Kinh Pháp Bảo Đàn
Phẩm 5: Diệu Hạnh
Nguồn: soạn thuật: Pháp Hải, dịch: Thích Nữ Trí Hải
Sư dạy chúng:
- Pháp môn tọa thiền này nguyên không dính mắc tâm, cũng không dính mắc tịnh, cũng không phải động. Nếu nói dính mắc tâm, tâm vốn là vọng, biết tâm như huyễn nên không chỗ dính mắc. Nếu nói dính mắc nơi tịnh, thì tánh vốn thanh tịnh, chỉ do vọng niệm che lấp chơn như, chỉ cần không vọng tưởng thì tánh tự thanh tịnh. Khởi tâm dính mắc tịnh, bèn sanh vọng chấp về tịnh, vọng vốn không có chỗ, dính mắc là vọng. Tịnh không hình tướng, lập ra tướng tịnh cho đấy là công phu, kiến chấp như vậy ngăn che tự tánh, thành bị tịnh trói buộc.
Thiện tri thức! Người tu hạnh bất động thì chỉ cốt khi thấy mọi người, không thấy chuyện phải trái tốt xấu hay dở của họ, ấy là tự tánh bất động.
Thiện tri thức! Người mê thân tuy không động mà mở miệng là nói toàn việc phải trái tốt xấu ngắn dài của kẻ khác thật trái với đạo. Nếu dính mắc vào tâm, dính mắc vào tịnh, ấy là chướng ngại đạo vậy.
Thiện tri thức! Sao gọi là tọa thiền? Trong pháp môn này không chướng không ngại, bên ngoài đối hết thảy cảnh thiện ác, không khởi tâm niệm gọi là tọa, bên trong thấy tự tánh bất động gọi là thiền.
Thiện tri thức! Sao gọi là thiền định? Ngoài lìa tướng là thiền, trong không loạn là định. Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm bèn loạn; ngoài mà lìa tướng, thì tâm không loạn, bản tánh tự tịnh tự định. Chỉ vì thấy cảnh, tư duy về cảnh mới loạn, nếu thấy cảnh tâm không loạn đấy là định chơn chánh.
Thiện tri thức! Ngoài lìa tướng tức thiền, trong không loạn tức định. Ngoài thiền trong định gọi là thiền định. Kinh Bồ Tát Giới dạy: “Ta xưa nay tự tánh thanh tịnh”.
Thiện tri thức! Trong từng mỗi niệm hãy tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu tự hành, tự thành Phật đạo.