cao đức trọng lưu tâm dạy bảo khuyến khích, như : Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng Trí Nghiêm, Hòa thượng Thiện Siêu. Đó cũng là một phước báu mà mạ được hưởng.

Bên cạnh đó, những ngày ban đầu chỉ là bạn con mạ, lui tới viếng thăm, sau cảm ân đức mạ mà trở thành “nghĩa tử”, tình thâm nghĩa nặng như các anh Thiện Nhu, Thiện Hoài, Hữu Huỳnh, Văn Cầm, Tư, Ty, Nhạn. Khi mạ đau yếu và lâm chung, chính những người con này lại gánh vác những việc nặng nhọc.

Sự chịu đựng của mạ thật quả phi thường: đàn con 12 người lần lượt bỏ mạ ra đi – Vịnh, Thành, Nga, Quyến từ trần lúc còn nhỏ, còn lại 8 người, cảnh tre già khóc măng non xảy ra liên tiếp. Đến khi mạ nhắm mắt chỉ còn 3 anh em (Điệp, Uyển và Châu). Có lẽ, đây cũng là một lý do mà mạ nhận cảm khổ đế trong luật vô thường, nên mạ từ giã cõi đời không nuối tiếc.

Lạy mạ !

Trước linh cửu mạ, con cố nén đau thương, ôn lại những ký ức cao quý nhất của tình mẫu tử. Lời mạ xoáy mãi vào hồn, văng vẳng bên tai: “Con của mạ khóc phải đúng lúc, cười phải đúng chỗ, nói phải đúng lời, và làm phải đúng việc”.

Nên khi con tự chặt tay viết cáo trạng để bảo vệ đạo pháp, trước ba quân thiên hạ mạ đã tươi cười mà nước mắt mạ chảy: “Nếu vì sự tồn vong của Đạo pháp, và quyền lợi tối thượng của Dân tộc mà con tôi phải bỏ cả thân mạng, tôi cũng vui lòng; chứ mới một ngón tay thì đã có chi mô”.

Mạ ơi, con rất sung sướng và hãnh diện khi có một bà mẹ khí phách và can đảm như mạ.

Hôm nay, mạ đã nằm yên trong áo quan, bà con đã tẩm liệm chu đáo. Nhìn ảnh mạ, nghe tiếng mạ đọc di chúc trong băng nhựa. Mạ đã tự lo, đã sáng suốt dặn dò con cháu: “Khi mạ chết, chắc Minh Tâm không về kịp, bảo anh Nhu mời quý thầy nhập liệm mạ, sau đó thầy Minh Tâm về sẽ tiếp tục lo đám tang, còn mọi việc đã có bà con lo liệu”.

Ngày mồng hai, mạ còn ngồi chơi tài bàn và cúng mệ ngoại. Ngày mồng bốn mạ còn ngồi ăn giỗ và tắm gội. Chiều ngày mồng sáu lúc 2 giờ, mạ còn dặn Uyển đề phòng bệnh tật; đến 3 giờ, mạ còn tự tay bưng sâm để uống. Nhưng đến 3 giờ 7 phút thì mạ trút hơi thở cuối cùng – khi cô Tịnh Phương tụng xong kinh Thủy Sám quyển I.

Sự tinh tấn và sáng suốt của mạ rõ ràng là cận tử nghiệp của mạ rất nhẹ nhàng. Con tin giờ này mạ đã được kề bên sen báu, được nương bóng từ quang. Và con cháu thành tâm lắng nghe nguyện làm theo di ngôn của mạ.

Đông Đinh Mão, tháng cuối, ngày 12

Con của Mạ

Minh Tâm

CHÂN THÀNH NIỆM ÂN

Tại HUẾ

- Hòa thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Trú trì tổ đình Từ Đàm

Chứng minh tang lễ

- HT THÍCH MẬT HIỂN

Trú trì tổ đình Trúc Lâm và Tăng chúng

- TT THÍCH ĐỨC TRÌ

Trú trì chùa Ba la mật

- TT THÍCH PHỔ LỢI

Trú trì chùa Chưởng Quang

- ĐĐ THÍCH THIỆN CHÍ

Trú trì chùa Phù Lễ

- ĐĐ THÍCH TỪ VÂN

Trú trì chùa Kim Sơn

- ĐĐ THÍCH CHƠN HƯƠNG

Trú trì chùa Quảng Tế

- ĐĐ THÍCH KHẾ CHƠN

Trú trì chùa Thiên Minh

- ĐĐ THÍCH THANH ĐÀM & TRƯỜNG ĐỊNH

Tổ đình Thuyền Tôn

- ĐĐ THÍCH CHÍ MẬU

Trú trì chùa Từ Hiếu

- ĐĐ THÍCH CHƠN HIỀN & HUỆ PHƯỚC

Tổ đình Tường Vân

- ĐĐ THÍCH TÂM THỌ & PHƯỚC TOÀN

Chùa Vạn Phước

- ĐĐ THÍCH THANH HUYỀN & HẢI ẤN

Chùa Từ Đàm

- ĐĐ QUANG NHUẬN

Chùa Hiếu Quang

- ĐĐ KHẾ VIÊN

Chùa Linh Quang

- ĐĐ LƯU THANH & TÂM MINH

Tổ đình Trúc Lâm

- ĐĐ TÂM PHÁP

Chùa Từ Quang

- ĐĐ THÍCH TRÍ ĐẠO

Trú trì chùa Qui Lai

- ĐĐ ĐẠT MINH & ĐẠT ĐỨC

Chùa Quảng Tế

- Sư Bà DIỆU KHÔNG & quí Sư cô

Chùa Hồng Ân

- Ni sư CÁT TƯỜNG & quí Sư cô

Hoàng Mai Tịnh Thất

- Ni sư THỂ CHÁNH & DIỆU TẤN

Chùa Diệu Đức

- Ni sư CHƠN HIỀN & quí Sư cô

Chùa Diệu Hỷ

- Ni sư QUẢNG THÀNH & quí Sư cô

Chùa An Phước

- Sư cô DIỆU TÍN & quí Sư cô

Kiều Đàm Ni Viện

- Sư cô NHƯ THIỆN

Trú trì chùa Bửu Hương

- Sư cô MINH TÁNH

Trú trì chùa An Cựu Tây

- Phật tử các đạo tràng : THUẬN HÓA, THÀNH NỘI, TỪ ĐÀM, PHƯỚC LINH, AN TRUYỀN, QUI LAI.

- Ban Hướng dẫn GĐPT THỪA THIÊN.

- Đoàn Cựu HT GĐPT THỪA THIÊN

- Ban Đại diện và Cựu HT GĐPT PHÚ VANG & PHÚ THỨ.

- Ban đại diện các Khuôn giáo hội AN TRUYỀN, DIÊN TRƯỜNG, QUY LAI, NAM PHỔ, DƯƠNG NỔ, CỰ LẠI, DƯỠNG MONG, TRIỀU THỦY.

- Các Ban HT các GĐPT PHÚ VANG, PHÚ THỨ.

- Các thân hữu Cán sự, Tá viên BV Trung ương HUẾ.

- LÀNG HỌ, bà con nội ngoại, và Tam đại phái họ ĐOÀN.

Tại ĐÀ NẴNG

- Hội Bảo thọ An cư đông – Quận III

- HTX mua bán phường Bình Thuận – Q.I

- Ban Giám hiệu trường Ngô Gia Tự – Q.III

- Ban Hộ niệm chùa Phật Giáo Thanh Bình.

Tại TUY HÒA – PHÚ KHÁNH

- Hòa thượng BÁT NHÃ & Tăng chúng

Chùa Bảo Tịnh

- ĐĐ THIỆN ĐẠO

Trú trì chùa Phi Lai

- ĐĐ NGUYÊN ĐỨC

Trú trì chùa Hồ Sơn

- Các môn đệ Trường Trung tiểu học Bồ Đề Tuy Hòa cũ.

- Đoàn viên thanh niên Phật tử Phú Yên cũ.

- Cựu HT & Ban Hướng dẫn GĐPT Phú Yên.

Tại CAM RANH

- Thượng tọa THÍCH THIỆN PHÁT

Trú trì chùa Vạn Hạnh

- Ban Hướng dẫn GĐPT Cam Ranh.

- Các môn đệ Trường Bồ Đề Cam Ranh cũ.

- Các đạo hữu chùa Từ Vân & chùa Phước Long (đá bạc).

Tại PHAN THIẾT

- Hòa thượng THÍCH VIÊN QUANG

và Tăng chúng Tòng Lâm Vạn Thiện

- TT CHƠN THÀNH và Tăng chúng, Phật tử

Chùa Tỉnh hội Phan Thiết

- TT HUỆ TÁNH và Phật tử

Chùa Phật Quang

- TT TRÍ TỊNH

Trú trì chùa Giác Hoa

- Sư Bà HUYỀN TÔNG và Ni chúng

Chùa Bình Quang và Liên Hoa

- Cựu HT và Ban HD GĐPT Bình Thuận

- Các thân hữu Tỉnh đoàn TNPT Bình Thuận cũ.

- Các môn đề Trường Bồ Đề Phan Thiết cũ.

- Đoàn Mục Liên chùa Phật Quang và gia đình họ Quảng.

Tại SÀI GÒN

- Hòa thượng THÍCH TÂM HƯỚNG và Tăng chúng Chùa Vạn Phước (Phú Thọ)

- Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU và Học Tăng Viện Đại học Vạn Hạnh

- TT THÍCH ĐỨC CHƠN và Tăng chúng

Quảng Hương Già Lam

- Các anh chị Cựu Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT/VN.

- Đoàn Phật tử Mục Kiền Liên chùa Thiên Minh – Thủ Đức

Tại LONG THÀNH (Đồng Nai)

- Ban Đại Diện Phật Giáo Huyện Long Thành

- Chư vị Thượng tọa, Đại đức, Tăng sinh

Thiền viện Thường Chiếu

- Thượng tọa THÍCH TRÍ THÂM và Phật tử

Chùa Bửu Lộc

- Thượng tọa THÍCH KIẾN TÁNH và Phật tử

Chùa Bửu Lâm

- Thượng tọa THÍCH THẬT TÁNH và Phật tử

Chùa Suối Trầu

- Thượng tọa THÍCH TRÍ TÁNH và Phật tử

Chùa Bửu Thiền

- Thượng tọa THÍCH THIỆN THẮNG và Tăng Ni Chùa Pháp Hoa

- Thượng tọa THÍCH ĐỒNG NGHĨA

Chùa Bửu Tháp

- ĐĐ MINH LẠC Chùa Pháp Hưng

- ĐĐ GIẢI QUÃNG Chùa Quảng Hiệp

- ĐĐ THÍCH MINH TRÍ và Phật tử

Chùa An Linh

- Tăng chúng Chùa Pháp Bảo

- ĐĐ THÍCH CHƠN ĐỊNH và Phật tử

Chùa An Lạc Hạnh

- ĐĐ THÍCH TRÍ LỰC và Tăng chúng

Chùa Liên Hoa

- Quý Đại Đức chùa Thiền An, Thiện An, chùa Linh Bửu, chùa Pháp Vân, chùa Giác Hải, Phật tích Tòng Lâm, chùa Long Giác, chùa Phước Quang, Bạch Ngọc.

- ĐĐ TỪ TẾ và TRÍ TỪ

- Ni sư NHƯ ĐẠO và Ni chúng

Tu viện Liễu Đức

- Ni sư NGUYÊN LIÊN

Tịnh xá Ngọc Thành

- Ni sư NHƯ TỊNH và Ni chúng

Thiền viện Linh Chiếu

- Ni sư NHƯ TRÍ và Ni chúng

Chùa Vân Long

- Ni chúng Thiền viện Viên Chiếu

- Ni sư NHƯ HẠNH Chùa Long Hoa

- Ni chúng Tịnh thất Viên Thông

- Ni chúng Tịnh thất Pháp Hoa

- Quý Sư cô chùa Thuyền Tôn, chùa Lôi Âm, chùa Quan Âm, chùa Phổ Minh, tịnh thất Phước Long.

- Quý Phật tử ở Long Thành, Tam An.

- Quý cô Diệu Lạc, Diệu Huyền, Trường An, Diệu Hòa, cô Tâm, cô Quế…


Tang quyến chúng con xin chân thành niệm ân chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng ni và Phật tử xa gần. Các Đạo tràng, các Khuôn giáo hội, các pháp hữu thiện hữu tri thức, Làng, Họ, Phái, bà con nội ngoại, các môn sinh, môn đệ. Đã vì đạo tình mà tổ chức cầu nguyện, viết thư thăm hỏi, điện tín chia buồn, phúng điếu, tiễn đưa linh cửu của thân mẫu chúng con đến nơi an nghỉ và liên tục cầu nguyện đến 49 ngày.

Trong lúc tiếp nghinh, khó tránh khỏi khuyết điểm. Mong chư tôn đức và quý vị cho chúng con được đảnh lễ niệm ân và sám hối.

NAM MÔ THƯỜNG HOAN HỈ BỒ TÁT MA HA TÁT

An Truyền, Xuân Mậu Thìn

Ngày chung thất, 25/01 PL.2531

Minh Tâm


Di Huấn

Của Mẹ Tôi

Lời ngỏ :

Trước lúc lâm chung mấy tuần. Mẹ tôi đã đến nhà nghĩa tử ở Thành nội Huế là anh THIỆN ĐIỀU Nguyễn Thắng Nhu bảo lấy máy ghi âm thâu lời di huấn này để lại cho tôi và con cháu trong gia đình.

Theo lời anh chị Nhu kể lại thì mẹ rất minh mẫn, đã viết sẵn lời di huấn này trên giấy.

Trong tang lễ, anh Nhu đã trao cuốn băng nhựa này cho tôi và đã mở lớn ra cho con cháu nghe âm thanh của mẹ tôi đọc rõ ràng trong lễ khiểN điện di quan và sau đó con cháu đã thành kính quỳ trước linh đài phát nguyện, vâng lời di huấn ấy, sau khi tôi đọc lời “Niệm ân thân mẫu”.

Một băng nhựa tường thuật lễ tang rất công phu và đầy đủ do hai nghĩa tử của mẹ tôi là anh Thiện Nhu và Thiện Hoài thực hiện trong đó có lời di huấn này của mẹ tôi do chính người đọc rõ ràng, mạch lạc.

Khi in tập sách nhỏ này tôi đã chép lại lời mẹ tôi từ cuốn băng nhựa ấy.

Xin được in vào đây để cùng quý vị và nhất là con cháu Đoàn Đình suy gẫm lời của một cụ già 76 tuổi, chuẩn bị cho cuộc ra đi vĩnh viễn của mình, và người muốn gì sau khi chết cũng như dặn con cháu phải làm gì trong cuộc sống.

Minh Tâm

Di Huấn

Của Mẹ Tôi

Nam mô A DI ĐÀ PHẬT.

Cùng tất cả con cháu, dâu rễ, nội ngoại.

Phật dạy “Vạn Pháp Vô Thường”, mạ cần dặn dò các con cháu vài lời, phòng khi nhắm mắt muốn nói cũng không còn kịp nữa, nên mạ nói tiếng nói của mạ vào đây để các con nghe và làm theo lời mạ dặn.

Trước hết, là việc Quốc gia và Đạo pháp, các con nên nhớ, dòng dõi họ ĐOÀN làng An Truyền đã có truyền thống cách mạng từ lâu, cách mạng chơn chánh do giáo lý Phật đà hướng dẫn. Từ ngày các Ngài Đoàn Trưng, Đoàn Trực, Đoàn Ái, Đoàn Hòa lãnh đạo cuộc nổi dậy ở Khiêm Lăng năm 1861, tôn Hòa thượng Nguyễn văn Quý làm quân sư. Tuy là sự việc bất thành rồi bị xử trảm một cách oanh liệt. Và từ đó đến nay, oai danh họ Đoàn lừng lẫy vang dội khắp nơi mà dư âm còn ảnh hưởng mạnh đến con cháu về sau qua bài văn “Trung Nghĩa ca” một tài liệu lịch sử vô giá, thể hiện tinh thần bất khuất, yêu nước của tiền nhân mà nhà cách mạng ĐOÀN TRƯNG sáng tác trong một hoàn cảnh khá ly kỳ.

Điều đặc biệt là tinh thần phụng sự Quốc gia và Đạo pháp luôn được các bậc cao tăng thạc đức hướng dẫn trực tiếp, xem Phật giáo và Dân tộc là một không có sự tách biệt nào, điển hình là trường hợp cụ CHƠN AN Lê văn Định, dòng giống họ Đoàn, phải tạm dùng họ Lê để tránh sự tàn sát của triều đình Tự Đức, sau cuộc cách mạng ấy người ta đã gán cho là “giặc chày vôi” và gần đây là sự hy sinh của Thượng tọa THÍCH TIÊU DIÊU tức là chú ĐOÀN MỄ tự thiêu tại chùa Từ Đàm để đòi quyền Tự Do cho Phật giáo và dân tộc.

Trong gia đình ta cũng có phước duyên, được các bậc Tôn đức trực tiếp hướng dẫn trong mọi sinh hoạt thường nhật, cha mẹ các con và cháu Luyện là đệ tử của HT. Thích Trí Thủ. Điệp, Long, Diệm, Châu là đệ tử của HT. Thích Trí Quang. Trang là đệ tử của HT. Thích Trí Nghiêm. Điểm là đệ tử của HT. Thích Thiện Siêu. Phúng là đệ tử của HT. Thích Lương Bật. Uyển là đệ tử của HT. Thích Huyền Quang. Mạ nhắc các điều trên để các con ghi nhớ, thấy rõ phước báu của mình mà giữ vững lập trường, trung kiên với Tam Bảo, lo Phật hóa gia đình để làm tròn bổn phận với Quốc gia và Đạo pháp.

Điều quan trọng nhất, mạ nhắc con cháu là hạnh phúc gia đình không phải là gia tài đồ sộ hay vật chất đủ đầy, mà hạnh phúc chơn thật là ở tình thương và đạo đức, tình anh em, tình vợ chồng chung thủy, tình với xóm với làng. Phải biết yêu thương, đùm bọc, tha thứ, che chở cho nhau, chia chịu ngọt chua sướng khổ, no ấm cùng nhau, đừng phân chia nội ngoại, có như vậy gia đình mới vui vẻ thuận hòa.

Sống, phải lấy ĐỨC HẠNH làm đầu, TRUNG, HIẾU, TIẾT, NGHĨA làm phương châm cho sự sống. Với bà con thân thích, với làng xóm xa gần, phải xử sự cho đẹp tình xứng lý, ăn ở cho có tình người, phải biết hy sinh như lời Phật dạy “Bỏ tất cả, mới có tất cả”, đừng gây thù kết oán với bất cứ ai. Chớ ham mê cờ bạc rượu chè, đừng sống trác táng bê tha, nô lệ vật chất tầm thường, đừng theo bạn bè phi nghĩa bất nhân, trước giữ phong độ cho bản thân, sau giữ gia phong cho Đoàn Tộc.

Sau khi mạ nhắm mắt lìa trần, việc ma chay phải hoàn toàn chay tịnh, đơn giản tối đa. Tất cả con cháu nội ngoại tùy nguyện cố gắng ăn chay, niệm Phật, bái sám cầu siêu cho mạ tối thiểu cũng đến 49 ngày. Thường năm, ngày kỵ giỗ, đứa nào còn thương nhớ chỉ cần thắp ba cây nhang tưởng niệm là đủ. Mạ xin các con đừng giết hại, vay nợ máu thịt của chúng sanh mà mạ thêm tội chướng, tốn hao vô ích.

Mấy lời mạ dặn các con cố gắng làm theo, đó mới là người có HIẾU.

Nam mô A DI ĐÀ PHẬT.

Mạ của các con,

Trương Thị Thí

Tự Hương


Lời cuối sách

Những giòng chữ bạn vừa đọc xong, tôi chỉ xin bạn một nụ cười, một động tác chấp tay búp sen với một lời cầu nguyện, cầu nguyện thế nào, tùy bạn.

Riêng với con cháu Đoàn Đình cũng chấp tay búp sen mà thành khẩn sám hối những gì không phải với Tổ Tiên, ông bà, cha mẹ và chí thiết nguyện cầu cho âm siêu dương thái, đồng thời khắc cốt ghi tâm ân đức Tam Bảo và những lời di huấn vô giá của Cụ Bà.

Thân Kính,

Minh Tâm


Thân ái, mừng tặng cho những ai còn mẹ,

Chia sẽ niềm đau với những ai mất mẹ.


Xin liên hệ:

Thích KHINH AN (Minh tâm)

Chùa PHẬT ÂN

Long Thành – Đồng Nai

ĐT: 0613.844.618 – 0612.643.400 – 0933.451.848

***

Trang Nhà Quảng Đức chân thành cảm ơn Thầy Trung Đạo và Thầy Hiếu Niệm đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này (Thích Nguyên Tạng, 17-10-2013)




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]