Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những ngày khó khăn

28/05/201319:22(Xem: 10684)
Những ngày khó khăn
Con Đường Mây Trắng


Những Ngày Khó Khăn

Nguyễn Tường Bách
Nguồn: Anagarika Govinda. Nguyễn Tường Bách dịch


Chúng tôi cho rằng nếu may mắn thì sẽ làm việc liên tục được một thời gian (ít nhất ba bốn tháng), sau đó sẽ mang về công trình tái tạo hoàng chỉnh và trung thực của tất cả các bức bích họa. Đồng thời chúng tôi cũng biết và công việc của mình không chóng thì chầy sẽ gây sự nghi ngờ cho cơ quan địa phương hay những người đa nghi; vì lý do là chúng tôi ở quá lâu và tính chất công việc của chúng tôi đối với họ chắc hẳn khó tin. Có thể họ nghi chúng tôi là điệp viên của một thế lực ngoại bang hay đang thực hiện một điều gì đen tối, thậm chí họ có thể nghĩ chúng tôi đi tìm vàng bạc. Những chốn thiêng liêng của quá khứ Tây Tạng thường được xem là nơi chứa đựng những uy lực thần bí, quyết định sự thịnh vượng và an vui của đất nước. Không ai lo sợ là các nơi đó sẽ rơi vào hoang tàn - vì dù sao đó cũng là hiện tượng tự nhiên - miễn là các sức mạnh đó không bị quấy rầy hay bị lợi dụng không đúng chỗ.

Dấu hiệu đầu tiên của sự phiền toái bắt đầu với một nữ tu. Bà xuất hiện ngay trong tuần thứ hai của chúng tôi tại Tsaparang; và như chúng tôi sớm biết, bà làm việc cho vị tỉnh trưởng vùng đó. Ông này có nhà tại Schangscha, cách Tsaparang một ngày đường. Tsaparang thật ra chỉ là chỗ ở trên giấy tờ của ông mà mỗi năm ông đến thị sát một hai lần. Đó là một tòa nhà khiêm tốn, không xa lều chúng tôi bao nhiêu, là chỗ ông ở tạm trong thời gian lưu trú nơi đây. Người nữ tu đó sống trong tòa nhà này và nhờ thế bà cũng có uy tín và quyền hành nhất định.

Bà tới bất ngờ lúc chúng tôi làm việc trong đền, đi theo là một tu sĩ, ông này là người coi sóc điện Tshanba-Lhakhang, là điện thờ Di Lặc phía dưới chân thị trấn. Bà bắt đầu hỏi chúng tôi vơi một giọng hách dịch làm chúng tôi ngờ rằng, người ta gửi bà đến đây để theo dõi chúng tôi và báo lại cho tỉnh trưởng. Chúng tôi trình bày tính chất công việc mình làm; thế nhưng xem ra bà không hiểu mục đích công việc và cho hay nếu chúng tôi cứ tiếp tục thì bà sẽ không cho nhận nước và chất đốt mà mỗi ngày Wangdu đem từ thung lũng lên. Nếu thế thì thời hạn ở đây xem như chấm dứt! Chúng tôi cho bà xem giấy phép của chính quyền Lhasa, theo đó chúng tôi được phép làm việc trong các đền và tu viện của Rintschen Sangpo trong một thời gian theo ý muốn, không ai được ngăn cản. Thế nhưng sự nghi ngờ của bà cũng không giảm. Chắc chắn bà tự hỏi làm sao chúng tôi nhận được giấy phép bất thường như thế. Và ai bảo đảm là giấy này không phải là giấy giả?

Trong phút khó khăn này, ý tưởng tôi hướng về Tomo Géché, vì ai giúp được chúng tôi trong hoàn cảnh này ngoài vị đạo sư, người đã đưa tôi đi trên con đường này và tên của ông đã mở giúp tôi bao nhiêu cánh cửa và giải quyết bao nhiêu trở ngại. Tôi cho bà hay mình là học trò của Tomo Géché và đã xin được phép của chính quyền Lhasa để làm việc tại Tsaparang. Mặc dù không nghĩ một nữ tu đơn giản tại một vùng hẻo lánh này mà biết tới tên Tomo Géché, tôi cứ nhắc ông là thầy tôi và năm ngoái chúng tôi còn ở Dungkar Gompa.

Khi nghe điều này, bà liền đổi ngay thái độ và nói: “Bản thân tôi cũng đến từ Dungkar và Tomo Géché là thầy tôi! Tuyệt diệu thay!”.

Thế là tảng băng đã vỡ và khi nhắc đến các vị trong viện Dungkar mà bà cũng biết thì mối thân thiết hai bên đã trọn vẹn. Chúng tôi mời bà đến thăm chỗ chúng tôi ở động của Wangdu và tại đó chúng tôi chỉ cho bà xem những tranh hình của Dungkar. Bây giờ, sau khi đã tận mắt thấy sự thật những gì chúng tôi nói, bà đã hoàn toàn hết nghi ngại và khi tôi đưa bà xem tượng Phật nhỏ mà tôi nhận được từ chính tay Tomo Géché và với triện của vị đạo sư, bà nghiêng người kính cẩn để nhận phước lành.

Sự việc này là một lời cảnh cáo kịp thời cho chúng tôi, nó cho thấy hoàn cảnh khó khăn như thế nào. vì thế chúng tôi càng gắng làm việc mình cho xong sớm và có thêm biện pháp để giữ công việc của mình làm sao để ít người biết đến. Cũng may là có ít khách phương xa hay người chiêm bái đến Tsaparang vì thị trấn này không nằm trên đường đi lại, vốn ở phía bên kia của sông langtschen-Khambab. Thế nhưng nếu có ai đến thì chúng tôi nghe thấy họ trước khi leo lên tới đền; và cho chúng tôi kịp thời giờ dọn dẹp đồ đạc đồng thời có thể làm chuyện khác mà không gây chú ý.

Tại Gyantse chúng tôi cũng gặp khó khăn tương tự. Mặc dù vị thị trưởng nơi đó đã cho chúng tôi giấy phép nghiên cứu vẽ hình tại đền đài tu viện trong vùng ông quản lý, nhưng ông lại ngại sự phản đối của dân trong vùng. Họ sẽ nghĩ rằng việc sao chép các bức bích họa là một hành động phạm thượng, vì trong lúc làm những công việc đó thế nào ta cũng phải rờ hay che khuôn mặt các vị Phật hay hình tượng các vị thiêng liêng khác. Việc thờ cúng Phật hay các vị giác ngộ khác thường được xem là bắt đầu khi người ta điểm nhãn, tưc là đặt vào tượng đồng tử của mắt, vì hành động này xem như làm cho hình tượng bắt đầu sống và có hồn; nó là một hành động thần bí có thần chú yểm trợ.

Người Tây Tạng rất cẩn thận khi có chuyện liên quan đến tượng hình các vị hộ thần. Họ xem chuyện này trọng dại như các nước tiên tiến nhìn các nhà máy điện nguyên tử, đó là nơi an nguy của cả nước, những người vô phận sự không bao giờ được vào, không chỉ vì an ninh của bản thân họ mà còn của cả đất nước. Các chi tiết kỹ thuật của những công trình đó vì thế phải được giữ kín. Từ cái nhìn này, ta có thẻ hiểu tại sao đối với người Tây Tạng, nơi chốn của thần linh quá trình đến thế nào và kẻ vô phạn sự, tức là những người chưa được quán đỉnh hay không biết lễ nghi thì không được bén mảng tới. Vì những sức mạnh có thể hô triệu trong chốn đó cần đến phép tắc chính xác và những tu chứng liên quan. Nếu không rõ hay coi thường các việc này có thể dẫn đến tai ương; như người Tây Tạng vẫn tin tưởng.

Tôi muốn nêu lên đây một chuyện đã được chứng kiến ở Tholing. Đó là nơi có “đền vàng trên đảo”, đền lớn nhất và về mặt lịch sử là đến quá trình nhất của Tây Tạng. Đền được thành lập bởi Rintschen-Sangpo dưới triều Guge và năm 1050 là chỗ tập kết lớn của Phật giáo, lúc A-đề-sa, nhà thông thái người Bengal và cũng là người đổi mới đạo Phật được Rintschen-Sanpo 90 tuổi tiếp kiến. Không xa tu viện Tholing, trên một ngọn đồi đá là phế tích các lâu đài của vua Guge, người đã triệu tập hội nghị. Ngày nay ngọn đồi còn gây một ấn tượng mạnh mẽ với tường thành bao quanh các cung điện, đền đài, nền tảng vững chắc mà phía sau là khối vĩ đại của ngọn núi. Khi chúng tôi xin viếng chỗ này thì vị sư trưởng Tholing nói nơi đó không còn gì để đáng xem, tất cả đền đài đều bị tiêu hủy cả rồi, chẳng còn bích họa lẫn tượng đài. Ông nói một cách gấp gáp làm chúng tôi không thể bỏ ý nghĩ chắc có lý do gì làm ông không muốn chúng tôi đến đó. Dù thế, chúng tôi vẫn bỏ ra một ngày để đi xem, có thể chỉ để vẽ hay chụp hình phong cảnh xung quanh.

Vị sư trưởng có lý vì chúng tôi không thấy cón bích họa nào trong phế tích. Nhưng ở chỗ cao nhất của vùng hoang phế này, chúng tôi thấy một tòa nhà còn nguyên vẹn, cửa đóng kín mít. Tất nhiên chúng tôi tò mò muốn biết bên trong có gì và vì sao vị sư trưởng bí mật không nhắc tới. Màu sơn đỏ sậm của tòa nhà cho thấy đây là một ngôi đền. Còn cửa đóng kín mít chứng tỏ nó còn được sử dụng, nhưng có thể không sử dụng cho công chúng.

Không có gì khó khăn để từ một bức tường bên cạnh leo lên mái điện và vì cửa sổ của nó chỉ đóng bằng một thanh gỗ mở được từ bên ngoài, nên chúng tôi mở ra dễ dàng để nhìn vào trong. Thế nhưng chúng tôi dội lại ngay vì đụng đầu một con quái vật nhiều đầu, mà đầu thấp nhất có hình một con bò mộng dữ tợn. Hai bên đầu bò đó hiện ra những khuôn mặt hung ác và giữa những chiếc sừng, lúc đó nằm ngang tầm mắt chúng tôi, một khuôn mặt quỉ đỏ ngầu trợn mắt nhìn chúng tôi. Trên đỉnh chiếc tháp toàn những đầu này lại là nét mặt hiền từ của Văn Thù, vị Thiền Phật của trí huệ siêu việt.

Hình tượng khổng lồ này là của hộ thần Yamataka đầy uy lực và đáng sợ, người chiến thắng cái chết. Ý nghĩa của hình tượng thần kỳ này rất sâu xa và đáng kính sợ. Thần chết (Yama) được trình bày dưới dạng thần đầu bò. Trong thực tế đó không phải ai khác hơn là vị Quán Thế Âm từ bi, người đóng vai phán quan (lương tâm) đưa lên: trước mắt người chết đang luân lạc tấm gương của sự thực, sau khi người đó biết sám hối tội lỗi, để dẫn về con đường giải thoát. VănThù lại là hiện thân của trí huệ siêu vệt, biết rằng cái chết thực ra chỉ là một ảo giác và những ai đã tự đồng hóa mình với thực tại cao tột - với Tĩnh Không, cái bao trùm vạn sự trong trời đất - kẻ đó đã vượt lên cái chết và được giải thoát, không còn bị trói buộc trong luân hồi, trong sự tái sinh và sáu nẻo của si mê lầm lạc.

Một huyền thoại nhân gian kể lai rằng, có một vị ẩn tu nọ thiền định trọn đời mình trong hang động và sắp sửa chứng được giải thoát hoàn toàn thì bị một nhóm kẻ cướp vào, chúng vào trong hang với một con bò ăn trộm được. Chúng không để ý vị tu sĩ, rút dao chặt đầu bò. Sau đó, chúng thấy vị tu sĩ và sợ rằng ông là nhân chứng hco hành động này nên chúng chặt đầu ông luôn. Thế nhưng chúng không ngờ vị này có thần thông sau một thời gian dài tu khổ hanh. Đầu ông vừa rơi xuống đất ông liền đứng dậy ôm đầu bò đặt lên cổ mình và biến thành dạng đáng sợ của tử thần Yama. Vì bị ngăn cản không được đắc đạo, vị tu sĩ nổi trận lôi đình, chặt đầu bọn cướp và treo đầu chúng như một vòng hoa quanh cổ, trở thành quỉ dữ đi khắp thế gian cho tới ngày bị Văn Thù dưới dạng Yamantaka, “người chiến thắng cái chết” khuất phục.

Trong một cái nhìn sâu hơn. Yamantaka là tự tính hai mặt của con người, nó cũng như thú vật, có thân thể, có khao khát, bản năng và sự mê say; đồng thời nó lại có tính chất tâm linh, có cùng nguồn gốc với những năng lực tiêng liêng trong vũ trụ. Với tính cách vật chất, nó là sinh vật chịu khổ của sự chết; với tính cách tâm linh, nó là bất tử. Nếu ý thức của nó đi cặp với tính chất thú vật, sức mạnh ma quỉ sẽ sinh ra; nhưng nếu ý thức đó qui phục tính chất tâm linh và nhờ đó mà trở thành một phương tiện của các lực lượng cao cấp thì những đức hạnh cao quí sẽ hình thành. Yamantaka tập hợp trong chính mình thú vật, ma quỉ và thượng đế, sức mạnh uyên nguyên của đời sống trong khía cạnh của sự sáng tạo và sự hủy diệt, và khả năng nhận thức sau bao nhiêu đau khổ đã chín muồi tất cả sẽ được giải thoát.

Chúng tôi chưa bao giờ được thấy một bức tượng Yamantaka to lớn như thế, cũng chưa chụp được một tấm hình nào; vì phần lớn các bức tranh của thần phẫn nộ này đều nằm trong những đền quá tối và cũng vì phụ nữ thường không được vào. Thế nên Li lợi dụng ngay cơ hội chụp một tấm hình của Yhamantaka nằm nghiêng người ra trên mái dưới của điện, chỗ mà chúng tôi đang đứng.

“Tiếc là tôi không chụp hết người của bức tượng được”, Li nói khi chúng tôi leo xuống. “Chúng ta hãy vào xem trong đền đi”.

Li xem xét đền một lúc và kết luận là chỉ cần ố một chút nữa sẽ vào được đền. Tôi cố cản, nhưng chưa kịp nói thì Li đã mở được cửa đền. Bước vào ngay vào và để trấn an tôi vì thấy tôi chần chừ, Li nói: “Không ai thấy chúng ta cả. Chỗ ở của dân chúng cách đây cả dặm và không có ai trong chốn hoang phế này cả”.

Chúng tôi đứng yên một hồi đầy kính cẩn trước bức tượng khổng lồ màu đen của Yamantaka, màu đen của tượng là màu đen của thần chết và dương vật của tượng đang được kích thích vì cái sinh và cái chết luôn luôn gắn liền với nhau. Đó cũng là lý do tại sao Yama, tử thần lại ôm vòng xe sinh tử trong tay. Khi nhìn sự trình bày vĩ đại này về thực tại siêu nhân - một thực tại nằm ngoài phạm vi đẹp hay xấu - tôi vẫn có điều gì đó lo sợ trong lòng.

“Chụp hình nhanh và ta đi ngay”, tôi dục. “Biết đâu có ai đến thình lình. Có thể có người theo dõi chúng ta đó và tôi cũng không muốn nói cái gì sẽ xảy ra nếu người ta bắt gặp mình ở đây”.

Li đồng ý và chụp gấp rút. Chúng tôi đi nhanh ra khỏi đèn đóng cửa lại và trở xuống đường mòn, con đường mà chúng tôi đã đi lên khi nãy. Chúng tôi chỉ vừa mới cách đền một chút, định rẽ góc thì gặp phải vị sư trưởng Tholing, ông hình như biết chúng tôi đã lên đây và ông đã đi theo, có một gia nhân đi cùng. Chúng tôi chào ông với cái vui hơi quá đáng - nhưng niềm vui chúng tôi là thực vì biết rằng mình thoát hiểm nguy trong đường tơ kẽ tóc!

Nếu chúng tôi rời đền chỉ trễ một phút, tôi ngại rằng mình đã không đến được Tsaparang.

Trở lại chuyện Tsaparang thì sau khi vị nữ tu, chúng tôi làm việc tiếp hai tuần không trở ngại và thấy mừng vì công chuyện trôi qua không phiền toái lắm. Thế nhưng niềm vui này không kéo dài được lâu và chấm dứt chiều hôm nọ, sau công việc định về nhà. Từ dưới lũng vang lên tiếng trống càng lúc càng gần, hình như có một đoàn người kéo nhau lên núi. Chúng tôi đoán ngay là sắp có trở ngại mới và thời gian yên lành sẽ qua. Quả nhiên không bao lau sau xuất hiện một kỵ mã mang vũ khí dưới chân núi và Wangdu cho hay vị tỉnh trưởng Tsaparang đã tới.

Ngày hôm sau thay vì tiếp tục làm việc, chúng tôi đến thăm vị tỉnh trưởng và trình bày cho ông rõ mục đích thời gian lưu trú tại Tsaparang và tính chất công việc mình. Ông nghe một cách lịch sự nhưng xem ra thì ông cho biết không thể chịu trách nhiệm về việc làm của chúng tôi từ trong điện trừ phi nhận được một xác nhận chính thức của Lhasa nếu có cũng không thể sớm hơn bốn năm tháng được. Nếu đến lúc đó thì lương thực của chúng tôi chắc đã cạn; vì ở đây chúng tôi không thể mua sắm gì, không kể một ít lúa mì mà chúng tôi mỗi ngày phải cán bằng cối đá rồi làm bánh. Thế nhưng tôi không nản chí và nói với vị tỉnh trưởng rằng mình không ngại gì phải xin giấy xác nhận và sẵn lòng tại Tsaparang cũng như trong thời gian đó xin được làm việc tiếp tục.

Sau đó ông lại nói, chúng tôi chỉ có giấy phép làm trong đền và tu viện của Rintschen Sangpo, còn đền tại Tsaparang không phải do ông xây dựng mà đền tại Tholing thì có. Vì thế chúng tôi nên đi Tholing mà làm.

Khi đó thì chúng tôi rõ ông đã tìm mọi cớ để chúng tôi đừng ở lại Tsaparang; và làm sao tôi chứng minh được đền ở đây cũng do Rintschen Sangpo thiết lập?

“Tôi đọc trong sách cổ Tây Tạng”, tôi phản đối, “đền này do Rintschen Sangpo xây dựng”.

“Thí dụ sách nào”, ông hỏi.

Tôi biết ông đang tìm cách bắt bí tôi; và tôi sẽ không thuyết phục được ông nếu không tìm nguồn thông tin đáng tin cậy và đủ tiếng tăm để ông biết tới. Thế nên tôi không nhắc tới cuốn “Lịch sử các vua Guge”, qua đó lần đầu tiên tôi được biết tới đền Tsaparang, mà nói với lòng tin tưởng nơi sự may mắn của mình: “Ông có thể xem tác phẩm của nhà sử học lớn nhất của ông là cuốn Lịch sử xanh”.

Câu trả lời này gây ấn tượng lên ông. Ông biết tôi cũng hiểu biết ít nhiều về sách vở Tây Tạng. Nhất là ông không thể cãi lời tôi; và vì phân vân, cuối cùng ông lờ câu chuyện và đổi lại quyết định của mình.

Trước khi từ giã, tôi còn hỏi thêm có cách nào leo lên đỉnh núi đá của Tsaparang, trên đó là phế tích của các lâu đài vua chúa ngày xưa, vi tới nay chúng tôi không tìm ra đường mòn hay bậc thang leo lên đó. Vị tỉnh trưởng vội trả lời vì đá sập nên hiện nay không thể lên được. Ngoài ra ông còn nói thêm những lâu đài đó không còn gì ngoài những vách tường trống rỗng.

* * *

Những chuyện của Tholing vẫn còn đậm nét trong tôi nên tôi chắc rằng ông muốn giấu sự thật. Vì thế tôi tỏ vẻ không quan tâm gì thêm và chỉ nói lơ là rằng từ trên đó nhìn xuống chắc cảnh vật đẹp lắm.

Chúng tôi giã từ ông và trở về lều một cách thất vọng vì nghĩ chắc rằng vị tỉnh trưởng thế nào cũng ngăn cản mìnnh không được ở lâu hơn để tiếp tục công việc. Chỉ còn một phép lạ mới cứu chúng tôi. Chúng tôi không đủ khả năng làm gì khác, buổi tối không ngủ được. Tiền bạc và lương thực của chúng tôi chắc chắn không đủ để đợi xác nhận của Lhasa qua hết mùa đông. Ngoài ra chúng tôi cũng phải tính là còn một chuyến đi dài khá nhọc nhằn qua một vùng chưa biết đến và khá khó khăn, rồi mới về lại Ấn Độ; và vì thế phải hết sức tiện tặn. Chúng tôi thiền định nhiều giờ với cảm giác chỉ có sự cứu độ thiêng liêng mới giúp mình được.

Và quả nhiên sự cứu độ tới thật - phép lạ xảy ra! Thay vì mời chúng tôi đi khỏi Tsaparang thì vị tỉnh trưởng thân hành đến thăm, có hầu cận đi cùng mang thực phẩm làm quà! Ông cho hay vị nữ tu và chúng tôi gặp, đã nói chuyện lại với ông và quả quyết chúng tôi là người “đã quán đỉnh” và là học trò của Tomo Géché Rimpotsché, người mà ông xem là một trong những bậc đạo sư lớn nhất Tây Tạng và thầy dạy của mình. Ông lấy làm tiếc đã nghi ngờ chúng tôi và bây giờ chúng tôi là bạn đồng môn của ông, nên chúng tôi được phép tiếp tục công việc của mình, miễn là trong vòng một tháng phải xong. Ông cho hay chúng tôi phải kịp thời lên đường khi các ngọn đèo đi Ấn Độ còn mở cửa vì ông không chịu trách nhiệm nếu chúng tôi phải ở suốt mùa đông dài khắc nghiệt nơi đây.

Mặc dù thấy khó hoàn thành công việc trong thời gian đó, chúng tôi hứa sẽ làm tốt nhất và thâm tâm hy vọng khái niệm thời gian mơ hồ của Tây Tạng cho phép chúng tôi “câu giờ” thêm. Quan trọng nhất là phải làm sao cho vị tỉnh trưởng luôn luôn vui vẻ, mặc dù thực tế ông không có quyền hạn chế thời gian của chúng tôi. Nhưng chúng tôi tự nhủ thế nào ông cũng quên đi khi rời chỗ này và nếu không thì cũng còn hy vọng xin dời ít ngày hay một tuần.

May thay hai ngày sau vị tỉnh trưởng ra đi sau khi cấp cho chúng tôi giấy phép đi Ấn Độ. Khi chia tay, ông nói hy vọng gặp lại chúng tôi tại Shipki, một làng nằm dưới chân đèo Ấn Độ vì cuối tháng sau ông đến đó. Chúng tôi chúc ông đi mạnh khỏe và phấn khởi trở về với công việc đã bị gián đoạn nhiều ngày.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]