Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 7

18/03/201201:08(Xem: 9755)
Chương 7

BỤI ĐƯỜNG

tức Phương Trời Cao Rộng 2

truyện dài của Vĩnh Hảo

Chiêu Hà xuất bản tại California, Hoa Kỳ năm 1995, tái bản năm 1996

oOo

CHƯƠNG BẢY

Có thể nói là do ở tuổi mới lớn, cùng với cái tâm lười biếng một cách đáng ghét của một kẻ vừa khỏi bệnh, nên khi được đặt vào hoàn cảnh thơ mộng của chùa Hài Đức, tôi bỗng dưng trở nên kẻ hư hỏng, buông thả, dễ dãi với chính mình một cách quá đáng. Quen với cái đà “dưỡng bệnh”, tôi hầu như đánh mất đi ý thức tự nguyện khép mình vào kỷ luật và cả thời khóa tu tập hàng ngày mà tôi vẫn thường tinh tấn theo đuổi xưa nay. Khi nào đến phiên tôi tụng kinh, thì tôi đắp y lên điện Phật tụng kinh; ngoài khóa lễ được thầy quản chúng cắt đặt đó, tôi không hết lòng thiền định hay trì tụng danh hiệu Phật trong phòng riêng nữa. Nói “không hết lòng”có nghĩa rằng ngay cả trong những lúc đang tọa thiền, tôi cũng không được định tâm cho lắm; và tôi cũng chẳng có chút cố gắng nào trong việc kềm giữ tâm ý mình khi biết nó đang chạy rông như một con ngựa bất kham. Quả thực là tâm chí tôi đã vô cùng xuống dốc. Đôi lúc thức dậy nửa đêm, tôi ngồi lặng trên giường, tự phản tỉnh, tự răn nhắc chính mình, nhưng rồi đâu vẫn vào đấy. Khi chuông báo thức buổi khuya trổi lên, tôi cũng thức dậy theo mọi người, nhưng đó chỉ là thức theo thói quen, chứ không phải thức dậy để tọa thiền hay tụng niệm. Và thay vì dành những giờ phút thanh tịnh buổi sớm để lắng tâm tu tập, tôi đọc sách, đọc truyện, có khi là những truyện tiểu thuyết trữ tình. Đối với một người thế tục, sinh hoạt như thế kể cũng khá lành mạnh rồi: dậy sớm, đọc sách đọc truyện chứ có phải cờ bạc rượu chè hay làm hại gì ai đâu! Nhưng đối với một tăng sĩ ở chùa, hay đối với chính tôi, một thằng tôi ở đang ở tình trạng sa đà buông lung nhất, tôi cũng tự biết tôi đã dần dần trở thành một “phi hảo tăng”, tức là tăng sĩ không tốt–đây là từ thông dụng trong chùa, đọc thấy trong luật Sa-di Oai Nghi. Không có sự đau khổ nào to lớn bằng cái đau khổ của một kẻ tự biết mình sa lầy mà không bấu víu hay níu kéo vào đâu được để ngoi lên.

Nhớ năm xưa mới xuất gia, được thầy chỉ dạy, tâm chí tôi bừng bừng hướng đến mục tiêu giải thoát giác ngộ, nhất định cầu làm Phật, bằng không thì cũng làm một vị tăng chân chính, xứng đáng là rường cột của đạo pháp. Không bao giờ tôi có thể tưởng được rằng có ngày tôi xuống dốc một cách tàn hại như vầy. Đã có lúc tôi hứa sẽ quyết tâm vượt qua, nhưng rồi ý chí tôi mềm lũn, và tôi lại dấn bước vào sự dễ dãi, buông xuôi, mặc tình cho tháng ngày trôi qua.

Tôi từng có cảm giác là mình trở nên mới mẻ hơn từ lúc vừa hết bệnh ở Hội An, từ lúc lên xe đò trở về Nha Trang. Nhưng phải chăng con người mới của tôi là như thế này? Tôi thực không hiểu sao tôi không còn chút năng lực hay chút quyết tâm nào để chống lại sự buông thả tâm ý của mình. Không những tôi bắt đầu tập tành làm thơ, viết văn, mà còn học nhạc, thổi sáo, đàn và ca hát… nữa.

Tất cả những thứ kể trên, những trò tiêu khiển của người lớn thế tục, tôi đều hăm hở tự học lấy. Viết văn, làm thơ, tôi say mê viết những truyện dài đầu tay của mình vào thời gian ấy; ngoài ra, tôi còn làm cả một tập thơ trên trăm bài. Học đàn, tôi nhờ người ta mua giúp một cây ghi-ta cũ, rồi tự tôi xuống phố mua cuốn sách Tự Học Tây Ban Cầm của Lan Đài và Hoàng Bửu, tự học mò lấy cho qua phần nhạc lý căn bản, sau đó, thỉnh thoảng tôi ghé về nhà vài tiếng đồng hồ để anh tôi chỉ thêm về phần thực hành. Với sự miệt mài tập luyện, tôi mau chóng nắm vững các thế bấm hợp âm (gamme) để đệm hát. Rồi tôi lại tập hát. Có bao nhiêu tập nhạc ở nhà, tôi mượn hết, bất kể là loại nhạc gì. Như vậy, từ dân ca đến tình ca của Cung Tiến, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn Từ Linh, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Phạm Thế Mỹ, Nguyễn Đức Huy… tôi đều hát qua. Tôi cũng thuộc lòng khá nhiều bản tình ca trong khi trái tim quê mùa của tôi chưa biết nhảy đập gì theo điệu yêu đương cả. Học sáo, tôi mua cây cây sáo trúc ở một hiệu sách, mua cả cuốn băng nhạc và sách dạy thổi sáo của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa. Chỉ trong vòng vài tháng, tôi đã nghiễm nhiên trở nên một “người lớn”; không những chỉ là người lớn, mà còn là một “nghệ sĩ”. Vâng, khi làm tất cả những điều trên, quả là tôi cảm thấy mình có vẻ như một người lớn, một nghệ sĩ thực thụ. Làm sao có thể phủ nhận được rằng một kẻ thức khuya dậy sớm, ngồi viết văn làm thơ bên tách cà-phê đen nóng, hoặc ngồi đàn ca một mình dưới những đêm trăng… lại chẳng phải là một người lớn, một nghệ sĩ!

Hệ quả của sự ham thích làm người nghệ sĩ là tính chất ướt át lãng mạn bắt đầu manh nha trong cách diễn đạt văn thơ của tôi. Cho nên, khi đọc một bài thơ của tôi, thầy Thông Chánh đã tỏ ý lo ngại, hỏi tôi:

“Sao bài nào cũng có chữ emhết vậy? Em là ai? Có phải là chú có một đối tượng thương yêu kiểu trai gái ngoài đời?”

Tôi ngụy biện:

“Không, có ai đâu, emở đây chỉ là nhân cách hóa, cụ thể hóa chân lý mà thôi. Tôi tìm emcó nghĩa là tôi tìm chân lý đó mà.”

Dù tôi đã giải thích như vậy, thầy Thông Chánh cũng không yên tâm. Thầy nói:

“Chân lý đó đâu cần phải cụ thể hóa bằng một từ ngữ gợi hình gợi ý như vậy! Mà cần gì phải cụ thể hóa, chân lý thì cứ nói là chân lý chứ cần gì phải gọi bằng em! Nguy hiểm lắm chứ chẳng lợi ích chi cả. Chú không biết là ngôn từ cũng có đời sống riêng và mỗi chữ, mỗi tiếng nói đều có biểu tượng của chúng sao! Khi chú lặp đi lặp lại từ em, không phải là một hình ảnh nào đó hiện lên trong đầu chú sao? Chân lý của chú sẽ mượn hình ảnh một nữ nhân để đến với chú. Rồi chú sẽ làm gì với cái chân lý đó?”

Tôi cười, không đáp. Có lẽ thầy Thông Chánh không nhớ hoặc không cảm thấy như tôi lúc đó rằng những bài thơ có đầy những chữ như chân lý, lý tưởng, lý trí, thể tính, trí tính, trí tuệ, trí thức, tri thức… thì chẳng còn gì là thơ. Nhưng tôi cũng đâu có quên là thầy Thông Chánh từng nhắc nhở tôi rất nhiều về chuyện đề phòng nữ nhân. Một câu tôi nhớ hoài là: “Ninh dĩ xích đồng uyển chuyển nhãn trung, bất dĩ tâm tà thị nữ sắc”(có nghĩa là: “Thà lấy thỏi đồng nung đỏ lăn vào mắt chứ không đem cái tâm tà vạy để liếc nhìn sắc đẹp của nữ nhân”). Những lời khuyên nhắc ấy trước kia tôi rất trân trọng vì biết đó là thiện chí hướng dẫn, bảo vệ của thầy ấy dành cho một người sơ tâm, bản lãnh yếu kém như tôi. Với kinh nghiệm tu tập nhiều năm, chứng kiến nhiều người vấp ngã, thầy ấy không muốn thằng bé ngoan hiền, mới lớn như tôi phải sa chân vào những cạm bẫy. Thầy ấy vẫn còn muốn dìu tôi đi từng bước thận trọng, chín chắn. Nhưng bây giờ, những lời khuyên nhắc của thầy đã mất hết tác dụng. Tôi nghĩ tôi đã thành người lớn và tôi muốn tự mình sắp đặt đời sống của chính mình. Tôi không muốn bất cứ ai kiểm soát hay răn nhắc gì tôi nữa–ngay cả thầy bổn sư của tôi cũng vậy, tôi chỉ thấy thầy nhìn tôi từ xa, im lặng; có lẽ thầy đã nhìn rõ hiện tượng “nên người”từ tôi, nên để mặc tình tôi tự do sinh hoạt chứ không can dự vào như hồi tôi còn bé. Chỉ có tình cảm thân thiết giữa tôi với thầy Thông Chánh là còn dùng dằng, dây dưa một thời gian ngắn, rồi mỗi lúc mỗi trở nên xa cách dù rằng chúng tôi vẫn còn sống chung trong một mái viện, ăn chung trong một phòng ăn, tụng kinh chung nơi một chánh điện… Tất cả đều bắt nguồn từ sự ương ngạnh của tôi, từ ý chí muốn tự lập của tôi. Dĩ nhiên khi tôi trưởng thành, có ý chí tự lập, thì đó niềm vui cho những người đã từng hướng dẫn, giáo dục tôi. Nhưng nếu sự trưởng thành ấy chỉ là sự tăng trưởng của một cái bản ngã, hay là sự lớn mạnh bề mặt của một cơ thể theo thời gian và tuổi tác thì điều này lại khác. Huống chi chính vì hăm hở chạy theo ảo tưởng trưởng thành ấy mà tôi ngấm ngầm cắt đứt sự liên hệ tốt đẹp xưa nay giữa tôi và thầy Thông Chánh. Sự kiện này, có khi tôi tự thấy là vô ơn, bạc bẽo. Tôi không thể ngờ được là nó có thể xảy ra cho một chú tiểu vốn ngoan ngoãn biết nghe lời như tôi.

Ô

Chú Thân bên chùa Tỉnh hội là một người bạn học cũ cùng lớp Sơ đẳng Phật học với tôi từ những năm trước 1975. Khi tôi được chuyển ra học ở Phật học viện Quảng Nam, chú ấy được đưa vào học tại Phật học viện Nguyên Hương ở Phan Thiết. Nay các Phật học viện đều bị giải tán, chúng tôi gặp lại nhau và trở nên khá thân. Chú Thân có những tư tưởng mới mẻ, độc đáo lạ thường trong cách hiểu về thiền học cũng như về giáo lý tịnh độ. Chú là một con người bạt mạng, sống rất thực và bất cần dư luận. Chính vì vậy mà trong mắt nhiều người, kể cả vị bổn sư của chú là Thượng tọa trụ trì chùa Tỉnh hội, chú có vẻ như một kẻ hoang đàng, phá phách nhất trong những chú sa-di ở Nha Trang. Tôi thấy điều đó là bất công với chú, vì đối với tôi, chú vẫn là một người bạn trực tính, một người bạn tốt, sống hết lòng với bạn hữu. Ngoài chú Thân ra, ở chùa Tỉnh hội còn có chú Mỹ (thường gọi là Mỹ đenđể phân biệt với một chú Mỹ cùng tên nhưng có nước da trắng hơn–Mỹ trắng). Chú Mỹ đen từ Sài Gòn về Nha Trang sau năm 1975, cũng trở thành một người bạn mới của tôi khi tôi thường tới lui chùa Tỉnh hội để trò chuyện với chú Thân. Như vậy, từ viện Hải Đức, chùa Tỉnh hội và chùa Linh Phong, chúng tôi bốn người, tính theo thứ tự tuổi tác: chú Đức, chú Mỹ, chú Thân và tôi, kết thành bạn với nhau. Chú Đức và chú Mỹ cùng tuổi nhau và lớn hơn chú Thân bốn tuổi, còn chú Thân thì lớn hơn tôi hai tuổi.

Đúng như người ta nói, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.Khi tôi rơi xuống tận cùng sự“bê tha” của đời mình vào giai đoạn đó thì tự dưng con người tôi lại thích hợp vô cùng với những mẫu người cũng trội bật về sự phóng tâm như các người bạn mới này. Dù sao, cũng phải nhìn nhận rằng, trong bốn đứa chúng tôi, tôi và Đức hợp với nhau nhiều hơn vì chúng tôi biết hối tiếc, và biết đau khổ vì sự phóng túng của mình. Những gì hai chú kia làm, tôi với Đức cũng có làm: cử tạ, đi bơi, đọc tiểu thuyết, đọc truyện kiếm hiệp, v.v… Nhưng tôi và Đức, thỉnh thoảng có ghìm cương lại, có nhắc nhau về chuyện tu học, có trao đổi với nhau về Phật pháp; còn hai chú kia thì không. Hai chú ấy không bao giờ hối hận về những gì họ làm. Và trong khi hai chú kia lúc nào cũng tỏ ra là những kẻ lịch lãm, lanh lợi, có thể thích ứng với bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào của đời sống thiền môn hay đời sống thế tục thì tôi và Đức vẫn cứ là hai thanh niên tu sĩ khờ khạo, có vui chơi gì thì cũng biết cái chừng mức để dừng lại, biết hổ thẹn, và không bao giờ dám đi hết con đường phóng túng của mình.

Ô

Thực là quá sức tưởng tượng khi một tốp công an thành phố lên nói chuyện với thầy bổn sư của tôi và thông báo quyết định của họ rằng, họ cần mượn tạm dãy “nhà mới”, tức là dãy tăng phòng nằm ở vị trí cao nhất của đồi Trại Thủy, nơi có quả đại hồng chung của viện. Không biết họ có nói rõ lý do gì với thầy tôi không, nhưng tôi nghe những người trong viện bàn tán xì xầm rằng, họ lấy cớ mượn dãy tăng phòng đó để kiểm soát thành phố mà thực ra là để kiểm soát sinh hoạt của viện. Viện Hải Đức xưa kia nổi tiếng là nơi đào tạo nhiều thế hệ nhân tài của giáo hội. Đến nay, dù đã giải tán nhưng hãy còn khá đông thành phần tu sĩ trẻ ở lại. Trên hai mươi tu sĩ ở tập trung một chỗ, đối với chính quyền, quả là điều đáng gờm. Dĩ nhiên là do họ đã quyết định trước nên thầy tôi không thể từ chối. Có thể đó là chỗ yếu của thầy tôi. Thầy chỉ còn biết thông báo lại một sự việc đã rồi cho quí hòa thượng, thượng tọa lãnh đạo giáo hội tỉnh. Và khi tin này đến tai những người trẻ trong viện, sự bất mãn hiện ra thấy rõ. Mọi người đều có vẻ qui tội cho thầy tôi đã không dám mở miệng từ chối thẳng với công an thành phố về việc chiếm dụng trắng trợn cơ sở của viện như thế. Trong số những người bất mãn đó, có cả tôi. Với bầu máu nóng của thanh niên, tôi đã không sao hiểu nổi rằng có những việc không thể giải quyết đơn giản bằng sự chống trả kịch liệt với bạo lực. Tôi cũng quên rằng thời điểm của những năm cộng sản mới cầm quyền tại miền Nam, không phải là lúc mà người dân, bao gồm cả những tu sĩ các tôn giáo, có thể nói chuyện tay đôi với nhân viên nhà nước–bổn phận của người dân lúc ấy là phải lắng nghe và làm theo mệnh lệnh của nhà nước đưa ra. Tôi chỉ thấy rằng việc đó thực phi lý, mà đã phi lý thì không thể chấp nhận. Vì vậy, không nhiều thì ít, trong lòng tôi cũng đã nẩy sinh một mối bất kính với chính vị thầy bổn sư của mình. Đây là điểm tối kỵ trong truyền thống sinh hoạt của Phật giáo. Khi một đệ tử đã mất đi hay chỉ phai nhạt đi niềm kính tín đối với sư phụ, điều này không có nghĩa là hắn sẽ không bao giờ thành công, nhưng hắn sẽ phải tự đi đến đích bằng những bước chân vô cùng quệnh quạng. Sư phụ dù ở xa hay gần, vẫn là một biểu tượng rất mạnh và tối cần thiết dể làm chỗ nương tựa tâm linh cho đệ tử. Để tiến xa, để đạt đạo, người đệ tử cần vượt qua thầy, nhưng không bao giờ nên đốn ngã thầy. Khinh thị, bất kính là những con mọt, đục khoét dần dần để rồi đốn ngã niềm tin và ý chí của người đệ tử lúc nào chính hắn không thể ý thức được.

Những ngày kế tiếp, quí thầy ở dãy “nhà mới”phải dọn xuống các phòng phía dưới. Trai đường rộng lớn của viện phải bị chia làm hai, một nửa trước dùng làm trai đường, nửa sau còn lại, làm phòng tăng. Đâu chừng hơn nửa tháng thì công an kéo lên. Tăng sĩ và công an cùng chung sống trên một ngọn đồi. Hay có thể nói một cách ý vị hơn: Phật và Ma vương tựa lưng nhau trên một bồ đoàn. Nhưng dù có muốn thi vị hóa cách mấy về sự kiện này cũng không xóa nổi thực trạng đau buồn là một nửa phần trên thơ mộng nhất của ngọn đồi Trại Thủy đã bị cưỡng hiếp. Vâng, phải nói một chữ thô lậu như thế mới diễn tả chính xác được sự xâm phạm của một cái tục tằn đối với một cái ngây thơ trong trắng. Đồi Trại Thủy suốt mấy chục năm là cảnh thiền, bây giờ bắt đầu có sự hiện diện của những người thế tục thiếu thiện tâm. Chúng tôi không còn tự do đi dạo trên đỉnh đồi nữa. Con đường từ viện qua Kim Thân Phật Tổ cũng bị cắt đứt. “Nhà mới”trở thành “đồn mới”.

Còn gì để mất mát nữa chăng? Tôi tự hỏi như vậy, khi bước đi trên con đường Hoàng hôn và có cảm giác như có người từ dãy “nhà mới”đang nhìn mình, theo dõi mình.

Tôi không muốn rời khỏi phòng nữa. Ở lì trong phòng, viết văn, làm thơ, đàn ca một mình. Khi ra ngoài, tôi tìm đến các chú Đức, Mỹ và Thân để trò chuyện cho quên đi rằng có một đám mây đen đang bao phủ cuộc sống thơ mộng xưa nay của mái viện Hải Đức.

Ô

Tôi được chú Đức thông báo là phải có mặt tại chùa Linh Phong vào ngày mà thầy Trừng Hùng, nhân danh chủ hộ–tức là người đứng đầu tờ khai gia đình, hay nói cho dễ hiểu là người chủ nhà–mang tờ hộ khẩu của chùa Linh Phong cùng với các bản khai lý lịch của từng cá nhân trong chùa đến khóm Phước Bình để công an chứng nhận thay hộ khẩu mới. Có thể công an sẽ cho đòi những người tạm trú xin vào thường trú có mặt tại trụ sở Khóm hay Phường, xét xem có hợp lệ để cho vào danh sách thường trú hay không. Khóm Phước Bình ở ngay dưới chân núi, từ tam quan chùa Linh Phong có thể nhìn thấy; cho nên tôi và chú Đức chỉ việc ngồi chờ đợi ở bậc tam cấp, nếu thấy thầy Trừng Hùng bước ra khỏi trụ sở, ngoắc tay, thì cùng xuống núi để vào trụ sở Khóm. Sau một giờ đồng hồ, thầy Trừng Hùng từ trụ sở Khóm bước ra, chẳng ngoắc chẳng kêu gì. Thầy lên núi, về chùa. Sổ hộ khẩu mới đã có. Tên chú Đức và tên tôi cũng đã nằm trong phần danh sách thường trú của chùa Linh Phong. Chú Đức chắp tay nói đùa với tôi: “Nam mô thường trú Tăng Bảo”, như là một câu chúc mừng cho hai đứa.

Nhưng khi tôi chưa kịp quay về viện Hải Đức thì thầy Trừng Hùng gọi cả tôi lẫn chú Đức vào phòng khách của chùa, nhắc nhở:

“Từ nay tụi bây đã được yên ổn rồi đó. Liệu mà tu học đàng hoàng, có đi đâu xa ra khỏi Nha Trang thì cũng phải báo tao biết, xin được giấy thông hành của công an cho hợp lệ rồi mới được đi. Không phải có hộ khẩu rồi muốn bay nhảy đi đâu thì mặc ý. Thằng Đức không nói làm chi, chứ thằng Khang, mi ở bên Hải Đức mà tên thì gởi ở đây, cái đó hơi lộn xộn đó nghe. Lỡ nửa đêm nửa hôm công an nó vào xét chùa, không có mặt mi thì tao ăn nói làm răng. Để hôm nào tao thưa lại với thầy bổn sư của mi về chuyện ni mới được.”

Tôi thưa:

“Dạ nếu công an có hỏi thì thầy nói con đang dưỡng bệnh và tu học bên Hải Đức. Hai chùa cùng trên một núi, cùng một khóm phường, chắc họ chẳng làm khó dễ chi đâu.”

“Nói như mi thì khỏe quá. Tao sợ không đơn giản như rứa thôi.”

Buổi chiều ăn cơm ở phòng ăn của viện, tôi nghe quý thầy bàn về việc lập hộ khẩu mới. Ai cũng cho rằng nhà nước cần phải làm hộ khẩu không phải chỉ để kiểm soát và thống kê nhân số mà còn là biện pháp ngăn chận và giảm trừ sự đi lại của nhân dân hầu đóng bít sự thông tin giữa các địa phương, sự thông tin mà họ nghĩ là bất lợi cho chính sách tuyên truyền một chiều của họ. Kiểm soát hộ khẩu cũng là cách để loại trừ những thành phần chông đối chính quyền từ nội địa hay hải ngoại có thể len lỏi trốn nấp trong các cư gia; ngoài ra, cũng qua chính sách hộ khẩu, nhà nước kiểm soát vấn đề thực phẩm của nhân dân, lấy chuyện cơm áo để sai sử, kềm chế, thưởng, phạt nhân dân theo đường lối và mục tiêu hoạch định của đảng và nhà nước.

Nghe quí thầy bàn luận tôi mới vỡ lẽ. Kiến thức sách vở của tôi lâu nay chỉ quanh quẩn trong các chủ đề văn chương, triết học, Thiền học và đạo học Đông phương… nên không làm sao tự nhiên mà thấu hiểu được những vấn đề của chính trị dù rằng trong phương diện này có những chỗ rất thực tế, căn bản, rất dễ nắm bắt, như chuyện kiểm soát hộ khẩu chẳng hạn, chẳng có gì cao siêu khó hiểu như những vấn đề trong đạo học hay triết học. Bất chợt tôi cũng nhận ra rằng từ ngày những người cộng sản nắm lấy chính quyền của cả hai miền, tâm trí thuần phác và hướng thượng của giới tu sĩ trẻ Phật giáo, trong đó có tôi, tự dưng lại rơi xuống, dây dưa vào những vấn đề hình nhi hạ tầm thường của thế gian; tự dưng tôi bắt đầu biết chú ý vào thời sự, vào những sinh hoạt của người thế tục, trong đó có cả người dân và chính quyền. Phải chăng đến tuổi thanh niên thì con người tự dưng bắt đầu chú ý đến thời thế hay chính thời thế đã xô đẩy những người thanh niên của mọi thành phân xã hội phải buông bỏ những hoài bão, mộng mơ của họ để nhìn vào những thực trạng khổ đau của nhân tình chung quanh?

Trở lại cái chuyện rất thực tế là vấn đề hộ khẩu. Chuyện tôi “xin”vào hộ khẩu của chùa Linh Phong chẳng khác gì xin được ở tù, xin được vào cái vòng kiểm soát của nhà nước. Mà không phải chỉ riêng tôi, nhân dân cả nước đều vậy. Không có tên chính thức trong một hộ khẩu thì không mua được thực phẩm, bị coi là bất hợp lệ và không được cấp thẻ Chứng minh nhân dân(tức thẻ căn cước); không có thẻ Chứng minh nhân dân và hộ khẩu thì có thể bị bắt ngoài đường, hoặc bị bắt ngay trong nhà, trong chùa của mình nếu có công an xét hỏi. Cho nên, biết vào hộ khẩu là tự chui đầu vào vòng kiểm soát, người ta cũng phải xin vào. Không còn cách chọn lựa nào khác. Thà để nhà nước kiểm soát còn hơn không có gạo ăn, còn hơn sống trong nỗi phập phồng lo âu là có thể bị bắt bất cứ lúc nào vì tội không có giấy tờ. Trong xã hội mới, những người không có hộ khẩu, không có thẻ Chứng minh nhân dân thì thường bị coi như là những kẻ phản động, bị tình nghi tàn quân, là gián điệp của nước ngoài cài lại hoặc mới đưa vào… Những tội đó, khoan bàn đến chuyện có đúng sự thực hay không, chỉ nói đến “tình nghi”là đã coi như tù mọt gông, không có ngày trở về.

Nhưng đợt làm hộ khẩu mới của năm 1976 này còn có một mục đích khẩn cấp khác nữa mà nhà nước cần phải thực hiện càng sớm càng tốt, đó là việc tuyển mộ thanh niên nam nữ lên đường nhập ngũ (từ ngữ mới gọi là “đăng ký nghĩa vụ quân sự”), để sang Kampuchea làm nghĩa vụ quốc tế và để chống lại sự xâm lược của Trung Hoa mà nhà nước gọi là “quân bành trướng Bắc Kinh”hay “bọn bá quyền Trung quốc”.

Đâu chừng một tháng sau khi lập xong đợt hộ khẩu mới, toàn thể thanh niên tuổi từ mười tám đến hai mươi lăm đều phải trình diện tại các khóm phường để “học” về chính sách “nghĩa vụ quân sự”. Có giấy mời cho mỗi cá nhân gởi đến từng nhà. Tăng sĩ trẻ ở các chùa cũng nhận được giấy gọi đi học tập chính sách nghĩa vụ quân sự cũng như giấy gọi đi đăng ký nghĩa vụ quân sự. Viện Hải Đức có trên mười vị trong lứa tuổi quân sự. Các chùa chung quanh là Long Sơn, Phước Điền, có sáu vị khác. Và chùa Linh Phong, cùng chung một khóm Phước Bình, xét theo nhân số thường trú ghi trong hộ khẩu, có chú Đức và tôi. Chuyện nghĩa vụ quân sự trở thành đề tài bàn tán bất tận của thành phố Nha Trang. Giới phật-tử thường đi chùa cũng xôn xao, nhốn nháo khi nghe tin các tu sĩ trẻ cũng bị gọi đi nghĩa vụ quân sự.

Trong khi việc đăng ký (tức là ghi danh) nghĩa vụ quân sự hạn định tuổi thanh niên từ mười tám đến hai mươi lăm thì chuyện học tập về chính sách nghĩa vụ quân sự lại mở rộng ra: cả những người ở tuổi từ hai mươi sáu đến ba mươi lăm cũng phải tham dự. Vậy là hầu như gần hết nhân sự của viện Hải Đức phải có mặt tại các lớp học này. Đây là cả một chuyện động trời khi vấn đề quân sự của chính quyền mới đã không loại trừ thành phần tu sĩ các tôn giáo. Mà cũng lạ, tự dưng mọi thanh niên nằm trong lứa tuổi qui định nhận giấy mời rồi là phải lục tục kéo nhau đi, không ai dám vắng mặt, không ai dám chậm trễ–phải chăng là do ngay từ những ngày đầu tiên của chế độ mới họ đã chứng kiến hoặc bị ám ảnh từ trong tầng đáy của tâm thức về sự khắc nghiệt, vô tình một cách man rợ của một chính quyền mượn danh nhân dân nông nghiệp vốn nổi tiếng với những vụ đấu tố cha mẹ, truy bức tù hãm những người giàu có và quyền thế bằng bản án “địa chủ”, hoặc chặt đầu và chôn sống những kẻ yêu nước nhưng không cùng phe, không cùng chính kiến?

Học tập (thực ra phải nói là đến nghe thông cáo) xong, mỗi người về nhà phải tự viết một “bản thu hoạch”, tức là một bản tóm thâu những gì mình nghe được, có thể kèm theo ý kiến cá nhân của mình đối với vấn đề nghĩa vụ quân sự. (Điều hợp lý không thể chối cãi rằng khi những người nông dân tay lấm chân bùn, đùng cái vớ được vận may lớn, lên cầm bút, ngồi bàn giấy, thì ắt hẳn là phải dùng những cụm từ và câu nói quen thuộc của sinh hoạt nông nghiệp qua hình ảnh hồ hởi, hăm hở cân đong lúa má vào mùa gặt).

Sau khi nộp bản “thu hoạch về vấn đề Nghĩa vụ quân sự chống bành trướng Bắc Kinh đang có chủ tâm xâm lăng nước ta”đó, thanh niên chúng tôi được giấy mời đi khám sức khỏe. Trung tâm khám sức khỏe được dựng lên vội vàng bằng cách mượn tạm một dãy phòng của trường Vinh Sơn và giao cho một tốp y tá nghiệp dư (tức là không chuyên nghiệp, không qua trường lớp chuyên môn nào) phối hợp với Ban chỉ huy quân sự thành phố đảm trách. Sau đợt khám, trong hơn hai mươi thanh niên tu sĩ thuộc các chùa chung quanh viện Hải Đức chỉ lọt hai người vào danh sách hạng A, tức là hạng có đầy đủ sức khỏe để vào quân dội. Hai người đó là chú Mỹ và tôi. Nhưng chú Mỹ đã hai mươi bốn tuổi rồi nên cuối cùng lại có được giấy chứng nhận là Quân dự bị hạng II. Tuổi của chú ấy, nhà nước chưa cần lắm. Nhà nước đang cần nhất là tuổi gần mười tám như tôi, hay cao lắm là hai mươi. Vậy là chỉ còn duy nhất mình tôi dính vào danh sách “Trúng tuyển nghĩa vụ quân sự hạng I”.

Từ lúc có giấy chứng nhận trúng tuyển, tôi có thể nhận thấy được vẻ ái ngại, thương cảm của những người trong viện, của bằng hữu các chùa khác cũng như của các phật-tử dành cho tôi. Thầy Thông Chánh cũng bỏ qua chuyện tôi tránh mặt thầy không nói chuyện với thầy từ nhiều ngày trước, tìm đến phòng riêng hỏi thăm, an ủi tôi. Hẳn nhiên thầy ấy, cũng như mọi người, đều nghĩ rằng, những thanh niên thế tục đúng tuổi lính còn muốn bỏ trốn huống chi một tu sĩ xuất gia từ bé như tôi làm sao có thể vui vẻ được khi chính mình bị gọi đi cầm súng. Riêng tôi, tôi không quá đau buồn và tuyệt vọng như mọi người tưởng. Dĩ nhiên tôi không ham thích, không tự nguyện đâm đầu vào quân đội, nhưng có thể nói là ít nhất, tôi cũng đã chuẩn bị trước tư tưởng để bình thản chấp nhận nghịch cảnh nào xảy đến cho mình. Biết đâu, đây lại chẳng là một trong những thử thách cam go nhưng cũng có giá trị cho cuộc đời tu hành của tôi. Thử thách ấy, nghịch cảnh ấy, khó khăn ấy, không phải trong Luật Bảo Vương Tam Muộiđã từng nói là phải biết chấp nhận thì mới thông suốt, mới vượt qua được đó sao! Cho nên, dù có người khuyên, xúi bỏ trốn, tôi cũng chỉ cười, lắc đầu. Tôi đâu cần phải né tránh nghịch cảnh! Tôi tin cái thử thách trước mắt sẽ nung chín ý chí và bồ đề tâm của tôi qua những lằn lửa đạn và nỗi phập phồng mong manh giữa hai bờ sinh tử. Tôi sẵn sàng chấp nhận nó.

Ô

Biển Nha Trang vào những buổi sáng mùa hè, mặt nước phẳng lì như nước hồ thu, không gợn sóng. Chỉ đến trưa đứng bóng mới thấy sóng dồn trùng trùng điệp điệp, đẩy vào những làn bọt trắng xóa như những phiến mây mỏng rơi rướt xuống từ trời cao, có đó rồi tan biến đó, không để lại dấu vết gì sâu đậm trên mặt nước bao la.

Chúng tôi xuống bãi lúc mặt trời đã lên cao khỏi ngọn đảo lớn nhất ngoài khơi xa. Từ ngày xuất gia, hiếm khi nào tôi xuống bãi biển để tắm. Người tu ở chùa lâu năm, quen ăn bận kín đáo–áo nhật bình, áo tràng, cà sa, và cả bộ đồ vạt hò mặc trong ngày, thứ nào cũng dài, rộng, che kín tay chân và toàn thân–nên họ rất khó chịu, hoặc có thể nói thẳng rằng rất mắc cỡ, khi để lộ một phần tay trần của mình trước người lạ, nói chi cởi trần mặc quần đùi để tắm trước đám đông! Tôi chỉ tắm ở cửa Đại (Hội An) vài lần với các chú tiểu học chung lớp hồi trước năm 1975. Bãi biển cửa Đại là nơi không có nhiều người tắm như ở bãi Nha Trang, vả lại lúc đó chúng tôi còn là con nít, thế mà còn thấy e dè, ngại ngùng, huống chi xuống bãi biển Nha Trang vào mùa hè, đông nghịt những người là người. Nhưng từ khi kết bạn với chú Thân, chú Mỹ, tôi đã quen dần với chuyện xuống bãi tắm, ngay cả vào những giờ tụ tập cao điểm nhất của bãi biển.

Dù vậy, khi xuống bãi, tôi cũng đỏ mặt, núp núp lén lén như ăn trộm. Có cảm giác như hàng trăm cặp mắt đang đổ dồn về phía mình. Hễ xuống được nước là bơi theo các chú kia ra tít ngoài khơi xa, nơi không có một móng người nào qua lại. Nơi chúng tôi bơi đến thỉnh thoảng mới có một chiếc tàu chạy ngang. Chỉ còn một phần tư đường nữa là có thể đến hòn đảo lớn nhất ngoài khơi Nha Trang. Nghe nói trước kia người Mỹ đã thiết lập đài truyền hình Nha Trang trên đỉnh cao nhất của hòn đảo này. Từ đây nhìn vào bờ, không còn thấy bóng dáng người. Tôi phỏng chừng có thể cách bờ khoảng hai cây số. Hàng ngàn người tắm chỉ còn là những đốm đen nhỏ li ti, chỗ tụ chỗ tán trên dải cát vàng chạy dài và nổi bật bên cạnh viền nước xanh biếc. Không khí ngoài khơi thật yên tĩnh. Sóng chỉ gợn nhè nhẹ, không đủ gây nên tiếng động. Chúng tôi thả mình nằm ngửa trên mặt nước, nhìn trời xanh và mây trắng giăng ngang. Nếu thú đọc sách nâng cao kiến thức của con người thì cái thú ra khơi thả mình trên mặt nước để nhìn trời mây cũng nâng tâm hồn con người đến tận những nơi chốn cao thẳm không thể tưởng tượng được của càn khôn vũ trụ. Tôi có cảm giác như chính mình đang trôi giữa dòng mây ngang trời chứ không phải trên dòng nước trong xanh của biển. Tôi không thấy mình bé choắt hay hèn mọn trước vẻ bao la của trời biển. Tôi vui thú hòa mình trong cái bao la đó và biết rằng chính mình cũng bao la như trời biển vậy. Không những vậy, có khi tôi còn cảm thấy chính trời biển đã hòa nhập vào tâm tôi, trôi vào chính tôi, chứ không phải tôi đã hòa nhập hay trôi vào trời biển mịt mùng.

Buổi sáng đó, chú Đức và chú Mỹ về trước. Tôi và chú Thân hãy còn trầm mình ngoài khơi xa. Khi chúng tôi bơi dần vào bờ, liền cảm nhận có cái gì bất thường xảy ra trên bãi biển. Dạo thường, đến khoảng trưa mười một giờ, người tắm hãy còn đông, hôm nay bỗng dưng thiên hạ lục tục kéo về, để lại một dải cát vàng gần như trống hoang. Chúng tôi vừa lên tới bờ chưa kịp lau mình cho khô ráo thì có hai anh công an từ trên đường nhựa bước vội xuống. Một anh công an hất hàm hỏi chúng tôi:

“Các anh làm gì dưới đây?”

“Tắm biển chứ làm gì,” chú Thân đáp.

“Cho coi giấy Chứng minh nhân dân của các anh.”

Chú Thân và tôi móc giấy tờ ra đưa họ xem. Lúc đó chỉ mới có tờ biên lai chứng nhận của Chứng minh nhân dân chứ chưa có thẻ Chứng minh nhân dân chính thức. Mà giấy biên lai chứng nhận này thì đâu có hình ảnh gì. Vì vậy, hai anh công an nhìn chúng tôi với vẻ ngờ vực. Họ hỏi tiếp:

“Các anh còn giấy tờ gì khác không? Có giấy đăng ký Nghĩa vụ quân sự không?”

Chúng tôi đưa giấy ra. Cả tôi và chú Thân đều được xếp hạng II của quân dự bị, có giấy tờ chứng nhận đầy đủ. Tuần trước, khi tôi đang trong tư thế sẵn sàng chấp nhận vào bộ đội nếu bị gọi đi thì có một anh công an đến điều tra kỹ lý lịch của gia đình tôi, biết ba tôi trước năm 1975 làm công chức cao cấp cho chính quyền Cộng hòa nên không tuyển tôi vào quân đội nữa, xếp tôi vào hạng II thay vì hạng I trúng tuyển. Có thể nói một cách lạc quan: dù đối với chính quyền mới, ba tôi bị loại bỏ và bị coi như kẻ thù cần bị trừng phạt thì chính cái quá khứ của ông cũng đã vô tình bảo vệ được tôi và một người anh kế tránh khỏi việc đi quân đội dưới chế độ cộng sản. Nhưng ở khía cạnh khác, nếu coi chuyện đi nghĩa vụ quân sự là một thử thách cho cuộc đời hành đạo của mình thì quả là tôi đã mất một cơ hội. Một cuộc đời mà lúc nào cũng êm đềm, bình thản, chỉ gặp toàn may mắn, không gặp chút khó khăn nào hết, thì chẳng biết có làm nên được việc lớn gì không. Tôi từng tự hỏi với mình nhiều lần như vậy.

“Các anh là thầy tu đấy à? Sao ăn bận cái gì thế này?” anh công an lấy hai ngón tay gắp chiếc áo nhật bình của chú Thân lên.

“Phải, chúng tôi là tu sĩ Phật giáo.”

“Chùa ở đâu? Sư cụ đi đâu mà để các anh đi chơi thế này?”

“Chúng tôi đi tập thể thao chứ chơi gì!” chú Thân đáp.

Thấy chú Thân không phải loại dễ ăn hiếp, anh công an lườm một cái rồi xuống giọng:

“Thôi được, các anh về ngay dùm cho, chúng tôi có lệnh tảo thanh vùng bờ biển này.”

Lên đến đường nhựa, chúng tôi thấy khách bộ hành hay xe chạy trên đường cũng bị chận lại, xét hỏi, hướng dẫn đi ngõ khác, không cho xuống bãi biển. Tôi nói nhỏ với chú Thân:

“Chắc họ bắt lính?”

“Không phải đâu. Một là có ông quan lớn nào của họ xuống đây nghỉ mát, hai là… họ đang lo bãi cho mấy người Hoa đi bán chính thức đó.”

“Là sao?”

“Thì tàu tấp vô đây, người nào đã nộp đủ vàng và có giấy tờ hợp lệ thì công an cho xuống, lên tàu. Tàu chạy đi đâu thì chạy, miễn ra khỏi nước là được rồi.”

“Tàu lớn hả?”

“Cũng thường thôi. Nghe nói mấy chuyến trước mỗi chuyến khoảng năm, sáu trăm người, nằm ngồi chẹt cứng như cá hộp.”

“Sao chú biết rành quá vậy?”

“Tại có mấy người phật-tử người Hoa của chùa cũng đi theo cách đó.”

“Vậy rồi họ đến đâu?”

“Thái Lan, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Mã Lai hay Nam Dương, Nhật Bản… bất cứ nơi nào.”

“Rồi họ được các nước đó cho lên bờ... sinh sống?”

“Chứ sao. Cho nên nhiều người đã chịu nộp vàng cho nhà nước để ra đi. Làm chuyện này nhà nước có hai cái lợi: một là tống bớt người Hoa ra khỏi nước, đỡ lo vấn đề nội gián cho Bắc Kinh; hai là… thu vàng vô. Chu cha, chú biết không, mỗi đầu người ra đi phải nộp mười cây vàng lận đó.”

“Vậy mà người ta cũng ráng kiếm cho có đủ vàng mà đi chứ không chịu ở lại há!”

“Chứ sao. Ra ngoài, họ có thể tìm được một đời sống tự do hơn. Ông Hồ nói: ‘không có gì quí hơn độc lập tự do’mà. Chú biết không, không phải chỉ có người Hoa mới đi thôi đâu, người Việt mình cũng đi nữa đó. Họ làm hôn thú với mấy gia đình nghèo người Hoa để cùng đi. Có người đút lót tiền cho công an để làm giấy tờ giả chứng minh mình là người Hoa, rồi chịu đóng vàng cho công an để được đi.”

“Khiếp thật! Cái giá của tự do đắt quá.”

“Chú có muốn đi không?” bất ngờ chú Thân hỏi tôi.

“Tôi hả? Không biết nữa. Lâu nay đâu biết là có cái chuyện đi như vậy thì làm gì có chuyện muốn hay không muốn. Còn bây giờ thì biết rồi, có muốn cũng đâu có đi được, vàng đâu? Tụi mình làm gì có đủ điều kiện đó. Hơn nữa…”

“Có điều kiện đó chứ. Này nhé, chú tìm một cô người Hoa nào đó nhà khá khá một chút, cưới cô làm vợ, rồi chú sẽ được đi mà. Ha ha.”

Câu chuyện chúng tôi trao đổi buổi sáng đó chỉ là đùa thôi, vậy mà cũng làm cho tôi phải suy nghĩ, để tâm nhiều ngày. Không phải để tâm chuyện lấy một cô gái người Hoa rồi được ra khỏi nước–cái lãng mạn hư hỏng của tôi nếu có đủ chừng mức để đi vào đời thì nó cũng không chọn một lối đi thực tế một cách dung tục như vậy (!)–nhưng để tâm về ý nghĩa của tự do, của những chuyến tàu ra khơi… cập vào một đất nước nào khác để bắt đầu một cuộc đời mới.

Hoàn cảnh khốn cùng nào cũng có những lối thoát của nó–như cách người xưa nói: cùng tắc biến, biến tắc thông. Chính trong sự vây khốn của nghịch cảnh, con người mới có thể tìm được lối thoát thích hợp nhất cho mình. Tìm lối thoát, giống như trốn chạy. Mà có sự trốn chạy nào là điều đáng kiêu hãnh, đáng ca ngợi đâu. Nhưng ở đây, người ta không kiêu hãnh, người ta chỉ muốn vượt thoát một hoàn cảnh không thể chịu đựng nổi, không thể đối phó nổi. Người ta cũng chẳng thấy nhục nhã gì trong sự trốn chạy nghịch cảnh của mình. Ở cái thế mà họ biết không thể lướt thắng nổi, họ phải trốn chạy. Lối thoát mở ra từ đó, tự do mở ra từ đó.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]