Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Bách Dụ - Truyện 31-40

14/05/201320:24(Xem: 11576)
Kinh Bách Dụ - Truyện 31-40

Kinh Bách Dụ

Truyện 31-40

Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển thơ

Nguồn: Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển thơ

* 31 *
MUA LỪA


Thuở xưa đạo Bà la môn
Tín đồ một nhóm họp luôn cùng bàn
Cử hành đại hội huy hoàng
Cần nhiều chén bạc, chén vàng đem trưng
Nên giáo chủ không ngại ngùng
Sai người lên chợ mời ông thợ về
Thợ đồ sứ giỏi tay nghề.
Tuân lời đệ tử tức thì đi ngay
Giữa đường họ gặp ông này
Dắt lừa ra chợ hôm nay bán hàng
Lưng lừa chở nặng rộn ràng
Toàn đồ sứ quý sẵn sàng bán ra,
Lừa đang đi chợt bất ngờ
Xảy chân, té quỵ bên bờ đường mương
Bao nhiêu đồ sứ trên lưng
Rơi luôn xuống đất và cùng vỡ tan
Thế là ông thợ bàng hoàng
Buồn rầu cất tiếng khóc than não nùng.
Mấy chàng đệ tử lạ lùng
Bèn lên tiếng hỏi: “Sao ông khóc hoài?”
Thở dài ông thợ trả lời:
“Bao nhiêu đồ sứ đi đời nhà ma
Công lao làm suốt năm qua
Giờ lừa làm bể, thế là công toi
Các anh nhìn đó mà coi
Tôi buồn đứt ruột khóc thời lạ đâu.”
Mấy chàng đưa mắt ngó nhau
Nghĩ thầm mừng rỡ: “Lừa sao thật tài
Một năm ông thợ miệt mài
Công trình khó nhọc lừa thời phá tan
Chỉ trong giây phút dễ dàng
Chú lừa thật giỏi, nên mang lừa về.”
Họ bèn thương lượng tức thì
Xin ông thợ bán lừa kia cho mình.
Đang tức giận, đang bất bình
Nên ông đồng ý bán nhanh chú lừa
Khi nghe thấy họ hỏi mua
Đôi bên thanh toán êm ru mọi bề.
Các chàng đệ tử ra về
Mang lừa trình diện, hả hê vô vàn
Chợt nghe giáo chủ hỏi han:
“Mua lừa chuyên chở đâu cần dùng chi
Chỉ cần ông thợ khéo kia
Sao không mời thợ lại đi mua lừa?”
Các chàng hăng hái vội thưa:
“Lừa này bản lãnh rất ư lạ lùng
Giỏi hơn ông thợ vô cùng
Bao đồ sứ thợ làm trong năm rồi
Chỉ cần vài phút giây thôi
Một mình lừa đã tức thời phá tan.”
Lắc đầu giáo chủ khẽ than:
“Các con dại dột nên ham lừa này
Lừa trong khoảnh khắc chưa đầy
Làm bao đồ sứ bể ngay dễ dàng
Nhưng dù trải trăm năm trường
Lừa này cũng chẳng biết đường làm chi
Tạo ra đồ sứ quý kia
Dù cho một cái, nói gì nhiều hơn.”
*
Thế gian lắm kẻ thọ ơn
Nhờ người giúp đỡ ân cần lắm khi
Nhưng không đền đáp chút chi
Lại đem thù oán mà đi trả người
Vong ân, bội nghĩa ở đời
Chỉ thêm tai hại. Ta thời tránh xa!

* 32 *
TRỘM VÀNG


Hai thương gia nọ từ lâu
Ở cùng một chỗ cạnh nhau bán hàng
Một người buôn bán bạc vàng
Một người bông vải. Hai chàng thảnh thơi.
Một hôm có khách tới nơi
Mua vàng nên muốn tức thời thử ngay
Xem vàng thật, giả sao đây
Để vàng vào lửa là hay biết liền.
Người bông vải nổi tham lên
Trộm luôn một cục vàng trên lửa hồng
Vội vàng đem giấu trong bông
Sợ ai nhìn thấy thời không hay gì.
Vàng đang nóng đỏ kể chi
Khiến cho bông vải cháy đi điêu tàn
Sạch sành sanh, cháy tiêu tan
Thế là bại lộ chuyện gian manh rồi
Vàng không trộm được của người
Bao nhiêu bông vải mình thời tiêu ma.
*
Đôi khi ngoại đạo quanh ta
Trộm luôn Chánh Pháp Phật Đà quang vinh
Đem làm giáo lý của mình
Nhưng mà nguyên lý quả tình hiểu đâu
Vụng về sử dụng cùng nhau
Việc làm kết quả trước sau tiêu tùng:
“Đạo mình pha trộn lung tung
Rất là mâu thuẫn, vô cùng kỳ khôi.”
Khi cơ mưu bại lộ rồi
Làm trò cười mãi cho người bàng quan.

* 33 *
CHẶT CÂY TÌM TRÁI


Có cây nọ trong vườn vua
Cây sinh ra trái rất ư khác đời
Sum sê tàn nhánh xanh tươi
Trái thời ngon ngọt tuyệt vời hiếm thay.
Từ nơi quốc ngoại một ngày
Có người khách nọ ghé đây thăm vườn
Nhà vua đưa khách đi luôn
Tới xem cây quý, cành vươn, lá dày
Vua khoe rằng: “Trái của cây
Rất nhiều nước ngọt, lại đầy vị ngon
Thật là hiếm quý vô song.”
Khách xin ăn thử, cầu mong hưởng liền
Vua bằng lòng, nhưng nhìn lên
Thấy cây cao lớn, bốn bên vươn cành
Vua bèn ra lệnh lính canh
Đốn cây đổ xuống cỏ xanh ven rào
Nhưng tìm không được trái nào
Đành trồng cây lại. Biết sao bây giờ!
Vua sai dựng lại chỗ xưa
Dựng cây lên chỗ mới vừa chặt xong
Rồi tìm mọi cách vun trồng,
Than ôi cây quý nay không sống còn
Không còn sinh trái ngọt ngon
Chồi non, cành lá héo hon thảm sầu.
*
Truyện này thí dụ đạo mầu
Phật từng khuyên dạy ta mau tu hành
Trì giới cấm, theo pháp lành
Để như cây quý tươi xanh giữa trời
Sinh ra quả báu tuyệt vời
Từ bi, trí tuệ bao người cầu mong
Thêm thiền định, thêm thần thông
Nở hoa, kết trái vô cùng khả quan,
Nhưng nhiều người lại hoang đàng
Buông lung, phạm giới, đạo vàng buông lơi
Mà mong cây phước tốt tươi
Vô minh như vậy nghĩ thời đáng thương!

* 34 *
THÂU NGẮN ĐƯỜNG ĐI


Làng thôn kia cách kinh thành
Tính ra trăm dặm quả tình xa xôi
Trong làng có một giếng khơi
Nước trong, ngon ngọt khác đời lâu nay,
Vua ra lệnh dân làng này
Phải lo chở nước mỗi ngày về kinh
Cho vua uống với triều đình.
Dân làng từ đó tội tình khổ đau
Tới lui mệt mỏi dãi dàu
Chịu đời không thấu rủ nhau trốn dần
Đến phương xa cho yên thân,
Trưởng thôn làng biết chuyện dân muộn phiền
Nên ông triệu tập dân liền
Họp thành đại hội một phiên bất thường
Ông tuyên bố giọng khẩn trương:
“Bà con đừng có tìm đường đi đâu
Tôi vào gặp vua thỉnh cầu
Xin tìm biện pháp giúp mau dân làng
Đổi thay khoảng cách con đường
Đang dài trăm dặm còn chừng sáu mươi
Bà con đi lại thảnh thơi
Không còn khó nhọc như thời xưa kia.”
Sau khi hội họp trở về
Trưởng thôn làng vội vã đi vào triều
Yêu cầu vua chỉ một điều
Đổi thay khoảng cách đường theo ý làng.
Nhà vua phê chuẩn dễ dàng
Chỉ thay tên gọi quãng đường này thôi
“Một trăm” nay gọi “sáu mươi”,
Dân nghe tin đó mọi người đều vui
Tự nhiên cảm thấy gần rồi
Dù trong thực tế có lời rỉ tai:
“Đường như cũ, vẫn còn dài
Nào đâu rút ngắn sao ai cũng mừng?”
Dân làng nghe rõ tỏ tường
Chẳng tin lời đó, đồng lòng tin vua
Cùng nhau ở lại làng xưa
Không hề còn muốn di cư đổi rời.
*
Truyện này thí dụ người đời
Phát tâm Chánh Pháp tu thời thiết tha
Luân hồi, sinh tử mong qua
Nhưng thời gian học thấy là dài thay
Nên mệt mỏi, rồi loay hoay
Nửa đường thoái chí ngưng ngay tu hành.
Đức Như Lai rất tinh anh
Nhất thừa Ngài lại nói thành ra ba
Hàng hạ căn khắp gần xa
Nghe xong cảm thấy thật là dễ tu.
Sau khi họ chứng Tiểu thừa
Như Lai mới dạy đúng như ban đầu
Rằng: “Phật Pháp đã từ lâu
Nhất thừa là đúng, có đâu ba thừa
Nhớ rằng Sự Thật từ xưa
Luôn luôn chỉ một, hầu như vậy rồi.”
Người tu lúc đó nghe lời
Lòng tin tưởng Phật tức thời vững thêm
Đường tu Chánh Đạo an nhiên
Đại thừa Bồ Tát tiến lên tâm thành.

* 35 *
THẤY BÓNG TRONG GƯƠNG


Có người nghèo khổ quá trời
Nợ nần vay mượn khắp nơi ngập đầu
Cách nào trả nợ nổi đâu
Chỉ còn biện pháp trốn mau cho rồi,
Một ngày y đến một nơi
Cánh đồng bát ngát, không người, vắng hoang
Y nhìn thấy một cái rương
Mở xem thấy thật bất thường lạ thay
Ngọc ngà châu báu trong đây
Kho tàng quý giá đựng đầy cả rương.
Nắp rương gắn một cái gương
Lòng y hồi hộp vui mừng kể chi
Y thò tay vào rương kia
Định tâm lấy của báu đi cho rồi
Chợt y thấy hiện một người
Trong gương thấp thoáng, vẻ thời gớm ghê
Như dọa nạt, như hăm he,
Thật ra là bóng của y trong này,
Y kinh hãi vội dừng tay
Tâm tràn lo sợ, giọng đầy hoang mang
Nói cùng người hiện mặt gương:
“Ta cho là ở trong rương không người
Ai dè lại thấy có ngươi
Thật là kỳ quái lạ đời xưa nay.”
Nói xong y vội chạy ngay
Bỏ đi nơi khác xa đây tức thời.
*
Truyện này thí dụ người đời
Bị bao phiền não cuốn trôi buộc ràng
Nên khốn khổ, nên lầm than
Mất đi phúc đức, tiêu tan duyên lành
Quay cuồng trong chốn tử sinh
Ma vương chủ nợ dập dình ngày đêm
Muốn cầu giải thoát ngay liền
Nên theo Phật Pháp thuận duyên tu hành
Vun cội phúc, tạo giống lành
Được như rương báu quả tình khác chi
Nhưng rồi lại bị mê si
Khư khư cố chấp nghĩ suy “thân mình”
Cái “ta” tưởng có thật tình
Hay đâu nào khác bóng hình trong gương.
Tu hành như vậy lầm đường
Thiền định, đạo phẩm thân thương xa lìa
Cùng bao công đức trôi đi
So cùng kẻ được rương kia khác nào.

* 36 *
LẦM MÓC CON MẮT


Có chàng nọ thuở xa xưa
Lên trên núi thẳm luyện tu lâu đời
Đạt thành pháp thuật tuyệt vời
Có tài khám phá dưới nơi đất bằng
Ngọc ngà, châu báu, kho tàng
Dù chôn vùi đó đã hằng bao lâu.
Vua nghe chuyện lạ trình tâu
Rất là mừng rỡ, có đâu ngại ngần
Bèn ra lệnh cho quần thần
Đi mời chàng đó về luôn triều đình
Để lưu chàng lại nước mình
Nhờ tìm của báu thật tình khẩn trương
Hiện chôn vùi khắp bốn phương
Hầu mong đất nước phú cường mau thôi.
Đại thần thời đó có người
Nhận trao sứ mạng tức thời đi ngay
Quả nhiên tìm được chàng này
Nhưng ông không thỉnh về ngay cung vàng
Chỉ đưa tay rất phũ phàng
Móc ra cặp mắt về dâng vua mình.
Đại thần ngu ngốc tâu trình:
“Hạ thần đã móc mắt anh chàng rồi
Chàng này phải ở lại thôi
Muốn đi khỏi nước chẳng rời được đâu.”
Vua nghe, ngán ngẫm, lắc đầu
Lấy làm bất mãn phán mau đôi lời:
“Nhà ngươi khờ dại quá trời
Ý ta muốn thỉnh mời người tài ba
Chính vì cặp mắt chàng ta
Có tài khám phá ngọc ngà, báu châu
Dù chôn giấu dưới đất sâu
Nay ngươi làm vậy chàng đâu thấy gì,
Mắt khi đã hủy hoại đi
Không dùng chàng được việc chi nữa rồi.”
*
Truyện này thí dụ ở đời
Tín đồ đạo Phật lắm người nhận ra
Thầy tu đạo đức cao xa
Tu thân khắc khổ rừng già núi sâu
Thấy phi thường, đáng phục sao
Cho nên cung kính rước mau về nhà
Cúng dường tâm nguyện thiết tha
Rõ đâu làm vậy thật là lầm đây
Chỉ gây trở ngại cho thầy
Vốn tu khắc khổ lâu nay quen rồi
Khiến thầy bị hại thêm thôi
Huỷ tiêu giới hạnh, buông trôi pháp lành
Khó mà đắc quả viên thành.
Tại gia Phật tử tinh anh rất cần
Tránh mù quáng, tránh sai lầm
Để mà hộ pháp muôn phần đúng thay
Thanh cao giới, định các thầy
Đừng làm hoen ố mà gây tội tình.

* 37 *
GIẾT TRÂU


Một người nuôi đã từ lâu
Hai trăm năm chục con trâu tốt lành
Thả ra ăn cỏ đồng xanh
Thông thường trâu chỉ ăn quanh cùng bầy.
Một hôm có cọp tới đây
Vồ đi một chú trâu ngay tức thì
Rồi ăn thịt mất trâu kia
Người nuôi trâu thấy, nghĩ suy trong lòng:
“Trâu ta đã mất một con
Giờ không đủ số ta còn tiếc chi
Bầy trâu dùng chẳng được gì.” Thế là người đó xua đi cả bầy
Rơi vào vực thẳm thảm thay
Chết không sót lại trong tay con nào.
*
Truyện này thí dụ giống sao
Xuất gia có vị đã vào Cửa Không
“Giới cụ túc” đã thọ xong
Hai trăm năm chục giới mong giữ gìn
Rồi sau bất cẩn lỡ quên
Phạm vào một giới thời nên sửa mình
Để quay về chốn tịnh thanh,
Tiếc thay vị đó tu hành lầm sai
Không hề xấu hổ cùng ai
Ăn năn, sám hối đồng thời cũng lơ
Lại lầm tưởng rất mê mờ:
“Phạm vào một giới, bây giờ cần chi
Một khi giới hạnh khuyết đi
Giới điều còn lại ích gì giữ thêm.”
Thế là từ đó ngang nhiên
Phạm bao giới luật. Não phiền gia tăng.
Tu hành mê muội đáng thương!

* 38 *
BẢO NƯỚC ĐỪNG CHẢY


Chàng kia lê bước dọc đường
Rất là khát nước, thấy hang cận kề
Suối dòng trong đó tràn trề
Nước trong leo lẻo tuôn về cửa hang
Chảy vào thùng hứng sẵn sàng
Thùng ngoài hang đó, nước dâng tràn đầy
Anh chàng kê miệng uống ngay
Sau khi đỡ khát chỉ tay vào thùng
Nói rằng: “Ta đã đủ dùng
Nước ơi ngưng lại, xin đừng chảy thêm.”
Nhưng mà nước vẫn tự nhiên
Chảy thêm ra mãi liên miên chẳng dừng
Anh chàng tức bực vô cùng
Om sòm chửi rủa bên thùng nước kia.
Mọi người thấy thế cười chê
Trách anh: “Sao lại làm chi điên khùng
Lánh đi nơi khác là xong
Không cần bảo nước nguồn ngừng chảy ra.”
*
Ngẫm xem trong cõi ta bà
Tử sinh tham ái người ta đắm chìm
Nước tanh “ngũ dục” uống thêm
Đôi khi cảm thấy buồn phiền chán chê
Thầm mong ma “ngũ dục” kia
“Sắc, thanh, hương, vị, xúc” thì dừng chân
Mong đừng tuôn chảy tới gần,
Tiếc thay “ngũ dục” vẫn luôn quấy rầy.
Chúng sinh muốn toại ý này
Giác quan cần phải ra tay đề phòng,
“Thân” gìn giữ, chớ buông lung,
Duyên trần dính líu “tâm” dừng lại thôi,
“Ý” đừng vọng tưởng sự đời
Trong lòng nhơ bợn tức thời xả ngay
Mới mong diệt “ngũ dục” này
Thoát đường trụy lạc tràn đầy thương đau
Thoát mầm tội lỗi hố sâu,
Thoát nhanh phiền não, thoát mau mê lầm.

* 39 *
SƠN TƯỜNG


Một ngày nọ có anh chàng
Đến chơi nhà người bạn thường thân quen
Nhìn lên tường vách kế bên
Thấy sơn bóng loáng đẹp thêm bội phần
Ráo khô, sạch sẽ, sáng ngần
Chàng lên tiếng hỏi bạn thân chủ nhà:
“Vách tường tô trát đẹp ra
Anh dùng chi vậy để mà sơn đây?”
Bạn chàng lên tiếng giãi bày:
“Tôi dùng cám trộn với ngay nước bùn.”
Chàng nghe bèn nghĩ thầm luôn:
“Sơn tường bằng cám mà còn tốt sao
Nếu dùng nguyên lúa thay vào
Trộn bùn chắc tốt hơn bao nhiêu lần.”
Chàng về nhà chẳng ngại ngần
Mang nhiều thóc lúa trộn luôn cùng bùn
Trét lên vách, thấy lạ lùng
Vách tường không phẳng, vô cùng khó coi
Chỗ này lõm, chỗ kia lồi
Lại thêm sứt mẻ nhiều nơi thật kỳ,
Thế là không được việc chi
Bao nhiêu lúa tốt mất đi tiêu rồi.
*
Truyện này thí dụ ở đời
Hiểu lầm Phật Pháp lắm người vụng tu
Tưởng mình tài giỏi có thừa
Rời xa chánh pháp từ xưa rạng ngời
Khổ tu nhưng chỉ hại thôi!
Lấy thêm thí dụ có người phàm phu
Được nghe thuyết pháp thời ưa
Thánh nhân truyền dạy: “Phải tu pháp lành
Thân này hãy xả cho nhanh
Thời sau khi chết sẽ sinh lên Trời
Hay là giải thoát cuộc đời.”
Phàm phu lại hiểu lầm lời thánh nhân
Để rồi tự sát bản thân
Tưởng rằng phước báu được phần hưởng thêm,
Tưởng rằng sẽ được sinh Thiên,
Than ôi kết quả thấy liền đớn đau
Thân mình lỡ hủy còn đâu
Tu hành không được chút nào! Dại thay!

* 40 *
NGƯỜI SÓI ĐẦU TÌM THUỐC


Chàng kia bị bệnh sói đầu
Không còn một sợi tóc nào buồn thay,
Mùa Đông tuyết lạnh phủ đầy
Mùa hè tia nóng gắt gay đỉnh đầu
Lại thêm muỗi cắn canh thâu
Anh chàng đau đớn, buồn rầu kể chi.
Nghe đồn có vị lương y
Giỏi nghề chữa bệnh sói kia lâu rồi
Trị thêm nhiều bệnh rất tài
Bệnh dù khó trị ông thời thành công.
Chàng bèn tìm đến nhờ ông:
“Tôi đây đầu sói vô cùng đớn đau
Nghe đồn thầy giỏi từ lâu
Có tài chữa bệnh sói đầu lành ngay
Xin thầy thương xót ra tay
Chữa cho tôi khỏi bệnh này thầy ơi.”
Vị lương y nọ tức cười
Lột luôn mũ đội trên nơi đầu ngài
Khoe đầu sói cũng như ai
Xong rồi lên tiếng khoan thai nói rằng:
“Đầu ta cũng sói, thấy chăng
Và ta đau khổ cũng hằng bao lâu,
Nếu ta trị được sói đầu
Thời ta đã chữa ta mau khỏi rồi.”
*
Truyện này thí dụ ở đời
“Sinh, già, bệnh, chết” con người tránh đâu
Bệnh “vô thường” khổ ngập đầu
Con người do đó muốn cầu trường sinh
Nhưng mà lại mắc vô minh
Không tìm Phật học pháp lành thánh nhân
Đạo thoát ly rất siêu quần
Mà rồi mù quáng dấn thân, quay đầu
Tìm phường ngoại đạo thỉnh cầu
Dầu cho hay biết họ đâu tốt lành
Họ chưa giải thoát chính mình
Vẫn trôi lăn chốn quẩn quanh luân hồi
Vẫn còn sinh tử nổi trôi
Làm sao mà cứu được người khác đây.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]