Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Pháp Cúng Dường

10/05/201320:18(Xem: 11408)
Pháp Cúng Dường

Bồ Tát Có Bệnh (Biên soạn về Kinh Duy Ma Cật)

Pháp Cúng Dường

Thích nữ Như Đức

Nguồn: Thích nữ Như Đức

1- Thiên Đế phát nguyện


Khi Pháp – dưới hình thức kinh điển – xuất hiện ở đời, bởi mục đích là tạo phương tiện cho mọi người đến được bờ chân lý. Pháp có giá trị như ngọn đèn chiếu soi, như chiếc bè đưa người, như con đường an ổn giữa những rừng rậm mù sương. Pháp chính là lời dạy của Phật, lời hướng dẫn cần thiết của bậc Đạo sư, người thấy rõ chân lý tối hậu.
Ngày xưa khi các vị khất sĩ được nghe pháp xong, liền tán thán:
- Lành thay! Bạch Thế Tôn, như một vật sụp đổ được nâng lên, như một vật giấu kín được khám phá, như ngọn đèn được đốt lên trong đêm để những ai có mắt có thể trông thấy. Giáo lý mà đức Thế Tôn truyền dạy cũng như thế.
Và Dạ-xoa Alavaka, khi gặp Phật đã đặt câu hỏi:
* Vật sở hữu quý nhất của người là gì?
* Điều gì, nếu thực hành đúng sẽ đem lại hạnh phúc?
* Hương vị nào ngọt ngào hơn tất cả?
* Sống thế nào gọi là cao thượng nhất?
Phật trả lời:
* Niềm tin là vật sở hữu quý nhất.
* Giáo pháp, nếu thực hành đúng, sẽ đem lại hạnh phúc.
* Sự chân thật là hương vị ngọt ngào nhất.
* Sống với trí tuệ gọi là cao thượng nhất.
Giá trị của pháp lớn lao như thế, nên trong bộ phận các kinh đều có phần khuyến khích ủng hộ cúng dường Pháp.
Trong phần mở đầu phẩm này, vua trời Đế-thích, vua cõi trời Đao Lợi (còn gọi là trời Tam thập tam vì gồm có 33 tầng trời cho 33 thiên tử) đã phát nguyện: “Tuy tôi đã theo Phật nghe được trăm ngàn kinh điển, nhưng chưa từng nghe kinh điển Bất khả tư nghì – Tự tại thần thông Quyết định Thật tướng này. Như nếu có người nghe được mà tin hiểu thọ trì đọc tụng tu hành theo kinh, chắc chắn sẽ là người đi theo trọn vẹn con đường Giác ngộ, người bước theo dấu chân chư Phật.
Nếu có những người như thế, tôi và quyến thuộc sẽ cúng dường phụng sự đầy đủ. Dù người đó ở đâu, hoặc nơi nào có kinh này tôi và quyến thuộc sẽ đến đó ủng hộ.”
Đức Phật xác nhận:
- Ta hoan hỷ khen ngợi ông. Kinh này giảng rộng về quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của ba đời chư Phật. Cúng dường kinh này tức cúng dường ba đời chư Phật.
Như vậy kinh này, pháp môn mà Duy-ma-cật cùng chư vị đệ tử Thanh văn Bồ-tát đã luận thuyết trong kinh này, những lời vấn đáp, pháp thần thông trong đây, chính là cách thức mà ba đời chư Phật đã tu tập và chứng quả Giải thoát. Chúng sanh nào nghe hiểu và thực hành kinh này, chính là đã tham dự trong hội kinh, đã cùng chư vị Đại sĩ nếm một lần cơm Hương Tích, đã thấy cõi Phật A-súc.
Đức Phật đưa ra so sánh: Phước cúng dường chư Phật với phước được nghe gặp thọ trì tin hiểu tu tập kinh này, thì phước sau hơn hẳn phước trước.
Như chúng ta tặng quà cho muôn ngàn vị tiến sĩ, thì cũng chỉ là làm đẹp thêm cho một người đã có giá trị, như trên gấm thêm hoa. Nếu mở trường lớp để huấn luyện cho mọi người học để thành tiến sĩ, chắc chắn lợi ích hơn. Và biến đổi một chúng sanh còn mê mờ trở thành một người Giác ngộ, qua phương cách tu tập theo kinh điển, giá trị cũng như một bạch diện thư sinh thi đỗ trạng nguyên. Thi đỗ rồi thì mọi hạnh phúc từ đó mà đến, điều quan trọng là phải học hành đúng để thi đỗ.
Giá trị của Pháp cúng dường hơn hẳn mọi cách thức cúng dường vật chất, là như thế. Chúng ta có thể hiểu thêm, khi đọc chuyện Bàng Công chở của cải đổ xuống sông, để cả nhà tu tập đạo lý Vô sanh. Tiền tài dù đem bố thí cúng dường cũng gây vướng mắc tâm lý, đưa người sử dụng cũng còn sự oan gia. Chi bằng đem tự thân thực hành Pháp, đó là của báu tối thượng.

2- Thuật chuyện tiền thân


Phật bảo với Thiên Đế về một cách cúng dường Pháp thời quá khứ. Thời của đức Phật Dược Vương, có một vị Chuyển luân thánh vương tên Bảo Cái, đầy đủ bảy món quốc bảo, có một ngàn người con. Vua đã cúng dường đức Phật Dược Vương đầy đủ vật dụng trải qua năm kiếp, sau đó khuyến khích các vương tử cũng nên cúng dường cho Phật. Giàu sang uy quyền như Chuyển luân thánh vương mà cúng dường thì là chuyện quá dễ dàng, như người nhà giàu bớt đi một đồng bạc. Thế nên trong số các vương tử, có một vị tên Nguyệt Cái suy nghĩ: “Có cách cúng dường nào thắng vượt hơn nữa không?” Được thần lực Phật mách bảo đến gặp đức Dược Vương Như Lai hỏi về Pháp cúng dường.
Phật dạy:
- Cúng dường Pháp đó là kinh sâu xa do chư Phật thuyết, tất cả thế gian khó tin khó thọ, vi diệu khó thấy… Đó là dấu ấn của Ấn Tổng Trì, lên tới địa vị Bất thối chuyển… bặt dứt tướng ta, tướng người… Kinh thâu nhiếp tất cả trí tuệ của Hiền Thánh, giảng thuyết chỗ hành đạo của chư Phật… cứu vớt tất cả chúng sanh… chỉ rõ vui Niết-bàn. Nếu nghe những kinh như thế mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết, đó gọi là Pháp cúng dường.
Phần thứ nhất của Sự cúng dường là nghe, thọ, đọc tụng giảng nói.
Phần thứ hai là cúng dường tối thượng, nghĩa là tu hành theo kinh. Biết một lối trung đạo, biết không có ta có người nhưng vẫn tùy thuận sự vận hành của Nhân duyên - Quả báo.
Theo tứ y:
Y theo nghĩa, không y theo lời nói Y theo trí, không y theo thức Y theo kinh liễu nghĩa,
không y theo kinh bất liễu nghĩa Y pháp không y người.

Tu tập quán sát dứt Vô minh cho đến dứt Lão tử. Lìa luôn tướng Dứt và tướng Khởi.
Vương tử Nguyệt Cái nghe Phật dạy về cách cúng dường pháp tối thượng, đã phát nguyện thực hành, làm người giữ gìn chánh pháp.
Vương tử phát lòng tin mà xuất gia tu tập Thiện pháp, một lòng tinh tấn, chẳng bao lâu được Ngũ thông, đủ đạo Bồ-tát được Tổng trì, biện tài không dứt. Sau khi Phật diệt độ, dùng sức của mình tiếp tục giảng dạy giáo pháp của Phật Dược Vương trong mười kiếp. Tỳ-kheo Nguyệt Cái là một vị giữ gìn Pháp tinh tấn đắc lực, một đời đó hóa độ trăm vạn ức người lập chí bất thối chuyển đối với đạo quả Giác ngộ, mười bốn na-do-tha người phát tâm Thanh văn, Bích chi, vô lượng chúng sanh được sanh lên cõi trời.
Đức Phật Thích-ca kết luận:
- Vương tử Nguyệt Cái chính là thân ta thuở ấy.
Qua câu chuyện, đức Phật cho thấy một hình ảnh cúng dường bằng pháp một cách rõ rệt. Vị Tỳ-kheo tu tập đắc pháp đã hóa độ biết bao nhiêu người, lợi ích lan rộng cả hằng sa thế giới. Cho nên lời kết của phẩm này:
“Thế nên này Thiên Đế! Nên dùng sự cúng dường Pháp để cúng dường chư Phật”.
Xưa nay chúng ta quen hình thức dùng tiền tài vật thực cúng dường. Đó là sự trợ giúp tu tập, kết quả có nhiều phước báo, việc này dễ thực hành.
Cao hơn một chút là đi nghe giảng kinh, rồi đọc tụng, giảng dạy lại cho người, cũng là một hình thức làm cho chánh pháp lưu truyền rộng.
Nhưng thâm ý của chư Phật là muốn chính chúng ta được trở thành như Phật, đó là mục đích đào tạo. Cho nên nếu tự thân mình thực hành Pháp, tự thân mình được an vui giải thoát, đó mới là hoàn thành bản nguyện. Kinh dùng các cấp độ tu tập từ thấp lên cao, ban đầu là cúng dường gieo duyên, mình vẫn là người đứng ngoài. Cho đến khi đi sâu vào dòng pháp, đượm nhuần mưa pháp, và chính mình trở thành nguồn pháp, thì đó mới là viên mãn. Nếu chỉ chú trọng việc cúng dường vật chất thì có nhiều việc không hay, người đua nhau tạo phước không lo tu, nguồn sáng không có người tiếp nối. Việc thực hành pháp lại khó khăn, đòi hỏi sức kiên trì, nên mọi người thích chọn sự dễ dàng. Như thế không đặt việc thực hành tu tập lên trên, thì chánh pháp lâu dần mai một. Cho nên thâm ý của phẩm này đặt trọng tâm ở chỗ “Dùng Pháp cúng dường” nghĩa là cúng dường bằng chính sự tu tập của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567