Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

69. La Hán, Bồ Tát, Phật Là Gì

06/12/201017:33(Xem: 10105)
69. La Hán, Bồ Tát, Phật Là Gì

69. LA HÁN, BỒ TÁT, PHẬT LÀ GÌ

Đúng như vậy, nhiều người hiện nay không hiểu rõ La Hán, Bồ Tát, Phật là gì. Thậm chí có những Phật tử tin Phật đã lâu năm cũng mờ mịt đối với ý nghĩa các từ đó.

Theo nhận thức của Phật giáo Bắc truyền, Phật giáo chia thành Đại thừa và Tiểu thừa. Tiểu thừa chuyên tu đạo giải thoát. Đại thừa chuyên tu đạo Bồ Tát. Đại Bồ Tát là kết hợp "nhân thiên đạo" với "giải thoát đạo", nghĩa là, giải thoát khỏi sinh tử mà vẫn không lìa sinh tử, để có thể hóa độ những chúng sinh có duyên, đó chính là đạo Bồ Tát Đại thừa.

Quả vị cao nhất của đạo giải thoát là A La Hán; La Hán là bậc Thánh của Tiểu thừa. Có 2 quả vị cao nhất của Tiểu thừa. Một là quả vị Thánh hàng Thanh Văn, nhờ nghe Phật thuyết pháp, tu tập pháp Bốn Đế (khổ, tập, diệt, đạo) và 37 phẩm bồ đề mà được giải thoát, đó là La Hán. Hai là quả vị của những bậc thánh, sinh vào thời không có Phật, nhưng nhờ tu pháp 12 nhân duyên (vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử) mà chứng đạo giải thoát, ra khỏi sinh tử. Phật giáo gọi các bậc Thánh này là Duyên Giác hay Bích Chi Phật. Thanh Văn và Duyên Giác đều thuộc Tiểu thừa. Tiểu thừa lại chia thành Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa, cho nên cũng gọi Tiểu thừa là nhị thừa (2 thừa). Các bậc nhị thừa cầu ra khỏi sinh tử, nhập Niết Bàn. Họ nhàm chán cõi sinh tử của loài người và loài trời, vì vậy, họ không nguyện trở lại hóa độ chúng sinh. Họ không thể gọi là Bồ Tát, cũng không thể thành Phật.

Nếu muốn thành Phật thì phải hành đạo Bồ Tát. Pháp môn chủ yếu của đạo Bồ Tát là sáu độ. Bố thí [pháp thí, tài thí, vô úy thí] (1). Giữ giới (không làm điều ác, làm mọi điều lành). Nhẫn nhục (nhẫn điều khó nhẫn, làm điều khó làm). Tinh tấn (tiến thẳng ra đằng trước, gặp khó không nản). Thiền định (chuyên chú vào một đối tượng, không giao động). Trí tuệ (chiếu sáng bản thân, chiếu sáng người khác). Ba tụ giới (tu mọi tịnh giới, làm mọi điều lành, hóa độ chúng sinh). Từ lúc ban đầu, phát tâm tối thượng, tức là phát Bồ đề tâm, từ bi tâm, không tuệ tâm, trải qua ba đại kiếp vô lượng, mới đạt được mục đích thành Phật. Đạo Bồ Tát, hàng Tiểu thừa không giống. Cho nên gọi là "nhất thừa".

Đạo nhân thiên là pháp môn lành, tu tập để được tái sinh làm người hay làm loài trời. Tiểu thừa tuy không thích thú gì đạo nhân thiên, nhưng cũng không phủ định giá trị của đạo nhân thiên, đạo giải thoát của Tiểu thừa cũng chỉ là đạo nhân thiên được nâng cao và thăng hoa. Pháp lành của nhân thiên cũng là nền tảng của đạo nhất thừa của Bồ Tát. Do đó pháp lành của nhân thừa và thiên thừa, 5 giới, 10 thiện là pháp lành chung cho cả nhị thừa và nhất thừa, cho nên nói pháp lành của nhân và thiên là pháp chung cho cả 5 thừa (Nhân, Thiên, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát).

Đạo giải thoát của Tiểu thừa hay Nhị thừa cũng là pháp môn chung cho cả đạo Bồ Tát nữa. Nếu Bồ Tát mà không tu đạo giải thoát thì sẽ không phải là Bồ Tát mà chỉ là nhân thiên đạo. Vì vậy mà đạo giải thoát của Tiểu thừa được gọi là pháp môn chung cho cả ba thừa Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát.

Chỉ có đạo Bồ Tát mới là pháp môn riêng của Đại thừa hay nhất thừa.

Để tiện ghi nhớ, xin vẽ biểu đồ như sau :

___________________

(1) Nhân thiên đạo :con đường tu tập, cầu tái sinh ở cõi Trời và cõi người (người dịch chú).

Qua biểu đồ này thấy rằng, Bồ Tát đạo tuy là pháp môn riêng của một thừa, nhưng lại là nơi hướng về của cả 5 thừa vì pháp chung của ba thừa (ngũ thừa cộng pháp, tam thừa cộng pháp). Tiểu thừa tuy là pháp chung của ba thừa, nhưng cũng là pháp chung của 5 thừa được thăng hoa lên (nâng cao lên) mà thôi : Pháp chung của 5 thừa, tuy có tên chung 5 thừa, nhưng chỉ là thiện pháp của nhân thừa và thiên thừa.

[Lấy ngũ thừa cộng pháp, tam thừa cộng pháp và Đại thừa bất cộng pháp, thâu nhiếp toàn bộ Phật pháp. Đó là một sáng kiến của đại sư Thái Hư].

Nhân thiên thừa là pháp thế gian, là pháp sinh tử, không thể đưa người ra khỏi biển khổ sinh tử được. Các bậc thánh mà nói, pháp thế gian là pháp hữu lậu. Các bậc thánh Tiểu thừa đều là những bậc thánh xuất thế, không còn bị sinh tử chi phối, vì vậy pháp xuất thế được gọi là pháp vô lậu.

Trong hàng Bồ tát, có người là phàm phu, có người là Thánh. Bồ Tát chia thành 52 thứ bậc : Thập tín, thập trụ, thập hành, thập hồi hướng, thập địa, đẳng giác, diệu giác : Bốn mươi thứ bậc trước khi đạt thập địa đều là phàm phu. Mười hai thứ bậc từ sơ địa trở lên mới là hàng Thánh. Bồ Tát nêu ra ở trong đồ biểu là Thánh Bồ Tát. Trong kinh Phật, thông thường khi nói Bồ Tát mà không ghi rõ là Địa tiền Bồ Tát [Bồ Tát trước khi đạt tới sơ địa] thì đó là Thánh Bồ Tát.

Các bậc Thánh Tiểu thừa không cần thành Phật mà chỉ cần nhập Niết Bàn. Về bản chất mà nói, cảnh giới Niết Bàn của Tiểu thừa, sau khi nhập Niết Bàn rồi, bèn ở luôn tại đấy, không còn độ chúng sinh nữa. Còn Niết Bàn của Đại thừa thì tuy nhập Niết Bàn nhưng không ở lại Niết Bàn, và cho rằng sinh tử với Niết Bàn là cùng một thể, vì vậy mới có câu : "Sinh tử tức Niết Bàn", "Vô trụ xứ Niết Bàn". Đó là cảnh giới của các bậc Thánh Đại thừa.

Niết Bàn của Tiểu thừa, là do đoạn ngã chấp và phiền não chướng, vì vậy A La Hán của Tiểu thừa, về cảnh giới giải thoát mà nói, là tương đương với Bồ Tát thất địa hay bát địa, của Thông giáo. Bậc Thánh của đạo Bồ Tát là do đoạn một phần pháp chấp và sở tri chướng một phần ngã chấp và phiền não chướng, mà tự mình chứng được một phần của Pháp tính chân như và tiến vào hàng sơ địa. Về mặt trình độ đoạn phiền não chướng mà nói thì A La Hán tương đương với Bồ Tát Thất địa hoặc Bát địa; đứng về trình độ đoạn sở tri chướng mà nói thì La Hán chỉ mới tương đương với Bồ Tát đệ nhất tín vị.

Bởi vì, đoạn phiền não chướng (ngã không) tức là thoát khỏi sinh tử. Còn đoạn sở tri chướng (pháp không) tức là không lìa sinh tử. Giải thoát sinh tử tức là nhập Niết Bàn. Không lìa sinh tử tức là độ chúng sinh : giải thoát là tuệ nghiệp; độ sinh là phúc nghiệp. Cả phúc và tuệ đều tu là Bồ Tát. Cả phúc và tuệ đều tròn đầy là thành Phật. Do vậy, đứng về phúc nghiệp độ sinh mà nói, La Hán chỉ tương đương với bậc thứ bảy của Bồ Tát sơ phát tâm, còn kém sơ địa Bồ Tát đến 33 bậc. Trên toàn bộ lộ trình thành Phật, vị Bồ tát sơ địa đã đi được 1/3 đường (đã đi hết A tăng kỳ kiếp thứ nhất). Bát địa Bồ Tát đã đi xong 2/3 con đường (A tăng kỳ kiếp thứ hai). Còn vị Bồ Tát thập tín vị chỉ mới ở giai đoạn chuẩn bị vào ba A tăng kỳ kiếp mà thôi !

Do đó, một vị A La Hán, muốn thành Phật thì phải từ Tiểu thừa quay về Đại thừa, và tiến dần dần từ đệ thất tín vị trở đi. Nhưng vị A La Hán, sau khi nhập Niết Bàn trong thời gian ngắn rất khó bỏ Tiểu thừa hướng về Đại thừa. Vì vậy, tu theo Tiểu thừa, hầu như cắt đứt duyên với đạo thành Phật. Do đó, có kinh luận Đại thừa kích bác đồng loạt cả Tiểu thừa và ngoại đạo. Thực ra, theo quan điểm của Kinh Pháp Hoa thì vị A La Hán chân chính nhất định sẽ lìa bỏ Tiểu thừa, hướng về Đại thừa. Trong Hội Pháp Hoa, phần lớn các bậc đại tỳ kheo và tỳ kheo ni đều là những bậc A La Hán từ Tiểu thừa hướng tới Đại thừa.

Bỏ Tiểu thừa, hướng tới Đại thừa có 2 loại người : Một loại là, từ trước tới nay, vốn tu theo Tiểu thừa, nay từ quả vị La Hán chuyển sang Đại thừa thì phải từ ở thứ bậc thất tín vị của Đại thừa mà tu theo Pháp Đại thừa, rồi sau khi chứng quả La Hán lại tu theo Đại thừa. Đối với loại này, phải tính cả giai đoạn trước đây đã tu theo Đại thừa. Thí dụ, ngài Xá Lợi Phất, trong các kiếp sống trước đã từng tu theo Đại thừa, đến cấp "Đệ thất trụ"; sau chuyển sang tu theo Tiểu thừa, chứng quả A La Hán rồi lại chuyển sang Đại thừa. Nói chung là, nếu trước đây đã tu theo Đại thừa, sau quay sang Tiểu thừa, rồi lại trở về Đại thừa, thì chỉ cần một niệm hồi tâm là có thể chứng nhập sơ trụ vị của Bồ tát. Hoặc là đã có được cơ sở tu Đại thừa sâu dày, nhưng vẫn quay sang Tiểu thừa, sau đó lại hướng về Đại thừa thì chỉ cần một niệm hồi tâm là có thể chứng nhập hàng bậc Thánh Bồ Tát từ sơ địa trở lên. Đương nhiên, vị A La Hán bỏ Tiểu hướng Đại, đã là bậc Thánh Đại thừa mà phúc nghiệp chưa đầy đủ. Do trình độ trí tuệ và công phu tu đạo giải thoát vốn có cho nên vị ấy không bao giờ thoái lui xuống địa vị phàm phu nữa.

Phật là từ gọi tắt của Phật đà. Quả vị Phật là quả vị cứu kính tột cùng của đạo Bồ Tát, cho nên có thể gọi Phật là vị Bồ Tát cứu kính. Quả vị Phật cũng là quả vị cứu kính của đạo giải thoát, cho nên cũng gọi là Phật là vị A La Hán cứu kính. Từ A La Hán có nghĩa là xứng đáng làm ruộng phúc cho loài trời và loài người, xứng đáng được trời và người cúng dường. Vì vậy "ứng cúng" là một trong 10 hiệu của Phật. Phật có nghĩa là bậc giác ngộ chân chính, cùng khắp, vô thượng, bậc tự giác, giác tha và giác hành đầy đủ. Bồ Tát là giác hữu tình, có nghĩa là tự giác, giác tha và giác chân chính, cùng khắp. Thanh Văn, Duyên Giác đều có nghĩa tự giác và chính giác. Phàm phu ở loài trời và loài người đều là những kẻ si mê chưa được chính giác.

Nay, dùng biểu đồ phân biệt 5 thừa theo tiêu chuẩn trình độ giác ngộ như sau:

Lại còn một điểm nữa, là hình thức sinh hoạt của A La Hán theo truyền thuyết của Trung Quốc, cần phải được sửa chữa thanh lọc lại. Phật giáo đồ Trung Quốc, vì thấy trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, có những chuyện kỳ lạ như Hàn Sơn, Thập Đắc, Phong Can, Bố đại hòa thượng v.v… nhưng chuyện như Nam tuyền chém mèo quy tôn giết rắn hoặc có người chèo thuyền trên sông, có người sống một mình trên đảo hoang, có người sống hòa mình vào cảnh trần tục của thị trấn, có người bắn cung, múa dao, có người múa hát theo phụ nữ, có người nhậu nhẹt rượu thịt, đó là những cái gọi là tác phong siêu Tổ vượt Phật của Thiền tông ! Do đó mà đôi khi nhận lầm những phần tử xuất gia, phá giới, sống bẩn thỉu và lười biếng, là A La Hán hóa hiện ! Ở Trung Quốc, tranh và tượng A La Hán cũng thường dựng lên những mẫu người quái dị, quần áo lôi thôi, mồm răng rộng hoác, ngó bộ rất đáng ghét.

Sự thực thì trong kinh điển Tiểu thừa, các vị A La Hán đều là các bậc Thánh tăng giữ gìn giới luật nghiêm túc. Và chỉ có bọn ác tăng, vi phạm giới luật mới na ná giống như tranh và tượng Trung Quốc miêu tả mà thôi. Nếu chúng ta không thay đổi quan niệm này thì đó là một sự lăng nhục đối với các bậc A La Hán.

Ngược lại, dưới con mắt của người Trung Quốc, Bồ Tát lại có tướng mạo thùy mị, trang nghiêm đặc biệt. Kỳ thực thì tuy rằng báo thân của Bồ tát là trang nghiêm, đẹp đẽ, nhưng vì lợi ích độ sinh, hóa thân của Bồ tát có thể mang rất nhiều thân khác nhau. A La Hán dưới con mắt người Trung Quốc, đúng ra là hóa thân của Bồ tát thì phải hơn.

A La Hán là Tăng ni xuất gia, họ là dấu hiệu biểu trưng cho sự tồn tại Phật Pháp ở thế gian, cho nên trong ứng xử, La Hán không thể tùy tiện được, nếu không thì sẽ không có lợi cho thanh danh của đạo Phật. Còn Bồ Tát thì không có thân cố định, Bồ Tát chỉ nhằm mục đích khai hóa độ sinh. Bồ Tát không yêu cầu chúng sinh biết mình là Bồ Tát. Bồ Tát cố nhiên là có thể thị hiện thành loài người hay loài trời đầy đủ phúc đức trang nghiêm, nhưng khi cần thiết cũng có thể hóa thân thành Ngoại đạo, người đồ tể, thậm chí làm cả Ma vương, cũng không có hại gì đối với thanh danh đạo Phật.

Vì vậy, Phật giáo đồ Trung Quốc nên sửa chữa lại quan niệm của mình đối với A La Hán mới được.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]