Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phân tích Phẩm Phương tiện: a)

20/05/201319:51(Xem: 13284)
Phân tích Phẩm Phương tiện: a)

Kinh Pháp Hoa Lược Giải

Phân tích Phẩm Phương tiện: a)

Hòa thượng Thích Thiện Siêu

Nguồn: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

I. BỐ CỤC

Phật xuất Định liền tán thán hai trí và thật tướng các pháp:
1. Tán thán hai trí và nguyên do thành tựu hai trí của chư Phật 10 phương: "Nhĩ thời Thế Tôn tùng tam muội an tường nhi khởi... ý thú nan giải."
2. Đức Thế Tôn tự tán thán hai trí và nguyên do thành tựu hai trí của mình: "Xá-lợi-phất, ngộ tùng thành Phật dĩ lai... vị tằng hữu pháp Phật tất thành tựu."
3. Tán thán thật tướng các pháp (đối tượng của hai trí) "Chỉ Xá-lợi-phất, bất tu phục thuyết... như thị bổn mạt cứu cánh đẳng."(Dĩ thậm thâm cố chỉ)
Phần kệ:
1. Lặp lại hai trí vì quá sâu thẳm hàng tam thừa không thể hiểu thấu và khuyên nên khởi lòng tin kiên cố đối vối lời Phật dạy: "Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa nhi thuyết kệ ngôn:
-Thế Hùng bất khả lường... Nhất tâm cộng tự cầu, diệc phục bất năng tri."
2. Khuyên nên tin Diệu Pháp mà chư Phật đồng chứng đồng nói, đó là Tam thừa chỉ là quyền khai: "Hựu cáo, Xá-lợi-phất, Vô lậu bất tư nghì... dẫn chỉ linh đắc xuất.
Đại chúng nghi, Xá-lợi-phất ba lần thỉnh Phật nói:
1. Nhân Phật tán thán trí phương tiện rồi bảo nên thôi không nói, khiến tứ chúng sanh nghi (đồng chấp sanh nghi) Xá-lợi-phất bèn thưa hỏi Phật lý do đó:
"Nhĩ thời đại chúng trung hữu chư Thanh Văn... thậm thâm vi diệu nan giải chi pháp".
2. Kệ lặp lại lời thỉnh trên: "Nhĩ thời Xá-lợi-phất dục trùng tuyên... Dục văn cụ túc đạo". (kệ)
3. Nhân Xá-lợi-phất thỉnh, lần thứ hai Phật lại bảo nên thôi không nói, vì sợ trời, người nghe kinh nghi: "Nhĩ thời Phật cáo Xá-lợi-phất chỉ chỉ... giai đương kinh nghi."
4. Xá-lợi-phất lần thứ hai nêu lý do là trong chúng nhiều người có trí tuệ sẽ sinh lòng kính tin để cầu Phật nói: "Xá-lợi-phất trùng bạch Phật ngôn: Thế Tôn duy nguyện thuyết... Hữu năng kính tín giả" (kệ)
5. Lần tứ ba Phật lại bảo nên thôi không nói, vì sợ hàng Tỳ-kheo tăng thượng mạn bị đọa lạc: "Phật phục chỉ Xá-lợi-phất, nhược thuyết thị sự... văn tất bất kính tín."
6. Xá-lợi-phất lần thứ ba lại nêu lên lý do để cầu Phật nói: "Nhĩ thời Xá-lợi-phất trùng bạch Phật ngôn:... tắc sanh đại hoan hỶ" (kệ)
Phật hứa nói:
1. Sau ba lần Xá-lợi-phất thỉnh, Phật hứa nói: "Nhĩ thời Thế Tôn cáo Xá-lợi-phất, nhữ dĩ ân cần tam thỉnh ... ngô đương vị nhữ phân biệt giải thuyết."
2. Lúc Phật sắp nói, thì 5,000 người tăng thượng mạn lễ Phật lui ra: "Thuyết thử ngữ thời, hội trung... Thế Tôn mặc nhiên nhi bất chế chỉ".
3. Khi này Thánh chúng đã thuần nhất, Phật sắp nói, Xá-lợi-phất nguyện nghe: "Nhĩ thời Phật cáo Xá-lợi-phất, ngã kim ư thử chúng... nguyện nhạo dục văn".
Phật chính thức nói:
1. Vì đương cơ Phật chính thức phân biệt giải nói Diệu Pháp và khuyên phát tâm tin chắc: "Phật cáo Xá-lợi-phất, như thị Diệu Pháp,... ngôn bất hư vọng".
2. Chính thức chỉ thật ngay nơi quyền, bởi chư Phật chỉ vì đại sự duy nhất là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến nên chỉ dạy pháp nhất thừa, chứ không có hai, ba thừa: "Xá-lợi-phất, chư Phật tùy nghi thuyết pháp, ... thập phương chư Phật pháp diệc như thị".
3. Dẫn cách thuyết pháp và bản hoài của Phật ba đời để thấy cách thuyết pháp và bản hoài của đức Thích Tôn hôm nay đồng nhau: "Xá-lợi-phất, quá khứ chư Phật,... nhất Phật thừa phân biệt thuyết tam."
4. Chê quở hàng nhị thừa để khuyên nên tin chắc nhất thừa: "Xá-lợi-phất, nhựợc ngã đệ tử... Vô hữu dư thừa, duy nhất Phật thừa.
Kệ có 12 đoạn:
1. Việc 5,000 thối tịch và chúng thuần nhất: "Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, hữu hoài tăng thượng mạn... duy hữu chư trinh thật".
2. Nói chính vì thật mà khai quyền: "Xá-lợi-phất thiện thính... dĩ cố thuyết thị kinh".
3. Nay vì đại căn nói Đại thừa hiển thật: "Hữu Phật tử tâm tịnh... giai thành Phật vô nghi".
4. Kết thúc việc hiển nhất thừa là thật: "Thập phương Phật độ trung... Thuyết Phật trí tuệ cố".
5. Chư Phật ra đời cốt chỉ nói nhất thừa: "Chư Phật xuất ư thế... giai linh nhập Phật đạo".
6. Nhưng Phật ra đời gặp ngũ trược ác nên phải khai quyền để hiển thật: "Nhược ngã ngộ chúng sanh, tận giáo dĩ Phật đạo... chư Phật ngữ vô dị, duy nhất vô nhị thừa".
7. Chư Phật quá khứ đạo đồng, ngoài khai chánh phương tiện còn khai dị phương tiện để hiển nhất thừa: "Quá khứ vô số kiếp vô lượng diệt độ Phật... nhược hữu văn pháp giả giai dĩ thành Phật đạo".
8. Chư Phật vị lai đồng khai quyền hiển thật: "Vị lai chư Thế Tôn, kỳ số vô hữu lượng... Đạo sư phương tiện thuyết".
9. Chư Phật hiện tại đạo đồng khai quyền hiển thật: "Thiên nhơn sở cúng dường... tuỳ ứng phương tiện thuyết".
10. Đức Thích Ca đạo đồng khai quyền hiển thật: "Ngã kim diệc như thị, an ổn chúng sanh cố... ngã kim diệc như thị, thuyết vô phân biệt pháp".
11. Cực lạc tán thán nhất thừa khó gặp để củng cố lòng tin của hàng nhị thừa: "Chư Phật hưng xuất thế vô Thanh Văn đệ tử".
12. Phú chúc bảo hộ Diệu pháp nhất thừa, nên cẩn thận giảng cho đúng cơ: "Nhữ đẳng Xá-lợi-phất, Thanh Văn cập Bồ-tát... tự tri đương tác Phật".

II GIẢI THÍCH `

Chữ phương tiện có hai nghĩa: Nghĩa hẹp và nghĩa rộng.
a) Về nghĩa hẹp: Phương là phương pháp; tiện là thuận tiện, thích đáng. Phương pháp thuận tiện thích đáng để dẫn đến một mục đích, một ý muốn gọi đó là phương tiện.
b) Về nghĩa rộng: Trong kinh điển tả về cảnh giới giác ngộ của đức Phật thậm thâm vi diệu, duy chứng tự tri- chỉ có chứng mới biết được - Ngoài ra tất cả những cách thức trình bày thuyết giảng, dùng đến ngôn ngữ, sắc tướng... thậm chí cả đến sự ra đời của Phật cũng đều là phương tiện. Hay nói rộng hơn tất cả việc làm của Phật từ khi giáng sanh tại vườn Lâm-tỳ-ni... cũng là phương tiện. Đức Phật ra đời, một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất và nói: "Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn" hình tướng đó, lời dạy đó cũng là phương tiện. Nếu ngay lời nói đó chúng sanh ngộ được thâm ý Phật muốn nói, tức nhiên có thể ngay đó là một bài pháp mà Phật đã dạy quá đầy đủ. Nhưng, căn cơ chúng sanh không phải chỉ dùng chừng ấy đã ngộ được mà cần phải dẫn dụ thêm. Cho nên đức Phật mới trải qua những giai đoạn tu hành, thành đạo, thuyết pháp... và tùy căn cơ chúng sanh mà Phật thuyết có ba thừa... Tất cả những thứ đó đều là phương tiện. Và nếu khi nào chúng sanh chưa hiểu hết mục đích của Phật, cảnh giới giác ngộ mà đức Phật muốn trao cho, chỉ dạy cho, thì tất cả những pháp môn mà Phật chỉ dạy đó đều là những pháp môn phương tiện. Trong kinh có hai câu để chứng minh lời dạy của Phật là phương tiện:
1. "Nhất thiết Tu-đa-la như tiêu nguyệt chỉ" : Tất cả kinh giáo Ta dạy như ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay là phương tiện, mặt trăng là chân lý, là thật tướng mà Phật đã chứng ngộ (kinh Viên Giác, Lăng Nghiêm).
2. "Ngã sở thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp": Pháp Ta nói như chiếc bè qua sông, Pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp (kinh Kim Cang).
Đó cũng để nói lên rằng giáo pháp Phật cũng chỉ là phương tiện. Ví dụ này trong Nikàya có ý rằng đức Phật dạy giáo pháp cốt để tu hành, đạt đến chỗ giải thoát giác ngộ giống như chiếc bè đưa qua sông, người có chiếc bè mà đem cất đi không dùng để qua sông, như vậy người đó là người ngu si không biết cách dùng bè. Thứ đến, khi qua sông rồi nghĩ rằng chiếc bè này, giúp ta qua sông vậy ta hãy mang nó theo, người ấy cũng là người ngu si không biết dùng bè. Kinh Kim Cang nói nghĩa sau vì kinh Kim Cang cốt phá tướng. Nikàya nhấn mạnh nghĩa trước vì nhằm vào sự thực hành. Với hai ví dụ đó nên chúng ta biết rằng tất cả lời Phật dạy và việc làm của Phật trong khoảng trời gian trước Pháp Hoa đều là phương tiện để đưa chúng sanh đạt tới cảnh giới giác ngộ mà Phật đã thành tựu.
Nhưng đức Phật đã khéo dùng phương tiện như vậy mà có chúng sanh thành tựu được, có chúng sanh không thành tựu được, phải chờ đến hội Pháp Hoa, một lần cuối cùng Phật khai thị mới giác ngộ. Cho nên trong hội Pháp Hoa, trước khi chúng sanh được chánh thức giác ngộ, được thọ ký, thì Phật đã thuyết pháp, phóng hào quang, hiện các thụy tướng..., tất cả các việc mà trong phẩm Tựa đã trình bày cũng là phương tiện. Nếu trong việc phóng hào quang của Phật, mà chúng sanh ngộ được, chắc Phật khỏi phải nói thêm phẩm Phương Tiện. Nhưng không ngộ được, Phật phải phương tiện dùng ngôn thuyết để giảng nói đạo lý, cảnh giới mà chúng sanh cần chứng ngộ. Trong đạo đức kinh có nói: "Đạo khả đạo phi thường đạo". Đạo mà nói ra được, đạo đó không phải là đạo đích thực nữa. Đây nghĩa cũng vậy. Cho nên tất cả ngôn thuyết của Phật đều là phương tiện, gọi là đạo nhưng là đạo phương tiện chứ không phải là đạo đích thực. Phương tiện là vậy, mà chánh trong phẩm Phương Tiện này là phẩm đức Phật dùng ngôn ngữ để nói thẳng điều Ngài muốn nói, nhưng trước kia chưa nói. Nên phẩm này gọi là phẩm Phương Tiện. Trong đó Phật nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu: "Ta dùng vô số Phương tiện, chư Phật 10 phương dùng vô số phương tiện để khai đạo chúng sanh."
Phẩm này rất dài , hơn cả 28 phẩm trong kinh Pháp Hoa, lý nghĩa trùng điệp, thâm sâu, nên phân khoa đại cương như phẩm Phương Tiện để cho dễ hiểu.

III. KINH VĂN

Kinh văn: Lúc bấy giờ đức Thế Tôn từ chánh định ung dung mà xuất, bảo Xá-lợi-phất rằng: "Trí tuệ của chư Phật thậm thâm vô lượng, trí tuệ môn đó rất khó hiểu, khó vào, tất cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật không thể biết được. Vì sao? Bởi vì các đức Phật từng thân cận trăm ngàn vạn ức vô số các đức Phật khác và đã tận hành vô lượng đạo pháp của các đức Phật, dũng mãnh tinh tấn, danh xưng cùng khắp, thành tựu được pháp thậm thâm vị tằng hữu và tùy nghi nói pháp ý thú khó hiểu".
Giải thích: Đoạn này tán thán hai trí và nguyên nhân thành tựu hai trí của chư Phật. Sở dĩ đức Phật Thích Ca tán thán trí tuệ của chư Phật để đối chiếu lại trí tuệ của mình mà Ngài từng dùng trí tuệ đó thuyết pháp độ sanh. Hai trí tuệ đó là Thật trí và Quyền trí. Trí tuệ thậm thâm vô lượng, đó là chỉ về thật trí. Trí tuệ môn khó hiểu, khó vào đó là chỉ Quyền trí.
Thật trí là trí chứng được thật tướng, chứng chơn như. Đó là trí tự nội chứng của Phật, nên trí này cũng gọi là căn bản trí.
Quyền trí hay phương tiện trí là trí đức Phật dùng để thuyết pháp, giáo hóa độ sanh, trí đó cũng rất khó hiểu khó vào.
Thật trí thậm thâm vô lượng. Thậm thâm là rất sâu, không thể dùng tâm phân biệt mà dò biết được. Vô lượng là rất rộng, không làm sao biết được ngằn mé.
Đối với hàng Thanh Văn nhị thừa và ngoại đạo chúng sanh không thể hiểu, không thể vào, không đo lường được nên gọi là trí tuệ thậm thâm vô lượng. Nhưng đó là trí tuệ tự nội chứng. Còn phương tiện trí, trí tuệ dùng để thuyết pháp, giáo hóa, tùy theo căn cơ chúng sanh nữa. Trí tuệ ấy cũng không phải tầm thường nên trong kinh nói khó biết, khó vào.
Ví như một vị lương y biết được bệnh lý, biết rõ dược tánh, phương thang đó là thật trí. Biết rõ nhưng đứng trước một bệnh nhân, vị lương y ấy phải biết hạ phương thang như thế nào...? Nếu không có quyền trí, không có trí ứng cơ thì chắc chắn không làm sao bốc thuốc trị bệnh được. Hoặc có thể hạ phương thang bốc thuốc trị bệnh nhưng mà không trúng bệnh, không lành bệnh thì cũng không thể gọi là ứng cơ được.
Quyền trí rất khó được như vậy, cho nên có vị Tổ đã nói:
"Nhiên quân giảng đắc thiên kinh luận
Nhất cú lâm cơ hạ khẩu nan".
Hai câu trên ý là: Tha hồ ông có giảng nói được ngàn kinh luận, nhưng khi lâm cơ một câu mở miệng nói được chẳng phải dễ.
Điều này chắc ai cũng đã có lần gặp phải. Có những việc đến với mình mà không biết phải mở miệng như thế nào cho được lợi ích, cho đúng, mặc dù ngày thường thì thao thao bất tuyệt. Cũng lắm khi đặt bút viết một câu văn mà cả giờ vẫn chưa đặt bút được, hay có người văn chương lỗi lạc nhưng nhờ viết dùm cho một cái đơn đi kiện thì chẳng biết viết làm sao! Như vậy là có thật trí mà không có quyền trí. Thật trí là trí biết nguyên lý sự vật, quyền trí là trí biết phương tiện trình bày tùy cơ vào tướng sai biệt của sự vật để ứng đối, ứng dụng.
Hai trí đó đức Phật đã thành tựu viên mãn, cho nên suốt 45 năm giáo hóa, đức Phật tùy theo căn cơ của chúng sanh mà Ngài thuyết pháp. Trí tuệ môn đó hàng nhị thừa, Bồ-tát không thể thấu được nên nói nan giải, nan nhập. Chữ Môn: Môn là cửa, môn để chỉ cho quyền trí. Nhờ giáo pháp Phật nói ra làm cửa ngỏ để chúng sanh đi vào cảnh giới thật trí chứng ngộ của Phật nên gọi là trí tuệ môn.
Hai câu đó là tán thán hai trí của Phật. Nói rộng ra, sở dĩ nó thậm thâm là bởi lẽ trí đó gồm đủ những tánh cách sau đây:
1. Thể tánh của trí tuệ: Là chân như thật tướng, mà đã là chân như thật tướng thì ly ngôn tướng.
2. Nghĩa tướng của trí tuệ: Tức căn bản trí và hậu đắc trí, toàn là những trí tuệ vô lậu. Sau khi chứng nhập được lý Duyên khởi, nhân quả, tánh tướng của sự vật, thành tựu viên mãn được.
3. Trợ bạn của trí tuệ: Là lục độ vạn hạnh. Không có lục độ vạn hạnh thì không thành tựu trí tuệ được.
4. Nhân của trí tuệ: Là giải và hành hay nói cách khác là phải trải qua Văn, Tư, Tu, có được như vậy trí tuệ mới thâm sâu.
5. Cảnh giới của trí tuệ: Cảnh giới đó hoặc không, hoặc hữu, hoặc hữu vi, hoặc vô vi, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu và tất cả pháp là cảnh giới của trí tuệ.
Trí tuệ gồm đủ năm nghĩa rộng như vậy cho nên trí tuệ đó gọi là trí tuệ thậm thâm. Thậm thâm cũng có 5 nghĩa:
a) Tự thể thậm thâm: Tự thể ly ngôn tuyệt tướng là thậm thâm.
b) Nghĩa tướng thậm thâm: Bởi vì đó là căn bản trí và hậu đắc trí.
c) Nội chứng thậm thâm: Trí tuệ đó là cái nội chứng của Phật.
d) Y chỉ thậm thâm: Trí tuệ đó y chỉ nơi pháp giới, pháp tánh.
e) Vô thượng thậm thâm: Vô thượng có hai nghĩa:
- Phật vô thượng: Siêu xuất tam giới.
- Pháp vô thượng: Tướng tịch diệt.
Thật tướng tất cả pháp đều bất khả thị, không thể chỉ bày từng cái, dù nói gì thì tướng vạn pháp vẫn như thị, nó không biến đổi theo lời nói, gọi là tướng tịch diệt. (Thị pháp bất khả thị ngôn từ tướng tịch diệt).
Trí đó đến địa vị Phật quả, vô đẳng đẳng chánh giác mới thành tựu được, nên gọi vô thượng thậm thâm.
Đó là tán thán hai trí thậm thâm, mà nguyên do thành tựu hai trí đó là nhờ Phật đã từng thân cận vô lượng vô số ngàn vạn ức đức Phật và tận hành vô lượng pháp môn của Phật pháp một cách dũng mãnh tinh tấn mà danh xưng đã lan khắp, thành tựu được pháp vị tằng hữu và tùy nghi thuyết pháp, ý thú nan tín nan giải. Đó là nguyên do thành tựu hai trí trên. Điều này ý nói rằng muốn thành tựu được hai trí không phải trong khoảnh khắc chỉ dụng công đơn sơ mà có thể thành được, mà phải thân cận vô số các đức Phật, thực hành vô lượng đạo pháp của các đức Phật một cách tinh tấn dũng mãnh. Nói rộng ra, có bốn nguyên tắc cho người học đạo:
1. Thân cận thiện hữu: Trong kinh nói thân cận chư Phật, đức Phật cũng là bậc Đại thiện hữu và còn những bậc thiện hữu khác nữa. Người học đạo bước đầu tiên là phải thân cận thiện hữu để học hỏi Chánh pháp.
2. Thính văn Chánh pháp: Nghe lời dạy vẽ Chánh pháp của thiện hữu.
3. Như lý tác ý: Tác ý đồng nghĩa với tư duy, tư duy đúng như lý, hợp như lý. Tư duy xong phải thực hành, đó là pháp tùy pháp hành.
4. Pháp tùy pháp hành: Thật hành pháp và tùy pháp. Pháp tức là pháp môn ta đương thực hành. Tùy pháp là pháp hỗ trợ cho pháp môn ta đương thực hành đó. Ví dụ đối với lục độ Ba-la-mật, ta tu về hạnh trì giới Ba-la-mật, thì trì giới Ba-la-mật là pháp mà năm hạnh kia (bố thí, tinh tấn...) là tùy pháp...Nói rộng ra là tất cả những pháp môn hỗ trợ cho pháp môn chính mà ta đang tu đó gọi là tùy pháp.
Bốn điều trên đây là đầu mối để thành tựu trí tuệ, cũng là cửa ngõ để đi vào đạo quả giải thoát. Bốn điều này là bốn điều chủ yếu. Không những kinh văn Đại thừa mà cả kinh văn Nguyên thủy cũng thường nói đến. Đức Phật thành tựu được hai trí cũng nhờ bốn điều này, tức nhờ vào thân cận các đức Phật, nghe giáo pháp, tư duy và tận hành đạo pháp của các đức Phật một cánh tinh tấn, dõng mãnh. Nhờ tinh tấn như vậy, nên đức Phật thành tựu được pháp vị tằng hữu, tức nhiên thành tựu thật trí, trí tuệ thậm thâm và quyền trí là trí tuệ tùy nghi nói pháp cho chúng sanh, ý thú khó hiểu, lời gần ý xa.
Một hôm đức Phật đi ngang qua rừng Simsapa, Ngài cầm một nắm lá trong tay rồi hỏi các Tỳ-kheo rằng: Lá Simsapa trong tay Ta nhiều hay là giữa rừng nhiều? Các tỳ-kheo thưa rằng: Lá trong tay Ngài ít, còn là giữa rừng nhiều, không tính đếm được. Đức Phật dạy rằng: Pháp mà Ta chứng ngộ nhiều như lá giữa rừng, còn điều mà Ta đem ra dạy cho các đệ tử như lá trong tay.
Qua câu chuyện trên để biết rằng trí tuệ thật chứng của Phật thậm thâm vô lượng, còn những pháp đem ra để giáo hóa thì ít. Thứ nữa, đó là phương tiện thì khi nào cũng là phương tiện, mà phương tiện thì không bao giờ nói hết được thật tướng, không bao giớ nói thẳng đến được. Nó chẳng qua chỉ là một cánh thức để diễn đạt thật tướng chứ nó không thể nói đúng thật tướng.
Ngoại đạo cho rằng ngôn ngữ có thể chứng đắc thật tướng, có thể nói được tự tướng của vạn vật cho nên kinh Vệ-đà họ cho là Thánh ngôn, mỗi chữ là mỗi sự thật. Trong kinh đức Phật dạy, ngôn ngữ chỉ là phương tiện chỉ sự thật chứ ngôn ngữ không phải là sự thật. Nếu ngôn ngữ là sự thật thì khi nói lửa chắc là bị cháy miệng, nhưng nói lửa vẫn không bị cháy miệng, như vậy, ngôn ngữ không phải là sự thật, nó chỉ là phương tiện, mà đã là phương tiện thì nói mấy cũng không hết, cũng không đến được thật tướng, nên trong kinh nói rằng: "Chư Phật trí tuệ thậm thâm vô lượng nan giải nan nhập".
Trí tuệ thậm thâm khó hiểu, khó vào như vậy mà đức Phật đã thành tựu được là bởi Phật đã trãi qua bao nhiêu công phu trong số kiếp. Phật nói điều này cũng vì để đối phó, để dắt dẫn hàng nhị thừa và cũng chính nói cho họ biết rằng trí tuệ Phật là như vậy và muốn thành tựu được là phải trãi qua nhiều công phu trong vô lượng kiếp, tận hành đạo pháp của vô lượng các đức Phật. Và, đây cũng là một cách cốt phá tâm tăng thượng mạn của nhị thừa mà ở một đoạn kinh sau sẽ thấy rõ hơn.
Kinh văn: Này Xá-lợi-phất, Ta từ khi thành Phật đến nay đã từng dùng các thứ nhân duyên các thứ thí dụ, rộng diễn ngôn giáo, và vô số phương tiện dẫn đạo chúng sanh khiến xa lìa các chấp trước. Sở dĩ làm vậy vì phương tiện tri kiến Ba-la-mật Như Lai đều đã đầy đủ. Này Xá-lợi-phất, tri kiến Như Lai rộng lớn sâu xa, vô lượng, vô ngại lực, vô sở úy, thiền định, giải thoát, tam-muội, sâu vào không có ngằn mé, thành tựu tất cả những pháp chưa từng có. Này Xá-lợi-phất, Như Lai hay phân biệt, khéo nói các pháp, ngôn từ mềm dịu, vui đẹp lòng chúng. Này Xá-lợi-phất, lấy cốt yếu mà nói, vô lượng vô biên pháp vị tằng hữu, Phật đều thành tựu.
Thôi Xá-lợi-phất, không nên nói nữa, vì sao? Vì Phật đã thành tựu được pháp khó hiểu hy hữu đệ nhất, chỉ có Phật cùng với Phật mới rõ thấu cùng tột tướng chân thật của các pháp, đó là: Như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bổn mạt cứu cánh đẳng.
Giải thích: Các thứ nhân duyên là sao? Đức Phật nói những pháp môn tùy theo căn cơ của chúng sanh, căn cơ đó có bản nhân như vậy và cần nhờ duyên của giáo pháp Phật như vậy sẽ được giác ngộ giải thoát.
Như đối với chúng sanh có căn cơ của hàng nhơn thiên tức "Nhơn", Phật dạy về pháp ngũ giới, thập thiện, các thiền định để làm duyên cho họ được an lạc. Hoặc có chúng sanh có căn cơ Thanh Văn (Nhân Thanh Văn) Phật nói pháp Tứ đế làm duyên để họ phát triển trí tuệ vô lậu giải thoát, hoặc chúng sanh có căn cơ Duyên Giác, Phật nói pháp Thập nhị nhân duyên, có căn cơ Bồ-tát, Phật nói lục độ, vạn hạnh, Tứ vô lượng tâm, Tam tam-muội..., không bỏ sót một căn cơ nào. Gọi đó là các thứ nhân duyên.
Một Tỳ-kheo ở xứ Bạt Ký đến bạch Phật: "Con phải tu tập tới 250 học pháp và cứ mỗi nữa tháng tụng đọc một lần, con không thể nào theo nổi". Phật hỏi: "Ông có thể chỉ tu học ba học pháp là Giới học, Định học, Huệ học không? Tỳ-kheo kia đáp, Bạch Thế Tôn, dạ được. Vậy là ông chỉ tuân thủ ba học pháp ấy cho đến khi chứng quả...
Hoặc cũng có nghĩa chỉ về nhân duyên của mỗi người khi xuất gia học đạo... Mỗi người đến với đạo đều có "Nhân" "Duyên" khác nhau. Bản nhơn nơi tự tâm và gặp duyên như thế nào để đi vào đạo đó là nhân duyên. Ví dụ như trường hợp theo Phật xuất gia của ngài Tôn-đà-la Nan-đà chẳng hạn, Phật dựa vào duyên để hướng dẫn ông, gọi đó là nhơn duyên.
Nếu có những căn cơ cần phải nói thí dụ mới hiểu được thì Phật dùng thí dụ (các thứ thí dụ). Như trong kinh Pháp Hoa Phật dùng thí dụ: Nhà lửa, cùng tử, hóa thành..., hoặc như nói, kinh Phật như chiếc bè qua sông, như ngón tay chỉ mặt trăng... hoặc như muốn chỉ rõ tánh chất của ngũ uẩn là không thật thì Phật dạy sắc như bọt nước (sắc như tụ mạc). Thọ như bong bóng nước (thọ như thủy thượng bào), Tưởng như sóng nắng (tưởng như dương thời diệm), các hành vi như cây chuối (chư hành như ba tiêu), thức ấm ví như trò huyễn (chư thức pháp như huyễn)...
Đức Phật dùng các nhân duyên, các thí dụ với vô số phương tiện dẫn đạo chúng sanh xa lìa cấu uế. Nên biết rằng, mỗi chúng sanh đều có mỗi chấp trước, chấp trước về thân tâm, chấp trước về cảnh giới, chấp trước về sự nghiệp, chấp trước về tri kiến... mang thân tâm gì thì chấp trước theo thân tâm ấy. Ở cảnh giới nào thì chấp theo cảnh giới ấy, chúng sanh dục giới chấp trước dục giới... thậm chí chúng sanh ở địa ngục cũng có sự chấp trước ở địa ngục, chấp trước về căn thân, về khí giới... Cho nên, tuy những điều rất nhỏ nhưng khi chấp trước thành thói quen rồi, thì muốn quên ngay cũng không được. Như tiền thân đức Thích Tôn, có một kiếp làm người trồng cải, sau bỏ nghề đi tu, nhưng cứ mỗi khi thiền quán, thân tâm vừa an tịnh thì lại thấy cái cuốc và hạt cải hiện ra, bao nhiêu phen mà tâm không định được. Ngài phải trở về nhà lấy cây cuốc và nắm hạt cải đi ra bờ sông, đứng nhắm mắt tay cầm cuốc và hạt cải tung vãi cho bay mất đi, sau đó mới yên tịnh tu hành được. Để cứu chúng sanh ra khỏi mọi ràng buộc của chấp trước đó, nên đức Phật dùng các thứ nhân duyên, các thứ thí dụ để đưa họ ra khỏi vậy.
Sở dĩ đức Phật dùng được vô số các nhân duyên, thí dụ để dẫn dắt chúng sanh là nhờ Phật thành tựu được tri kiến Ba-la-mật. Tri kiến Ba-la-mật là gì? Đó là tri kiến Như Lai rộng lớn sâu xa, rốt ráo, về bốn Vô lượng, bốn Vô ngại, Thập lực, bốn vô sở úy, tứ Thiền, Bát định, bát Giải thoát và Tam tam-muội. Đó là những pháp môn, những tri kiến mà đức Phật đã thành tựu. Những pháp môn này chính là những pháp tu quán. Chữ "Vô lượng" trong kinh tức chỉ cho Tứ vô lượng tâm: Từ, Bi, HỶ, Xả. Chúng sanh vô lượng, Phật phát tâm từ bi hỶ xả cũng vô lượng, thương xót..., cùng khắp không chừa một ranh giới nào, nên gọi là vô lượng. Bốn Vô ngại tức là bốn Vô ngại giải hay bốn Vô ngại biện. Thập lực, "Lực" có nghĩa là trí, tức chỉ cho trí của Phật. Trí của Phật kiên cố, vững chắc không bị lay chuyển, không bị phá hoại nên gọi là lực. Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi tức là đại dũng, đại trí và đại từ bi, tức Bi-Trí-Dũng. Thập lực gồm có:
1. Tri xứ phi xứ trí lực: Xứ, có nghĩa là đạo lý. Phật có trí lực biết như thật nhân duyên quả báo như thế là đúng đạo lý hay không đúng đạo lý. Biết rõ sự kiện có xảy ra là có xảy ra, sự kiện không xảy ra là không xảy ra. Ví như biết A-la-hán là không còn tái sanh luân hồi là không tái sanh luân hồi. Phàm phu còn tái sanh luân hồi là có tái sanh luân hồi.
2. Tri tam thế nghiệp báo trí lực: Có trí lực biết như thật nghiệp báo ba đời của chúng sanh.
3. Tri chư thiền giải thoát tam-muội trí lực: Có trí lực biết như Thật các thiền định, Bát giải thoát, Tam tam-muội.
4. Tri chư căn thượng hạ trí lực: Có trí lực biết như thật các căn tánh cao thấp của chúng sanh.
5. Trí chủng chủng dục lực: Có trí lực biết như thật tất cả mọi chí hướng, ham muốn của chúng sanh.
6. Tri chủng chủng giới trí lực: Đối với các cảnh giới của chúng sanh ở thế gian không đồng nhau, nhưng Phật có trí lực đều biết rõ như thật cùng khắp.
7. Tri nhất thiết chí xứ đạo trí lực: Có trí lực biết như thật rằng nếu thật hành 5 giới, tu điều thiện (đạo) thì đạt đến (chí) nhơn thiên (xứ). Thật hành Bát chánh đạo, vô lậu (đạo) thì đưa đến (chí) Niết-bàn giải thoát (xứ).
8. Tri biên nhãn vô ngại trí lực: Có trí lực thiên nhãn thấy như thật sự sanh tử, nghiệp duyên của chúng sanh mà không bị chướng ngại.
9. Tri túc mạng vô lậu trí lực: Có trí lực biết như thật các đời trước của mình và chúng sanh.
10. Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực: Có trí lực biết như thật đối với tất cả vọng tưởng, tập khí, lậu hoặc đã hoàn toàn đoạn trừ không sanh trở lại.

TỨ VÔ SỞ ÚY

1.Nhất thiết trí vô sở úy: Đức Như Lai ở giữa đại chúng tuyên bố rằng: "Ta là bậc nhất thiết trí, không còn e sợ ai có thể chỉ trích một cách đúng pháp rằng: Như Lai không phải bậc nhất thiết trí".
2. Lậu tận vô sở úy: Đức Như lai ở giữa đại chúng tuyên bố rằng: "Ta đã đoạn tận tất cả phiền não lậu hoặc, không còn e sợ ai có thể chỉ trích một cách đúng pháp rằng: Như Lai chưa đoạn hết các lậu hoặc".
3. Thuyết chướng đạo vô sở úy: Đức Như Lai ở giữa đại chúng nói các dục phiền não là pháp chướng đạo, không còn e sợ ai có thể chỉ trích một cách đúng pháp rằng: "Các dục phiền não là pháp không chướng đạo mà Như Lai lại nói chướng đạo"
4. Thuyết tận khổ đạo vô sở úy: Đức Như Lai ở giữa đại chúng nói về giới, định, tuệ là con đường diệt khổ, không còn e sợ ai có thể chỉ trích một cách đúng pháp rằng: "Giới, Định, Tuệ không phải là đạo giải thoát mà Như Lai nói là đạo giải thoát."
Chính nhờ thành tựu bốn pháp này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử ở giữa đại chúng.

BÁT GIẢI THOÁT HAY BÁT BỘI XẢ

1. Nội hữu sắc quán ngoại sắc giải thoát: Đối với nội thân còn có sắc tưởng của nhiều tham ái, muốn dứt trừ tham ái đó không thể tự quán bất tịnh tự thân mà phải nhờ quán bất tịnh nơi thân người khác mà được giải thoát tham ái nơi tự thân mình.
2. Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát: Đối với tự thân ngũ uẩn không còn tham ái chấp trước, nhưng để cho tâm giải thoát tham ái đó được kiên cố và giải thoát tâm tham ái đối với thân người khác, nên cần phải tiếp tục quán bất tịnh nơi thân người khác, nơi xác chết..., nhờ đó mà tâm giải thoát tham ái được bền vững.
3. Tịnh giải thoát thân tác chứng cụ túc trí: Qua giai đoạn thứ ba này tâm tham ái về sắc thân đã dứt trừ, đến đây không còn phải quán bất tịnh nữa, nhưng lại quán tịnh sắc để luyện tập tâm, dù thấy tịnh sắc, tâm vẫn giải thoát không khởi tham ái.
4. Không vô biên xứ giải thoát.
5. Thức vô hữu xứ giải thoát.
6. Vô sở hữu xứ giải thoát.
7. Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát.
8. Diệt Thọ Tưởng Định Thân tác Chứng Cụ túc trú: Đây là Định cao nhất trong chín định thứ đệ. Nhập vào định này thì hành giả dứt cả thân hành (hơi thở ra vô không còn) dứt cả ngũ hành (không còn tầm và tứ) và bỏ luôn tâm hành (tức dứt trừ tâm sở thọ và tưởng).
Đức Phật nhờ tu Tứ vô lượng tâm, Tứ vô ngại biện..., thành tựu đầy đủ tri kiến phương tiện Ba-la-mật, cho nên, đức Phật mới thành tựu quyền trí, tùy căn cơ chúng sanh rộng diễn nói pháp, dẫn dắt cho ra khỏi mọi chấp trước.
Đây là đức Phật Thích ca tự tán thán trí tuệ của mình. Trí tuệ đó thậm thâm vi tế, càng đi sâu vào càng không biết ngằn mé chỗ nào.
Đức Phật thành tựu được pháp vị tằng hữu, vị tằng hữu tức nói về thật trí.
Đoạn kinh: "Như Lai dùng các thứ phân biệt, khéo nói các pháp, ngôn từ nhu nhuyển, làm vui đẹp lòng chúng", là tán thán quyền trí. Quyền trí tức trí thuyết pháp độ sanh, dùng ngôn từ nhu nhuyến, làm đẹp lòng chúng sanh để dẫn dắt họ.
Trong lúc Phật đang tán thán thì nửa chừng thì Ngài bỗng nói: "Thôi, Xá-lợi-phất, không nên nói nữa". Vì sao? Vì pháp đệ nhất nan giải Phật thành tựu đó chỉ có Phật với Phật mới cùng tận được thật tướng các pháp.
Mở đầu phẩm Phương tiện, có ba lần Phật bảo với Tôn giả Xá-lợi-phất "Thôi" (Chỉ), đây là lần thứ nhất. Lần thứ nhất Ngài bảo "thôi" không nói. "Thôi" này có ý nghĩa rằng, thật tướng các pháp là thậm thâm, quyền trí và thật trí của Phật là thậm thâm. Sự thậm thâm đó chỉ có trí tự giác, tự ngộ thân chứng chứ không thể dùng ngôn ngữ để trình bày, để nói ra được cho nên Phật nói "thôi".
"Thôi" cũng có ý bảo rằng những lời Ngài sắp nói ra đây cần phải ly ngôn tự chứng chứ không thể cứ vin theo những câu những lời của Phật mà có thể chứng ngộ được. "Thôi" vì giáo nghĩa, vì thật tướng thậm thâm, trí tuệ thậm thâm cho nên Phật nói ngang đó rồi ngài bảo "thôi". Vì sao? Vì điều đó chỉ có Phật với Phật mới cứu cánh chứng ngộ được thật tướng các pháp, chưa phải Phật, càng nói ra, chúng sanh càng chấp trước theo ngôn từ y văn giải nghĩa..., thì không làm sao giải thoát được.
Các pháp thật tướng. Thế nào là các pháp thật tướng? Đó là như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhơn, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh đẳng. Pháp thật tướng là pháp ly ngôn, ly tứ cú tuyệt bách phi, nhưng mà thật tướng ly tứ cú tuyệt bách phi cũng không phải ngoài hiện tượng các pháp này mà có. Cho nên có thể bằng vào hiện tượng và dùng ngôn ngữ để diễn đạt thật tướng đó qua các nghĩa tướng của nó, mà chỉ ngay trong các pháp hiện trước mắt (hiện tướng) để chỉ thật tướng. Tất cả mỗi pháp tự nơi nó đều có 10: Tướng như vậy, tánh như vậy...
Tướng: Là hình dáng hiện ra bên ngoài, thấy, sờ mó được, nó hiển hiện. Pháp gì cũng có tướng như vậy.
Tánh: Pháp nào tự nó cũng có thật tánh bên trong không biến chuyển, không thấy được.
Thể: Tánh và tướng hợp nhất thành ra cá thể.
Lực: Tánh, tướng, thể thành ra một pháp, thì pháp đó có năng lực.
Tác: Có năng lực thì có sự tạo tác, tác dụng.
Nhơn: Chính pháp đó có thể làm nhơn cho cái khác.
Duyên: Có thể làm duyên cho cái khác.
Quả: Tự nhơn duyên của mình và cái khác mà thành ra quả. Nhơn đưa đến quả.
Báo: Sự thù đáp lại nhơn và duyên trước đó.
Bản mạt: là chỉ từ như thị tướng đến như thị báo cứu cánh đẳng... Từ tướng đến báo, từ bản đến mạt, đều rốt ráo bình đẳng như nhau, bình đẳng trên thật tướng, nên gọi "Cứu cánh đẳng".
Đi sâu vào trong 10 như thị, thì có hai như thị là quả và báo cần phải rõ thêm.
Sao có "quả"mà lại có "báo"? Thường hay nói quả báo, như vậy là gồm cả hai chứ không phải một. Vừa đẳng lưu vừa dị thục. Tất cả pháp, pháp nào từ nhơn đến quả cũng có hai khía cạnh, một khía cạnh đẳng lưu, một khía cạnh dị thục. Nhưng hai khía cạnh này không phân ly (bất phân ly).
Đẳng lưu nhân quả: Từ nhân đến quả, quả lưu xuất một cách bình đẳng với nhân. Quả với nhân cùng một tánh, cùng một loại: Như nhân xoài quả xoài, nhân mít quả mít, nhân lành quả lành, nhân dữ quả dữ.
Dị thục nhân quả: Từ nhân đến quả có sự biến đổi, quả khác với nhân, quả và nhân không cùng một loại, không cùng một tánh, như nhân hạt mít thành cây mít, nhân lành hoặc dữ mà thành quả Vô ký. Ví dụ: Hạt mít trồng lên cây mít, ở đây ta thấy có hai khía cạnh.
1. Mít trồng lên mít, trước sau nhân quả vẫn là mít, chứ không phải xoài ổi... Đó là đẳng lưu nhân quả.
2. Hạt mít trồng lên cây mít, thì cây mít không giống hạt mít, cây là cây mà mít là mít, mặc dù cây từ mít mà mọc lên. Đó là dị thục nhân quả.
Hoặc ví dụ, đất sét nắn thành bình đất, thì đất là đất, mà bình đất cũng là đất, chứ không là bình đồng, đó là đẳng lưu nhân quả. Nhưng bình đất không phải là đất, bình đất dùng đựng, có thể vỡ, đất không vậy. Như vậy bình đất (quả) khác với đất (nhân), đó gọi là dị thục nhân quả.
Hai loại nhân quả ở loài hữu tình thì:
Nhân thiện thành quả thiện, nhân ác thành quả ác, gọi là đẳng lưu nhân quả.
Nhân thiện ác thành quả vô ký gọi là dị thục nhân quả.
Vì sao nhân quả lại mâu thuẫn nhau như vậy?
Nên biết dị thục nhân quả này không phải tách riêng đẳng lưu nhân quả mà có cái thể riêng, nhưng mà nó có tánh cách riêng. Như nghĩ lành, nói lành, làm lành (thiện nghiệp nhân) cái nhân thiện đó luôn luôn tạo ra kết quả nghĩ lành, nói lành, làm lành (thiện nghiệp quả), đó là nhân quả đẳng lưu. Vậy càng làm thiện chừng nào thì thiện tâm càng lớn, càng vững chắc. Đó là nhân thiện, quả thiện thuộc đẳng lưu nhân quả. Nghĩ ác, nói ác, làm ác cũng vậy.
Nhưng nhân thiện, nhân ác đồng thời lại đưa đến kết quả thọ báo thân cõi trời, cõi người, địa ngục, thọ quả báo khổ, vui... thì chính tự thân khổ vui hay thọ báo thân loài trời, loài người lại không có tánh lành hay tánh dữ mà là vô ký.
Báo thân người, báo thân trời... hay thọ khổ, thọ vui tự nó là vô ký, chứ không thể bảo thân người thân trời là thiện hay ác, thọ khổ là ác, thọ vui là thiện, mặc dù thân người, thân trời, khổ vui cũng từ nghiệp nhân thiện ác đưa đến. Cho nên thọ khổ, thọ vui thuộc dị thục quả. Trong khi thọ khổ mà ác tâm nghiệp của ngày trước vẫn còn lưu tục, ác tâm ác nghiệp đó tạo thành ác tâm ác nghiệp ngày hôm nay, ác vẫn là ác (đẳng lưu). Thiện tâm thiện nghiệp (nhân) của ngày trước đưa đến thiện tâm thiện nghiệp (quả) ngày hôm nay. Thiện vẫn là thiện (đẳng lưu). Nhưng thiện và ác phối hợp lại, hoặc là thiện nhiều ác ít hoặc ác nhiều thiện ít mà thành ra quả báo thân cõi trời, cõi người... hay hình thành ra báo thân con người thọ khổ hay thọ lạc, thì báo thân thọ khổ, thọ lạc đó không phải là thiện, không phải là ác, khổ không phải là thiện, không phải là ác; lạc không phải là thiện, không phải là ác. Thiện ra thiện, ác ra ác là đẳng lưu quả. Còn khổ và vui, làm lành được vui, làm ác bị khổ, khổ vui đó chính tự bản thân nó là vô ký. Mặc dù, cái khổ, cái vui đó chính từ ác nghiệp, thiện nghiệp gây ra, cũng như đất nắn thành bình, mà bình không giống đất, nên gọi là dị thục, nghĩa là biến đổi đưa đến thành thục, quả không cùng một loại với nhân.
Đẳng lưu là sao? Trồng giống xoài, giống xoài đó từ đầu nó diễn tiến lên, tiền niệm hậu niệm tương sanh, trước xoài giữa cũng xoài và sau cũng xoài. Như vậy gọi là đẳng lưu.
Dị thục là sao? Cây xoài, từ cái hột, rồi lên cây, sanh ra trái, như vậy nó vẫn là xoài, nhưng phải trải qua bao nhiêu giai đoạn khác nhau, cây xoài không giống xoài, như bình không giống đất, như vậy gọi là dị thục, mà dị thục này thuộc về vô ký...
Trong kinh dùng chữ quả và báo có khác nhau ở chỗ đó. Quả chỉ đẳng lưu, báo chỉ dị thục. Không phải hai nơi, hai thể mà chính từ một cái mà có hai khía cạnh khác nhau. Có những con người trong khi thọ vui, họ sung sướng lắm (dị thục), nhưng chưa chắc họ thiện (đẳng lưu). Sự sung sướng đó là kết quả thiện nghiệp ngày trước, cái sướng đó, cái lạc báo đó thuộc về vô ký. Nhưng mà giờ đây, chính trong họ đang mang nghiệp ác từ trước lưu lại, đó là đẳng lưu, nghiệp đó thiện tánh, ác tánh, không gọi vô ký. Thành ra, trong khi đẳng lưu thì vẫn là ác mà họ thọ sướng, cái sướng đó dị thục vô ký.
Tóm lại: Thiện tánh sanh thiện tánh là đẳng lưu. Thiện tánh cộng thiện nghiệp thành thiện báo, dị thục.
Về thập như thị, ngài Thiên Thai còn diễn giải thành ra "nhất tâm tam quán" và "nhất niệm tam thiên" như sau:
Tam quán là Giả quán, Không quán và Trung đạo quán. Sở dĩ có Tam quán là bởi vì chính từ mỗi pháp, pháp nào cũng có ba sự thật hay chân lý ba mặt gọi là "đế". Đế là sự thật, là chân lý. Ba sự thật đó là:
1. Giả đế: Giả tức nhiên nó là vô thường, là do hòa hợp mà thành, nó không thật. Mỗi pháp đều do nhân duyên kết hợp, vô thường biến đổi, gọi là giả. Giả đó cũng là một sự thật không chối cãi nên gọi là "đế".
2. Không đế: Bản tánh mọi vật vốn là giả, không thật, mà không thật nên không có tự tánh độc lập ngoài các duyên nên gọi nó là không, không đó cũng là một sự thật không chối cãi được nên gọi là Không đế.
3. Trung đạo đế: Giả, Không không phải nằm tách riêng biệt ngoài Giả có Không, ngoài Không có Giả mà chính Giả là Không, Không là Giả. Đó cũng là một sự thật nên gọi Trung đạo đế.
Chúng ta không nhìn thấy được Trung đạo là vì chúng ta chỉ nhìn có một khía cạnh, hoặc khi thì nói không, khi thì nói có, chứ không thấy được có trong không, không trong có.
Vậy thì, mỗi pháp tự nó có ba tánh cách thật: Giả cũng thật, Không cũng thật, Trung đạo cũng thật. Với ba sự thật đó làm sao nhận biết được. Nếu đem tâm thông thường không thể thấy được nên phải quán, và khi quán về mặt Giả thì gọi là Giả quán, quán về mặt Không thì gọi là Không quán, quán về mặt Trung đạo thì gọi là Trung đạo quán, mà ba quán đó cũng từ ở một tâm này mà thành tựu được chứ không phải ngoài tâm mà có. Trong một tâm mà quán được viên mãn ba thứ nên gọi là nhất tâm tam quán. Với "thập như" này ngài Thiên Thai lại biến chuyển ra ba cách đọc mà thành ra ba quán:
Khi đọc: Như thị tướng, Như thị tánh... (Tướng là như vậy,...) Đó là Giả quán. Đó là lối chỉ ngay hiện tượng mà nói, hiện tượng giả tướng là như vậy, tánh là như vậy... Tức là theo sự giả của sự vật mà chỉ bày ra, nhìn về mặt hiện tượng gọi là Giả quán.
Khi đọc: Tướng thị như, Tánh thị như,... đó là Không quán hay Chơn quán. vì dù là tướng, là Tánh..., nhưng tướng vẫn nằm nơi Như, tướng không ly Như, tướng không nằm ngoài thật tướng, ngoài như như, ngoài chân như, tánh vẫn là Như, tướng vẫn là Như.
Khi đọc: Tướng như thị, Tánh như thị... Tướng như vậy, như vậy là như vậy, Như thị là pháp nhĩ như thị, nó là nó, nó là như thế, như thế là như thế, đó là Trung đạo quán. Không thiên Hữu, không thiên Vô, không thiên Giả, không thiên Không gọi là Như thị.
Tóm lại, thập như thị này, mỗi thứ đều có ba cách nhìn, cách đọc thành ba sự thật. Ba cách nhìn, cách đọc đó thành ba cách quán mà ba quán vốn từ nhất tâm nên gọi là "Nhất tâm tam quán", đó là lý chỉ yếu của Tông Thiên Thai.
"Nhất niệm tam thiên". Một niệm ba ngàn là thế nào? Ba ngàn đây không phải là ba ngàn theo ý niệm thời gian. Ba ngàn đây là: Hữu tình (chúng sanh) thế gian thì có chia ra 10 bậc, gồm Tứ Thánh và Lục phàm. Tứ thánh: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, và Phật. Lục phàm: Địa ngục, ngạ quỶ, súc sanh, thiên, nhơn, a-tu-la.
Mười cấp bậc của loài hữu tình như vậy gọi là thập pháp giới hay thập giới. Nhưng nói thập pháp giới như vậy là phân biệt đại thể chứ mỗi giới như vậy cũng mang đủ tánh cách của chín giới kia. Nói địa ngục không chỉ hẳn địa ngục mà trong ấy có cả Phật, Bồ-tát... ngạ quỶ, súc sanh nữa. Vậy thì mỗi giới có đủ tánh cách của chín giới kia, nên 10*10 là 100 giới, mà mỗi giới, giới nào cũng đủ 10 như thị (100 * 10 = 1.000) tức là bách giới thiên như. 1000 như, nhân với ba loại thế gian là: Hữu tình thế gian, ngũ ấm thế gian, khí thế gian, thành ba ngàn như. Nhưng ba ngàn như này không ngoài một niệm của chúng sanh, không ngoài một niệm có ba ngàn, thành thử, chính ba ngàn là một niệm, một niệm là ba ngàn. Tức là tánh cách từ nơi bản tánh một niệm mà đủ ba ngàn.
Cho nên, ngài Thiên Thai có dùng thuyết "Tánh Khởi". Tánh khởi là từ nơi bản tánh một niệm mà có đủ ba ngàn, rồi nó gặp duyên như thế nào nó khởi lên như thế ấy. Gặp duyên địa ngục khởi lên địa ngục, gặp duyên thiên nhơn khởi lên thiên nhơn...
Nhất niệm tam thiên này có thể nói theo nghĩa của kinh Hoa Nghiêm là: "Vô biên sát hải tự tha bất cách ư mao đoan".
Tóm lại, thập như thị trong kinh Pháp Hoa là điều chủ yếu để nói về thật tướng các pháp nên ngài Thiên Thai đã dùng thập như đó mà diễn ra bằng ba cách quán và thành tam thiên. Đó là hai lý chỉ yếu của Tông Thiên Thai vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]