Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời Nói Ðầu

16/07/201114:32(Xem: 9041)
Lời Nói Ðầu

Đại Tạng Số 1425
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Việt dịch: Thích Phước Sơn - Chứng nghĩa: Thích Đổng Minh

Lời Nói Đầu

Nhân duyên đưa đến việc dịch bộ Luật Ma-ha-tăng-kỳ này thực là hi hữu. Số là vào cuối năm 1989, Hòa thượng Huệ Hưng, Hiệu phó Trường Cao cấp Phật học (nay là Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh) đang đảm nhiệm môn Luật của Trường thì đột nhiên lâm bệnh. Khi lên Bệnh viện hầu thăm Hòa thượng, tôi được Hòa thượng ân cần nắm tay ủy thác phải tạm thời thay thế Hòa thượng hướng dẫn Tăng Ni cho đến hết chương trình. Thật là bỡ ngỡ, nhưng cũng vô cùng cảm động trước tấm lòng thương yêu, tin cậy của bậc tôn sư khả kính, tôi chỉ còn biết cúi đầu vâng lệnh. Thế rồi, sau đó được Hòa thượng Hiệu trưởng chính thức mời phụ trách môn Luật cho trường. Chương trình dạy chủ yếu là dùng 2 bộ sách Yết Ma Yếu Chỉ và Tứ Phần Hiệp Chú do Hòa thượng Bổn sư (thượng TRÍ hạ THỦ) chủ trì biên soạn; một công trình khá công phu và nghiêm túc. Trong lúc tra cứu thêm về những chỗ dẫn chứng trong sách, đồng thời tham khảo ý kiến của Hòa thượng Đỗng Minh - một vị được xem là đặc biệt quan tâm đến vấn đề Luật học - tôi được Hòa thượng khuyến khích dịch bộ Luật Tăng -kỳ này. Thế là cố gắng sắp xếp thì giờ, tôi bắt đầu phiên dịch từ ngày 29-01-1996, dịch đến đâu, Hòa thượng đọc lại đến đó, đồng thời chịu khó cặm cụi sửa chữa những chỗ sai sót một cách tận tình. Việc làm đó quả thực là một nguồn động viên vô cùng quí giá.

Lúc bắt đầu dịch khó tránh khỏi một vài trường hợp lúng túng, nhưng qua thời gian, các khó khăn dần dần được khắc phục, rồi một niềm phấn khởi phát sinh; nhất là qua phương pháp giáo huấn của đức Từ Phụ, vừa rõ ràng sinh động, vừa chí lí, chí tình, có ân mà cũng có uy, khiến cho người thụ giáo cảm nhận một sức thuyết phục phi thường.

Theo lẽ, một dịch giả đúng nghĩa phải hội đủ 3 phương diện: Một là nắm vững ngôn ngữ của nguyên bản. Hai là tinh thông tiếng mẹ đẻ. Ba là am tường nội dung của vấn đề. Mặc dù thấy mình còn nhiều điều bất cập, nhưng vì nhu cầu học hỏi và công việc giảng dạy thúc đẩy, tôi đành phải cố gắng tuân thủ 3 nguyên tắc mà học giả Hồ Thích đã đề xướng và được giới dịch thuật đồng tình chấp nhận, đó là: TÍN, ĐẠT và NHÃ. TÍN nghĩa là trung thành với nguyên bản. ĐẠT nghĩa là lột tả chính xác nội dung của vấn đề. NHÃ nghĩa là phải vận dụng ngôn ngữ trong sáng và tao nhã. Nếu không thể hội đủ cả 3 phương diện thì phải cố gắng vận dụng một hoặc hai phương diện đến mức độ tốt nhất. Có như thế mới hi vọng bản dịch được độc giả dễ dàng tiếp nhận.

Dịch từ một bản văn cách nay đã hơn 15 thế kỉ, mà bản văn này lại là dịch phẩm chứ không phải nguyên bản nên chẳng dễ dàng chút nào. Nhưng may mắn là bản văn khá mạch lạc, nhất quán và tương đối sáng sủa, nên cũng ít khi gặp trở ngại. Bởi lẽ, hai Đại sư Phật -đà-bạt-đà-la và Pháp Hiển không những tinh thông Luật học mà phương pháp làm việc cũng rất nghiêm túc và cẩn trọng.

Khi dịch, tôi đã cố gắng tối đa vận dụng ngôn ngữ hiện đại phổ thông và trong sáng để phô diễn, tuy vậy, khó tránh khỏi một số hạn chế nhất định. Chẳng hạn, các thuật ngữ chuyên môn của Luật học mang nhiều nội dung hàm súc, bắt buộc phải giữ nguyên phiên âm chứ không thể chuyển dịch. Ngoài ra, vì bối cảnh lịch sử, địa lí và văn hóa của Ấn Độ có nhiều điểm bất đồng đối với nước ta, do thế,về nhân danh, địa danh cũng như tên gọi của một số động vật, thực vật và y phục v.v...không có từ ngữ tương đương để phiên chuyển, nên đành phải để nguyên dạng phiên âm.

Bộ Luật này được phiên dịch là nhằm mục đích dùng để tham khảo giảng dạy, đồng thời cũng là một món quà tinh thần bé nhỏ kính cẩn dâng lên báo đáp phần nào công ơn pháp nhũ của các bậc ân sư trực tiếp cũng như gián tiếp. Và nếu nó may mắn được giới độc giả thể tất, thì có thể xem như là một sự đóng góp nhỏ nhoi vào công trình chuyển ngữ Tam tạng Thánh giáo sang tiếng Việt, một sự nghiệp to lớn mà tất cả Tăng Ni Phật tử Việt Nam đang khát khao mong đợi.

Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn thầy Tâm Hạnh đã nhiệt tình lo việc in ấn một cách chu đáo; cảm ơn nữ Phật tử Thọ Huệ, Nguyên Hạnh đã hoàn thành xuất sắc công đoạn đánh vi tính; cảm ơn Sư cô Từ Nghĩa tận tụy hoàn thành khâu vi tính sau cùng.

Xin hồi hướng tất cả công đức lên Tam bảo chứng minh, thành tâm nguyện cầu cho kho tàng Pháp bảo đuợc tồn tại miên trường trên cõi đời này.

Thiền Viện Vạn Hạnh ngày 4, tháng 1, năm 2000
Người dịch kính cẩn ghi lại,
Thích Phước Sơn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]