Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương XII Tam Vô Tánh

07/05/201311:06(Xem: 8449)
Chương XII Tam Vô Tánh

CHƯƠNG XII: TAM VÔ TÁNH ^

Các ngã và pháp do nhân duyên hòa hợp mà sanh khởi, không có thật tánh ví như hoa đốm giữa hư không. Do Biến Kế Sở Chấp phân biệt vọng chấp đối đãi cho các pháp là có, là không, là đồng, là dị nên chúng sanh cứ mãi điên đảo trôi lăn trong lục đạo sanh tử luân hồi, không bao giờ trở về được với chân tánh. Muốn chúng sanh xa rời được các điên đảo vọng chấp của Biến Kế Sở Chấp nên đức Thế Tôn nói đến Y Tha Khởi tức là các pháp đều do duyên khởi, không có tánh nhất định thường còn. Nương nơi y tha này mà tu hành cho hết biến kế sở chấp thì sẽ chứng thực được chân tướng của các pháp, thấy tất cả các tướng đều không có thật tánh, đều là như huyễn, như bong bóng nước, như sương sớm đầu mai, như tia chớp, đã được nói trong kinh Kim Cương:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn, bào ảnh

Như lộ diệc như điển

Ứng tác như thị quán

Tất cả các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà sanh và đều không có tự tánh riêng biệt, cố định, tỷ như sợi dây thừng không có tự tánh của sợi dây thừng mà là do nhiều sớ gai khô bện lại mà thành. Các sớ gai khô đó cũng không có tự thể của sớ gai khô vì chúng là do những cây gai phơi khô đem tước ra. Ngay đến cả cây gai đó cũng không thể hiện hữu nếu không có mảnh đất để bám víu vào. Xem thế thì tất cả đều là Y Tha Khởi, không có cái tướng nhất định của nó nên nói đến Tướng Vô Tánh.

Tất cả mọi sự vật mỗi mỗi đều do những cái không phải là nó hòa hợp, duyên nhau mà sanh chứ không có cội nguồn nhất định và cũng không phải tự nhiên sanh. Không có gì tự nhiên sanh mà tất cả đều là biến hiện nơi tâm thức. Cũng vì nghĩa này mà đức Thế Tôn nói đến cái Sanh Vô Tánh tức là các pháp không có nguồn gốc sanh khởi rốt ráo hoặc do một đấng quyền năng nào tạo ra. Sanh Vô Tánh cũng phải được hiểu thêm rằng dù các pháp không có nguồn gốc sanh khởi rốt ráo nhưng không phải là chúng tự nhiên được sanh ra, vì thế nên cũng được gọi là Vô Tự Nhiên Tánh.

Nương nơi Y Tha Khởi mà xa rời được Biến Kế Sở Chấp sẽ thâm nhập được Viên Thành Thật tức Thắng Nghĩa của các pháp, tức Chân Như, tức Tự Tánh, tức Phật Tánh.

Hãy nghiên cứu bài tụng thứ hai mươi ba của Bồ tát Thế Thân.

BÀI TỤNG THỨ HAI MƯƠI BA

Tức y thử tam tánh

Lập bỉ tam vô tánh

Cố Phật mật ý thuyết

Nhất thiết pháp vô tánh

Dịch là:

Nương nơi ba tánh kia

Lập ba không tánh này

Nên Phật mật ý nói

Tất cả pháp không tánh

Vì muốn nói đến cái không tánh của mọi pháp mà trước hết Phật phải nói về tam tánh, để rồi nói đến tam vô tánh.

Bài tụng nói Phật mật ý nói nhất thiết pháp vô tánh là muốn nói đến ba cái không tánh: tướng vô tánhsanh vô tánh và thắng nghĩa vô tánh. Vì muốn nói đến cái không tánh của mọi pháp nên Phật phải khởi đầu bằng Tam Tánh, từ tam tánh Phật nói đến Tam Vô Tánh để chúng sanh rốt ráo thâm nhập cái không tánh của các pháp. Ngược lại khi nói đến cái không tánh của các pháp thì ta phải thấu rõ về tam tánh và tam vô tánh để thật sự xa rời được mọi chấp chước sai lầm.

Trong 49 năm thuyết pháp, Phật phải bỏ ra 12 năm nói về pháp hữu vi, dùng thí dụ thật tế trong các kinh A Hàm; sau đó Phật bỏ ra 8 năm thuyết kinh phương đẳng hay quyền thừa nói đến sự hóa độ chúng sanh; tiếp sau đó Phật thuyết về pháp vô vi, lý bát nhã, thuyết minh về cái thật tướng, không tướng của các pháp trong các thời kinh Bát Nhã; sau cùng ngài mới nói đến sự ngộ nhập tri kiến Phật tức Phật tánh, tức Thắng nghiã của các pháp trong suốt 8 năm còn lại, điển hình là các kinh Pháp Hoa và Niết Bàn. Sau cùng trước khi thị tịch Phật nói rằng trong 49 năm hoằng pháp Phật chưa từng nói một lời, mục đích cũng vì muốn chúng sanh bỏ tất cả những chấp trước dù vào lời nói của Phật để có thể hội nhập được tri kiến của Phật.

Tam Vô Tánh này sẽ được bàn rộng trong các bài tụng kế tiếp.

BÀI TỤNG THỨ HAI MƯƠI BỐN

Sơ tức Tướng Vô Tánh

Thứ Vô Tự Nhiên Tánh

Hậu do viễn ly tiền

Sở chấp ngã pháp tánh

Dịch là:

Trước là Tướng Không Tánh

Kế Không Tự Nhiên Tánh

Sau do lìa tánh trước

Là tánh chấp ngã pháp

Do Biến Kế Sở Chấp Tánh mà thấy có tướng của các pháp chứ thật ra các pháp đều như huyễn, không thật có nên Tướng Không Tánh được thành lập. Tất cả mọi pháp đều như huyễn và hiện ra như "hoa đốm trong hư không". Trong kinh Kim Cương Phật nói tất cả những gì có tướng đều là giả cả, nếu thấy các tướng không tướng tức là thấy Như Lai:

Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng

Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai

Khi nói đến Y Tha Khởi, sợ rằng chúng sanh bị vọng chấp và khởi niệm cho rằng có một đấng quyền năng nào đó đã sáng tạo ra cái thế giới, vạn vật vũ trụ này nên Phật nói đến cái Vô Sanh Tánh. Các pháp không phải là do một đấng quyền năng nào tạo lập ra nhưng cũng không phải tự nhiên mà có. Nếu cho rằng các pháp cứ đột nhiên mà khởi sanh thì chẳng khác gì các trò huyễn thuật. Đó là ý nghĩa của cái gọi là Vô Sanh Tánh, cũng gọi là Vô Tự Nhiên Tánh. Mọi pháp thật sự không có nơi sanh khởi nhất định, không có cái nguyên nhân sanh khởi đầu tiên và cũng không phải tự nhiên mà có, chúng chỉ là những giả hợp, duyên khởi từ những chủng tử và hiện hành nơi Tâm thức.

Do Viên Thành Thật mà nói Thắng Nghĩa Không Tánh vì trên cái nghĩa tuyệt đối rốt ráo thì mọi vật đều như huyễn. Chỉ khi nào xa lìa được tánh Biến Kế Sở Chấp tức là bỏ được tánh chấp trước vào ngã và pháp thì sẽ thấy Thắng Nghĩa của các pháp tức là thấy được cái chân thật của các pháp nên bài tụng nói: Sau do lìa tánh trước, Là tánh chấp ngã pháp.

Biến Kế Sở Chấp tức là tánh chấp vào ngã và pháp, chấp mọi hiện hữu là thật có và có pháp để mà đắc. Nếu bỏ được tánh này thì chứng được cái gọi là Pháp Thắng Nghĩa. Gọi là Thắng Nghĩa hoặc Viên Thành Thật nhưng thật ra không có gì để nắm bắt cả. Để nhấn mạnh đến cái tánh chất không thể nắm bắt này nên nói là Thắng Nghĩa Không Tánh. Nói không tánh là giả nói chứ không phải thắng nghĩa thật sự là không, ví như hư không mặc dù bao trùm và thâm nhập tất cả các sắc nhưng lại được hiển bầy bằng sự không hiện hữu của các sắc. Vì Thắng Nghĩa được hiển lộ ra bởi sự không hiện hữu của ngã và pháp cũng như hư không được hiển bày ở sự không hiện hữu của các sắc nên nói là Thắng Nghĩa Không Tánh.

Trong Lăng Kính Đại Thừa giáo sư Nghiêm Xuân Hồng viết:

"Mọi vật đều đến từ nơi Chân Không, từ những chủng tử, từ những cơn lốc hư minh khởi lên từ nơi Chân Không, những cơn lốc đó tạo nên quang minh, rồi kết tập thành vật:

Mọi vật đến từ đó

Đột hiện rồi đột tan

Tương tự như bào ảnh

Chẳng khác một giác mơ...

Suy nghĩ thì sẽ thấy rằng mọi vật hình như Nở ra rồi Tàn Lụi đi trên cái Biển Pháp Thân Thường Tịch Quang".

Trước khi sang bài tụng thứ hai mươi lăm ta hãy suy ngẫm mấy câu tụng của Bồ tát Long Thọ trong Trung Quán Luận:

Các pháp không phải từ duyên sanh

Cũng không phi duyên sanh

Bởi vì các pháp vốn không thực có

Nên duyên và phi duyên cũng không

Các pháp không phải tự nó sanh ra

Cũng không phải do cái khác sanh ra

Không do cộng sanh, cũng không vô nhân sanh

BÀI TỤNG THỨ HAI MƯƠI LĂM

Thử chư pháp thắng nghiã

Diệc tức thị Chân Như

Thường như kỳ tánh cố

Tức Duy Thức Thật Tánh.

Dịch là :

Đây thắng nghĩa các pháp

Cũng tức là Chân Như

Vì tánh thường như vậy

Tức Thật Tánh Duy Thức.

Tánh Viên Thành Thật chính là nghĩa thù thắng của các pháp, là Thắng Nghĩa của tất cả các pháp. Thắng Nghĩa này cũng tức là Chân Như. Chân là Chân Thật là muốn nói Viên Thành Thật không phải là giả. Như là Như Thị, là lúc nào cũng như vậy, ý muốn nói Viên Thành Thật luôn như vậy, không thay đổi. Chân Như là biểu thị pháp chân thật, không biến dịch, nơi tất cả ngôi vị có tánh thường như vậy, cố định không thay đổi, vắng lặng tịch tĩnh, không hư vọng.

Bài tụng dùng chữ "Diệc" nghĩa là "Cũng" là để chỉ Thắng Nghĩa còn có nhiều tên tỷ như Pháp Giới, Thật Tánh, Chân Tâm, Chân Như, v.v...

Thắng nghĩa này chính là Thật Tánh Duy Thức. Nói thật tánh là vì Duy Thức có thể hiểu theo hai cách. Thứ nhất là tánh hư vọng tức Biến Kế Sở Chấp. Thứ hai là tánh chân thật tức là tánh Viên Thành Thật cũng là Chân Như, là Thắng Nghĩa. Nói Thật Tánh là muốn nói tới cái tánh chân thật để phân biệt với tánh hư vọng.

Mặt khác Duy Thức cũng có hai tánh. Tánh Tương Đối hay Thế Tục tức là Y Tha Khởi. Tánh Tuyệt Đối hay là Thắng Nghĩa là tánh Viên Thành Thật. Vì muốn nhấn mạnh tánh thắng nghĩa đó mà nói Thật Tánh Duy Thức.

Hãy tư duy bài kệ trong kinh Lăng Già Tâm Ấn:

Ví như nai khát tưởng, Động chuyển tâm mê loạn

Nai tưởng là nước, Mà thật không có nước.

Như thế chủng tử thức, Động chuyển thấy cảnh giới

Người ngu vọng tưởng sanh, Như mắt nhậm bị che

Nơi sanh từ vô thủy, Chấp trước tánh nhiếp thọ.

Như ngược chốt tháo chốt, Xa lìa tham nhiếp thọ

Như huyễn chú máy động, Mây nổi mộng điển chớp.

Quán thế được giải thoát, Hằng đoạn ba tương tục

Nơi kia không người tạo, Ví như nắng trong không

Như thế biết các pháp, Tức là không chỗ biết.

Các kinh luận Phật giáo thường lấy ví dụ như Nai khát tưởng nước, Hoa đốm trong hư không, Người huyễn được chú thuật, Con của thạch nữ, Trăng đáy nước, Hoa trong gương để chỉ những điều không thật có.

Trên đường nắng, nai bị khát, nhìn ánh nắng ở xa tưởng là nước nhưng khi lại gần thì không thấy có nước. Cũng như người đi trong sa mạc quá khát thấy ánh dương diệm tức ánh chiếu của tia nắng mà tưởng là nước.

Có những nhà huyễn thuật dùng chú làm những hình nộm mó máy, cử động được, in tuồng như người thật nhưng thật ra chỉ là giả dối. Con của người đàn bà bằng đá thì không thể có được vì người làm bằng đá thì sao có con được.

Người bị nhặm mắt thấy hư không có hoa đốm hoặc có những vòng tóc chứ sự thật hư không làm gì có sắc tướng. Cũng thế trăng ở dưới đáy nước hay hoa ở trong gương đều là những ảnh phản chiếu của mặt trăng và hoa ở ngoài nên chúng đều như huyễn, không có thật.

Trong bài kệ trên, đức Thế Tôn nói tất cả ba cõi đều như mộng huyễn và không thật tánh. Do vọng mà các chủng tử thức động chuyển thành cảnh giới như mắt nhậm thấy hoa đốm, như nai khát tưởng ánh nắng là nước. Các cảnh giới chỉ là chấp trước nhiếp thọ mà sanh, tức là do biến kế sở chấp mà sanh.

Nếu xa rời được tánh chấp trước nhiếp thọ biến kế sở chấp này thì biết tất cả đều là mộng huyễn, là không tánh. Quán như vậy cũng như biết cách tháo được các mấu chốt của các gút mắc, biết được các pháp như mộng, như người máy của nhà huyễn thuật, như mây nổi, như điển chớp. Do đó chứng được giải thoát, đoạn được ba cái tương tục. Ba tương tục đó là tương tục của sanh tử luân hồi, của nghiệp báo và của thế giới cùng chúng sanh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567