Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo
Giải Thích Đề Kinh
Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Thủ
Phật thuyết kinh Thập-Thiện Nghiệp-đạo
Đời nhà Đường, Ngài Thiệt-Xoa Nan-Đà nước Vu-Điền dịch văn Phạn ra văn Trung-Hoa
Đại khái giáo-điển đạo Phật chia làm ba tạng Kinh, Luật, Luận. Đây thuộc về Kinh-tạng.
Như trên đã nói, KINH là Khế Kinh, nghĩa là những lời giáo huấn đúng chơn-lý, hợp lẽ phải, thuận căn-cơ, một khuôn khổ bất di bất dịch. Kinh nầy do Phật dạy nên gọi là PHẬT THUYẾT. Phật đây chính là ứng thân PHẬT THÍCH-CA MÂU-NI giáng sanh ở cõi Trung Ấn-độ, đầy đủ vô lượng phước-đức trí-tuệ, cứu-cánh viên-mãn đồng như hư không, khắp cả Pháp-giới ai cũng tôn kính. THÍCH-CA là họ của ngài, Tàu dịch là Năng-Nhơn, MÂU-NI là tên của Ngài, Tàu dịch là Tịch-Mặc. Y theo bản nguyện, thuận theo căn cơ chúng sanh mà khai thị tiếp dẫn, Ngài mới nói kinh THẬP-THIỆN NGHIỆP ĐẠO nầy. Mười điều thiện sẽ giảng rõ ở sau. Chữ NGHIỆP tức là hành vi, là những hành-vi về đạo-đức-học, về luân lý-học; theo Phật-pháp, có thể gọi là thiện-hạnh-học. Muốn định nghĩa chữ THIỆN-NGHIỆP cần phải căn cứ vào những hành vi đối với không gian, có lợi cả mình lẫn người, và đối với thời gian hiện tại, vị lai đều có ích. Nếu trái lại biết lợi mình, không biết nghĩ đến kẻ khác, hoặc là tham lợi chỉ trước mắt, không nghĩ đến thiệt hại về sau, đều thuộc về ác-nghiệp cả. Lấy mục đích lợi tha thiện nghiệp làm lợi ích chung cả đại chúng, kết quả cả mình và người đều lợi; lấy mục đích hại tha ác nghiệp làm tổn hại cho đại chúng, kết quả mình và người đều hại. Nội dung của THIỆN ÁC đại khái như thế. ĐẠO tức là con đường đi, THẬP-THIỆN NGHIỆP-ĐẠO tức là con đường quang-minh chính đại, đi đến cảnh giới an vui, không tối tăm hiểm trở như con đường thập ác. Đi trên con đường Thập-thiện-nghiệp, chắc chắn sẽ đến quả an vui của cõi trời, cõi người, hơn nữa có thể đạt đến Tam-Thừa Thánh-quả. Cho nên gọi là "THẬP-THIỆN NGHIỆP-ĐẠO"
KINH VĂN
Phần chữ lớn và đậm là phần Kinh, ngoài ra là các tiết mục phụ thêm để giúp dễ hiểu ý kinh mà thôi.
ĐOẠN I
THUỘC VỀ TỰ PHẦN
Tôi nghe như vầy, một thời Phật ở tại Long-cung Sa-kiệt-La, cùng tám ngàn chúng Đại-Tỷ-kheo, ba vạn hai ngàn các vị Bồ-tát Ma-ha-tát đông đủ.