Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 14

11/09/201112:45(Xem: 8377)
Chương 14

NẺO VỀ CỦA Ý
Nhất Hạnh

PHẦN THỨ BA

XIV

Trời nóng quá Steve ơi. Mỗi lần về được đến làng rồi tôi sung sướng như là được bơi lội trong một dòng sông mát. Ở đây có nhiều gió. Nhìn đồng lúa và rạch dừa xanh là có thể thấy thoải mái rồi. Cái nơi chúng tôi cư trú ở Saigon thật là tệ quá. Nóng không chịu nổi. Chúng tôi ở tận trên gác nhì. Tràn nhà bằng giấy và nẹp gỗ. Chật chội lắm. Thế đó mà không nóng bức sao được. Buổi trưa chúng tôi cứ phải mặc áo ngắn xuống ngồi ở dưới gốc cây cau cho đỡ bức. Ăn uống không được. Ông Tư hàng xóm xúi tôi đặt một cái máy lạnh trong phòng. Đặt cái máy lạnh trong phòng thì tốn một số tiền nào đó, nhưng mà mình sẽ làm việc bằng hai, thế có lợi không! Ông Tư nói tới chuyện lợi hại; ông cũng có lý một phần nào đó. Quả thật trời nóng như thế chẳng viết lách soạn chấm gì được. Mình cũng thấy bị xiêu xiêu. Nhưng mà nghĩ lại thì không được. Không thể nào được. Không phải là vì cái máy quá đắt. Ông Tổng thư ký nói có thể mua một cái thứ ít tiền được. Nhưng mà ở trong cái xóm nghèo đó mà mình có máy lạnh đặt trong phòng thì thật là không biết đồng sự một chút nào. Thiên hạ sẽ nhìn bằng con mắt gì. Cái xe hơi của trường là một cái xe cũ, cái mã của nó còn có thể chấp nhận được không ai nói gì. Nhưng mà một cái máy lạnh, thì thật là… nhìn cao quá. Tôi liền kiếm giải pháp khác. Phía trước có nhà anh Bảy, có gác. Ảnh độc thân. Buổi sáng xách mô-tô đi làm, chiều tối mới về. Ảnh bằng lòng cho tôi sử dụng nhà trong lúc ảnh đi vắng. Thế là tự nhiên tôi có cả một lâu đài. Lâu đài này rộng chừng bốn thước dài chừng chín thước. Phía dưới mát hơn trên gác nhiều. Những lúc cần viết lách, tôi sang bên ấy, với một chiếc chìa khóa anh Bảy cho. Khi nào muốn trốn khách để có thì giờ làm việc tôi cũng sang bên ấy. Steve đừng lấy làm lạ khi nghe tôi nói đến chữ “trốn khách”. Thường thường bên này mỗi khi đến khách cứ đến tự nhiên, chứ không gọi điện thoại hay hẹn gặp trước. Vì thế mình đi trốn chẳng có tội lỗi gì cả, chỉ trừ giờ mình phải ngồi ở chỗ bàn giấy. Tôi ghét cái bàn giấy nhất, Steve à.

Chúng tôi cũng phác giác ra được một cửa hàng bán chè đỗ xanh và chè bông cau nấu theo kiểu miền Trung. Tôi thì tôi thích hai thứ chè ấy lắm. Chè là gì ấy hử? Chè là một thứ xúp ngọt. Biết cắt nghĩa làm sao. Cứ ăn mới biết ngon chứ Nguyên Hưng nói “xúp ngọt” chắc Steve lắc đầu rồi. Họ cất chè trong tủ lạnh. Mỗi khi trời nóng mà được ăn một hai chén (nhỏ xíu thôi) thì cũng ngon như là uống nước dừa. Steve thèm nước dừa lắm phải không?

Giữa tôi và Nguyên Hưng có một sự khác nhau rất lớn - nói như thế nghĩa là còn có nhiều sự khác nhau nhỏ hơn, đó là Nguyên Hưng thì ghét thức ăn ngọt mà tôi lại ưa. Thành thử mỗi khi nhờ bé Tám mua về, chỉ có mình tôi ăn, còn Nguyên Hưng thì ngồi ngó. Có khi bé Tám ăn với tôi. Có khi thì Mẫn hay Toàn, nếu gặp dịp họ đến chơi. Toàn độ này coi sóc một nhà in, bữa trưa nào cũng ghé tôi chơi. Và cũng thỉnh thoảng trả tiền chè bông cau hoặc chè đỗ xanh. Còn Mẫn thì lo nhà sách với Tuệ. Tất cả đều có phận sự rồi, Steve.

Chiều hôm nay tôi ở lại ăn cơm ở đây, trong làng, với Quảng và Thu hai công tác viên thường trực. Bà Bảy trong xóm mới đem cho chúng tôi hai trái mướp ngọt và mấy lon nếp “gọi là ăn lấy thảo”. Quảng và Thu ở đây được các bà chấp nhận như làcon cháu, hai trái mướp đắng nấu canh chắc ngọt lắm - ngọt như là tình người dân quê đối với cái gì họ đã chấp nhận. Thu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện nhỏ sau đây. Tuy đơn sơ mà cảm động. Có một hôm đó, bác Bảy thấy Thu làm việc tận tình, liền hỏi: “các cậu lương tiền gì bao nhiêu mà làm việc giỏi quá vậy?” Thì vẫn là câu hỏi mà chúng tôi thường phải trả lời như sau: “Tụi cháu làm công quả. Thầy tụi cháu dạy thời buổi này làm công quả trong làng trong xóm giúp cho cô bác thì cũng có phước như làm công quả trong chùa. Tụi cháu ăn cơm chùa, có chút ít tiền đi xe đò, chớ có lương tiền chi đâu bác.” Bà Bảy hiểu ra ngay. Và bà nhìn Thu với cặp mắt trìu mến. Con trai bây giờ mà giỏi thế. Mình tưởng bây giờ chúng nó hư cả rồi. Lo rượu chè, nhảy đầm, đi chơi chỗ này chỗ khác. Ai ngờ còn có đứa ham làm công quả. Tôi thấy câu trả lời của Thu thật là hay. Nó có giá trị của một cuốn sách thần học. Nó giải thích được khuynh hướng “đi vào đời” của Đạo Phật Việt Nam, Steve có biết hai tiếng công quả không. đó là hai tiếng bình dân dùng thay cho tiếng công đức Punya là tiếng Sanskrit đấy. Ở bất cứ ngoi chùa nào ở Việt Nam, nhất là ở thôn quê, người dân quê thường tìm những dịp rỗi rảnh đẻ lên chùa làm công quả, nghĩa là làm giúp công việc cho chùa. Họ tin rằng làm công tác ở chùa là một điều tốt đẹp có thể đơm bông kết trái vật chất và tinh thần cho tương lai con cháu họ. Bởi vì chùa là của chung, và việc chùa là việc lợi ích chung cho tất cả mọi người, nhất là đứng về phương diện siêu hình mà nói. Có người làm công quả một vài buổi. Có người làm ba bốn ngày. Có người ở hàng tháng để làm công quả. Và có người tình nguyện ở trọn đời. Như các “già” hoặc mấy “bà vãi” chẳng hạn. Họ ít học. Họ không tu “huệ” mà là tu “phước”, nói theo danh từ nhà Phật thường dùng, trong giới bình dân.

Làm công quả, nhưng mà không làm trong chùa nữa. Làm công quả, nhưng làm ở trong làng trong xóm. Thu còn nói thêm thế này nữa chứ: “Bây giờ người ta khổ nhiều quá, Phật cũng không ngồi mãi trong chùa; Phật cũng đi ra ngoài xóm ngoài làng rồi”. Tôi cũng ngạc nhiên không biết tại sao Thu nó nói được nhiều câu hay quá vậy. Phật không ngồi trong chùa nữa! Thật ra tại giác ngộ ta đặt Phật trong chùa để mà thờ chứ Phật đâu có muốn ngồi trong đó để hưởng xôi, chuối và hương hoa quả của thiên hạ. Những ông Phật như Phật Dược Sư, Phật Quán Âm, làm sao mà ngồi nhà được. Phật Dược Sư ngồi hoài trong chùa thì ai đi chữa bệnh cho thiên hạ thân bệnh và tâm bệnh? Phật Quán Âm, tức là Quán Thế Âm thì chắc là phải đi hoài, bởi vì Quán Thế Âm là “lắng nghe tiếng kêu đau thương của cuộc đời” mà tìm tới. Kinh Pháp Hoa đã chẳng định nghĩa như thế sao. Vậy thì mấy người học trò của mấy ông Phật không không lý cứ ở lỳ trong chùa khi các bậc thầy mình có mặt trong những nơi có khổ đau của cuộc đời sao? Như thế không phải là học trò của mấy ông Phật mà chỉ làm nô lệ của những pho tượng. Thu nó nói chí lý lắm. Chúng tôi chẳng cần những nhà thần học lớn như Teillard de Chardin, như Karth Barth, như Buber; mà chúng tôi vẫn đang thực hiện được cuộc cách mệnh giáo lý. Những người trẻ tuổi như Thu sẽ dẫn đầu những trào lưu tư tưởng Phật học đấy, nghe không hả Steve thân yêu?

Ở Việt Nam, tôn giáo còn lại như những tập đoàn xã hội vững mạnh hơn hết, bởi vì không khí chính trị và chiến tranh đã làm tan rã phần lớn những thực tại xã hội khác. Với lại loạn lạc lâu quá khiến thiên hạ mất lòng tin ở mọi chương trình, mọi hứa hẹn. Nhiều chính trị gia thiếu chân đứng muốn nương vào các thế lực tôn giáo để… làm chính trị. Nghĩa là để mong nắm được quyền hành. Nhưng có ít chính trị gia biết được thực chất của tiềm lực tôn giáo, cho nên chỉ có người muốn lợi dụng mà ít có người muốn bồi đắp. Ít có người thấy được vai trò mà tôn giáo có thể thực hiện trong giai đoạn lịch sử này, kể cả trong giới những người lãnh đạo tôn giáo. chúng tôi đang trông cậy vào những lớp người trẻ tuổi, có óc tiến bộ, dù là những người này không có chức vị lãnh đạo, tôn giáo cũng vậy, đều bảo thủ, có nhiều tư kiến và nhiều lúc bị xem như là trở lực của sự tiến bộ. Tuy nhiên, nhờ những phần tử tiến bộ giác ngộ hoạt động và tranh đấu không ngừng, cũng nhờ những tiếng gọi cảnh cáo của thế lực đang lên cho nên các vị lãnh đạo đã có bừng tỉnh lên đôi chút, và đã thúc đẩy cho những con rùa bò thêm một quãng đường. Tôi muốn nói những hoạt động của giới trí thức cần gia tăng gấp bội để có thể thay những con rùa bằng những con ngựa.

Steve ạ, đừng có nghe báo chí nói rằng Phật giáo và Công giáo ở Việt Nam chống nhau. Họ nói đùa đấy! Những người mê ngủ trong Phật giáo với Công giáo à? Họ giống nhau như đúc. Họ hành động và suy tư giống nhau như đúc. Cho nên họ ở chung một nhà và theo chung một thứ tôn giáo thì hợp lắm đấy. Còn những người biết thời biết thế, những người có tầm con mắt nhìn xa, biết thừa nhận lẽ phải và sự đối thoại những người đó dù mang danh hiệu tôn giáo khác nhau mà cũng đứng sát cánh với nhau. Chỉ có sự chống báng giữa sự bưng bít và sự tiến bộ, giữa sự lười biếng và ích kỷ và sự dấn thân can đảm, thế thôi.

Lực lượng của những đức tin lớn ở Việt Nam nếu được động viên vào công việc cải tiến xã hội sẽ thực hiện được phép lạ. Và như Steve thấy, những lực lượng đó cần hợp tác trước hết để chấm dứt cho được cuộc chiến tranh khốc hại.

Steve ơi, viết cho Steve tới đây, đột nhiên hình ảnh hàng cây trụi lá của mùa Đông Priceton hiện về rất rõ trong óc tôi. Chúng tôi đang trải qua một mùa Đông thật gian khổ, thật lạnh lẽo và thật đen tối, một mùa Đông dài dặc chưa biết bao giờ chấm dứt. Những con chim có vững cánh chở được niềm tin để vượt cánh đồng dài tuyết giá hay không? Chúng tôi muốn tất cả gia đình nhân loại không bỏ quên chúng tôi. Chúng tôi là những hàng cây trụi lá đứng chịu trong sương tuyết đêm ngày, phấn đấu để đợi chờ nắng ấm của một mùa xuân xa lơ xa lắc.

Steve, trời đang đổ một trận mưa lớn. Ở Saigon phòng tôi chắc chắn lại dột. Không phải là vì mái tôn bị thủng mà tại vì nước mưa tạt ngang luồn qua trần nhà rồi rịn qua kẻ hở của trần nhà làm bằng bìa cứng có nẹp gỗ. Tôi phải lấy nhiều thứ để hứng kẻo ướt nền nhà. Nào chậu thau, nào ly uống nước, nào ống đựng bút… không có tôi ở nhà, chắc là phòng ướt hết rồi. Giờ này gần hai trăm khóa sinh trường xã hội chúng tôi đang ở trong các trại thực tập miền quê.

Steve ơi, ngày mai sẽ ra sao, điều đó tôi không thể nào nó cho Steve nghe được. Nhưng mà dù cái gì xảy đến cho tôi, cho chúng tôi, hay cho Steve, tôi tin cái đó cũng sẽ không thể làm lay đổ đức tin của chúng ta. Bởi vì đức tin của chúng ta không phải đã được căn cứ trên một điểm tựa di động và vô thường. Đức tin của chúng ta không bắt nguồn từ những nhận thức siêu hình. Đức tin của chúng ta là sức mạnh của tình yêu, một thứ tình yêu không có điều kiện, không cần sự đền đáp, không bao giờ bị lay đổ bởi một sự phụ bạc. Tôi muốn đề cập tới vấn đề mà lâu nay tôi muốn nói cho Steve nghe nhưng chưa có dịp nói. Một lần nào đó tôi có nói với Steve là ta phải ươm vấn đề của ta trong chính bản thể ta, linh hồn ta, xương máu và tủy não ta. Rồi tự nhiên một ngày nào đó thấy được những liên hệ giữa nhận thức và hành động. Nhận thức ở đây không phải là phần kiến thức suy luận. Nhận thức đây là tất cả cảm thụ và sở nghiệm tâm linh - điều mà ta khó có thể chia xẻ với kẻ khác bằng phương tiện diễn tả ngôn ngữ và khái niệm. Cái tình yêu mà tôi nói đây nó sinh trưởng trên căn bản tâm lý của chúng ta, đã đành rồi, nhưng mà lạ thay, sự tàn hoại hoặc dần dần hoặc đột ngột của căn bản tâm lý sinh lý ấy cũng không có ảnh hưởng gì đến nó. Tôi muốn nói đến tình yêu mầu nhiệm ấy. Trong trường hợp tình yêu người đời thường nói, sự phụ bạc hoặc sự phơi bày trắng trợn mặt thật của đối tượng yêu thương có thể khiến cho tình yêu bốc khói. Nhưng ở đây, tình yêu không bao giờ bốc khói, không bao giờ suy suyển một hào ly, bởi vì tình yêu đó dã tới một đối tượng vô ngã.

Steve ơi, tôi muốn kể Steve nghe câu chuyện này. Năm kia, khi ghé Luân Đôn, tôi được đi xem British Museum. Trong những thứ tôi để ý nhất, có một xác người hóa thạch trong một ngôi mộ cát, chôn cách đây gần năm ngàn năm nghĩa là 3000 năm trước Thiên Chúa giáng sinh. Kiểu chôn thời ấy khác xa với kiểu chôn bây giờ. Người ta đặt xác người chết khum nghiêng nghiêng, hai gối co lên, mặt, hai tay và hai chân đều quay về phía tay trái. Xác người hóa thạch còn giữ được nguyên vẹn mọi chi tiết. Tôi thấy những lọn tóc - đây là xác đàn ông -, tôi thấy mắt cá nơi hai chân, tôi thấy những ngón tay ngón chân nguyên vẹn. Năm nghìn năm, người ấy đã nằm như thế và sức nóng của cát trong buổi đầu dã giúp người hóa đá. Đây không phải là xác ướp đâu. Steve đừng lẫn lộn. Tôi thích đứng ngắm cảnh tượng này và trong lòng cảm thấy một thứ rung động khó tả. Một em bé đi với tôi, chừng tám tuổi, xinh đẹp, ngắm cảnh tượng ấy một hồi rồi bá lấy áo tôi hỏi một cách lo lắng: “Will happen to me? Rồi con có bị vậy không, hở ông?” Tôi rùng mình, nhìn lại nụ hoa nhân loại mơn mởn, yếu đuối và nhỏ bé không một khí giới tự vệ đó, dù là khí giới tư tưởng, và vội vàng trả lời: “Không, không, không bao giờ con lại bị như thế đâu”. Em bé an lòng; tôi vội kéo em đi sang phòng khác. Tôi đã nói dối một điều mà Xa Nặc ngày xưa đã không nói dối.

Nhưng mà ngày mai lại, công việc bề bộn làm tôi quên khuấy đi mất cái thân người hóa thạch kia. Rồi mấy tuần sau đó, tại đường Doudeauville Ba Lê, họp mặt với các bạn sinh viên bên đó, tôi được vặn cho nghe vài bản nhạc Việt Nam của ban Thăng Long trình diễn. Và trong một giây phút nào đó, nghe giọng cô Thái Thanh, tôi bỗng thấy hiện ra rõ rệt tất cả những cordes vocales nơi cổ họng của cô ca sĩ nổi tiếng mà tôi rất ưa chuộng. Tôi thấy được hết những hạch tuyến nơi cổ họng, những tế bào, những bộ phận lớn nhỏ đã phụ họa với nhau để phát ra những âm thanh trong, ấm, thanh tao và diệu kỳ kia. Tôi chưa gặp Thái Thanh lần nào cả, Steve ạ. Hãy nghĩ rằng cô trẻ, đẹp và đằm thắm như giọng hát của cô, và chỉ giữ lại từng đó thôi. Nếu ta nghiêng mình lệch đi một tý, bình diện với thời gian thay đổi, thì cô Thái Thanh đã ở bên kia tự bao giờ rồi, ví dụ năm ngàn năm về trước hoặc năm ngàn năm về sau. Băng nhựa không phải là những tế bào sinh lý, không phải là những nước bọt, không phải là những cordes vocales, không phải là những tình cảm len lỏi lả lướt trong giọng hát. Nhưng băng nhựa cũng phát ra đúng những âm thanh mà cô Thái Thanh năm ngàn năm trước đây đã phát ra bằng cổ họng xinh đẹp của cô. Băng nhựa đã giữ lại, và băng nhựa giữ lại gì? hay là một lời nhắn nhủ, một tờ thông điệp có thể gây đau nhức cho con người mà cũng có thể tạo nụ cười giải thoát trên môi con người? Một trận gió thổi qua sa mạc, cát bụi tung trời. Tôi nhớ hai câu thơ của Thiền sư Trần Thái Tông:

“Tam thời trần liễm thiên biên tĩnh
Nguyệt lạc trường giang dạ kỷ canh?”

Giây lát tan bụi, bên trời tạnh

Trăng lặng dòng sông đêm mấy canh?

Tối hôm đó tôi bị cảm hàn bởi hồi chiều tôi đã đi ra ngoài trời lạnh có mưa tuyết. Nguyên Ân đánh gió cho tôi, bằng dầu cù là Mac Phsu. Thứ dầu này có thể mua dễ dàng tại Paris. Tôi uống hai viên aspirine và đắp chăn kỹ lưỡng, nhưng mà tôi không ngủ được. Một phần có lẽ vì cảm, một phần có lẽ vì aspirine tuy có trị cảm nhưng lại giữ tôi thức giấc. Cái tật của tôi là uống aspirine ban đêm thì lại thấy khó ngủ.

Tôi nằm trăn trở hoài và một lúc nào đó tôi bỗng thình cờ thấy tôi đang nằm trong một tư thế giống hệt như tư thế của xác người hóa thạch ở British Museum! Và tôi thấy bàn tay phải của tôi đang sờ nắn những bắp thịt này đã cứng như những bắp thịt hóa thạch kia không. Cử chỉ ấy không được trí óc tôi điều khiển. Nhưng hình như trí óc tôi khuyến khích bàn tay tôi tiếp tục như vậy. Điều tôi muốn nói cho Steve nghe là tâm trạng tôi lúc đó bình tĩnh một cách rất lạ; tôi không hề có một ý niệm xót xa, lo lắng hay đau buồn nào. Bỗng dưng tôi thấy rằng giá tôi là thân người hóa thạch của 5000 năm trước đây hay 5000 năm sau đây thì điều đó cũng không có khác chi với điều tôi đang ngồi đây hết. Tôi vẫn cười như thường. Ý niệm về quá khứ, hiện tại và tương lai như bốc khói; Steve ơi, tôi thấy tôi đứng thấp thoáng ở cửa ngõ của một thứ hiện tại thoát ly thời gian, thoát ly mọi sự chuyển động.

Tôi chỗi dậy và ngồi trong tư thế tham thiền suốt một đêm đó. Mưa như thác đổ trong tâm hồn tôi. Mưa như xối chảy. Những giọt nước to, những dòng suối nhỏ tuôn ào ạt vừa gột rửa vừa vỗ về vừa thấm nhuần, vừa nuôi dưỡng. Không còn gì hết, chỉ có sự vững chãi an tĩnh. Tôi ngồi như một trái núi đá, và miệng tôi mĩm cười. Nếu có ai chứng kiến được những gì đã xảy ra cho tôi đêm đó chắc người ta sẽ nói:”Xong, xong hết tất cả rồi! sáng mai sẽ có thay đổi lớn”. Nhưng không có sự thay đổi nào hết, Steve thân yêu ạ. Lúc bảy giờ sáng, tôi lấy giấy bút ghi lại một vài nét những điều còn rạt rào trong tâm hồn. Những vần thơ lạ kì đó tôi vẫn còn giữ đây. Và buổi sáng mai tôi ăn điểm tâm với các bạn, bình thản như không có chuyện gì xảy ra trong đêm qua hết. Và chúng tôi bàn tính công việc. Vẫn là những công việc đã dự trù từ những ngày hôm qua. Những công việc cho tương lai. Steve nghe không Cho tương lai. Nghĩa là tôi đã được đặt trở lui trên bình diện không thời gian ước lệ cũ.

Tôi bàn với các bạn trẻ về từng chi tiết của công việc, và chính tôi cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao tôi lại có thể làm công việc đó, công việc mà người chứng kiến hiện tượng đêm qua có thể xem như là không dính líu gì tới con người đương sự hết. Đối với đêm qua, tất cả công việc hôm nay phải hoa đốm hư không. Đứng ở hôm qua nhìn thì nó khác. Đứng hôm nay nhìn thì nó khác. Nó không phải hoa đốm hư không. Có một điều rất rõ rệt là tuy tôi đề cập đến mọi chi tiết của công việc một cách kỹ lưỡng, để hết tâm ý vào chúng, nhưng tâm hồn tôi lúc đó thật là bình thản, thanh tịnh, không náo nức, không khiếp sợ, không lo lắng. Tôi thấy tôi có thêm nhiều sức mạnh và tâm hồn tôi được gạn lọc trong sạch hơn nhiều.

Steve, một đêm như thế quả có thể thay đổi được cả cuộc đời chúng ta. Và một đêm như thế lại sẽ mở cửa cho những đêm khác như thế. Tôi sẵn sàng để trở lại. Tôi thấy diện mục của tôi nó phảng phất đâu đay. Lần đó tôi suýt tóm được được nó. I was about to break through.

Vấn đề liên hệ giữa cái thế giới nội tâm và thế giới hành động, Steve ơi, có thể vì câu chuyện vừa kể của tôi mà sáng tỏ ra chút ít đối với Steve nghe hồi nầy đó, nó nằm ở đâu? Có lẽ những dòng tôi viết thật bất lực. Mà thôi có lẽ Steve cũng không cần thắc mắc làm gì. Ngày mai, nếu thế giới yên lành, Steve sẽ về thăm Phương Bối. Phương Bối ngày xưa tạo dựng cho chúng tôi tình yêu, Phương Bối có lẽ sẽ cắt nghĩa cho Steve một cách dễ dàng và thông suốt hơn. Tại vì Phương Bối có bông đá, có hoa rừng, có cỏ dại. Phương Bối có một cái nhà Thượng đã bị cháy tiêu tan, chỉ còn một đống than đen với những xác cột cháy nám đó bây giờ có lẽ đã mọc lên nhiều thứ nấm dại.

Tuy vậy nhà Thượng Phương Bối vẫn còn. Cũng như tình hình yêu vẫn còn, bất chấp vô thường, bất chấp vô ngã, bất chấp tham vọng si mê và sự độc ác. Ngày mai, nếu chúng tôi có cháy thành tro bụi thì tro bụi ấy cũng sẽ là tình yêu. Chúng tôi, lúc đó là tro bụi, sẽ thấm vào lòng đất, sẽ làm chất bón tươi tốt cho một loài hoa, nở những bông hoa cho loài người, những bông hoa không biết oán thù là gì. chúng tôi sẽ luân hồi trở lại bao nhiêu lần, hoặc là hoa, hoặc là cỏ, hoặc là chim, hoặc là mây, hay trong bất cứ hình thái nào, hiện tượng nào. Chúng tôi muốn trở lại hoài, trở lại để mà mang đến cho con người bức thông điệp tình yêu bất diệt ấy. Cũng như bọn trẻ con đang nghêu ngao hát ngoài đường: “Yêu mến người mãi mãi, yêu mến người không thôi, yêu mến người tay nắm tay”. Tạm biết Steve.

ĐOẠN KHÉP

Nguyên Hưng ơi, tập viết tay kèm theo đây là phần thứ ba của nẻo về của ý đấy. Tôi giao nốt lại cho Nguyên Hưng. Tập này xem bộ in không được đâu, bởi vì có nhiều điều nói thẳng quá. Tuy vậy nếu in không được thì Nguyên Hưng cũng trao bản thảo cho những người thân yêu nhất đọc. Tôi ước mong rằng nó có thể nói được với các bạn một chút nào về cái “Ý” của tôi.

Nhưng mà tôi lạc quan mất rồi, Nguyên Hưng. Ở cái chương cuối viết cho Steve, tôi có ý định giải bày một vài chút “tâm sự” liên hệ tới nguyên tắc hành động của chúng ta, nhưng đọc lại tôi thấy tôi chẳng nói được gì cả. Thật là tệ. Có lẽ vì trời nóng quá chăng, hay tại vì tôi không được khỏe. Chiều mai tôi đi phải đi xa rồi, và tôi rất ước ao nói với Nguyên Hưng điều mà tôi đã từng muốn nói với Steve mà nói chưa được, hay nói không được.

Đêm nay, trời sáng tỏ một cách kỳ lạ. Tôi chưa đi mà đã nhớ nhà rồi. Nhưng mà ở đâu cũng có từng này ngôi sao, ở đâu cũng có chút trời xanh và mây trắng hả Nguyên Hưng. Tôi đi rồi tôi lại về thì có sao đâu. Lòng tôi hơi xao xuyến một chút, nhưng mà vẫn yên tĩnh. Tôi muốn nói chuyện với Nguyên Hưng trong khung cảnh thanh tịnh này, và ngòi bút của tôi sẽ trở lại gạch những chữ Nguyên Hưng trên giấy trắng.

Những điều ta học được, ta phải liệng chúng đi thì ta mới có thể hiểu được chúng. Cũng như kinh Kim Cương nói A mà không phải là A thì mới là A. nghĩ cũng kỳ quái thật, nhưng mà càng sống chúng ta càng thấy đúng Nguyên Hưng ạ. Học chúng nó rồi mà giữ chúng nó trong lòng là một tai họa còn tệ hơn là không học. Những điều tôi học ở Phật học viện bây giờ bị lật ngược lại hết và tôi thấy lúc đó tôi mới hiểu được chúng.

Đây là tôi với Nguyên Hưng, chớ không phải nói với kẻ khác. Và những điều tôi nói với em, nếu người khác nghe được, sẽ hiẻu ra cách mà tôi không muốn họ hiểu. Nhưng mà mặc họ chứ, có phải không Nguyên Hưng. Kỳ ở Huế về vừa rồi thấy những đám mây trắng đẹp quá đi. Tôi ngồi trên một chiếc DC4.

Buổi chiều, ánh nắng vừa tắt nhưng ánh sáng còn dư dã để cho ta có thể thấy được sắc dịu hiền và trinh tuyền của những lọn mây. Cái thảm mây đó nó nằm phía dưới máy bay chúng tôi. Nó rộng lắm. Từng lọn từng lọn nối tiếp nhau, che khuất núi rừng phía dưới. Những lọn mây trắng như tuyết. Trinh tuyền hơn cả tuyết. Tôi muốn vốc chúng trong hai lòng bàn tay. Và bổng nhiên tôi thấy tôi với mây là một, tôi cũng trắng tinh và êm dịu như mây.

Điều đó thường quá mà, phải không Nguyên Hưng. Tại sao chúng ta ưa những cuộn mây trắng nõn và những tấm thảm tuyết trình tuyền? Tại vì cái khuynh hướng của bản chất sinh lý và tâm lý của ta nó thế. Ta ưa những cái gì tinh sạch, đẹp đẽ và an lành. Tinh sạch, đẹp đẽ và an lành theo nhận định và lập trường của cơ thể ta, tâm lý ta, chớ không hẳn là tính sạch đẹp đẽ và an lành như những tính cách khách quan của thực tại. Ưa một tờ giấy trắng, ưa một dòng nước trong, ưa một nét nhạc mềm hay ưa một thiếu nữ xinh đẹp thì cũng vậy, không có khác nhau gì hết trên căn bản tâm lý của con người. Nguyên Hưng chẳng thường nghe người ta đem tuyết đem trăng đem hoa để tả người con gái đẹp sao. Nhất là khi người con gái có vẻ hiền thục thì người ta lại ví đó là Tiên là Phật bởi vì Tiên Phật vừa đẹp lại vừa hiền. Và bên dưới những cái thiên hạ cho là đẹp là sạch là lành thì người ta còn tham lam đặt thêm nền tảng của sự thường còn. Đó là do nhu yếu của con người mà ra cả. Con người ưa cái gì thanh sạch, đẹp đẽ, hiền lành, và ưa những cái ấy thuộc về mình, đồng nhất với mình, và thường còn với mình. Thế rồi phía bên kia còn gì? Phía bên kia còn trái ngược với sự trong sạch tức là sự ô uế, sự trái ngược với sự đẹp đẽ tức là sự xấu xí, sự trái ngược với sự hiền lành là sự ác độc và sự trái ngược với sự thường còn tức là sự tiêu diệt tức là vô thể.

Và do đó có một sự vật lộn để tìm sang bên này, xua đuổi bên kia. Cho đến nỗi mà trong kinh Phật có khi người ta phải đùng bốn đức Thường Lạc Ngã Tịnh (Hữu thể, An lạc, Tự do, Thơm sạch) để miêu tả Niết bàn rồi sau đó phải thêm rằng phải hiểu những chữ đó theo hiểu nhất nguyên siêu tuyệt của nó mà đừng hiểu theo nghĩa tương đối trong thế giới hiện tượng. Điều đó chứng minh rằng con người chúng ta đã bị ám ảnh quá nhiều bởi ý tưởng về hạnh phúc ước lệ trên kia.

Đột nhiên kinh Bát Nhã tới giáng những đòn sống chết trên nhận thức đó. Quán Tự Tại Bồ-tát sau khi nhìn thấu suốt thế giới hiện tượng mỉm cười tuyên bố “Tất cả đều giả lập (không) hết. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, vân vân… đều là giả lập. Và: “Chân tướng của các giả lập đó không sinh cũng không diệt, không ô uế cũng không tinh sạch, không thêm cũng không bớt đi” còn gì nữa mà nghi ngờ hả Nguyên Hưng. Đó là điều tôi trông thấy trên máy bay, mà trông thấy từ một khía cạnh khác. Trông thấy như thế nào? Nguyên Hưng ơi em hãy nhìn và em sẽ thấy, hỏi tôi làm chi. Tôi chẳng nói được chi cả, bởi vì không có gì mà nói.

Ban đầu thì tôi mỉm cười nghĩ đến những hình thái của nước: nước trong, nước suối, nước đá, hơi nước, mây, tuyết, mưa vân vân… Tất cả đều là H2O. mà chính là H2O cũng giả lập - cũng không phải là thực thể tự hữu - lấy O mà xét thì O có thể được chuyển thành những cái ta không gọi là O. Và chính những cái đó cũng là giả lập. Cũng là chuyển thành. Nương tựa vào nhau, trùng trùng điệp điệp. Không thể tách O ra khỏi không O, không thể nói O và không O là một, Nguyên Hưng à.

Trên cái căn bản di động đó, ta thường cố nắm lấy một cái gì không di động. ví dụ tôi đặt cho tôi một câu hỏi: anh cho hiện tượng nào là đẹp nhất? Tôi nói nước. Đẹp quá. Nước trong như gương. Tuyết phủ trên đỉnh núi. Mây từng cuộn trắng hay ngoài bãi biển. Mưa rào rào thấm nhuần cây cối xanh tươi. Nếu thiếu nước, thế giới này điêu tàn, khô cằn héo hon, buồn bã biết mấy. Cho nên tôi thấy Nước đẹp. Thế rồi tôi hỏi: Ví dụ không có lửa, nghĩa là không có nhiệt lực, không có hơi ấm, không có ánh sáng mặt trời? Thiếu ánh sáng chẳng hạn thì cái gì đẹp, cái gì không đẹp. Cái gì trong như gương, cái gì phủ trên núi, cái gì bay bay ngoài bãi biển, cái gì rào rào thấm nhuần cỏ cây xanh tươi? Óc tôi lóe thấy sự thực, nhưng mà tôi đã mê Nước rồi, tôi đành nhắm mắt nói liều: mặc kệ, tôi có nói là tôi ưa Nước nhất. Thật là vô minh, có phải không Nguyên Hưng.

Trong quá trình tuyên dương chuyển biến của các giả lập các hiện tượng - ta thấy có luân hồi. Chắc Nguyên Hưng đã liệng bỏ cái cái ý niệm luân hồi trẻ con ngày trước đi rồi, cái ý niệm đinh ninh rằng phải có gì đó. Như O hay cái H tôi vừa nói trên thì mới có luân hồi được. Nhưng trên sự thực chẳng có cái O cái H tự thân nào mà cả thế giới giả lập vẫn diễn biến mầu nhiệm. Luân hồi đó chớ gì, nhưng nếu nhìn thấu suốt ta sẽ không thấy có gì thường hay vô thường, tinh sạch hay ô uế, hiền lành hay ác độc, đẹp đẽ hay xấu xí. Đừng có nói cho trẻ con biết điều đó bởi vì chúng sẽ nói: không có hiền ác, không có tốt xấu và không có luân lý. Trẻ con chưa có mở mắt ở thời nào cũng vậy.

Nguyên Hưng ơi, giữa cái tinh sạch và cái ô uế, giữa cái đau khổ và cái sung sướng, giữa cái hiền lành và cái độc ác, mình theo cái nào? Nghe hỏi mà buồn cười, phải không Nguyên Hưng? Theo cái tinh sạch, cái sung sướng, cái hiền lành thì mình phải đập tan và tiêu diệt cái ô uế, cái đau khổ và cái độc ác. Mà tiêu diệt chúng được chăng. Nếu “cái này có là nhờ cái kia có”, thì cái trong sạch cũng do cái ô uế mà có. Tiêu diệt cái ô uế tức là tiêu diệt luôn cái trong sạch, vì lẽ “cái này không thì cái kia không”. Kết luận là nên dung dưỡng cái ô uế, cái độc ác và cái đau khổ hay sao?”

Nhưng mà Nguyên Hưng ơi, tất cả những cặp đối nghịch đó chính đã là do chúng ta tạo nên bằng nhận thức của chúng ta, bằng lập trường sinh tâm lý của chúng ta. Hoan lạc và đau khổ trở nên những đại vấn đề. Nếu được như Quán Tự Tại soi thấu được chân tướng thực tại, thì những đau khổ tai nạn bốc khói bay mất. “độ nhất thiết khổ ách”. Cho nên hãy nhìn nụ cười đức Phật. Nụ cười đó trầm lặng thật, từ bi thật nhưng mà… coi thường chúng ta quá. Đó là một cách nói mà thôi bởi chính Phật đã nhờ đức Thường Bất Khinh Bồ-tát nhắn với mỗi người chúng ta rằng Ngài… không dám khinh chúng ta đâu, bởi vì tất cả chúng ta đều sẽ thành một vị Phật.

Có lẽ cái cảm tưởng trẻ con của tôi về nụ cười của Ngài là do một thứ mặc cảm tự ti lâu ngày tạo nên - chớ không phải tự tôn. Nguyên Hưng nhớ nhé. Trước nụ cười của người thấy được Niết bàn và Sinh tử đều là hoa đốm giữa hư không, ta cảm thấy ta bé nhỏ quá, vụng về quá, ngu si quá. Ngài thương chúng ta không phải vì chúng ta không thấy đường cho nên bị đau, thế thôi

Từ hồi nhỏ, tôi đặt vấn đề bản chất của lòng từ bi, và tội nghiệp cho tôi, tôi chỉ học được và nếm được chút ít từ bi sau này không phải nhờ học tập hay nhờ đặt vấn đề mà nhờ khổ đau. Tôi không tự hào về chút khổ đau ấy; cũng như có ai tự hào về tiếng hét to sợ hãi của mình khi mình nhận lầm sợi giây là con rắn. Khổ đau của tôi cũng chỉ là sợi giây, cũng chỉ là hoa đốm giữa hư không, đáng lẽ nó phải tan biến như mây khói khi mặt trời lên! Nhưng mà nó vẫn chưa tan biến thành mây khói cho nên anh vẫn đau khổ và anh chịu không nổi nên anh tự vùng vẫy. Vậy Phật có thấy anh đau khổ không. Phật có chịu nổi khi thấy anh đau khổ không mà ông ngồi cười hoài vậy? Tôi lý luận rằng tình thương là phải có chấp thủ, tình thương nào cũng vậy, tình trai gái yêu nhau, tình mẹ thương con, tình nước non, tình nhân loại, tình chúng sinh, nghĩa là cả từ bi. Bởi vì thương ai, lo lắng cho ai anh cũng phải thao thức, mong mỏi, không thể lãng quên. Thế thì trông thấy chúng sinh đau khổ vô lượng vô biên thế kia, Phật cũng lo lắm chứ sao mà ngồi cười được hoài. Thật ra thì mình tạc tượng Ngài ngồi cười. Nhưng mà có phải hầu hết những đêm thức khuya, những lo lắng và thao thức của người có tình thương đều phát sinh vì người đó còn là người trần mắt thịt, đối với thực tướng vũ trụ vẫn còn “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” không? một ông bác sĩ biết rõ tình trạng bệnh nhân thì không ngồi giả định thế này thế kia để tạo ra một trăm ngàn giả thuyết và lo lắng như người thân nhân của bệnh nhân. Và nếu biết bệnh sẽ qua, thì ông có thể cười. Nhưng không phải là nụ cười độc ác. Đó chỉ là nụ cười của người biết chuyện, không còn phải lo hão huyền vô ích. Đại bi, maha karuna bản chất của nó, Nguyên Hưng ơi, làm sao tôi diễn tả cho được?

Nguyên Hưng, sự thực nằm ở đó, em làm quen với nó đi. Chỉ khi nào em bắt đầu thấy được giữa bùn đen kia với tuyết trắng nọ không có cái gì xấu cái gì đẹp, chỉ khi nào em biết bắt đầu nhìn sự thật với tâm niệm không phân biệt, nghĩa là biến kế, thì em mới có thể nếm được thế nào là đại bi.

Dưới con mắt của đại bi, không có tả không có hữu, không có thù không có bạn, không có thân không có sơ. Mà đại bi không phải làvật vô tri. Đại bi là tinh lực màu nhiệm của sáng chói.

Vì dưới con mắt của đại bi, không có cá thể riêng biệt của nhân ngã nên không có một hiện tượng nhân ngã nào động tới được đại bi.

Em ơi, nếu con người có độc ác đến nước móc mắt em hay mổ ruột em và em cũng nên mỉm cười và nhìn con người bằng cặp mắt xót thương; hoàn cảnh tập quán và sự vô minh đã khiến con người hành động như thế.

Hãy nhìn con người đã đành tâm tiêu diệt em và đang tạo nên cho em những oan ức khổ nhục lớn lao như trăm ngàn quả núi, hãy nhìn con người ấy với niềm xót thương. Hãy rót tất cả niềm xót thương từ suối mắt em vào người đó mà đừng để một gợn oán trách giận hờn xuất hiện trong tâm hồn. Vì không thấy đường đi nước bước cho nên cái người làm khổ em mới vụng dại lỗi lầm như vậy.

Giả sử một buổi sáng nào đó em nghe rằng tôi đã chết tăm tối và tàn bạo vì sự độc ác của con người, em cũng nên nghĩ rằng tôi đã nhắm mắt với một tâm niệm an lành không oán hận, không tủi nhục. Em nên nghĩ rằng giờ phút cuối tôi cũng không quay lại kẻ thù ghét con người. Không, con người chẳng bao giờ đáng cho ta thù ghét. Nghĩ như thế chắc chắn em sẽ mĩm cười được, rồi nhớ tôi, đường em, em cứ đi. Em có một nơi nương tựa mà không ai có thể phá đổ và cướp giật đi được. Và không ai có thể làm lay chuyển niềm tin của em, bởi vì niềm tin ấy không nương tựa nơi bất cứ một giả lập nào của thế giới hiện tượng. Niềm tin ấy và tình yêu là một, thứ tình yêu chỉ có thể phát hiện khi em bắt đầu nhìn thấu qua thế giới hiện tượng giả lập để có thể thấy được em trong tất cả và tất cả trong em.

Ngày xưa, đọc những câu chuyện như câu chuyện đạo sĩ nhẫn nhục để tên vua cường bạo xẻo tai cắt thịt mà không sinh lòng oán giận, tôi nghĩ đạo sĩ không phải con người. Chỉ có thánh mới làm được như vậy. Nhưng Nguyên Hưng ơi tại lúc đó tôi chưa biết đại bi là gì. Đại bi là sự mở mắt trông thấy. Và chỉ có sự mở mắt trông thấy tận cùng mới khiến cho tình thương trở thành vô điều kiện, nghĩa là biến thành bản chất đại bi. Đạo sĩ nhẫn nhục kia đâu có sự giận hờn nào mà cần nén xuống? Không, chỉ có lòng thương xót. Giữa chúng ta và vị đạo sĩ kia, và vị Bồ-tát kia, không có gì ngăn cách đâu, Nguyên Hưng. Có thể tình yêu đã dạy cho em rằng em có thể làm được như Người.

Thôi em đã lớn rồi tự lo liệu lấy.

Chiều mai tôi phải đi rồi. Những giòng chữ viết đêm nay, tôi sẽ không có thì giờ đọc lại. Nguyên Hưng, cho tôi dừng ngang đây. Ngày mai tôi sẽ còn gặp em trước khi lên đường.

Saigon 11-5-1966

Hết


VIII

Hôm thứ bảy, nghĩa là sau đó hai hôm, tôi đi chùa lễ Phật cầu nguyện cho mẹ bởi vì hôm đó nhằm ngày rằm tháng chín âm lịch, ngày giỗ của mẹ. Tình cờ hôm đó tại chùa cũng có đại lễ kỷ niệm bảy mươi năm ngày Phật giáo du nhập Hợp Chủng Quốc. Lễ này tổ chức liên tiếp trong ba ngày và có nhiều đại biểu từ các tiểu bang đến dự. Ngôi chùa không to lớn gì, thành thử giảng đường nơi hành lễ cũng chỉ lớn bằng giảng đường chùa Ấn Quang. Vậy mà họ gọi là đó là Mỹ Quốc Phật Học Viện (American Buddhist Academy). Cái tên thì lớn, kỳ thực chùa chỉ có một số lớp dạy giáo lý và thực hành cho các cư sĩ, còn ngoài ra thì dạy pha trà, cắm hoa và đàm thoại Nhật ngữ. Chùa thuộc hệ phái Tịnh Độ Chân Tông và do hai vị trông nom: Hozen Seki vị trú trì. Và giáo sư Phillips giảng sư. Vị này trước là giáo sư ở đại học đường Delaware.

Để tôi nói sơ lược về Phật giáo bên này cho Nguyên Hưng nghe. Ở Hiệp Chủng Quốc có vào khoảng tám mươi ngàn người theo đạo Phật, trong đó phần lớn là người Nhật và người Trung Hoa hoặc đã trở thành công dân Mỹ, hoặc chưa. Trung tâm Phật giáo đặt tại 1710 đường Octario, Cựu Kim Sơn. Các “tăng sĩ” đều là tân tăng của phái Tịnh Độ Chân Tông, khoảng bảy mươi vị, hầu hết là người Nhật rải rác trong các tiểu bang, một số có mặt trong các đại học Mỹ để dạy về ngôn ngữ và văn chương Nhật Bản. Có năm mươi bốn ngôi chùa lớn nhỏ rải rác khắp toàn lãnh thổ. Ngôi chùa ở Nữu Ước so với các ngôi chùa ở Cựu Kim Sơn thì nhỏ bé hơn nhiều. Trong số những người về dự lễ, tôi gặp hai tu sĩ Nam Tông khoác áo vàng, đại đức Anuruddha và đại đức Vinita một người từ tiểu bang Connecticut, còn một người từ Massachusetts. Lễ dâng hương cử hành lúc ba giờ chiều. Vị đại sứ Tích Lan, ông Susantha de Fonseka, cũng có mặt để đọc diễn văn chúc mừng.

Tôi đi bộ một mình đến chùa và đi thật thong thả. Chùa chỉ cách nơi tôi ở có năm ô (bloc) ở vào số 331 đường Riverside Drive. Khi tôi đến thì gần đến giờ thuyết pháp. Khán giả chỉ chừng hai trăm người gồm nhiều quốc tịch trong đó đa số người Nhật. Bài giảng không gây nổi cảm hứng làm tôi thất vọng. Ở đất này mà giảng như thế thì không làm sao gieo được hạt giống đạo Phật trong quần chúng. Nguyên Hưng cũng biết, giáo lý Tịnh Độ Chân Tông cũng như tổ chức của Tịnh Độ Chân Tông không khác giáo lý Thệ Phản là mấy, cả hai đều chú trọng đến tha lực. Vậy thì món ăn đó không thể nào được gọi là mới lạ đối với người Anh và người Mỹ. Thêm nữa để diễn giải giáo lý Cơ đốc của họ, đã có biết bao viện thần học, bao nhiêu nhà truyền giáo xuất sắc; trong khi đó tổ chức Tịnh Độ Chân Tông ở đây thiếu cơ sở giáo dục và đào tạo bắt chước một cách thiếu thông minh nên không thể không chứng tỏ sự kém cỏi non nớt của mình. Thực ra dân Mỹ là một dân có tinh thần tự lập tự cường; trong gia đình cũng như ở ngoài xã hội, con người được đào luyện để có tinh thần tự lập ấy và để khỏi phải nương tựa và sống bám vào những kẻ khác. Như thế chắc chắn một giáo lý như giáo lý tự lực của Thiền Tông sẽ rất thích hợp với họ. Giáo lý Thiền Tông hoàn toàn căn cứ vào tự lực để xây đắp, phát triển và giác ngộ bản thân trong lúc giáo lý Cơ Đốc và Tịnh Độ tự nhận khả năng thiếu kém của con người và nhấn mạnh đến năng lực cứu độ của một thế lực bên ngoài. Cho nên Nguyên Hưng sẽ không lấy làm lạ khi thấy sự truyền bá của đạo Phật Tịnh Độ ở đây chưa gặt hái được những kết quả nào đáng kể. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy tư tưởng Thiền được hâm mộ một cách nồng nhiệt ở đây. Giáo sư Suzuki đã gây được những tiếng vang lớn lao về thiền học ở đất nước này. Sống trong một xã hội quá hoạt động, quá náo nhiệt, và khi đã mệt mỏi vì những tính toán những suy luận hình thức, cố nhiên người ta khao khát một cái trầm tĩnh, tươi mát và tự tại như tinh thần Thiền học. Có sống ở đây Nguyên Hưng mới thực chứng được điều đó.

Để bù lại sự thiếu kém về nội dung giá trị tư tưởng, các nhà truyền giáo Tịnh Độ ở đây phải dùng đến những hình thái sinh hoạt văn hóa Nhật. Người Mỹ ưa món ăn Nhật, nghe đàn Koto, chứng kiến các cuộc pha trà, cắm hoa, vân vân. Thế cho nên sau thời thuyết pháp, có một buổi trình diễn đàn Koto. Mà buổi trình diễn đàn Koto độc chiếc ấy đã kéo lại thăng bằng cho buổi giảng. Ngồi hai bên tôi là những người Mỹ. Họ tỏ vẻ lơ đãng trong thời thuyết pháp như họ lại đã tỏ ra rất thích thú khi nghe đàn Koto.

Tôi cũng thích những bài đã được trình diễn hôm ấy lắm, Nguyên Hưng. Nhạc sĩ Kimioto Eto. Chàng còn trẻ, vào khoảng ba mươi tuổi, khuôn mặt hiền hậu và dễ thương. Trong chiếc Kimono màu đen, chàng bước chậm chạp lên diễn đài, theo tay dìu đỡ của một chàng thanh niên khác. Tôi nghĩ có lẽ vì mắt chàng không trông được rõ. Sau lời giới thiệu của đại đức Saki, chàng chậm rãi ngồi xuống, mỉm cười lặng lẽ, và không nói năng chi. Sao mà tôi yêu cái dáng điệu ấy quá. Chẳng bao giờ chàng nhìn xuống khán giả. Chàng chỉ để tầm mắt trên khoảng rộng của chiếc đàn phủ khăn trắng. Và nụ cười của chàng, nụ cười thật lạ kỳ, thật là lặng lẽ, thật là hàm xúc. Tôi không ngờ ở đất này mà có được một nụ cười như vậy.

Chàng nói là chàng sẽ đàn để cúng dường ngày kỷ niệm 70 năm Phật giáo du nhập Mỹ quốc, để dâng lòng thành lên đức Từ Bi. Con số bảy, chàng nói, nó rất quan trọng đối với chàng. Cha chàng mất đây bảy năm, và mẹ chàng cũng từ trần bảy tháng trước. Nay là lễ bảy mươi năm kỷ niệm Phật giáo du nhập. Và đôi mắt nhỏ lệ. Khuôn mặt trầm lặng, tràn đầy xúc cảm; một niềm cảm xúc lẫn lộn trong tín ngưỡng, thương nhớ và bâng khuâng. Chàng đàn, những bản tự do tay chàng sáng tác. Bản đầu tiên là bản tiếng hát hy vọng. Điệu nhạc tuy trầm buồn thao thức nhưng chứa đầy sức sống nhẫn nại, chứa đầy ý chí cố gắng đi tới. Bản thứ hai là bản Gió mùa thu ngát hương thương nhớ, và bản thứ ba. Tiếng nói tin tưởng của chàng đối với đạo Từ Bi. Mỗi bài được cách khoảng với bài khác bằng một thời gian lặng yên trong nụ cười trầm tĩnh. Xong bản thứ ba, chàng nói cho mọi người biết là hai mắt chàng mù và chàng không thấy gì hết. Mọi người xúc động; tôi cũng xúc động cả tâm hồn, bởi vì trước đây không ai nghĩ rằng chàng lại là một người mù.

Nước mắt tôi muốn trào ra; tôi đứng dậy ra về trước mọi người, bỏ nữa chừng cuộc trình diễn. Tôi thấy như vậy là quá đủ. Trên con đường Bờ Sông tôi đi thong thả từng bước một, lòng thấy bâng khuâng. Nụ cười của Kimioto vẫn còn nguyên vẹn, huyền diệu, trầm lặng. Nếu không biết khổ đau, không bao giờ người ta có thể có được một nụ cười như thế. Và tôi hiểu tại sao nụ cười đã làm cho tôi xúc động ngay từ khi tôi mới trông thấy chàng.

Đường Riverside Drive vắng vẻ. Đột nhiên tôi nhớ tới lời những người bạn dặn dò không nên đi một mình trong đêm khuya trên các con đường vắng đô thành. Nữu Ước có rất nhiều bọn bất lương như bất cứ thành phố nào trên thế giới. Nghĩ như thế, tôi định rẽ sang đường 108 để trở vào Broadway. Vừa rẽ sang đường 108 tôi bỗng thấy mặt trăng, tròn như khuôn mặt hoa sen đức Phật, hiện ra giữa mảnh trời do hai nhà hàng nhà cửa cao vút bên đường chừa lại. Thật là mầu nhiệm. Mặt trăng ở về phía trước mặt tôi, và cũng đi về phía tôi đi.

Mặt trăng Rằm tháng Chín. Chắc là mẹ tôi cũng đi theo tôi đến chùa khi trăng mới mọc.

Cái mặt trăng ấy đã chiếu sáng trên nóc chùa lúc tôi ngồi nghe thuyết pháp, đã chiếu sáng trên nóc chùa lúc tôi ngồi nghe trình diễn đàn Koto. Và mặt trăng ấy bây giờ cũng lại đi theo tôi về tận nhà. Sáu năm về trước, mẹ tôi mất vào ngày trăng tròn tháng chín… Trăng khuya bao giờ hiền hòa êm dịu và mầu nhiệm như tình mẹ. Trong suốt bốn năm trời tôi có cảm giác rất rõ rệt là tôi mất mẹ. Nhưng mà có một đêm tôi nằm mơ thấy mẹ, và từ lúc đó, cảm giác kia không còn nữa. Tôi thấy mẹ tôi chưa bao giờ mất cả, và những đau khổ xót xa trước kia chỉ là những ảo giác trong một giấc mộng. Tôi còn nhớ đó là một đêm tháng tư ở cao nguyên. Tôi nằm mơ thấy mẹ tôi, dung nhan không có gì biến đổi. Tôi nói chuyện với mẹ tôi rất tự nhiên, không có một mảy may cảm giác rằng tôi trong bốn năm, chịu đựng ý tưởng mất mẹ. Chắc Nguyên Hưng muốn hỏi tôi rằng trong bốn năm ấy tôi có lần nào nằm mơ không. Có, tôi nằm mơ thấy mẹ tôi vài lần, nhưng mà những lần thấy như thế không có tác dụng gì rõ rệt sau khi tôi tỉnh thức cả.

Lần này, khi tỉnh thức, tôi cảm thấy tâm hồn bình yên một cách kỳ lạ và tôi thấy một cách rất hiện thực rằng sự sinh diệt của mẹ tôi là một cái gì do tôi tạo ra mà không phải là một thực tại khách quan. Sự hiện thực của mẹ tôi không tùy thuộc vào sinh diệt; không phải nhờ sinh mà mẹ tôi có, không phải vì diệt mà mẹ tôi không có. Cái có với cái không là sáng tạo phẩm của nhận thức chủ quan và do có không hẳn là có và không không hẳn là không. Có là để đối với không, và không là để đối lại với có. Thực ra, đã có thì không thể nào là không, và từ không thì không thể nào sinh ra có. Tôi không muốn lý luận với Nguyên Hưng, tôi chỉ muốn nói với Nguyên Hưng, thế thôi. Bữa đó, tôi thức dậy vào lúc một giờ rưỡi khuya và thấy phép mầu hiển hiện. Niềm đau xót không còn nữa và tôi chứng thực rằng ý tưởng mất mẹ trong suốt bốn năm vừa qua chỉ là những ý tưởng. Thấy được mẹ trong giấc mơ ấy rồi tức là thấy mẹ tôi mãi mãi. Điều này tôi càng thấy rõ hơn khi tôi đi mở cửa đi ra vườn. Vườn đầy ánh trăng khuya dịu dàng và nhiệm mầu. Đó là sự có mặt của mẹ, nhớ thương, đó không là một sự tự an ủi mình. Tôi có thể thấy mẹ tôi bất cứ ở đâu và lúc nào tôi muốn.

Nguyên Hưng, hồi tháng tám trong lúc còn ở Medford, tôi có viết để làm quà cho những người trẻ tuổi quen biết ở nhà một đoản văn tôi là Bông Hồng Cài Áo. Ngồi ở trong nhà gỗ Pomona, tôi đã viết ra những dòng chữ giản dị kia trong lúc chim hót vang rừng. Khi tôi gửi nó đi rồi - tôi gởi cho Nhiên - tôi mới biết rằng những cảm nghĩ trong ấy phát sinh từ một cái nhìn khá mới lạ, cũng là cái nhìn mà tôi đã diễn tả trong lá thư viết cho thầy Thanh Từ. Ngày xưa nói về văn học Việt Nam, tôi cứ giảng đi giảng lại mãi câu thơ:

“mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.

của Mãn Giác Thiền Sư đời Lý, rất khâm phục ý tưởng của tác giả nhưng mà chưa bao giờ đón nhận được cái tâm tư của tác giả một cách đích thực. Thì ra trong lúc nhận thức cởi mở, trong lúc cái vỏ cứng nứt rạn, ta có thể trông thấy những điều thật là mầu nhiệm. Cũng như ta có thể thấy được sự hiện hữu của cành mai trong một đêm tăm tối và lạnh lẽo của mùa Đông.

Chúng ta sinh vào thời đại trong đó sự xung đột giữa các giá trị cũ và mới đang sắp đi đến chỗ kết thúc. Tuy vậy nó chưa kết thúc được, và dấu vết của sự xung đột còn hằn lên rõ ràng trong tâm hồn chúng ta. Những câu hỏi mới của triết học đã làm cho chúng ta bơ vơ thêm, lạc lõng thêm, thao thức thêm. Trong trạng thái rối bời của tâm trí, ý niệm về sự vô lý của hiện hữu xấu xa, con người xấu xa; con người muốn tốt cũng không thể nào tốt được, hiện hữu muốn đẹp cũng không thể nào đẹp được. Trong tình trạng đó lắm khi chúng ta còn có ảo tưởng rằng chúng ta có tự do, chúng ta còn là chúng ta. Nhưng hẳn Nguyên Hưng cũng đã từng biết rằng kinh nghiệm bản thân rằng chúng ta nhiều khi chỉ viết chính tả, mà kẻ đọc cho chúng ta viết vốn không phải là ta mà lại là những dấu vết được ghi trên chúng ta, hoặc nói một cách khác hơn là mệnh lệnh của nghiệp lực cộng đồng. Chúng ta đã không được là chúng ta thì, nếu chúng ta có tự do đi nữa, tự do đó cũng không phải là tự do của chúng ta. Có lúc chúng ta không còn “ham” tự do nữa, có lúc chúng ta sợ hãi tự do: đó là tại vì chúng ta không thực là chúng ta. Chúng ta bị bao phủ rất là nhiều lớp rong rêu và vôi gạch. Chúng ta cần đập vỡ tất cả để được giải thoát. Nhưng chúng ta sợ sự đập vỡ đó, bởi vì chúng ta cứ tưởng những lớp vôi gạch rong rêu đó mà vỡ thì chúng ta cũng vỡ luôn, mà những lớp vôi gạch rong rêu đó, than ôi, có phải là chúng ta đâu.

Ngày tôi khám phá ra cái điều mà tôi nói đó, tôi bổng thấy tôi nhìn tất cả mọi vật với một cặp mắt khác lạ. Trước hết, tôi nhìn vào tôi, và tôi thấy thân thể tôi quả là một cái gì mầu nhiệm. Tôi chưa bao giờ nhìn tôi như thế. Tôi thấy không có lý do gì mà ta lại có thể nhìn thân thể ta, một trong năm phần của hợp thể ngũ uẩn, với một cặp mắt coi thường. Chúng ta có khuynh hướng coi thường những gì nằm trong tầm tay của chúng ta. Chúng ta đánh giá chúng một cách quá hạ và lắm khi vì u mê chúng ta nguyền rủa sự tồn tại của chúng. Như đôi mắt của tôi đây chẳng hạn. Vì tôi có đôi mắt, và vì tôi cho đó là một sự thực hiển nhiên - mà hiển nhiên sao được, làm gì mà hiển nhiên được một cách dễ dàng thế - cho nên tôi không chú trọng tới chúng, không cần hỏi han chúng, không nhận được thông điệp của chúng và do đó tôi mất chúng. Có cũng như không. Chỉ khi nào người ta bị mù đột ngột, người ta mới cảm nhận được sự hiện hữu trước kia của đôi mắt; nhưng cảm nhận như thế thì muộn quá rồi. Một người mù được sáng mới biết thế nào là sự hiện diện quý giá của một đôi mắt; người đó có thể sống sung sướng ngay trên trái đất, sung sướng hơn cả trên thiên đường. Thế giới đầy màu sắc này, cùng với đôi mắt kia là những gì thật mầu nhiệm, là những gì có thể hiến dâng cho chúng ta những sung sướng ngây ngất. Từ lúc đó chẳng khi nào nhìn mây trắng trời xanh mà tôi lại không nhìn với nụ cười. Thế giới đột nhiên giầu có hẳn lên và tươi sáng hẳn lên. Người mù mới sáng có thể tìm thấy thiên đường, nhưng hắn sẽ làm quen với thiên đường trong một thời gian ngắn, rồi vẫn coi thường thiên đường, cho thiên đường là cái gì hiển nhiên. Và vì vậy, hắn sẽ mất thiên đường trong vài ba tuần lễ, nhiều lắm trong vòng ba tháng. Trong khi đó một con mắt tâm linh của Nguyên Hưng sẽ không bao giờ làm mất thế giới pháp thân.

Hồi nhỏ chúng ta được dạy rằng những đau khổ lớn của con người là sinh, lão, bệnh, tử, là ước mong mà không được thành tựu, là hợp nhau mà không được chung nhau, là khắc nhau mà vẫn vẫn phải gần nhau. Nhưng mà Nguyên Hưng ơi, những đau khổ đích thực của con người không nằm trong sinh, lão, bệnh, tử, không nằm trong trường hợp ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc. Nó nằm ở trong cái cách chúng ta nhìn thực tại. Quả là như vậy đó, Nguyên Hưng. Sinh lão bệnh tử, sự chia cách, sự kết hợp vẫn có những mầu nhiệm của chúng, vẫn là những đặc tính quý giá của hiện hữu. Điều quan trọng nhất là làm như thế nào ngồi yên lành trên những đợt sóng hiện tượng đó với một nụ cười của bản thể không sinh không diệt.

Tôi nhớ trong kinh Bảo Tích có một đoạn như sau đây. Phật nói: Có một người nhặt cục đất ném vào con chó. Con chó đau quá, tức giận chạy theo cục đất để cắn trả thù. Con chó không biết rằng kẻ thù không phải là cục đất mà là người ném cục dất. Cũng như vậy, những kẻ khờ dại nghĩ rằng mầu sắc, âm thanh, hương vị v.v… là nguyên do khổ đau và kết luận rằng muốn hết khổ đau thì phải tiêu diệt hoặc lánh xa sắc, thanh, hương, vị, xúc… Kỳ thực đau khổ không nằm trong sắc, thanh, hương,vị xúc. Đau khổ nằm nơi cách nhìn và sử dụng của chúng ta đối sắc, thanh hương vị xúc. Vấn đề là như thế. Chúng ta khổ đau không phải vì thực tại chất chứa khổ đau, mâu thuẫn và vô lý mà vì chúng ta đã nhìn thực tại qua những lớp màn nhận thức đen tối mang nặng tư kiến tư dục của chúng ta để thấy thực tại chất chứa khổ đau, mâu thuẫn và vô lý. Có lần đi xa quê nhà hằng năm phải nói tiếng ngoại quốc cả ngày tôi bổng thấy nhớ những giọng nói quen thuộc quá chừng. Lắm khi tôi ao ước được nghe những giọng nói quen thuộc ấy đến nỗi tôi nghĩ rằng vài ba phút thôi cũng đủ làm cho tôi sung sướng suốt ngày. Mà kỳ lạ thực, Nguyên Hưng, tự nhiên - sao lại tự nhiên - một buổi sáng chuông điện thoại reo và tôi được nghe tiếng của Phượng từ bên nhà gọi sang. Câu chuyện tuy ngắn ngủi và chỉ gồm có một số câu hỏi về công việc nhưng tôi cũng thấy quý giá và do đó cũng sung sướng đến mấy ngày. Từ đó mỗi khi nói chuyện với một người thân là tôi để hết tâm ý vào câu chuyện và ngthe thấy cả tiết điệu của giọng nói. Tôi phân biệt được giọng nói và cả những lo âu những cảm động những thao thức vân vân… chứa đựng trong giọng nói. Đó thật cũng là một điều mầu nhiệm. Dễ gì mà nghe được như thế, hiểu được như thế và cảm nhận được như thế. Tuy vậy trong chúng ta ai cũng có điều kiện để nghe, để hiểu để cảm nhận. Tôi không bao giờ còn thái độ khinh suất và lơ là với bất cứ một hiện tượng nào xẩy ra đến trước giác quan của tôi. Một cái lá rơi vào phòng hay một tiếng kêu của em bé chơi đùa dưới bãi cỏ non cũng là một sứ giả của hữu thể. Tôi nhìn ngắm, lắng nghe tiếp nhận thông điệp của hữu thể đó do chúng mang đến. Sự xa cách người thân yêu, sự thất vọng sự chạm trán với những gì ta không ưa thích cũng trở nên mầu nhiệm và tràn đầy tính cách xây dựng. Nhờ những thứ đó mà tôi mới được là tôi. Nguyên Hưng mới được là Nguyên Hưng và nụ cười kia mới có thể là một nụ cười. Dưới ánh sáng của cái nhìn ấy, thấy những yếu đuối những dại dột của con người cũng có những khía cạnh mầu nhiệm của chúng. Có những bông hoa khi nở rồi thì không bao giờ còn héo tàn nữa. Nhìn dưới ánh sáng ấy thì sinh diệt nào có khác chi niết bàn. Vì vậy có một đêm trong giờ tư duy tôi bỗng muốn la lên rằng: sự nghiệp của các đức Phật đã được hoàn tất tự những bao giờ, và sở dĩ nó đã hoàn tất cũng vì nó chưa bao giờ thực sự khởi đầu cả.

Nguyên Hưng, nhìn lại lịch sử nhân loại và nhìn lại quá khứ của chúng ta, Nguyên Hưng sẽ phải công nhận rằng quả tình Nguyên Hưng không thể phân biệt được cái gì là thực sự may và cái gì thực sự rủi, cái gì thực sự tốt và cái gì thực sự xấu. Chắc Nguyên Hưng còn nhớ câu chuyện người trại chủ mất ngựa. Mất ngựa có hẳn đó là rủi ro không, điều đó chỉ có một cái nhìn bao quát thời gian và không gian mới trả lời được. Bất cứ sự thành công nào cũng kéo theo sự bất lợi của nó và bất cứ sự thất bại nào cũng đóng góp được vào cái ánh sáng trí tuệ hoặc cái thành công của tương lai. Ta có thể nói rằng cái kia vừa may lại vừa rủi, vừa tốt lại vừa xấu, và như thế có khác chi nói rằng không thực sự có may, rủi, tốt, xấu mà chỉ có nhận thức ngắn và hẹp của con người tạo nên tốt xấu. Tất cả đều là những phân biệt biến kế của nhận thức. Nguyên Hưng, người ta nói rằng không thể nào thành lập được một nền luân lý nếu không thiết lập được tiêu chuẩn thiện ác. Nhưng mà mây bay hoa nở, gió thoảng, nước trôi có cần đến luân lý đâu, có cần đến tiêu chuẩn thiện ác đâu. Thế mà nhiều kẻ lại khen ngợi họ là những bậc thánh, những nhà đại luân lý, nhiều kẻ lại nhìn vào họ, xét nghiệm hành động ngôn ngữ và tư tưởng họ để cố thiết lập ra một nền đạo đức luân lý có cơ sở tiêu chuẩn thiện ác đàng hoàng, và gán cái nền luân lý tìm ra ấy cho họ. Họ chỉ mỉm cười. Nếu nói rằng chính họ, họ không biết thế nào là thiện là ác, thì chắc là không ai không nghĩ rằng họ nói đùa. Chỉ có người điên mới nói thực một câu như vậy. Cho nên người điên nào cũng khó tìm ra một tri kỷ để trao tâm ấn của mình. Một nhà thi hào là gì? Đó là một người không biết gì hết về kỹ thuật vần điệu. Chỉ khi nào anh không phải là thi hào, anh mới biết thế nào là vần điệu mà thôi.

Thế thì, Nguyên Hưng, thứ cam lộ mỗi ngày mà họ uống có thể được bọn phàm nhân xem là độc dược. Mà nói cho ra lẽ, thì độc dược bao giờ cũng là độc dược đối với ai. Đối với người đã nhìn thấy sự vật, thì nhận thức đồng thời là hành động; đâu có thể nói rằng ta phải thiết lập triết lý hành động trên cơ bản triết lý nhận thức, khi chúng ta còn là tù nhân của ý niệm ngôn từ thì chúng ta mới vướng vào sự phân biệt nhận thức và hành động mới có cái hăng hái trẻ con để bàn luận về triết học hành động. Đối với kẻ đã nhìn thấy thì không có sự nhận thức chân lý cũng như không có phương châm hành động. Không có sự chứng đắc và không có đối tượng của chứng đắc. Tâm Kinh đã chẳng nói thế là gì. Và bởi vì đã là sự sống chân thực, đã là gió thoảng, là mây bay, là nước trôi, là hoa nở, kẻ kia cần gì phương châm hành động. Khi người ta bay thì người ta không cần biết đến những luật lệ những dấu hiệu đi đường của xe cộ, dù là xe lớn hay xe nhỏ. Ngôn ngữ kẻ kia sẽ là ngôn ngữ của mây, của gió, của hoa, của nước. Anh đừng đến đặt cho họ những câu hỏi vớ vẫn về triết học. Họ sẽ trả lời anh bằng một câu thơ, hoặc giả họ sẽ hỏi anh xem anh ăn cơm chưa, đã rửa bát chưa. Nếu anh bị bó chặt trong câu hỏi họ sẽ chỉ ra núi rừng:

“Bất tín, chỉ khán bát cửu nguyệt.

Phân phân hoàng diệp mãn sơn xuyên!”

Phải rồi. Không tin, hãy ngắm mùa thu đến; tơi bời lá rụng ngập sơn xuyên. Còn nếu anh cứng đầu thì họ có thể lấy gậy đánh anh cho anh chừa đi cái thói quen đem kính khái niệm đi soi chân lý. Nguyên Hưng ơi, ở Phương Bối chúng ta mà có được một thi sĩ như thế thì núi rừng đã đẹp lại càng thêm đẹp, phải không.

Trong kinh Phật, từ ngữ trang nghiêm được dùng theo nghĩa làm cho đẹp và Bồ-tát trang nghiêm Phật độ có nghĩa là sự hiện hữu của các vị Bồ-tát làm cho đất Phật đẹp đẽ hẳn lên. Tôi nhớ có lần vua Huệ Tông nhà Lý nghe danh Hiện Quang thiền sư, cho người lên núi mời ngài về cung. Người từ chối, trả lời rằng nội các vị Thiền sư tài đức hiện đang phục vụ ở thủ đô cũng đã là trang nghiêm đến điện các rồi. Sự có mặt của người đạt đạo quả có thể làm đẹp cuộc đời bằng chính đạo đức vô hành của họ. Mà đạo đức vô hành thì làm gì có tiêu chuẩn, có phương châm hả Nguyên Hưng.

Bây giờ là mấy giờ, Nguyên Hưng biết không? Còn mười lăm phút nữa là nửa đêm. Lễ Giáng Sinh sắp đến rồi. Nghĩ cũng thật là một điều mầu nhiệm. Tôi thức trong cái giờ linh thiêng này, ngồi đây viết cho Nguyên Hưng. Những ý tưởng của tôi trào lên và tôi cảm thấy dễ chịu khi trút chúng bớt xuống đầu ngòi bút. Tôi vừa nói cho em nghe về nguồn linh cảm đã khiến cho tôi biết nhìn, biết nghe thế giới hiện tượng một cách cẩn thận. Có những giây phút chỉ xảy đến một lần hoặc vài lần trong đời, xảy đến như sự xuất hiện của một vị sứ giả của chân như, một thông điệp của thực tại, và nếu ta vô tâm, ta sẽ để cho chúng đi qua và không bao giờ trở lại. Bí quyết của Thiền tông chắc hẳn là ở chỗ khám phá được đường đi nẻo về của những giây phút như thế và sửa soạn, cống hiến cơ hội cho chúng trở lại. Và cuối cùng, làm cho ánh sáng rạng rỡ của nó tỏa chiếu rạng rỡ trong một chuyến trở về, không từ đâu tới mà cũng sẽ không đi về đâu. Để tôi đọc cho Nguyên Hưng nghe bài thơ sau đây của Quách Thoại nóivề sự hiện diện của bông hoa thược dược:

“đứng yên ngoài hàng dậu

em mỉm nụ nhiệm mầu

lặng nhìn em kinh ngạc:

vừa thoáng nghe em hát

lời ca em thiên thâu

ta sụp lạy, cúi đầu…”

Nguyên Hưng có nghe gì không? Tôi thấy rất rõ là giây phút đã xuất hiện bức màn đã hé, dù trong giây lát, và thi sĩ đã thấy. Bông hoa thược dược đứng ngoài hàng dậu kia, có lẽ vì “hiển nhiên” quá, nên không ai thực sự trông thấy. Khi tâm linh ta nghe được tiếng hát bất diệt của nó và nhìn thấy nụ cười nhiệm mầu của nó thì nó không còn là một bông hoa thược dược tầm thường nữa. Nó là sứ giả, nó là thông điệp, nó là pháp thân. Tôi nhớ có lần Trụ Vũ ca ngợi:

“cánh hoa là tứ đại

mà tỏa hương tinh thần

mắt em là tứ đại

mà rạng ngời yêu thương”

Tôi tưởng Trụ Vũ không ca ngợi mà thốt ra những lời biểu lộ một sự ngạc nhiên. Giây phút cũng đã tới, ánh sáng lòe lên rồi lại tắt. Nhưng trong một đời người mà có được một lần thấy, nào có phải là ít ỏi gì đâu. Đã thấy được một lần thì có thể thấy mãi. Vấn đề là ở chỗ ta có tha thiết không, có thành khẩn không, có cẩn trọng không, thế thôi. Trong thế hệ những người trể tuổi đang bị giam giữ vào ngục tù của chán nản, của sự vô lý và sự tự khinh, ta thấy không biết bao nhiều người nhận thức thực tại như một cái gì nhầy nhụa và thân thể tâm hồn mình như một vũng bùn tanh hôi. Thảm thương biết bao. Sự giải thoát, như thế, chỉ có thể đi tìm nơi hủy diệt. Tứ diệu đế nên áp dụng trong mục đích tìm ra và tiêu diệt nguyên nhân của nhận thức đen tối ấy thì là một điều quý hóa. Còn nếu, vì muối giải thích biện hộ cho sự thực thứ nhất bằng cách phải bôi lem bức tranh thực tại, gán cho thực tại tính cách khổ tự nó không có gì đó là bắt đầu một cuộc vu khống to lớn. Thực tại không khổ không lạc, chỉ có qua nhận thức ta nó mới là khổ hay lạc mà thôi. Nói như thế, Nguyên Hưng ơi không phải là nói rằng những trận động đất, những con vi trùng, những trận chiến tranh, những hiện tượng sinh lão bệnh tử… là không có thực. Chúng có thực chứ, cũng như muôn ngàn hiện tượng khác. Nhưng tự thân của chúng không phải là sự đau khổ. Và con người có thể giảm thiểu sự hiện hữu của chúng đến một giới hạn nào đó. Còn tiêu diệt chúng hoàn toàn, đó là điều không thể thực hiện. Cũng như muốn có trắng mà không có đen, có dài mà không có ngắn, có sinh mà không có tử, có một mà không có nhiều. Tính cách biến kế của nhận thức tạo tác ra thế giới khổ đau, những như người thợ vẽ vẽ ra hình ma quỹ và khiếp sợ chính những bức hình của mình. Những bức hình ấy, Nguyên Hưng ơi, nào phải là ảo ảnh: nó là những bức hình có thực.

Nguyên Hưng, đêm mùng hai tháng mười tiếp sau đó là một đêm tôi cần ghi nhớ. Nguyên Hưng cứ tưởng tượng một trời đầy sao sáng, không trăng; nhưng ngôi sao nào cũng sáng cũng đẹp cũng lấp lánh, cũng to như đôi mắt của trẻ con, trên một nền trời không gợn mây. Cố nhiên khung trời đó chỉ là khung trời nội tâm. Vì hôm ấy ở thành phố tôi ở mưa gió về đầy trời. Các cửa phòng đều đóng kín. Suốt một đêm tôi không ngủ, vì có muốn đi ngủ thì “cũng không thể nào ngủ được”. Đầu hôm tôi thức để đọc Bonhoeffer, và giai đoạn chót của đời chàng đã giúp tôi làm bừng tỉnh dậy cái bầu trời đầy sao sáng sẵn có trong tâm linh mỗi người. Tôi bỗng thấy sung sướng lạ kỳ và có cảm nghĩ rõ rệt rằng tôi có thể chịu đựng nổi. Viết đến đây tôi còn thấy tâm hồn rạt rào những cảm xúc mới lạ, và có lẽ Nguyên Hưng cũng đang chia xẻ những cảm xúc ấy với tôi. Bonhoeffer chỉ là một giọt nước cuối cùng làm tách nước tràn đầy, một nhân duyên cuối cùng, một làn gió nhẹ thổi tới cho trái cây chín muồi rụng xuống. Được sống trọn một đêm như thế thì ta không nên than trách chi hết nữa về cuộc đời. Những đêm như thế đẹp lắm Nguyên Hưng; lòng ta ngập tràn thương yêu. Can đảm và nghị lực dâng tràn, ta thấy óc và tim ta là những đóa hoa; những cảm xúc, những rung động, những đau khổ của chúng ta đều hiện hữu một cách rất mầu nhiệm, tuy ta biết rằng hình hài ta vẫn là hình hài của chính ta. Nguyên Hưng chớ cho rằng đó là một trạng thái tôn giáo, đạo đức hay thánh thiện của tâm hồn, khơi động do một nguồn cảm thông hay một ân huệ thiêng liêng nào. Trạng thái tâm linh ấy hoàn toàn nhân bản. Tôi biết, ngay trong giờ phút đó, không có thần thánh, không có giác ngộ ngoài tim tôi, phổi tôi, những hạch tiết tuyến, những tế bào của cơ thể tôi. Sự sống đã mầu nhiệm mà khổ đau cũng mầu nhiệm. Cuộc đời sẽ xấu xí sẽ đen tối và sẽ không thể có, nếu không có khổ đau. Trong cuộc đời không có thường có ngã nhưng cũng không có vô thường vô ngã. Không có sự chết nếu quả thực ta thấy được sự sống. Chỉ nên nói sự sống, và đừng bao giờ dại đột nói Sự sống miên viễn; mệnh đề sự sống miên viễn cũng như ý niệm trường sinh bất tử tự nó là một sự mâu thuẫn, một sự dốt nát, một sự tham lam. Tham lam chỉ là dốt nát; và tham lam dốt nát đánh mất chính sự sống.

Suốt một tháng, tôi tiếp tục tư duy và quán tưởng hình dung các vị Bồ-tát trong Kinh Pháp Hoa và Bát Nhã. Chân dung các vị ấy đẹp lắm, hèn gì các vị ấy không “trang nghiêm” được cho đất Phật. Mà cần gì là đất Phật. Cứ nói đến trái đất của chúng ta đây, sự có mặt của các vị Bồ-tát như thế cũng đủ làm cho đất chúng ta trở thành đất Phật? Cây nêu mà dân Việt dựng lên để ăn tết cũng phản chiếu ước muốn của dân ta rằng đất này là đất Phật, có phải không Nguyên Hưng.

Có khi tôi thấy các vị Bồ-tát trong hình dáng nghèo nàn và lem luốc nhưng khỏe mạnh của họ. Như Trì Địa như Thường Bất Khinh. Một người thì chuyên môn đi nối lại những cây cầu gãy và đắp lại những con đường hư làm gián đoạn giao thông và liên lạc. (Thế giới chúng ta hôm nay có biết bao niều cây cầu đã gãy đổ và bao nhiêu nẻo giao thông bị cắt đứt, hả Nguyên Hưng? Và thế giới chúng ta hôm nay đã có được bao nhiêu Trì Địa, đem tâm lực và thân lực mình để nối lại những nhịp cầu thông cảm và hiểu biết giữa con người với con người, giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa nền văn hóa này với nền văn hóa khác?) Người thứ hai thì đi đâu cũng nói vào tai mọi người rằng: ông có đủ khả năng tiến tới, vậy hãy tin ở sức mình, đừng nên có mặc cảm bất lực, đừng nên thụ động. “Tôi không dám khinh ngài, ngài sẽ thành Phật”. Bức thông điệp của bình đẳng, của tinh thần tự tín tự lực ấy nếu không do những con người kiên nhẫn như Thường Bất Khinh mang đi thì biết do ai? Nguyên Hưng cứ nghĩ đến những người dân quê ở xứ ta và những người dân quê ở các nước chậm tiến khác. Ai nói cho họ biết rằng họ tin nơi sức lực của chính họ để tạo một tương lai cho chính họ, một tương lai mà họ có quyền nắm lấy như bất cứ ai? Thế giới của chúng ta đang cần có thêm nhiều vị Bồ-tát như thế, luôn luôn trên các nẻo đường về, gieo rắc niềm tin, sự tự lực tự cường cho nhân loại. Còn Bồ-tát Quan Thế Âm nữa, mà sau này được gọi là Quán Tự Tại. Chân dung của người là chân dung của sự cảm thông và của sự tìm tới với khổ đau không ngần ngại không e sợ bất cứ một trở ngại nào. Nghe tiếng kêu đau thương của cuộc đời và tìm tới bằng mọi cách. Tìm tới trong bất cứ một hình dáng nào thích hợp. Nguyên Hưng, một vị tăng sĩ, một nhà chính trị, một nhà tư bản, một nhà cư sĩ, một người đàn bà, một em bé, một thiên thần, một con ác quỷ… hình dáng nào thích hợp thì dùng hình dáng ấy. “Ưng dĩ trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn, phu nữ thân đắc độ giả, tức hiện trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn, phụ nữ thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ đồng nam đồng nữ thân đắc độ giả, tức hiện đồng nam đồng nữ thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ thiên, long, dọa xoa, càn thát bà, atula, khẩn na la, ma hầu la già, nhân phi nhân đẳng thân đắc độ giả tức giai hiện chi nhi vị thuyết pháp”. Nguyên Hưng có nghe không? Thế giới chúng ta ngày nay phải được cứu nguy bằng mọi mặt bằng mọi hình thức mọi hình thức mọi phương tiện theo tinh thần đại bi tự tại của Quan Thế Âm, phải được xây dựng bằng thái độ dấn thân của tinh thần Thường Bất Khinh, Trì Địa. Lại còn hình dung của Địa Tạng nữa; hình dung của một con người muốn có mặt nơi chốn nhiều đau khổ nhất của cuộc đời. Chừng nào địa ngục còn chưa trống không thì chừng ấy tôi còn phải ở lại địa ngục. Dấn thân mà với tinh thần như thế thì mới thực là dấn thân, có phải không Nguyên Hưng. Tôi tưởng ở đâu có những con người như thế là ở đấy đất phải nở hoa, dù cho ở địa ngục. Dù cho ở bất cứ địa ngục nào.

Nguyên Hưng, tiếp tục đi tìm hình dung các vị Bồ-tát, lắm lúc tôi thấy họ trong những chiếc áo thật đẹp, ngọc minh châu sáng ngời trên đầu, trên tay và trên cổ. Nguyên Hưng hãy nghĩ đến Vô Tận Ý xem. Các vị tăng sĩ thì không bao giờ được miêu tả bằng những hình dáng như vậy. Chắc chắn là hình dáng đó tượng trưng cho sự trang nghiêm tịnh độ. Sự có mặt của họ làm dẹp cho cuộc đời. Áo của các vị Bồ-tát đẹp như những chiếc áo trẻ em ngày Tết. Tôi nghĩ đến một ngày hội đầu xuân. Không ai nhìn thấy khổ đau của con người rõ bằng các vị. Nhưng cũng không ai giữ được nụ cười tươi không bao giờ héo như các vị. Tôi nghe họ nói: chúng tôi không có mặt để khóc than; chúng tôi có mặt để làm đẹp cho cuộc đời. Cám ơn, cám ơn các vị. Cám ơn các bạn. chúng tôi sẽ mặc những chiếc áo đẹp nhất mà chúng tôi có thể cùng với các bạn tô điểm cho cuộc đời. Các vị sẽ sung sướng lần đầu được những người sùng bái các vị gọi các vị là bạn. Các bạn sẽ không còn bị xa cách và bị hiểu lầm do những người quá sùng kính các bạn nữa. Chúng tôi thấy sự có mặt của các bạn rồi. Chúng tôi đến đây, và chúng tôi không có một mảy may tự hào, một mảy may kiêu ngạo, phạm thượng. Chúng tôi chỉ đến với tình thương, với sự hiểu biết. Chúng tôi đã thoát khỏi chiếc vỏ cứng đã từng giam hãm chúng tôi. Này con chim hoàng oanh, cổ họng ngươi tuy bé nhỏ nhưng ngươi hãy hát lên sáng nay, để ca ngợi tính cách mầu nhiệm của thực hữu. Chuỗi ngọc mà Vô Tận Ý vừa trao tặng cho Quan Thế Âm thì long lanh, sáng ngời, trong suốt; tràng nhạc của người cũng sẽ long lanh, sáng ngời trong suốt như thế. Để cho nắng mai tuôn chảy trên các sườn đồi như những dòng thủy tinh và để cho tất cả các bông hoa lớn nhỏ trên cánh đồng cỏ xanh đều cùng nở một lượt đón chào sự tỉnh thức mầu nhiệm.

Nguyên Hưng, tôi đã nói đến cái đêm mầu nhiệm trong đó óc tim tôi nở như những đóa hoa, và tôi tìm thấy các vị Bồ-tát không như những thần linh xa cách con người mà là những người bạn quý mà ta có thể gặp ngay trong cuộc sống này. Tình cờ mà những điều tôi thấy phù hợp với những điều trong bài “nguyện sinh” mà chúng ta thường đọc hàng ngày: Hoa khai kiến Phật ngộ vô sinh, bất thối Bồ-tát vi bạn lữ. Tim ta và óc ta một khi đã nở thành những đóa hoa thì những đóa hoa này sẽ không bao giờ héo cũng như những đóa sen nở ở Tịnh Độ. Sen nở thì thấy được ánh sáng và tìm được bạn đường.

Nguyên Hưng, hôm qua viết cho Nguyên Hưng, đến đúng nửa đêm Giáng sinh thì tôi ngừng lại. Tôi mặc áo thật ấm, mở cửa ra ngoài và đi đến Campus Center. Tuyết vẫn lặng lẽ rơi. Đến Campus Center tôi gặp anh Ralph Nelson đang ngồi bó gối xem TV một mình trong gian phòng rộng thênh thang. Tôi đến ngồi cạnh Ralph và theo dõi chương trình đặc biệt đêm Giáng sinh. Tôi nghĩ có lẽ Ralph buồn lắm, và cô đơn lắm trông một đêm như đêm nay. Ralph quê ở tận miền Nam, xa quá không về nhà được trong dịp lễ Giáng sinh này. Ralph đã lái xe hơi từ hôm qua, về miền tây Pennsylvania, để thăm một người bạn. Và trên đường về Princeton hôm nay, Ralph bị kẹt tuyết và suýt phải ngủ giữa đường. Ngủ giữa đường thì nguy hiểm lắm, dù là ngủ trong xe, dù là quay kín các cửa xe lên. Bởi vì trời rét lắm không thể chịu nổi. May mắn Ralph vượt khỏi chướng ngại và trở về Campus lúc mười một giờ. Tôi hỏi: “Anh cảm thấy buồn không, trong đêm Giáng sinh này, khi mọi người đều en famille? “Tôi sống lẽ loi cũng quen rồi, Ralph đáp, thành ra không buồn lắm”. Tuy vậy khi ngó anh ta, tôi biết anh ta đang buồn. May mắn lúc đó, máy truyền hình bắt đầu trình bày một phim trào lộng nên tôi thấy trên miệng Ralph một nụ cười. Một giờ rưỡi khuya chúng tôi đi Campus center. Thì ra tuyết vẫn tiếp tục rơi. Tuyết lên cao tới gần đầu gối. Tôi phải lội về Brown Hall từ giả Ralph, rồi vào phòng lau chân thay bít tất, hơ chân vào lò sưởi.

Năm ngoái tôi đi chơi suốt một ngày Giáng sinh bằng xe hơi ở vùng quê và đã chứng kiến được không khí thân mật của các gia đinh vào ngày lễ ấy. Thật không khác gì ngày tết bên ta. Trẻ con và người lớn ai cũng có quà, và có rất nhiều quà. Tôi bị một em nhỏ hỏi: “Ông theo đạo Phật hả? Vậy ở xứ ông, người theo đạo Phật như ông có ăn lễ Giáng sinh không?” Tôi trả lời: “Có chứ, bên xứ tôi người Phật tử ăn lễ giáng sinh vào ngày rằm tháng tư và họ gọi ngày Giáng sinh là ngày Phật đản.” Tôi nghĩ đến những chú bé con như thế ở trại Cherroskees và ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng.

Hết chương 8
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]