Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2.09 Bát Thánh Đạo

19/02/201102:41(Xem: 10689)
2.09 Bát Thánh Đạo

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Phật Học Khái Luận
Thích Chơn Thiện In Lần Thứ Hai - 1997

Chương Hai - Pháp Bảo
Tiết IX

Bát thánh đạo


Bát Thánh Đạo còn được gọi là con đường Thánh gồm có tám chi: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Con đường này đưa hành giả và suối Thánh, chảy về Niết-bàn nên được gọi là Thánh đạo.

Bát Thánh đạo là giáo lý căn bản của Đạo đế (trong Tứ đế) gồm ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Đây là con đường độc nhất đi vào giải thoát hết thảy các lậu hoặc. Hành giả có thể đi vào giải thoát bằng ngõ Bảy Giác chi, Bốn Niệm xứ... nhưng tất cả những ngõ đường ấy đều được bao hàm trong Bát Thánh đạo. Hành giả cũng có thể tuyên bố đi vào giải thoát bằng pháp môn Tịnh độ, Mật,... nhưng xét kỹ thì hành giả vẫn phải vận dụng các chi phần của Bát Thánh đạo. Nếu tâm của hành giả hành các pháp môn ngoại đạo, ở ngoài sự vận dụng tám chi phần Bát Thánh đạo, thì quyết định hành giả không thể chứng đắc các quả vị của Sa-môn, đi vào giải thoát toàn vẹn, như lời dạy của Thế Tôn ở Sư Tử Hống Tiểu Kinh (Trung Bộ Kinh I).

Nội Dung Của Bát Thánh Đạo

Chánh Tri Kiến:

Có nhiều định nghĩa về chánh tri kiến rải rác khắp các kinh của A-hàm và Nikàya. Hiểu rõ Tứ Thánh đế là chánh tri kiến. Thấy rõ Duyên khởi là chánh tri kiến. Thấy các pháp là Vô ngã là chánh tri kiến. Ở đây giới thiệu thêm một số định nghĩa tiêu biểu nữa:

- "Khi một vị Thánh đệ tử biết được bất thiện và biết được căn bản của bất thiện, biết được thiện và căn bản của thiện, này chư Hiền, khi ấy vị Thánh đệ tử có chánh kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này". (Kinh Chánh Tri Kiến, Trung Bộ I, tr. 47).

Thiện pháp được đề cập ở trên là mười thiện nghiệp; căn bản của thiện pháp ấy là vô tham, vô sân, vô si.

Bất thiện pháp là mười ác nghiệp; căn bản của bất thiện pháp này là tham, sân, si.

- "Biết tập khởi của thức ăn, biết đoạn diệt của thức ăn và con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn, này chư Hiền, khi ấy vị Thánh đệ tử có chánh kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này". (Sđd., tr. 47A).

- "Khi nào vị Thánh đệ tử biết già chết, tập khởi của già chết, đoạn diệt của già chết và con đường đưa đến đoạn diệt già chết, này chư Hiền, khi ấy vị Thánh đệ tử có chánh kiến..." (Sđd., tr. 49).

Tương tự với phát biểu về già chết, ta có các định nghĩa về chánh kiến liên hệ đến mười một chi phần còn lại của Duyên khởi.

Chánh kiến còn được định nghĩa rằng:

- Biết được chánh kiến là chánh kiến, tà kiến là tà kiến.
- Biết được chánh ngữ và tà ngữ.
- Biết được chánh nghiệp và tà nghiệp.
- Biết được chánh mạng và mạng.
- Biết được chánh tinh tấn và tà tinh tấn.
- Biết được chánh niệm và tà niệm.
- Biết được chánh định và tà định.

(Kinh Đại Tứ Thập, Trung Bộ III, tr. 206 - 208 bản dịch của HT. Minh Châu).

Có hai loại chánh kiến: chánh kiến hữu lậu có sanh y, và chánh kiến vô lậu, siêu thế, không có sanh y.

Thấy có bố thí, có cúng dường, có lễ hy sinh, có quả báo có các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời khác, có mẹ, có cha, có các loại hóa sinh, ở đời có các bậc Sa-môn, Bà-la-môn, như vậy là chánh kiến hữu lậu. Ngược lại là tà kiến. (Theo Kinh Đại Tứ Thập, Trung Bộ III, Sđd., tr. 207; Hán tạng tương đương; Kinh Trị Ý, Đại 1, 919).

Phàm cái gì thuộc tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp giác chi, chánh kiến, đạo chi của một vị thành thục Thánh đạo A-la-hán, có vô lậu tâm, chánh kiến như vậy là chánh kiến vô lậu, siêu thế. (Sđd., tr. 207).

Chánh Tư Duy:

Tương tự các định nghĩa về chánh kiến, ta có định nghĩa về chánh tư duy như sau:

- Tư duy về Tứ Thánh đế, Bát Thánh đạo, về Duyên khởi, Vô ngã là chánh tư duy. Tư duy trên căn bản Duyên khởi, Vô ngã, Tứ đế là chánh tư duy.

Chánh tư duy cũng có hai thứ: Chánh tư duy hữu lậu và chánh tư duy vô lậu. Chánh tư duy hữu lậu thì rơi vào phước báo, đưa đến quả sanh y (có nhân để tái sanh), gồm có tư duy để xuất ly (xuất ly tư duy), tư duy để vô sân (vô sân tư duy) và tư duy để vô hại (vô hại tư duy). Tư duy để rơi vào tham ái, sân hận và tác hại gọi là tà tư duy.

Phàm cái gì thuộc tư duy, tầm cầu tư duy, một ngữ hành nào do hoàn toàn chú tâm, chuyên tâm của một vị thành thục trong Thánh đạo, có vô lậu tâm, có Thánh tâm, chánh tư duy như vậy là chánh tư duy vô lậu, siêu thế (Sđd., tr. 208).

Chánh Ngữ:

- Chánh ngữ hữu lậu thì buộc phước báo có sanh y, gồm các lời nói viễn ly vọng ngữ, viễn ly ác khẩu, viễn ly lưỡng thiệt (nói hai lưỡi), viễn ly ỷ ngữ (... các lời phù phiếm). Ngược lại là tà ngữ.

- Cái gì thuộc từ bỏ, từ khước bốn ngữ ác hành trên, thuộc bậc Thánh, thuần thục trong Thánh đạo (A-la-hán), có vô lậu tâm, như vậy là chánh ngữ vô lậu (Sđd., tr. 208).

Chánh Nghiệp:

- Chánh nghiệp hữu lậu thuộc phước báo có sanh y, gồm từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục. Ngược lại là tà nghiệp.

- Cái gì thuộc từ bỏ, từ đoạn, từ khước ba thân ác hành của một bậc Thánh thuần thục trong Thánh đạo (A-la-hán), có vô lậu tâm gọi là chánh nghiệp vô lậu (Sđd., 209).

Chánh Mạng:

- Chánh mạng hữu lậu thuộc phước báo có sanh y, gồm từ bỏ tà mạng, từ bỏ nuôi sống với tà mạng, sống với chánh mạng.

Ngược lại, sống lừa đảo, gian trá lấy lợi cầu lợi là tà mạng.

- Cái gì thuộc từ bỏ, từ đoạn, từ khước tà mạng của bậc Thánh thuần thục trong Thánh đạo, có vô lậu tâm (A-la-hán) gọi là chánh mạng vô lậu (Sđd., tr. 210).

Chánh Tinh Tấn:

- Tinh tấn nỗ lực đoạn trừ tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà niệm, tà định để thành tựu chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm và chánh định, gọi là chánh tinh tấn; chánh tinh tấn cũng có hai phần: hữu lậu và vô lậu (Sđd., tr. 210).

Chánh Niệm:

Các niệm tưởng đoạn trừ tà kiến, tà ngữ, tà mạng, tà nghiệp, đạt được nhờ trú chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp gọi là chánh niệm. Ngược lại là tà niệm. Chánh niệm cũng có hai phần hữu lậu và vô lậu. (Sđd., tr. 210).

Chánh Định:

Thế Tôn định nghĩa: "Thế nào là Thánh chánh định với các cận duyên và tư trợ? Chính là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm. Này các Tỷ-kheo, phàm có nhứt tâm nào được tư trợ với bảy chi phần này, như vậy, gọi là Thánh chánh định cùng với các cận duyên và tư trợ". (Sđd., tr. 205).

"Do có chánh kiến, chánh tư duy khởi lên; do có chánh tư duy, chánh ngữ khởi lên; do có chánh ngữ, chánh nghiệp khởi lên; do có chánh nghiệp, chánh mạng khởi lên; do có chánh mạng, chánh tinh tấn khởi lên; do có chánh tinh tấn, chánh niệm khởi lên; do có chánh niệm, chánh định khởi lên; do có chánh định, chánh trí khởi lên; do có chánh trí, chánh giải thoát khởi lên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đạo lộ của vị hữu học gồm có tám chi phần, và đạo lộ của vị A-la-hán gồm có mười chi phần". (Sđd., tr. 211).

Như thế, định nào có mặt chánh kiến gọi là chánh định, định nào không có mặt chánh kiến thì gọi là tà định. Với bậc hữu học thì chánh định được gọi là chánh định hữu học, với bậc vô học gọi là chánh định vô học.

Kinh Đại Tứ Thập (Trung Bộ III) và Kinh Chánh Tri Kiến (Trung Bộ I) xác định chánh kiến là chi phần chủ yếu của Bát Thánh Đạo của Đạo đế, hay của con đường giải thoát khổ đau. Có chánh tri kiến thì mới có mặt của chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Không có chánh kiến thì chỉ có mặt tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm và tà định.

Chánh tinh tấn và chánh niệm luôn luôn được vận dụng để thành tựu các chi phần còn lại, do đó, ba chi phần chánh kiến, chánh tinh tấn và chánh niệm luôn luôn cùng có mặt trong việc tu tập để thành tựu các chi phần kia. Các chi phần kia thành tựu là để đi đến thành tựu chánh kiến của hữu học và vô học.

Bát Thánh Đạo Và Các Phẩm Trợ Đạo

Đạo đế có khi được Thế Tôn đề cập đến như là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, có khi được Thế Tôn đề cập đến như là Bát Thánh đạo. Điều này cho chúng ta thấy Bát Thánh đạo cũng chính là ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Chánh niệm trong Bát Thành đạo chính là nội dung của tứ Niệm xứ; Chánh tinh tấn là nội dung của tứ Chánh cần; chánh niệm cũng chính là niệm căn, niệm lực của Ngũ căn, Ngũ lực, là niệm giác chi của bảy Giác chi; chánh tư duy là trạch pháp giác chi; chánh kiến là tuệ căn, tuệ lực; chánh định là hỷ, khinh an, định, xã giác chi. Tứ như ý túc (dục định, tinh tấn định, tâm định và tư duy định) chính là tinh tấn, chánh niệm, chánh định và chánh tư duy.

Tại đây, ta có thể mạnh dạn đi đến kết luận rằng:

- Con đường tu tập giải thoát của Phật giáo không đi ngoài ba mươi bảy phẩm trợ đạo.

- Con đường tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo để đoạn tận ái, thu, vô minh, không đi ra ngoài Bát Thánh đạo.

- Con đường tu tập Bát Thánh đạo lại quy vào chi phần chánh tri kiến.

Ở đây hiện rõ nét đạo Phật là đạo của trí tuệ, của giác ngộ. Đây là đích đến của một bậc Đại nhân như kinh "Bát Đại Nhân Giác" nói đến "Duy tuệ thị nghiệp".

Sự có mặt của trí tuệ thì đẩy lùi tất cả những gì của thế giới vọng tưởng, vô minh, đẩy lùi sinh tử và làm hiển hiện Niết-bàn.

Bát Thánh đạo xuất hiện thì Bát tà đạo biến mất. Bát Thánh đạo, do đó, là nhân duyên của sự đoạn diệt thế giới vọng tưởng của tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm và tà định.

Nếu thu gọn con đường tu tập giải thoát của ba mươi bảy phẩm trợ đạo thì chúng ta có thể trình bày Bát Thánh đạo dưới hình thức thu gọn hơn nữa là Giới uẩn, Định uẩn và Tuệ uẩn. Chánh kiến và chánh tư duy thuộc Tuệ uẩn: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc Giới uẩn; và chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định thuộc Định uẩn. Cho nên, chúng ta có thể phát biểu con đường giải thoát là con đường trí tuệ (chánh kiến), con đường của Giới, Định, Tuệ hay là con đường Bát Thánh đạo.

Tu Tập Bát Thánh Đạo

Tu tập chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là tu tập mười thiện nghiệp của thân, khẩu, ý (không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, thô ác, không nói lời phù phiếm, không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, sinh sống chơn chánh, chế ngự tham, sân, si, là thực hành Giới bổn). Đây là tu tập Giới.

Tu tập chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định là tu tập Tứ niệm xứ và Tứ chánh cần, là hành Thiền định (Thiền chỉ và Thiền quán).

Luôn luôn an trú chánh niệm trên các suy tưởng về vô dục, vô sân, vô si, vô hại là tu tập chánh tư duy.

Tu tập chánh kiến là làm thế nào để phát khởi chánh kiến. Để phát khởi chánh kiến, hành giả cần đến năm duyên hỗ trợ: giới, văn, thảo luận, Thiền chỉ (Samatha) và Thiền quán (Vipassana) (theo kinh Hữu Minh Đại Kinh, Trung Bộ I, Sđd., tr. 294).

Có thể phát biểu ngắn gọn hơn rằng, để chánh kiến xuất hiện, hành giả cần đến hai duyên hỗ trợ là như lý tác ý và tiếng nói của người khác (Sđd., tr. 294).

Như lý tác ý là khởi niệm đúng pháp, là tác ý trên ba pháp ấn (Khổ, Vô thường và Vô ngã). Tiếng nói của người khác là công việc xem kinh sách, nghe thuyết giảng và thảo luận.

Tại đây, chúng ta đã có thể rút ra một kết luận rõ ràng về những gì phải làm của một người tu tập giải thoát. Hành giả chỉ có hai việc phải làm, như Thế Tôn đã dạy: học hỏi Phật Pháp và tu tập Thiền định. Đây là ngõ đường chúng ta đến với đạo Phật, đi vào đạo Phật.

Làm khác đi hai việc phải làm ấy thì chúng ta sẽ rơi vào một trong hai chỗ: hoặc là sai lầm, hoặc là đi lòng vòng (quanh co).

Giáo lý Phật giáo luôn luôn có tính "nhất quán", nhằm đưa đến mục đích sau cùng của đời sống Phạm hạnh là đoạn tận ái, thủ, vô minh, giải thoát hết thảy các lậu hoặc. Vì vậy, trọng điểm của công việc tu tập Bát Thánh đạo, hay của hầu hết các kinh điển Nam tạng và Bắc tạng, vẫn luôn luôn được đặt vào việc đoạn trừ tham ái hay đoạn trừ chấp thủ.

Tu tập một chi phần có nghĩa là tu tập tám chi phần. Khi tu tập chánh niệm (hay niệm lực) thì hành giả phải có sự quan sát, tư duy đúng (đây là chánh tư duy), phải biết đúng đường về giải thoát (đây là chánh kiến), phải nỗ lực để loại bỏ, xa lìa tà kiến (đây là chánh tinh tấn) và phải an trú tâm niệm như thế (đây là chánh niệm).

Tương tự đối với việc tu tập các chi phần kia của Bát Thánh đạo.

Hành giả khởi đầu bằng bước đi chánh kiến, đi từng bước đi chánh kiến cho đến lúc giải thoát, để rồi sau cùng hành giả chú tâm hoàn toàn ổn định trong chánh kiến vô lậu. Đây là tri kiến giải thoát.

Thế là mỗi bước đi của hành giả mang ý nghĩa vừa đầu tiên, vừa cuối cùng. Sự khác nhau của bước đi phàm phu, hữu học và vô học là sự khác nhau về sự có mặt của các lậu hoặc hay vắng mặt các lậu hoặc. Có thể nói ý nghĩa của từng bước đi giải thoát (ly tham, ly thủ) là đến trong từng bước đi. Đến trong từng bước đi thì có nghĩa là không đi. Không đi thì không đến. Đến là đến như thế, và đi là đi như thế gọi là Như Lai hoặc Như Khứ. Đây là ý nghĩa tích cực của "Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ". Vẫn có mặt vô lai, vô khứ trong khứ, lai.

Học tập Bát Thánh đạo như thế là một quá trình khởi đầu từ gần gũi bậc tu hành có chánh kiến (hay gần Phật pháp), đến nghe Diệu pháp và tu tập Diệu pháp. Quá trình này được nói gọn là Văn, Tư và Tu./.

Kinh tham khảo căn bản:

1. Kinh Đại Tứ Thập, Trung Bộ III.
2. Kinh Chánh Tri Kiến, Trung Bộ I.
3. Kinh Đại Điển Tôn, Trường Bộ III.
4. Tiểu kinh Hữu Minh và Đại kinh Hữu Minh, Trung Bộ I.
5. Kinh Chánh Kiến (Hán tạng, Đại 1, 797-b)
6. Kinh Thánh Đạo (Hán tạng, Đại 1, 735-b).


 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]