Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Giảng pháp và truyền quán đỉnh Lục tự đại minh Quán Âm, giải thích ý nghĩa Mandala Vũ điệu Kim Cương Thừa tại Thiền Viện Vạn Hạnh, Đà Lạt 29-31.3.2010

19/09/201114:19(Xem: 9460)
10. Giảng pháp và truyền quán đỉnh Lục tự đại minh Quán Âm, giải thích ý nghĩa Mandala Vũ điệu Kim Cương Thừa tại Thiền Viện Vạn Hạnh, Đà Lạt 29-31.3.2010

MANDALA - SỰ HỢP NHẤT CỦA TỪ BI VÀ TRÍ TUỆ
THEO QUAN KIẾN KIM CƯƠNG THỪA
Giáo Pháp Từ Chuyến Viếng Thăm Việt Nam 2010
của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa XII

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa giảng pháp và
truyền quán đỉnh Lục tự đại minh Quán Âm,
giải thích ý nghĩa Mandala Vũ điệu Kim Cương Thừa
tại Thiền Viện Vạn Hạnh, Đà Lạt 29-31.3.2010


drukpa-vanhanh-dalatLời đầu tiên tôi xin bày tỏ niềm tri ân sâu sắc tới Ban Trị Sự Thành phố Đà Lạt, cùng chư vị Hòa Thượng, Thượng Toạ, chư đại đức Tăng Ni và các Phật tử gần xa đã nồng nhiệt đón chào chúng tôi tới đây để cùng chia sẻ Giáo Pháp tôn quí của Đức Phật.

Như tất cả chúng ta đều biết, Đức Phật thuyết pháp có tam thừa là Nguyên thủy, Đại Thừa và Kim Cương Thừa, hoằng truyền mạnh mẽ ở Việt Nam đặc biệt có Đại Thừa và Nguyên thủy Phật giáo. Cả ba thừa đều là Giáo Pháp từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nên chúng ta cùng bày tỏ niềm chí thành kính ngưỡng và Quy y Đức Phật Chí Tôn, Quy y Giáo Pháp Tôn quý của Ngài và Quy y Tăng già.

Mặc dù đất nước Việt Nam đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển, nhưng ở nơi này, nương ân đức gia trì của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật giáo vẫn đã và đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là Phật giáo Đại Thừa. Căn bản của Đại Thừa dựa trên nền tảng là phát triển từ bi và trí tuệ. Đó là nhân của hạnh phúc chân chính dựa trên trí tuệ sự hiểu biết về quy luật nghiệp. Như tôi vẫn thường đề cập ở mọi nơi rằng, chúng ta cần phải trưởng dưỡng trí tuệ, phát triển thiện hạnh tình yêu thương mới có thể đem đến hạnh phúc đích thực cho chính cuộc đời mình và tất cả mọi người, mọi loài.

Theo giáo lý về quy luật nghiệp Đức Phật Thích Ca đã dạy, cuộc đời hiện tại của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào những nghiệp trong quá khứ của chúng ta. Và những kiếp sống tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào đời sống hiện tại. Nếu mong muốn một đời sống an lạc hạnh phúc trong tương lai, chúng ta phải gieo nhân an lành trong hiện tại thì mới hy vọng những kiếp tương lai có những thành tựu kết quả tốt đẹp.

Như vậy thì theo quan điểm Phật giáo thì đời sống trong hiện tại hoàn toàn quyết định tương lai. Bởi thế chúng ta cần trưởng dưỡng trí tuệ và tình yêu thương hay phát triển Bồ đề tâm, là những sự thực hành căn bản của chúng ta trong hiện tại. Trong thuật ngữ thông thường, chúng ta gọi là từ bi và trí tuệ. Đại Thừa Phật giáo còn gọi là Bồ đề tâm còn trong Kim Cương Thừa chúng ta gọi là Mandala hay Ganachakra. Mandala hay Ganachakra là hai thuật ngữ tương đương theo nghĩa mà tôi đã luận giải từ ngày hôm qua. Mandala là thuật ngữ đặc biệt của Phật giáo Kim Cương Thừa với nghĩa từ bi và trí tuệ. Mandala còn có nghĩa toàn bộ vũ trụ tràn ngập tình thương yêu và trung tâm điểm của vũ trụ là trí tuệ nguyên thủy.

Như vậy Mandala là năng lượng từ bi, trí tuệ trải khắp vũ trụ. Nếu dịch theo nghĩa đen, Madala chính là vũ trụ. Vũ trụ gồm có vòng bên ngoài và phần trung tâm tinh tuý. Vũ trụ được bao trùm bởi tình thương yêu, như tôi đã từng nhấn mạnh tình thương là trọn vẹn cuộc sống này, nếu không có tình thương thì không có cuộc sống. Tình yêu thương chuyển hoá toàn bộ đời sống. Bởi vậy tình yêu thương bao trùm trọn vẹn toàn bộ vũ trụ. Trung tâm điểm của tình thương ấy là trí tuệ. Trung tâm điểm của vũ trụ là trí tuệ, trung tâm điểm, nguồn gốc của cuộc sống là trí tuệ hiểu biết. Nếu không có trí tuệ sẽ không có tình yêu thương đích thực, không có tình thương thì không có cuộc sống. Không có trí tuệ thì tình thương yêu sẽ bị sử dụng sai và sẽ mang đến vô vàn đau khổ. Bởi thế trung tâm của vũ trụ, của cuộc sống là trí tuệ. Đó là nghĩa chính của mandala trong Kim Cương Thừa.

Trong từ Mandala thì nghĩ chữ "Man" biểu trưng cho tâm và chữ "dou" biểu trưng cho các hoạt động. Bởi vậy tâm thực sự biểu trưng cho nguyên lý, đó là tâm từ bi. Tâm từ bi cần phải được thực hành. "Dou" là theo tiếng Phạn, còn phát âm "dala" theo tiếng Tạng là không chuẩn, âm chuẩn là "dou". Dou biểu trưng cho các hoạt động, các hoạt động có nghĩa là tình yêu thương. Tình thương yêu thực sự tới trong hành động. Đó là nghĩa của từ Mandala.

Bằng cách nào chúng ta có thể hợp nhất tất cả ba thừa, Nguyên thủy, Đại Thừa và Kim Cương Thừa. Do cả ba thừa đều hướng tới một đích cao quý chung, bởi vậy hành giả cần hợp nhất giáo lý của cả ba thừa để có thể hiểu được ý nghĩa đích thực. Khi đó chúng ta sẽ thấy không có nhiều sự khác biệt giữa các thừa. Nếu có thì chỉ là những hình thức bên ngoài và cách thức thể hiện mà thôi. Mỗi thừa có cách thức thể hiện và phương pháp tu tập đặc trưng riêng để thực hành từ bi và trí tuệ. Cách thức của Kim Cương Thừa là Mandala. Đây là cách thức đặc trưng của Kim Cương Thừa bởi vì nguyên lý của Kim Cương Thừa là hợp nhất tất thảy vũ trụ vào sự thực hành. Ví dụ: nếu bạn muốn thực hành Pháp đức Bồ tát Quan Thế Âm, thì không chỉ tập trung vào tâm từ bi mà còn cần hợp nhất tất thảy pháp giới vào phương pháp khai triển, trưởng dưỡng tâm từ bi. Bởi vậy Mandala là rất quan trọng. "Man" là tâm từ bi nhưng "dou" là tất thảy vũ trụ được hợp nhất trong phương pháp khai triển tâm từ bi.

Bởi vậy thực hành Mandou rất quan trọng trong Kim Cương Thừa. Nhưng không có nghĩa là chỉ có Kim Cương Thừa mới thực hành tâm từ bi, còn những thừa khác thì không. Hoàn toàn không phải như vậy. Các thừa cũng có các cách thức khác để thực hành. Kim Cương Thừa có cách thức khác nhưng nguyên lý và mục đích phát triển tâm từ bi thì hoàn toàn không khác. Mục đích hoàn toàn không khác.

Triết học căn bản và vô cùng đặc trưng của Kim Cương Thừa là hợp nhất – hợp nhất tất thảy tình yêu thương hay vũ trụ trong sự thực hành. Đó là một phương pháp đặc trưng duy chỉ có trong Kim Cương Thừa. Trong Đại Thừa, khi chúng ta thực hành tâm từ bi, chúng ta chỉ thực hành Pháp Đại Thừa, thực hành Pháp Bồ tát Quan Thế Âm và chúng ta chỉ tập trung thực hành Pháp Bồ tát Quan Thế Âm.

Tất nhiên khi chúng ta bàn về tâm từ bi thì điều quan trọng là chúng ta cần phải tu tập pháp Bồ tát Quan Thế Âm. Tại sao? Bởi vì Bồ tát Quan Thế Âm biểu trưng cho tâm từ bi. Chúng ta cầu nguyện lên Ngài để Ngài ban gia trì giúp chúng ta khai triển, trưởng dưỡng tâm từ bi nơi mình. Đó là tất cả những gì chúng ta làm. Bởi vậy chúng ta sẽ chỉ tập trung thực hành đức Bồ tát Quan Thế Âm.

Và khi chúng ta thực hành các pháp tu tập khác, ví dụ như pháp A Di Đà, chúng ta chỉ tập trung vào Đức Phật A Di Đà và đó là tất cả những gì chúng ta thực hành. Đức Phật A Di Đà sẽ cứu khổ, hộ trì cho chúng ta và chúng ta thực hành Pháp Phật A Di Đà như vậy.

Nhưng ở đây trong Kim Cương Thừa cũng thực hành Đức Phật Di Đà hay trong Kim Cương Thừa, chúng ta cũng thực hành đức Bồ tát Quán Âm, và tất cả pháp tu tập khác như Đại Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đạo sư Liên Hoa Sinh, chúng ta tu tập với phương pháp hợp nhất toàn bộ vũ trụ vào trong sự hiểu biết, sự nhất tâm và tâm giác ngộ. Nhưng không chỉ là để thực hành khai triển tâm Bồ đề mà thực sự hợp nhất toàn thể vũ trụ. Đó là thứ mandala biểu trưng.

Đó là lý do tại sao Kim Cương Thừa lại có Mandala, Ganachakra. Mục đích của các thừa là không khác nhưng nguyên lý, cách thức thì có khác nhau. Kim Cương Thừa sử dụng mandala để hợp nhất toàn bộ vũ trụ trong sự thực hành. Mục đích chính của sự thực hành là khai triển tâm từ bi và trí tuệ. Nhưng phương pháp của Đại Thừa là tập trung chuyên nhất vào một Đức Phật, còn của Kim Cương Thừa là hợp nhất toàn bộ vũ trụ vào trong sự thực hành.

Mandala có thể được làm bằng các chất liệu khác nhau. Có thể được vẽ trên bức tranh, có thể được làm bằng cát. Ngày nay mọi người thường hay nói về mandala cát bởi vì dường như chất liệu này có thẩm mỹ cao nhưng thực sự không chỉ mandala cát là quan trọng mà các mandala khác cũng quan trọng không khác.

Mandala có thể được vẽ trong bức tranh, ở trên giấy, bạn cũng có thể xây dựng các kiến trúc như nhà, tự viện theo hình mandala.

Chúng ta có thể xây dựng kiến trúc theo hình mandala, vẽ mandala trên giấy để đặt trên bàn, hay vẽ hình mandala bằng cát. Bởi vậy có thể chất liệu làm mandala có thể khác nhau. Đó là những mandala biểu tượng, còn mandala thực sự là vũ trụ. Không có gì khác được làm bằng cát, giấy hay xa hơn bạn có thể dựng một ngôi chùa hình mandala bằng cát nhưng đó không phải là mandala mà tất cả chỉ là mandala biểu tượng.

Tại sao một mandala biểu tượng được vẽ trên cát, trên giấy hay có thể được xây trên cánh đồng lại quan trọng như vậy. Bởi vì toàn bộ sự vật, hiện tượng được hợp nhất trong mandala. Một mandala thực sự chính là tự tính tâm giác ngộ của mỗi chúng ta.

Mandala không có nghĩa gì khác là phản ánh bản tâm giác ngộ. Đó là lý do tại sao việc thực hành mandala biểu tượng vô cùng quan trọng. Thông qua việc thực hành mandala biểu tượng, chúng ta có thể hợp nhất tổng thể vũ trụ. Điều này là chắc chắn, không có bất kỳ nghi ngờ gì về điều đó. Chắc chắn chúng ta có thể hợp nhất toàn thể vụ trụ vào một mục đích khi thực hành mandala. Đó là một phương pháp thiện xảo độc nhất vô nhị của Giáo Pháp Kim Cương Thừa mà Đức Thế tôn đã từ bi truyền trao cho chúng ta.

Nếu không có những phương tiện thiện xảo của Giáo Pháp Kim Cương Thừa từ Phật Thế tôn, chúng ta sẽ không thể bao giờ hợp nhất được tổng thể vũ trụ hay toàn bộ vụ trụ vào sự thực hành tâm từ bi và trí tuệ. Không có cách nào! Mặc dù chúng ta rất khoẻ mạnh, đầy quyền lực và sự sang giàu, tất cả mọi thứ chúng ta có trên thế gian giống như một cảnh giới hoàn hảo, nhưng chúng ta không hợp nhất toàn thể vũ trụ vào trong một mục đích.

Không có cách nào khác. Bởi vậy đức Thế tôn đã từ bi ban cho chúng ta phương pháp mandala đầy thiện xảo. Đó là lý do tại sao chúng ta phải thực hành mandala biểu tượng. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy và nhất tâm vào Mandala biểu tượng. Mandala biểu tượng giúp chúng ta thị hiện hay chuyển hoá phóng chiếu thành tâm đại trí tuệ hợp nhất với phương pháp đầy thiện xảo của tình yêu thương.

Bởi vậy khi nhìn vào mandala cát hay mandala được vẽ trên giấy cuộn hay trên bất kỳ chất liệu nào, bạn có thể thấy có nhiều màu sắc khác nhau. Tôi sẽ không dành nhiều thời gian để giải thích về từng màu sắc một vì sẽ mất rất nhiều thời gian, sẽ phải mất nhiều tuần để luận giải, và cho dù tôi có luận giải thì bạn cũng cần nhiều thời gian để có thể hiểu được ý nghĩa của từng chi tiết. Nhưng tất cả các màu sắc trên mandala đều biểu trưng toàn thể vũ trụ. Toàn thể vũ trụ có những màu sắc khác nhau và rất nhiều màu sắc khắp trong vũ trụ. Những màu sắc trong mạn đà la biểu trưng cho màu sắc của vũ trụ.

Và tại trung tâm bạn thấy hoặc là Bản tôn hoặc chủng tử tự của Bản tôn mà bạn thực hành. Ví dụ bạn đang thực hành Pháp Quan Âm, bạn tập trung thực hành chủng tử tự Hri.

Và chủng tử tự mà bạn phải tập trung phụ thuộc vào Bản tôn mà bạn đang thực hành, ví dụ có Bản tôn có chủng tử tự là Hung, có Bản tôn chủng tử tự là Om hoặc nhiều các chủng tử tự khác. Tại trung tâm cũng có thể các Bản tôn trong các thế ấn khác nhau, đôi khi ấn thí thực, thế ấn kim cương, đôi khi ngài cầm hoa... Những biểu tượng này nằm ở trung tâm mandala, đều biểu trưng cho trí tuệ hiểu biết.

Lấy ví dụ ở mandala này, đây là chủng tử tự Hri. Hri tượng trưng cho đức Bồ tát Quan Thế Âm. Bồ tát Quan Thế Âm thực sự là biểu trưng cho trí tuệ. Bởi vậy Hir biểu trưng cho đại trí tuệ. Chữ Man là tiếng Phạn. Mandala thường ở trong vòng lửa, ngọn lửa bên ngoài, ngọn lửa luôn biểu trưng cho những hành động. Bản chất của lửa biểu trưng cho sức nóng và lan toả. Bởi vậy, lửa luôn tượng trưng cho hành động, những hành động lợi tha. Bạn cần phải thấu hiểu biểu tượng này trước khi đi vào toàn bộ quá trình tu tập. Tất nhiên lúc này, chúng ta vẫn là những phàm tình chúng sinh, bị chi phối bởi tham, sân, si, bởi vậy chúng ta rất cần thực hành trí tuệ và từ bi thông qua các pháp tu tập và những hành động lợi tha.

Mandala được thiết lập mang lại Kiến tức giải thoát – sự giải thoát qua đỉnh lễ và chiêm bái. Điều này nghe có vẻ dễ dàng, chỉ với chiêm bái mandala, bạn sẽ chứng đạt giải thoát. Dường như là quá dễ dàng. Tất nhiên bản thân mandala mang lại sự giải thoát, chúng ta cần chiêm bái và thực hành mandala. Điều này vô cùng quan trọng. Không chỉ đơn giản là để mandala ở đó và thờ phụng. Bởi không có gì để thờ phụng cả. Đạo Phật không tin tưởng vào sự sùng bái. Sùng bái không phải là phương cách thực hành của đạo Phật. Nếu bạn thờ phụng hòn đá, cái cây, bạn thờ phụng mặt trời, mặt trăng thì đây không phải là cách thức chân chính. Giáo Pháp đạo Phật không tin tưởng vào thờ phụng dù theo bất kỳ một phương thức nào. Mandala cũng vậy. Bạn không nên cho rằng đó là một cái gì để thờ phụng hay đó là một cái gì đó để chiêm ngưỡng, sùng bái với những động cơ bị tham, sân, si chi phối hay bất kỳ một trạng thái phóng chiếu nào của tâm. Bạn cần phải thực hành, thiền quán và đưa tâm mình vào trạng thái thiền định, hợp nhất tất thảy vũ trụ. Đó là sự thực hành mandala.

Cùng với sự trợ giúp của những mandala biểu tượng, như mandala cát và các loại mandala khác, bạn chiêm bái, thiền quán và hành giả có thể hợp nhất toàn thể vũ trụ thông qua Ngũ Trí Phật. Thật không may, hiện nay chúng ta vẫn chưa chứng ngộ được Ngũ Trí Phật mà vẫn bị Ngũ độc chi phối. Chúng ta vẫn chưa chứng ngộ được nguyên lý vận hành của ngũ độc. Bởi vậy chúng ta vẫn cứ bị trôi lăn mãi trong khổ đau bất tận bởi sự chi phối của chúng. Nhưng với sự trợ giúp của Mandala biểu tượng, ví như Mandala với tâm là chữ Hri, Om Mani Pame Hung Hri, chữ Hri là cuối cùng là trí tuệ Phật; với sự trợ giúp của mandala, chúng ta thiền quán chữ chủng tự và với những phương pháp thiện xảo để định tâm, với phần quan trọng của chữ chủng tự Hri, đó là đại trí tuệ, chúng ta có thể chuyển hoá tham, sân, si, kiêu mạn và thậm chí cả si mê thành Ngũ Trí Phật. Đó cũng là lý do chúng ta thấy có vòng lửa tại mandala. Khi bạn nhìn vào vòng lửa ngũ sắc, hiện giờ với quan kiến của mình, bạn sẽ thấy sự vận hành của năm độc, nhưng với những thành tựu khi thực hành thiền quán, bạn sẽ có thể dần dần chuyển hoá toàn bộ năm độc thành Ngũ Trí Phật.

Vẫn còn rất nhiều điều sâu sắc và quan trọng nữa cần luận giải nhưng vì thời gian có hạn, nên tôi tạm dừng tại đây. Điều quan trọng nhất hiện giờ là chúng ta phải tập trung thực hành mandala. Tại sao chúng ta phải thiền quán mandala, để hợp nhất tất thảy vũ trụ. Tại sao chúng ta lại hợp nhất toàn thể vũ trụ, bởi vì toàn thể vũ trụ là sự phóng chiếu của tâm. Bản tâm cần phải được thực hành để có thể đạt tới quả vị Phật hay giác ngộ cứu kính. Giác ngộ không là gì khác mà là toàn thể vũ trụ. Đó là nguyên lý chính, chúng ta cần thấu hiểu.

Nhiều người không hiểu biết chút gì về sự giác ngộ. Họ cho rằng giác ngộ phải là một thứ gì đó đại loại như một ánh sáng rực rỡ chiếu sáng phía trên đỉnh đầu mình. Giác ngộ là một cái gì đó phía trên đỉnh đầu mình và họ cho rằng bây giờ mình đã chứng đạt giác ngộ bởi vì ánh sáng lớn rực rỡ đang chiếu thẳng tới mắt của tôi, phía trên trán của tôi. Không phải như vậy! Sự giác ngộ không là gì khác ngoài vũ trụ, toàn thể vũ trụ. Khi bạn có thể hợp nhất toàn thể vũ trụ vào trong thiền định, đó là giác ngộ. Đó là thời điểm bạn có đại từ, đại bi, đại trí tuệ dựa trên nền tảng của đại trí tuệ. Đó là giác ngộ. Mục đích chính của thực hành mandala là hợp nhất toàn thể vũ trụ - đó là nghĩa của giác ngộ. Bạn có thể nói như vậy. Bạn không nhất thiết phải nói về mandala hay sự hợp nhất hay vòng lửa rực rỡ là thuật ngữ của Kim Cương Thừa.

Kim Cương Thừa có rất nhiều thuật ngữ, rất nhiều biểu tượng đầy màu sắc bởi sự thể hiện trong Kim Cương Thừa rất chi tiết. Trong Đại Thừa không có nhiều chi tiết đến như vậy. Đó là điểm khác biệt, mặc dù vậy, mục đích thì không khác, đều cùng để tiến tới sự giác ngộ. Nhưng để thể hiện sự giác ngộ hay con đường tiến đến giác ngộ, thì cần phải giới thiệu toàn thể vũ trụ. Sự giới thiệu toàn thể vũ trụ là mandala. Mandala có nghĩa là thể hiện rõ, chi tiết bản tâm hay toàn bộ vũ trụ trong các đồ hình và biểu tượng. Đó là nghĩa của mandala. Và mục đích của thực hành mandala là đạt tới giác ngộ, giác ngộ không là gì khác mà chính là toàn thể vũ trụ.

Khi chiêm bái mandala, bên ngoài chúng ta thấy ở mandala cát, phần bên ngoài là vòng lửa như tôi đã nói biểu trưng cho hành động. Sự thưc là do thiếu nền tảng hành động và thiền quán nên hiểu biết về đời sống của chúng ta vẫn quá hạn hẹp, chúng ta vẫn chủ yếu phụ thuộc vào những xúc tình tiêu cực. Thật bất hạnh bởi vì chúng ta không có bất kỳ phương cách nào để thoát khỏi sự kiềm tỏa của những xúc tình tiêu cực như tham, sân, si. Thực hành mandala sẽ mang lại tự do giải thoát.

Tự do là điểm trọng yếu trong giáo lý của Đức Phật. Chúng ta cần tự do giải thoát khỏi những xúc tình tiêu cực và sự thống khổ. Nhưng điều đó không có nghĩa tình cảm là xấu, là một đối tượng chúng ta phải đè nén hay kình chống. Tình cảm không phải là thứ xấu xa. Tình cảm cần được sử dụng và thực hành một cách trí tuệ. Chúng ta không thể sử dụng nó theo cách tiêu cực như trong trường hợp của chúng ta hiện nay. Chúng ta cần sử dụng theo phương thức trí tuệ. Tình cảm là rất tốt bởi vì đó là chất liệu cho sự thực hành chuyển hoá thành giác ngộ, thành Phật. Theo quan kiến của đạo Phật, tình cảm mang lại những đau khổ tột cùng, nhưng nếu được thực hành một cách chân chính, nó sẽ được chuyển hoá thành trí tuệ tối thượng. Với việc thực hành Mandala sẽ giúp bạn chuyển hoá những xúc tình phiền não thành Ngũ Trí Phật. Đó chính là nguyên lý và con đường tiến tới giải thoát giác ngộ. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật Di Đà hay mười phương Chư Phật, mỗi ngài đều thuộc về một bộ Phật trong Ngũ bộ Phật.

Kim Cương Thừa có nhiều pháp thực hành với những kỹ xảo khác nhau. Và một trong những pháp thực hành chính yếu là Guru Yoga. Guru Yoga hợp nhất với Bồ tát Quan Thế Âm, hợp nhất với đạo sư Liên Hoa Sinh, với Đức Phật A Di Đà, hợp nhất với Chư Phật. Đó là một trong những nguyên lý chính của phương pháp tu tập Bản tôn trong Kim Cương Thừa.

Chúng ta sẽ thực hành nghi quỹ Bồ tát Quan Thế Âm toát yếu. Guru Yoga là pháp thực hành cùng với kỹ xảo hay quán tưởng Bồ tát Quan Thế Âm. Đây là một pháp thực hành rất phù hợp và thiết thực bởi con người sống trong thế giới ngày nay rất cần đến tình yêu thương và lòng bi mẫn. Nếu không thì dù cho có làm bất kỳ điều gì, bạn cũng không thể mang lại lợi lạc được. Pháp tu tập Guru Yoga vô cùng cần thiết trong thời đại này.

Với những ai chưa có hiểu biết về Kim Cương Thừa, tôi cho rằng thấu hiểu thực nghĩa của Guru Yoga là gì sẽ rất khó. Guru Yoga là một thuật ngữ đặc biệt trong Kim Cương Thừa. Guru Yoga không được nhắc tới, chưa từng được nhắc tới trong Đại Thừa và Tiểu Thừa.

Trước hết bạn cần biết Thượng sư thực sự có nghĩa là gì. Thượng sư có thể được hiểu theo nhiều nghĩa. Nhưng điều quan trọng nhất mà chúng ta phải hiểu được là ba phương diện của Thượng sư: bên ngoài, bên trong và bí mật.

Thượng sư bên ngoài là Tăng già, có nghĩa là cộng đồng tâm linh hoặc một cộng đồng những hành giả thực hành tâm linh, tất nhiên bạn có thể sử dụng một tên gọi khác nhưng phải với nghĩa như vậy. Thượng sư bên trong là Pháp. Bạn thấu hiểu Giáo Pháp Tôn quý của đức Thế tôn. Và Thượng sư bí mật là Đức Phật, bậc đại giác ngộ - bậc trí tuệ toàn giác.

Kim Cương Thừa nhấn mạnh tới thực tiễn. Tính thực tiễn rất quan trọng. Kim Cương Thừa đặt tầm quan trọng của đời sống thực tiễn lên hàng đầu. Bởi vậy xét về mặt thực tiễn, trong ba phương diện của Thượng sư thì thực tiễn nhất Tăng già. Tăng già với đầy đủ phẩm hạnh như: từ bi và trí tuệ là quan trọng nhất đối với sự phát triển tâm linh.

Bởi vậy Kim Cương Thừa mở rộng phạm vi triết học theo nghĩa, đặt Tăng già hay Thượng sư bên ngoài là quan trọng nhất. Đại Thừa hay Kinh thừa đặt tầm quan trọng của Pháp lên trước. Pháp là quan trọng nhất. Sự thực hành đó cũng hoàn toàn logic bởi vì nếu không dựa vào Pháp thì chúng ta sẽ không thể chuyển hoá được thân tâm mình. Bởi vậy Pháp bảo là có vị trí quan trọng nhất. Trong khi Phật giáo Nguyên thủy lại chú trọng tới Đức Phật, đặc biệt là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài là vị Phật vĩ đại nhất của truyền thống Phật giáo nguyên thủy.

Khi chúng ta bàn về Kim Cương Thừa và đặc biệt khi chúng ta nói về tính thực tiễn của đời sống, bạn có thể liên hệ tới Đức Phật bên ngoài hay Thượng sư bên ngoài. Đó chính là Tăng già hay anh em đạo hữu kim cương mà chúng ta có thể tiếp xúc, kết nối cùng.

Ta bàn tiếp tới GuruYoga. Chúng ta nhắc tới Thượng sư bên ngoài như một phần quan trọng trong đời sống, đặc biệt là đời sống của một hành giả tâm linh bởi vì Thượng sư bên ngoài hay Tăng già là đạo sư phẩm hạnh trong hình tướng con người. Tại sao Kim Cương Thừa lại đặt Ngài ở vị trí quan trọng nhất? Bởi vì nếu không có sự hướng đạo trực tiếp của Ngài thì chúng ta sẽ không có khả năng hay hy vọng nhận được Giáo Pháp của Đức Phật để thực hành. Điều này rất khó. Hầu như không thể bởi vì Đức Phật Thế tôn đã thị hiện Niết bàn, chúng ta không thể nhận Giáo Pháp trực tiếp từ Ngài. Và chúng ta không có trí tuệ nội chứng được khai triển để có thể thấu hiểu một cách sâu sắc Giáo Pháp mà không có sự hướng đạo một bậc Thầy giác ngộ. Bởi vậy chúng ta rất cần sự trợ giúp và hộ trì từ bậc Đạo sư hay những thành viên Tăng già hay Thượng sư trong hình tướng con người, một vị Đạo sư giác ngộ đủ phẩm hạnh. Guru Yoga là pháp thực hành giúp kết nối với bậc Thượng sư giác ngộ, Ngài thị hiện trong hình tướng con người để hướng đạo, dẫn dắt hành giả trên con đường thực hành Giáo Pháp giải thoát.

Vậy đâu là ý nghĩa thực sự của một Guru? Guru có nghĩa một bậc Thượng sư hay bậc thành tựu những phẩm hạnh giác ngộ. Chữ "Gu" có nghĩa là "Guna" hay phẩm hạnh. Phẩm hạnh rất quan trọng. Bởi vì rất có thể bậc thầy mà bạn tìm cầu là một bậc Thầy không đủ phẩm hạnh, người đó có thể có hảo tướng nhưng nội tâm thì rất tồi, đó là bậc Thầy không đủ phẩm hạnh. Bạn không thể nương theo một bậc thầy không đủ phẩm hạnh, bởi vì bạn sẽ bị lầm đường, lạc lối dưới sự hướng dẫn của người đó. Nghĩa gốc của Thượng sư là một bậc Thầy đầy đủ phẩm hạnh, phẩm hạnh giác ngộ, có nghĩa là "Guna". Chữ "Ru" có nghĩa là "Rupa" hay sự hiện thân trong một hình tướng cụ thể, chứ không phải là không hình, không tướng. Rupa có nghĩa là hình tướng theo tiếng Phạn. Tất nhiên Thượng sư bên ngoài hoá thân trong những hình tướng cụ thể. Thượng sư bên trong không nhất thiết hoá thân trong một hình tướng cụ thể, tùy duyên có thể các Ngài hoá thân trong một hình tướng cụ thể, nhưng cũng có thể không có hình tướng. Còn Thượng sư bí mật thì không hình, không tướng. Thượng sư mà chúng ta đang bàn ở đây chính là Thượng sư bên ngoài với những hình tướng cụ thể. Bởi vậy việc thấu hiểu hình tướng hay sự hiện thân những phẩm hạnh của Thượng sư là rất quan trọng.

Và ngay khi tìm cầu được một bậc Guru Phẩm hạnh, thì bạn cần phải thấu hiểu và giữ tín tâm rằng Ngài chính là hợp nhất tinh tuý của mười phương Chư Phật, hợp nhất của Pháp bảo Tôn quý và Tăng già. Sự hợp nhất đó theo nghĩa thân của ngài là Tăng già, khẩu của ngài là Pháp, là Giáo Pháp mà ngài truyền trao, và ý của ngài là Phật tính, là sự chứng ngộ hay sự hiểu biết về sự chứng ngộ linh thiêng. Bởi vậy Thượng sư bên ngoài là bậc Thầy trong hình tướng loài người, Ngài là hiện thân của hết thảy Chư Phật và Giáo Pháp tôn quý, các A la hán cùng chư đại Bồ tát. Đây là lý do tại sao một bậc Thượng sư bên ngoài lại được coi là quan trọng nhất, là pháp thực hành quan trọng nhất trong truyền thống Kim Cương Thừa.

Guru là hiện thân của tất thảy Chư Phật, Pháp và Tăng. Khi chúng ta nói về hiện thân, thì thực sự có nghĩa là hiện thân những phẩm hạnh nội chứng và phẩm hạnh giác ngộ mà các Ngài đại diện. Không nhất thiết là hiện thân về mặt vật lý; vào lúc này, tôi không muốn nói rằng các Ngài hiện thân về mặt vật lý, chúng ta không bàn đúng hay sai việc đó vào lúc này. Nhưng xét về mặt phẩm hạnh nội chứng, các Ngài là những đại đạo sư mà bạn đang thấy, dù cho Ngài có thể thị hiện trong hình tướng nam hay hình tướng nữ, dù cho Ngài có mang quốc tịch nào cũng không quan trọng mà điều quan trọng chính là những phẩm hạnh nội chứng mà Ngài đang có, ngài có sự chứng ngộ A la hán, có sự chứng ngộ đạo sư Liên Hoa Sinh, chứng ngộ Bồ tát Quan Thế Âm, chứng ngộ các A la hán khác nhau… Bởi vậy theo phương diện phẩm hạnh nội chứng, Ngài là hiện thân của tất cả các đối tượng Quy y như Phật, Pháp, Tăng, Bồ tát, A la hán … Bạn phải thấu hiểu khi nói về sự hiện thân. Nhiều người không hiểu về sự hiện thân, đôi khi họ không thể tin được bằng cách nào Thượng sư của bạn có thể hiện thân trong tất cả mọi người. Điều đó dường như là không thể bởi vì Ngài là một người. Thượng sư của bạn là nữ, bởi vậy bạn nói Ngài là “bà ấy” hay Thượng sư của bạn là nam, bạn gọi Ngài là “ông ấy”. Dù sao đi nữa, Ngài cũng đều chỉ là một người, vậy thì làm sao lại có thể là hiện thân trong tất cả mọi người được?

Đây là những điều tôi cố gắng chia sẻ bởi vì tôi được biết rằng rất nhiều trong số các bạn muốn biết nhiều hơn về Kim Cương Thừa. Bởi vậy tôi đang chia sẻ về quan điểm của Kim Cương Thừa, một quan kiến vô cùng đặc biệt. Tất nhiên quan kiến của Kim Cương Thừa hầu như giống Kinh thừa và thực sự về bản chất và mục đích không có sự khác biệt, chỉ có một sự khác biệt duy nhất mà chúng ta đang bàn là các pháp thực hành. Trong rất nhiều các pháp thực hành, chúng ta có Guru Yoga. Nghi quỹ Guru Yoga đã được dịch và in mà các bạn đang có trong tay.

Guru Yoga thực sự là một quan kiến đặc biệt, một phương pháp đặc biệt trong Kim Cương Thừa mà chúng ta đang đàm luận. Đây có thể coi là một sự giới thiệu toát yếu về Kim Cương Thừa, một đặc trưng của Kim Cương Thừa. Kim Cương Thừa bàn về rất nhiều vấn đề nhưng chủ yếu vẫn là Guru Yoga. Đó là điểm chính. Lúc này chúng ta không có nhiều thời gian để đàm luận về Kim Cương Thừa, chúng ta chỉ có hơn một tiếng. Bởi vậy tôi chọn chủ đề Guru Yoga. Chúng ta đang bàn về chủ đề chính của Kim Cương Thừa đó là Guru Yoga.

Guru hay Thượng sư được hiểu như nghĩa mà chúng ta đang đàm luận. Thượng sư bên ngoài là Tăng già. Tăng già đầy đủ phẩm hạnh nội chứng được đặt lên hàng đầu trong Kim Cương Thừa bởi vì nó rất thực tiễn. Bạn có thể tới gặp và thỉnh cầu, nhận sự hướng đạo trực tiếp từ Ngài. Đó là điểm khác biệt. Ngài hoá thân trong hình tướng con người nên có thể trò chuyện, chỉ dạy một cách trực tiếp. Đó là điểm rất thực tiễn. Giáo Pháp vô cùng quan trọng nhưng tự bản thân Giáo Pháp không thể chỉ dẫn trực tiếp cho bạn được, bởi vậy bạn sẽ không thể chứng ngộ được Giáo Pháp Tôn quý, bạn không thể tiếp xúc với Thượng sư bên trong. Thượng sư bên trong vẫn hiện hữu ở đó nhưng bạn khó có thể khai triển được Thượng sư bên trong. Bởi vậy điều rất thực tế và vô cùng quan trọng trước hết là Thượng sư bên ngoài. Thượng sư bên ngoài trực tiếp chỉ dạy cho bạn, giúp cho bạn tiếp xúc được với Thượng sư bên trong. Thông qua Thượng sư bên trong, bạn có thể chứng đạt được Thượng sư bí mật. Bởi vậy điều quan trọng trước hết là phải được hạnh ngộ và nhận sự hướng đạo trực tiếp từ Thượng sư bên ngoài. Trong Kim Cương Thừa, Thượng sư bên ngoài không chỉ là người phàm tình thông thường. Đôi khi chúng ta không tin tưởng điều đó và nghĩ rằng Ngài cũng chỉ như một người phàm trần thông thường. Không! Chúng ta nên luôn giữ một niềm tin kính rằng Ngài là hoá thân của tất cả Chư Phật, chư đại Bồ tát, của Giáo Pháp và tăng già. Có nghĩa rằng Ngài là biểu trưng cho vũ trụ, giống như sáng nay tôi vừa nói, mandala biểu trưng cho toàn bộ vũ trụ. Tương tự như vậy, Thượng sư biểu trưng cho tất thảy vũ trụ. Pháp thực hành GuruYoga thực sự có nghĩa là như vậy. Thuật ngữ Yoga bắt đầu từ chữ "Yog", có nghĩa là Hợp nhất. Hợp nhất tất thảy tinh tuý vũ trụ. Chúng ta những đệ tử của Phật, chúng ta hãy luôn giữ một niềm tin kính rằng Thượng sư chính là hợp nhất tinh tuý của vũ trụ. Đó là chân lý cứu kính hay Pháp cứu kính.

Bởi vậy, Thượng sư là trọng điểm của Kim Cương Thừa. Trong quan kiến của mình, bạn không bao giờ được coi Thượng sư chỉ là một con người phàm tình. Thượng sư là toàn thể vũ trụ. Đó là Yog, đó là thông điệp chính của Yog, Yoga hay Guru Yoga. Đó là Giáo Pháp bạn phải thực hành. Đối với một hành giả chân chính, một sự thực hành như vậy chưa bao giờ là quá muộn. Bởi vậy chúng ta hãy thực hành để chứng ngộ được đâu là thực tại chân thật của Guru. Đó chính là vũ trụ. Con đường của Yoga là như vậy. Yoga có nghĩa là sự thực hành, sự hợp nhất - hợp nhất toàn bộ vũ trụ. Thực hành GuruYoga sẽ giúp ta chứng đạt được cảnh giới hợp nhất đó. Điều này rất quan trọng và cũng được luận giải giống như phần luận giải mandala. Nhưng tất nhiên ở đây có một điểm khác biệt nhỏ. Thượng sư hiện thân trong hình tướng con người nên Ngài có thể chia sẻ, hướng đạo, chỉ dạy chúng ta. Nếu so sánh về mặt bản thể với mandala thì Thượng sư mang tính động hơn, còn mandala thì mang tính tĩnh hơn, chủ yếu là đối tượng cho sự thiền quán của hành giả.

Bàn về Yoga. Có nhiều loại Yoga. Yoga không chỉ có một mà có hàng triệu sự luận giải, có hàng triệu yoga chúng ta có thể bàn. Nhưng yoga mà chúng ta đang bàn tới là Yoga về trí tuệ và tâm từ bi. Hai loại Yoga này thực ra chỉ là một khi ta đàm luận về Yoga. Sự hợp nhất của hai Yoga này là điều chúng ta cần thực hành trong Kim Cương Thừa. Mặc dù có nhiều loại thực hành khác nhau nhưng chủ yếu tập trung vào hai phẩm hạnh từ bi, trí tuệ và sự hợp nhất của hai phẩm hạnh này.

Hợp nhất tất cả vũ trụ về mặt thực tiễn mà nói rất cần được thực hành trong đời sống thường nhật. Chúng ta luôn sẵn sàng rộng mở tâm mình, hướng tới mọi người và sẵn sàng kết nối với mọi người khác, với chúng sinh khác bằng sự hiểu biết, tâm từ bi và những hành động lợi tha. Đây là tâm yếu của pháp thực hành Yoga.

Đây là Yoga thực hành không chỉ vì lợi ích phát triển cá nhân hay sự phát triển tâm linh cá nhân của riêng một ai. Pháp tu này rất phù hợp và thiết thực trên thế giới này, giúp chúng ta sống một cách hòa bình, sống hòa thuận cùng nhau. Lấy ví dụ: nếu bạn không phải là người có trái tim rộng mở, bạn sẽ không thể sống với người khác một cách thuận hòa bởi bạn không hiểu và sẽ luôn nhìn thấy những lỗi lầm ở nơi họ. Để có thể sống một cách hòa thuận, an lạc và thành công, chúng ta cần phải thực hành để có thể hợp nhất toàn bộ vũ trụ. Đó là Yoga hay phương pháp giúp chúng ta hợp nhất với vũ trụ cũng chính là với Thượng sư. Chúng ta sẽ nhận được sự gia trì của Thượng sư. Vậy sự gia trì là gì, đâu là sự gia trì của Thượng sư? Đó chính là Giáo Pháp được ban từ Ngài và sự thành tựu tu tập của bạn về Thượng sư. Nếu nhận được sự hướng đạo từ Thượng sư thì đó chính là Giáo Pháp và sự gia trì và cũng là phương pháp thực hành duy nhất để bạn có thể hợp nhất toàn bộ vũ trụ. Đó là xét về mặt thực tiễn bạn đang thực hành Yoga, không chỉ là trì tụng mà thực sự là thực hành Yoga. Hãy để cho tất cả sự thực hành cùng hợp nhất với nhau. Có thể các bạn không biết tiếng Tạng nhưng nghi quỹ đã được dịch sang tiếng Việt. Bởi vậy các bạn hãy trì tụng và cố gắng hiểu nghĩa lời đã được dịch.

Tiếp đến chúng ta tiến hành đỉnh lễ, cúng dường mandala và thực hành sám hối và thỉnh cầu tất cả Đạo sư, Chư Phật, Bồ tát trường thọ và thỉnh cầu các ngài ban Giáo Pháp giải thoát tới cho chúng ta. Cuối cùng là hồi hướng công đức.

Đỉnh lễ kết thúc tiếp tới phần cúng dường mandala. Cúng dường và đỉnh lễ là hai phần cùng nhau. Cúng dường, đỉnh lễ đều là pháp thực hành để giảm thiểu bản ngã, xét từ phương diện thân vật lý. Đỉnh lễ thân và cúng dường lên Chư Phật, chư Bồ tát, biểu trưng cho Chư Phật, chư Bồ tát và Thượng sư bên ngoài.

Và cúng dường giúp bạn tích luỹ công đức. Chúng ta nghèo đói bởi vì chúng ta không cúng dường, chúng ta chỉ không ngừng khư khư giữ cho mình, bởi vậy chúng ta nghèo khó. Và bây giờ chúng ta là những người giàu có, bởi vì chúng ta đã cúng dường, có thể trong đời này hay những đời trước. Bởi vậy chúng ta rất giàu có lúc này. Không chỉ giàu có trong đời này mà chúng ta đang bàn tới mà sự giầu có cũng ở đời kế tiếp và nhiều đời kế tiếp. Không chỉ là sự giàu có về vật chất mà cả sự giàu có về mặt tinh thần, tâm linh. Sự giàu có về mặt tinh thần vô cùng quan trọng. Sự giàu có của thân vật chất, sự thực hành và của tâm, tất cả là kết quả của cúng dường. Cúng dường cũng không chỉ nhất thiết là những phẩm vật mà bạn cúng dường lên Thượng sư, Chư Phật, chư đại Bồ tát hay lên Tăng già, có thể thậm chí cúng dường lên cả chúng sinh, những chúng sinh nghèo khó, những người đang phải chịu đau khổ trên đường phố, thiếu đồ ăn thức uống, họ là những thành phần khác nhau của đời sống, và đang khổ đau vô cùng. Chúng ta cúng dường lên họ thực phẩm, thức ăn, quần áo, thuốc men… mang lại cho họ nguồn lực để sống. Bởi vậy tất cả những phần này đều bao gồm trong sự thực hành phần cúng dường.

Có ba loại cúng dường, đó là cúng dường Pháp, và một loại khác là cúng dường sự hộ trì, có nghĩa là mang lại tất cả nhu cầu, bất kể những gì bạn thấy chúng sinh cần, bạn cúng dường để bảo vệ cuộc sống của họ. Việc làm này mang lại sự hộ trì cho họ. Loại thứ ba là mang lại cho chúng sinh những nguồn lực trợ giúp khác, không nhất thiết là sự hộ trì mà có khi chỉ là một phẩm vật nhỏ. Ví như một đứa trẻ muốn một đồ chơi, không cần thiết cho đứa trẻ lắm nhưng đứa trẻ đó muốn, tất nhiên chúng ta đưa cho bất kỳ thứ gì chúng muốn. Bởi vậy chỉ là một đồ chơi nhỏ như vậy thôi nhưng cũng là sự cúng dường.

Như vậy có ba loại cúng dường. Thứ nhất là cúng dường Pháp, thứ hai là cúng dường sự hộ trì – cúng dường những thứ họ cần và thứ ba là cúng dường những gì họ mong nguyện. Cúng dường cũng là một trong những pháp thực hành hiệu quả nhất mà chúng ta cần ngày nay, thực sự cần thiết trong thời đại này. Rất cần thiết trong thời đại này bởi vì thời đại này chúng ta luôn giữ tất cả mọi thứ chỉ cho bản thân mình. Chúng ta không thể mở rộng lòng mình, giang rộng đôi cánh tay của mình tới mọi người.

Hãy rộng mở lòng mình ra bên ngoài hơn là khép kín lại! Chúng ta hãy giang rộng đôi cánh tay của mình để có thể chia sẻ tới mọi người và thực hành Bồ đề tâm. Đây là nguyên lý chính của thực hành Pháp Guru Yoga.

Tiếp đến là phần sám hối. Chúng ta cần sám hối. Mặc dù nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng mình không phạm bất kỳ một lỗi lầm nào, mình hoàn toàn thanh tịnh, không nhất thiết phải sám hối. Nhưng về mặt tâm linh, chúng ta phải sám hối. Do bởi vô minh sâu dày nên chúng ta đã phạm rất nhiều lỗi lầm trong đời này. Bởi vậy, điều quan trọng của sự thực hành là sám hối. Chúng ta sám hối trước chân lý cứu kính, trước tất cả mọi người, và thực sự trước chính bản thân bạn. Bản thân bạn sẽ là "người thầy cuối cùng", người sẽ răn dạy cho bạn và giữ cho bạn không phạm phải những điều ác và bất kỳ sự tích luỹ tiêu cực nào.

Tiếp đến là phần thực hành chính. Chúng ta phải quán tưởng bản thân và tụng những bài kệ trong phần nghi quỹ liên quan theo giai điệu. Trì tụng theo giai điệu cũng quan trọng bởi vì có thể làm tâm thức của bạn thăng hoa. Đây là một phần rất quan trọng trong khóa thực hành. Tiếp đến, xin bạn cùng tụng phần triệu thỉnh trong nghi quỹ.

Có sự khác biệt giữa Kinh Thừa và Kim Cương Thừa trong phương pháp thực hành Pháp Quan Thế Âm. Trong Kim Cương Thừa, với phương pháp của Guru Yoga, chúng ta trì tụng triệu thỉnh, trì tụng thần chú đồng thời với việc quán tưởng Bồ tát Quan Thế Âm là Căn bản Thượng sư. Thượng sư bất khả phân với đức Bồ tát Quan Thế Âm. Bởi vậy cần phải nhất tâm theo một sự quán tưởng sinh động, sắc nét và sự quán tưởng đó phải là sự nội chứng, xuất phát từ bên trong. Cần phải phát triển từ bên trong tâm chứ không phải từ đối tượng bên ngoài. Triệu thỉnh và cầu nguyện, chỉ cầu nguyện và thỉnh cầu sự gia trì. Đó là cách thức tu tập phổ biến. Nhưng cách thức thực hành siêu việt lại hoàn toàn khác. Hành giả không khởi tâm mong cầu sự gia trì. Khi quán tưởng, nếu chúng ta khởi tâm mong cầu quá nhiều thì sẽ rất dễ rơi vào lầm lạc. Đôi khi bạn sẽ rất dễ mệt mỏi và thoái thất bởi vì bạn mong cầu quá nhiều. Thực hành như vậy rất dễ khởi tâm phân biệt, ta - người, được - mất…Đó không phải là phương cách thực tiễn trong sự thực hành. Bởi vậy thay cho liên tục cầu nguyện và mong cầu, chúng ta hãy lắng tâm, để cho tâm thức mình an định kết hợp với quán tưởng về Bản tôn một cách sắc nét, rõ ràng và sinh động. Quán tưởng phải xuất phát từ trong tâm, từ sự nội chứng và trạng thái thiền định của tâm không bao giờ tách rời hay xa rời với đời sống của bạn. Đời sống của bạn luôn luôn được tập trung trong thiền định.

Đó là phương pháp thiền Samadhi hay Vipassana, bạn có thể gọi là tiến trình phát triển thiền định trong Kim Cương Thừa. Dù cho bạn có thể sử dụng bất kỳ tên gọi nào, tiến trình đó cần được tập trung hoặc cần được sử dụng là pháp thực hành chính khi trì tụng thần chú.

Theo cách thực hành thông thường, bất kỳ khi nào chúng ta tụng danh hiệu Đức Phật hay trì tụng thần chú, chúng ta luôn luôn khởi tâm thỉnh cầu. Có quá nhiều sự thỉnh cầu và như vậy thậm chí chúng ta có thể làm Chư Phật mệt mỏi! Có thể lắm chứ bởi vì chúng sinh vẫn mong cầu một đối tượng bên ngoài thay vì thực hành chuyển hoá chính tâm mình. Bởi vậy đó không phải là cách thực sự thực tiễn. Việc thực hành với tâm mong cầu, tất nhiên đôi khi cũng cần thiết bởi vì chúng ta cũng rất cần sự hộ trì để có được sức khoẻ, sự sang giàu không phải chỉ cho bản thân mình mà còn cho người khác, cho chúng sinh khác. Chúng ta cần sự trợ giúp, rất nhiều sự trợ giúp, và chúng ta cần cầu nguyện. Cách thức tu tập như vậy rất phổ biến, đặc biệt trong Kinh thừa. Nhưng thực sự thì chúng ta cần thiền quán nhiều hơn, thiền quán xuất phát từ sự nội chứng bên trong tâm mình và an trụ trong bản chất tự nhiên của mình. Sự gia trì xuất phát từ nội chứng bên trong bản tâm chứ không phải từ một đối tượng phân biệt bên ngoài. Điều này rất quan trọng. Hãy an trụ trong tự tính tâm của mình. Đó là điều chúng ta gọi là tâm chí thành, tâm chí thành tuyệt đối, tâm từ bi tuyệt đối, tình yêu thương tuyệt đối và Bồ đề tâm tuyệt đối.

Bây giờ xin các bạn giở tiếp phần quán tưởng liên quan trong nghi quỹ. Hãy quán tưởng tự thân là đức Bồ tát Quan Thế Âm. Cách thức quán tưởng này phù hợp và hiệu quả hơn quán tưởng Ngài là một đối tượng bên ngoài và bạn cầu nguyện sự gia trì của Ngài từ bên ngoài. Cách thức tu tập coi Ngài là một đối tượng bên ngoài không phải là tuyệt đối và cũng không phải là cách thức tu tập duy nhất.

Đối với pháp thực hành Quan Thế Âm, chúng ta hãy quán tưởng tự thân là đức Bồ tát Quan Thế Âm. Sau đó quán tưởng phía trên đỉnh đầu mình là Đức Phật A Di Đà. Ngài là đối tượng chính của tâm từ bi, đối tượng chính của tình yêu thương. Bởi vậy, hãy quán tưởng Đức Phật Di Đà ở phía trên đỉnh đầu của bạn.

Hãy an trụ trong bản chất tâm bất nhị của mình, không tư duy, không phản ứng, hãy để tâm mình trong trạng thái thiền định càng lâu càng tốt.

Tiếp đến là khóa lễ Ganachakra. Các bạn sẽ nhận được sự gia trì trong khóa lễ Ganachakra. Vậy Ganachakra thực sự có nghĩa là gì? Tôi có luận giải điều này ở một vài nơi mà tôi vừa viếng thăm. Tuy nhiên tôi vẫn muốn chia sẻ thêm một lần nữa rằng Ganachakra không chỉ là khái niệm trong Kim Cương Thừa mà rất phổ biến trong các thừa khác. Nghĩa thực của Ganachakra chính là trí tuệ và tâm từ bi trong Kinh thừa hay đó chính là Bồ đề tâm. Trong Kim Cương Thừa gọi là Ganachakra. Đó là phương thức bạn sống được định hướng bởi tình yêu thương và trí tuệ hiểu biết.

"Gana" biểu trưng cho sự hợp nhất của tri thức, của sự giác ngộ và trí tuệ nội chứng. Đó là nghĩa của Gana. Và "Chakra" là hành động, hành động dựa trên nền tảng sự hiểu biết, hành động trên sự giác ngộ và trí tuệ nội chứng được phát triển. Mục đích chính là hành động dựa trên tình yêu thương, tình yêu thương được thể hiện và tương tác với người khác, với tất thảy chúng sinh khắp nơi trên vũ trụ này. Đó là nghĩa Gana và Chakra.

Chúng ta phân phát phẩm vật trong Ganachakra và quý vị có thể thọ dụng các phẩm vật đó. Bởi các phẩm vật ăn được biểu trưng cho tình yêu thương và hành động, đó là Gana, còn các phẩm vật uống được biểu trưng cho trí tuệ, đó là Chakra. Trí tuệ và tình yêu thương luôn luôn hợp nhất cùng nhau. Đó là phần chính yếu trong bất kỳ pháp thực hành Kim Cương Thừa nào.

Chư Tăng ni sau đây sẽ phân phát các phẩm vật Ganachakra tới mọi người.

Chúng ta đã hoàn thành nghi quỹ đức Bồ tát Quan Thế Âm. Đây là Pháp cần được thực hành liên tục hàng ngày, thực hành pháp này sẽ vô cùng lợi lạc và mang lại cho bạn sự tự tin khi làm bất kỳ việc gì, đặc biệt là việc thực hành tình yêu thương và lòng bi mẫn. Bởi vậy, hãy kết hợp với những phương pháp của Kim Cương Thừa khi khi trì tụng thần chú đức Bồ tát Quan Thế Âm.

Và bây giờ hãy cùng trì tụng danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm như các bạn vẫn thực hành theo truyền thống Đại Thừa (Nam mô Bồ tát Quan Thế Âm)

Cuối cùng, tôi muốn gửi lời tri ân tới Ban tổ chức, các cơ quan ban ngành, đặc biệt là Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm đồng, chư Đại đức Tăng ni đã tham dự khóa lễ ngày hôm nay. Sự hiện diện của quý ngài là sự sách tấn to lớn cho chuyến viếng thăm và chia sẻ Giáo Pháp của chúng tôi. Tôi cũng xin chân thành gửi lời tri ân tới chư Đại đức, Tăng ni đặc biệt tới vị Trụ trì tự viện này là Thượng tọa Thích Viên Thanh đã nhiệt thành ủng hộ và trợ giúp cho chuyến viếng thăm. Tôi cũng cám ơn tới Tăng đoàn của tự viện, tất cả các thiện trí thức, Phật tử đã trợ giúp cho chuyến viếng thăm và lễ quán đỉnh được thành tựu viên mãn!


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]