Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương II: Vòng Hoặc (Phiền Não)

26/01/201108:28(Xem: 8559)
Chương II: Vòng Hoặc (Phiền Não)

VÒNG LUÂN HỒI
(THE WHEEL OF LIFE)
Thích Nữ Giới Hương

CHƯƠNG II
VÒNG HOẶC (PHIỀN NÃO)

Đây là vòng hay vị trí trung tâm điều đình chỉ huy toàn bộ bức tranh. Trong tranh vẽ hình con gà (thỉnh thoảng vẽ hình bồ câu), rắn và heo. Ba con vật này chỉ huy và điều khiển cho bánh xe chuyển quay, nên nó là điểm trung tâm quan trọng.

Gà là tượng trưng lòng tham, tham đủ thứ, lòng tham vô đáy. Màu đỏ của lông gà trống dễ liên tưởng đến lửa tham nung nấu những ai ôm và nuôi lấy lòng tham.

Hoặc vẽ bồ câu là chỉ cho tham ái, dễ yêu, thấy là vuốt ve, ngã ái nên những gì ngã thích thì tâm muốn vơ lấy để nhiễm, tăng trưởng lòng nhiễm, lòng thuận, mền mại, dễ chịu, hấp dẫn và ngọt lịm (giống mía lau), thế nên khó thoát, khó chịu ngóc đầu lên.

Đức Phật dạy: Tham dục là một hố than hầm, người bịnh tưởng lầm là ấm áp sung sướng, nên đâm đầu vào.

Rắn là biểu hiện cho tâm sân giận. Khi chúng ta bực bội, khó chịu, tức giận, thù hằn thì mặt mày chúng ta xanh lét, không có chút máu, giống như màu xanh xám của da rắn vậy. Và cứ nuôi dưỡng lòng sân giận thì chúng ta sẽ đi đến trả thù, hãm hại người, giết người, giống như rắn sẽ mổ và cắn hại những ai xâm phạm chúng.

Tâm chúng ta nếu không biết ‘thiểu dục tri túc’, thì chúng ta ít khi nào hoan hỉ và vừa lòng với ai lắm. Việc gì cũng càm ràm và khó chịu. Đây cũng là một dạng chủng tử của sân giận, không hoan hỉ như Ca dao Việt Nam có câu:

“Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê
Cao chê giống ngỗng, thấp chê lùn.
Mập chê béo trục béo tròn
Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra.”

Sân hận mất bình an, nặng quá thì đi đến căm thù là chất liệu của địa ngục ở cả hiện tại và vị lai. Nguy hiểm của sân là kích thích thân miệng ý đi về đường ác. Sân làm bực bội là thọ ấm, dấy lên suy nghĩ là tưởng ấm, chuyển biến tâm địa là hành ấm, bản chất chủng tử của hành ấm là thức ấm, các tướng mạo hiện ra là sắc ấm. Thế là từ sân giận mà chuyển hoá đầy đủ cả năm ấm xí thịnh. Đây là một trong tám khổ. Và vì muốn thoát khỏi tám khổ này mà thái tử Sĩ Đạt Đa đã từ bỏ cuộc sống vinh hoa nơi cung điện để xuất gia học đạo.

Heo là biểu tượng của sự ít quan tâm đến sự sạch sẽ của tâm hồn. Thân thể nặng nề, màu da xám tối.

Nếu thân mình nhơ bẩn liền đi tắm. Ngày mai lại mồ hôi cáu bẩn, lại đi tắm, như thế người này được coi là sạch sẽ. Đó là thân, còn tâm của chúng ta? Mỗi khi nói lỡ một câu sai, lỡ một hành động quấy, lỡ sân thì ta lại sám (rửa) hối (tiếc), sám hối là làm mới lại, là tắm rửa tâm đó, còn ngược lại là si, ít quan tâm đến tâm tư trong sáng; cứ để cho các phiền não, buồn phiền, ghen ghét, bực bội… nặng nề bao phủ.

Đức Phật dạy cái khổ ngu si là đáng sợ hơn cả. Vì ngu si là mê muội, không biết tránh ác, làm lành để đến nỗi tự đọa đầy.

Chúng ta thấy ba con này cắn đuôi nhau. Gà ngậm đuôi rắn. Rắn ngậm đuôi heo. Heo ngậm đuôi gà nghĩa là ba độc tham, sân và si mật thiết dính liền nhau. Vì si mới tham, tham bị chướng ngại liền sân. Ngày đêm ba con này không ngừng hoạt động trong tâm, kích thích chúng ta tạo nghiệp để cảm luân chuyển chịu báo.

Trong kinh Pháp Cú [3] có dạy:

“Không lửa nào bằng tham,
Không chấp nào bằng sân,
Không lưới nào bằng si,
Không sông nào bằng ái.”

Đức Phật với Phật tuệ biết được một trận mưa có bao nhiêu giọt. Nhưng vòng luân hồi đắng cay, biển khổ trầm luân của tham, sân, si và ái này, khổ nhiều quá gọi là biển khổ, không đếm được.

Cũng trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy chúng ta điều phục tham dục và sân giận:

“Khó nắm giữ giao động,
Tâm phàm dục chi phối,
Lành thay điều phục tâm,
Tâm điều hưởng an lạc.” [4]

“Hận thù diệt hận thù,
Đời này không thể có,
Từ bi diệt hận thù,
Là định luật thiên thu.” [5]

Cố Hoà Thượng Thiện Siêu đã viết trên tấm sáo hoành rằng:

“Một chút giận, hai chút tham,
lận đận cả đời ri cũng khổ.
Trăm điều lành, ngàn điều nhịn,
thong dong tấc dạ rứa mà vui.”

Người ngu si thấy dưới lòng nước có trăng, lao đầu xuống mò kiếm. Nhọc sức luống uổng mà còn phải chịu cái khổ chết chìm. Chúng sanh từ lịch kiếp lầm nhận vọng tưởng phân biệt duyên theo sáu trần làm tâm. Suốt đời vất vả mưu cầu hạnh phúc hảo huyền, kết cuộc chẳng nắm bắt được gì. Tâm phan duyên nuôi ba độc tham sân si, đưa đến sát đạo dâm vọng để trầm nịch (chìm đắm) luân hồi, không biết bao giờ mới ngóc đầu ra.

Gió giác quan nếu không theo dõi sẽ gây bão tố tham sân si, nuôi gà rắn heo. Tham sân khiến miệng nói, thân làm sai quấy. Si mê thấy thiện ra ác, ác ra thiện. Ba thứ phiền não này vừa như lửa nung nấu, vừa như nước nhận chìm.

Chúng ta nghe lời Phật dùng hơi thở (thân niệm xứ, quán sổ tức) để trở về với chánh niệm, không bận lòng đến đối phương. Hành động xấu xa, lời nói độc ác, vừa nói đã tan theo bản chất vô thường của nó, vì cứ vơ lấy nghĩ ngợi nên mình tự đốt nhà mình. Chính sân hận của mình hại mình, nên tập mát mẻ. Tổ Huệ Khả xưa kia bị chặt tay mà không sân giận. Thân ta là đất nước gió lửa nên chẳng có nhục nào để nhẫn. Nhớ tâm từ để diệt trừ ác ý. Nhớ tâm bi để trừ tàn nhẫn. Nhớ tâm hỉ để trừ phiền hận. Nhớ tâm xả để trừ thù oán là các chủng loại họ hàng của con rắn.

Chúng ta thấy ba con gà, rắn và heo chạy trên màu xanh da trời là màu hư vọng. Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… là căn bản phiền não, là gốc của tái sanh, gốc của sanh tử luân hồi. Chúng ta nuôi ba con này trong lòng nên bồi đắp mãi cảnh luân hồi. Vị trí trung ương điều khiển bánh xe, là tạo hoá bày ra vũ trụ, nhưng thể chất là hư vọng, tỉnh là tan ngay.

Ví dụ như chàng Dasá vốn là một công tử giàu có tham mê tửu sắc. Bên cạnh chàng biết bao là cung phi mỹ nữ. Một đêm đó, sau buổi yến tiệc tan, các công nương, kỹ nữ mỹ miều nằm lăn ra ngủ vì quá mệt. Các nàng tóc tai rối bù, xiêm y xốc xếch, nước miếng từ miệng chảy ra, miệng mớ nói lảm nhảm, phấn son loè loẹt… trông gớm ghiếc như những bóng ma. Chàng hoảng sợ chạy khỏi cung đình và đến quỳ sụp dưới chân Phật thưa rằng chàng muốn thoát khỏi địa ngục sống đó. Đức Phật diễn thuyết một bài pháp, sau đó Dasá liền tan lòng ái nhiễm, tâm không còn lợn cợn bợn nhơ của dục nhiễm sắc đẹp nữa mà trong sáng thanh tịnh như một tấm lụa trắng. Như vậy lòng ái nhiễm là cái chợt đến và chợt đi, chớ không thật.

Hay tên giết người Vô Não đã rượt đuổi để chặt ngón tay Phật, cho đủ 100 ngón để dâng lên tà sư cầu khẩn được thần thông. Đức Phật vẫn đi từ từ, nhưng Vô Não chạy hoài đến mà bắt không kịp được Phật. Vô não la lên: “Này Cồ Đàm hãy dừng lại!” Đức Phật trả lời: “Ta đã dừng từ lâu rồi. Chỉ có ngươi là nên dừng lại thôi!”. Vô Não tỉnh ngộ về sự ‘đứng lại’ tức ‘đình chỉ ác tâm này’, và chàng quăng gươm xuống, xin quy y làm đệ tử Phật. Thế là tan lòng sát, bỏ con dao trong tâm. Như thế tâm ác cũng tan.

Chúng ta hàng ngày đang thương hay ủng hộ một vị nào đó nhưng khi biết người đó không đồng lòng, không trung thành, chung thủy, không tốt với mình… thì tự nhiên tình thương biến mất và bắt đầu lòng căm thù ghen ghét nổi lên. Nếu gặp bạn lành khuyên nhắc hoặc nghe bài pháp, thì lòng căm thù, bực bội liền tan.

Thế nên, tham sân si là cái không có mà chúng ta nhận là mình, chúng ta tạo nghiệp. Lồng mình vào nó khiến nó dựa vào mình mà bốc lên. Tỉnh thì thành không. Vâng theo Phật thì ra khỏi luân hồi, còn nuôi ba con này trong tâm thì chúng ta xây dựng bồi đắp mãi cảnh trầm luân không biết bao giờ mới cạn.

Ngài Huệ Khả bạch tổ Đạt Ma: “Tâm con không an. Xin ngài an tâm giùm con!” Tổ bảo: “Đem tâm ra đây ta an cho”. Ngài Huệ Khả quay lại tìm tâm hoài mà không thấy, mới biết bản lai không, nào có ai trói buộc mình. Tâm mình vốn không có con gà, rắn và heo.

Ngài A-nan trong kinh Lăng Nghiêm tìm tâm ở bảy chỗ [6] là tâm trong thân, ngoài thân, tâm núp sau con mắt, nhắm mắt thấy tối là tâm, hợp chỗ nào thì tâm có chỗ nấy, tâm ở giữa căn và trần, không dính vào đâu hết là tâm.[7] Tìm ở bảy chỗ mà vẫn không thấy cái tâm yêu thích (yêu thích 32 tướng đẹp của Phật mà xuất gia) của A nan ở đâu? Vì vọng nên tìm hoài không được. Con bồ câu trên nền xanh dương. Thế cho nên tâm tham, sân và si vốn bản là hư vọng, là màu xanh hư vọng là vậy.

Đức Phật trong kinh Pháp Cú đã nói lên sự tịch lạc của việc tan tham ái (tức không nuôi con bồ câu nữa), đã thấy tham ái là vọng, là có thể làm chủ được mình như sau:

“Lang thang bao kiếp sống,
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay sống luân hồi.” [8]

“Ôi! người làm nhà kia,
Nay ta đã thấy ngươi,
Ngươi không làm nhà nữa,
Rui mè ngươi bị gẫy,
Kèo cột ngươi bị tan,
Tâm ta đạt tịch diệt.
Tham ái thảy tiêu vong”. [9]

Đức Phật xác chứng lại cho điều này khi ngài đang nhập hạ an cư tại Kausambi (sau chín năm giác ngộ). Có một gia đình bà-la-môn đang đi tìm phò mã cho cô con gái tiểu thư xinh đẹp. Ngày nọ, Đức Phật khất thực đi ngang. Ông Bà-la-môn thấy dung nghi 32 tướng [10]của Đức Phật sáng ngời và đỉnh đạc khác thường, bèn mời vào cúng dường thanh trai. Sau đó ngỏ lời muốn Đức Phật ở lại đây làm phò mã. Nhưng Đức Phật từ chối bằng bài kệ như sau:

“Đã nhận thấy ái dục, bất mãn và tham vọng,
Ta không thích thú gì trong dục lạc của ái tình.
Thể xác đầy ô trược này là chi?
Ta chẳng bao giờ muốn sờ đến nó dù chỉ bằng chân.”



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]