Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Xướng ngôn viên số “một”

14/05/201317:47(Xem: 9165)
Xướng ngôn viên số “một”
Chuyện Bình Thường


Xướng Ngôn Viên Số “Một”

Thích Chân Tính
Nguồn: Thích Chân Tính

Được cử làm xướng ngôn viên “phụ” lễ tang cố Hòa thượng Phước Quang tôi rất hãnh diện. Nhưng làm thế nào cho hay cho tốt thì tôi còn mù tịt. Tuy nhiên đã lỡ nhận rồi thì phải làm sao cho mọi người khỏi chê mình “dỏm”. Do đó tôi phải lên kế hoạch để tập dượt. Việc trước tiên của tôi là tập cho nhuyễn câu xướng lễ đã. Thấy trên lầu một vắng người, tôi leo lên đó dợt. Tôi cố luyện cái giọng khàn khàn của mình cho thanh thanh một chút và âm điệu có trầm bổng đàng hoàng. Khổ quá! Dợt năm bảy lượt rồi mà giọng vẫn cứ rè rè. Thấy không ổn, tôi dự định hay là mình nhờ một thầy có giọng tốt xướng lễ giùm, mình chỉ nói thôi? Nhưng rồi suy đi nghĩ lại thấy làm như vậy phiền thêm một người nữa, mất công quá. Đang phân vân không biết tính sao cho ổn, bỗng một cô Phật tử lên báo có phái đoàn đến viếng. Tôi vội vã đi xuống làm nhiệm vụ. Lời đầu tiên của tôi được phát thanh:

- Ban Tổ chức chúng tôi nhận được tin phái đoàn Phật giáo quận A vừa mới đến. Thay mặt Ban Tổ chức và môn đồ pháp quyến hân hoan chào mừng quý liệt vị”.

Vừa dứt lời, tôi liền kêu thầm: Thôi chết rồi! Ai đời đám tang chứ có phải tiệc vui đâu mà “hân hoan chào mừng”. Theo lẽ mình phải nói là “kính chào quý liệt vị” mới đúng chứ. À, à, nhưng mà cũng có lý. Vì người ta thường quan niệm “sống gởi thác về”, thì chết có gì đâu là buồn, đã về thì vui chứ buồn cái nỗi gì! Nhất là người Hoa mỗi khi gia đình có người thân mất, họ thường thuê kèn Tây đến thổi ì xèo lên đó! Hơn nữa nghi thức cúng tụng của họ cũng kèn cũng trống nghe vui tai quá đi chứ! Đến khi di quan họ cũng đốt pháo đì đùng, tiễn người chết như tiễn cô dâu về nhà chồng vậy! Do đó mình chào mừng quý khách đến viếng người mất cũng phải thôi. Tuy tôi cố gắng tự bào chữa nhưng vẫn ân hận trách mình không chịu để ý lắng nghe thầy Thiện Xuân xướng ngôn nên mới xảy ra tình trạng này. Nói cho đúng cả ngày hôm qua tôi cũng đã nghe đầy lỗ tai lời thầy nói rồi, nhưng dường như những âm thanh ấy tác động vào tai một cách tự nhiên chứ không thật đúng nghĩa nghe của nó. Quả là có những việc mình thấy nghe hằng ngày rất quen thuộc tưởng chừng như rất dễ, đến khi bắt tay vào làm thì mới thấy lúng túng và không đơn giản.

Qua phần mời phái đoàn vào làm lễ viếng. Lần này tôi rút kinh nghiệm đứng nhẩm câu nói một lát rồi mới phát ngôn:

- Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Thay mặt Ban Tổ chức và môn đồ pháp quyến, chúng tôi xin kính mời quý vị trong phái đoàn Phật giáo quận A hoan hỷ đến trước kim quan Hòa thượng làm lễ viếng. A Di Đà Phật, trân trọng kính mời. Yêu cầu quý vị trong ban Tiếp lễ chuẩn bị hướng dẫn phái đoàn vào.

Mời xong tôi nhẩm lại từng chữ xem cách dùng từ có chuẩn không. Tôi thấy câu nói này tạm được nhưng dùng cho các vị khách tục. Riêng đối với chư Tăng mình nên thay chữ “kính mời” là “thành tâm bái thỉnh” và “làm lễ viếng” là “cử hành lễ viếng” nghe nó đạo vị hơn. Quả là chữ với nghĩa thật là phức tạp. Lựa lời nói cho chuẩn và hay không phải là dễ dàng.

Lúc ấy phái đoàn từ từ tiến đến trước linh đài. Sau phần phát biểu cảm tưởng và chia buồn của đại diện là phần niệm hương. Trong lúc các vị niệm hương, tôi đứng hồi hộp chờ đến phiên mình xướng lễ tiếp theo. Lúc này tôi lo quá! Bởi vì nói trước công chúng đã là khó rồi, bây giờ lại xướng lễ cho quý thầy lạy lại càng khó hơn. Thật tình mà nói, giọng tôi thì ồ ề, lại đứng trước các vị tôn túc bậc thầy về tán tụng, nếu mình làm không ra hồn sẽ bị cười chết. Bây giờ tôi mới nhận ra những khuyết điểm của mình về vấn đề này. Trước đây tôi có quan niệm tu sĩ chỉ lo trau giồi giới đức, học Phật pháp cho giỏi để làm giảng sư hoặc nghiên cứu, phiên dịch kinh sách chứ cái việc xướng tụng này để cho mấy ông thầy đám xài. Thế mà không ngờ hôm nay, đứng trước hiện cảnh này tôi mới hiểu tất cả đều có cái lý của nó. Đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”. Thôi bây giờ ráng gân cổ lên mà gào chứ còn chần chừ gì nữa. Tôi hít một hơi thật dài rồi xướng:

- Nhất tâm đảnh lễ... ế ... Nam mô Từ tế thượng chánh tông tứ thập nhị thế, húy Trừng Minh, thượng Phước hạ Quang Hòa thượng giác linh tam bái ... ái ... ì ...

Vì trong khuôn viên linh đường có đặt một cái loa thùng nên tôi nghe rõ giọng “vịt xiêm” của mình và đứng cười thầm mãi.

Sau khi chư vị đảnh lễ xong, tôi thay mặt Ban Tổ chức cảm tạ và mời đại diện phái đoàn ghi vào sổ tang lưu niệm. Công việc xướng ngôn của tôi chỉ có bấy nhiêu và được lập đi lập lại suốt buổi sáng.

Chiều cùng ngày, tôi bàn giao việc xướng ngôn cho thầy Thiện Xuân và cứ mỗi lần thầy nói tôi lại chăm chú lắng nghe để rút kinh nghiệm học tập.

Qua hôm sau tôi yên chí là việc xướng ngôn tạm thời của mình đã chấm dứt nên thong thả ngồi chờ làm việc khác. Đang ngồi uống nước trà, một cô Phật tử đến báo có phái đoàn đến viếng. Tôi nhắc cô:

- Cô bạch với thầy Thiện Xuân ấy.

- Thưa, thầy Thiện Xuân chưa đến.

Thế là tôi phải đến bên máy ghi âm. Cả buổi sáng tôi vừa nói vừa ngóng thầy Thiện Xuân đến để giao việc lại. Thế rồi chờ mãi mà không thấy bóng thầy đâu cả. Khoảng 11 giờ, tôi đi qua nhà khách nghỉ để chuẩn bị dùng cơm trưa và gặp thầy Thiện Xuân ngồi đó. Tôi hơi giận trong lòng nhưng vẫn ra mặt thân mật hỏi:

- Ủa, tưởng thầy không đến chứ?

Thầy cười đáp:

- Có chứ! Tới từ 8 giờ đến giờ.

Nghe câu nói này tôi càng giận thêm:

- Vậy sao thầy không vào thay?

- Thay gì nữa, thầy nói như vậy được lắm rồi.

Tôi dịu cơn giận ngay.

- Đâu dám múa rìu qua mắt thợ.

- Thật mà.

Thế là bao nhiêu bực phiền của tôi liền tiêu tan hết. Cái câu “Thầy nói như vậy được lắm” nó cứ văng vẳng bên tai và ám ảnh tôi suốt buổi cơm trưa. Tôi cứ suy đi nghĩ lại những lời mình nói trên máy ghi âm vừa qua xem có đúng với lời khen ấy không, hay đó chỉ là câu khuyến khích để mình “gánh” giùm cái lười cho thầy! Cuối cùng tôi tự an ủi thôi được dù sao cũng là sự thật, “gánh” nhiều thì tốt chứ không hại gì cả... Từ hôm đó cho đến ngày di quan Hòa thượng, tôi và thầy thay phiên nhau làm việc này.

Sáng nay chính thức cử hành lễ di quan Hòa thượng Phước Quang đến nơi trà tỳ. Được tin thầy Thiện Nhơn sẽ điều khiển chương trình buổi lễ, tôi rất lấy làm yên tâm. Vì hôm nay sẽ có những vị tôn túc, khách quý, đại diện chính quyền và đông đảo Tăng Ni Phật tử đến dự. Nếu không có người xướng ngôn lưu loát sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Ban Tổ chức và giảm giá trị của buổi lễ.

Mới 6 giờ sáng, người ta đã đứng chật cả đường Nghĩa Thục vào tận chùa Vạn Phật. Tôi cố len lỏi vào tới sân chùa. Vừa gặp tôi, thầy Bửu Minh hỏi ngay:

- Hôm nay thầy làm gì?

- Dạ chưa biết.

- Vậy nhờ thầy giúp giùm trật tự được không?

- Dạ được.

Thầy đưa tôi cái băng vải màu vàng viết hai chữ trật tự màu đỏ. Tôi nhận rồi đi vào giảng đường điểm tâm. Đang ăn, thầy Thiện Xuân đến vỗ vai tôi nói:

- Hôm nay thầy phụ với Đại đức Thiện Nhơn xướng ngôn giùm, tôi bận chạy vòng ngoài.

Tôi giơ băng trật tự cho thầy coi và nói:

- Thầy Bửu Minh mới giao nhiệm vụ này.

Thầy không đồng ý và nhắc tôi cứ tiếp tục việc xướng ngôn. Ăn xong tôi qua bên linh đường và gặp thầy Thiện Nhơn đang ngồi trên ghế. Mừng quá tôi liền đến bên chào thầy và hy vọng sẽ giao toàn bộ việc xướng ngôn cho thầy “gánh” giùm. Ai dè, vừa gặp tôi, thầy nắm tay thân mật nói:

- Thầy cứ tiếp tục công việc của mình như mọi bữa nhé.

Tôi chưng hửng:

- Không! Nghe nói hôm nay thầy thay thế mà?

- Ờ, nhưng tôi chỉ điều khiển trong buổi lễ chính thức lúc 8 giờ thôi. Còn từ giờ đến đó thầy vẫn làm như cũ.

Tôi ngần ngại thưa:

- Nhờ thầy hoan hỷ giúp giùm luôn.

Thầy cười nói:

- Chỉ còn hơn một giờ nữa thôi ráng làm đi. Tôi còn nhiều việc khác phải làm.

Cuối cùng tôi cũng phải đến bên máy phóng thanh. Lúc này tôi cảm thấy lo hơn bao giờ hết. Vì trước mặt tôi là thầy Thiện Nhơn, một xướng ngôn viên lưu loát nổi tiếng của Thành hội Phật giáo và bao nhiêu chư tôn túc, các vị khách quý. Do đó trước khi nói một chữ, một câu gì tôi đều tính toán, nhẩm đi nhẩm lại thật kỹ mới dám khai khẩu. Tuy vậy, đến khi thầy Thiện Nhơn bắt đầu xướng ngôn, tôi mới thấy mình còn non tay nghề và vụng về quá nhiều.

Hơn 8 giờ rưỡi kim quan Hòa thượng mới rời vị trí. Tôi thấy mình đã hoàn tất nhiệm vụ xướng ngôn nên đi ra ngoài phụ giúp quý thầy làm trật tự lề đường, vừa tới chỗ xe phóng thanh, thầy Giác An ngoắc tôi lại và kêu lên xe xướng ngôn tiếp. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Thầy Thiện Nhơn đâu, bạch thầy?

- Thầy về đi giảng rồi.

Thế là tôi leo lên xe phóng thanh. Vừa ngồi xuống tôi đã nghe thầy Giác An hối tôi nói. Thật sự lúc này tôi không biết phải nói gì, nhưng hỏi lại thầy thì nhất định tôi không hỏi. Dở, nhưng không chịu để ai biết rõ cái tẩy của mình. Dù sao cũng là tự ti mặc cảm và danh dự của con người mà! Thế là tôi nói ngay chả cần phải cân nhắc suy nghĩ gì cả:

- Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Thay mặt ban Tổ chức chúng tôi xin cáo bạch đến toàn thể quý liệt vị được rõ: Hòa thượng Phước Quang là... và đã được Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đứng ra tổ chức tang lễ, đứng đầu là Hòa thượng Thích Minh Nguyệt ...

Tới đây tôi bỗng giật nẩy mình lên vì ngón tay của thầy Giác An thọc vào hông tôi và nói:

- Hòa thượng Minh Nguyệt viên tịch rồi ông ạ! Còn sống đâu mà đứng ra tổ chức.

Thôi chết! Tôi chợt nhớ ra mình nói lầm và đưa tay lên bụm miệng lại. Rõ là lẩm cẩm, Hòa thượng Thiện Hào không nói lại nói là Hòa thượng Minh Nguyệt! Thầy Giác An lắc đầu mỉm cười nhìn tôi. Còn tôi thì muốn vả vào mồm một cái thật đau.

Khi đoàn đi bộ chấm dứt và mọi người chuẩn bị lên xe để đến lò thiêu. Tôi rời khỏi xe phóng thanh và ngoắc chiếc xe Honda của một thanh niên đang làm trật tự xin đi nhờ. Do vậy tôi đã đến lò thiêu tại Bình Hưng Hòa, huyện Bình Chánh trước đoàn. Lối kiến trúc và toàn bộ khuôn viên lò thiêu đã hấp dẫn tôi. Đang say sưa chăm chú quan sát thì thầy Thiện Xuân nhắc tôi lại xe phóng thanh “nói cho ấm cúng buổi lễ”. Cơ khổ! Tôi cứ ngỡ việc mình làm như vậy đã xong, ai ngờ lại nói nữa! Mà bây giờ biết nói gì đây trong khi mình chưa chuẩn bị gì ráo? Mặc dù thắc mắc nhưng chân tôi vẫn bước đều đến bên xe phóng thanh như một phản xạ tự nhiên. Lúc này Tăng Ni Phật tử tràn ngập cả sân.

Sau đó là khóa lễ trà tỳ. Vì khuôn viên nơi hành lễ không đủ chứa số lượng người quá đông, nhưng dường như ai cũng muốn mình được vào tận nơi để xem hành lễ nên đã xảy ra cảnh chen lấn mất trật tự, làm cho cuộc lễ bị trở ngại. Thấy vậy tôi liền nói:

- Ban Tổ chức chúng tôi yêu cầu tất cả quý Phật tử hoan hỷ bước ra bên ngoài nhường chỗ cho quý Tăng Ni hành lễ. A Di Đa Phật, xin quý vị lưu ý cho.

Mặc dù tôi đã lập đi lập lại như vậy nhiều lần, nhưng dường như họ vẫn còn nuối tiếc chưa muốn bước ra. Biết họ ao ước được theo dõi toàn bộ cuộc lễ nên tôi nhắc:

- Xin quý vị yên tâm, xin quý vị yên tâm. Chúng tôi sẽ theo dõi và truyền thanh trực tiếp cuộc thi đấu ...

- Cái gì vậy?

Tiếng của ai đó chợt vang lên. Lúc ấy tôi sực nhớ mình nói lộn về buổi truyền hình trực tiếp cuộc thi đấu bóng đá giữa đội Liên Xô và Rumani mà tôi đã xem tối hôm qua! Tôi liền cáo lỗi:

- À, à, xin lỗi, xin lỗi! Chúng tôi sẽ truyền thanh trực tiếp buổi lễ trà tỳ để quý vị được tường tận.

Dứt lời, tôi nghe tiếng ai đó nói:

- “Xướng ngôn viên số một”.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]