PHẬT GIÁO & NỮ GIỚI
NỮ GIỚI & PHẬT GIÁO
(Truyền Thống, Cải Cách, Phục Hồi)
Biên soạn: Ellison Banks Findly
Chuyển ngữ: Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh, Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam
CẢI CÁCH XÃ HỘI VÀ CHÍNH TRỊ
Lời Giới Thiệu:
Nữ giới, Lòng Yêu Nước, Giải Pháp Hòa Bình
Ở Tích Lan Đương Đại, chính trị gia, lãnh tụ tôn giáo, và dân chúng đang thảo luận về việc chuyển giao quyền lực, và sẽ cho nhóm Tamil nhiều quyền hạn hơn, một đề nghị chắc chắn sẽ được xem là bối cảnh cho cuộc khởi nghĩa của Janatha Vimukti Peramuna (JVP) vào năm 1988-89, và cuộc xung đột chủng tộc hiện nay giữa đa số dân Sinhala và thiểu số dân Tamil. Không có gì đáng ngạc nhiên, một số ý kiến về phụ nữ và chiến tranh xuất hiện từ những khẳng định rằng vị trí của phụ nữ không nằm trong phạm vi chiến tranh, số khác lại cho rằng phụ nữ, như tất cả mọi công dân khác là những chiến binh phải có trách nhiệm bảo vệ Tích Lan. Đáng ngạc nhiên hơn, dường như chúng ta không thường xuyên thấy ý tưởng chủ trương hòa bình được tán dương một cách ngay thẳng hoặc hợp cách. Trong bài tham luận này tôi sẽ phân tích bài diễn văn về chiến tranh và giới tính ở Tích Lan, và phương cách hình thành các ý kiến phổ biến về mối liên hệ giữa phụ nữ, hòa bình và Phật giáo.
Đầu tiên chúng ta phải hiểu chính xác ý nghĩa của việc kêu gọi ủng hộ hòa bình ở Tích Lan hiện nay. Theo quan điểm của chính phủ, hòa bình chỉ có thể được vững bền bằng cách giao quyền lực cho nhóm Tamil, một kế hoạch mà Tổng thống Chandrika Bandaranaike Kumaratunga đã xúc tiến từ năm 1995. Việc chuyển giao quyền lực này sẽ cho phép dân Tamil ở miền Bắc được tự trị ở một mức độ nào đó; đa số dân chúng đã bị giữ làm con tin từ năm 1983 vì phong trào tự trị, Tổ chức Mãnh Hổ Giải Phóng Tamil(LTTE – Liberation Tigers of Tamil Eelam). Theo sự tìm hiểu của riêng tôi về tình trạng ở Colombo vào mùa hè 1997 và 1998, kể cả khi chính phủ đồng ý việc chuyển giao quyền lực, các công dân thuộc dân tộc chiếm đa số ở Tích Lan, đáng kể nhất là dân Sinhala theo Phật giáo, không chắc rằng họ sẽ đồng tình để nhóm Tamil được bán-tự-trị ở miền Bắc. Lý do chống đối là vì có một số người Sinhala nghi ngờ rằng việc cho dân Tamil được bán-tự-trị là bước đầu để tổ chức LTTE (Tổ chức Mãnh Hổ Giải Phóng Tamil) tiến tới tạo ra một đất nước phân ly ở miền Bắc bán đảo. Ở đây, chính trị khu vực là mối quan tâm hàng đầu: một số người Sinhala chống đối việc chuyển giao quyền lực vì họ sợ rằng nếu như miền Bắc được tự trị, người Tamil ở Tích Lan sẽ mau chóng đoàn kết với dân Tamil ở miền nam Ấn Độ, việc này sẽ gây ra tình trạng bất ổn nơi địa phương theo quan điểm của dân Sinhala.
Tuy nhiên, cũng có những lý do tín ngưỡng khiến người dân Sinhala chống đối đề nghị chuyển giao quyền lực. Đa số dân Sinhala xem Tích Lan là một hải đảo Phật giáo thiêng liêng. Theo sự hiểu biết về Tích Lan trong thời gian gần đây cho thấy, khái niệm về Tích Lan như là miền “đất hứa” của người Phật tử và dân Sinhala là “dân được tuyển chọn” gây tiếng vang lớn trong nền chính trị đương đại. Theo quan điểm này, toàn thể hải đảo là thiêng liêng, và như vậy, việc phân chia bán đảo là một sự xúc phạm. Giống như những người phản đối việc chuyển giao quyền hạn vì những lý do liên quan đến chính trị khu vực, những người Sinhala tuân thủ ý thức hệ về miền đất hứa thì tranh luận rằng việc chuyển giao quyền lực là bước đầu tiên hướng tới một nhà nước riêng biệt cho Tamil, một chiến lược sẽ chỉ có thể mang lại tai hoạ: một sự xúc phạm đối với đất nước Tích Lan. Một yếu tố nữa khiến dân Sinhala phản đối chuyện chuyển giao quyền lực là một giả định phổ biến rằng tổ chức LTTE đã sử dụng bạo lực để trở thành một nhà nước độc lập, nên việc giao cho họ một ít quyền lực sẽ không thực sự có cơ hội để thành công.
Ngược lại cũng có một số người Sinhala nghĩ rằng việc chuyển giao quyền lực là hy vọng duy nhất để đi đến giải pháp hòa bình đối với vấn đề chủng tộc. Vào năm 1995, ngay sau khi tổ chức LTTE phát động cuộc tấn công mạnh bạo ở phía bắc, người dân sống ở ngoại ô Colombo đã viết và xuất bản một biên tập bằng tiếng Anh, mỗi ngày thúc giục chính phủ nên tiến hành kế hoạch hòa bình:
Chúng tôi tha thiết hy vọng rằng các hoạt động bạo lực chấm dứt và sẽ sớm tìm thấy một giải pháp chính trị cho vấn đề chủng tộc. Chúng tôi tin chắc rằng không có giải pháp nào được tìm thấy khi sử dụng bạo lực.
Tiếp tục kiến nghị, một nhà văn người Sinhala ám chỉ “một phong trào hòa bình mạnh mẽ” ở phía nam, phải đối mặt với những mối đe dọa từ “chủ nghĩa yêu nước mù quáng” của dân Sinhala, đó là lực lượng thúc đẩy hệ tư tưởng về miền đất hứa. Phong trào hòa bình mạnh mẽ này, trên thực tế, là Hội Phụ Nữ Hòa Bình, một tổ chức mà trong đó mỗi nhóm chủng tộc và tín ngưỡng đều có người làm đại diện, nhưng đa số vẫn là dân Sinhala và Phật tử, phản ảnh phần lớn dân số Tích Lan.
Theo các thành viên hội Phụ Nữ Hòa Bình mà tôi phỏng vấn ở Colombo từ tháng 6 cho đến tháng 8, năm 1997, và với những tin tức trên báo chí về họ, thì Hội Phụ Nữ Hòa Bình là một trong số rất ít các tổ chức ở Tích Lan cam kết kêu gọi “phi-chủng-tộc, không yêu nước mù quáng, không kỳ thị giới tính, cùng lên tiếng kêu gọi hòa bình”. Như một thành viên đã ghi nhận, việc mà một tổ chức chỉ bao gồm phụ nữ và do phụ nữ điều khiển khiến cho tổ chức đó dễ bị chỉ trích khắc khe, vì ở Nam Á với chế độ phong kiến, gia trưởng, hội phụ nữ không được xã hội chấp nhận. Thật vậy, trong bối cảnh ở Tích Lan, các hoạt động độc lập tự chủ của phụ nữ không được coi là hành vi thích hợp cho nữ giới. Ngoài việc phục vụ như một cơ quan giám sát các vi phạm nhân quyền đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em, hội Phụ Nữ Hòa Bình cũng là một tổ chức đặt ra sự thách thức đối với sự thiên vị của chủ nghĩa gia trưởng trong xã hội Tích Lan. Từ buổi đầu thành lập vào năm 1984, hội Phụ Nữ Hòa Bình đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc tranh luận về việc chuyển giao thế lực. Và mặc dù ở Tích Lan có xu hướng phản đối việc chuyển giao quyền lực, hội Phụ Nữ Hòa Bình vẫn không lay chuyển trong việc tìm một giải pháp có tính cách chính trị hơn là quân sự cho các vấn đề ở Tích Lan.
Nữ giới, Chiến Tranh và Giải Phóng
Giờ chúng ta hãy nói đến sự liên hệ giữa nữ giới, hòa bình, và Phật giáo. Trong các khu vực của dân Sinhala Phật tử, nơi mà những ý tưởng về nhiệm vụ thiêng liêng của người Tích Lan đã được thấm nhuần vào mọi tầng lớp xã hội, làm người ủng hộ cho hòa bình được xem là phi-Phật-tử. Lý do là vì ủng hộ cho hòa bình đồng nghĩa với việc ủng hộ chính phủ chuyển giao quyền lực, mà nhiều người sợ rằng đây là bước đầu để tiến đến việc phân chia đất nước Phật giáo thiêng liêng này. Thật không lạ khi nghe chư tăng và cư sĩ Phật tử tranh luận rằng “chính phủ phải kết thúc chiến tranh” (để có hòa bình), mà trong quan điểm của họ điều đó có nghĩa là phải loại trừ Prabakaran, lãnh tụ của khối LTTE. Đa số dân Tích Lan khẳng định rằng chỉ có diệt trừ Prabakaran, thì mới có thể bảo tồn tính chất toàn vẹn của hòn đảo Phật giáo thiêng liêng này. Những người ủng hộ hòa bình, sau đó bị xem là những người có ý lật đổ chính phủ, phi-ái-quốc, và phi-Phật-tử, tóm lại, là kẻ thù. Điều này giải thích lý do tại sao hiện nay ở đất Phật giáo Tích Lan (nơi vắng mặt các tổ chức hòa bình), làm người ủng hộ hòa bình là không thích hợp. Tình trạng vận động cho hòa bình có vấn đề, đưa đến hậu quả nghiêm trọng đối với nhận thức của công chúng về hội Phụ Nữ Hòa Bình, và vai trò của nữ giới trong chiến tranh ở Tích Lan.
Nhận thức về hội Phụ Nữ Hòa Bình ở Tích Lan cho thấy mức độ của việc vận động hòa bình bị gán cho là có liên quan đến hoạt động lật đổ chính phủ như thế nào. Một nhà văn gọi hội Phụ Nữ Hòa Bình là một tổ chức thân - LTTE - một sự xúc phạm nghiêm trọng trong bối cảnh hiện nay, vì tổ chức LTTE đã tàn sát hàng ngàn người và là điển hình của hành vi phi-ái-quốc, và vô tín ngưỡng….
Tóm lại, những người phụ nữ yêu chuộng hòa bình này bị mô tả như là mù quáng trước tình hình thực tế và ủng hộ các hoạt động khủng bố. Trong khi ở xã hội Tích Lan, chữ “phụ nữ” có ý nghĩa khá phức tạp… nhưng nó không gợi lên được hình ảnh của người phụ nữ độc lập, tự do trong suy nghĩ…
Vì vậy, tỏ thái độ ủng hộ hòa bình ở Tích Lan là tự mình tham gia vào một âm mưu, dù vô tình hay cố ý, chống phá đất nước và chống đối Phật giáo. Nói chung, sự cáo buộc có âm mưu chống lại Tích Lan là rất nguy hiểm. Thật vậy, theo Mangalika de Silva, một trong những người sáng lập hội Phụ Nữ Hòa Bình (WFP), thì việc chống phá tổ chức này một cách quyết liệt, có mầm móng đưa đến bạo lực, là do dựa vào lòng yêu nước đặt sai chỗ:
Chúng tôi đã nhận được hàng trăm, hàng ngàn lá thư và điện thoại với những lời đe dọa giết chóc, nhất là trong thời điểm chính phủ [trước đó] phải là người bảo vệ cho dân, lại là thủ phạm của hành vi bạo lực. Trong lúc đó, chúng tôi phải hoạt động lén lút cho tới giờ khi tình hình cải thiện [dưới thời chính phủ Kumaratunga], chúng tôi có thể lộ diện. Nhưng điều này không có nghĩa là hiện giờ chúng tôi hoàn toàn an toàn.
Hội Phụ Nữ Hòa Bình là đối tượng bị nghi ngờ, và trong vài trường hợp, bị quấy nhiễu. Theo Mangalika de Silva, giới tính không khiến cho họ được miễn dịch trong các vụ tấn công bạo lực. (WFP – Hội Phụ Nữ Hòa Bình không phải là tổ chức duy nhất lấy giới tính làm trọng khi nói về chiến tranh Tích Lan: Hội Đồng Hòa Bình Quốc Gia của Tích Lan cũng đã lập luận rằng phụ nữ” nên rời khỏi nhà, nhận lấy nhiệm vụ thách thức những cái đầu quan niệm rằng áp đặt bằng vũ lực là ưu tiên hàng đầu, chứ không phải bằng đối thoại hay thỏa hiệp”. Với ý nghĩ rằng phụ nữ theo bản năng nghiêng về phía các giải pháp bất bạo động, trong khi nam giới có xu hướng nghiêng về phía bạo lực, Hội Đồng Hòa Bình Quốc Gia lập luận rằng phụ nữ Tích Lan vẫn còn phải tích cực nhiều hơn nữa). Đối với cả hai nhóm, phe ủng hộ và phe gièm pha, Hội Phụ nữ Hoà Bình thì giới tính là quan trọng hơn việc ai đang thật sự lo lắng cho lợi ích của đất nước Tích Lan.
Để minh họa, một quảng cáo của Lực Lượng Không Quân Tích Lan xuất hiện trên báo chí Anh và Sinhala vào tháng 2 năm 1997, nữ giới được giới thiệu bằng hai hình ảnh: một phụ nữ trong bộ quân phục, bộ quân phục theo thông lệ tượng trưng cho vũ lực nam nhi và quyền uy, và một phụ nữ với trang phục thường mang giầy cao gót, một biểu tượng của những phụ nữ bị âu hóa, mà theo quan niệm về giới tính ở Tích Lan thì đó là sự hạ thấp nhân cách, và theo ý nghĩa chính trị, thì đó là biểu tượng của tinh thần thuộc địa. Trong một tài liệu có cái nhìn tiêu cực về giầy cao gót khêu gợi, có mẩu quảng cáo nói rằng "Có cách tốt hơn để làm nổi bật và được chú ý", nghĩa là mặc vào bộ quân phục để “cao hơn một cái đầu” đối với người khác. Thông điệp này nhấn mạnh rằng "phụ nữ quân sự" là công dân tốt hơn "phụ nữ" mang giầy gót cao, và như thế là làm giảm nhẹ việc sử dụng các biểu tượng nữ tính. Càng phức tạp hơn là ở Tích Lan, người phụ nữ mặc trang phục của nam giới thường bị nhìn một cách tiêu cực. Một ví dụ gần đây cho thấy, một nhà báo ở Tích Lan đã gọi hội Phụ Nữ Hòa Bình (WFP) là" những người phụ nữ mặc quần", tạo ra một sự nhập nhằng trong hình ảnh, vì những người đối lập của hội Phụ Nữ Hòa Bình (WFP) cũng sẽ là các phụ nữ mặc quần, nhưng lần này trong bộ quân phục.
Để mẩu quảng cáo hấp dẫn phụ nữ, câu chú thích dưới bức ảnh "phụ nữ quân sự" được chua thêm bởi một nữ diễn giả của chủ nghĩa nữ quyền rằng đây là những cơ hội mới dành cho nữ giới trong khi vẫn duy trì những thành kiến dựa vào giới tính:
Bỗng dưng, thế giới là của phụ nữ. Nữ giới ngày nay đang đứng chung với nam giới. Nếu bạn là một phụ nữ trẻ tuổi thông minh, không có cơ hội nào tốt hơn cơ hội này để được nhìn nhận, hãy mặc bộ quân phục uy tín và hợp thời của Lực Lượng Không Quân Tích Lan. Hãy tham gia làm một quân nhân để được nổi bật.
Khuyến khích sự giải phóng phụ nữ khỏi các khó khăn nhị nguyên, giữa chế độ gia trưởng (cũ) và phương Tây, mẩu quảng cáo - được chính phủ tài trợ trong chiến dịch "chiến tranh cho hòa bình" vì nó thúc đẩy việc chuyển giao quyền lực - gắn liền sự giải phóng phụ nữ với thời trang. (Việc này làm nhớ lại một tờ quảng cáo tuyển dụng của quân đội Mỹ với bức ảnh của một phụ nữ trong quân phục đang mỉm cười với lời ghi chú rằng "trong số những người lính giỏi nhất có người tô son môi"). Ở đây, chính phủ khai thác và củng cố hệ tư tưởng phổ biến về nữ tính. Đồng thời, khuyến khích nữ giới bước vào đấu trường chiến tranh, và khăng khăng rằng một sĩ quan trong lực lượng không quân và là một "phụ nữ" không hẳn trái ngược nhau. (Điều này tương phản với hội Phụ Nữ Hòa Bình (WFP) và không khó để nhận ra, nhất là khi một trong những cam kết của Hội là phản đối việc sử dụng giới tính để đề xướng chiến tranh và “chính sách cưỡng bách, kêu gọi nhập ngũ").
Tuy nhiên, những người trước tiên được lợi ích của sự giải phóng phụ nữ khỏi chế độ gia trưởng và khỏi ảnh hưởng của phương Tây, lại không phải là nữ giới, mà là quốc gia. Sự xung đột bạo lực giữa quốc gia và khối LTTE đã hao tổn rất nhiều nhân mạng của Tích Lan, và hiện nay tình trạng nhân lực đang thiếu thốn. Thật vậy, vì quá thiếu thốn nhân lực mà lực lượng không quân phải kêu gọi “phụ nữ” tham gia bảo vệ đất nước. Theo báo cáo của Reuter, “Lực Lượng Không Quân Tích Lan, phải đối mặt với sự thiếu hụt phi công, kế hoạch đặt một số phụ nữ vào lực lượng không quân Tích Lan [vì] Không Quân đã bị hao hụt một số lớn máy bay chiến đấu và trực thăng với súng máy [và một số chiến sĩ đã hy sinh] trong năm nay ở các mặt trận chiến đấu chống lại khối Mãnh Hổ Giải Phóng Tích Lan (LTTE)". Tóm lại, đó là chiến lược quân sự, vì lợi ích của đất nước, là giải phóng phụ nữ khỏi chế độ gia trưởng và ảnh hưởng phương Tây.
Chiến tranh và Giới tính
Tuy là quốc gia có vị nữ thủ tướng đầu tiên trên thế giới hiện đại, đó là bà Sirimavo Bandaranaike, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là mức độ mà chế độ gia trưởng quyết định những sự lựa chọn của nữ giới. Để bắt đầu một báo cáo về hội Phụ Nữ Hòa Bình (WFP) cho thấy nhiều xung đột giữa chế độ gia trưởng và sự giải phóng phụ nữ ở Tích Lan:
Sự hình thành của hội Phụ Nữ Hòa Bình (WFP) trong năm 1984 báo trước một kỷ nguyên mới trong việc giải phóng phụ nữ, những người cảm thấy rất cần có một tổ chức nào đó để giúp đỡ những phụ nữ, nạn nhân của chiến tranh và của các tội phạm bạo lực khác.
Hướng tổ chức hội vào việc giải phóng phụ nữ, Hội Phụ Nữ Hòa Bình (WFP) bị báo chí cho là một diễn đàn để trao quyền cho phụ nữ. Đồng thời, báo chí cũng khai thác tư duy rằng phụ nữ vừa là người "tiếp tay", vừa là "nạn nhân", là những quan niệm truyền thống cố ý hạ thấp phụ nữ. Ở Tích Lan “việc quy cho phụ nữ những đức tính đặc biệt - lòng từ bi, sự kiên nhẫn, biết suy xét, bất bạo động - có một lịch sử lâu dài trong phong trào hòa bình". Trái với luận điệu của bào chí về việc trao quyền cho phụ nữ, các luận điệu đi kèm về việc phụ nữ là nạn nhân, chứa đựng trong đó mầm móng của việc khiến hội Phụ Nữ Hòa Bình phải lệ thuộc vào những người ủng hộ nó, và cũng chính là nhóm phê bình Hội, đó là nam giới. Trong một thế giới với hai nền văn hóa khác biệt, báo chí Tích Lan đào sâu thêm khái niệm về "một thế giới phụ nữ của tình thương yêu, truyền thống, và một thế giới của nam giới của sự chiếm đoạt, hưởng thụ và bạo lực". (Tuy nhiên, thực tế là phụ nữ từng là nạn nhân chiến tranh và bạo lực ở Tích Lan, mà WFP (hội Phụ Nữ Hòa Bình) là một trong các hội đoàn duy nhất lên tiếng về hoàn cảnh khó khăn của họ).
…
Tuy nhiên, sự luận bàn bao quát về chiến tranh ở Tích Lan không phải lúc nào cũng liên kết phụ nữ với việc kiến tạo hòa bình. Bên cạnh xu hướng hiện tại kêu gọi phụ nữ tham gia lực lượng vũ trang, tư duy hiện nay của nữ tổng thống Tích Lan, bà Chandrika Bandaranaike Kumaratunga, làm sáng tỏ những ý kiến đương thời về phụ nữ và chiến tranh. Dầu thuyết lý chính trị của bà Kumaratunga trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 1994 lấy Phật giáo, việc thiết lập hòa bình, và hàn gắn những xung đột chủng tộc, làm tâm điểm. Sự tranh cãi về việc chuyển giao quyền lực được bà thúc đẩy từ giữa năm 1990, đã tạo ra hai phản ứng chống đối, cả hai đều xoay quanh vấn đề tôn giáo, lòng yêu nước, và giới tính. Một mặt, các tăng sĩ Phật giáo chống đối việc chuyển giao quyền lực của bà Kumaratunga, và cho rằng đó là việc làm phi-Phật-giáo, mà theo Phật giáo Tích Lan, hành động phi-tín-ngưỡng là không yêu nước. Ngược lại, một vị sư khác lại không ngần ngại cho rằng "đề nghị hòa bình [tức việc chuyển giao quyền lực] được thiết lập để cứu vãn tình thế, chứ không phải phản bội lại đất nước như một số người đã nghĩ". Dầu có ý kiến của vị cao tăng và sự hỗ trợ của ông đối với những đề nghị của nữ Tổng thống Kumaratunga, các vị tăng ở Tích Lan vẫn chống đối việc chuyển giao quyền lực một cách mãnh liệt.
Chư tăng không phải là những người đại diện công chúng duy nhất lên tiếng về việc chuyển giao quyền lực. Các nhà chính trị cũng đánh giá những đề nghị của bà Kumaratunga. Giống chư tăng, họ xét các đề nghị ấy qua lăng kính của lý tưởng Phật giáo về miền đất hứa. Trong thuyết lý của một trong các đồng minh chính trị của bà Kumaratunga, công việc của bà làm người ta nhớ về một nữ Phật tử yêu nước vĩ đại nhất và là người kiến tạo hoà bình cho Tích Lan ngày trước:
Phó Bộ Trưởng Samurdhi Reginald Cootay cho biết tên của Tổng thống Chandrika Bandaranaike Kumaratunga sẽ được ghi vào lịch sử như là một nhà lãnh đạo dũng cảm giống như Vihara Mahadevi ngày xưa, người đã thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng ở Tích Lan trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, bà Vihara Mahadevi, mẹ của vị vua Phật tử anh hùng, Dutugemunu của Tích Lan, mà huyền thoại về ông đã tạo cho Phật giáo Tích Lan một nền tảng để Phật giáo biện minh cho chiến tranh, (bà) không phải là người yêu chuộng hòa bình. Theo biên niên sử thế kỷ thứ năm của Tích Lan, Mahavamsa, bà Vihara Mahadevi đã dẫn dắt con bà, Dutugemunu, vào trận chiến chống lại damilas(dân Sinhala chuyển ngữ damilastiếng Pali sang “Tamils”) “vì vinh quang” của Phật giáo. Trước trận chiến, thân phụ của Dutugemunu, vua Kakavannatissa, phản đối việc con trai tham gia chiến trường. Tức giận vì hành động có vẽ mềm yếu của cha mình, vị hoàng tử trẻ tuổi đã gửi cho vua Kakavannatissa "trang sức của phụ nữ". Với quan niệm đầy giới tính về chiến tranh như thế, vị tu sĩ-tác giả của Mahavamsacho rằng việc ủng hộ hòa bình khi có nguyên nhân chính đáng để đi đến chiến tranh là hành vi không thích hợp cho nam nhân.
Trong trường hợp này, cũng là hành vi không thích hợp cho nữ nhân. Khi chiến tranh bắt đầu, bà Vihara Mahadevi, với nhiều đức tính theo tinh thần Phật giáo mà người ta ca tụng trong trong sách Mahavamsa, lại trở thành "cố vấn" cho con trai, và "nhờ vào sự cố vấn của bà [mà Dutugemunu] thành lập ba mươi hai cơ cấu của quân đội" (25:55-56). Chẳng bao lâu sau đó, Dutugemunu thắng trận chiến chống lại quân damilas, và khôi phục hòa bình bằng cách thống nhất các quần đảo, với sự giúp đỡ của mẹ mình. Tuy nhiên, không kể đến vai trò nổi bật của Vihara Mahadevi trong cuộc chiến chống lại quân Tamil của Dutugemunu, phụ nữ không được nhắc đến trong các câu chuyện chiến tranh trong Mahavamsa. Bà Vihara Mahadevi là phụ nữ duy nhất được nhắc đến. Như vậy, trong sách Mahavamsa, chiến tranh và hòa bình được miêu tả khá rõ ràng: chiến tranh là bất thường, hòa bình là bình thường. Trong thời bình, người phụ nữ tránh xa những gì thuộc về quân đội; trong thời điểm bất thường, phụ nữ - ít nhất có một người, tên Vihara Mahadevi - đã giúp bảo vệ tín ngưỡng. Bà Vihara Mahadevi đã biến mất khỏi sách Mahavamsa ngay sau khi đóng xong vai trò làm cố vấn cho con trai của mình, điều này cho thấy rằng việc tuyển dụng phụ nữ là có "thời hạn", có nghĩa là, nó báo hiệu một sự đảo ngược của quy ước xã hội bình thường.
…
Về sau, khi nói đến bà Vihara Mahadevi là nhắc đến mô hình của phụ nữ yêu nước, mang lại hòa bình, và giúp phát động một cuộc chiến chính đáng chống lại lực lượng kẻ thù của bán đảo và Phật giáo….