Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16. Hạt cải cho Phật

12/02/201216:01(Xem: 8123)
16. Hạt cải cho Phật
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ HAI
ẤN ĐỘ SUỐI NGUỒN THIÊNG LIÊNG (tt)

HẠT CẢI CHO PHẬT

«Năm trăm năm trước Công nguyên, Phật Cồ-đàm, vị đạo sư thế gian của lịch sử, đã sống trên trái đất này và du hành liên tục không biết mệt mỏi từ nơi này qua nơi khác, để tìm gặp được càng nhiều người càng tốt trong thời gian Ngài còn tại thế.

Một lần nọ có một bà mẹ đến tìm gặp Ngài tại một ngôi đền, khóc lóc thảm thiết. Bà mang đứa con đã chết trên tay và khóc lóc làm mọi người động lòng thương xót; vì ai cũng biết mất con là nỗi đau đớn lớn nhất trên đời. Bà mẹ van xin: “Hãy để tôi gặp Phật Cồ-đàm”, vừa nói vừa gần như ngất lịm vì đau đớn. “Hãy cho tôi gặp Ngài, Ngài sẽ có một phép lạ. Ai cũng nói Ngài có thể cứu con tôi. Hãy để tôi tới Ngài”.

Phật Cồ-đàm cho bà vào gặp ngay. Trước cửa, các tỉ-kheo đang cầu nguyện cho chúng sinh được giải thoát; sau cánh cửa, vị đạo sư ngồi trong sự an lạc với chính mình và thế gian. Với ánh mắt Phật, Ngài nhìn thi hài tí hon của đứa trẻ rồi nhìn khuôn mặt bà mẹ. Hơi ấm khó tả tỏa ra từ hào quang của Ngài bao trùm căn phòng, Ngài để cho người mẹ tuyệt vọng dần dần lấy lại được bình tĩnh, để cho bà sắp xếp được tư tưởng đang rối loạn.

Bà đưa cho Phật xem thi hài đứa con rồi gọi: “Con của con đã chết. Con làm sao bây giờ. Bạch Thế Tôn, Ngài hãy giúp con. Hãy cứu nó sống dậy! Ngài là chúa tể của sự sống chết, đã vượt qua sống chết. Hãy cứu chúng con. Nó là niềm vui của gia đình. Từ nhiều năm nay, chúng con không mong gì hơn là được đứa con. Bây giờ nó chết vì một thứ bệnh hiểm nghèo. Hãy mang ánh sáng lại trong mắt của nó. Hãy công bằng. Đứa con nhỏ tuổi này chết đi quá sớm”.

Bà van cầu đức Thế Tôn và Phật cứ để như thế cho đến lúc bà im lặng. Ngài nhìn đứa trẻ và đưa tay rờ vầng trán đã lạnh. Cuối cùng Ngài nói: “Hãy nghe ta, hỡi người đàn bà tốt dạ và trung thành. Nàng hãy đi từ nhà này qua nhà khác trong đô thị này và hãy xin một hạt cải của một nhà chưa có ai chết. Hãy mang hạt cải đó về đây và để xem ta có thể làm được gì không”.

Người đàn bà nghe xong mừng rỡ. Bà quì dưới chân Phật, cảm tạ bằng cách rờ chân của Ngài. Phật để hai tay trên đầu bà, truyền năng lượng an lạc lên người bà. Với phước lành đó, bà ôm đứa con ra đi.

Bà đi suốt ngày trong thành phố, từ nhà này qua nhà khác, và xin hạt cải của tất cả gia đình mà trong đó chưa có người thân nào chết cả. Đi tới đâu, bà cũng kể chuyện thương tâm của mình, kể hoài, nhưng bà không tìm ra một gia đình nào mà chưa từng đối diện với cái chết. Không mệt mỏi, bà vẫn tiếp tục tìm kiếm, chỉ với hi vọng, xin được một vài hạt cải đem về cho Phật, để Ngài cứu sống con mình.

Cuối ngày, bà vẫn không tìm ra được hạt nào cả, vì thực tế cái chết đến với tất cả mọi người. Nhiều người xót thương, đề nghị cho bà vài hạt cải, nhưng giấu chuyện trong nhà có người chết. Nhưng người đàn bà nọ không đồng ý, bà không thể lừa dối Phật. Bà chỉ cần tìm ra một gia đình mà trong đó chưa có ai chết cả.

Mặt trời đã lặn. Trong ánh sáng cuối ngày, bà đứng đó với thi hài đứa con trên tay, và nghĩ về những câu chuyện hôm nay bà đã được nghe. Bà không có một hạt cải nào cả và bỗng nhận ra rằng, không ai thoát được cái khổ này cả, cái khổ mà trước đó bà nghĩ rằng chỉ mình phải chịu.

muihuongtram-02-14

H 20: Nền đá đền Gandhakuti, nơi câu chuyện này xảy ra (Ảnh của H.W.Schumann)

“Ta không phải là một ngoại lệ, con ta cũng không phải là người duy nhất phải chết”, lần đầu tiên bà nghĩ thế. “Cái gì có sinh, ắt cái đó có diệt. Đó là điều không thể thay đổi, vì thế ta phải kiếm cái không bao giờ sinh và cũng không bao giờ diệt, phải tìm chân lý trường cửu mà các bậc hiền nhân và đức Phật đang giảng thuyết. Ngài đã đưa ta vào đúng đường”. Bà cảm tạ, nghiêng mình về hướng Phật đang lưu trú.

Đêm dần buông khi bà về lại đền Phật ở, thi hài đứa con vẫn ở trong tay. Bà mẹ trẻ đó không tìm ra được một hạt cải nào, nhưng được một tri kiến mà bà mang trong lòng như một ngọn lửa bập bùng.

Càng tới gần Phật, bà càng cúi đầu. Sau đó bà để đứa con dưới chân Ngài và nói: “Bạch Thế tôn từ bi, con đã hiểu những gì Ngài muốn nói. Cái vô thường thì phải chết, không thể tránh khỏi. Nhờ Ngài, con đã thấy một chút của chân như, cái chân như đó không chết, trong con và trong mọi thứ. Cái chân như đó cũng chính là cái mà đứa con của con đã thấy, ít nhất là trong một chốc ngắn ngủi, trước khi nó tìm kiếm một đời sống khác. Và cái chân như đó, con đã thấy ngay lúc con còn sống. Ánh sáng của tự tính thường hằng là cái duy nhất vĩnh cửu. Và từ nay về sau, con xin dựa vào nó thôi”.

Đức Phật mỉm cười và gật đầu đồng ý, khi người mẹ xin Ngài tiếp dẫn cho thần thức đứa con được sinh vào cõi Phật, trong đó thức người chết được lưu trú trong một giai đoạn, không bị thời gian và không gian lung lạc.

Cùng với các tăng sĩ, Phật đặt thi hài đứa trẻ lên một đống lửa và để cho thân cháy, trong lúc tâm của đứa trẻ được đưa về cõi của tự tính, từ đó mà mọi hiện tượng phát sinh” [5].

Câu chuyện này được nhiều người biết và tôi đã nghe nó từ hồi còn nhỏ. Nhưng hồi đó tôi có ngờ đâu đây là một câu chuyện có thật và sẽ có một ngày mình sẽ đến tại chỗ xảy ra sự tích này. Trong ngôi đền Gandhakuti này, Phật ngồi trong phòng, «sau cánh cửa, an lạc với chính mình và thế gian». Biển giới thiệu đền này còn ghi rõ, ở đây có một cầu thang đi lên tầng trên và Ngài thường xuất hiện sau cánh cửa nọ. Ôi, đây là chỗ bậc đạo sư phát tỏa hơi ấm bình an và êm dịu cho những ai đến với Ngài, trong đó có người thiếu phụ mất con. Người đàn bà «tốt dạ và trung thành» này tên là Kisagomi, quê tại xứ Xá-vệ này, dòng dõi nghèo nàn, bị gia đình chồng hất hủi. Sau khi con mất, bà đã xuất gia và trở thành một tôn giả đắc quả A-la-hán.

Ngày xưa đọc câu chuyện trên, tôi thầm nghĩ sao Phật không dùng thần thông cứu đứa trẻ, Ngài là bậc toàn năng mà. Ngày nay tôi biết rằng cái chết chỉ là một sự chuyển tiếp, chắc gì sống sót là may mắn và cái chết là rủi ro. Và tôi biết một điều quan trọng hơn là Phật, dù là bậc toàn năng, Ngài không can thiệp vào đường đi nghiệp lực của bất cứ ai, Ngài chỉ giảng cho chúng ta nghe cơ cấu và tác động của chúng. Ngài cho thấy động lực của mọi đời sống, mọi tái sinh là «tham, sân, si», đó là lòng tham ái, sự giận dữ và óc vô minh. Chúng sinh ra mọi dạng đời sống trong một vòng tròn bất tận mà Ngài gọi là «mười hai nhân duyên». Nếu ai muốn thoát khỏi vòng sinh tử đó thì người đó tự tinh cần tu học, không ai có thể làm thế cho ai.

Vì lẽ đó mà Phật đã giáo hóa cho Kisagomi và có lẽ cho cả thần thức đứa con, nhưng Ngài không cứu ai khỏi cái chết. Ngay tại Xá-vệ này cũng còn có một nàng thiếu phụ khác mất con được Phật giáo hóa. Nàng tên là Ubiri [6], một trong bốn thứ phi của Ba-tư-nặc, sinh được con gái có tên là Jiva. Jiva bị chết sớm, nàng đứng khóc tại nghĩa trang bên bờ Achiravati. Phật đi ngang, chỉ nghĩa trang hỏi nàng, trong đó có 84.000 người con gái tên là Jiva, nàng khóc cho ai? Câu nói nghe qua lạnh lùng đó mà giáo hóa được cho Ubiri, về sau bà cũng trở thành tôn giả đắc quả A-la-hán.

Ngày nay tại Xá-vệ, chúng ta còn được thấy chỗ đức Phật phải tránh qua một bên khi Vidudabha đem quân tàn sát dòng Thích-ca. Nơi đó có một ngôi tháp mà Pháp Hiển đã thấy hồi thế kỷ thứ năm. Ngày đó Ngài cũng phải nhìn thảm họa xảy ra cho dòng dõi mình, chúng phải diễn ra đúng qui luật nhân quả mà hẳn Phật là người đại trí thấy rõ hơn ai hết.

Sai trái thay những ai cho rằng đạo Phật là chỗ dung thân cho những người yếu đuối bi quan. Ngược lại, kẻ đi trên đường Phật giáo là người tự mình nắm lấy số phận của chính mình mà trên con đường đó Phật hay Bồ-tát chỉ là người hỗ trợ. Người Phật tử đích thật phải là người tinh tấn, kẻ chiến đấu chống lại khuynh hướng xấu ác nằm ngay trong tâm mình, kẻ «tự thắng chính mình».

Schumann dùng từ “Gouverneur“ để chỉ vị trí của Tịnh Phạn
[2] Trích Tương Ưng bộ kinh 3,1.
[3] Theo một tài liệu thì Mục Kiền Liên dùng thần thông đến lấy nhánh con đó ở Bodh Gaya trong nháy mắt
[4] Hình trích của S.Dhammika, sách đã dẫn
[5] Trích “The snow lion’s turquoise mane“ của Surya Das, bản dịch “Sư Tử tuyết bờm xanh“ của tác giả, Nhà xuất bản Tp Hồ Chí Minh, 1999
[6] Trích Tăng già thời Đức Phật, Thích Chơn Thiện, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]