Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

13. Karma - Nghiệp quả

04/02/201213:08(Xem: 7379)
13. Karma - Nghiệp quả
NƠI ẤY LÀ BÂY GIỜ VÀ Ở ĐÂY
Nguyên tác: Wherever You Go, There You Are.
Tác giả: Jon Kabat-Zinn - Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên.
"Thiền tập áp dụng vào đời sống hằng ngày"

PHẦN III
TINH THẦN CHÁNH NIỆM

13.- KARMA- NGHIỆP QUẢ

Tôi có lần nghe các thiền sư dạy rằng, sự tu tập thiền quán hàng ngày có thể chuyển được những nghiệp quả xấu của mình thành những nghiệp quả tốt. Tôi luôn xem lời tuyên bố ấy như là một lời quảng cáo rất kỳ quặc. Và phải mất nhiều năm trời, tôi mới thật sự hiểu được lời nói ấy. Chắc có lẽ nghiệp của tôi là vậy!

Nghiệp quả, Karma có nghĩa là cái này xảy ra vì cái kia xảy ra. B có một liên hệ nào đó đối với A. Bất cứ một hậu quả nào cũng có nguyên do đi trước. Và mỗi nguyên do sẽ gây nên một hậu quả có một kích thước tương xứng với nó, ít nhất là ở trình độ phi lượng tử (non-quantum). Nói chung khi ta nói về nghiệp quả của một người nào đó, nó có nghĩa là tổng số của đường hướng sống của họ, cùng với những yếu tố quan trọng xảy ra chung quanh, gây nên bởi những điều kiện sẵn có như hành động, ý nghĩ, cảm xúc, cảm nhận và lòng ham muốn. Nhiều khi người ta lại hay lầm lẫn nghiệp quả với ý niệm về số mạng. Nghiệp quả giống như sự huân tập của một số xu hướng, chúng giam cầm ta trong một số thói quen nhất định nào đó, và các thói quen này lại tiếp tay vào việc làm tăng gia sự huân tập của những xu hướng ấy. Thế nên, rất dễ cho ta bị kềm hãm bởi nghiệp quả của mình, và ta cho rằng nguyên nhân là do ở một cái gì đó bên ngoài như vì người khác, hoặc vì hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát của ta. Ta không bao giờ chịu nhận là do nơi mình. Nhưng chúng ta đâu cần phải làm tù nhân của những nghiệp quả xưa! Vì nghiệp quả có thể thay đổi được. Ta lúc nào cũng có thể tạo nên những nghiệp quả mới. Nhưng chỉ có một thời gian duy nhất để bạn có thể thực hiện được việc đó mà thôi. Bạn có thể đoán được thời gian đó là khi nào không?

Chánh niệm có thể thay đổi được nghiệp quả. Khi ta ngồi yên, ta không cho phép những ý nghĩ của mình biến đổi trở thành hành động. Trong giây phút ấy, ta chỉ theo dõi chúng mà thôi. Nếu quan sát ta sẽ thấy rằng, những ý nghĩ thúc đẩy trong tâm ta sinh ra rồi sẽ diệt đi, chúng có một sự sống riêng, chúng không phải là ta mà chỉ là tư tưởng, và ta không phải chịu sự sai xử của chúng. Khi ta không còn cung cấp và phản ứng theo những sự thúc đẩy ấy, mình sẽ có cơ hội thấy được trực tiếp rằng tự tánh của chúng chỉ là tư tưởng. Quá trình này sẽ thiêu hủy hết những ý nghĩ tiêu cực bằng ngọn lửa định lực, an tĩnh và vô hành. Và cùng một lúc ấy, những tuệ giác và tư tưởng tích cực sẽ được nuôi dưỡng và bảo vệ bằng chánh niệm. Chánh niệm vì thế có thể sắp xếp lại những mắt xích trong sợi dây nhân quả, và từ đó có thể cởi trói ta, giải thoát ta, và mở ra những đường hướng mới trong mỗi giây phút của cuộc sống. Thiếu chánh niệm, chúng ta sẽ dễ dàng bị đà tiến của quá khứ xô đẩy vào hiện tại, không hề ý thức được sự dính mắc của mình,và không có một lối thoát. Ta cho rằng những khổ đau của mình đều do lỗi lầm của kẻ khác, hoặc của cuộc đời, và vì thế mà quan điểm và cảm thọ của ta bao giờ cũng hợp lý. Và giây phút hiện tại không bao giờ có thể là một sự bắt đầu mới, vì ta không cho phép!

Cuối cùng, chính sự thất niệm của ta đã giam cầm ta. Chúng ta mỗi lúc càng cách xa những tiềm năng chân thật của mình, và mỗi lúc lại càng bồi đắp thêm cho tập quán trọn đời là "vô minh" ấy, không nhìn thấy, chỉ biết phản ứng và trách móc mà thôi.

Làm việc với những tội phạm trong các nhàn tù, tôi được dịp chứng kiến những hậu quả của các nghiệp "xấu" rất rõ. Mặc dù trong nhà tù cũng chẳng khác gì với bên ngoài bao nhiêu. Mỗi tù nhân đều có một câu truyện, mà bao giờ cũng là cái này dẫn đến cái kia. Mà truyện thì bao giờ cũng phải vậy! Cái này dẫn tới cái kia. Nhiều người vẫn không hiểu được việc gì đã xảy đến với họ, họ đã lầm lỡ chỗ nào! Thường thường đó là một chuỗi biến có rất dài, bắt đầu từ cha mẹ và gia đinh, rồi đến luật đường phố, nghèo khó và bạo động, tin vào người mà ta không nên tin, muốn kiếm tiến mau, uống rượu, hút ma túy để trốn tránh khổ đau, sự trống vắng... Chúng làm mờ mịt và sai lạc tư tưởng của họ, cũng như cảm giác, hành động và giá trị, từ đó họ không còn nhận thức được những ý nghĩ nào là khổ đau, tàn ác, tiêu cực và tự huỷ hoại mình.

Và rồi trong một giây phút, đã được dẫn tới bởi những giây phút trước đó, họ đột nhiên "không còn biết gì hết", phạm vào một tội lớn, để rồi kinh nghiệm biết bao là những hậu quả ảnh hưởng đến tương lai của mình. Bất cứ việc làm nào của ta cũng mang đến hậu quả, cho dù ta có ý thức được hay không, cho dù ta có bị bắt gặp hay không. Thật ra lúc nào ta cũng bị bắt. Bị bắt bởi nghiệp quả của chính mình. Chúng ta tự xây dựng nhà tù cho mình mỗi ngày. Ta có thể nói rằng, những người tôi gặp trong tù, họ đã tự chọn cho mình con đường ấy. Và chúng ta cũng có thể nói rằng, họ đã không có một sự lựa chọn nào khác hơn. Họ không hề ý thức rằng họ có được một sự chọn lựa. Những sự kiện ấy trong đạo Phật gọi là thiếu chánh niệm, hay là vô minh. chính vì ta thiếu chánh niệm nên không ý thức được rằng, những ý nghĩ của mình, nhất là khi chúng bị nhuốm màu sắc tham lam và sân hận, dù cho chánh đáng đến đâu, cũng có thể làm sai lệch tâm ta cũng như cuộc đời ta. Những trạng thái tâm thức ấy sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, đôi khi to tát mạnh mẽ, nhưng thường khi rất tinh tế. Chúng ta có thể đang bị giam cầm bởi một tâm thức bị những mây mù của ý kiến và khái niệm che phủ, mà ta lại bám chặt vào chúng như là chân lý.

Muốn thay đổi nghiệp quả của mình, ta cần phải thôi để làm cho những gì làm mờ mịt thân tâm, cũng như tô màu mọi hành động của mình, đừng xảy ra nữa. Việc ấy không có nghĩa là ta phải làm những việc tốt. Nó có nghĩa là ta biết được mình là ai và ta không phải là nghiệp quả của mình, dù đó có là gì chăng nữa trong giây phút này. Nó cũng có nghĩa là ta ý thức được những gì thật sự xảy ra. Có nghĩa là thấy rõ được thực tại.

Chúng ta nên bắt đầu nơi nào? Sao bạn không chọn nơi tâm mình? Vì dù sao chính nơi đó là môi trường của mọi tư tưởng, cảm thọ, sự thúc đẩy và tri giác của ta được chuyển sang hành động trong cuộc đời. Mỗi khi bạn ngưng lại những hành động của mình và thực tập dừng lại, ngay trong giây phút này và ở đây, với một ý định ngồi xuống, là ta đã bẻ gẫy được dòng luân lưu của nghiệp quả cũ, và từ đó ta tạo nên một nghiệp quả mới lành mạnh hơn. Gốc rễ của sự chuyển hóa nằm ngay nơi đó, một khúc quanh quan trọng trong cuộc đời.

Chính hành động dừng lại ấy, giây phút của sự vô hành, của một sự quan sát thuần túy, giúp cho bước chân ta đứng thật vững vàng đối với tương lai. Vì sao? Vì chỉ khi nào ta thật sự có mặt trọn vẹn trong hiện tai, thì tương lai của ta mới có thể được trong sáng, rõ ràng và từ ái, và nó cũng bớt bị chi phối bởi sự sợ hãi, đau đớn, cũng như có thêm nhân phẩm và sự chấp nhận. Chỉ có những gì xảy ra trong bây giờ mới sẽ xảy ra sau này. Nếu bây giờ ta không có chánh niệm, tĩnh lặng và từ ái, khi ta đang có cơ hội tốt để bồi dưỡng, thì làm sao ta lại có thể có được chúng, khi ta bị căng thẳng hoặc gặp những khó khăn?

Ý nghĩ rằng linh hồn ta sẽ hòa nhập với niềm hạnh phúc lớn chỉ vì cơ thể ta tan rã là một ảo vọng. Những gì ta tìm thấy bây giờ, ta sẽ tìm thấy trong lúc ấy.
Kabir

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567