Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1.1 Nếp sống nhà chùa Huế

26/02/201117:40(Xem: 7896)
1.1 Nếp sống nhà chùa Huế

Hoa Ngọc Lan

Thích Chơn Thiện

Chương 1

Nếp sống nhà chùa Huế


1. Cạo tóc:

Lần đầu xuống tóc xuất gia có một ý nghĩa thật quan trọng đối với chú Tâm Ngộ. Đó là mốc điểm thời gian giữa hai nếp sống quá khứ và hiện tại. Bạn có thể hình dung ra được chăng những biến đổi tâm lý lúc ấy của một người trẻ tuổi quyết định từ giã đời sống gia đình ?

Hòa thượng bảo chú Tâm Ngộ, "Con được phép xuống tóc khi nào con muốn".

Thế là thầy pháp huynh cạo tóc cho chú chiều hôm ấy. Thầy pháp huynh cười thân mật, "Cạo tóc lần ni là vẫy chào quá khứ đó !.".Chú Tâm Ngộ chỉ cười nhẹ, chỉ nói lên được một tiếng "dạ" giữa nỗi lòng xao xuyến.

Nhìn từng nhóm tóc xanh rơi xuống, chú nghĩ, "đúng là hình ảnh chào từ biệt quá khứ; chú đang bắt đầu một nếp sống mới với các tập quán và suy nghĩ mới".

2. Học Tỳ Ni:

Hôm sau, Hòa thượng bảo chú, "Con hãy tìm học Tỳ Ni trước". Thầy pháp huynh giảng cho chú từng bài kệ Tỳ Ni. Chú Tâm Ngộ hỏi về ý nghĩa của các mật ngữ, thầy đáp, "Ấy ! Nó là mật ngữ. Đã là mật ngữ thì là mật nghĩa. Hãy làm quen với việc để suy nghĩ ra ngoài nó !". Chú đành cặm cụi học thuộc lòng từng bài kệ và câu chú.

3. Làm việc:

Phần việc chú Tâm Ngộ phụ trách mỗi ngày là quét nhà, một góc vườn và cào rác dương. Thỉnh thoảng chú mới giã gạo hay bửa củi. Chú phải tập làm quen với các việc đó trước khi học đạo. Nói đúng hơn, đó là các việc hành đạo ban đầu của chú.

Một tháng sau, chú được cử hầu quạt và hầu trà cho Hòa thượng. Đó là thời gian Hòa thượng theo dõi tâm lý của Chú.

Sau sáu tháng, Hòa thượng bảo, "Con có căn Thiền rồi đó. Hãy hành thiền đi !". Thực sự Hòa thượng biết rõ mấy tháng qua Chú đã hành thiền vào mỗi giữa đêm.

Thời gian hành điệu, đối với Chú, đi qua thật bình an.

4. Tạp luận:

Kỷ luật nhà chùa là "Im lặng như Chánh pháp, nói năng như Chánh pháp". Nghĩa là hành thiền hoặc bàn luận giáo lý. Nghiêm lắm! Nhưng thầy pháp huynh cởi mở đã cho phép các Chú mở mục "Interlude" để nói chuyện trời mưa, trời nắng.

Thầy và các Chú thường họp mặt ở nhà trù kể chuyện lịch sử và các giai thoại nhà chùa. Thầy nói có duyên và ý vị. Có lúc các Chú đã cười đến chảy nước mắt. Các cuộc họp mặt này ở ngoài tầm mắt của Hòa thượng.

Một lần, thầy pháp huynh cắt nghĩa sự khác biệt giữa các quả vị Thanh Văn, A La Hán, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật, Chú Tâm Ngộ hỏi, "Các quả vị ấy đều là vô phân biệt, tại sao có thể có sự phân biệt cao thấp ở đó?". Thầy pháp huynh ngạc nhiên, "Ý kiến nghe là lạ, đáng suy gẫm". Rồi thầy đặt lại câu hỏi trắc nghiệm, "Các chú có mong sớm về Hội Linh Sơn không nhỉ ?"- Chú Tâm Ngộ đáp, "Dạ ở Linh Sơn không có ý niệm thời gian thì không có sự kiện sớm, muộn. Chúng con chỉ xin an tâm hành đạo thôi". Ố Lại triết lý ! Thầy pháp huynh cười.

Các chú thường cũng có các chuyện vui buồn nhỏ và đặt tên là "chuyện nhà trù", vì chúng được đem ra thảo luận ở nhà trù. Các chuyện linh tinh đó được xếp vào loại "tạp thoại". Chúng ở ngoài quy củ sinh hoạt của nhà chùa, nhưng cần thiết.

5. Tạp tác:

"Tạp tác" là danh từ sáng tạo của các Chú ám chỉ các việc làm ngoài quy định, như xẻ một trái mít chín, nấu một niêu xôi phi thời.

Thầy pháp huynh bảo sinh hoạt "tạp tác" là sinh hoạt mở, hay sinh hoạt khế cơ.

Chú Tâm Thành lập luận triết học về nguyên tắc sống "tam thường bất túc", dựa vào kinh nghiệm tạp tác, rằng:

- Ăn ít hơn một tí, sẽ thấy rõ hạnh phúc của cái ăn.
- Ngủ ít hơn một tí, sẽ thấy rõ hạnh phúc của giấc ngủ.
- Mặc đơn giản, sẽ thấy rõ hạnh phúc của cái mặc.

Trong nếp sống khổ hạnh của nhà chùa, bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc hầu như có mặt khắp mọi nơi. Hạnh phúc hay niềm vui đến thì buồn bã, cô đơn bay xa. Vì thế, các "chuyển mục" và "tạp tác" đã đem lại niềm vui sống cho các Chú trước khi có niềm vui giải thoát.

Tiết mục "tạp thoại" thường được xen kẽ vào mục "tạp tác". Một lần chú Tâm Thành kể chuyện vui, "có một bà sau khi bán hàng, mua về một kí lô muối; ngày hôm sau, sau khi bán hàng xong, bà ta cũng mua về một kí lô muối nữa; ngày thứ ba, sau khi bán hàng xong, bà ta cũng mua về một kí lô muối nữa, vị chi là ba". Rồi chú ngưng kể, tiếp tục nhồi khoai lang chiều.

- "Chuyện kể lạt quá !" -- chú Tâm Tín chê.

- "Ba kí lô muối rồi mà còn lạt à ?!" -- chú Tâm Thành cười. Thầy pháp huynh bật cười theo.

Thầy pháp huynh lại kể, "Ở một căn nhà giữ các người đãng trí, một hôm, một chàng đãng trí lấy trộm chiếc chìa khóa cửa và định bụng sẽ mở cửa đi chơi sau phiên gác của người canh cửa. Lúc ấy, người canh cửa có việc cần về nhà một lát, lúng túng chưa biết tính sao, người canh cửa đánh bạo để cửa mở, và đi về nhà. Liền khi đó, chàng đãng trí cầm chiếc chìa khóa, đứng ngay ngưỡng cửa mà than, 'Cửa mở rồi, mần răng mình đi?!'."

- Các chú bật cười, "Đúng là đãng trí".

- "Mình cũng đang đãng trí đó. Cửa giải thoát đã mở tự hồi nào mà cứ loay hoay như chàng đãng trí", thầy pháp huynh bảo.

6. Ngày Vía và ngày Kỵ, Tết:

Mỗi năm có một ngày dâng lễ cúng, tưởng niệm các bậc sư trưởng quá cố. Chùa sửa soạn hoa trái, cỗ bàn.

Tối đến, các Chú quây quần quanh thầy pháp huynh, bên tách trà nóng, và nghe thầy nói chuyện. Thầy thuật lại cuộc đời giải thoát của các sư trưởng, hoặc đọc cho nghe các bài thơ đạo. Thơ của pháp huynh có các phần cuối man mác buồn. Thầy bảo đó là dấu hiệu không hạnh phước của tương lai. Chú Tâm Ngộ thì quan niệm hiện tại của thầy đã sáng, lựa là chờ đến một tương lai nào. Tương lai của nhà chùa do Tứ niệm xứ quyết định, mà không phải do các vần thơ. Chú cũng biết viết thành thơ. Bài thơ đầu tay của Chú hồi đầu xuất gia là một bài không có tựa đề:

"Nhân sinh tự cổ thường cư mộng
Vọng tưởng sơn hà hữu hữu không.
Lưu chuyển luân hồi chiêu cảm nghiệp
Đắm say sắc tướng muội mê lòng.
Si thì tìm tới vùng xao xác
Giác lại tìm lui cửa tịch không
Nếu thấy rỗng tênh tuồng tự ngã,
Thì chi tiếc lục với tham hồng"

Chú thích nhất một bài thơ của thầy pháp huynh mà Chú gọi là bài kệ giác:

"Tiền niệm bất sanh thị tâm
Hậu niệm bất diệt thị Phật
Phong hoa tuyết nguyệt thường nhiên
Nhạn lạc oanh đề xuân đáo".

Ngày kỵ là ngày thay đổi thức ăn đặc biệt, và là ngày nhà chùa tiếp đón nhiều Tăng, Ni và Phật tử.

Tết Nguyên đán thì chùa bận rộn nhất. Làm sạch sẽ trong chùa và ngoài chùa; gói bánh chưng, bánh tét; tiếp các Phật tử nhộn nhịp đến chùa trong các màu áo mới. Bận rộn đến nỗi chú Tâm Tín phải buông lời than, "Đúng là cần xây dựng cảnh giới Tịnh-Độ ngay tại đây, cảnh giới tự tịnh, không phải làm sạch sẽ....".

Chú Tâm Thành bảo, "Tết của đời mà không phải của đạo". Chú Tâm Tín lập luận liền, "Khổ đau là do chữ của ấy. Tết là Tết, thế thôi".

Phật-đản và Vu-lan là hai ngày lễ lớn; Các chú hoan hỷ nhất trong hai ngày ấy, dù có bận rộn trang hoàng đèn, cờ .v.v...

Thầy pháp huynh nhân dịp ấy giới thiệu đến các Chú những nét lịch sử đặc biệt của Thế Tôn. Hôm nay với nét mặt trang trọng khác mọi khi, và với giọng đầy xúc cảm, thầy nói chuyện lịch sử đức Phật, đưa các chú trở về xứ Ma Kiệt Đà, thành Vương Xá, trước Thánh chúng hân hoan và giải thoát.

Chú Tâm Ngộ phát biểu, "Thưa pháp huynh, con thích nhất và xúc động nhất về các nét rất là giản dị và rất người của Thế Tôn. Ngài đi chân không, nhặt cỏ khô làm thảo tọa; núp mưa qua đêm trong chái nhà lá bên vệ đường; dùng cơm trong bếp nấu của người đệ tử mù lòa; ngố tịnh thất với mấy tấm tranh cũ v.v... Thật là tuyệt diệu ! trong nét dung dị ấy lại đựng đầy một pháp giới trí tuệ và từ bi. Ngài là kết tụ của vũ trụ tinh anh!".

Chú Tâm Thành và Tâm Tín thì lặng lẽ trầm tư. Pháp huynh bấy giờ mới nở nụ cười tươi, thầy nói, "Tui cũng nghĩ thế. Chính nét dung dị nhất ấy là điểm siêu việt nhất và siêu phàm nhất".

Ngày Vu lan là ngày hiếu và hoan hỷ, là ngày Tết của nhà chùa. Trong không khí chan hòa niềm vui, chú Tâm Thành một độ cảm tác mấy vần thơ nhớ Mẹ:

Hôm nay con nhớ Mẹ
Đi đã mấy mùa thu
Tình thương lên cao vút
Trông ai xứ mịt mù.
Hôm nay con nhớ Mẹ
Nhớ lời ru từ bé
Ru lắng tâm hồn trẻ
Vào giấc ngủ bình an.
Hôm nay con thấy Mẹ
Là toàn cõi hư không
Và con là cánh én
Bay vào giữa mênh mông.
Hôm nay con nhớ Mẹ
Nhớ đầu mối từ tâm
Nhớ đầu nguồn giải thoát
Con dừng bước kiếm tầm.
Hôm nay con nhớ mẹ
Nhớ bóng dáng hoàng oanh
Hót trên càng liễu biếc
Nhớ Mẹ, nhớ trời xanh.

Thầy pháp huynh khen khá lắm và nói, "Ôi! Mẹ hiện ra như là Bồ-tát Địa Tạng!".

Sáng 16/7 âm lịch, chư Tăng đảnh lễ mừng tuổi hạ Hòa thượng. Hòa thượng sách tấn, "Ngày xưa, Thế Tôn chỉ dạy bằng thân và lời. Nay sức khoẻ đã yếu, tôi chỉ dạy bằng chính sự im lặng của tui. các thầy nhớ nỗ lực !"

Tiết mục tạp thoại chiều hôm ấy nói về thần thông giáo hóa và giáo dục vô ngôn. Pháp huynh ca ngợi thái độ giáo dục đầy tình người và trí tuệ đó. Không có một lý lẽ nào biện minh cho giáo dục con roi cả.

7. Ngày tảo tháp:

Ngày tảo tháp của chùa là ngày đầu tháng chạp mỗi năm. Tảo tháp là viếng tháp và làm sạch sẽ các tháp, mộ. Dịp nầy, các chú trình độ văn hóa Tú tài, được thưởng thức văn chương bia ký và học hỏi hạnh tu của chư vị tôn túc.

Thầy pháp huynh nói về truyền thống tháp mộ. Truyền thống này có từ thời Phật. Hình dáng ngôi tháp biểu mẫu mà Thế Tôn phác họa có ba phần chính, nền tháp là một chồng y xếp gấp; thân tháp là hình dáng chiếc bình bát; và đỉnh tháp là hình chiếc tích trượng (gậy). Thế là, tháp là sự sắp đặt lại hành trang của một Tỷ kheo trên đường về giải thoát. Thật ý vị ! Về sau, hình dạng đã biến đổi qua các vùng văn hóa khác nhau.

Địa điểm tảo tháp sau cùng là khuôn viên tháp trong vườn chùa. Thầy pháp huynh đã giảng bài châm trên bức chấn phong trên tháp của Hòa thượng. Phật tử Huế đã dựng tháp cho Hòa thượng lúc Ngài còn sống. Bài châm do Hòa thượng Quy Thiện cung soạn:

Hương giang chi nguyệt
Ngự lãnh chi vân
Sơn xuyên dục tú
Đỉnh xuất kỳ nhân
Giác trần thị huyễn
Duy đạo vi trân
Nghi huynh nghi đệ
Vô-Trước Thiên Thân
Chấn khởi thiền phong
Chiết phục tà thái
Hóa mãn diêm phù
Kỳ huynh nan tái
Vân ám trường thiên
Ba cuồng đại hải
Huệ chúc từ phàm
Duy sư thị lại
Vi giáo hội chủ
Vi chúng trung tôn
Giáo lưu Nam độ
Thục dự tỉ luân
Pháp hoằng gia vụ
Đạo kế tông môn
Nghi đoan biểu chánh
Mục kích đạo tồn
Bổng xướng tùy nghi
Nhơn hàm kính ngưỡng
Thanh tịnh nan danh
Ứng dụng vô lượng
Phật-Pháp đống lương
Tông môn bảo chướng
Tuyển Phật tràng trung
Lễ tôn Hòa thượng.
Xuân thành hậu tấn
Cửu phụ đức âm
Vô nhỉ biểu thành
Kiền bị chuyết châm
Nguyện thùy liên nhãn
Phủ giám qùy thầm
Vĩnh phụng trần sát
Tương thử thâm tâm.

Tạm dịch:

Trăng sông Hương
Mây núi Ngự
Núi sông đẹp đẽ
Khéo đúc nên người
Giác đời là huyễn
Chỉ đạo là quý
Xứng huynh xứng đệ
Như Vô Trước, Thế Thân
Chấn hưng nhà chùa
Chiết phục tà thái
Độ xong Ta-Bà
Người anh về Phật.
Than ôi ! mây phủ ngất trời,
Sóng gầm biển lớn!
Đuốc tuệ thuyền từ
Chỉ còn Ngài là chỗ nương.
Pháp Chủ Giáo-Hội
Bậc Chúng Trung Tôn
Truyền giáo đất Nam
Mấy ai sánh kịp.
Hoằng pháp là việc nhà
Nối tiếp mối đạo
Hình nghi đĩnh đạc
Trừng mắt là đạo
La đánh tùy cơ
Mọi người đều kính
Thanh tịnh khó bàn.
Ứng dụng vô cùng
Đống lương Phật pháp
Bình phong nhà chùa
Trong trường tuyển đạo,
Được tôn Hòa thượng.
Kẻ đời sau ở Huế
Từ lâu nhờ đức
Lấy gì bày tỏ lòng thành,
Bèn cung soạn bài châm vụng về
Mong Ngài hạ cố chứng minh,
Nguyện đem thâm tâm
Mãi mãi phục vụ chúng sanh.

Chiều ấy, theo đà,thầy pháp huynh giảng tiếp hai câu đối trước bàn hậu Tổ và trước điện:

Câu 1:

"Lâm phong thuyết pháp ba ưng trụy,
Đối Nguyệt đàm kinh thạch điểm đầu".

(-Trước gió nói pháp,hoa muốn rơi,
- Dưới trăng luận đạo, đá gật đầu.)

Câu 2:

"Kiến tánh ly trần, siêu phân biệt, nhi tùy duyên tự tại.
Chơn tâm vô vọng, xuất thị phi, dĩ diệu huệ trang nghiêm"

(- Thấy thật tánh, rời tham ái các trần, vượt ra khỏi chấp thủ các tướng, theo duyên mà tự tại.
- Tu chính tâm, không có sai lầm, thoát khỏi phải trái, lấy trí tuệ để trang nghiêm)

Khách nhàn du có thể tìm thấy bóng dáng chân lý khắp cảnh chùa: từ cổng chùa, tháp, hiên chùa, và từ nếp sinh hoạt. Chùa xuất hiện như một cảnh giới tịnh độ thu nhỏ. Tất cả đang nói diệu pháp.

Thầy pháp huynh bảo rằng sự ngăn cách duy nhất giữa mình và chân lý là chính mình. Đó là bí mật của cuộc đời! Điều bí mật đó đẩy con người đến một chọn lựa:

- Hoặc nắm giữ tư duy ngã tính và dục vọng để bí mật kia tiếp tục tồn tại;
- hoặc chế ngự dục vọng và tư duy ấy để giải thoát.

Tảo tháp và kỵ là lúc các chú có dịp mở rộng tầm nhận thức, lòng tôn kính, và có các thức ăn thượng vị. Chú Tâm Tín cho rằng thức ăn thượng vị của nhà chùa vẫn là quả bùi và chao kho. Có yếu tố đạo tình trong đó, khó giải thích lắm ! Sự hân hoan nào, dù là sự hân hoan đến từ quả bùi và chao kho, cũng có tác dụng đánh tan sầu muộn và giảm nhẹ thân bệnh.

8. Hành thị giả:

Sau sáu tháng hành điệu, chú Tâm Ngộ được chọn làm thị giả cho Hòa thượng. Chú học cách thức nấu nướng ngót ba tuần lễ. Chú không thạo việc, nhưng hạnh tế. Chú có nét tịnh khi hầu quạt hay hầu trà, thường được Hòa thượng hoan hỷ dạy chuyện.

Một lần Hòa thượng hỏi trắc nghiệm, "Nếu nói để hạt cải vào trái núi thì được; còn nếu nói để trái núi vào hạt cải cũng được, thì con nghĩ sao?"

Chú bạch, "Con không biết cắt nghĩa sao. Nhưng hẳn con tin rằng nếu không làm được thì đã không có nghĩa tự tại giải thoát."

- "Nghe giọng nói con có lòng thâm tín chư Phật, nhưng rõ thì chưa."

Chú Tâm Ngộ đã phải suy nghĩ hai ngày mà vẫn chưa sáng lên một lời đáp nào. Qua ngày thứ ba, thầy pháp huynh gợi ý rằng Phật giáo chỉ nói một chuyện thôi, đó là vô ngã hay duyên khởi. Đó là giáo lý thậm thâm.

Sau đó, chú bạch, "Kính bạch, núi và hạt cải đều vô ngã. Đã vô ngã thì không ngăn ngại nhau. Không ngăn nhau thì nhiếp nhau. Hạt cải là pháp giới, nên để bao nhiêu trái núi vào cũng được."

- "Nghe được đó. Mà đó chỉ là chuyện của sách vở", Hòa thượng bật cười.

Chú Tâm Ngộ từ đó cứ rơi vào trầm tư về vấn đề ấy. Một tuần lễ sau, Hòa thượng dạy chú hành thiền chỉ và thiền quán, và bảo, "cứ tư duy mãi về vô ngã!". Lâu lâu Hòa thượng lại hỏi dò chú về công phu ấy.

Về sau, có lần chú Tâm Ngộ nói, "Có lúc tôi cảm thấy vô ngã hiện rõ hơn là cuộc đời".

Một sáng sớm chú vô ý đánh vỡ chiếc bình trà quý đời Thanh. Chú ngỡ là sẽ bị Hòa thượng quở nặng, nhưng không ngờ lại nghe Hòa thượng dạy, "Vỡ thì thôi. Lấy chiếc bình đất thay vào". Chú thấy lòng mừng khấp khởi. Nỗi mừng kéo dài chưa lâu thì chú lại rơi vào tư lự: "Chiếc bình quý vỡ chỉ làm dấy lên trong mình niềm lo sợ, mà chẳng làm dấy lên một niệm giác tỉnh nào. Sao lại không nghe được một tí vô thường nhỉ?!"

Nụ cười trái tim:

Hòa thượng rất oai nghiêm. Khi cười thì đầy hoan hỷ. Là thị giả hầu cận, chú Tâm Ngộ nhiều lần chứng kiến nụ cười của Hòa thượng ở trong phòng tắm mà chú gọi là nụ-cười-trái-tim.

Một hoàng hậu đời Thanh bảo, "Con người thật chỉ xuất hiện khi tắm". Lời nói đó như có thiếu cái gì cần được thêm vào. Con người thật thì ở đâu cũng thật. Hệt như ca dao Việt Nam: "Trúc xinh trúc mọc bờ ao, em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh". Chú đã nhận ra nụ cười của Hòa thượng khi tắm, thanh thoát như nụ cười trên bồ đoàn. Nụ cười và tiếng nói phản ảnh tâm hồn còn trung thực hơn cả đôi mắt. Người ta có thể dấu lòng mình sau đôi mắt, nhưng không thể dấu lòng mình sau ngôn ngữ (âm thanh).

Đấy là ý nghĩa của nụ-cười-trái-tim.

Câu chuyện thị giả của chú Tâm Ngộ là câu chuyện dài, nhưng có thể cô kết lại bằng lời phát biểu chân tình của chú, "Ở đời có đối tượng để tôn kính và phục vụ là điều đại hạnh".

Sự im lặng sáng tạo:

Mỗi sự im lặng có một nội dung riêng. Có sự im lặng đầy lo âu, căng thẳng, hay trống rỗng .v.v.., vùng im lặng quanh bồ đoàn của Hòa thượng có một nội dung khác. Chú gọi là sự im lặng không tên, hay sự im lặng của chánh pháp. Giáp mặt với sự im lặng đó, thoạt đầu chú thấy lúng túng ở hai bàn tay; dần dần thích ứng và hân hoan. Tại đó, tâm chú được nhiếp tịnh.

Có khi chú gọi sự im lặng ấy là sự im-lặng-hòa-thượng. Nay thì chú gọi là sự im-lặng-sáng-tạo, bởi vì nó rất sống động và mới mẻ qua từng chốc. Chú có thể nhàm chán nhiều thứ, nhưng không khi nào nhàm chán sự im lặng đó. Chính nó lại có tác dụng xua tan các chán nản, mệt mỏi, cô đơn.

9. Học luật sa di:

Hòa thượng thân hành dạy Luật, Tỳ Ni, Oai nghi và Cảnh-Sách cho chú Tâm Ngộ mỗi chiều.

Hòa thượng đi qua các ngôn ngữ và ý nghĩa rất nhanh. Chú Tâm Ngộ phải dành tất cả thì giờ còn lại trong ngày để sửa soạn trước mới theo kịp. Nhưng đi vào phần hành sự, thì Hòa thượng dạy rất kỹ. Sau bốn tháng học xong bộ luật sa di (bao gồm Tỳ Ni, Oai nghi và Cảnh Sách), chú Tâm Ngộ đã có một bước tiến khá dài. Các dục vọng, ưu sầu chìm lắng thật sâu (có thể nói là tan đi) trong thời gian đó. Chú đã tâm sự, "Sau nầy, nếu tôi rành rẽ về sự, và thông thạo giáo lý, tôi cũng không thể biểu hiện được cách dạy đặc kỳ của Hòa thượng. Lối dạy vừa trao truyền kiến thức vừa làm tiêu lòng dục của người đệ tử. - Kiến thức uyên bác kết hợp với kỹ thuật giáo dục tiên tiến chưa thể đem lại kết quả đó, trừ phi trong ngôn ngữ và thái độ giảng dạy có chuyên chở giải thoát của tự thân".

10. Lễ thọ Sa Di giới:

Ngày lễ vía đức Phật A Di Đà năm 1963 là ngày thọ sa Di giới của các chú Tâm Thành, Tâm Tín và Tâm Ngộ. Hòa thượng Tường Vân làm Đàn đầu, và Hòa thượng Châu Lâm làm Yết ma. Buổi lễ đã để lại nhiều xúc động cho các giới tử.

Nghi thức vọng lễ ân quốc gia, xã hội và gia đình nói với các giới tử rằng hãy gác lại các ân nghĩa ấy trong suốt thời gian hành pháp xuất thế. Nói đúng hơn, chính đời sống xuất thế là hình thức đáp lại các ân nghĩa ấy một cách cao thượng hơn. Các giới tử đã đi qua phần nghi lễ một cách ngậm ngùi, nhưng cương quyết.

Đến phần xuống tóc, Hòa thượng dạy:

"Lành thay bậc đại trượng phu
Thấu rõ đời là vô-thường
Bỏ thế tục mà hướng Niết Bàn
Thật hiếm có siêu việt.
Xả thân hình giữ khí tiết
Cắt ân ái, từ giã thân thuộc
Xuất gia hoằng dương Phật pháp
Thề độ hết thảy mọi người".

Lời dạy đó đã xác định hai việc làm chính của người xuất gia:

- Học, hiểu và hành giải thoát;
- Giới thiệu con đường giải thoát đến mọi người.

11. Lễ thọ Cụ túc giới:

Cụ túc giới là giới Tỷ Kheo.

Chỉ bốn tháng sau ngày thọ Sa Di giới, chú Tâm Ngộ được Hòa thượng cho phép thọ Cụ túc giới tại giới đàn thống nhất tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự, Saigon, vào năm 1964. Chú bối rối trước quyết định ấy của Hòa thượng, bởi sợ khó kham giữ giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa (250 giới). Thấy rõ nỗi lo lắng đó, Hòa thượng dạy lời trấn an, "Giới Cụ túc tuy có 250 giới, nhưng với căn tánh của con, con chỉ cần giữ gìn một điều là đủ, đó là ý giới. Cứ giữ tâm ý an tịnh như con đang giữ". Chú cúi đầu phụng hành. Bấy giờ chú vừa tròn 22 tuổi đời.

Niềm xúc động lúc thọ Cụ túc và Bồ tát giới còn lớn lao hơn nhiều so với niềm xúc động lúc thọ Sa Di giới. Bấy giờ là lúc Chú cần khẳng định rõ ràng với tự thân rằng giải thoát là lẽ sống duy nhất, và hoằng đạo là sứ mệnh phục vụ đời. Trước lý tưởng xuất gia, chú cảm thấy mình bé nhỏ hơn bao giờ hết. Con đường trước mặt là để buông, mà không phải để nắm; để phục vụ, mà không phải để thụ hưởng. Chú phải xử lý thế nào với đôi bàn tay bé nhỏ của chú ? với hiểu biết và định lực mỏng manh của chú ? Hành trang hiện tại, chú chỉ có một niềm tin được khơi dậy và được nuôi dưỡng nhờ Hòa thượng, chú phải làm gì với niềm tin nầy ? Các câu hỏi ấy liên tiếp dấy khởi lên trong lòng chú, kết thành một tràng ưu tư triền miên.

Tay mân mê chiếc y vàng 21 điều (Đại y) mà Hòa thượng đã trao cho Chú trước ngày thọ đại giới, chiếc y mà Hòa thượng đã sử dụng qua một thời gian dài, chú Tâm Ngộ cảm động đến ứa nước mắt. Những hạt nước mắt hạnh phúc của ngày thọ giới trào ra từ cõi lòng đầy lo âu của chú. Các ngày tháng tiếp theo là những ngày tháng của trách nhiệm và ưu tư khiến lòng chú trĩu nặng....

Một hôm, Hòa thượng gọi chú đến và bảo, "Tu là giữ chánh niệm. Đừng để lòng dao động vì bất cứ suy nghĩ nào, dù là suy nghĩ về tương lai giải thoát. Theo dõi và giữ gìn tâm an tịnh trong hiện tại là đủ. Cái gì phải đến sẽ đến. Đừng bận tâm về nó". Chú khắc ghi lời dạy vào lòng, nhưng tâm vẫn cứ dao động, dao động qua nhiều tháng ngày sau nữa.

Ngày thọ Cụ túc giới, về sau chú Tâm Ngộ hiểu, đánh dấu ngày đầu chú thực thụ đi vào Hội chúng giải thoát, ngày của sự sửa soạn những bước đi. Luôn luôn là những bước đi; luôn luôn ở trên con đường, mà không phải là nơi đến. Từ đó, chú cảm thấy an lạc hơn trong từng bước đi, tan đi nhiều dao động của tâm lý cũ. Cái tâm lý trách nhiệm nghĩ về nơi đến.

12. An Cư và Tự Tứ:

Mỗi năm, nhà chùa sống trọn ba tháng, từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy âm lịch, để kiểm thúc thân tâm gọi là An cư hay Kiết hạ.

Lễ thọ An cư được cử hành đơn giản. Tất cả nương tựa vào sự hướng dẫn của Hòa thượng. Mỗi vị Tỳ kheo chỉ nói lên lời phát nguyện cấm túc ba tháng nghiêm trì giới luật theo thể lệ An cư của tập thể, và cầu nương tựa Hòa thượng như là vị Luật sư hay Thiền chủ. Sau phần phát nguyện đó, Hòa thượng tuyên bố các phạm vi sinh hoạt của chư Tăng giới hạn trong phạm vi chùa, trừ buồng kho và nhà trù. Chỉ khi có duyên sự đặc biệt và được Chúng chấp thuận thì Tỷ kheo mới được phép đi ra khỏi phạm vi quy định trong một khoảng thời gian giới hạn.

Lễ Tự tứ cũng tiến hành đơn giản. Đấy là lễ kết thúc mùa An cư, trở lại với sinh hoạt tu tập bình thường. Các ngày trước và sau lễ Tự tứ là các ngày hoan hỷ nhất của chư Tăng.

13. Ngày Bố Tát:

Còn gọi là ngày Trưởng tịnh. Sáng ngày rằm và ba mươi âm lịch (ngày 29 âm lịch, nếu là tháng thiếu) mỗi tháng, chư Tăng cố đô Huế tề tựu về chùa Linh Quang, Huế, để làm lễ Bố tát. Ngày hôm đó có mặt rất đông các Phật tử tại gia thọ Thập thiện giới và Bồ tát giới nữa. Tại Linh Quang, chư Tăng được nghe tụng giới bổn Ba La-Đề Mộc-Xoa và kinh Phạm võng (Bồ tát giới xuất gia), và được dịp chiêm ngưỡng chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa. Đấy là hai ngày đầy hoan hỷ và phấn khởi mỗi tháng. Tâm giải thoát được thêm duyên hưng phấn.

Chú Tâm Ngộ phát biểu, "Nếu hồi nhỏ, những ngày theo mẹ đến chùa, về ngoại đã để lại các ấn tượng về quê hương như thế nào, thì ngày nay hình ảnh của những ngày Bố tát cũng để lại hình ảnh của quê hương giải thoát như thế".

14. Lễ Sám hối:

Nhà chùa sám hối mỗi ngày vào thời công phu chiều. Nhưng, vào chiều 14 và 29, 30 âm lịch (ngày 28, 29 nếu là tháng thiếu) mỗi tháng, tất cả Chúng đều vào dâng lễ sám (trừ Hòa thượng), chuẩn bị tâm thanh tịnh cho ngày Bố tát.

Sám hối là tự nhìn thấy các điểm sai lầm của thân, khẩu, ý, và tự hứa không tái phạm trước ảnh, tượng Thế Tôn.

Kết thúc lễ sám (phần sám) là bài kệ:

"Tội tùng tâm khởi, tùng tâm diệt
Tâm nhược diệt thời, tội diệt vong.
Tội vong tâm diệt lưỡng cu không.
Thị tắc danh vi chân sám hối "

Tạm dịch:

Tội do tâm khởi, cũng do tâm diệt
(tội do tâm khởi, đem tâm sám)
Tâm đã tịnh rồi, tội liền tiêu.
Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không
Thế mới gọi là chân sám hối.

Bài kệ dạy rõ các sai lầm là khởi lên từ tâm, thì cũng từ tâm mà loại bỏ các sai lầm ấy; không thể chờ đợi một phép lạ nào khác. Khi tâm lý ổn định và thanh tịnh, thì sai lầm sẽ không còn chỗ tồn tại. Nếu có trí tuệ thấy rõ tánh duyên sinh không thực của thân hành, khẩu hành và ý hành, tất cả đều không thật, thì tâm an lạc giải thoát sẽ khởi, và tâm vọng động sẽ lắng. Làm được vậy mới thể hiện đúng nghĩa của sám hối. Nội dung của lễ sám hối, như vậy là hình thức nhắc nhở người xuất gia trở về trách nhiệm tự tâm loại bỏ các vọng tâm, phiền não; trở về với thiền quán vô ngã của thân và tâm.

15. Lễ Chúc Tán:

Lễ chúc tán được cử hành vào 4g30 sáng rằm và mồng một mỗi tháng. Hòa thượng luôn luôn có mặt trong lễ nầy để niêm hương, đảnh lễ Phật, Pháp và chư Tổ, dù là những sáng mùa đông buốt lạnh.

Buổi lễ bao gồm phần nguyện hương, tán hương, tụng lời nguyện của tôn giả A-Nan, chú Lăng nghiêm, thập chú và lạy thù ân.

Sau phần niêm hương, Hòa thượng đảnh lễ Phật cho đến hết năm đệ Lăng nghiêm thì trở vào tịnh liêu. Chư Tăng tiếp tục cho đến cuối lễ.

Chỉ nghe giọng xướng pháp ngữ của Hòa thượng là đủ thấy lòng lắng tịnh và trang nghiêm, thanh thoát.

Bài nguyện hương chuyên chở đủ các nét tinh yếu của con đường giải thoát:

"Nguyện đám mây hương mầu nhiệm này
Bay khắp đến mười phương pháp giới
Để dâng cúng hết thảy chư Phật
Chư Pháp, chư Bồ tát, Thinh văn
Và hết thảy Thánh Hiền.
Mây hương kết thành đài Duyên khởi sáng
Ứng tánh làm Phật sự
Xông hương khắp chúng sinh
Khiến chúng sinh phát tâm cầu giải thoát
Rời xa các hành động sai lầm (của thân, khẩu,ý)
Thành tựu đạo Vô thượng".

Mây hương của nhà chùa là mây hương gồm năm phần: giới, định, tuệ, giải thoát và tri kiến giải thoát. Dâng cúng mười phương chư Phật, chư Bồ tát và chư Thánh, Hiền là dâng cúng công đức tu tập giới, định, tuệ, giải thoát và tri kiến giải thoát, mà không phải là hương trầm. Hương trầm chỉ là phương tiện bày tỏ. Công đức tu tập giải thoát đó nhằm chứng nhập pháp giới Duyên khởi và khai mở tâm chúng sinh cho tỏ ngộ mà chuyển mê thành giác. Cầu mong tất cả thành Phật quả.

Lời nguyện hương quả là cao thượng, tuyệt vờí!

Bài tán hương, toàn chúng đồng tán, với ý nghĩa tương tự được diễn dạt một cách khác rằng:

"Đốt lên năm phần hương trong tâm
(giới, định, tuệ, giải thoát và tri kiến giải thoát)
Cho hương bay đến khắp pháp giới.
Như Hương Yên Đồng Tử nghe hương trầm
Mà tỏ ngộ thật tướng nhờ thiền quán mùi hương (hương do duyên sinh, vô ngã)
Phép thiền quán về mũi và hương thật thoát tầm tư duy.
Như hoa linh thoại nở đúng thời tiết tốt đẹp,
Mới xứng nghĩa dâng cúng Phật"

Tất cả cũng chỉ để nhắc nhở Tăng chúng về công phu tu tập giới, định, tuệ và pháp thiền quán vô ngã, vô thường.

Lời nguyện của tôn giả A-Nan trong bài tựa kinh Thủ lăng nghiêm bao gồm hạnh tự độ và độ tha (hạnh Thinh văn và Bồ tát):

- Nguyện đoạn trừ tất cả vọng tưởng để thành tựu giải thoát.
- Nguyện độ hết thảy chúng sanh trước khi vào Niết bàn. Nếu còn một chúng sanh chưa thành Phật thì quyết sẽ còn ở lại sinh tử để hóa độ.

Qua lời nguyện lớn ấy, ai dám bảo tôn giả A-Nan là bậc Thinh văn hữu học, mà không phải là Bồ tát?

Phần lạy thù ân là phần chúng Tăng nuôi dưỡng lòng tôn kính và biết ân Phật, Pháp, Bồ tát và Tăng bảo.

Sau lễ chúc tán là phần chấp tác của các chú, và là tuần trà đầy thiền vị của chư Tăng.

16. Lễ Quy y - Lễ Hằng Thuận:

Đây là hai lễ dành cho các Phật tử. Lễ Quy y là lễ trao truyền "Tam quy" và "Ngũ giới" cho các Phật tử tại gia (các người đời), không phân biệt hạng tuổi, giai cấp hay phái tính. Sau buổi lễ các giới tử trở thành người Phật tử tại gia, ở mặt hình thức. Hòa thượng thường chủ trì buổi lễ này.

Lễ Hằng thuận là lễ đám cưới, thực hiện phần giáo lễ trước khi thực hiện phần gia lễ dành riêng cho hai nhà trai và nhà gái. Lễ được cử hành tại chùa, thường đặt dưới sự chủ trì của thầy trưởng và thầy pháp huynh.

Nghi lễ đơn giản bao gồm phần cầu an, trao nhẫn cưới và các lời dạy của chư Tăng. Thầy trưởng và thầy pháp huynh thường nói lại kinh " Đảnh lễ sáu phương" (thuộc Nikàya và A-hàm), nhấn mạnh phần bổn phận vợ đối với chồng - chồng đối với vợ, trước lúc trao nhẫn.

Lễ cưới, với hình thức giáo lễ, ở ngoài phần hành đạo của chư Tăng; nhưng nhà chùa đã phương tiện thực hiện theo yêu cầu của các gia chủ, và gọi đó là lễ hằng thuận. Hằng thuận vừa mang ý nghĩa phương tiện "hằng thuận chúng sanh" của nhà chùa, vừa mang ý nghĩa hướng dẫn người đời sống hằng thuận.

17. Ứng phó đạo tràng:

Ứng phó đạo tràng là công việc hóa duyên của nhà chùa, bao gồn các lễ cầu an, cầu siêu và đám tang tại các tư gia. Có chùa khá bận rộn với các việc ứng phó đạo tràng; có chùa chuyên sâu tu tập.

Thầy pháp huynh, chú Tâm Tín và Tâm Thành thỉnh thoảng đi hóa duyên. Thầy bảo rằng đấy là một hình thức hoằng đạo đối với những người sơ cơ, hầu giúp họ có nhân duyên đến với đạo và tin đạo. Nghi lễ Phật giáo, lời kinh Phật, cung cách của nhà chùa đều có tác dụng khơi dậy niềm tin Phật từ các gia chủ và các thân nhân. Những câu chuyện đạo trao đổi với các gia đình đến hóa duyên đều nhằm vào việc khai mở thiện tâm cho họ, vì căn cơ của người đời khác nhau nên việc hoằng đạo cần được thể hiện qua nhiều ngõ phương tiện khác nhau để dẫn dắt họ dần dần đến với pháp bố thí, trì giới, học hỏi và tu tập giáo lý. Đừng ngộ nhận Phật giáo truyền thống với các hình thức ứng phó đạo tràng có tính giai đoạn ấy, trên quá trình phát triển Phật giáo.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567