Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngày thứ tám

26/04/201114:27(Xem: 11031)
Ngày thứ tám

ẤN QUANG ĐẠI SƯ KHAI THỊ
tại pháp hội Hộ Quốc Tức Tai tại Thượng Hải (1936)
(Nguyên tác: Ấn Quang Đại Sư Hộ Quốc Tức Tai Pháp Ngữ)
(Liên Hương dịch theo bản in của Hoa Tạng Tịnh Tông Học Hội, Đài Bắc)

Ấn Quang Đại Sư Pháp Ngữ
(giảng tại pháp hội Hộ Quốc Tức Tai tại Thượng Hải - 1936)

 

Ngày thứ tám:

Pháp hội viên mãn, giảng Tam Quy, Ngũ Giới và các nghĩa lý trọng yếu dành cho người niệm Phật

Hôm nay là ngày các vị quy y Tam Bảo. Các vị đã quy y thì nên hiểu rõ đạo lý Tam Quy, Ngũ Giới, tôi sẽ trình bày cho quý vị rõ.

Vì sao quý vị phải quy y Tam Bảo? Tôi thiết nghĩ nói chung là chẳng ngoài việc muốn cầu sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử. Làm thế nào để đạt được mục đích ấy? Tức là phải bắt đầu từ việc quy y, tức là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Có quy y Tam Bảo, chơn thật tu trì thì mới có thể liễu thoát sanh tử, vãng sanh Tây Phương. Vả Tam Bảo vừa nói đó có hai loại: Tự Tánh Tam Bảo và Trụ Trì Tam Bảo.

* Phật nghĩa là Giác Ngộ. Tự Tánh Phật có sẵn trong tự tâm, nó chính là Chơn Như Phật Tánh ly niệm linh tri vậy.

* Pháp nghĩa là quỹ phạm (khuôn phép). Tự tâm sẵn có Tự Tánh Pháp, nó chính là khuôn mẫu cao quý: đạo đức, nhân nghĩa vậy.

* Tăng nghĩa là Thanh Tịnh, Tự Tánh Tăng tự tâm ta sẵn có, chính là tịnh hạnh thanh tịnh vô nhiễm.

Đấy chính là Tự Tánh Tam Bảo.

Trụ Trì Tam Bảo: Đức Phật Thích Ca lúc còn tại thế thì ngài là Phật Bảo, sau khi diệt độ, phàm tất cả các tượng bằng vàng đúc, đất nặn, gỗ chạm, tranh vẽ đều phải nên tôn kính như Phật Bảo.

Các pháp ly dục thanh tịnh đã giảng, phàm các kinh điển trong Tam Tạng, mười hai bộ đều là Pháp Bảo.

Người xuất gia thọ Cụ Túc Giới, tu trì hạnh thanh tịnh đều là Tăng Bảo.

Quy là quay về, gieo vào, như nước đổ vào biển, như lữ khách trở về nhà. Y là nương gởi, như con nương vào mẹ, như vượt biển phải nương nhờ thuyền. Con người giữa biển cả sanh tử nếu chẳng quay về nương nhờ Tự Tánh Tam Bảo và Trụ Trì Tam Bảo thì không cách gì ra khỏi được sự đại khổ ấy cả. Nếu chịu phát tâm chí thành quy y Tam Bảo, tu hành đúng như pháp thì mới ra khỏi biển khổ sanh tử, liễu sanh thoát tử được.

Ví như người lỡ chân rớt xuống biển, sóng dữ cuồn cuộn, sợ bị chìm ngập mất đầu. Giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc, sanh tử tồn vong ấy, chợt có con thuyền đi đến, liền gắng đuổi theo, trèo lên. Đấy là nghĩa “quay về, gieo vào” vậy. Do đã biết Tự Tánh Tam Bảo, từ đấy khắc kỷ, tu tỉnh, phấn đấu kịch liệt [với ác nghiệp] thì lại càng phải cầu nơi Trụ Trì Tam Bảo và mười phương tam thế hết thảy Tam Bảo thì mới có thể tiêu trừ ác nghiệp, tăng trưởng thiện căn, thành tựu được đạo nghiệp ngay trong đời này, vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử, luân hồi.

Điều này cũng giống như được cứu, leo lên thuyền, ngồi yên đến bờ. Đã thoát hiểm lúc ấy, hiện tại lại mừng được sống sót, bởi đó được vô hạn lợi ích. Đấy chính là ý nghĩa “nương, gởi” vậy. Ở trong biển cả sanh tử, việc đời rối ren, phiền não muôn mối, chúng sanh cần phải nên lấy Tam Bảo làm thuyền. Đã được quy y sẽ thúc trống, giương buồm, chẳng lười, chẳng sụt, tự sẽ có thể mau lên bờ kia, vĩnh viễn hưởng an lạc.

Đã quy y Phật nên thờ Phật làm thầy; bắt đầu từ nay cho đến hết đời, kiền thành lễ kính, chẳng chịu lười nhác dẫu chỉ trong một hơi thở, chẳng được quy y thiên ma, ngoại đạo, tà thần.

Đã quy y Pháp, nên lấy Pháp làm thầy, bắt đầu từ nay cho đến hết đời, chẳng quy y kinh điển ngoại đạo nữa.

Quy y Tăng nên lấy Tăng làm thầy, bắt đầu từ nay cho đến hết đời, chẳng còn quy y đồ chúng ngoại đạo nữa.

Nếu đã quy y Tam Bảo mà còn tín ngưỡng ngoại đạo, tôn phụng tà ma, quỷ thần thì tuy hằng ngày niệm Phật, tu trì, cũng khó lòng được lợi ích chơn thật vì tà chánh chẳng phân, quyết chẳng có hy vọng liễu thoát sanh tử. Đành rành như thế. Lại cần phải biết rằng: “Quy y” vừa nói đó chính là quy y hết thảy Phật - Pháp - Tăng Tam Bảo, chứ chẳng phải là quy y một cá nhân nào. Chẳng hạn như hôm nay các vị đến quy y, chẳng qua tôi thay mặt cho Tam Bảo truyền chứng Tam Quy, chứ chẳng phải quy y một mình tôi. Tôi thấy Tăng tục vẫn có kẻ hiểu lầm ý nghĩa quy y, người tại gia thì nói tôi quy y vị pháp sư đó, người xuất gia bảo kẻ nọ là đệ tử quy y của tôi. Bỏ cái lớn, lấy cái nhỏ, phế công chọn tư, đáng buồn, đáng than thay! Vì thế tôi bèn nói rõ để quý vị khỏi bị lầm lạc nữa, xin ai nấy chú ý.

Đã giảng về ý nghĩa Tam Quy rồi, tôi lại nói đến Ngũ Giới. Ngũ Giới vừa được nói đó, chính là: một là chẳng sát sanh, hai là chẳng trộm cắp, ba là chẳng tà dâm, bốn là chẳng nói dối, năm là chẳng uống rượu.

* Chẳng sát sanh là vì ta cùng loài vật đều ham sống, sợ chết hệt như nhau. Ta đã ham sống, sao lại giết chúng? Nói, nghĩ thấu suốt đến đó thì lẽ nào lại nỡ lòng giết hại? Bởi lẽ, hết thảy chúng sanh đều cùng ngang hàng, luân hồi trong lục đạo, ai nấy tùy theo nghiệp thiện, ác của chính mình mà hình thể khác xa nhau, thăng, giáng, nổi, chìm, trọn chẳng lúc nào hết. Ta cùng bọn chúng trong nhiều kiếp cũng từng xoay vần làm cha, mẹ, anh ,em, con cái, quyến thuộc. Nghĩ đến đấy lẽ nào còn chịu sát sanh?

Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, thực chẳng hai, chẳng khác với tam thế chư Phật. Trong đời vị lai, chúng đều có thể thành Phật, chỉ vì sức ác nghiệp túc thế nên Phật Tánh diệu minh bị ngăn chướng, chẳng hiển hiện được, đến nỗi chìm đắm trong dị loại. Lẽ ra, chúng ta phải nên đem lòng thương xót, lòng từ bi, cứu độ chúng, có đâu lại dám tàn hại thân thể chúng để cốt no bụng mình?

Đời này, chúng ta được làm người chính là do thiện quả đời trước, phải nên vĩnh viễn giữ gìn thiện quả này khiến nó được phát dương quang đại, duy trì vĩnh cửu, chẳng được sát sanh! Nếu như rộng tạo sát nghiệp ắt sẽ đọa ác đạo, đền trả nợ cũ, xoay vần giết hại nhau, đây chìm, kia khởi, chẳng có khi hết. Muốn tránh khỏi nỗi khổ luân hồi, cầu sanh Tây Phương, sao còn dám tạo đôi chút sát nghiệp? Vì thế, điều đầu tiên phải chú trọng là kiêng giết.

* Chẳng trộm cắp là thấy của riêng của người khác, nếu chẳng cho thì chẳng dám lấy. Việc này những ai biết chút liêm sỉ sẽ đều chẳng phạm, nhưng mấy ai chưa phải là bậc Thánh Hiền không phạm qua? Bởi lẽ, một phen tư dục nổi lên sẽ dễ bị lung lạc. Nếu thấy mối lợi lớn ở ngay trước mắt mà có thể né tránh như thể gấp tránh rắn, rết, kẻ điên cuồng thì hạng người ấy đã là chẳng dễ thấy rồi.

Nói “trộm cắp” đó chẳng phải chỉ có nghĩa là trộm cắp tài vật của người mà là ngay trong lúc để tâm làm việc, nếu có những lúc giống như trộm cắp thì cũng chính là trộm cắp vậy. Chẳng hạn, mượn công giúp tư, tổn người lợi mình, cậy thế lấy của, dùng mưu đoạt vật, ganh tỵ sự phú quý của người khác, mong người nghèo cùng đi v.v… đều là trộm cắp cả.

Lại như làm lành để cầu danh, ngay cả như lúc gặp các thiện sự, tâm chẳng chơn thành khiến cho lắm chuyện lôi thôi. Chẳng hạn như lập trường nghĩa học, nhưng chẳng chọn thầy nghiêm khắc khiến cho con em người khác bị lầm lạc; thí thuốc men mà chẳng phân biệt giả, thật, khiến tính mạng người khác bị hại. Gặp người mắc nạn gấp, dụ dự chẳng gấp cứu, lần chần, dùng dằng đến nỗi lỡ việc. Với hết thảy việc, luôn lằng nhằng, tắc trách, chẳng quan tâm đến lợi hại của người khác, xài phí của công, tổn hại công ích thì thật đều giống như trộm cắp vậy.

Nếu ai nấy đều có lòng trộm cắp, hay làm việc trộm cắp thì xã hội sẽ hủ bại, loạn lạc, thiên hạ chẳng thể thái bình.Vì vậy, cần phải chú trọng răn dè trộm cắp.

* Chẳng tà dâm: Âm dương tương cảm, chúng sanh nhờ đó mà sanh. Vợ chồng kết hôn là mối nhân luân lớn lao. Sanh con đẻ cái, dạy dỗ nên người, trên quan hệ quốc gia, dưới tiếp nối dòng dõi; cho nên chẳng cấm. Nếu chẳng phải chánh phối lại cẩu hợp tư thông liền thành tà dâm. Đấy là trái nghịch chánh nghĩa, rối loạn nhân luân, sống làm cầm thú đội mũ mặc áo, chết đọa tam đồ ác đạo. Vừa ra khỏi địa ngục, lại làm những loài vật dâm như chim sẻ, bồ câu v.v… Nếu được làm người, hay bị chết yểu, hèn mạt, vợ con dâm tà. Quả báo ấy thật tàn khốc, thật hiển nhiên. Nhưng con người lúc dâm dục phát sanh thường chẳng thể tự chế; vì thế, đức Phật ta coi tội dâm dục là nặng.

Nếu thực hành Bất Tịnh Quán, quán lâu ngày sẽ thấy sắc đâm chán. Thêm nữa, nếu có thể tưởng hết thảy nữ nhân mình trông thấy đều là mẹ, con gái, chị, em, sanh tâm hiếu thuận, tâm cung kính thì ác niệm dâm dục cũng không do đâu phát sanh được! Đấy chính là cách đoạn trừ căn bản của luân hồi, sanh tử, là thang bậc để siêu phàm nhập thánh, phải thường kiêng dè.

Còn như vợ chồng ân ái cùng nhau vốn chẳng bị cấm đoán, nhưng cũng cần phải “tương kính như tân” (kính trọng nhau như khách), tiết dục, giữ gìn thân thể, ít dục sẽ có nhiều con trai, chẳng được phóng túng vô độ đến nỗi táng thân, không con nối dõi. Hơn nữa, dẫu là vợ chồng với nhau, nếu hoang dâm cũng là phạm giới, chẳng qua nhẹ hơn tội tà dâm một chút thôi! Vì thế, cần phải đặt nặng chuyện giới dâm.

* Chẳng nói dối là lời lẽ phải đáng tin, chẳng dối trá thốt ra. Nếu thấy nói chẳng thấy, chẳng thấy nói thấy, lấy hư làm thật, lấy có làm không. Phàm hết thảy những chuyện dối trá, quyến rũ, ẩn giấu, bịp bợm, thêu dệt, tâm miệng chẳng xứng nhau, muốn lừa dối người thì đều là “nói dối” cả.

Lại nếu mình chưa đoạn hoặc mà bảo đã đoạn hoặc, chưa chứng đạo mà bảo đã chứng đạo thì là đại vọng ngữ. Tội ấy rất nặng vì hoại loạn Phật pháp, khiến chúng sanh ngờ vực, lầm lạc, chết đi chắc chắn vào địa ngục, vĩnh viễn không có ngày ra. Vì cần phải chú trọng giới vọng ngữ.

Bốn điều kể trên gọi là Tánh Giới vì do thể tánh của chúng mà thành. Chẳng luận là xuất gia hay tại gia, thọ giới hay không, hễ phạm phải đều có tội lỗi. Kẻ chưa thọ giới, căn cứ trên sự mà luận tội. Người đã thọ giới, ngoài việc căn cứ trên sự luận tội ra, còn phàm thêm tội phạm giới. Vì thế, bốn điều sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ này, hết thảy ai cũng chẳng được phạm. Đã thọ giới mà còn phạm sẽ mắc cả hai trọng tội.

* Chẳng uống rượu là vì rượu có thể làm mê loạn nhân tánh, hoại giống trí huệ. Uống vào, rượu làm cho con người điên đảo, hôn cuồng, làm càn những chuyện trái lẽ. Vì thế, hễ là người tu hành tuyệt chẳng cho phép uống. Cần biết rằng: hết thảy vọng niệm, tà hạnh phần nhiều là do uống rượu mà nên nỗi. Vì thế, cần phải chú trọng thêm chuyện giới tửu. Đây là Già Giới (giới ngăn ngừa). Đã thọ giới mà uống rượu thì phạm, chưa thọ thì không tội.

Nhưng nói chung, cứ không uống là tốt. Bởi lẽ, có tội hay không tội là do có thọ giới hay không thọ giới mà thành sai khác, nhưng nó là một trong những cội rễ của các tội lỗi. Còn như uống rượu tạo thành tai họa, đến nỗi bệnh tật, rút ngắn tuổi thọ, chết yểu, không con chẳng cần phải nói nữa!

Còn về Thập Thiện cũng phải nên giữ gìn cẩn thận. Thập Thiện là chẳng sát sanh, chẳng trộm cắp, chẳng tà dâm; đấy là ba nghiệp của thân. Chẳng nói dối, chẳng nói thêu dệt, chẳng nói đôi chiều, chẳng ác khẩu là bốn nghiệp của miệng. Chẳng keo tham, chẳng nóng giận, chẳng tà kiến là ba nghiệp của ý. Nếu giữ được chẳng phạm thì gọi là Thập Thiện. Nếu phạm chẳng giữ thì gọi là Thập Ác.

Thập Ác chia ra làm thượng, trung, hạ, chiêu cảm thân trong ba ác đạo: địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Thập Thiện cũng chia thành thượng, trung, hạ, chiêu cảm thân trong ba đường lành: trời, người, a tu la. Nhân lành cảm quả lành, nhân ác cảm quả ác. Tự làm tự chịu, lý đã tất nhiên, quyết chẳng sai sót mảy may.

Thập Thiện bao gồm hết thảy thiện pháp. Nếu có thể tuân hành thì không điều ác nào chẳng đoạn, không điều thiện nào chẳng tu. Các vị đã quy y, thọ giới, hãy nên tận lực tuân hành, lại còn phải nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, chẳng được coi thường. Nếu chẳng tận lực hành trì, kịp đến khi lâm chung mới biết là trọng yếu thì nghiệp phong đã thổi, chẳng thể tự chủ, dẫu hối cũng chẳng kịp nữa!

Người học Phật đã hiểu rõ ý nghĩa Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện rồi thì hãy hết sức ngăn tà, giữ lòng thành, gìn giữ nhân luân, trọn hết bổn phận, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành. Điều cần phải chú ý nhất là làm bất cứ việc gì, đều phải dựa vào thiên lý lương tâm. Chẳng hạn như làm nghề y mà có thiên lương, cứu người nguy cấp sẽ tích lũy âm công lớn lao. Kẻ không thiên lương thì hoặc là khiến người bệnh nhẹ thành nặng, thừa nước đục thả câu, táng tận lương tâm, quyết định lãnh ác quả.

Hiếu liêm Tào Cẩm Đào ở Tô Châu đời Thanh giỏi y thuật, bất cứ bệnh ngặt nghèo nào, gặp tay ông đều khỏi. Một bữa, ngay lúc ông sắp ra khỏi cửa, có một người đàn bà nghèo quỳ ngoài cửa, khóc lóc xin ông chữa bệnh cho mẹ chồng, than: “Gia đạo bần hàn, khó lòng mời thầy thuốc khác được, nghe ngài sẵn lòng từ bi, nhất định sẽ đoái hoài đến trị”. Ông Tào liền đến trị.

Đến lúc ông ra về, dưới gối mẹ chồng người đàn bà nghèo có năm lạng bạc trắng, chẳng biết đi đâu mất, tưởng ông Tào lấy đi, bèn đến nhà hỏi. Ông Tào bèn cứ đúng số trao cho. Đến khi bà về đến nhà, mẹ chồng đã tìm lại được bạc. Người đàn bà thẹn hổ vô cùng, lại đem bạc đến trả lại, tạ tội, hỏi ông: “Sao ngài lại tự vu mình có trộm bạc?” Ông Tào bảo: “Tôi chỉ muốn mẹ chồng bà chóng khỏi thôi! Nếu tôi chẳng nhận, mẹ chồng bà sẽ lo buồn bịnh thêm hoặc khó trị hơn! Vì thế, tôi chỉ muốn mẹ chồng bà lành bịnh, chẳng sợ người ta bảo tôi trộm bạc”. Tấm lòng ông trung hậu, có thể nói là không ai hơn nổi.

Bởi thế, ông sanh được ba người con: Con trưởng làm ngự y, thọ hơn tám mươi tuổi, cửa nhà đại phú; con thứ bổ chức Hàn Lâm, làm quan đến chức Phiên Đài; con thứ ba cũng làm Hàn Lâm, bác thông kinh sử, chuyên chí trứ thuật. Cháu chắt đông đảo, nhiều người hiển đạt. Còn những kẻ chỉ mưu kiếm lợi bằng nghề y, tôi chẳng cần phải nói đến, ai có mắt đều thấy cả.

Kinh Dịch chép: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh. Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” (Nhà tích thiện, niềm vui có thừa; nhà tích ác, ương họa có thừa), ý nói: dư khánh, dư ương báo ứng vào con cháu. Còn bổn khánh, bổn ương vận vào chính thân mình. Dư khánh, dư ương người khác thấy được, còn bổn khánh, bổn ương sẽ hoặc là phải chịu ngay trong đời này hay phải lãnh thọ trong thân sau, người đời chẳng thấy hết được. Thiên, địa, quỷ thần, Phật, Bồ Tát đều thấy hay từng sự rõ ràng. Phải biết là bổn khánh, bổn ương so với dư khánh, dư ương lớn gấp cả mười, trăm, ngàn, vạn lần. Vì thế, xin người đời hãy nỗ lực tu trì, để được sự vui, trừ ương họa vậy.

Ông Tào cam chịu tiếng “trộm cắp” để cứu tánh mạng người khác, thiện báo ứng vào con cháu. Nếu ông có thể niệm Phật, cầu thoát tam giới, lại dạy con cháu ăn chay, niệm Phật thì thiện báo sẽ là Tây Phương, phước lại càng lớn.

Các vị đã quy y thì phải nên cung kính thọ Tam Quy, lấy việc liễu thoát sanh tử làm gốc, trì Ngũ Giới cẩn thận để làm nền tảng cho việc đoạn ác, tu thiện. Phụng hành Thập Thiện để làm gốc cho việc thanh tịnh ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý. Bởi đó, các ác đều trừ, tận lực làm các điều lành, tam nghiệp đã tịnh, lại còn tuân tu đạo phẩm, liễu sanh thoát tử, được dự vào Liên Trì thắng hội.

Cần biết rằng: Thiện - ác nhân - quả như bóng theo hình, chẳng lầm một mảy. Thật sự làm vậy sẽ được lợi ích thật sự. Nếu mua danh hám tiếng, thích nói điêu ngoa, lừa mình, dối người, tự bảo đã đắc Phật đạo thì là đại vọng ngữ, ắt sẽ thọ ác báo. Nói chung, người tu hành tâm địa cần phải quang minh, ba nghiệp thanh tịnh, công đức tự được vô lượng. Quán kinh dạy: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp là chánh nhân tịnh nghiệp của tam thế chư Phật” thật là thiết yếu chớ quên. Buông dao đồ tể, lập địa thành Phật, đã có người làm được như thế. Xin ai nấy hãy gắng lên.

(Bửu Quang tự đệ tử Liên Hương dịch xong ngày 29 tháng 04 năm 2003)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567