Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Bới lông tìm vết

02/08/201209:57(Xem: 7685)
08. Bới lông tìm vết

ĐOẠN TRỪ LẬU HOẶC

Tác giả: Acharya Buddharakkhita
Dịch giả: Pháp Thông

PHẦN I

BỚI LÔNG TÌM VẾT

I

Thói bới lông tìm vết hay bới lỗi phản ánh nội tâm của con người. Nếu tấm gương phản chiếu mọi vật, thì thói bới lỗi phản chiếu những bản chất của con người. Có lẽ không có thói xấu nào làm tổn hại đến nhân cách của con người, cũng như làm cho vết thương trong tâm, lậu hoặc, trở nên trầm trọng hơn là thói quen bới lông tìm vết này.

Bới lỗi là một hội chứng. Nó phản ánh một số những triệu chứng, làm cho căn bệnh lậu hoặc bị biến chứng thậm tệ hơn. Tự cho mình là đúng, là thánh thiện hơn người, có thể là nguyên nhân cơ bản của thói bới lông tìm vết. Sự phẫn nộ, dễ mếch lòng, thâm hiểm - những pháp xuất phát từ căn sân này có thể gây ra thói bới lỗi. Sự dối trá, xảo quyệt, thủ đoạn, hai lòng, cấu kết, mánh khoé - tất cả những thói xấu này có thể được ngụy trang bằng bới lỗi. Ngụy biện, đạo đức giả, võ đoán - những điều này có thể là căn nguyên của thói bới lỗi. Không có lòng bao dung, cư xử hẹp hòi, cố chấp - những điều này có thể hóa trang như thói bới lỗi. Còn rất nhiều những pháp làm ô nhiễm tâm khác nữa nuôi dưỡng thái quá các lậu hoặc có thể là nguồn gốc của thói bới lỗi này.

Như chú giải đã đề cập, trong ba bất thiện căn, chỉ có tham và si là lậu hoặc, sân không phải. Nhưng thói bới lỗi, một dạng thức của sân là lực truyền dẫn phong phú nhất làm màu mỡ thêm cho các lậu hoặc. Đó là lý do tại sao Đức Phật nhất quyết ngăn chặn cái khuynh hướng ưa sanh sự, thói quen thích đưa ra những lời chỉ trích có tính xoi mói đối với những chuyện nhỏ nhặt, thái độ khiển trách có vẻ bề trên và ta đây giới hạnh.

Tuy thế, sửa sai một người nào vì quan tâm đến lợi ích của họ, cũng có nghĩa là vạch lỗi, nhưng lại được Đức Phật khen ngợi. Thực ra không có gì có thể được coi là đáng trân trọng hơn, nếu một người muốn loại bỏ một khuyết điểm, một sai sót hoặc lỗi lầm của mình. Những khiếm khuyết và nhược điểm chỉ có thể được sửa đổi bằng chính sự cần cù của người ấy và thái độ thân ái của người chỉ lỗi cho họ. Suy cho cùng, che dấu một khuyết điểm cũng chẳng ích gì.

Chính vì vậy nếu có người nào tìm thấy nơi ta có điều gì sai trái, không hoàn hảo và khiếm khuyết, tức là người ấy đã tiết lộ cho ta một điều bí mật và khám phá cho ta cái sự thật đích thực. Người ấy đã tiết lộ cho ta bí quyết để thành công và khám phá cho ta cái sự thật để được hoàn hảo. Như vậy thì còn ai khác, có thể là người chỉ mong điều tốt lành cho tha nhân tốt hơn người ấy nữa? Vì lý do đó mà trong Kinh thường gọi người chỉ lỗi cho ta là một Kalyānamitta, tức bậc thiện tri thức hay một người bạn chân thực. Trong Pháp Cú, chương nói về Bậc Hiền Trí (Pandita vagga)có những bài kệ:

"Nếu gặp bậc Hiền Trí,
Chỉ lỗi và khiển trách,
Như chỉ chỗ chôn vàng,
Hãy thân cận người trí,
Thân cận bậc như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu.

Những người hay khuyên dạy,
Ngăn người khác làm ác,
Được người hiền kính yêu,
Bị người ác chỉ trích.

Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân kẻ tiểu nhân,
Hãy thân người bạn lành
Hãy thân bậc thượng nhân."

Tuy nhiên cũng cần phải có sự thận trọng và một cái tâm nhạy bén mới phân biệt được đâu là người bới lỗi và đâu là một người sửa sai. Và để cho mọi người có thể có được một sự hiểu biết sáng suốt như vậy, Đức Phật đã gọi những vị Tỳ khưu đem lại nhiều phiền phức cho Ngài bằng biệt danh "Trưởng lão Hay Bắt Lỗi" hay đúng hơn là "Trưởng lão Tự Thị". [3]

Chú giải Pháp Cú có ghi lại câu chuyện rằng, có vị Tỳ khưu thường đi loanh quanh kiếm chuyện với hết người này đến người khác, chê trách nào là "Nhìn xem cái ông Tỳ khưu này bận y hạ kìa, và xem ông kia đắp y thượng kìa!" Bất kỳ chuyện nhỏ nhặt nào vị ấy cũng tìm cho ra khuyết điểm, đúng thời hay phi thời cũng vậy. Vì thế, khi các vị Tỳ khưu ở chung không còn chịu đựng được cái thái độ đạo đức giả của vị sư huynh này nữa, họ trình sự việc lên Bậc Đạo Sư hy vọng rằng chứng bệnh của vị ấy có thể được chữa lành.

Sau khi nghe các Tỳ khưu kể rõ tự sự, Bậc Đạo Sư nói, "Này các Tỳ khưu, nếu vị nào thực hành giới luật của đời phạm hạnh thật nghiêm túc, và buộc phải chỉ lỗi vì muốn hướng dẫn người khác, hành động như vậy không có nghĩa là bới lỗi. Nhưng nếu vị nào, vì thích chỉ trích, đi loanh quanh kiếm chuyện với mọi người như vị Tỳ khưu này, chỉ có một mục đích duy nhất là tìm khuyết điểm của người khác. Một người như vậy không bao giờ có thể thành tựu Thiền Định cũng như các chứng đạt Siêu Thế khác. Đối với họ các lậu hoặc chỉ thêm tăng trưởng." Sau đó, để kết luận, Đức Thế Tôn nói lên bài kệ này:

"Ai thấy lỗi người khác,
Thường sanh lòng chỉ trích,
Người ấy lậu hoặc tăng,
Rất xa lậu hoặc diệt."
-- (Dhammapada 253)

II

Tâm lý thích bới lỗi, trên quan điểm của Đạo Phật, có thể được định nghĩa như là sự phóng hiện của chính những mặt hạn chế hay nhược điểm của người đó. Cũng như mong muốn phát xuất từ sự muốn có, tìm lỗi cũng vậy, phát xuất từ việc có lỗi. Một người được coi là đang mong muốn khi anh ta muốn cái gì đó; tương tự, chỉ khi một người tự bản thân mình có lầm lỗi mới có thể thấy được lỗi nơi người khác. Điều này tóm tắt cái cơ chế của sự phóng hiện; đó là, nghĩ rằng người khác cũng có lỗi như mình. Thấy lỗi trong chính mình sẽ làm tổn thương tự ngã (cái tôi) của họ và người hay bới lỗi chính là người ích kỷ, vì họ không có đủ khả năng để thừa nhận nó.

Người hay bới lông tìm vết có đặc điểm là dễ cáu. Cáu kỉnh là tức giận với chính bản thân mình, nó được biểu hiện bằng những lớp vỏ khác nhau - sự phẫn nộ, phản đối, không có lòng bao dung hay độ lượng đối với sự sai lầm hay nóng giận, nói chung những tội lỗi do người khác gây ra. Sự ân hận do việc bới lỗi tạo ra, đã chứng minh đầy đủ trạng thái bất hòa và xung đột nội tâm ấy.

Trong tâm lý học Phật Giáo, một ý thức tội lỗi thể hiện bằng việc bới lông tìm vết như vậy biểu thị một sự chuyển đổi bên trong, tức chuyển những xung lực hay cảm giác khó chịu ấy sang người khác. Hành động thay thế hay sự chuyển đổi trong tâm này chỉ tạo ra những chướng ngại nội tâm và cản trở sự tiến bộ tâm linh. Khi một phần của quả đồi bị sạt lở hay sập xuống, nó cản trở đường đi và gián đoạn giao thông; thói bới lỗi cũng làm cản trở tâm như vậy.


[1] Saṃsāra:Faring on; transmigration - sự chuyển sanh, sự luân lưu trong tam giới.

[2] Ý: Mano (Pāli)

[3] Tự thị: tự cho mình là đúng, tự đánh giá mình quá cao và coi thường người khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567