- 01. Chút tâm sự để mở đầu buổi Hội Luận
- 02. Vận dụng bài học lịch sử cận đại về hoằng pháp của các cư sĩ tiền bối
- 03. Thật tâm, Thâm tâm và Bồ Đề tâm là ba sức bật Hoằng Pháp
- 04. Nghiệp Hoằng pháp: Hãy giữ linh hồn cho nhau!
- 05. Cư sĩ và việc hoằng pháp
- 06. Phật tử là người Hoằng Pháp
- 07. Đúc kết buổi “Hội luận Đuốc Tuệ 2011”
- 08. Người Cư sĩ gương mẫu
- 09. Vấn đề đào tạo Cư sĩ Hoằng pháp
- 10. Đào tạo Giáo thọ sư tại Mỹ
- 11. Hải ngoại và Dòng Sinh mệnh Phật giáo
- 12. Người Cư sĩ Phật giáo
- 13. Người Cư sĩ phải làm gì để Truyền bá Phật giáo trong Thế kỷ 21
- 14. Tu học để hoằng pháp
- 15. Đem Phật pháp đến cho giới trẻ
- 16. Tăng đoàn của Đức Phật buổi sơ khai và Vài ý nghĩ về Hoằng pháp
ĐÓNG GÓP CỦA CƯ SĨ
TRONG VIỆC HOẰNG PHÁP TẠI HẢI NGOẠI
(Kỷ Yếu Hội Luận 2011, Hội Phật Học Đuốc Tuệ)
Phần Ba - Bài viết Tham chiếu
Nguyên Giác Phan Tấn Hải
Sau đây, là một số góp ý trong cương vị cư sĩ để giúp hoằng pháp ở hải ngoại, trong đó nêu lên ý chính: trước tiên phải là lo tu và học, nghĩa là học và hành; sau là khuyến tấn tu học, nghĩa là quảng bá chánh pháp, biện biệt được các nghĩa đúng sai, và dùng mọi phương tiện có thể có để mời gọi mọi người cùng tu học.
Bản thân từng người cư sĩ phải lo siêng năng tu học. Bởi vì, không tu, không học sẽ không làm được gì hết, và sẽ trở thành gương xấu cho các thế hệ sau, làm mất lòng tin từ tứ chúng, và tự cứu mình cũng không nổi. Thứ nhì, tìm phương pháp tiếp cận với tứ chúng trong các chùa, để hỗ trợ việc tu học, việc huấn luyện thế hệ kế tiếp. Và sau cùng, tiếp cận thích nghi với tất cả các thành phần khác trong và ngoài cộng đồng, và với cư dân địa phương.
Về bản thân từng người cư sĩ, trước tiên là phải thực tu, thực học. Chuyện học, cả pháp thế gian và pháp xuất thế gian, cực kỳ quan trọng, vì để giúp tự mưu sinh, tìm việc, hướng dẫn người khác, và tự phát triển những khả năng tiềm ẩn có thể có để sau này thêm phương tiện hoằng pháp. Muốn thực tu, thực học cần phải ngàỳ đêm nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm, luôn luôn thấy mình là người gìn giữ giáo pháp Đức Phật.
Về học, cần học các pháp thế gian cho vững, để ngay trong xã hội tự mình trở thành nơi nương tựa cho người khác. Các khả năng căn bản nên rèn luyện như viết tin, viết bài, sáng tác văn học, chụp ảnh, sử dụng máy vi tính, thuyết trình, tổ chức... Pháp thế gian không nắm vững, tất nhiên phương tiện hoằng pháp sẽ hạn hẹp.
Hãy tham dự các đại lễ, các hội nghị, các thiền thất và nhìn cách hoằng pháp của các vị sư và cư sĩ Hoa Kỳ, Tây Tạng, Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam... chúng ta sẽ thấy việc hoằng pháp là một kết tập rất nhiều công sức của nhiều người, và đòi hỏi nhiều kỹ năng. Đọc kỹ một cuốn sách về Thiền, hay một tạp chí Phật Giáo, chúng ta sẽ thấy đó là những công trình có khi là của riêng một người, có khi là của nhiều người – nhưng thành công hay thất bại sẽ là do những kỹ năng rèn luyện nhiều năm mà thành, và có khi là do cơ duyên từ nhiều đời trước. Gặp một câu văn dở, độc giả sẽ không muốn đọc tới đoạn kế tiếp. Gặp một câu tối nghĩa, độc giả có thể hiểu trật ý tác giả. Nghe một cô ca sĩ hát hay, buổi văn nghệ Phật Đản năm sau có thể thu hút thêm nhiều người chưa từng biết Đạo Phật tới tham dự. Kho tàng thơ Thiền còn lưu truyền qua nhiều thế kỷ, chưa nói chuyện đạo vị, thấy trước tiên là vì thơ hay. Thơ dở là đã biến mất từ lâu.
Ngoài ra, người cư sĩ có thể tự học thêm những khả năng khác để có thêm phương tiện hoằng pháp. Bạn có thể vào mạng YouTube (www.youtube.com) và gõ chữ “chinese ink” để tự học Thư Pháp và tranh thủy mặc, hay gõ chữ “drawing” hay “painting” để học vẽ, sau này có thể vẽ tranh Thiền trong những cơ duyên nào đó.
Trong các pháp thế gian cần học hiện nay ưu tiên còn là Anh Văn. Có rất nhiều bản văn về Phật Giáo chúng ta đọc trong những bản Việt dịch nhiều thập niên qua ở quê nhà có ngôn ngữ tối tăm, có khi dịch không đúng. Cho nên, nếu đọc đối chiếu bản Anh ngữ sẽ có cơ duyên nhìn Đạo Phật dưới lăng kính đa diện hơn. Thí dụ, Kinh Pháp Cú có rất nhiều bản dịch khác nhau. Chuyện thời xưa, chúng ta đành để cho các nhà sử học đối chiếu, thí dụ 3 bản tiếng Sanskrit và 4 bản tiếng Trung Quốc. Nơi đây chúng ta chỉ bàn về 24 bản Kinh Pháp Cú tiếng Anh dịch từ tiếng Pali.
Chỉ riêng phân tích về bài kệ số 372 trong Kinh Pháp Cú, các bản Anh ngữ đã mang nhiều nghĩa lệch nhau.
Bài kệ này được Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch sang Việt ngữ:
(/D_1-2_2-228_4-4525_5-15_6-1_17-38_14-2_15-2/#nl_detail_bookmark)
Tác giả Sotapanna Jhanananda (Jeffrey S. Brooks) đã viết bài “A comparative analysis of 23 translations of Dhammapada Verse 372 to Reveal the Variability in Translation” (Phân Tích Đối Chiếu 23 Bản Dịch Bài Kệ 372 của Kinh Pháp Cú Để Hiển Lộ Các Dị Biệt Trong Dịch Thuật -- http://www.greatwesternvehicle.org/translation.htm) trong đó ông đối chiếu 24 bản Anh ngữ về bài kệ 372.
Chỉ cần trình độ tu học trung bình, một người giỏi tiếng Anh có thể thấy rằng nhiều dịch giả Anh ngữ đã dịch sai (nói lịch sự: không chính xác), cho dù họ đều là các học giả nổi tiếng hoặc các vị sư nổi tiếng của thế giới. Nếu bạn chỉ đọc một bản dịch, bạn sẽ không có cơ hội đối chiếu, và đành phải tin vào riêng một người. Cũng y hệt như khi 24 cô thiếu nữ đứng bên nhau, chúng ta sẽ thấy ngay cô nào trắng hơn, cao hơn, gầy hơn, cười tươi hơn, vân vân. Không có gì tuyệt vời hơn cho người tu học khi đọc đối chiếu tới 24 bản Kinh Pháp Cú để dò tìm chính xác ý của Đức Phật thời xưa. Đây cũng là lý do chúng ta không nên hoàn toàn nương tựa riêng một vị sư, mà nên tiếp cận nhiều vị, và nên học nhiều pháp môn, trước khi chọn một pháp thích nghi cho mình.
Do vậy, nhu cầu học là cần thiết. Nhất là khi các thế hệ trẻ hơn đang nương tựa vào chúng ta để tìm hiểu Đạo Phật. Nhu cầu tu lại còn cần thiết hơn. Bởi vì, nếu bạn không nếm trải được pháp hỷ thiền duyệt, bạn không có gì để trao truyền cho người khác, và lúc đó bạn chỉ là cái máy cassette lập lại những gì bạn đã nghe. Lúc đó, sẽ rất là tội nghiệp cho mình, và cho người chung quanh.
Một nhu cầu để thấy cần phải tu chuyên cần, không chỉ là một khát vọng giảỉ thoát, mà còn là để đối trị với pháp thế gian. Thí dụ như để ngăn ngừa và chữa bệnh ưu trầm, thậm chí, theo các cuộc nghiên cứu y học, pháp niệm thân trong Tứ Niệm Xứ còn giúp giảm hoặc chữa các cơn đau của cơ thể, trong khi tăng trí nhớ và giúp giữ trí tuệ minh mẫn.
Dưới mắt khoa học Âu-Mỹ, Thiền là một phương thuốc chữa vô số bệnh, vậy mà nhiều chùa không sử dụng tới phương tiện này. Bạn chỉ cần vào trang Google.com, gõ nhóm chữ “mindfulness meditation health benefits” sẽ ra nhiều trang có ghi những cuộc nghiên cứu về lợi ích Thiền tập đối với sức khỏe, không chỉ ngăn và chữa nhiều bệnh mà còn giữ tuổi trẻ và chống lão hóa.
Một điểm có thể thấy rằng, trong khi thế hệ trẻ không đủ khả năng đọc tiếng Việt, hoặc chỉ có thể đọc lơ mơ, chúng ta lại không tập trung hướng dẫn giáo pháp bằng song ngữ cho các em. Trong khi chúng ta xây những ngôi chùa xây tốn nhiều triệu đôla, có khi chúng ta lại quên xây con người. Nếu vừa xây được chùa lớn, vừa đào tạo được Phật Tử giỏi thì sẽ rất tốt. Còn nếu không, thì nên ưu tiên xây con người hơn.
Thực sự, phương tiện để dạy giáo pháp bằng song ngữ không tốn kém bao nhiêu. Chỉ cần các anh chị huynh trưởng Gia Đình Phật Tử chú tâm vào điểm này: tìm mua một máy in laser printer, mỗi tuần lên các trang web Phật Giáo, in một trang hay nửa trang giáo lý căn bản Anh ngữ ra để phát cho các em trong đơn vị. Ít nhất, mỗi tuần, các em cũng có một trang giáo lý để về đọc, bằng ngôn ngữ mà các em quen thuộc. Khi các em hiểu được, và khi thấm nhuần được một chút pháp hỷ thiền duyệt, sẽ không có sức mạnh nào chiêu dụ các em đi lệch đường nổi.
Như thế, tốn bao nhiêu? Máy Laser Printer HP 1102W chỉ tốn 85 đôla, một ống mực toner chỉ 20 đôla, và một ream giấy 500 tờ chỉ 4 đôla thôi. Xài cả mấy năm, mới cần mua thêm mực và giấy mới. Quá rẻ, mà thiết thực dạy cho các em biết thực sự Đạo Phật là gì.
Thêm nữa, trong khi tiếp cận với xã hội, người không có thực tu, thực học sẽ không ứng phó nổi trong nhiều tình huống. Thí dụ, thuận theo lời mời từ người hôn phối hay từ người bạn tình khác tôn giáo, bạn phải tham dự một khóa Tĩnh Tâm của Công Giáo, hay dự một khóa Bồi Linh của Tin Lành. Sau một khóa như thế, bạn thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản, và bạn nghĩ rằng tôn giáo nào cũng tốt, và không phân biệt được sự khác nhau giữa Phật Pháp và các giáo lý đạo khác.
Nếu bạn có thực tu, thực học, bạn sẽ phân biệt dễ dàng, sẽ không nhầm lẫn như thế. Thí dụ, các đạo khác đều dùng pháp cầu nguyện để tự kỷ ám thị, nhưng Phật Pháp trong tận cùng là trở về Tánh Không nơi lòng mình; các đạo khác dùng niệm ám thị để ngộ nhận có một tự ngã nhỏ bé sẽ hội nhập cùng Nhan Thánh Đại Ngã, trong khi Phật Giáo nhận rõ bản tánh các niệm là vô niệm để rồi sẽ thấy thực tướng các pháp là Vô Ngã.
Do vậy, các đạo khác dùng âm thanh sắc tướng để tìm bình an, như hát những bài thánh ca tuyệt vời, như trang phục nhiều màu sắc trong các buổi lễ, như đốt hương thơm để người tham dự ngây ngất, thậm chí nam nữ trong khi cầu nguyện hay đi bộ còn nắm tay nhau để tạo cảm giác chia sẻ của một xã hội cộng thông hay hiệp thông. Hãy suy nghĩ rằng, nếu dùng sắc tướng để tạo cảm giác an lành khỏe khoắn, bạn có thể đi bơi liên tục một tuần lễ, bạn sẽ có nhiều lợi ích về cả thân tâm hơn là tự thôi miên mình trong không khí đầy sắc tướng như thế.
Phật Pháp không dùng tới sắc tướng âm thanh để thôi miên hay ám thị, sau khi tụng kinh để nghe giáo nghĩa là lặng lẽ ngồi thiền để tâm mình không có nơi nào an trụ, để thấy sắc thanh hương vị xúc pháp đều là không, đều không có gì để phải vướng mắc, và thấy không có gì cần phải nắm tay nhau cầu nguyện để cộng thông hay hiệp thông.
Tương tự, bạn cần có đủ giáo nghĩa để trả lời khi có ai hỏi về khái niệm Trời, Đấng Sáng Thế, Thượng Đế trong nhà Phật. Nếu không thực tu, thực học, chúng ta sẽ bị một số thông tin dỏm qua email, qua Internet lừa gạt. Hiện nay có rất nhiều câu nói trên Internet được cho là của Đức Đạt Lai Lạt Ma thực ra chỉ là gán ghép, ngụy tạo.
Chúng ta có thể thấy một số người tung những thông tin truyền đạo trên Internet bằng cách vặn vẹo cả lịch sử. Họ nói rằng nhà khoa học Albert Einstein tin vào Thượng Đế Sáng Tạo, nhưng thực sự Einstein không hề tin như thế, ông chỉ tự nhận là một agnostic (bất khả tri); họ còn nói rằng một linh mục dòng Jesuit đã đưa ông Einstein từ lập trường vô thần trở thành người tin Chúa, nhưng đó chỉ là bịa đặt. Xin đọc: Albert Einstein's religious views (Quan Điểm Tôn Giáo của Albert Einstein -- http://en.wikipedia.org/wiki/Albert_Einstein%27s_religious_views)
Hay như gần đây, nhiều email trên các diễn đàn tiếng Việt, có kể chuyện tỉ phú Bill Gates, một nhà từ thiện vĩ đại, “Năm 2002 sau 10 giờ đàm đạo, Bill Gates đã ngẩng đầu lên trời, cảm tạ Thượng Đế đã sinh Bill lại còn sinh thêm Warren Buffett...” (hết trích)
Có thực Bill Gates tin vào Thượng Đế? Đó là thông tin dỏm. Bill Gates cũng như Einstein, là người tin vào thuyết bất khả tri, thậm chí Bill Gates từng được đưa vào danh sách các nhà atheist (vô thần, xem http://www.celebatheists.com/wiki/Main_Page) vì ông có lúc nói rõ là không tin vào giáo lý độc thần sáng thế. (Xem cột bên phải và chú thích 2 và 3: http://en.wikipedia.org/wiki/Bill_Gates)
Tương tự, Warren Buffett cũng không tin Thượng Đế, và nằm trong danh sách chủ nghĩa bất khả tri. (Xem cột bên phải và chú thích 3: http://en.wikipedia.org/wiki/Warren_Buffett).
Nếu không đủ tiếng Anh, nếu không đọc nhiều, chúng ta sẽ nhầm lẫn rằng Albert Einstein, Bill Gates, Warren Buffett là các con chiên nhiệt thành. Người ta đưa thông tin dỏm là muốn làm chúng ta tin nhầm như thế.
Như thế, các pháp thế gian và pháp xuất thế gian đều cần phải học, phải rèn luyện.
Thực tu, thực học cũng sẽ giúp chúng ta ứng phó trong các trường hợp cần sự bình tĩnh. Thí dụ, một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử cần suy nghĩ, nên giúp thế nào cho các em sắp dự kỳ thi SAT, các kỳ thi final cuối năm? Không có gì hay hơn là trong các buổi sinh hoạt hàng tuần, hãy dạy các em ngồi Thiền 10 phút, hay 15 phút. Không cần yêu cầu các em ngồi kiết già hay bán già, vì 2 tư thế này dễ làm đau chân và có thể làm nản lòng nhiều em. Hãy ngồi theo thế Miến Điện (Burmese posture), nghĩa là chỉ xếp chân xuôi vào nhau. Bạn vào Google sẽ dễ dàng thấy thế ngồi này. Hãy tập hoặc để tâm theo hơi thở, hoặc theo dõi hơi thở phồng xộp nơi bụng, hoặc theo dõi cảm giác hơi thở ở chóp mũi... là những cách đơn giản nhất, nhưng cực kỳ hiệu nghiệm. Hoặc là hình dung mình như đã chết rồi, một pháp niệm tử. Hoặc là niệm câu Phật hiệu chậm rãi và lắng nghe rõ ràng, minh bạch từng chữ. Nếu giữ được đi đứng nằm ngồi trong một pháp tu, học nhân sẽ cảm nghiệm được pháp hỷ thiền duyệt chỉ trong vài ngày. Có người chỉ ngồi thở 10 phút đã thấy toàn thân an lạc rồi.
Tu học là chìa khóa của hoằng pháp. Tất cả mọi chuyện khác đều phải tới sau. Tu học cũng là bắt đầu đặt chân vào con đường giải thoát. Không bước đi, thì sẽ không bao giờ đến.