- Kinh Trung A Hàm (17 phẩm)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 2)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 3)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 4)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 5)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 6)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 7)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 8)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 9)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 10)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 11)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 12)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 13)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 14)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 15)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 16)
- Kinh Trung A Hàm (Phẩm thứ 17)
- Mời xem phiên bản PDF với Scribd
Kinh Trung A Hàm
219. Kinh A-na-luật-đà (II)
Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch
Tôi nghe như vầy.
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ các Tỳ-kheo, vào lúc xế, từ thiền tọa dậy, đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật-đà[1], cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi xuống một bên bạch rằng:
“Chúng tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho mới dám trình bày.”
Tôn giả A-na-luật-đà nói:
“Chư Hiền, muốn hỏi xin cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.”
Khi ấy các Tỳ-kheo hỏi rằng:
“Làm thế nào mà một Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Nếu Tỳ-kheo có tri kiến chất trực và đạt đến Thánh ái giới[2], đó là Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”
Các Tỳ-kheo lại hỏi:
“Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Tỳ-kheo không chỉ cùng đích như vậy là chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt. Lại nữa, này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, đó là Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”
Các Tỳ-kheo lại hỏi:
“Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Chư Hiền, Tỳ-kheo không chỉ cùng đích như vậy là chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt. Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo tâm tương ưng với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ; hai, ba, bốn phương, bốn duy, trên, dưới, bao trùm tất cả, tâm tương ưng với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Cũng vậy, bi và hỷ. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Đó gọi là Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”
Các Tỳ-kheo lại hỏi:
“Tỳ-kheo chỉ cùng đích như vậy là chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Chư Hiền, Tỳ-kheo không chỉ cùng đích như vậy, là chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt. Lại nữa, này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vượt qua tất cả sắc tưởng, cho đến chứng phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, thành tựu an trụ. Đó là Tỳ-kheo chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”
Các Tỳ-kheo lại hỏi:
‘Tỳ-kheo chỉ cùng đích như vậy là chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Chư Hiền, không chỉ cùng đích như vậy là chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt. Lại nữa, này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vượt qua tất cả phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ, tưởng thọ diệt thân chứng thành tựu an trụ, và do tuệ quán mà các lậu diệt tận, đó là Tỳ-kheo chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt.”
Các Tỳ-kheo lại hỏi:
“Tỳ-kheo chỉ cùng đích như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức chăng?”
Tôn giả A-na-luật-đà đáp:
“Chư Hiền, Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết không bức rức, mạng chung không bức rức.”
Bấy giờ các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Tôn giả A-na-luật-đà nói, khéo ghi nhớ và thuộc kỹ xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ sát chân Tôn giả A-na-luật-đà, đi quanh ba vòng rồi lui ra.
Tôn giả A-na-luật-đà thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả A-na-luật-đà thuyết, hoan hỷ phụng hành.
[1]. Xem kinh 184, và nhiều kinh khác.
[2]. Thánh ái giới, hay Thánh sở ái giới, giới được các Thánh Hiền hâm mộ.