Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

22. Miền an trú

13/06/201316:53(Xem: 8555)
22. Miền an trú

Tu bụi

Trần Kiêm Đoàn

Chương hai mươi hai

Miền an trú

Những buổi sáng mùa Xuân tươi mới trong cảnh núi rừng tĩnh mịch nầy, Trí Hải bắt đầu cảm thấy có một vẻ gì biến hiện như sắc, như không đơn sơ và hòa điệu với thiên nhiên, có lá xanh nứt ra từ trong thân cây mùa Đông khô héo. Có hoa rừng đủ sắc trổ lên từ vẻ ủ rũ xám ngắt vùi trong mưa lạnh. Có lửa lóe lên từ đá sỏi ngỡ như vô tri, khi hai hòn đá chạm nhau xẹt lửa bên triền núi. Có tiếng chim gọi trăng giữa đêm khuya về sáng. Có cả một sự sống tưng bừng của tạo vật giữa núi rừng yên ắng muôn năm. Trí Hải thấy rõ “có” một cảnh trời đất mênh mông, núi rừng biền biệt quanh mình. Nhưng ngày lại ngày nhìn kỹ, nhìn qua mắt khi mở mắt, nhìn qua tâm khi nhắm mắt, nhìn trong tận cùng tầm mắt trôi loanh quanh phêu lãng khi mắt không còn nhắm mà cũng chẳng mở, Trí Hải chẳng còn thấy gì cả. Cây, đá, khe, suối, núi đồi… hiện ra rõ ràng như thế giới hiện thực quanh mình. Nhưng qua một đêm gió núi, mưa ngàn, có khi những cành cây cổ thụ bật gốc và bị mưa bão đánh tan thành mảnh vụn và gió mang đi tan tác. Hạt bụi gỗ bay đi trong gió, suối đồi đâu có biết là nó đến từ thân cổ thụ cả nghìn năm. Có những tảng mây cao ngất cuối chân trời, nhìn hùng vĩ hơn cả lâu đài thành quách, nhưng khi bay ngang qua đỉnh núi, mây dường không còn là một hạt nước giữa hư không. Nhưng khi trôi về miền đâu đó, cái hình tướng ngỡ như hư không của mây sẽ trùng trùng ngưng tụ lại thành mưa nguồn nước lũ.

Thiên nhiên và tâm hồn con người nương nhau mà tồn tại. Trí Hải tưởng tượng nếu như không có mình, cảnh thiên nhiên chỉ xuất hiện thuần trong đôi mắt của con nai thì mây núi và cây rừng kia có còn nguyên màu ấy không. Ta không là nai và nai không là ta thì làm sao chia sẻ điều bí ẩn đầu tiên và cuối cùng đó được.

Cái có cũng là không; cái không cũng là có biến hiện trong từng khảnh khắc của thời gian.

Chiều mùa Xuân trên đỉnh núi Kim Phụng. Sương trắng về sớm làm cho cả núi đồi trở thành một khối bạc như bông. Trí Hải đưa bàn tay ra trước mắt mà vẫn bị khối sương ngưng tụ chắn ngang không nhìn rõ. Mọi vật như ngừng trôi, Trí Hải ngồi định tâm im lặng nơi mình vẫn thường ngồi trên đỉnh núi. Màn sương dày đặc che khuất ánh sáng và tầm nhìn. Mọi vật dường như không có, không có nơi đây mà vẫn có đâu đó vì vạn vật vẫn có đó nhưng tất cả đều ẩn sau màn sương. Cái “không” của vạn vật trước mắt Trí Hải lúc nầy là một ý niệm đối nghịch với cái có. Cái có - không; không - có theo khái niệm đối nghịch như thế là hai cặp nhị trùng thường xuyên chen lấn, xô đẩy, loại trừ nhau để cho cái tôi độc tôn của mình hiện hữu. Cặp “nhị nguyên” có - không như hai gã mù và gã sáng hay như hai anh què, kẻ què chân, người què tay khập khiểng dìu nhau đi tranh sống giữa đời. Hai trạng thái tách biệt nhau nhưng lại nương nhau mà tồn tại. Hễ có gã nầy thì phải có gã kia. Mà nếu gã kia không có thì gã nầy cũng không luôn. Cứ thế mà đi mãi. Cứ thế mà lòng dòng theo bén gót của cái sinh, già, bệnh, chết rồi… sinh. Và rồi cứ thế đi về, tái qua, tái lại không bao giờ ngừng nghỉ.

Con thoi, con lắc vì ở đầu nầy cho nên phải chạy qua đầu kia. Trí Hải suy nghĩ rằng, nếu con thoi và con lắc ở vào vị trí trung cân đứng giữa thì liệu lực di động qua về giữa hai cực có biến mất hay sẽ như thế nào. Có thể có một thế tĩnh hoàn toàn như thế hay không? Khi hoàn toàn không có một lực gì máy động; không có một vật thứ hai tác động lên vật thứ nhất con người sẽ đạt một trạng thái gì? Có gần với trạng thái “không” hay chưa?

Có một cái không tuyệt đối; cái không vượt lên trên và vượt ra ngoài hai khái niệm “có - không” đối nghịch đời thường mà Trí Hải thấp thoáng cảm nhận được trong những cơn định tâm sâu lắng và lâu dài. Những phương tiện giới hạn của con người như cảm giác, suy luận, lời nói, im lặng đều vô phương và bất lực để mô tả hay diễn đạt một cách chân xác về cái Không tuyệt đối đó. Đấy không phải là một khối lượng, một hình ảnh, một ảo giác hay một thực thể mà là một trạng thái. Không có phương cách hay quy ước nào để tìm tới được trạng thái “Không” uyên nguyên, thường hằng, rỗng lặng đó cả. Chỉ có Tâm Không mới “cảm” được cái Không hay phải có con mắt của Trí Tuệ mới nhìn ra cái Không. Nó thường hằng bất biến như một căn tánh nguyên sơ của vạn vật nên gọi là “tánh Không”. Cái gọi là “Tánh Không”, thực ra có thể gọi nó là cục đá, cục đất, con trâu, cái cày, mặt trời, chóp núi, đáy biển… hay là gì gì cũng được vì Tánh Không là không tánh. Mà đã là không tánh thì gọi cái gì đây và định nghĩa cái gì đây khi “hắn” không là hắn kia mà. Bởi thế, những hành giả chỉ có thể đi vào cõi Không bằng công phu rèn luyện, bằng nỗ lực tu chí lâu dài, có khi là bất tận… tự mình tìm ra con đường chánh định để đi, xây dựng một Tâm Không. Không ai có thể trao truyền, mặc khải hay ban phát Tâm Không cho mình ngoài chính mình tự tìm lấy. Ba tạng đại kinh thư của nhà Phật, cũng chỉ là cây gậy trúc, là con thuyền mành, là ngọn gió mát, là niềm tin yêu, là hy vọng vàng, là ánh trăng thanh, là bó đuốc sáng giúp hành giả đơn độc lên đường mà thôi.

Hành giả chỉ cần mơ màng mất phương hướng là sẽ loay hoay dựa vào một trong tám vạn bốn nghìn phương tiện mà tưởng lầm đã qua bờ bên kia. Tâm dính mắc, chìm đắm mà ngỡ tìm được Tâm Không là kể như nửa đường bỏ cuộc, ở lại bờ vô minh bên này. Cho nên, những phương tiện tìm về cửa Không càng rực rỡ huy hoàng, chói lọi, hoành tráng, vĩ đại theo bề ngoài chừng nào, càng dễ đánh lừa và níu kéo hành giả dính mắc vào phương tiện nhất thời trước mắt chừng ấy. Xưa đức Phật đắc đạo dưới gốc cây bồ đề. Nay nhiều hành giả xa đạo vì chùa to, viện lớn.

Cánh cửa Không chợt hé, chợt khép trong sự định tâm cùng tột của Trí Hải. Niềm hạnh phúc huy hoàng chảy tràn khắp những nẻo đường hoàn vũ. Nó gần quá trong cái tâm nầy mà nó xa cùng tận đâu đâu. Chỉ một sát na tâm hoàn toàn rỗng lặng là nắm ngay được nó và chỉ một sát na vọng tưởng khởi lên là đã xa nó muôn phương.

Trí Hải không ngớt nghĩ về từng đám bụi núi rừng ngày lại ngày xói mòn và phá vỡ những đỉnh núi cao, chôn vùi những cánh rừng rộng mênh mông xa thẳm. Những đám bụi tinh vân hội tụ thành trăng, sao, mặt trời và thế giới nầy. Chẳng có gì đứng yên một chỗ. Và cũng chẳng có vật gì tự nó sinh ra mà không cần trợ duyên phối hợp.

Trí Hải càng đi sâu vào sự định tâm tĩnh lặng, càng thấy rõ một vũ trụ đang sống, đang chuyển động, đang biến tướng không một ly ngưng nghỉ, sự chuyển hóa đó xẩy ra khắp mọi nơi. Núi rừng yên lặng thế nhưng thật sự là đang già. Thiên nhiên đang im lìm thanh thản thế kia nhưng thật sự là đang quay tít theo chiều quay vũ trụ. Tất cả đều không có một khẻ hở tơ hào để dừng lại cho hiện tại. Chạy đuổi, ngừng tay, dừng lại, ngủ ngáy… chỉ là những cách thế khác nhau của một chuỗi hành động. Và mọi hành trạng của một đời người, từ khi sinh ra cho đến khi chết, thì cũng chỉ là một giọt ngắn trong dòng trôi chảy triền miên.

Sự lắng sâu trong tâm thức Trí Hải, càng ngày càng vượt ra ngoài sự khống chế của những thói quen suy nghĩ và lý luận thông thường. Trí Hải thấy rõ mà không thể chia sẻ và phân tích được rằng: Giữa vòng quay thành, trụ, hoại, không, có một Suối Nguồn Vũ Trụ không bao giờ cạn mà cũng chẳng bao giờ đầy; không bao giờ ngừng mà cũng chẳng bao giờ hết. Suối Nguồn Vũ Trụ có tính Năng để dung chứa tất cả mọi hình thái tinh thần thanh và nhuyễn; có tính Lượng để chứa chấp tất cả mọi khối lượng vật chất đã biến dạng thành sức sống quay lăn hoài giữa hoàn vũ. Năng và Lượng tác động lên nhau, hòa quyện vào nhau, rút lại thành một “Điểm nhỏ tuyệt đối”. Nhỏ đến nỗi không còn gì nhỏ hơn để có thể so sánh nhưng chẳng phải là không có gì. Nhỏ đến nỗi không có gì chứa được trong đó; nhưng cũng lớn đến nỗi không có gì bao bọc được ngoài nó. “Điểm Nhỏ Tuyệt Đối” nầy lại có năng lượng lớn vô cùng, không thể nghĩ bàn, không thể diễn tả hay kể ra bằng lời. Trong điểm nhỏ tuyệt đối nầy đang có sẵn vũ trụ lớn vô biên trong đó. Khi Điểm Nhỏ nầy gặp cơ duyên tác động ăn khớp với bản chất và sức chứa vô biên thì bung ra thành vũ trụ. Gặp đối tượng thích hợp thì kết tụ lại thành người, thành vật, thành thiên hình vạn trạng. Cho nên, mỗi con người vừa là một vũ trụ mà cũng vừa là một hạt bụi của vũ trụ. Tiểu ngã và đại ngã chỉ khác nhau về tên gọi và hình tướng lớn nhỏ, chứ chẳng khác nhau về bản thể.

Sách vở kinh điển càng lúc càng trở thành xa vời với Trí Hải. Ông tập trung hết tâm trí, cảm xúc, hơi thở để định tâm và định thần. Trí Hải cảm nhận bằng những giây phút trí tuệ lắng đọng nhất của đời mình để thấy được rằng, những hạt bụi của thể xác và những hạt giống của tâm linh không bao giờ mất. Khi thể xác và tâm linh không còn chất keo “duyên hợp” để níu chặt với nhau nữa là khi “duyên tan”. Khối bụi đất, nước, gió, lửa thể xác biến tướng trong thế giới mang tính Lượng. Những hạt giống tâm linh trở về hòa nhập với thế giới mang tính Năng trong Suối Nguồn Vũ Trụ. Những hạt giống gần gũi nhau, mang cùng bản chất lại có khuynh hướng tìm về nhau, kết hợp với nhau thành một hợp thể mới. Hạt giống lành sẽ nương nhau thành quả ngọt; hạt giống độc sẽ hút nhau thành trái đắng. Hiền nhân hay ác quỷ cũng từ một Suối Nguồn sinh ra sau quá trình tự thân chắt lọc. Và khi có “duyên” thì hợp thể của những hạt giống mới nầy lại tác động và hòa quyện với một đơn vị thể chất mới kết tụ nào đó để sinh ra một sinh thể mới. Dòng hợp tan biến hiện không bao giờ ngừng nghỉ. Đạo Phật gọi vòng chuyển hóa biến hiện đó là luân hồi sinh tử. Luân hồi sinh tử là vòng quay đời đời kiếp kiếp không ngưng nghỉ một li ti thời khắc nào cả. Một vật vừa sinh ra cũng có nghĩa là đang tiến dần về cõi chết. Một tia chớp là một tia sáng đang tắt. Một ngày mới là một vòng quay đang lụi tàn. Không một vật thể, hiện tượng, ý nghĩ, hành động nào có thể đứng yên dù chỉ trong một đơn vị nhỏ nhất của thời gian để xác định tự tướng, tự tánh của mình, của nó là gì cả. Cho nên, mọi vật và mọi sự đều không có định tính, không bao giờ xác định được một tự tánh riêng đứng độc lập ra bên ngoài vòng xoay chuyển.

Trí Hải còn nhớ rõ những lý thuyết nhà Phật minh họa về Tánh Không và Duyên Khởi. Tánh Không, đó là tánh rỗng lặng thường hằng thường tại không hình, không tướng, không sinh, không diệt nên chẳng lớn, chẳng nhỏ; chẳng còn, chẳng mất. nhưng Tánh Không hoàn toàn khác hẳn với Vô Tánh. “Không” là tánh, chẳng phải là hư vô. “Không” là rỗng lặng, chẳng phải rỗng tuếch. Chữ “Không” của tiếng Tàu dịch từ chữ Phạn Sun-da-ta có nghĩa là mênh mông, trống trải, vắng lặng. Khác với tiếng Việt “Không” có nghĩa là bất, là vô, là phi… là chẳng có gì cả. Có Tánh Không là có cái rỗng lặng nguyên sơ (chân Không); có mà chẳng “Có” (diệu hữu). Không là tất cả; tất cả là không mang tánh rỗng lặng thường hằng vô định tính.

Trời xanh, mây trắng, nắng vàng… ngỡ như có mầu nguyên sơ. Nhưng tất cả nhạt nhòa vào bóng tối… và một ngày mới lại lên. Và cứ thế dòng luân lưu trôi đi không dấu vết.

Trí Hải để cho dòng suy tưởng trôi xa, rất xa về một ánh chớp Kim Cương. Ông nhìn sông nước với sự thú vị đầy trầm tư khi lòng tự dăn lòng phải chiêm nghiệm cho được rằng: Thấy dòng sông không phải là dòng sông (vì nó chỉ là một tổng hợp của những hạt nước, nguồn nước, sức đẩy của con nước, thế biến dịch của thiên nhiên) thì mới quả là thấy được dòng sông thật sự. Cái nhà, không phải là cái nhà (vì nó chỉ là tổng hợp của một khối vật liệu đang trên đà hư hoại) thì đó mới thật là cái nhà.

Sự phủ định toàn triệt trong trường hợp nầy là một sự khẳng định dứt khoát. Trí Hải lẩm bẩm nói với chính mình khi nhớ lại lời một vị quan triều theo Nho học cứ tán dương Nho giáo là đạo nhập thế và bài bác Phật giáo là đạo xuất thế “thủ tiêu chến đấu”! Dạo đó, Trí Hải đã nghe một vị sư ông giữ chùa trong Đại Nội tranh luận lại rằng, cần phải nhận rõ cái tánh thật của vạn sự là Tánh Không. Một sự xác tín mạnh mẽ như thế là để hành động cho đúng đường chứ không phải để thủ tiêu hành động. Trông đám mây có dáng con ngựa trắng nhưng biết đó chỉ là bóng ngựa hư ảo để đừng cỡi lên nó là một sự khẳng định chứ không phải phủ định. Nếu có người nghĩ rằng cái “Không” trong đạo Phật là tiêu cực, là chối bỏ, là rút lui thì đấy là một cách hiểu và suy diễn nghịch lại với lý thuyết cốt tủy nhất của nhà Phật. Tiến trình làm người, phải sống, để tu chứng, tự mình tìm ra con đường giác ngộ qua bao gian lao và thử thách đòi hỏi một sự chiến đấu dũng mãnh trong thầm lặng. Chiến đấu với nội tâm, với lòng ham muốn, với sự cuốn hút chực chờ của ngoại cảnh không bao giờ là một lối sống phủ định, tiêu cực, xa lánh cuộc đời như người ta thường hiểu.

Vị sư ông giữ chùa Đại Nội còn đi xa hơn trong lý luận rằng:

Phải hiểu tánh không là bản thể tuyệt đối, là chân tánh của muôn vât, muôn loài. Sự khẳng định nầy là trái tim của cách nhìn vũ trụ và con người mà nhà Phật có nói trong kinh Bát Nhã. Cần phải thấy được cái tánh không - tánh chẳng có tự tánh - là một khẳng định luận của nhà Phật. Bằng không, sẽ hiểu ngược lại rằng, nguyên lý “thấy ngũ uẩn đều không” là một phủ định luận. Bát Nhã là một khẳng định luận về chân tánh của con người, vạn vật và vũ trụ.

Các nhà hiền triết Trung Hoa gọi Suối Nguồn Vũ Trụ là Đạo hay Thái Cực. Và cái lý chuyển dịch tự nhiên của bộ máy tạo hóa nầy là khi “cùng tắc sẽ biến”. Biến hóa thành muôn vật kỳ tú, mênh mông và ảo diệu không cùng. Dân gian gọi Suối Nguồn Vũ Trụ đó là Ông Trời. Khi sống là gởi tạm thân xác nầy ở trần gian. Khi chết mới thực sự là trở về với Trời Đất. Các đức tin và tôn giáo gọi Suối Nguồn Vũ Trụ đó là đấng Tạo Hóa, đấng Chủ Tể Càn Khôn, đấng Toàn Năng hay Thượng Đế… Con người và muôn vật chỉ là những hạt bụi trần gian trong bàn tay của vị chủ tể càn khôn đó. Sống chết đều do thánh ý của Ngài.

Trên đỉnh núi mùa Xuân đâm lộc non, Trí Hải rùng mình ớn lạnh. Cảm giác trút bỏ xác thân - một hợp thể của hàng tỷ tỷ hạt bụi mang tính Lượng sẽ tan rã, thân và tâm chia tay nhau trở về nguồn cội - không biết sẽ ra sao. Cảm giác vui buồn chỉ là ảo giác của tâm còn bị trói buộc vào thế giới hình tướng nầy. Khi vẫn còn ý niệm là vẫn còn đau khổ. Trí Hải nhận biết có một vùng trời an lạc tuyệt đối nằm trong Suối Nguồn Vũ Trụ. Sẽ không có một sinh thể đơn lẻ nào mất đi trong Suối Nguồn Vũ Trụ đó. Bởi khi sinh thể mất đi, phần Lượng sẽ chuyển hóa và phần Năng sẽ trở về với Suối Nguồn Vũ Trụ dưới dạng những hạt giống mà chữ nhà Phật gọi là Chủng Tử. Những hạt giống mới của một sinh thể vừa chết đi, sẽ hòa nhập với hạt giống cũ đang nằm trong Suối Nguồn Vũ Trụ của cùng một sinh thể.

Những hạt giống trầm luân sẽ kết hợp với nhau, tự nhận chìm nhau xuống để chờ đợi phút đầu tiên sự thành hình một sinh thể mới, có cùng căn cơ để hòa nhập và tạo ra một sinh thể tương ứng. Những hạt giống giải thoát, tự chúng không còn bị nhiễm. Tất cả không còn sự dính mắc để bị níu kéo, bị sự thúc đẩy của tiến trình tự nhiên phải hòa nhập vào một sinh thể mới. Khi đã mất hết sự cuốn hút của vòng quay do mọi hạt giống lành hay dữ của nhiều đời tích tụ lại, mà chữ nhà Phật gọi là Nghiệp, thì sinh thể sẽ chuyển hóa thành tinh thể Đấy là sự “hoàn lai bản nguyên” - trở về nguồn cội - với một Nhất Thể.

Cái Một đó không lớn, không nhỏ, không hình, không sắc. Nó cũng không là ánh sáng, không là bóng tối. Nó chẳng phải là hai, không là một mà là Tuyệt Đối, là Nhất Thể. Nơi đó không có tâm, không có tình, không có tưởng; không có hình thể và hiện tướng riêng biệt. Khi cái Một đó đã hết sạch nghiệp thì sẽ không còn đối lực nên duyên hợp hay duyên tan cũng không còn chỗ bám. Cái Một ngưng tụ lại thành Điểm Tuyệt Đối đó là sự Giác Ngộ? Điểm Tuyệt Đối sẽ không còn phân ly. Dòng sinh diệt luân hồi không còn tác dụng trên Điểm Tuyệt Đối đó nữa?

Dòng suy tưởng của Trí Hải từ từ lắng xuống và chìm dần trong cơn vắng lặng nội tâm. Ông nắm bắt sự chuyển mình của nguồn sáng đang trôi chảy.

Mọi sự thông minh, uyên bác, lý luận, gọi tên, định nghĩa… đều là những giá trị tương đối, những quy ước đóng khung nằm ở bờ bên nầy. Bên nầy là đáy giếng sâu nên tầm nhìn không thoát ra khỏi giới hạn của mình. Cái nhìn từ đáy giếng sâu là một cái nhìn chật hẹp nên bị đóng khung và sai lạc. Trời đất phía trên kia có bao la lồng lộng đến độ nào thì qua cái nhìn từ đáy giếng ấy, cũng chỉ là khoảng tròn chật hẹp như miệng giếng. Tuyệt Đối ở bờ bên kia. Không có gì mua được, đổi được, sai khiến được một sự “vượt biên” đến Tuyệt Đối, qua bờ bên kia cả. Bờ bên kia là bờ Giác Ngộ, Gải Thoát, An Lạc, Niết Bàn… hay muốn gọi là gì cũng được vì không còn sự so sánh, chính danh, giả danh hay bất cứ một khái niệm nào tương đương với bờ bên nầy. Chỉ có hành giả mới tự độ được mình qua tới bờ bên kia. Không có con đường nào ngắn nhất mà cũng chẳng có con đường nào dài nhất vì đây không phải là con đường vật lý mà là con đường của tâm.

Trí Hải nhìn lại mình. Bao năm sống với trí óc mênh mông kiến thức của học giả và đầu óc dày đặc lý luận của trí giả chỉ đủ làm thỏa mãn cái tò mò của tri thức. Nhưng dẫu cho tri thức minh triết nhất cũng chỉ là cuộc xông pha đánh Đông dẹp Bắc trong cái thế giới vô minh của mình. Con lạc đà tri thức không ra khỏi sa mạc của mình và gục xuống chết khát vì chở những khối bản đồ, sách vở, mô hình của đại dương, khe suối nặng trĩu trên lưng. Con lạc đà muốn sống còn ra khỏi sa mạc phải tìm tới nơi có nước chứ không phải miệt mài với u tối và thỏa mãn với ngây thơ để chở những phương tiện kiếm nước trên lưng. Phương tiện thì nói toàn chuyện sông biển mà dưới chân thì toàn cát bỏng khô cằng. Bởi vậy, hành giả không phải là người nghĩ chuyện mây mưa, nói điều sông biển mà là kẻ đi với từng giọt nước .

Giọt nước là cuộc đời hiện thực. Vịn cuộc đời hiện thực mà đi. Vừa đi bên cạnh, vừa giúp đời cải hóa từ giả thành chân, từ ác thành lành, từ gian manh thành thánh thiện là tu đời, tu bụi và giúp đời tu. Với ý nghĩ đẹp đầy năng nỗ dấy lên trong lòng, từ đỉnh núi cao, Trí Hải cảm thấy mình thật gần gũi với cuộc đời dưới xa kia. Nguồn sinh lực mới như được chắt lọc từ lò thuốc trên đồi Vạn Niên, chảy tràn qua đỉnh núi Kim Phụng làm Trí Hải nhìn thiên nhiên và cuộc đời bằng đôi mắt mới. Ông tin những chân lý cao viễn nhất cũng phải bắt nguồn từ trần gian tầm thường và đau khổ này. Do đó, những phương thuốc thần diệu nhất tâm linh cho những con bệnh trần gian không thể tách rời cuộc sống. Tất cả mọi ý nghĩa tầm thường hay sâu xa nhất của sự sống phải vừa là chủ thể, vừa là đối tượng. Người mẹ chấp nhận được cả hành động dễ ghét của con vì quá thương con. Hai người yêu nhau ghét lời nói dối vì quá tin nhau. Hai kẻ thù nhau vì quá để ý tới lời nói, hành động châm chọc của nhau. Mặt nhám và mặt trơn của chiếc lư đồng cũng chỉ là một mặt để tạo nên chiếc lư đồng mà không phải là cái tô, cái chén. Hai mặt của đồng tiền khác nhau mới tạo nên đồng tiền. Hai mặt khác nhau, không cách ly nhau một sợi tơ hào, như một thiền sư Trung Hoa xuất thân làm đồ tể nhìn thấy:

Tạc nhật Dạ xoa tâm

Kim triêu Bồ tát diện

Bồ tát dữ Dạ xoa

Bất cách nhất điều tuyến.

Nghĩa là:

Hôm qua lòng của Dạ xoa

Hôm nay Bồ tát mặt hoa sáng ngời

Dạ xoa, Bồ tát giữa đời

Mảy may không cách, không rời đường tơ.

Tính thiện, tính ác; tính ác, tính thiện là… một. Người mẹ ôm đứa con hư vào lòng bằng tình thương. Tình thương của mẹ đã hóa giải nên, hư. Nên, hư được hóa giải trong tình mẹ. Khi tình thương độc chiếm lòng mẹ thì nên, nghe cũng chỉ là cái bóng bên ngoài vì đã có cái lõi bên trong làm bảo chứng. Cái bóng nên, hư chỉ là ảo ảnh. Cái tâm làm chủ tạo tác khiến cho nên, hư chỉ là một. Cái một đó mới là cốt lõi. Nếu nhận ra và sống theo cái “một” đó thì chẳng còn ai phóng tâm tạo tác “điều hư” hay mơ màng với cái bóng “điều nên” mà phải đối diện với đời sống cho ra sống. Sống trong tỉnh giác. Chỉ có sự tỉnh thức mới loại bỏ được vọng tưởng của khái niệm “nên, hư” để sống trung chính trong từng khoảnh khắc, làm chủ mỗi hành động lớn nhỏ giữa đời nầy.

Trăng mùa Xuân trên đỉnh núi đẹp lồng lộng. Ánh trăng chiếu xuống trần gian cũng phải đeo tình. Trăng trên bãi tha ma buồn hơn là trăng vui trên đồng lúa. Trăng treo trên đỉnh núi thanh thoát hơn là trăng nơi kẻ chợ. Tâm người đeo trăng như cườm tay đeo vòng nạm ngọc. Trăng và ngọc bị nhuốm màu hay đẽo gọt theo ý của người. Tìm trăng nguyên sơ hay tìm ngọc đầu nguồn cũng khó như đi tìm cái tâm gốc, cái mặt thật của mỗi con người. Cũng chỉ là cảnh núi rừng cũ mà Trí Hải cảm thấy như mình đang đứng giữa một thế giới mới. Vươn vai đứng thẳng dậy với nguồn suy tư mới, Trí Hải đi từng bước chậm rãi và an hòa xuống suối Bản Lai. Từ mé đồi cao lưng núi, người ta có thể nhìn rõ cả con suối quanh co. Trí Hải nhìn con suối và bắt gặp điệu sống của con người. Dòng nước từ khe núi đá cheo leo đổ dồn xuống sườn núi thấp. Nước mới ra khỏi khe trong vắt chưa bị bụi rừng, lá khô làm vẩn đục như tuổi thanh xuân còn trong trắng chưa nhuốm bụi trần. Những mảng nước trôi chảy không có một đối tượng để va vào, chẳng dựa vào đâu cả, từ trên cao đổ vào lòng suối nhẹ nhàng. Ngược lại, những mảng nước dính mắc, va vào bờ đá, quật vào thành khe là nước tung bên này, tóe bên kia vỡ toang, gây tiếng động ồn ào và va chạm nghênh ngang giống cảnh gã mù say rượu. Trí Hải suy diễn ra lòng ham muốn của con người cũng tương tự như thế. Ham muốn hay dục vọng cũng phát khởi và trôi chảy trong lòng người như dòng nước. Càng tạo đối tượng cho dục vọng tiếp cận, va chạm, tương giao, lòng ham muốn càng đâm chồi trổ lá. Hướng lòng ham muốn trôi đi nhẹ nhàng, ham muốn sẽ lắng xuống.

Suối trong tưởng chừng như không có nước. Trí Hải lội xuống nước và soi mình trên dòng suối. Bóng mình phản chiếu hiện rõ trên bờ tường nội chiếu. Con dã nhân mất hút. Chỉ còn khuôn mặt Trí Hải hiện ra. Một khuôn mặt thanh thoát, nhu hòa đầy thiện cảm. Trí Hải mỉm cười. Nụ cười đối bóng. Một mình trong rừng vắng với nước suối mát dịu dưới chân, Trí Hải trút bỏ hết áo quần và mắc trên ghềnh đá. Trời, đất, nắng, gió, sinh vật và cây cỏ xung quanh thảy đều xuất hiện trong dáng vẻ tự nhiên không mảy may che giấu. Chỉ còn Trí Hải đầm mình trong dòng suối, tay chân duỗi thẳng, đầu kê lên phiến đá rêu mượt như nhung. Trăng mười sáu nấu vàng trên suối. Thiên nhiên có một nếp sinh hoạt riêng. Trăng trên cao chiếu xuống làm cho cảnh núi rừng trở nên thâm u và huyền hoặc. Tiếng suối chỗ róc rách, chỗ lao xao. Nước và đá gặp nhau chưa hội ngộ đã chia tay trôi về xuôi biền biệt. Cây gió rì rào. Lá khô xao xác. Vài tia chớp nhay nháy và tiếng sấm trời, sấm đất ì ầm vọng âm đâu đó bên trời xa. Bước đi của thiên nhiên là một chuỗi phản ứng và tác động qua lại vô điều kiện. Cái nầy tương tác với cái kia hoàn toàn vô tư và vắng lặng. Dẫu là tiếng sấm xé trời cũng phát ra và quay về trong cõi im lặng tuyệt đối. Tất cả đều trống không, vô ngã. Chính tính vô ngã đã tạo ra sức mạnh vô biên vì không bị giới hạn giữa chủ và khách. Tính vô ngã làm cho thiên nhiên bao trùm tất cả vì không bị trói buộc “thuộc về”; không có điều kiện “nếu”, không đổ tội cho ai “tại vì”.

Giữa thiên nhiên, Trí Hải cảm thấy mảnh thân xác trần trụi của mình chẳng đáng là hạt bụi giữa vô cùng. Không có gì để bám víu. Quá khứ, hiện tại, vị lai đều không có mặt trong dòng nước trôi đi không trở lại nầy. Có lúc Trí Hải bỗng quên mình có thật một thân xác mà tất cả chỉ còn là một mảnh ý niệm đang kê mình trên phiến đá rêu. Trí Hải chỉ còn một ham muốn tột cùng là làm sao để đưa được thân và tâm mình đến chỗ “không còn chi để muốn”. Cái tâm tột cùng ham muốn nhân lên với cái trí không không rỗng lặng giúp đưa Trí Hải ra ngoài biên giới đời thường. Dòng suối dịu dàng mang đi tất cả lớp bụi trần đã lớp lớp bám dày một đời tục lụy. Trí Hải cảm nghe như mình mọc thành cây lá và núi mọc lên mình, rồi gối đá ngủ say. Bà Mẹ thiên nhiên âu yếm vỗ về một đứa con ngoan đang trở về bên gối mẹ

Giữa mơ màng hay từ trong vô thức Trí Hải nghe tiếng đàn bầu. Tiếng đàn bầu quen thuộc quá. Rõ ràng là bản Kim Phụng Vũ, với những khúc Nam Giao, Tương Tư, Thuận Vũ qua ngón đàn tuyệt kỹ của Ba Gấm. Tiếng đàn của Ba Gấm không thể là tiếng đàn lẫn lộn giữa cảnh vàng thau. Tiếng đàn đã đánh động cảm xúc của Trí Hải đến miên man tê điếng, dại khờ… Nhưng như dòng suối đã băng băng về xuôi không trở lại, hay có trở lại chăng cũng chỉ là mây núi, mưa nguồn, Trí Hải không câu chấp tiếng đàn về lại cho mình mà hướng cái hay về với tất cả. Khi đàn, Ba Gấm sống với đàn.

Đôi mắt đam mê, đôi môi chúm lại như muốn thổi hết cả sức sống vào dây tơ, dáng mềm mại trang đài và đôi bàn tay đẹp trổ hết vẻ tài hoa ấy bỗng đâu thật gần.

Trí Hải mỉm cười thân thương với tiếng đàn, với rừng cây, với con suối. Trí Hải bước ra khỏi suối, mặc lại quần áo và lững thững đi về phía tiếng đàn đã vang lên và lặng im sau quá nửa đêm về sáng. Dưới tàn cây cổ thụ, Ba Gấm đang dựa vào gốc cây ngồi ngủ. Chiếc đàn bầu Uyển Thanh đặt nằm trên phiến đá trước mặt. Trí Hải lặng lẽ đứng nhìn Ba Gấm ngủ ngồi. Sau hơn nửa năm xa cách, Ba Gấm tìm đến nơi nầy. Dáng ngủ đẹp và hiền như nàng công chúa trong truyện đời xưa. Những cơn sóng tình cảm xô dạt vào bờ rất nhẹ vì đại dương tâm hồn ngoài kia đã lặng gió.

Nắng mai vừa lên. Ba Gấm mở mắt. Trí Hải đang đứng nở nụ cười đầy bao dung trước mặt. Ba Gấm đứng bật dậy dang tay ôm choàng Trí Hải và kêu lên:

- Anh! Có thật Trí Hải đây không? Thật hay mơ đây anh?

Trí Hải không có một phản ứng nào khác hơn là nhẹ nhàng trả lời:

- Thật mà! Trí Hải đây em.

Ba Gấm gục đầu vào ngực áo Trí Hải, khóc mùi mẫn như trẻ thơ:

- Anh ơi! Anh có thể bỏ tất cả, nhưng sao anh lại nỡ bỏ em mà đi. Em đi Hàng Châu về thì anh đã đi rồi. Ông cụ Phạm Xảo, thầy Tiều cũng chẳng biết anh đi đâu. Em và người nhà em phải dọ hỏi hơn cả tháng trời mới biết là anh đã lên núi nầy tu tiên. Em thương anh, em nhớ anh chết được. Thôi, thôi, bỏ hết, về lại với trần thế nầy, về lại với em đi anh.

Trí Hải cười vô tư lự, trả lời:

- Đâu cũng là sông núi quê mình, huynh đi quanh cho biết đó biết đây chứ có đi đâu mà “bỏ”!

Ba Gấm giận dỗi một cách hồn nhiên:

- Coi kìa! Bỏn nhà, bỏ cửa, bỏ em, bỏ hết đằng sau để đi tu tiên, tu đạo… mà không phải là “bỏ” đó sao?

Trí Hải lại cười. Vẫn với giọng nhẹ nhàng:

- Hì, hì! Huynh chỉ đi tìm chút yên tĩnh thoải mái nơi chốn núi rừng ít bụi bặm nầy thôi chứ có tu hành gì đâu.

- Thôi, cứ cho là vậy cũng được đi. Em tin. Nhưng để em xem thử huynh có gì thay đổi không đã.

Ba Gấm vừa nói vừa dang ra xa nhìn âu yếm Trí Hải từ đầu tới chân. Cứ mỗi lần quan sát là có kèm theo một câu bình luận:

- May quá! Chưa đổi thật. Đầu vẫn còn tóc nguyên vẹn nầy. Áo quần sờn vai sứt chỉ cả rồi, nhưng vẫn là bộ áo quần cũ nầy.

Trí Hải vẫn tươi cười im lặng. Vẻ mặt an nhiên nhìn Ba Gấm đầy thân thương, nhưng bằng đôi mắt thương nhìn cuộc đời, nhìn vẻ đẹp của non nước mây trời.

Ba Gấm nhìn sâu vào đôi mắt Trí Hải, dừng lại rất lâu không chớp mắt, rồi từ từ nhắm mắt lại. Khi giọt nước mắt long lanh trong khóe mắt vừa ứa ra, Ba Gấm kêu lên, giọng thương yêu, ngọt ngào mà đau xót:

- Anh ơi! Anh không nhìn thấy em đứng bên anh đây sao? Đôi mắt anh vẫn chứa cả một trời yêu thương nhưng ánh mắt hào hoa lãng mạn đâu rồi? Ánh mắt yêu đương nóng bỏng và cuốn hút đậu trên mắt em, trên môi em, trên ngực em, trên thân thể của em đâu rồi? Nhìn sâu trong mắt anh, em thấy mình đã mất hẳn trong thế giới của anh. Em cần anh, em cần anh thương em, em muốn anh ôm em như ngày xưa. Em không chịu nổi nữa rồi. Em sắp ngã đây. Ôm em đi anh. Ôm em vào vòng tay của anh đi.

Trí Hải vừa kịp đỡ khi thân thể Ba Gấm khuỵu xuống. Trí Hải để yên Ba Gấm nằm trong vòng tay mình rất lâu. Mặt trời lên cao. Ba Gấm như vừa choàng tỉnh dậy sau một giấc mơ buồn, lên tiếng:

- Vòng tay anh vẫn siết chặt quanh em âu yếm. Nhưng hơi ấm của đam mê đâu rồi. Em bắt gặp vòng tay anh ấm áp như vòng tay của người mẹ dành đến đứa con thơ dại. Em khổ quá. Em đã mất hẳn trong anh rồi sao? Nói đi, nói cho em nghe đi anh. Vì sao? Vì sao anh vẫn là anh mà lại biến thành một con người khác với em như thế? Em hư hỏng, em vô duyên, em vụng về nên anh đã nhàm chán và lạnh nhạt tình cảm với em rồi sao?

Trí Hải cầm tay Ba Gấm, mắt vẫn sáng lên niềm yêu thương, miệng vẫn không tắt nụ cười độ lượng. Rồi ôn tồn nói với Ba Gấm:

- Huynh vẫn là Trí Hải chẳng có gì thay đổi. Nếu có chăng chút thay đổi thì đó là hướng nhìn. Ngày trước, huynh chỉ quen nhìn ra phía ngoài, nhưng nay lại quen nhìn vào bên trong. Với lối nhìn hướng ra bên ngoài, anh chỉ thấy vẻ đẹp bên ngoài của đối tượng nhìn nên trước cái đẹp, anh chỉ tham lam nắm lấy, ôm lấy và nhổ bật gốc cái đẹp để mang về làm của riêng cho mình. Nhưng ngược lại, với lối nhìn hướng vào bên trong anh thấy được vẻ đẹp như một đền thánh. Anh cũng trân trọng, ngay ngất, cảm động trước vẻ đẹp, nhưng chỉ muốn tôn xưng và ca ngợi vẻ đẹp. Anh không còn muốn nhổ bật gốc vẻ đẹp ra khỏi bản thân của nó để đem về cất giữ, làm thỏa mãn lòng ham muốn ích kỷ của riêng mình. Cũng vì không có lòng riêng nên cảm xúc cũng không còn giới hạn trong mối tương quan Ta và Người. Cầm bàn tay búp măng đẹp tuyệt vời của em trong tay anh, anh muốn quỳ xuống hôn bàn tay em như hôn một đóa sen vừa mới nhú ra khỏi bùn thơm ngát…

Không chờ cho Trí Hải diễn tả hết lời, Ba Gấm giật đôi bàn tay của mình ra khỏi tay Trí Hải và chạy như điên dại xuống núi. Về phía suối Bản Lai. Không nói thêm một lời hay kêu giật lại, Trí Hải lững thững đuổi theo. Khi chạy xuống gần dòng suối, Ba Gấm dừng lại và hét lên thất thanh khi nhìn thấy con dã nhân gầm gừ nhe nanh, tuốt móng ra đứng chận ngay trước mặt.

Ba Gấm la hét càng lớn, con vượn càng hét lớn hơn. Sự sợ hãi tột độ làm cho tay chân Ba Gấm cứng lại và nhức buốt như bị đóng băng. Trời đất tối sầm lại. Gió giật mạnh như muốn cuốn phăng hết cả khu rừng đem đổ hết dưới vực sâu. Sấm sét kinh động. Ba Gấm nhắm mắt, buông tay mặc cho thân xác mình bị cuốn trôi phăng phăng trong cơn gió xoáy…

Cơn bão đã gào thét với rừng già không biết bao lâu. Khi mở mắt, Ba Gấm tìm thấy cả thân mình bị chìm ngập trong lá. Rồi một luồng gió mạnh từ đỉnh núi cao thổi xuống. Lá bay hết không còn một ngọn. Ba Gấm nhìn xuống thân thể mình và cảm thấy lạnh run vì đầu óc rỗng không và thân thể trần truồng không có một miếng vải che thân. Ba Gấm mắc cỡ với núi, với đá, với rừng cây khi cố đứng dậy trên đôi chân yếu ớt của mình. Không còn bước nổi, Ba Gấm bò lê trên đất. Miệng ú ớ không phát ra được một tiếng, một lời nào có ý nghĩa. Ba Gấm cảm thấy mình đang chết. Nhưng lại có ý thức rất rõ ràng về sự chết của mình. Ba Gấm cảm thấy mình tái sinh và cũng có ý thức rất rõ ràng về sự tái sinh của mình. Trí Hải từ đâu sau bóng núi dày đặt chợt hiện đến. Sau lưng Trí Hải là một nhà sư áo vàng mà Ba Gấm chưa từng quen biết. Nhà sư đứng lẫn với bóng mây. Áo vàng lộng gió. Mầu kim quang từ chiếc áo nhà sư như ánh sáng mặt trời ấm quá làm Ba Gấm tỉnh lại. Ánh sáng ấm che thân thể Ba Gấm giống những vuông vải lụa dệt bằng tơ tằm ngày xưa nơi quê mẹ. Bóng nhà sư chìm dần và Trí Hải đến bên cạnh. Ba Gấm bắt đầu nhận biết mình đang ở đâu. Ba Gấm gục mặt tựa trên vai Trí Hải vừa khóc vừa bày tỏ nỗi lòng:

- Quái vật, quái vật xuất hiện! Rồi lại có thần núi áo vàng đến cứu. Em sợ quá huynh ơi! Ơ… mà sao huynh lại bỏ em, đối xử với em lạnh lùng đến như thế?

Trí Hải đỡ nhẹ khuôn mặt sợ hãi đầm đìa nước mắt của Ba Gấm ra khỏi vai mình, vừa an ủi, vừa giải thích về hiện tượng bức tường “nội chiếu”, phản chiếu khuôn mặt thật của con người đối diện. Sự tò mò, tình yêu sâu nặng cùng với lòng kiêu hãnh của một người đàn bà có đầy đủ sự giàu sang, quyền thế và sắc đẹp đã khiến Ba Gấm chuyển từ tâm lý yếu đuối, nhận chịu sang thái độ đương đầu. Tâm lý ngang bướng lẫn với niềm đau cùng hiện ra trong lời nói của Ba Gấm:

- Chính dòng suối và con dã nhân nầy đã hớp hồn, hớp vía của huynh. Được, em sẽ lấy lại…

Ba Gấm có thừa người, thừa của, thừa quyền lực để chiến thắng và khuất phục những thế lực hữu hình, chinh phục những đối tượng “có”, chứ không bao giờ mất công để ý đến “cửa không”! Tất cả sức người và sức của do Ba Gấm đưa ra để mong đánh bại con dã nhân vào những ngày sau đó đều không có được một tác dụng nhỏ nào. Con người tự đánh vào mình để tìm một chiết thắng ngoài mình là một đam mê ảo tưởng.

Con dã nhân vẫn đứng chận ngay lối vào dòng suối. Đoàn người của Ba Gấm từ đồng bằng ồ ạt tiến lên, họ trang bị đủ cung tên, giáo mác với sức người, sức của cuồn cuộn. Theo lệnh của Ba Gấm, họ sẽ phá tan bờ đá, lấp cạn dòng suối, bắt sống con dã nhân nhốt vào chuồng là yên chuyện. Nhưng đoàn người dựng lều, đốn cây, phát rừng, trổ lối, cắm trại nơi bìa rừng đã mấy ngày mà vẫn không có một ai tìm ra dòng suối và thấy được con dã nhân ở đâu. Trong khi đó, Ba Gấm vẫn chỉ trỏ la hét luôn miệng như một người mất trí.

Ngày cuối cùng của chuỗi đấu tranh không chiến thắng. Ba Gấm thất vọng buông tay. Con dã nhân vẫn đứng chận ngay lối vào dòng suối. Ba Gấm mệt nhoài, đuối sức gục xuống bên sườn đá. Khi ngẩng lên, lại bắt gặp bóng dáng ẩn hiện của nhà sư áo vàng thấp thoáng như mây khói bên sườn núi. Ba Gấm chấp hai tay, hỏi thành khẩn.

- Tôn ông là thần núi?

- Không.

- Là nhà sư?

- Vâng.

- Dám xin hỏi sư ông tại sao dòng suối ma trơi và con dã nhân độc ác cứ bám riết lấy tôi, trong khi đoàn người của tôi không ai thấy cả?

- Đoàn người làm theo lệnh sai khiến để sống nên hành động mà tâm không động. Quý phu nhân không hành động mà tâm động. Suối Bản Lai là dòng suối nội soi và dã nhân chính là sự phóng chiếu cái tâm ham muốn thầm kín của phu nhân đó thôi.

- Bạch sư ông, thế thì tôi phải làm sao để cho tâm mình dừng động?

- Không ham muốn, không mong cầu. Thương yêu nhưng đừng mong chiếm đoạt lấy riêng cho mình. Hành động nhưng đừng mong làm đấng tối cao ngồi trên đầu, trên cổ thiên hạ. Khi ấy tâm sẽ rỗng lặng. Dòng suối dẫu nội soi cũng chỉ là soi bóng chân không nên suối chẳng hiện hình và tâm cũng không còn bóng dáng để chiếu lên thành con vượn chuyển cành kiểu “tâm viên, ý mã”.

- Dạ xin cảm ơn sư ông. Tôi có thể xin được biết pháp danh và đạo vị của sư ông không ạ?

Không có tiếng trả lời. Ba Gấm nhìn lên. Dáng áo vàng và đám mây đã bay qua đỉnh núi.

Nhìn Trí Hải lội qua bên kia bờ suối êm thấm và nhẹ nhàng như đi bằng xe mây, Ba Gấm nhắn với:

- Huynh ơi! Bằng chính tất cả tâm sức của mình để chiến đấu đến nước nầy em mới hiểu rằng, chỉ có tâm Không mới đi vào được cửa Không. Bây giờ em mới hiểu được một phần thế giới nội tâm anh. Tâm anh rỗng lặng, không có gì cả. Không có gì cả, để có tất cả: Có đôi mắt thương nhìn cuộc đời - từ nhãn thị chúng sanh; có cảm xúc sâu xa không dành riêng cho em, cho một người nào mà cho tất cả; có tấm lòng nhân hậu và trong sáng không dính mắc, không chấp ta, chấp người. Anh ơi! Em muốn đánh đổi tất cả để theo anh về bên kia bờ suối đó.

Sau lớp khói nước dày đặc, Ba Gấm không còn nhìn thấy Trí Hải ở bờ suối bên kia mà chỉ nghe tiếng vọng:

- Em, Ba Gấm, anh vẫn chờ em bên nầy. Nhưng trước hết em phải thắng con dã nhân đang cản đường em đi tìm anh.

- Nghĩa là anh khuyên em phải thắng mình trước đã, phải không?

- Rất đúng em ạ.

- Nhưng bằng cách nào?

- Phải vượt, thắng cho được lòng ham muốn của mình.

- Phải mất chừng bao lâu hả anh?

- Làm sao anh biết được. Tất cả tùy vào em. Có thể ngay bây giờ, có thể một ngày, một tháng, một năm mà cũng có thể không bao giờ thắng nổi.

- Em phải bắt đầu từ đâu anh?

- Từ tình yêu của chúng mình

- Anh lại nỡ đùa với em nữa sao?

- Không, anh nói thật mà. Và anh tin là em thừa thông minh và nhạy bén để hiểu…

- Em đang bối rối quá chừng. Em có cảm tưởng như tình yêu của chúng mình chỉ còn là mây khói trong anh.

Tiếng Trí Hải reo vui từ bên kia suối:

- Em giỏi quá. Nếu là mây khói thì nghìn năm vẫn còn bay mãi trên suối rừng nầy. Chỉ có những cuộc tình nóng lên rồi sẽ nguội và tắt ngúm khi xác thân nầy đi qua.

Tiếng Ba Gấm bên bờ nầy yếu ớt:

- Em sợ…

- Sợ gì em?

- Sợ ngày tàn qua nhanh. Sợ em đuối sức. Sợ anh bỏ em. Sợ con dã nhân bên bờ nầy độc ác.

- Em thử đừng nghĩ đến em, đừng nghĩ đến anh, đừng nghĩ đến một ai đơn lẻ cả.

- Không thể được. Sống mà không nghĩ đến mình, đến người mình yêu, đến kẻ mình thương thì sống để làm gì nữa?

Tiếng cười hồn nhiên của Trí Hải bên bờ kia lại vẳng đến. Tiếng Trí Hải vọng lại, rắn rỏi, đầy quyết đoán:

- Em ơi! Em muốn đi đâu cũng được nhưng cần phải có đôi chân, có đôi mắt và có con đường trước mặt.

- Nhưng trước mắt em bây giờ chỉ có con dã nhân hung dữ đang cản đường và sẵn sàng quật ngã em bất cứ lúc nào.

- Con vượn người ấy chính là phóng ảnh của tâm em. Thử ráng quên em đi trong một khắc xem con vượn có còn không.

- Em vẫn còn đang sống sờ sờ đây mà làm sao em lại quên em cho được hở anh?

- Phải bắt đầu bằng sự cố quên thôi em ơi. Quên mắt em đang nhìn say đắm về cái đẹp của em và của anh. Quên em đang nghe và thổn thức chờ đợi tiếng nói yêu đương phát ra từ trong em và tiếng vọng lại từ anh. Quên đi ngọn lửa dục tình đang rần rật cháy trong thân xác em và tưởng tượng đợi chờ ngọn lửa ấy sẽ đáp lại từ nơi anh. Quên đi mùi hương da thịt của cả em và của anh. Quên đi những nụ hôn say đắm vẫn còn đê mê trên đầu lưỡi. Quên đi sự tan biến thể xác của em và của anh vào trong nhau. Ráng giữ sự rỗng lặng của tâm hồn.

- Khó quá anh ạ. Em yếu đuối và cô đơn. Em cần anh giúp em mới được. Huynh ơi, em nhớ anh, em muốn đến với anh, nhưng con dã nhân đã chặn đường. Ô, kìa! Con dã nhân lại nhe nanh gầm gừ trước mặt em như muốn ăn tươi nuốt sống em… em sợ quá.

Tiếng vọng từ bên kia:

- Ngoài em ra, không ai có thể giúp em được cả.

Ba Gấm ôm mặt khóc òa. Nước mắt là biển lớn cưu mang những con sông ốm yếu. Nhưng nước mắt cũng là phép lạ để giúp định tĩnh những dòng chảy run rẩy lạc đường. Nước mắt đã làm cho nàng cung nữ Ba Gấm chân quê sống còn trong cung cấm. Nước mắt cũng đã thành suối, thành dòng luyện lòng kiên nhẫn và kiêu hãnh để cho cô bé “học nô” thành ái thiếp được nể vì của quan chánh chưởng. Nước mắt không phải là chiếc đũa thần nên nó chẳng giúp được ai đạt được điều ước, nhưng nó là thuốc an thần giúp người ta quên đi và yên tâm sống với điều ước không thành. Dường như tuyệt vọng, Ba Gấm buồn bã để cây đàn bầu trên phiến đá. Với ngón đàn điêu luyện, Ba Gấm mượn tiếng độc huyền bắt chước tiếng đời. Luyến láy theo ngón đàn tuyệt kỹ, Ba Gấm có thể khiến âm thanh tiếng đàn diễn tả theo âm thanh rao hàng của người bán chè khuya, tiếng gọi đò, tiếng mõ cầm canh. Tiếng độc huyền cầm vang lên tấu khúc tiếng chim kêu, tiếng vượn hú, tiếng hổ gầm, tiếng gió lao xao, tiếng mây qua núi, tiếng trăng xao động… Cái tôi tài hoa của Ba Gấm trên phím đàn đã chuyển hóa thành tiếng núi rừng hòa điệu xung quanh. Cái “ngã” nghệ sĩ đã hóa giải được cái tôi cố chấp. Ý niệm bám víu về cái “ta” mơ hồ đâu đó thành vô tưởng và không còn nơi an trú trong tâm thức của Ba Gấm. Khi không còn bị cái tôi ham muốn lôi đi, Ba Gấm mở lớn mắt nhìn trời và thở sâu từng hơi thở tự do.

Con dã nhân biến mất, nhưng Ba Gấm không còn cảm thấy sự thôi thúc phải lội qua dòng suối bên kia để gặp Trí Hải. Thì ra, “bên nầy” hay “bên kia” cũng chỉ là một cách nói đối đãi phân biệt vì thật ra thì chẳng có bên nầy hay bên kia. Khi cái tâm đã định, con người ta sẽ bước trên đường Trung Đạo. Và nói như thiền sư Thần Hội, tông phái Tào Khê đời Đường: “Trung đạo là một bên”! Câu nói có vẻ như nghịch lý nhưng lại gần với chân lý. Còn hai bên là vẫn còn sự lôi kéo nhị nguyên, còn chao đảo, còn thiên vị, còn mất quân bình. Trí Hải từ phía bờ bên kia không còn tiếng vọng. Ba Gấm từ bờ bên này không còn tiếng kêu với. Chung một con đường - hiểu nhau - là hai bờ liền một trong im lặng, cảm thông.

Dưới lưng đồi dẫn lên núi Kim Phụng, nhóm gia nhân người ngựa của Ba Gấm phò thân chủ lên núi tìm Trí Hải được lệnh quay về. Bên bờ suối Bản Lai, Trí Hải và Ba Gấm cũng đang chuẩn bị xuống núi. Sự xôn xao níu kéo ân tình đã lắng xuống. Đóa hoa sẽ thơm hơn khi không có sự can dự của gai, nhựa, phân bón, bùn đất bám vào. Khi quan hệ nam nữ nhẹ phần giới tính, nhu cầu chiếm đoạt và sở hữu lơi dần. Sự đòi hỏi thỏa mãn xác thịt biến tướng thành một nhu cầu cao hơn. Đó là nhu cầu cảm thông và chia sẻ những niềm tin, ước mơ và tri thức. Ước mơ càng lớn và lý tưởng vị tha càng cao thì tình riêng của Trí Hải - Ba Gấm càng nhỏ lại và tình chung lớn dần. Nước suối Bản Lai đã rửa sạch lần cuối nỗi thèm muốn nhầy nhụa của thể xác. Con vượn người trơ tráo chỉ chịu thua cái tâm thanh tịnh trong mỗi con người. Cùng đi chung một lối quay về, Ba Gấm và Trí Hải có thể nhìn sâu vào mắt nhau mà cười trong sáng như nắng mai trên đỉnh núi Kim Phụng nầy.

Lưu luyến nhìn quanh cảnh núi rừng trải dài đến cuối tầm mắt, Trí Hải cảm thấy một nỗi xúc động mơ hồ mà mãnh liệt. Tâm tình trào dâng từ trong sương khói, không biết vì đâu. Quảy khăn gói nhỏ lên vai, Trí Hải nhìn về phía chùa Từ Vân còn lặng ngủ trong mây; suối Bản Lai vẫn kỳ bí với Bức Tường Nội Chiếu và tiếng nước không mỏi mệt rơi quanh lưng núi. Bước ra khỏi màn sương bao quanh lưng núi, mặt trời chiếu rọi trên cảnh vật tươi mới mùa Xuân. Ánh nắng mai tràn lan sông núi và đậu rực rỡ trên màu y vàng của một vị sư đã đứng đó, vẫn mãi là tư thế nửa mình còn khuất sau đồi mây. Sư Trúc Lâm. Trí Hải chắp tay chào và nhà sư tươi cười đáp lễ. Trí Hải tiến đến gần nhà sư và mở lời trước:

- Thưa thiền sư, tôi đến đây đã nửa năm, đã nhiều lần đến viếng chùa và ghé qua thiền thất nhưng chưa lần nào được may mắn diện kiến thiền sư.

Sư Trúc Lâm cười đôn hậu, trả lời mà như hỏi:

- Thiện hữu nửa năm không gặp sơn tăng nầy mặt đối mặt, nhưng chúng ta vẫn thường gặp nhau, phải không?

Trí Hải nhìn nhà sư cảm động, trả lời:

- Dạ phải, chúng ta gặp nhau hàng ngày. Thân xác thiền sư là mây khói, nhưng định lực của thiền sư vững như núi Tu Di cho tôi dựa vào đó khi ngã xuống; tuệ giác của thiền sư sáng vằng vặc. Cám ơn thiền sư đã ở bên tôi trong từng động tĩnh. Không có định lực cao viễn của thiền sư dẫn dắt, chắc chắn tôi và Ba Gấm sẽ còn lạc mãi hay tinh thần đã bị thiêu hủy trong cơn tẩu hỏa nhập ma, không có nẻo quay về.

Nhà sư đặt cả hai tay lên khăn gói của Trí Hải như một cử chỉ vẫy chào, nói chậm rãi:

- Đức Phật không ở trong chùa, đạo Phật không ở trước kinh sách, người mến Phật hay theo Phật không ở trong màu áo. Tất cả đều ở trong tâm và tâm ở giữa đời thường. Thiện hữu xuống núi xin nhớ một điều: Cái ngã dấy lên trong tâm như sóng vỗ vào bờ, động và tĩnh trong từng khoảnh kắc. Không bến, không bờ lấy gì mà sóng vỗ.

Trí Hải và nhà sư cúi mình chào từ biệt.

“Không bến không bờ, lấy gì mà sóng vỗ”. Trí Hải ngẫm nghĩ lời nói sau cùng của sư Trúc Lâm trên suốt đường về.

Bến bờ là những rào cản, những giới hạn hơn thua, những biên cương ta và người, những sắc màu đậm nhạt. Hai phần đời mãi mê xây dựng những bến bờ, làm sao phá đổ. Tiếng chim cu cườm gáy nắng, gọi mùa Xuân ở đâu vọng tới. “Tiếng chim cu buồn vời vợi”! Trí Hải giật mình. Lại xây bến bờ cho tiếng chim cu làm tiếng chim vô tư ấy dội vào một cái “ngã” đang man mác buồn. Tiếng chim vô cớ bị đeo sầu. Trí Hải chúm chím cười với nắng, nhè nhẹ gỡ biên giới chật hẹp của lòng mình lan tới cõi bao la. Cũng là tiếng chim cu đang gáy ấy, nhưng không bị bến bờ chận lại, tiếng chim vang xa không biên giới. Tiếng chim đầy một bầu trời thanh âm, mang sự ấm áp và dịu ngọt khởi lên từ một suối nguồn nhỏ bé về giữa mênh mông.

----o0o---

Nguồn: Phương trời cao rộng 20
Trình bày:Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]