Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 2: Phương tiện

14/11/201017:33(Xem: 7585)
Phẩm 2: Phương tiện

 

 

ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ KINH PHÁP HOA

Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997

 

Phẩm 2
PHƯƠNG TIỆN

Được gọi là cốt lõi của Tích môn, phẩm quan trọng này là mấu chốt của giáo pháp của đức Phật trong nửa đầu của bộ kinh Pháp Hoa. Nhan đề tiếng Nhật của phẩm này là “Hòben” (Phương tiện), một từ ghép gồm hai chữ, hò (phương) và ben (tiện). Hò nguyên nghĩa là “vuông” nhưng có khi nghĩa là “đúng”. Ben nghĩa là “phương pháp” hay “phương tiện”. Do đó, hòben nghĩa là “phương pháp đúng” hay “phương tiện đúng”. Tục ngữ Nhật Bản có câu Uso mo hòben(một lời nói dối có thể thích hợp), lối hiểu từ này đã bị lệch với ý nghĩa thực sự của nó, thật là đáng tiếc. Từ hòben vốn là nhằm trỏ một ý niệm, “một phương pháp soi sáng áp dụng thích hợp cho người hay cho trường hợp”. Nếu chúng ta không nhớ cái nghĩa gốc của nó thì chúng ta không thể hiểu chương này một cách đúng đắn được.

Khi ngài Văn-thù báo trước rằng “Trong lần thuyết giảng cuối cùng, chắc chắn đức Phật sẽ giảng về vô thượng Bồ-đề mà Ngài đã đạt được” thì tất cả hội chúng đều náo nức chờ đức Phật mở đầu bài thuyết giảng. Bấy giờ đức Thế Tôn lặng lẽ và sáng suốt xuất định và hỏi ngài Xá-lợi-phất: “Vì chư Phật có thể nhập vào trạng thái chân thực của mọi sự vật, trí tuệ của chư vị rất thâm sâu và vô lượng. Môn trí tuệ của chư vị thì khó hiểu và khó nhập, hàng Thanh văn và Bích chi không thể lĩnh hội được. Vì sao ? Vì chư Phật đã từng thân thiết với vô số chư Phật mà thực hành trọn vẹn Pháp vô lượng của hết thảy chư Phật một cách dõng mãnh và nhiệt tâm, đã thăng tiến và nổi danh khắp chốn.

“Vì chư Phật đã thành tựu Pháp thâm sâu, chưa từng có nên những ai không tu tập Pháp này một cách thâm sâu thì không thể hiểu được ý nghĩa của Pháp này. Chư Phật cũng đã thuyết giảng Pháp này bằng nhiều cách khác nhau khi có cơ hội thuận tiện; người nghe rất khó hiểu ý định thực sự của chư Phật và rất khó hiểu chư vị thuyết giảng như thế là nhằm mục đích gì.

“Này Xá-lợi-phất ! Từ khi Ta thành Phật, bằng nhiều lập luận, nhiều thí dụ, Ta đã thuyết giảng rộng rãi, và bằng vô số phương tiện thiện xảo khiến chúng sanh xa lìa những ý niệm vị ngã [mọi thủ chấp]. Vì sao ? Vì Như Lai viên mãn toàn hảo trong phương pháp dẫn đạo chúng sanh, trong sự thiện xảo và năng lực của Ngài để nêu rõ trạng thái thực sự của mọi sự vật [pàramità, ba-la-mật hay sự toàn hảo của trí tuệ].

“Xá-lợi-phất ! Trí tuệ của Như Lai thì rộng lớn, sâu xa; Như Lai có thể thấy rõ hết thảy từ quá khứ vô lượng đến vị lai vô lượng. Ngài có bốn tâm lớn sau đây (Tứ vô lượng tâm) mà một người bình thường không thể nào tưởng tượng được: đức từ vô lượng [mong muốn rằng đời mình làm cho những người khác hạnh phúc], đức bi vô lượng [mong muốn rằng công hạnh của mình gỡ bỏ nỗi khổ đau của những người khác], đức hỷ vô lượng [niềm vui khi thấy người khác được hạnh phúc] và đức xả vô lượng [cái tâm từ bỏ cả ý niệm trả thù vì bị người khác gây hại lẫn thủ chấp vào sự đền bù cho hành vi tốt của mình]. Tri kiến của Ngài không bị chướng ngại; năng lực, sự vô úy, Thiền định, giải thoát, tam muội của Ngài khiến Ngài nhập vào các cảnh giới vô biên và thành tựu hết thảy các Pháp chưa từng có”.

“Xá-lợi-phất ! Như Lai có thể phân biệt những người nghe, có thể giảng pháp một cách khéo léo cho từng người, dùng lời nhu hòa và khích lệ mọi người. Xá-lợi Phất ! Nói một cách cơ bản, đức Phật đã thành tựu trọn vẹn Pháp vô lượng, vô biên và chưa từng có.”

BA LẦN THỈNH HỎI VÀ BA LẦN TỪ CHỐI:

Bấy giờ bỗng nhiên đức Thế Tôn yên lặng. Một lát sau, Ngài lại nói: “Thôi đủ rồi, Xá-lợi-phất, không cần nói nữa. Vì sao ? Vì Pháp mà đức Phật đã thành tựu là Pháp chủ yếu chưa từng có và khó hiểu. Chỉ có Phật cùng với Phật mới thấu hiểu chân tướng của tất cả các Pháp, tức là mọi hiện hữu có hình thái như thế (như thị tướng), bản tính như thế (như thị tính), biểu hiện như thế (như thị thể), năng lực như thế (như thị lực), hành tác như thế (như thị tác), nguyên nhân như thế (như thị nhân), duyên cớ như thế (như thị duyên), kết quả như thế (như thị quả) báo đáp như thế (như thị báo) và toàn bộ nền tảng rốt ráo như thế (như thị bổn mạt cứu cánh)”.

Mười phạm trù này được gọi là học thuyết Thập Như thị (jù-nyoze) vì chúng gồm mười thuật ngữ đằng trước có từ “như thị”. Học thuyết Thập Như thị là chân lý áp dụng cho tất cả mọi sự vật trong vũ trụ,; và khái niệm “Ba Ngàn (Thế giới) trong Một Niệm” (ichinen sanzen; Nhứt niệm tam thiên) khởi từ học thuyết này chính nó là chân lý được đức Phật thuyết dạy. Nhưng khi mà đức Phật Thích-ca-mâu-ni do dự trình bày học thuyết này thì đối với chúng ta, sự giảng giải đầy đủ về giáo lý này ở đây có thể gây nhầm lẫn hơn là soi sáng người đọc. Do đó, học thuyết này sẽ được giải thích đầy đủ sau (các trang 243-248)

Bấy giờ, Thế Tôn muốn trùng tuyên giáo lý này, đọc phần sau đây bằng kệ: “Trí tuệ của đức Phật thì vô lượng. Đấy không phải là một trí tuệ mà Ta dễ dàng đạt được bằng sự học nhanh chóng mà là cái trí tuệ mà sau cùng Ta sở đắc sau khi đã theo vô số chư Phật trong thời xa xưa và đã đi trọn những con đường chân chánh. Nói một cách khác, đấy là trí tuệ tối thượng mà Ta đã có thể đạt được bằng tu tập tâm thức không ngừng.

“Không thể theo ai mà lường biết được trí tuệ của đức Phật - Những người được gọi là người có trí nhất trong nhiều người khác, những vị Bích chi đã đạt ngộ bằng kinh nghiệm của chính mình, những vị Bồ-tát mới phát nguyện sẽ đạt ngộ như đức Phật cùng lúc với mọi người, và những vị Bồ-tát đã thăng tiến nhiều trong tu tập đến nỗi không còn thối thất.

“Giờ đây Ta đã hoàn toàn đạt Pháp thâm sâu và vi diệu như hết thảy chư Phật trong vũ trụ. Dù chư Phật này thuyết giảng nhiều giáo pháp khác nhau nhưng căn bản của các giáo pháp ấy vẫn giống nhau. Các giáo pháp của chư Phật luôn luôn chỉ gồm một chân lý căn bản dù cho lời của chư Phật có khác nhau đi nữa. Ông phải nhớ sự việc này, những cách thức khác nhau để diễn tả chân lý căn bản này, tức là những sức phương tiện của đức Phật, thì rất quan trọng và rất quý giá. Để giải thoát những người sơ học tìm chứng ngộ khỏi những huyễn hoặc, khổ đau trong đời sống hàng ngày, Ta đã dùng giáo pháp Tam thừa: Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa. Đấy là nhằm nêu tỏ sự lớn lao của sức phương tiện của đứcPhật”.

Nghe đức Phật thuyết giảng như thế, mọi người đang có mặt trong đại chúng đều tự hỏi tại sao đức Thế Tôn bây giờ lại ca tụng nhiều lần phương tiện thiện xảo như vậy. Mọi người đều nghĩ: “Bấy lâu nay đức Phật dạy chúng ta giải thoát bằng giáo lý nêu rằng mọi hiện tượng trên thế giới luôn luôn thay đổi, và cuối cùng chúng ta đã đạt được trạng thái tâm thức như thế sau khi nỗ lực tối đa để tu tập. Thế mà giờ đây đức Phật lại dạy rằng những ai ở trong trạng thái tâm thức như thế thì không thể hiểu được trí tuệ của đức Phật. Chúng ta không thể hiểu được thực nghĩa của lời Ngài dạy”. Do đó mọi người đều bị bối rối.

Bấy giờ ngài Xá-lợi-phất biết được mối nghi trong tâm của những người đang hiện diện trong đại chúng và chính ngài cũng không nắm chắc ý nghĩa của lời đức Phật dạy nên bạch đức Phật: “Bạch Thế Tôn, nguyên nhân nào, lý do nào khiến Thế Tôn nhiệt liệt ca ngợi phương pháp thiện xảo tối thượng và diệu pháp thâm sâu, khó hiểu của chư Phật ? Trước đây con chưa từng nghe đức Phật có bài thuyết giảng nào như thế. Bây giờ hết thảy đại chúng đều nghi ngờ. Xin Thế Tôn giải thích sự việc này”.

Thế rồi ngài Xá-lợi-phất muốn nhấn mạnh điều ngài đã bạch, đã nói lại điều ấy bằng kệ. Nhưng đức Phật bảo ngài Xá-lợi-phất: “Thôi đủ rồi, thôi đủ rồi, không cần gì phải nói nữa. Nếu Ta giảng về điều này thì hết thảy mọi cõi trời và người sẽ hoảng hốt, rối rắm và nhụt chí tu tập. Ta không giảng thì tốt hơn”.

Ngài Xá-lợi-phất hết sức nôn nóng được biết chân lý và không ngại thỉnh đức Phật thuyết giảng. Ngài lại bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, xin Ngài giải thích điều ấy ! Xin Ngài giải thích điều ấy ! Vì sao ? Vì trong hội chúng này có rất nhiều chúng sinh đã từng thấy chư Phật, nhận thức của chư vị rất sắc bén và trí tuệ của chư vị rất sáng suốt. Nếu họ nghe đức Phật dạy, họ sẽ kính cẩn tin theo và tu tập”.

Đức Phật lại dạy: “Thôi đủ rồi, Xá-lợi-phất ! Nếu Ta giảng vấn đề này thì những kẻ kiêu mạn sẽ nghi ngờ về nó và có thể cười nhạo rằng họ không thể tin theo được”.

Ngài xá-lợi-phất vẫn kiên trì, một lần nữa, lại thỉnh cầu đức Phật như trên. Đức Phật chăm chú nhìn ngài Xá-lợi-phất một lát. Thế rồi đức Phật gật đầu thỏa ý, Ngài hỏi Xá-lợi-phất: “Xá-lợi-phất! Vì Ông đã ba lần ân cần hỏi, làm sao Ta có thể từ chối mà không nói được ? Ta sẽ phân tích và giảng giải cho Ông. Bây giờ Ông hãy chăm chú lắng nghe, suy nghĩ và ghi nhớ !”

NĂM NGÀN NGƯỜI RỜI BỎ HỘI CHÚNG:

Sau khi đức Thế Tôn dạy như thế, khoảng năm ngàn Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di trong hội chúng liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, cúi lễ đức Phật và rút lui. Đấy là vì gốc tội trong những người này quá sâu và tính kiêu mạn của họ quá lớn đến nỗi họ tưởng rằng họ đã đạt điều mà họ chưa đạt, đã chứng điều mà họ chưa chứng. Vì lầm tưởng như thế nên họ không ở lại.

Đức Thế Tôn yên lặng và không can ngăn họ. Đấy là vì Ngài nghĩ rằng dù Ngài có ép họ ở lại, họ cũng không thể hiểu giáo pháp của Ngài và có thể tạo kết quả xấu nghịch. Ngài cũng xét thấy rằng trong tương lai sẽ có lúc họ mong cầu một giáo pháp chân thực và sẽ phát triển khả năng đúng lúc để hiểu giáo pháp ấy. Việc Ngài sẽ giảng pháp cho họ vào lúc ấy sẽ là con đường nhanh nhất để cứu độ họ.

Thoạt nhìn, thái độ của đức Phật có vẻ như tỏ ra thờ ơ với những người khác, nhưng thâm tâm Ngài tràn đầy đại trí tuệ, đại từ bi của đức Phật. Điều này lại càng rõ ở tình tiết nêu ở phẩm 8: “Năm trăm đệ tử được thọ ký” (Ngũ bách đệ tử thọ ký): khi Ngài bảo trước cho rất nhiều vị A-la-hán rằng các vị sẽ thành Phật tùy theo sự tu tập của mình, Ngài bảo cùng ngài Ca-diếp (Kà'syapa): “Hàng Thanh văn kia cũng sẽ như họ. Đối với những người không ở trong hội chúng này, Ông hãy tuyên thuyết lời Ta cho họ”. Lời của đức Phật “những người không ở trong hội chúng này” trỏ vào năm trăm vị Tỳ-kheo đã đứng dậy khỏi chỗ ngồi và rời bỏ hội chúng trước. Sự việc Ngài chủ ý không ngăn cản họ lúc ấy chứng tỏ năng lực lớn lao của Ngài về phương tiện thiện xảo.

Khi các Tỳ-kheo kiêu mạn đã ra đi và chỉ những người tinh cần cầu tìm chân lý ở lại trong hội chúng, đức Phật bảo ngài Xá-lợi-phất: “Người ta nói hoa ưu-đàm (udumbara) trong ba ngàn năm mới được nhìn thấy một lần. Diệu pháp mà Ta đang giảng cho Ông cũng hiếm được nghe cũng như hiếm được trông thấy hoa ưu-đàm nở. Hết thảy chư Phật chỉ thuyết giảng khi xét thấy đúng thời. Hết thảy các Ông đã gặp được cơ hội rất tốt. Này Xá-lợi-phất, tất cả các Ông hãy tin Ta; trong giáo lý của đức Phật, không có lời nào là sai lạc. Bây giờ hãy lắng nghe giáo lý của Ta.

“Đức Phật giảng pháp bằng vô số phương tiện thiện xảo với nhiều lập luận, nhiều thí dụ khác nhau. Không thể hiểu rõ mục đích việc thuyết pháp này được. Thực tế là chư Phật, Thế Tôn xuất hiện ở thế gian chỉ nhằm để thuyết giảng một đại sự nhân duyên. Đại sự nhân duyên ấy là gì ? Đấy chỉ là vì chư Phật muốn khiến người ta hiểu đấy là mục đích mà họ sống - tức là, Phật-tri kiến. Nếu mọi người hiểu được thì sẽ thành Phật và sẽ có thể đạt hạnh phúc chân thật.

“Để đạt được mục đích này, hết thảy chúng sanh trước hết phải hiểu rằng tất cả họ đều có Phật tính. Khi họ hiểu được rằng họ có bản tính như bản tính của đức Phật thì họ sẽ từ bỏ những tư tưởng ích kỷ nhỏ nhen và sẽ có tâm thanh tịnh. Chư Phật xuất hiện ở đời vì muốn khai mở cho hết thảy chúng sinh thấy Phật-tri kiến. Đối với những ai hiểu được Phật-tri kiến, chư Phật muốn chỉ cho họ mà nêu rõ thế giới là gì trong mắt của đức Phật và trong trí của Ngài. Sau khi đã hiểu được thực tướng của thế giới, nếu họ có Phật-tri kiến, họ sẽ nhận ra rằng thế giới này là một cõi tịch lặng, bình an, không có khổ đau. Chư Phật xuất hiện ở đời vì muốn khiến tất cả chúng sanh ngộ Phật-tri kiến. Nhưng các chúng sanh tự nhiên không thể đạt được trạng thái tâm thức như thế. Đấy là một trạng thái tâm thức mà họ chỉ có thể đạt được khi họ nỗ lực tinh cần tu tập. Chư Phật xuất hiện ở đời vì muốn tất cả chúng sanh nhập vào con đường của Phật-tri kiến.

“Bằng phương tiện thiện xảo để khai mở cho tất cả các chúng sanh thấy Phật-tri kiến, tỏ rõ Phật-tri kiến cho họ, để họ thông hiểu Phật-tri kiến và để họ nhập vào con đường của Phật-tri kiến; chư Phật muốn tất cả các chúng sinh đạt được Phật-tri kiến và chư vị dạy rằng người ta phải thực sự hiểu mục đích mà người ta sống. Chư Phật chỉ nhằm độc nhất cái mục đích lớn lao này mà xuất hiện ở đời”.

MỘT VỊ PHẬT CHỈ DẠY CHO CHƯ BỒ-TÁT:

Sau khi thuyết giảng như thế, đức Phật nghiêm giọng nói với ngài Xá-lợi-phất: “Đức Phật Như Lai chỉ giáo hóa cho các vị Bồ-tát mà thôi”.

Chúng ta có thể hiểu câu ấy là: “Đức Phật chỉ dạy cho các vị Bồ-tát mà thôi, do đó hàng Thanh văn và Duyên giác không phải là các đệ tử thực sự của đức Phật”. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng câu này có phần mâu thuẫn với lời đức Phật đã dạy: “Chư Phật xuất hiện ở đời để khiến hết thảy các chúng sanh thể hội chân lý”. Tuy nhiên, khi xét kỹ ý nghĩa những lời dạy của Ngài, chúng ta hiểu ra rằng chúng luôn luôn phù hợp nhau.

Trong các giáo lý của đức Phật có nhiều giáo lý có vẻ mâu thuẫn nhau. Nhiều giáo lý hình như mâu thuẫn nhau cũng được tìm thấy trong kinh Pháp Hoa. Tuy nhiên, đức Phật không bao giờ nêu những khẳng định mâu thuẫn trong các giáo lý của Ngài. Ngài chỉ nói thẳng chứ không quanh co. Do có cái nhìn hẹp hòi về những lời của Ngài nên chúng ta không thể đoán được những lời ấy ẩn chứa ý nghĩa lớn lao nào và do đó chúng ta nghĩ rằng chúng chứa đựng những mâu thuẫn. Khi hiểu các lời Ngài một cách hạn hẹp, chúng ta sẽ bị nhầm lẫn và nghĩ rằng “Ta không thể hiểu được các giáo lý của đức Phật” hoặc “không thể liên kết các giáo lý của Ngài được vì chúng bất nhất”.

Chúng ta phải đọc các kinh một cách thâm sâu. Những ai gặp khó khăn như trên cần phải đọc đi đọc lại các kinh, thế rồi họ sẽ có thể hiểu được phần nào ý nghĩa thực sự của các kinh. Nếu họ vẫn không hiểu được kinh thì họ cần phải nhờ một vị có trình độ cao giảng cho. Họ cần phải hiểu rằng thật là rất sai lầm khi nghĩ rằng “Ta chẳng quan tâm gì đến các giáo lý của đức Phật vì chúng có nhiều mâu thuẫn”. Chúng ta phải quyết thọ trì kinh Pháp Hoa.
Dù cho kinh có vẻ khó đến nỗi chúng ta không hiểu được, bằng sự kiên trì, chúng ta sẽ thực sự hiểu được kinh khi nào chúng ta nỗ lực trì kinh.

Ý nghĩa thực sự của lời Phật dạy “chư Phật chỉ giáo hóa các vị Bồ-tát” cần được diễn dịch như sau:

“Hễ chừng nào bạn nghĩ rằng bạn có thể đạt ngộ cho riêng bạn là đủ thì bạn không thể đạt sự chứng ngộ chân thực. Nếu bạn cảm thấy chính bạn đạt ngộ dù nhiều người khác chưa đạt thì sự cảm nhận ấy là một bằng chứng rõ ràng rằng bạn vẫn xa cách với người khác. Cảm nhận như thế không phải là một sự hài hòa với kẻ khác. Bạn không thể nhập vào trạng thái "chư pháp vô ngã" vì sự cảm nhận vị ngã của bạn vẫn còn. Do đó sự chứng ngộ của bạn là không thực. Một người có thể đạt ngộ cho riêng mình, và vì thế, tất cả những người khác cũng có thể làm như thế. Một người có thể được giải thoát khỏi sự khổ đau của riêng mình, và đồng thời, tất cả những người khác có thể được giải thoát khỏi sự khổ đau của họ. Sự giải thoát của bạn cùng với sự giải thoát của những người khác là sự giải thoát thực sự của bạn - ngay vào lúc bạn hiểu điều này, bạn được gọi là đã đạt ngộ thực sự và được tự tại khỏi những ràng buộc của ảo tưởng và khổ đau trong đời”.

Thật vậy, bước đầu tiên của chúng ta hướng về giác ngộ tạo nên một sự khác biệt quyết định cho đời sống của chúng ta. Trong trường hợp của nhà toán học Yòichi Yoshida được nêu trong lời mở đầu sách, khi còn là một cậu bé, ông nhận thấy rằng một không thể chia chẵn cho ba bằng toán thập phân. Dù cách hiệu quả để tính phân số “một phần ba” đã có từ lâu, ông vẫn không biết được nó trước khi ông học về phân số. Nhưng ông đã có thể nắm được nó ngay khi ông học được rằng các phân số là một cách xem xét các con số.

Chúng ta có thể nói như thế về sự đạt ngộ. Hễ khi nào một người, dù là bậc Đại trí như ngài Xá-lợi-phất, mà chỉ muốn đạt ngộ cho riêng mình, muốn được cứu độ chỉ vì mình, thì người ấy vẫn không thể vượt qua cái hố sâu ngăn cách sự chứng ngộ của người ấy với sự chứng ngộ của đức Phật, dù cho người ấy sắp đạt được sự chứng ngộ của đức Phật. Tuy nhiên, người ấy có thể nhảy qua hố sâu vào lúc người ấy hiểu rằng sự giải thoát thực sự chính là sự giải thoát của chính mình cùng với sự giải thoát của tất cả những người khác.

Đấy là ý nghĩa thực sự của lời Phật dạy “chư Phật chỉ giáo hóa cho các vị Bồ-tát”. Ngài nói điều này để giải thích rằng chỉ có các vị Bồ-tát, những người tu tập cứu độ cho hết thảy chúng sanh mới có thể nắm được giáo lý chân thực của đức Phật.

CHỈ CÓ MỘT PHẬT THỪA

Nếu hàng Thanh văn và Duyên giác nảy sinh ý định tu Bồ-tát đạo thì khi ấy họ trở thành các đệ tử thực sự của đức Phật. Đức Phật không phải không biết họ, nhưng Ngài nói những gì Ngài làm để đưa họ đến Phật-tri kiến thực sự. Bằng cớ là, kế đó đức Phật nói với Ngài Xá-lợi-phất như sau: “Này Xá-lợi-phất, bằng phương tiện Một Phật thừa, Như Lai thuyết Pháp cho tất cả chúng sanh; không có thừa nào khác nữa, không có thừa thứ hai, cũng không có thừa thứ ba”.

Một thừa (Nhất thừa) nghĩa là: Tất cả mọi người đều có thể thành Phật. Sự chứng ngộ mà hàng Thanh văn, Duyên giác cũng như Bồ-tát đạt được là một mà nhờ đó các vị thành Phật, và từ căn bản nó vẫn như thế. Có người có thể đạt sự chứng ngộ của Thanh văn, có người có thể đạt sự chứng ngộ của Duyên giác. Cả hai khía cạnh chứng ngộ đều là những cánh cổng đưa đến Phật-tri kiến.

Điều này được giải thích bằng ẩn dụ như sau: một người đã vào cổng này chỉ có thể vào được ngôi phòng trong của Phật-tri kiến nếu người ấy trước hết phải bước hành lang cửa của việc tu Bồ-tát đạo. Đồng thời, không thể bảo rằng cả cổng và hành lang đều không gồm trong trú xứ của đức Phật. Tuy nhiên, nếu một người dừng lại ở cổng, người ấy sẽ bị ướt sũng khi trời mưa và sẽ bị lạnh cóng khi trời tuyết. “Tất cả các ông hãy vào phòng trong của Phật-tri kiến. Cổng Đông, cổng Tây và hành lang, tất cả đều là những lối vào dẫn đến phòng trong của Phật-tri kiến”. Đây là ý nghĩa của lời Phật dạy “Ngoài Một Phật thừa, không có thừa thứ hai, cũng không có thừa thứ ba. Do sức phương tiện mà ta nêu là có hai thừa ấy.
Chỉ có một cứu cánh chân thực cho tất cả”.

Nếu chúng ta nắm được ý nghĩa chân thực này của lời đức Phật dạy thì chúng ta sẽ tự nhiên hiểu được ý nghĩa của phần sau của phẩm 2. Nay chỉ giải thích những điểm chính gồm một số từ ngữ khó có thể gây nhầm lẫn.

Như trước đây đã nêu, chư Phật xuất hiện ở đời chỉ nhằm một mục đích rất lớn là khiến tất cả chúng sinh đạt được Phật-tri kiến; nói một cách khác, chỉ nhằm khiến chúng sanh đạt ngộ, hiểu rằng họ có thể thành Phật. Sự thật là giáo lý của đức Phật chỉ là một, nhưng vì hết thảy chúng sanh trong đời ác ngũ trược tham lam và xa rời đức Phật nên chư Phật, bằng sức phương tiện, do Một Phật thừa mà biện biệt, tỏ bày ba thừa Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát.

Tất cả các chúng sanh đều có nhiều loại tham dục bắt rễ thâm sâu trong tâm. Dù cho những ảo tưởng của con người có vẻ như đã được tẩy gỡ khỏi ý thức, chúng vẫn còn trong tiềm thức và sẽ khởi lên lại do sức mạnh của tập quán cố hữu mà được cung cấp các hoàn cảnh thuận hợp. Thuật ngữ Phật học trỏ hiện tượng này là jikke, nghĩa là những hạt giống bẩm sinh mà chúng ta có bên trong chúng ta. Ví dụ, chúng ta bỗng cảm thấy giận dỗi khi có ai đó sỉ nhục chúng ta, dù chúng ta đã quyết không bao giờ nóng nảy và đã nghĩ rằng chúng ta đã rất bình tỉnh. Điều này xảy ra do bởi những tham dục đã bắt rễ thâm sâu. Chừng nào chúng ta chưa tẩy gỡ chúng khỏi tiềm thức của chúng ta thì vẫn chưa thể bảo rằng chúng ta thực sự được thoát khỏi những ràng buộc của ảo tưởng và khổ đau.

Tiềm thức có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thể chất theo như y học đã chứng tỏ. Sự việc này giờ đây được các nhà tâm lý và các bác sĩ công nhận, vốn đã được đức Phật Thích-ca-mâu-ni xác chứng từ hai mươi lăm thế kỷ rồi.

ĐỜI ÁC NGŨ TRƯỢC:

Đức Phật nói với ngài Xá-lợi-phất: “Chư Phật xuất hiện ở thế gian trong đời ác của năm thứ ô trược (sự vẩn đục) (1) tức năm sự suy tàn - suy tàn về kiếp (kiếp trược), sự suy tàn do phiền não (phiền não trược), sự suy tàn của tất cả chúng sanh (chúng sinh trược), sự suy tàn của kiến giải (kiến trược) và sự suy tàn của thọ mạng (mạng trược)”.

Sự suy tàn của kiếp (kalpa), sự suy tàn thứ nhất trong năm sự suy tàn là sự suy tàn xảy ra do bởi một khoảng thời gian rất lâu. Khi nguyên trạng được duy trì suốt một giai đoạn lâu dài thì nhiều thứ ác khởi lên, giống như sự xơ cứng động mạch gây ảnh hưởng phiền phức cho sức khỏe thể chất. Vì thế, đôi khi thế giới cần vào trong một kỷ nguyên mới để phục hồi sức khỏe của nó.

Sự suy tàn do phiền não nghĩa là con người hành động mù quáng do những ảo tưởng của họ. Đây là lý do tại sao những hành động tội ác càng lúc càng gia tăng.

Sự suy tàn của tất cả chúng sanh nhằm trỏ đến những mâu thuẫn sinh khởi do những khác biệt bên ngoài của bản tính người ta. Tranh cãi xảy ra giữa người ta và có thể đưa đến rối rắm trong gia đình và trong xã hội nói chung vì người ta không nhận ra rằng tất cả mọi người đều được thấm nhuần bằng một sinh lực lớn lao, do đó họ tập trung vào những khác biệt bên ngoài và mỗi người khẳng định cái ngã của chính mình.

Sự suy tàn của các kiến giải trỏ những xung đột chung khởi lên do các quan điểm khác biệt nhau. Mọi sự đi ngược với người ta vì ai cũng thủ chấp một quan điểm hẹp hòi do các mục đích vị kỷ của chính mình. Nhưng nếu tất cả đều theo một lối nhìn đúng đắn về các sự vật như giáo lý của đức Phật trỏ bày thì tự nhiên một thế giới hòa bình không có tranh chấp sẽ thể hiện.

Sự suy tàn của thọ mạng nghĩa là tình hình khó khăn của thế giới được tạo thành do vì đời người ngắn ngủi, người ta tìm kiếm kết quả và lợi lạc tức thời từ ý nghĩ và sự hành xử, và người ta trở nên lo âu về những thứ lặt vặt. Nếu người ta chỉ cần nhận thức được cái sự thật về cuộc sống vĩnh cửu của con người thì chắc chắn người ta sẽ thoát khỏi những khổ đau của mình.

Trong đời ác ngũ trược như thế, tất cả mọi chúng sinh bị quá ràng buộc vào những ảo tưởng của mình, khó có thể hiểu được giáo lý tối thượng khi giáo lý này được giảng trực tiếp cho họ. Do đó, chư Phật dần dần đưa mọi chúng sinh đến giác ngộ bằng sức phương tiện chia giáo lý làm ba thừa: Thanh văn thừa, theo đó người ta nghe giáo lý của đức Phật và gỡ bỏ các ảo tưởng khỏi tâm thức mình; Duyên giác thừa, theo đó người ta không thỏa mãn việc nghe giáo lý của đức Phật, mà thể hiện chân lý cho mình bằng kinh nghiệm của chính mình; và Bồ-tát thừa, theo đó người ta được giải thoát và trở thành một vị Bồ-tát là kết quả của việc tu đạo giải thoát những người khác. Khi tất cả các chúng sanh hiểu rằng việc phân chia ba thừa này phát xuất từ sức phương tiện của chư Phật thì phương tiện thiện xảo của chư Phật tự nó sẽ trở thành một con đường lớn dẫn đến chân lý.

Tất cả chúng sanh đều có thể vào Phật đạo từ bất cứ mặt nào: từ việc thờ kính Xá-lợi Phật, từ việc xây tháp xây đài, từ việc xây chùa xây đền thờ Phật ở nơi hoang vắng, hoặc cả từ việc vun cát giả làm tháp Phật. Tất cả chúng sanh đều có thể vào Phật đạo từ việc làm bất cứ điều thiện nào. Khi họ không ngừng nỗ lực tu sửa đức hạnh và phát triển đại tâm từ bi thì cuối cùng họ sẽ thành Phật.

Những nhóm từ của đức Phật mà chúng ta phải đặc biệt cẩn thận để hiểu đúng ở đây là: “Ta báo trước rằng những người như thế này / Trong đời sau sẽ thành tựu Phật đạo”. Chúng ta cần đặc biệt chú ý đến từ “đời sau”. Đây không có nghĩa là“sau khi chết” mà là “một lúc nào đó trong tương lai, khi người ta dần dần tinh tiến, từng bước một”.

Kinh Pháp Hoa dạy chúng ta rằng khi người ta đạt ngộ, người ta trở thành một vị Phật ngay và thế giới này lập tức trở thành cõi Tịnh quang. Kinh cũng dạy chúng ta rằng không phải chúng ta chỉ có thể đến thiên đường khi chúng ta chết mà dạy rằng đức Phật ở trong tâm chúng ta là thiên đường hiện hữu trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Trong đoạn kệ cuối của phẩm 2, chúng ta đọc thấy các dòng sau đây: chư Phật không bao giờ do bởi một chiếc xe nhỏ (Tiểu thừa) / Cứu độ tất cả các chúng sanh”. Những dòng này thường bị hiểu lầm là: “Cuối cùng, chư Phật không bao giờ cứu độ tất cả các chúng sanh do bởi một chiếc xe nhỏ (Tiểu thừa)”. Một số người cho rằng như thế là không phù hợp với lòng từ bi của đức Phật. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của nhóm từ này là: “Chư Phật không thể cứu độ tất cả các chúng sanh rốt ráo do bởi chỉ một chiếc xe nhỏ mà thôi”. Tức là, chư Phật cứu độ tất cả các chúng sanh đến một mức độ nào đó dù do bởi một chiếc xe nhỏ, nhưng chỉ do bởi chiếc xe ấy mà thôi thì chư Phật không thể dẫn họ đến giải thoát tối hậu, tức là, sự giải thoát tối thượng.

Đức Phật kết thúc phần giảng ở phẩm 2 bằng những lời mạnh mẽ: “Này Xá-lợi-phất, nên biết rằng Pháp của chư Phật là:
bằng vô số phương tiện, chư Phật thuyết pháp tùy theo hoàn cảnh. Điều chủ yếu là không ngừng học hành và tu tập pháp trong đời sống hàng ngày. Những ai không làm như thế thì không thể hiểu trọn vẹn cái mục đích độc nhất lớn lao, rằng chư Phật thuyết Pháp cho tất cả các chúng sinh theo từng cấp độ và cuối cùng khiến họ đạt được cùng một trạng thái với chư Phật. Nhưng các Ông đã biết được những phương tiện thiện xảo của chư Phật. Nếu thế thì các Ông không còn nghi ngờ nữa và tâm các Ông rất vui mừng, và các Ông cũng có thể tự hiểu rằng các Ông sẽ thành Phật”.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567