Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 05: Khó khăn khi tự mình gọi cấp cứu

18/04/201301:32(Xem: 5768)
Chương 05: Khó khăn khi tự mình gọi cấp cứu

TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO VÀ
SỰ PHỤC HỒI

Tác giả : TS. Jill Bolte Taylor
Dịch giả : TS. Minh Tâm


CHƯƠNG 5

KHÓ KHĂN KHI TỰ MÌNH GỌI CẤP CỨU

Tôi không biết chính xác là tôi bị vỡ mạch máu loại nào, nhưng chỉ biết là mạch máu đang vỡ từ bán cầu não trái và máu đang đổ ra từng khối lượng lớn. Khi máu tràn ngập qua vùng suy nghĩ những vấn đề phức tạp ở vỏ não trái, tôi bắt đầu mất khả năng nhận thức về các sự kiện này. Tôi chỉ còn có thể nhớ được một điều là lúc bấy giờ phải làm sao đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Nhưng gọi cấp cứu để được đưa đến bệnh viện là cả một vấn đề. Bởi vì tôi không còn khả năng tập trung ý thức vào công việc nào được nữa. Cái ý nghĩ “phải gọi bệnh viện cấp cứu” cứ nhảy ra nhảy vô, lúc biến lúc hiện trong đầu tôi, khiến tôi không biết đó có phải là “mệnh lệnh” nên làm hay không. Hai bán cầu não làm việc chung nhau bấy lâu nay như một dàn nhạc hợp tấu rất hài hòa, khiến tôi có thể sinh hoạt bình thường trong thế giới này. Nhưng bây giờ, do vì sự khác biệt phần hành giữa hai bán cầu, tôi cảm thấy khả năng ngôn ngữ và tính toán của bán cầu trái không còn nữa. Tôi không còn biết số nào là số điện thoại để gọi và gọi thì sẽ nói gì. Thay vào đó, tôi lại có cảm giác “an lành” len lỏi khắp người tôi, phát sinh từ bán cầu phải.

Không còn cái biết “theo đường thẳng” (đã qua, bây giờ, sắp tới) và sự chỉ dẫn của bán cầu não trái, tôi như phải vật lộn để tìm hiểu thế giới bên ngoài. Tôi không còn phân biệt điều gì là quá khứ, hiện tại hay vị lai, mà chỉ thấy tất cả là những sự kiện riêng lẻ, biệt lập trong hiện tại, chẳng dính dáng gì đến nhau. Tôi cố gắng trong tuyệt vọng để lập lại sự hiểu biết thường ngày, để nối kết những sự kiện rời rạc thành một chuỗi tiến trình có ý nghĩa. Trong đầu lúc này tôi chỉ còn lặp đi lặp lại ý nghĩ: “Tôi đang cố gắng làm gì đây? Gọi cấp cứu! Tôi đang thảo một phương án gọi cấp cứu! Tôi đang làm gì đây? Tôi phải soạn cho được một kế hoạch gọi cấp cứu. Được rồi. Tôi phải gọi cấp cứu”. Trước buổi sáng bị xuất huyết não này, bộ óc tôi biết phân loại, sắp xếp các dữ kiện đưa vào từ bên ngoài như sau: Tưởng tượng như tôi đang ngồi giữa bộ óc với những tủ đựng “hồ sơ” xếp thành hàng dài. Khi tôi muốn tìm một ý nghĩ, ý tưởng, hay một điều gì trong quá khứ, tôi sẽ nhìn qua các tủ “hồ sơ” xem nó nằm ngăn nào. Khi đã tìm đúng tủ rồi, thì tôi biết tất cả “dữ kiện“ đều nằm trong đó và mở ra sử dụng. Nếu nhìn lần đầu mà không thấy ngăn tủ muốn tìm, tôi sẽ lặp lại lần nữa cho đến khi có mới thôi.

Nhưng buổi sáng này thì khác. Các ngăn đựng “hồ sơ” như bị đóng chặt và bị đẩy xa ra khỏi sự kiểm soát của tầm tay tôi. Tôi biết tất cả kiến thức của tôi nằm trong đó, nhưng không phân biệt được chúng đang ở ngăn nào. Tôi không biết làm sao nối kết lại với khả năng ngôn ngữ, kiến thức về đời sống, về những năm dài học hỏi. Tự nhiên tôi hơi buồn vì không biết mình có thể trở lại bình thường được không.

Không còn khả năng ngôn ngữ và sự phân định thời gian, tôi như bị tách rời khỏi cuộc sống và mọi sinh hoạt bình thường. Không còn ký ức, không còn khả năng phân tích và phê phán của não thùy trái, tôi như người mà đầu óc bị che phủ bởi một màn đen lớn, không biết mình là ai và có mặt trong đời này để làm gì! Trong khi đó, nhịp máu đập ở đầu vẫn tiếp tục như búa bổ. Và bây giờ, khi không còn liên hệ được với mọi vật quanh mình nữa, tôi có cảm tưởng thân xác tôi đã tan chảy ra như chất loảng và hòa vào vũ trụ mênh mông.

Khi sự xuất huyết càng lúc càng trầm trọng thì sinh hoạt của não thùy trái cũng ngừng bặt. Tôi không còn nhận thức gì được về các chi tiết và sự phân loại dữ kiện bên ngoài. Bán cầu não phải giờ không còn bị bán cầu não trái chi phối nữa, nên đã tự do hoạt động. Như được giải thoát khỏi những lo âu, toan tính, phân tích, phê phán hằng ngày, bán cầu não phải đã đưa nhận thức tôi đến một vùng trời kỳ diệu của làn sóng ngắn “theta", và tôi cảm thấy an lạc vô cùng. Tôi không phải là Phật tử và cũng không biết gì về Phật pháp, nhưng tôi có cảm tưởng là tôi đã đạt tới cảnh giới mà người Phật giáo gọi là Niết Bàn, nơi mà tâm ý không còn bận rộn và mơ ước một điều gì nữa. Nơi đây, cảm giác của tôi là không còn toan tính, tranh đua, hơn thiệt; mà chỉ thấy thật thanh tịnh, bình an, đủ đầy phước báu và hòa làm một với vạn vật. Và hiển nhiên, một phần của con người tôi đang thích thú với cảm giác này. Nhưng còn phần khác trong tâm thức vẫn thúc giục tôi phải kêu gọi cấp cứu vì cảm giác đau nhức ở đầu vẫn còn dữ dội. Nhờ sự thôi thúc không ngừng này mà cuối cùng tôi đã được giải cứu.

Tại sao tôi không nhấc điện thoại lên và gọi số cấp cứu 9-1-1 ? Vì phần não trái liên hệ tới những con số đã bị máu tràn ngập. Các tế bào ở đây đã bị ngập máu nên ý niệm về con số đã không còn hiện hữu. Tại sao tôi không khập khểnh bước ra đường, ngoắc một người lạ và nhờ họ gọi cấp cứu ? Ý tưởng này không thể có được vì não thùy trái đã bị tê liệt. Trong tình trạng bất lực này, tôi chỉ còn một ý tưởng mơ hồ là phải làm sao để gọi cấp cứu! Những gì tôi có thể làm bấy giờ là ngồi đó và đợi, ngồi kiên nhẫn với cái điện thoại bên cạnh và kiên nhẵn trong im lặng. Tôi ngồi đó một mình cô đơn trong ngôi nhà rộng với những ý tưởng lạ lùng xâm chiếm tôi. Chúng thoắt hiện thoắt biến như trêu chọc. Tôi ngồi đó đợi chờ một giây phút tâm trí trở lại rõ ràng hơn, để tôi có thể nối kết hai ý nghĩ thành ý tưởng cụ thể để có thể thực hiện kế hoạch cấp cứu. Tôi vẫn tiếp tục im lặng và tự hỏi “Tôi đang làm gì? Gọi cấp cứu. Gọi cấp cứu. Tôi đang cố gắng gọi cấp cứu đây!

Trong hy vọng đợi chờ phút “tâm trí rõ ràng” sẽ đến, tôi để cái điện thoại trên bàn viết trước mặt và chăm chăm ngó vào các con số. Ráng nhớ lại xem phải gọi những số nào. Tôi cảm thấy não trái tôi trống không và trên đầu rất đau khi tôi chăm chú muốn tìm cách nhớ lại. Mạch máu bên đầu giựt liên hồi... “Chúa ơi! Con đau đầu quá!”. Thình lình, một số điện thoại loáng hiện lên. Đó là số của Mẹ tôi. Tôi mừng run vì đã có thể nhớ được số của bà. Thật là tuyệt diệu vì trí tôi đã có thể nhớ được số điện thoại, mà còn biết là của ai nữa. Nhưng cũng thật là vô dụng trong tình trạng khẩn cấp này. Nhà mẹ tôi cách đây mấy tiểu bang và xa hơn ngàn dặm; gọi bà vào lúc này và nói rằng tôi bị xuất huyết não, thì chắc bà phải ngã ra bất tinh. “Tôi phải tìm ra một kế hoạch nào khác!”. Rồi tôi nhớ đến văn phòng tôi ở trường Harvard. Phải rồi, tôi đã làm việc ở phòng Nghiên Cứu Não Bộ của đại học Harvard từ nhiều năm. Những khi đi khắp các tiểu bang diễn thuyết và kêu gọi mọi người hãy đóng góp bộ óc người chết cho ngân hàng não ở đây để dùng vào việc nghiên cứu, thì tôi bảo họ cứ gọi số miễn phí 1-800-... của trường. Nhưng buổi sáng này tôi không thể nhớ được gì rõ ràng cả! Tôi chỉ mơ hồ biết tôi là ai và đang muốn làm gì.

Một màn sương phủ kín trí óc tôi. Tôi cố gắng nhớ số điện thoại văn phòng. “Tôi phải gọi bạn ở văn phòng. Nhưng... số mấy?”. Nơi làm việc, muốn liên lạc với nhau không bao giờ phải gọi nguyên số. Chỉ càn bấm 4 con số chót. Thành ra trong bộ nhớ của óc tôi không bao giờ có nguyên số điện thoại của bất kỳ đồng nghiệp nào. Bỗng tôi nhận ra các danh thiếp để trên bàn. Ờ, đây là danh thiếp của trường Harvard, vì nó có dấu hiệu đặc biệt. Cầm lên, tôi biết là danh thiếp của người bạn mà văn phòng sát bên tôi. Nhưng tôi không đọc được số điện thoại. Các con số bây giờ, dưới mắt tôi, chỉ là những vệt đen vô nghĩa. Tên của người bạn, giáo sư tiến sĩ Stephen Vincent, cũng vậy. Tôi không còn khả năng nhận diện chữ nghĩa nữa. Cuối cùng, sau gần một tiếng đồng hồ cố gắng trong mệt mỏi và đau nhức, với những chớp lóe sáng ngắn ngủi trong đầu, tôi đã bấm được mấy số trên điện thoại mà có hình dạng giống như số trên danh thiếp. Cầm ống nghe lên tai, tiếng nói quen thuộc của Vincent - đồng nghiệp ngồi sát văn phòng tôi - sao nghe như tiếng của một con dã nhân, tôi không hiểu gì cả. Và tôi cũng lên tiếng, nhưng không ra tiếng. Tôi cố dùng hết hơi sức từ trong buồng phôn hét lớn: “Tôi là Jill tôi cần giúp đỡ”, về sau, Vincent kể lại là anh ta cũng chẳng nghe tôi nói được gì, chỉ nghe tiếng “gầm gừ” của dã thú; nhưng Vincent nhận ra giọng của tôi và thấy tôi trễ hơn nửa giờ rồi, biết là tôi có chuyện nên đã vội mang xe đến đón. Thì ra tôi đã không còn khả năng ngôn ngữ đọc, viết, nói... gì nữa, sau khi các tế bào não trái bị tràn ngập trong vũng máu.

Nhờ vào não bộ phải, tuy tôi không hiểu Vincent nói gì, nhưng nghe ra “cách nói” nhẹ nhàng và quan tâm của anh, tôi yên trí anh hiểu tôi nói gì và sẽ đến giúp. Cho nên lúc ấy tôi thấy an tâm. Tôi đã làm hết sức mình một công tác thật “khó khăn” và tôi đã thành công.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567