Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Lịch Sử Tào Động Tông

12/04/201107:13(Xem: 7760)
4. Lịch Sử Tào Động Tông

THIỀN TÀO ĐỘNG NHẬT BẢN
Nguyên tác: Azuma Ryushin (Đông Long Chơn) - Việt dịch: Thích Như Điển
Chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc và quý Phật Tử tại Mỹ Châu – Úc Châu ấn tống 2008

Chương một:
Tôn Giáo của Chúng Ta
Tào Động Tông

II. Tào Động Tông Và Lịch Sử Hình Thành

II.4 Lịch Sử Tào Động Tông

II.4.1 Ngay Sau Thời Ngài Đạo Nguyên Thiền Sư – Giữa Thời Kỳ Kamakura (Kiêm Thương)

Lịch sử của Tông Tào Động rất đặc biệt, phải nói rằng khởi nguyên từ Thiền Sư Đạo Nguyên, hoằng dương pháp môn Tọa Thiền. Ngài có 80 đệ tử, nhưng sách vở ghi lại chỉ năm, sáu vị hữu danh mà thôi. Thiền Sư Hoài Tráng là người trụ trì thứ hai Chùa Vĩnh Bình. Thiền Sư Nghĩa Giới là người trụ trì thứ ba và khai sơn Chùa Đại Thừa. Thiền Sư Nghĩa Diễn (Gien). là người trụ trì thứ tư Chùa Vĩnh Bình. Thiền Sư Hàn Nham Nghĩa Doãn (Kangan Giin) khai sơn chùa Đại Từ ở huyện Kumamoto.Thiền Sư Tịch Viên khai sơn Chùa Bảo Khánh ở Việt Tiền, huyện Fukui, phố Đại Dã. Thiền Sư Thuyên Huê (Senne) khai sơn Chùa Vĩnh Hưng, Kyoto và Thiền Sư Kinh Hào (Kyogo) v.v...

Sau khi Thiền Sư Đạo Nguyên viên tịch, Thiền Sư Hoài Tráng kế thừa trù trì Chùa Vĩnh Bình 50 năm. Chân thành niệm ân đức và để bày tỏ lòng hiếu kính đối với Thiền Sư Đạo Nguyên, Ngài chỉnh lý lại trên 110 tác phẩm mà Ngài Đạo Nguyên biên soạn để lưu truyền cho hậu thế cho đến ngày nay.
Thiền Sư Nghĩa Giới kế thừa trách nhiệm trụ trì Chùa Vĩnh Bình từ Thiền Sư Hoài Tráng, thời gian Ngài Trụ Trì, bề ngoài trông thấy vẽ tốt đẹp nhưng bên trong nội bộ Chùa Vĩnh Bình có nhiều vấn đề, thật nhiều khổ tâm, phiền muộn chung quy cũng chỉ vì cảm tình, bè phái, ganh tỵ, hiềm khích v.v.., ảnh hưởng cuộc chiến Trung – Nhật. Chính những điều đó khiến cho Ngài phải rời Chùa Vĩnh Bình hạ sơn khai sơn Chùa Đại Thừa ở Gia Hạ, huyện Ishikawa, trở thành vị Sơ Tổ chùa nầy.

Thiền Sư Nghĩa Diễn kế nhiệm chức vụ Trụ Trì Chùa Vĩnh Bình từ Thiền Sư Nghĩa Giới vào thời kỳ đầy khó khăn mà kết quả những cuộc phân tranh đưa đến như thiếu sự cúng dường ủng hộ của đàn na tín thí, kinh tế sa sút, đời sống thiếu thốn. Nhờ Thiền Sư Hàn Nham Nghĩa Y, người có đến hai lần sang Trung Hoa tu học. Về Nhật, Ngài khai sơn Chùa Đại Từ, vận động Phật Tử cúng dường thiên Tăng (1000 vị tăng) ở Giá Kiều, Can Thạch. Ngài dấn thân vào mọi hoạt động phúc lợi cho dân chúng, giương cao ngọn đuốc Thiền tại Kyushu.

Thiền Sư Tịch Viên (Jakuen) là người Trung Hoa, quy y Tam Bảo xuất gia trở thành Tăng. Sau khi Thiền Sư Đạo Nguyên viên tịch, Ngài quy ẩn trong núi cao vắng vẽ suốt 30 năm. Sau đó, ra khai sơn chùa Bảo Khánh. Ngài là người nổi tiếng gìn giữ Tông phong, sống đời sống xuất gia thuần tịnh cao khiết. Nhờ phong cách thanh tịnh của Thiền Sư Tịch Viên, Chùa Vĩnh Bình được duy trì trải qua một thời gian dài hơn 300 năm suốt thời Giang Hộ (Edo).

Thiền Sư Thuyên Huệ và Thiền Sư Kinh Hào đến Kyoto sáng lập Chùa Vĩnh Hưng nghiên cứu tác phẩm “Chánh Pháp Nhãn Tạng”, để giảng dạy tư tưởng Phật học của Thiền Sư Đạo Nguyên cho tín đồ Kyoto. Hai Ngài để lại 30 tác phẩm phân tích “Chánh Pháp Nhãn Tạng Ngự Sao”, những tác phẩm nầy được xem là xưa nhất, bình giải “Chánh Pháp Nhãn Tạng”, được đời sau vô cùng trân quý.

Như vậy, những vị đệ tử cốt cán nầy của Thiền Sư Đạo Nguyên đã hoằng dương chánh pháp và truyền bá lập trường sinh hoạt hơn 700 năm kể từ khi Bổn Sư viên tịch, cho đến ngày nay, mạng mạch ấy vẫn còn tiếp tục lưu truyền.

II.4.2 Lập Trường Của Ngài Oánh Sơn Thiền Sư – Thời Kỳ sau Thời Kamakura

Thiền Sư Oánh Sơn, như trên đã nói, là người kế thừa mạng mạch và tô bồi cho Tào Động Tông ngày càng rõ nét. Thiền Sư Oánh Sơn đã đăng trường như là một đệ tử ưu tú, hết lòng kính yêu Bổn Sư, Thiền Sư Nghĩa Giới, vị trụ trì đời thứ 3 Chùa Vĩnh Bình, khai sơn chùa Đại Thừa, xa hơn kế tục tinh thần của Thiền Sư Hoài Tráng, trụ trì đời thứ 2 chùa Vĩnh Bình.

Thiền Sư Oánh Sơn cũng kế thừa Phật sự tại Chùa Đại Thừa, xây dựng Chùa Vĩnh Quang, Chùa Tổng Trì, đặc biệt sử dụng hai Chùa Vĩnh Quang và Tổng Trì làm cơ sở hoằng pháp và tu học. Ngài vừa giữ gìn giáo huấn của Thiền Sư Đạo Nguyên vừa dấn thân vào những phương diện quần chúng một cách tế nhị và sâu sắc. Hai đệ tử của Ngài là Thiền Sư Minh Phong và Thiền Sư Nga Sơn, được huấn dục và tích tập công đức tu tập vô cùng to lớn.

Thiền Sư Minh Phong có đến 26 người đệ tử, trong đó có khoảng 12 đệ xuất sắc, còn gọi là 12 môn phái của Thiền Sư Minh Phong. Chùa Đại Thừa tự và Vĩnh Quang tự trở thành trung tâm của Tông Phái, xung quanh có nhiều tự viện khác hổ tương cho nhau. Những địa phương như Bắc Lục, Đông Bắc, Cửu Châu v.v... Tông Phái cũng được phát triển một cách mạnh mẽ trong việc giảng dạy Phật Pháp và hướng dẫn pháp môn Tọa Thiền bằng tiếng Nhật.

Thiền Sư Nga Sơn giữ trách nhiệm trụ trì Chùa Tổng Trì hơn 40 năm, nuôi dưỡng 25 đệ tử (còn gọi là Nga Sơn có 25 nhánh) thành đạt. Thời Ngài, Chùa Tổng Trì được xem là trung tâm chính. Như Thiền Sư Minh Phong, Ngài cũng quy định xây dựng cơ sở Chùa Viện theo quy cách thích hợp nhất định. Tại Chùa Tổng Trì, lập trường của Thiền Sư Nga Sơn cũng đuợc tôn trọng như Thiền Sư Oánh Sơn, có khi xưng tán: “Oánh Nga Sơn Lưỡng Tôn”.

Như Thiền Sư Oánh Sơn, Thiền Sư Nga Sơn hoằng dương giáo lý cũng như tư tưởng và hướng dẫn pháp môn Tọa Thiền của Thiền Sư Đạo Nguyên. Như Thiền sư Minh Phong, một mặt Ngài đem đạo Pháp trồng sâu vào đời sống tâm linh, một mặt dùng tiếng Nhật phân tích, lý giải Thiền Tào Động qua “Thuyết Ngũ Vị” của Trung Hoa, để duy trì Chùa Viện, tạo mối quan hệ vững chắc với tín đồ. Giáo nghĩa Thiền được đại chúng hóa, nhưng không bị quyền lực thế gian chi phối. Về sau, giáo đoàn Tào Động được gọi là “Tào Động Thổ Dân”, động cơ chính tạo thành phong thái cơ bản của giáo đoàn.
Những đệ tử của Thiền Sư Nga Sơn ở Chùa Tổng Trì chia nhau đi hoằng hóa các nơi, trước tiên là vùng Bắc Lục, Bắc Hải Đạo, rồi đến Đông Bắc, Quan Đông, đến tận miền Trung như Cận Kỳ, Trung Quốc, Tứ Quốc, Cửu Châu v.v...dần dần đi khắp nước Nhật, phát triển thật quy mô, phải nói rằng, giáo đoàn phát triển nhanh và rộng không thể tưởng được. Từ xưa, Tông Tào Động vẫn truyền với nhau câu tán dương “Nói đến Pháp, có Minh Phong, nói đến Tông (Già Lam), có Nga Sơn”.

Trước Thiền Sư Oánh Sơn, giáo đoàn của Thiền Sư Đạo Nguyên chọn Chùa Vĩnh Bình làm trung tâm, như một xã hội đuợc thu nhỏ và tồn tại. Dù đôi khi có nguy cơ hoại diệt, song Thiền Sư Oánh Sơn lúc nào cũng “lo nghĩ sâu xa” (thâm lự viễn mưu). Thiền Sư Minh Phong và Thiền Sư Nga Sơn nổ lực không ngừng chấn hưng Phật pháp mà giáo đoàn Vĩnh Bình Đạo Nguyên vẫn bất tử như tiếng chim hót vang, không gián đoạn. Thời kỳ nầy có thể gọi là thời kỳ mà số chùa viện khá nhiều và phong phú.

II.4.3 Minh Phong, Nga Sơn Thiền Sư – Thời Đại Nam Bắc Triều, An Thổ và Đào Sơn

Từ trung tâm, Chùa Tổng Trì tự những vị đệ tử của Thiền Sư Nga Sơn như Thiền Sư Đại Nguyên Tông Chơn (Daigen Soshin), Thông Huyển Tịch Linh (Tsugen Yakurei), Vô Đoan Tổ Hoàn (Mutan Sokan), Đại Triệt Tông Lệnh (Daitetsu Sorei), Thật Phong Lương Tú (Jitsubo Ryoshu)..., chia nhau đi hoằng hóa các nơi trở thành 5 vị Tổ của 5 nhánh, bởi vì mỗi vị khai sơn ra một nhánh tự viện khác nhau. Cũng từ 5 viện nầy phân ra thành nhiều phái và có đến 70 tự viện nhỏ và trao đổi chư Tăng trong 5 viện để trụ trì 339 ngôi chùa, mà Thiền Sư Oánh Sơn, Thiền Sư Nga Sơn và những người kế tục Thiền Sư Nga Sơn khai sáng. Dưới tàng che trực tiếp của Chùa Tổng Trì, có tất cả 36 chi nhánh, mà từ đó lan truyền khắp nước Nhật, đâu đâu cũng cố gắng phát triển Chùa Viện, kể từ thời Nam Bắc Triều đến An Thổ rồi thời đại Đào Sơn. Điều ngạc nhiên, suốt ba trăm năm Chùa Tổng Trì vẫn là Bổn Sơn của Tông Tào Động dù có nhiều tự viện khác được liên tục xây dựng mà Thiền Sư Thông Huyển Tịch Linh cho rằng Phật sự vô cùng ý nghĩa.

Theo sự điều tra vào năm Diên Bảo thứ 9 của thời kỳ Giang Hộ, số tự viện của Tông Tào Động lúc ấy là 17.549 ngôi, trong đó có 1.370 ngôi chùa thuộc Chùa Vĩnh Bình và 16.173 ngôi chùa thuộc Chùa Tổng Trì. Thực tế, những chùa thuộc chùa Tổng Trì nhiều gấp 12 lần số chùa thuộc Chùa Vĩnh Bình.
Gần đây, theo sự điều tra của Tông Vụ Sảnh về các tự viện và pháp hệ trên toàn quốc về pháp hệ, Tông Tào Động có 1.000 chi phái ghi rõ trong tác phẩm “Tào Động Tông Toàn Thư”, trong đó, pháp hệ Chùa Vĩnh Bình có 30 chi (gồm 5 chi của phái Tịch Viên và 25 chi của phái Hàn Nham), pháp hệ Chùa Tổng Trì có 971 chi (gồm 279 chi thuộc phái Minh Phong, 692 chi thuộc phái Nga Sơn, mà trong phái Nga Sơn có 383 chi thuộc phái Thông Huyễn).
Như vậy, Tông Tào Động từ thời kỳ Nam Bắc Triều đến An Thổ, Đào Sơn, tự viện và pháp hệ thuộc phái Thiền Sư Oánh Sơn, mà trong đó phái Thiền Sư Nga Sơn nắm vai trò quan trọng, rồi trong phái Thiền Sư Nga Sơn, phái Thiền Sư Thông Huyễn chiếm hơn một nữa. Ngay cả, các trung tâm hành chánh đương thời như Tokyo, Nara, Kamakura v.v... cũng khó hơn được. Lạ thay, những đệ tử Tông Tào Động thuộc giai cấp hoàng gia chẳng hề trụ trì ngôi tự viện nào cả, mà hầu hết những tu sĩ đều thuộc giai cấp thấp ở nông thôn tại địa phương và giai cấp võ sĩ tiếp nối nhau truyền thừa. Lúc bấy giờ ở những địa phương khác như Bắc Hải Đạo (Hokkaido), Tứ Quốc (Shikoku), Xung Thằng (Okinawa), ngay cả hải ngoại cũng chưa kiến tạo được nhiều tự viện như thế.

Tông Tào Động phát triển bộc phát mạnh mẽ và rộng rãi như vậy nhờ tư tưởng thuần khiết của tông phong, nhất là ảnh hưởng của Thiền Sư Đạo Nguyên và Thiền Sư Oánh Sơn. Tuy nhiên đằng sau cũng có những điểm suy thoái, nhưng đó là điều tự nhiên trong lịch sử phát triển giáo đoàn, bởi vì sự phát triển nào cũng gắn liền với xã hội, mà đó là những nguyên nhân bên ngoài vô cùng quan trọng.

Dẫu nói thế nào đi nữa, động lực phát triển chính vẫn là tấm lòng tha thiết hoằng dương chánh pháp của chư Tăng trong tất cả mọi Phật sự, nhờ đó duy trì niềm tin và tín ngưỡng của tín đồ, có lẽ đó là lý do cụ thể nhất vậy. Tiếp theo đây là những lý do có thể suy đoán được.

Thứ nhất, dưới thời Thiền Sư Nga Sơn, việc bổ nhiệm trụ trì và cử giáo thọ luân phiên giảng dạy đồ chúng được tuyển chọn và quyết định từ hội nghị của Năm Viện, mà Năm Viện nầy được xem là cơ sở trung tâm của mọi Phật sự hoằng dương quảng bá và tổ chức quy mô trên toàn quốc.

Thứ hai, liên lạc với những vị chức sắc hào tộc địa phương, mời họ tham gia vào công cuộc kiến tạo chùa viện và kêu gọi sự ủng hộ của họ cũng như của tín đồ.

Thứ ba, cải cách tất cả những điều luật quy định cổ xưa trong tông môn, tự viện như Tông Chơn Ngôn, Tông Thiên Thai, đặc biệt bỏ bớt những lễ nghi rườm rà và hướng dẫn cho mọi người một cách nhiệt tình và rõ ràng.
Thứ tư, dung hợp một cách bao dung tất cả các tôn giáo như Thần Giáo, Nho Giáo, Đạo Giáo v.v... và những tín ngưỡng dân gian, thờ cúng Tổ Tiên, thờ phụng thần linh v.v..

Thứ năm, dùng Ngũ Vị Thuyết và dùng chữ quốc ngữ để nói pháp cho phổ cập đến các nơi, đồng thời duy trì một cách tích cực những nghi lễ ma chay. Dạy dỗ hướng dẫn một cách linh hoạt như mở các hội thọ giới, hội du lịch v.v... Đời sống của Tăng Sĩ tại chùa có tính cách mô phạm đó đã thâm nhập vào đời sống hằng ngày của dân chúng.

Thứ sáu, xiển dương công án, khán thoại đầu kiến tánh, truyền bá Tông Tào Động khắp trong nhân gian và liên lạc thâm tình với Tông Lâm Tế.

Thứ bảy, khất thực hay hành cước là điều kiện đáp ứng những nguyện vọng thiết thực của người dân trong mọi lãnh vực cả vật chất cũng như tinh thần như: đường sá, cầu cống, khai thác suối nước nóng, y dược, giếng nước, canh tác, cưới hỏi... cho đến những vấn đề lớn như: quân sự, chính trị, học vấn, sinh hoạt v.v...

II.4.4 Phục Hưng Tông Học và Vô Hiệu Hóa Tông Đoàn Thời Kỳ Giang Hộ (Edo)

Từ thời Tokugawa, đã có phương pháp quản lý tự viện, tự xã thống nhất trên toàn quốc, Tông Tào Động cũng dựa trên căn bản đó mà quản lý tự viện, có chức vụ Tăng Lục giám sát Chùa Viện trong toàn quốc và thiết lập chế độ đàn gia tín đồ, theo đơn vị tín ngưỡng từng gia đình cố định. Hơn nữa, quy định chế độ của hai Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự và Tổng Trì Tự, sát nhập các Bổn Sơn như Đại Từ Tự, Đại Thừa Tự vào chùa lớn như Vĩnh Bình Tự và sát nhập các chùa Vĩnh Quang, chùa Chánh Pháp vào trong sự điều hành của Chùa Tổng Trì. Về nội bộ Tông Đoàn, hợp thức hóa trên hết là hai Bổn Sơn, dưới là các Chùa Viện địa phương, nhằm xử trí những việc đối lập lại, vô hiệu hóa những khinh xuất của chư Tăng giáo hóa truyền đạo, tránh sự tranh đoạt quyền lợi và buôn bán như thế gian làm lệch hướng phát triển của Tông Phong.

Thế nhưng, điều đáng lo là vừa phải thực hiện đúng Tông Phong, vừa vận động duy trì phục cổ. Thiền Sư Nguyệt Đan Tông Hồ (Getsushyu Soko), Thiền Sư Vạn Sơn Đạo Bạch (Manzan Dobaku) thống chế và quản lý hóa Tông Đoàn với hình thức như chủ trương. Những Thiền Sư một thời được xem như Thánh Tăng, như Linh Mộc Chánh Tam (Suzuki Shosan), Đào Thủy (Tosui), Lương Khoan (Ryokan), Phong Ngoại (Fugai), Vật Ngoại (Motsugai) đã sống trọn vẹn với bản tánh và lối sống thanh bần, chân chất, vững chãi trước khen chê, khờ khạo trước bàng dân thiên hạ v.v... Chúng ta cũng không thể quên rằng trong lịch sử, có nhiều người vô danh tu trong những ngôi chùa nghèo nàn, giá lạnh, phụng sự chúng sanh, nuôi dạy đệ tử, hoằng hóa độ sanh, mà hầu hết họ là những Tăng sĩ bình thường, nhờ vậy Tông Đoàn mới duy trì được.

Nhờ vận động phục cổ trong Tông Phong và do chính sách Học Vấn Tường Hòa của Mạc Phủ, nghiên cứu liên hệ với Tông Tào Động khởi lên rầm rộ. Dưới thời kỳ Giang Hộ (Edo) những chùa Thanh Tùy, Thuyền Nhạc, Tăng Lâm v.v... trở thành các trung tâm tu học nổi tiếng, có nhiều tăng sinh trên toàn quốc đến trọ học. Những truyền ký, trước tác, nghiên cứu tư tưởng Thiền Sư Đạo Nguyên và Thiền Sư Oánh Sơn, cũng như Pháp Tự, Thiền Giới, Thanh Quy, Ngũ Vị Thuyết v.v... được các học Tăng nghiên cứu, phân tích, bình giải và thảo luận sôi nổi trong các khóa học. Bấy giờ, kinh điển, những tác phẩm tra cứu, trích lục liên quan cuộc đời và hành đạo của chư Tổ cũng được ấn hành đều đặn.

Tác phẩm “Chánh Pháp Nhãn Tạng” được chư vị Thiền Sư học vấn trác tuyệt giảng giải như: Thiền Sư Thiên Quế Truyền Tôn (Tenkei Denso), Thiền Sư Diện Sơn Đoan Phương (Menzan Zuiho), Thiền Sư Chỉ Nguyệt Huệ Ấn (Shigetsu Hein) v.v... Đại diện cho những bậc chứng đắc giác ngộ có Thiền Sư Thiên Quế Truyền Tôn. Đại biểu cho những bậc thể nghiệm sự giác ngộ có Thiền Sư Diện Sơn Đoan Phương, mà cho đến ngày nay hai đại tư trào ấy vẫn còn kéo dài bất tận.

Thiền Sư Vô Trước Đạo Trung (Mujaku Dochyu), học Tăng của Tông Lâm Tế, người thật chứng về thủ pháp đi đầu trong việc nghiên cứu tường tận và phê bình rốt ráo tác phẩm “Chánh Pháp Nhãn Tạng”, bởi vì có tác phẩm ngụy thơ “Chánh Pháp Nhãn Tạng” đang phổ biến đó đây. Thiền Sư Huyền Tú Tức Trung (Gento Sokuchuyu) phát tâm in tác phẩm “Chánh Pháp Nhãn Tạng” sau 13 năm tu khổ hạnh. Thiền Sư Phật Châu Tiên Anh (Butsuchyu Senei) đề xướng sưu tập những bản “Truyền Quang Lục” của Thiền Sư Oánh Sơn.
Thế nhưng, Phật sự trọng tâm của thời kỳ hưng thịnh Tông Học dưới thời Giang Hộ (Edo) là tô bồi giải thích những lời giáo huấn sao cho thật chuyên môn trong vấn đề luận nghị, vẫn làm cho việc giáo hóa tín đồ trở nên trì trệ. Do vậy, Thiên Chúa Giáo và tư tưởng Tây Âu cũng như Nho Giáo tự nhiên trở thành quốc học, mà chẳng có ai lo đối ứng. Phải chăng đây là do sự lơ là về vấn đề phát triển của từng thời đại.

II.4.5 Giáo Đoàn Hướng Về Thời Cận Đại – Minh Trị (Meiji), Đại Chánh (Taisho), và Thời Đại Chiêu Hòa (Showa)

Thời cận đại, chính phủ Minh Trị thay đổi chính sách, một mặt theo đuổi chủ nghĩa Tây Âu, một mặt theo chủ nghĩa phú cường, để phát triển đất nước giàu mạnh, đồng thời chủ trương chính sách tách rời Thần Phật. Giáo Đoàn Phật Giáo cũng thức tỉnh sau cơn sa đọa triền miên, tìm cầu chủ nghĩa quốc gia, cải cách để khế lý và khế cơ. Theo báo cáo của quan Thái Chính, chính phủ công nhận Tăng sĩ được tự do ăn thịt, kết hôn và sống đời sống như người thế tục, vì thế Tăng Phong gần như biến dạng, Giáo Đoàn bỗng nhiên bị thế tục hóa. Tông Tào Động cũng không ngoài lệ ấy.

Giáo Đoàn Tông Tào Động cải cách chế độ Tăng Lục, công bố Tông Chế, thiết lập Tông Vụ, xây dựng lưỡng Đại Bổn Sơn, thành lập đại học và Tăng Đường theo cơ chế giáo dục, tiếp tục nghiên cứu, bình giải tác phẩm “Chánh Pháp Nhãn Tạng”, thành lập “Nhãn Tạng Hội” tại Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự, lý giải tường tận những phong hóa cổ xưa theo Thiền Sư Đạo Nguyên. Ngoài ra, còn biên soạn sách hướng dẫn những người tại gia tu học, tổng kết thành “Tu Chứng Nghĩa”, phát hành tạp chí bàn về các tín ngưỡng khác, để đối phó tư trào thời đại và tư tưởng Tây Âu, ấn hành các tác phẩm bằng Anh ngữ dành cho sinh viên chuẩn bị du học, xúc tiến thành lập Tự Viện để truyền đạo, thực hiện nghi thức Hôn lễ theo Phật Giáo.

Bước vào thời Minh Trị chẳng bao lâu, Tăng Đoàn trở thành nền tảng chính của chư Tăng và Tông Đoàn chuyển đổi thành Giáo Đoàn hòa hợp với Đàn na tín đồ, thế nhưng, ảnh hưởng chế độ phong kiến và những phong tỏa thời Giang Hộ (Edo), không dễ gì một sớm một chiều mà thay đổi hết được.
Chính sách nước giàu binh mạnh và chế độ quân chủ áp đặt, khiến cho tài sản của chùa không phát triển, mọi hoạt động bị ngưng trệ, không bắt kịp thời đại đành khoanh tay ngồi nhìn thời thế đổi thay. Hội nghị tại Hokkaido cho biết hầu hết Tăng sĩ hài lòng với những công việc ma chay, tang lễ cho Tín Đồ, không còn tích cực giảng dạy và thuyết pháp cho tín đồ nữa.
Cuối thời Minh Trị, có sự kiện Hạnh Đức Thu Thủy phản nghịch, nhiều Tăng sĩ liên can đến vụ nầy đều bị tử hình. Điều nầy cho thấy ý thức xã hội quá thấp, không thể phân biệt giữa thiện và ác. Có một giáo đoàn mới ra đời cứu thế, cổ xúy tín ngưỡng Quan Âm làm cho nhiều vị trong giáo đoàn phá rào xin gia nhập vào đó. Giáo đoàn miễn cưỡng áp dụng chế độ đàn gia. Tất cả chỉ được miễn cưỡng áp dụng, phải xúc tiến việc hoạt động tín ngưỡng. Đây là những đề tài được vận động sôi nổi.

Đến thời kỳ Đại Chánh, hầu như toàn thể tăng sĩ trong giáo đoàn an phận với thể chế chủ nghĩa quốc gia, chỉ lo nghi lễ tống táng cho Đàn Gia Tín Đồ. “Chánh Pháp Nhãn Tạng” được giới trí thức bắt đầu nghiên cứu, mong muốn duy trì tư tưởng thiền tịch (thanh tịnh của Thiền Tăng), sửa đổi hình thức của Tông mình, tự tin nghiên cứu học hỏi. Cuộc đời và tư tưởng Thiền Sư Đạo Nguyên và Thiền Sư Oánh Sơn cũng được nghiên cứu học tập để thích hợp với thời cận đại.

Các Tông phái phát hành tác phẩm chú thích về “Tu Chứng Nghĩa”, trao truyền những lời khuyên người phụ nữ, những bài ca tán dương Phật. Từ đó, bắt đầu mở rộng việc truyền bá giáo hóa người cư sĩ tại gia. Cuối thời Đại Chánh, Tông môn quyết định chính thức xưng tán nhị vị Tổ Sư đó là: Cao Tổ Thừa Dương Đại Sư (tức Thiền Sư Đạo Nguyên) và Thái Tổ Thường Tế Đại Sư (tức Thiền Sư Oánh Sơn).

Thời Chiêu Hòa, vào năm Chiêu Hòa thứ 20 nước Nhật lâm vào tình trạng chiến bại của đệ nhị thế chiến, Giáo Đoàn cũng bị thay đổi theo. Khoảng 20 năm trước khi chiến tranh chấm dứt, tình huống chiến tranh lan tràn khắp hoàn cầu, Nhật Bản theo chủ nghĩa quân chủ một cách triệt để làm cho nội bộ của Giáo Đoàn dần dần phân hóa và tách khỏi chủ trương nhiều quốc gia. Thời ấy, chỉ cho in 20 tác phẩm “Tào Động Tông Toàn Thư” liên quan đến Thiền Sư Đạo Nguyên và một số tác phẩm của chư Tăng khác. Lễ Sinh Nhật Thiền Sư Đạo Nguyên không còn nữa, song đổi sang cử hành ở các địa phương lễ Nhãn Tạng. Lễ kỷ niệm 700 năm thành lập Tông Tào Động truyền sang Nhật Bản tổ chức rất long trọng. Lễ kỵ nhị vị Tổ Sư Quốc Sư 650 năm được tổ chức trọng thể tại Chùa Vĩnh Bình. Cuối thời Đại Chánh đến đầu thời Chiêu Hòa, có nhiều Tăng sĩ không xuất thân từ Tăng lữ của Tông Tào Động phát hành các tạp chí như Đại Thừa Thiền và Đại Pháp Luân phổ cập, mà trải qua hơn nửa thế kỷ cho đến ngày nay những tạp chí được xem như đại biểu cho Phật Giáo nầy, vẫn còn tiếp tục phát hành với những ngòi bút chân thật và trung thực. Hơn nữa, lấy cơ quan giáo dục làm tiêu chuẩn, để phát triển kinh doanh cho hai Đại Bổn Sơn, cho nên thành lập Komazawa Gakkuen, Sojiji Gakkuen v.v...

Sau khi thua trận, chính phủ ban hành hiến pháp mới, chế định Tôn Giáo Pháp Nhơn, giải phóng đất đai, Giáo Đoàn cũng dựa theo đó mà chế định và công bố Tào Động Tông Tông Hiến và Tông Chế. Các giáo đoàn địa phương khuyến khích dựa vào nguồn kinh tế nông thôn. Chẳng bao lâu sau, tại Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự khai diễn “Truyền Quang Hội” và tham cứu “Truyền Quang Lục” của Thiền Sư Oánh Sơn. Ngoài ra, còn tổ chức kỷ niệm750 năm ngày sanh Nhật của Thiền Sư Đạo Nguyên, lễ Đại Hiệp kỵ 700 năm cho các vị Tổ Sư Thiền Sư khác, trùng tu di tích Thiền Sư Đạo Nguyên, tu bổ lại những chỗ bị hư hại, xuất bản và nghiên cứu “Chánh Pháp Nhãn Tạng” của Thiền Sư Đạo Nguyên. Thời gian đó, Đại Học Komazawa cũng tổ chức những cuộc hội thảo nghiên cứu về Tông Học và sự truyền bá, thành lập trung tâm nghiên cứu giáo học hiện đại của Tông Tào Động, thành lập “Sư Gia Dưỡng Thánh Sở” và “Tông Lập Tăng Đường”. Giáo Dục Đạo cũng tổ chức nêu rõ những hoạt động trên mọi phương diện của Tông phái, tổ chức trọng thể lễ húy kỵ 650 năm của Thiền Sư Oánh Sơn, 600 năm của Thiền Sư Nga Sơn và lễ kỵ giỗ 700 năm của Thiền Sư Hoài Tráng. Ở Mỹ Châu, Âu Châu, Á Châu v.v... các Hội Truyền Đạo hải ngoại nhất loạt thành lập và hoạt động.

Trung tâm hành chánh của giáo đoàn đặt ở Trung Tâm Tokyo như: Cảng Khu Chi, Đinh Mục, Tào Động Tông Tông Vụ Sảnh (Soto Building). Có tất cả là 66 cơ sở Tông Vụ như thế trên khắp các miền đất nước từ đô, thôn, phủ, huyện. Ở dưới có tất cả là 777 giáo khu. Tông Vụ Sảnh chỉ đạo về hành chánh, điều tra, chỉnh lý gồm các phương diện như: Hộ Trì Hội của Tào Động Tông Tông Môn, Đàn Tín Đồ Nghiên Tu Hội, Mai Hoa Lưu Vịnh Tán Ca, Tào Động Tông Phụ Nhơn Hội, Thanh Niên Hội Đông Nam Á Châu và các lãnh vực hoạt động như cứu trợ nạn nhân, hoạt động xuất bản, quản lý việc truyền bá. Các tổ chức khác như Hải Ngoại truyền giáo, khai giáo v.v... cũng hoạt động nhằm mục đích truyền bá và giáo hóa.

Lưỡng Đại Bổn Sơn gồm Bổn Sơn Tăng Đường, Chuyên Môn Tăng Đường có 30 tăng đường chuyên môn, hơn 100 cơ quan tham thiền trên toàn quốc và nhiều Đại Học như: Đại Học Komazawa, Đại Học Aichi Gakkuen, Đại Học Tohoku Fukushi, Học Viện Tataryo, Học Viện Setatani, Komazawa Gakkuen, Soji Gakkuen v.v... Ngoài ra, ở các địa phương cũng thiết lập những cơ sở giáo dục liên quan về vấn đề giáo dục của Tông Môn và Tông lập, với nguyện vọng tiến đến con đường quốc tế, phát triển của văn minh khoa học, thế giới hòa bình, an lạc. Đó cũng là nguyện vọng thiết thực hiện tại, mà Giáo Đoàn tổ chức những khóa tu hiện đại khắp đó đây. Thế nhưng, Phật Pháp đang ở vào thế kỷ thứ 21, Giáo Đoàn không thể thiếu sứ mệnh hướng dẫn, phải tự tin, phải hợp lực mạnh mẽ hướng đến phía trước để đáp ứng nhu cầu thời đại.

Lần cập nhật cuối (ngày 25, tháng 07, năm 2008)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]