Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương thứ 2

03/05/201313:48(Xem: 11819)
Chương thứ 2

Kinh Lăng Nghiêm Trực Chỉ Đê Cương - Tập 1

Chương thứ 2

Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Nguồn: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

TÂM LÀ CĂN BẢN CỦA BỔ ĐỀ NIẾT BÀN VÀ CŨNG LÀ CĂN BẢN CỦA LUÂN CHUYỂN SANH TỬ

Khi gạn hỏi cái tâm, lần đầu tiên ông A-Nan thưa với Phật: Rằng tâm là sự hiểu biết của ông, là cái sanh ra sự ưa thích và ham muốn ở trong ông. Như khi mắt ông nhìn thấy 32 tướng tốt của Phật và từ đó ông phát tâm xuất gia theo Phật tu hành mong được xuất ly sanh tử…
Nhằm để mở mang cho sự nghị luận, khai thị thâm nghĩa Thủ Lăng Nghiêm, đức Phật bảo:
- A-Nan ! Ông nên biết, hết thảy chúng sanh vô thỉ đến nay sống chết tương tục đều do không biết CHƠN TÂM THƯỜNG TRÚ, THỂ TÁNH TỊNH MINH, hàng ngày chỉ dùng các vọng tưởng; mà vọng tưởng thì không chơn, vì vậy nên mới có luân hồi.
- A-Nan ! Như lời ông nói: Do tâm và con mắt mà có sự ưa muốn, nhưng nếu không biết tâm và con mắt ở đâu thì không thể hàng phục trần lao, ví như ông vua một nước bị giặc xâm lăng phát binh đánh dẹp, thì binh ấy cần phải biết giặc ở chỗ nào mới mong dẹp được. Hiện nay ông còn mắc phải luân hồi là lỗi tại tâm và con mắt của ông. Vậy ông hãy chín chắn tìm xem tâm và con mắt của ông hiện ở chỗ nào ?
*
* *

TRỰC CHỈ

Trước khi chỉ dạy phương pháp tu CHỈ, QUÁN và THIỀN NA, theo lời thưa thỉnh của ông A-Nan, đức Phật gạn hỏi về cái tâm. Gạn hỏi ông A-Nan, được xem như gạn hỏi tất cả những ai có lòng sùng tín đức Phật, học tu theo nền giáo lý Phật. Bởi vì mọi người sùng tín đạo Phật đều tôn trọng cái tâm, mặc dù chưa được hiểu kỹ về nó. Người ta ngưỡng vọng đặt trọn niềm tin ở tâm: Rằng "tội phúc do tâm; vui khổ do tâm" Niết Bàn địa ngục do tâm… Đến như những người chưa biết đạo Phật là gì, người ta vẫn quan niệm: Lương tâm, lương tri là căn bản đạo đức của con người, nó không thể không có trong cuộc sống của xã hội loài người.
Đối với nền giáo lý Phật, tâm là vấn đề then chốt.
Kinh tâm địa quán nói:
"Trong tam giới, tâm là chủ
Người hay quán tâm sẽ có giải thoát
Người không quán tâm chắc chắn trầm luân
Tâm chúng sanh cũng như đại địa
Ngũ cốc ngũ quả từ đại địa sanh
Tứ Thánh lục phàm đều do tâm sanh
Cho nên gọi tâm là "tâm địa"."
Kinh Hoa Nghiêm nói:
"Nếu ai muốn rõ biết
Ba đời mười phương Phật
Nên quán tánh pháp giới
Tất cả do tâm tạo
Tâm như chàng họa sĩ
Vẽ hết thảy ngũ ấm
Tất cả pháp thế gian
Không pháp nào không tạo
Tâm và Phật cũng thế
Phật, chúng sanh cũng vậy
Tâm, Phật và chúng sanh
Tên thì ba mà thể thì một."
Thực vậy, tâm là một vấn đề không đơn giản. Không như cái hiểu thông thường của nhiều người quan niệm. Nếu không phải đệ tử Phật dùi mài trong giáo lý, thiền quán để tư duy thì người ta khó có thể hiểu được thế nào là:
Chân tâm
Vọng tâm
Tích tập tâm
Tập khởi tâm
Duyên lự tâm
Tích tụ tinh yếu tâm
Nhục đoàn tâm
Tâm Vương
Tâm Sở…
Cho nên muốn hiểu đượcv tâm, cần có quá trình học Phật và dụng công tu tập tư duy. Tâm là căn bản của Bồ Đề, Niết Bàn nếu khéo vận dụng sống theo con đường chánh pháp; trái lại tâm là nguồn gốc của luân hồi sanh tử; nếu "đánh mất" hoặc không phát hiện được cái chơn tâm thường trú sẵn có của mình.
Đạo Phật, cũng như nền giáo lý Phật, xem trọng, rất trọng giá trị của tâm trong nghĩa tâm tánh của con người. Muốn sử dụng tốt cái tâm đó cần phải dụng công tu tập giới, định, tuệ để thân chứng. Nói đến sự tu tập phải đúng chánh pháp, không khéo ý những mong vẻ cọp, nhưng kết quả lại là con chó vện khẳng khiu ! Bởi vì người ta rất dễ lầm tâm… Sự thấy nghe hiểu biết, sự ưa muốn, sự ghét thương… Những tác dụng tâm lý đó, nó không rời tâm, nhưng nó không phải chơn tâm, nó là vọng tưởng, là cái bóng dáng còn sót lại của tiền trần, của "ngũ câu ý thức" (là pháp trần vậy).
Người khéo biết tu tập sẽ có được chân tâm thường trú hiện ở cõi đời nầy. Phật chỉ là một người, nhưng có khác với nhiều người ở chỗ: Phật sống bằng chơn tâm thường trú ấy. Thế cho nên biết rằng: Chân tâm thường trú không phải là cái gì xa rời thực tế. Nó là cái dữ kiện căn bản đem lại sự giải thoát giác ngộ cho con người khi người có biết sử dụng đến, phát hiện ra Chơn Tâm Thường Trú Của Mình.
*
* *

ÔNG A-NAN CHO RẰNG TÂM Ở TRONG THÂN

Ông A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn ! Không riêng gì tôi mà tất cả mọi người trên thế gian đều cho cái tâm hiểu biết ở trong thân, còn con mắt thì ở trên mặt.
Phật bảo: A-Nan ! Ông nói rằng tâm hiểu biết ở trong thân là không có lý. A-Nan ! Nay tôi hỏi ông: Phỏng có chúng sanh nào ngồi trong giảng đường nầy mà không thấy không biết Như Lai và đại chúng mà lại thấy biết mọi vật bên ngoài giảng đường không ?
- Bạch Thế Tôn ! Không thể có sự việc như thế được. Nếu ngồi trong giảng đường, trước hết phải thấy biết trong giảng đường, rồi sau nhìn ra cửa mới thấy biết cảnh vật bên ngoài.
- Thật vậy, A-Nan ! Ở trong giảng đường, trước hết phải thấy bên trong, nhìn ra cửa mới thấy biết hoa lá vườn rừng, sự vật bên ngoài. Nhưng theo lời ông nói: Cái tâm hiểu biết ở trong thân thì lẽ ra khi người bị bệnh thổ huyết, cái tâm phải biết gốc bệnh xuất huyết do tỳ, phế hay viêm loét dạ dày. Nầy, A-Nan ! Mọi người trên thế gian không một ai biết được gốc bệnh của mình như vậy.
A-Nan ! Người ngồi trong giảng đường mà không thấy biết Như Lai và đại chúng, lại thấy biết mọi việc bên ngoài đã là vô lý thì cái tâm hiểu biết ở trong thân mà không hiểu biết thương tật của tâm cang tỳ phế thận, lại biết rõ hết trần cảnh bên ngoài, hai sự kiện này đều vô lý như nhau !
Thế cho nên ông nói Tâm Ở Trong Thân là không đúng lý.
*
* *

ÔNG A-NAN CHO RẰNG TÂM Ở NGOÀI THÂN

Ông A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn ! Vừa nghe lời Phật dạy, tôi nghĩ ra rằng: Tâm tôi thiệt ở ngoài thân. Bởi vì tất cả mọi người không ai thấy biết bên trong thân, ví như ngọn đèn để ở ngoài phòng thì chỉ sáng bên ngoài mà không thể sáng bên trong phòng được. Bạch Thế Tôn ! Nghĩa nầy thật quá rõ ràng chắc không còn lầm nữa !
Phật bảo: A-Nan ! Vừa rồi tôi và đại chúng cùng đi khất thực trong thành Thất La Phiệt, nay đã về rừng Kỳ Đà. Vậy ông hãy xem trong các hàng tỳ kheo, khi một người ăn, các người khác có no không ?
- Bạch Thế Tôn ! Không. Dù các tỳ kheo là A La Hớn, nhưng thân thể khác nhau, không thể người nầy ăn mà người khác no được.
- Cũng vậy, A-Nan ! Nếu cái tâm hiểu biết của ông ở ngoài thân thì thân và tâm riêng cách, tất không dính líu gì nhau. Vậy cái gì tâm biết thì thân không thể biết, cái gì thân biết thì tâm không thể biết. Thế mà, này A-Nan ! Khi tôi đưa tay tôi lên cho ông xem, mắt ông vừa thấy thì tâm ông liền biết. Thân tâm biết cùng một lúc với nhau, thì sao lại bảo là tâm ở ngoài thân cho được.
Vậy nên biết rằng: Ông nói tâm hiểu biết ở ngoài thân, hẳn là không phải vậy.
*
* *

ÔNG A-NAN CHO RẰNG TÂM NÚP SAU CON MẮT

Ông A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn ! Như lời Phật dạy: Vì không biết trong, cho nên tâm không phải ở trong thân. Vì thân tâm cùng biết nên không phải tâm ở ngoài thân. Nay tôi suy nghĩ: Cái tâm hiểu biết đã không biết bên trong mà lại nhận biết rõ sự vật bên ngoài, vậy là nó núp sau con mắt, ví như người lấy chén thủy tinh úp vào hai con mắt, con mắt dù có vật úp vào, nhưng không làm ngăn ngại sự thấy. Và vì tâm núp sau con mắt nên khi mắt thấy thì tâm liền phân biệt. Sở dĩ tâm không biết tạng phủ trong thân, vì nó không ở trong thân; nhưng tâm lại nhận biết cảnh vật bên ngoài, vì nó ở trên cái mặt.
Phật bảo: A-Nan ! Ông nên nhớ rằng: Con mắt núp sau chén thủy tinh như lời ông nói, thì khi ông trông thấy núi sông cảnh vật, đồng thời cũng trông thấy chén thủy tinh. Nếu tâm núp sau con mắt, thì khi nhận thấy núi sông cảnh vật lúc đó cũng phải nhận thấy con mắt. Nầy, A-Nan ! Thực tế không phải vậy, khi ông nhận biết núi sông cảnh vật, tâm ông không nhận biết được con mắt của ông.
Do đó, biết rằng: Ông nói cái tâm núp sau con mắt, như con mắt núp sau chén thủy tinh là không hợp lý.
*
* *

ÔNG A-NAN CHO RẰNG NHẮM MẮT THẤY TỐI LÀ TÂM THẤY TRONG THÂN

Ông A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn ! Giờ đây tôi suy nghĩ thế nầy: Thân thể con người trong có ngũ tạng lục phủ, ngoài có thất khiếu cửu huyệt. Tạng phủ có tánh che ngăn nên tối, khiếu huyệt có tánh rỗng không nên sáng. Nay tôi xin thưa với Phật rằng: Nhắm mắt thấy tối, tôi gọi là tâm thấy biết bên trong thân; mở mắt thấy sáng, gọi là tâm thấy biết bên ngoài.
Phật bảo: A-Nan ! Đã gọi là thấy thì cái bị thấy phải "đối" ở trước mắt. Không "đối" trước mắt thì cái nghĩa thấy không còn.
Nếu cái tối đã đối trước mắt mà cứ cho là thấy biết trong thân, vậy khi ở trong một phòng tối, không có ánh sáng, bấy giờ cái gì có ở trong phòng tối ấy đều là tạng phủ của ông cả hay sao ?
Vả lại khi nhắm mắt thấy tối, ông cho là thấy bên trong thân, vậy khi mở mắt thấy sáng, sao ông không thấy cái mặt ?
Đã không thấy mặt thì không thể nói con mắt đối vào trong mà thấy. Còn như thấy được mặt thì cái tâm và con mắt ắt đã lơ lững giữa hư không rồi, còn tương quan gì đến ông nữa ?
Vậy nên biết rằng: Nhắm mắt thấy tối là thấy trong thân, chỉ là một ngụy thuyết không thành lập được.
*
* *

ÔNG A-NAN CHO RẰNG SỰ SUY NGHĨ HỢP VỚI CHỖ NÀO THÌ TÂM LIỀN CÓ Ở CHỖ ĐÓ

Ông A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn ! Tôi thường nghe Phật dạy tứ chúng: Rằng tâm sanh nên các pháp sanh, các pháp sanh nên tâm sanh. Nay tôi suy nghĩ thì sự suy nghĩ đó là tâm của tôi. Nó hợp với chỗ nào, tâm liền có ở chỗ đó, nó không ở trong, ở ngoài hay ở chặng giữa.
Phật bảo: A-Nan ! Ông cho sự suy nghĩ là tâm, sự suy nghĩ hợp chỗ nào, tâm liền ở chỗ đó. Nay tôi hỏi ông: Cái tâm có suy nghĩ hòa hợp sanh ra, vậy nó có tự thể hay không ? Nếu nó không tự thể thì không thể hợp được với cái gì. Cũng như giới thứ 19 và trần thứ 7 thì làm gì có chuyện hợp nhau ? Bảo rằng nó có tự thể, vậy ông thử thí nghiệm: Lấy tay gãi vai, rồi để ý xem cái tâm "biết đã ngứa", nó từ trong thân ông ra hay từ bên ngoài chạy vào ? Nếu từ trong thân ra thì nó phải biết ngũ tạng lục phủ trong thân ông, nếu từ ngoài vào thì trước hết nó phải thấy biết cái mặt.
Vả lại, tự thể ấy là một hay là nhiều ? Nó khắp thân hay chẳng khắp thân ?
Nếu tự thể có một, khi lấy tay gãi một chỗ, lẽ ra khắp mình đều đã ngứa. Nếu biết đã ngứa khắp mình thì lại không còn biết gãi chỗ nào ! Còn như nhiều tự thể thì hóa ra của nhiều người, còn biết tự thể nào là thể của ông ?
Bảo rằng tự thể khắp mình thì không còn biết được chỗ gãi…
Bảo rằng không khắp mình, tại sao khi đầu chạm xà nhà, dưới chân đạp đinh lại cùng một lúc biết đau ?
Do vậy, bảo rằng: Sự suy nghĩ hợp chỗ nào, tâm ở chỗ đó là không có lý.
*
* *

ÔNG A-NAN CHO RẰNG TÂM Ở CHẶNG GIỮA

Ông A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn ! Tôi nhớ lại có lần nghe Phật dạy Bồ Tát Văn Thù về nghĩa thật tướng: Rằng tâm không ở trong cũng không ở ngoài. Nay tôi suy nghĩ: Nếu tâm ở trong thân sao lại không biết bên trong, tâm nếu ở ngoài thân sao thân tâm đồng biết. Tâm không biết bên trong nên không thể nói trong thân. Thân và tâm đồng biết nên không thể nói tâm ở ngoài thân. Do lẽ đó, tôi phát minh rằng: Tâm ở chặng giữa.
Phật bảo: A-Nan ! Ông nói chặng giữa, thật khó mà nêu một chặng giữa nhất định. Giữa thân hay giữa cảnh ? Nếu giữa thân thì đồng như tâm ở trong thân. Bảo rằng: giữa cảnh thì làm sao nêu cái giữa ra được ? Ví như có người lấy một cành cây cắm nêu làm một chỗ giữa, nhưng giữa thế nào được ? Nếu người đứng ở phương Đông thì thấy cây nêu ở phía Tây; đứng ở phương Nam lại thấy cây nêu thuộc về hướng Bắc. Cái giữa đã lẫn lộn như thế, thì cái tâm ở chặng giữa rắc rối bời rời thì làm thế nào nhận biết được sự vật cho chính xác ?
Ông A-Nan thưa: Tôi nói chặng giữa là giữa nhãn căn và sắc trần, nhãn thức sanh ra ở chặng giữa ấy.
Phật bảo: Nếu tâm ông ở giữa nhãn căn và sắc trần, vậy cái tâm giữa ấy có gồm cả hai hay không gồm cả hai ? Nếu gồm cả hai thì vật và tâm xen lộn lẫn nhau, còn biết cái gì là tâm cái gì là vật ? Và đã lộn lạo với nhau thì không có cái giữa. Còn như không gồm cả hai bên thì là một. Đã là một bên thì cái chặng giữa ông định đặt nó vào đâu ?
Vì vậy, biết rằng: Ông nói tâm ở chặng giữa là một điều không hợp lý.
*
* *

ÔNG A-NAN CHO RẰNG TÂM LÀ CÁI KHÔNG DÍNH DÁNG VÀO ĐÂU CẢ

Ông A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn ! Tôi nhớ trước đây có lần Phật chuyển pháp luân cùng bốn đại đệ tử: Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, Phú Lâu Na và Xá Lợi Phất, khi đó Phật dạy: Cái tâm tánh hiểu biết nó không ở trong, không ở ngoài, không có chặng giữa và không chỗ trụ, tất cả không dính dáng.
Bạch Thế Tôn ! Nay tôi lấy cái không dính dáng ấy gọi là tâm có được không ?
Phật bảo: A-Nan ! Ông nói cái tâm hiểu biết của ông không dính dáng, vậy tôi hỏi ông: Biển cả, đất liền, núi rừng, hoa, cỏ… nói chung mọi sự vật hiện tượng trên thế gian mà ông cho là không dính dáng, chúng có hay là không có ? Nếu chúng là không, thì ông khỏi đề cập: Rằng dính dáng hay không dính dáng. Bởi vì có ai dính với chuyện lông rùa sừng thỏ bao giờ ! Nếu đã có cái "không dính dáng" thì không thể nói sự vật hiện tượng là không. Đã không phải không thì có tướng. Đã có tướng thì có dính dáng, làm sao không dính dáng được ?
Vậy nên biết rằng: Ông nói cái không dính dáng là tâm, lại càng không hợp lý.
*
* *

TRỰC CHỈ

Cho rằng tâm ở trong thân, đó là sự hiểu biết thông thường mọi người cùng hiểu giản đơn như vậy. Cho rằng tâm ở ngoài thân là một ý nghĩ táo bạo lạ thường chẳng mất ai đồng tình, còn có thể bị cho là ngờ nghệch ! Cho rằng tâm núp sau con mắt, như con mắt núp sau chén thủy tinh… Rằng tâm bị tạng phủ che thì tối, khiếu huyệt mở thì sáng… thực chất là chủ trương tâm ở trong thân bằng hình thức lý luận khác. Bảo rằng cái suy nghĩ là tâm, thực chất là trở lại chấp: Tâm ở ngoài thân vậy. Rằng tâm ở chặng giữa điều này nói lên sự bí lối, chạy càng !… Bảo rằng: Tâm là cái không dính dáng, càng chứng tỏ lý cùng trí kiệt, chỉ hy vọng chút ánh sáng mơ màng ở cuối đường hầm lý giải.
Ông A Nan được Phật khen là đa văn đệ nhất, vậy mà qua bảy chỗ gạn hỏi cái tâm, lý đã cùng, trí đã kiệt, vẫn chưa xác định được tâm là cái gì và hiện ở đâu. Là đệ tử Phật, ai nghe mà chẳng băn khoăn soát lại tâm mình, ai mà chẳng quạt tim mọc óc.
Thật vậy, thuyền đi thì thấy bờ chạy, mây bay người ta thấy trăng xê dịch, mắt giật nhìn mặt nước thấy rung rinh. Thuyền chưa đậu, mây chưa tan, mắt chưa hết giật mà muốn cho bờ đừng chạy, trăng đừng xê dịch, mặt nước đừng rung rinh, hãy còn không thể được, huống hồ đem cái ý thức sanh diệt vọng tưởng, bóng dáng tiền trần mà suy lường thường trú chơn tâm, thì làm sao hội nhập được ư ?
Ông A Nan luận tâm sai lầm là phải, vì ông chưa tu học Xa ma tha… cho nên nông nổi, vướng vào tà thuật của Ma Đăng Già. Còn Phật tử chúng ta, không chuyên cần học hỏi giáo lý, chẳng dụng ý tinh tấn tư duy mà thích luận đàm, nầy tâm, kia vật, đây vọng, đó chơn của vấn đề vật tâm, thì phỏng có nói… bậy đi nữa, tưởng cũng nên tha thứ, không có gì đáng trách !
Cái kho tàng bí mật ! Thường trú chơn tâm, đức Phật chưa vội mở cửa ở đây, cho nên ông A Nan chưa sao hiểu được, mà phải nhiều lần tha thiết cầu xin Phật chỉ dạy sau nầy. Bởi lẽ, một kiến thức về kỹ thuật khoa học, trong môi trường sinh hoạt vật chất thế gian, muốn hiểu nó phải có quá trình học hỏi, tư duy chuyên môn nghiên cứu. Ở đây ngoài điều kiện văn tư ra, còn đòi hỏi nhiều ở vấn đề thể nghiệm, tu tập, thực hành, trong lãnh vực tu chứng của đạo Phật nữa.
Cái tâm mà ông A Nan thưa trình lên Phật qua bảy chỗ; đó mới chỉ thuộc phạm vi ý thức mà thôi. Đối với bát thức tâm vương, với thường trú chân tâm, còn phải tiến lên những bước khá dài mới có cơ may gặp gỡ !
*
* *

LUÂN HỔI SANH TỬ KHÔNG PHẢI LÀ HIỆN TƯỢNG HỌA GỞI TAI BAY. BỔ ĐỀ NIẾT BÀN KHÔNG PHẢI CẢNH GIỚI SIÊU NHIÊN DO ĐẤNG SIÊU NHÂN NÀO BAN TẶNG

Phật bảo: A Nan ! Rằng tất cả chúng sanh vô thỉ đến nay, điên đảo nhiều cách, giống nghiệp tự nhiên gắn bó với nhau như chùm nho chen chúc trái. Những người tu hành không thành vô thượng Bồ Đề mà lại thành ngoại đạo, chư thiên, ma vương hoặc Thanh Văn, Duyên Giác đều do không biết hai thứ căn bản cho nên tu tập sai lầm, chẳng khác nào nấu cát mong được thành cơm, dù trải qua nhiều kiếp như vi trần, rốt cuộc vẫn không kết quả.
Những gì là hai thứ căn bản ?
Một, là căn bản sanh tử vô thỉ. Như ông hiện nay và tất cả chúng sanh cũng thế, hằng ngày sử dụng cái tâm phan duyên mà lầm cho là tự tánh của chính mình.
Hai, là căn bản Bồ Đề, Niết Bản vô thỉ. Như ông hiện nay, cái tánh thanh tịnh bản minh vốn có, nó nhậm vận tùy duyên, nhưng ông và tất cả chúng sanh lại bỏ sót mất đi, cho nên tuy cả ngày sống ở trong tánh thanh tịnh bản minh mà không hay không biết. Đành oan uổng lặn lội trong lục đạo chuyển luân !
*
* *

LẠI GẠN HỎI CÁI TÂM

Phật bảo: A Nan ! Ông muốn biết đường tu Xa ma tha để ra khỏi sống chết, ông hãy trả lời tôi.
Phật liền đưa cánh tay co năm ngón bảo A Nan rằng: Ông có thấy gì không?
Ông A Nan thưa: Tôi thấy Như Lai đưa cánh tay và co ngón tay lại thành cái nắm tay, nó phản ánh tác động vào tâm và con mắt của tôi. Tôi và đại chúng đều do con mắt mà thấy.
Phật bảo: A Nan ! Ông trả lời với tôi: Rằng: Như Lai co ngón tay làm thành nắm tay, phản ánh tác động vào tâm và con mắt của ông. Con mắt của ông thì thấy việc đó tất nhiên. Còn ông lấy cái gì làm tâm để nhận biết cái nắm tay tôi ?
- Bạch Thế Tôn: Như Lai gạn hỏi tâm tôi, tôi dùng tâm suy nghĩ để trả lời Phật, thì rõ là cái suy nghĩ ấy là tâm tôi vậy.
*
* *

TÂM THÌ PHẢI CÓ THỂ TÁNH, KHÔNG THỂ TÁNH KHÔNG PHẢI LÀ TÂM

Phật bảo: Sai rồi ! A Nan ! Cái suy nghĩ ấy không phải là tâm của ông.
Trong dáng vẻ kinh ngạc, ông A Nan đứng dậy chấp tay thưa:
- Bạch Thế Tôn ! Cái suy nghĩ ấy không phải tâm tôi thì gọi nó là cái gì ?
Phật bảo: Đó là cái tưởng tượng tướng hư vọng của tiền trần. Chính cái đó làm mê lầm chân tánh của ông. Từ vô thỉ đến nay, ông nhận tên giặc ấy làm con, bỏ mất tâm tánh bản lai thường trú, nên phải chịu luân hồi.
Ông A Nan thưa: Tôi là em của Phật, vì tâm yêu thương Phật nên mới xuất gia. Tôi cúng dường chư Phật mười phương, phụng sự thiện tri thức, phát tâm đại dũng mãnh, làm tất cả pháp sự khó làm, đều dùng cái tâm ấy. Giả sử có hủy báng Phật pháp, đoạn diệt thiện căn, bất tin tam bảo cũng đều dùng đến cái tâm ấy. Nay Phật phát minh cái suy nghĩ đó không phải là tâm, thì tôi thành ra không có tâm, như gỗ, như đất. Bởi vì, ngoài cái suy nghĩ nhận biết ấy ra, tôi không còn có gì nữa ! Sao Như Lai lại bảo cái đó không phải là tâm ? Tôi kinh sợ quá ! Và cả đại chúng nầy không ai là không hoang mang dao động ! Xin Phật rủ lòng từ chỉ dạy cho chúng tôi những điều chưa liễu ngộ ?
Bấy giờ Thế Tôn rời sư tử tòa, xoa đầu ông A Nan và bảo:
- Nầy A Nan ! Như Lai thường nói: Các pháp sanh ra duy tâm biến hiện. Tâm là cái thể của tất cả thế giới vi trần, của mọi nguyên nhân và kết quả…
A Nan ! Tất cả hiện tượng có trong thế giới, lớn như biển cả, núi cao, nhỏ như lá cây ngọn cỏ… gạn xét căn nguyên đều có thể tánh. Cả đến hư không cũng còn có tên và dáng mạo; huống chi cái tâm sáng suốt nhiệm mầu thanh tịnh, thể tánh của sự vật mà tự mình không có thể tánh sao ?
Nếu ông quả quyết cho cái tính hay biết, cái suy nghĩ phân biệt là tâm của ông thì cái tâm ấy rời sắc, thanh, hương, vị, xúc ra, nó phải còn tính độc lập riêng của nó tồn tại. Hiện giờ ông đang nghe tôi nói pháp, đó là nhân tiếng mà có phân biệt. Nếu không tiếng thì sự phân biệt của ông không còn. Giả sử diệt hết cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết, chỉ nắm giữ cái u nhàn lặng lẽ bên trong, thì đó cũng là sự phân biệt bóng dáng pháp trần mà thôi.
A Nan ! Chẳng phải tôi bảo ông phủ nhận cái tính tư duy phân biệt ấy không phải là tâm, nhưng ông phải chín chắn suy nghĩ: Rời tiền trần mà vẫn có cái biết, thì đó mới thật là tâm của ông. Còn nếu tính biết rời tiền trần không còn tự thể, thì nó chỉ là sự phân biệt bóng dáng tiền trần. Tiền trần không phải thường còn, khi thay đổi diệt mất đi rồi, thì cái tâm nương tiền trần ấy cũng đồng như lông rùa sừng thỏ. Thế thì pháp thân của ông cũng thành đoạn diệt, còn gì mà tu chứng vô sanh pháp nhẫn !
*
* *

TRỰC CHỈ

Chúng sanh mà gọi là chúng sanh, sự thật họ không phải là chúng sanh, Như Lai gọi chúng sanh vậy thôi. Khi mê thì gọi chúng sanh, hết mê thì mọi người đều là Phật. Mê thì vô minhh hiển, Phật chất ẩn. Giác thì Phật chất hiển vô minh ẩn và tự hóa giải diệt vong.
Căn bản Bồ Đề, Niết Bàn từ vô thỉ chúng sanh nào cũng sẵn có. Thế mà chúng sanh mãi luân hồi trong sanh tử khổ đau. Sự thật, luân hồi sanh tử không phải là hiện tượng họa gởi tai bay mà là do sự vô minh bất giác của con người chiêu cảm lấy, thông qua những bất thiện nghiệp của thân khẩu ý của con người. Bồ Đề, Niết Bàn không phải cảnh giới siêu nhiên do đấng siêu nhân nào ban tặng, mà nó sẽ hiện hữu khi con người phải giũ sạch hành động bất giác vô minh sai trái ấy. Con người hoàn toàn có khả năng cải tạo những tư tưởng hành động của mình. Muốn được vậy phải tu học Thủ Lăng Nghiêm tam muội để tạo điều kiện cho chân tâm thường trú sẵn có hiện ra.
Căn bản Bồ Đề, Niết Bàn cũng như căn bản luân hồi sanh tử, vốn không phải là cảnh giới khổ vui cố định do ai đó tạo ra, để khi sử dụng uy quyền, tùy hứng thưởng cho chúng sanh nào trông thấy dễ thương và phạt những chúng sanh nào nhìn qua mà lòng mình không hạp nhãn.
Nền giáo lý trác tuyệt thượng thừa đã phát hiện:
… "Thật tánh vô minh là Phật tánh
Ảo hóa thân nầy tức pháp thân
Pháp thân nhận rõ không vương chấp
Phật tánh chơn thường lộ bản nguyên
Ngũ uẩn mây thưa chi để dạ
Bọt bèo tam độc bận lòng chi…"
(Vô minh thật tánh tức Phật tánh
Ảo hóa không thân tức pháp thân
Pháp thân giác liễu vô nhất vật
Bản nguyên tự tánh thiên chơn Phật
Ngũ uẩn phù hư không khứ lai
Tam độc Thủy bào hư xuất một…)

HUYỀN GIÁC THIỀN SƯ

.Thông thường người ta quan niệm: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, năm cơ quan vật chất ấy hợp lại thành một con người. Con người vật chất ấy được gọi là thân. Còn cái tác dụng tư duy phân biệt, không rờ mó nắm bắt được, người ta gọi nó là tâm, cũng có trường hợp gọi là ý thức. Ông A Nan đại diện cho Phật tử chúng ta, đóng vai trò một người có quan niệm nhận thức thông thường đó, để cùng Phật luận bàn tìm hiểu cái tâm. Nhưng sự tranh luận giữa Phật và ông A Nan ở đây, không phải nhằm để xác định các dạng nhận thức tư duy ấy là tâm hay là ý thức. Bởi vì tâm hay ý thức, với giáo lý đạo Phật, không có gì cần phải tranh luận. Mỗi khi thuyết pháp Phật đề cập vấn đề tâm, ý, bàn bạc ở các kinh là một việc thông thường. Đức Phật há chẳng răn dạy đệ tử mình hãy đề cao cảnh giác, Tâm viên ý mã, đó sao ?
Vấn đề Phật muốn dạy ông A Nan và Phật tử chúng ta là: Hãy phát hiện chơn tâm thường trú sẵn có của mình. Nó là căn bản Bồ Đề Niết Bàn đó. Không phát hiện được chân tâm thường trú, dù có lý luận: Rằng nó là cái nầy, nó là cái kia, nó ở trong thân, nó ở ngoài thân hoặc ở chặng giữa… đều không đem lại lợi ích gì. Giả sử có nói đúng thực đi nữa, cái đó cũng vẫn là căn nguyên của tai họa, là động cơ của mọi phiền não: Tham, sân, si, mạn… cái hiện tượng tư duy mà ta gọi là tâm hay ý ấy vốn là vọng tưởng. Mà vọng tưởng thì không chơn. Nó là vang bóng của tiền trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Rời tiền trần, cái gọi là tâm hay ý thức ấy sẽ tan biến mất theo. Cho nên trọng tâm tranh luận giữa Phật và ông A Nan không phải ở chỗ tìm kiếm cái tâm qua hình dáng: lớn, nhỏ, rộng, hẹp, dài, ngắn, vuông, tròn… cũng không phải cần thấy cái tâm qua màu sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, lục hay sô-cô-la… mà tranh luận để phát hiện cái trong sáng, cái thanh tịnh, cái giải thoát an lành, cái giác ngộ bất động, cái tự tại như như vốn có ở trong mọi con người. Những cái đó, dù con người đang bị phiền não vô minh che phủ, mà bản chất tiềm tàng cố hữu của nó ở trong tâm thể mọi người thì vô thỉ vô chung không lúc nào gián đoạn.
Do vậy, Phật nói rõ với ông A Nan rằng: Không phải tôi bảo ông phủ nhận cái tánh thấy nghe nhận thức không phải là tâm; nhưng ông hãy chín chắn nghĩ suy, làm thế nào rời cái vọng tưởng đến đi, ông phải còn một cái: cái không vọng tưởng đến đi. Cái đó nó ở luôn với ông, nó ở trong ông, nó thật là của ông đấy. Còn muốn gọi nó là tâm hay là ý thức, không quan trọng, việc đó tùy người và hồi sau sẽ còn phân giải…
*
* *

CÁI TÁNH THẤY CỦA MẮT CHỈ LÀ HIỆN TƯỢNG

Ông A Nan và đại chúng chưa nhận rõ thế nào là chơn tâm thường trú, lòng còn bối rối ngẩn ngơ.
Phật bảo: A Nan ! Trong thế gian những người tu học tuy đã được chín thứ thiền định, nhưng không diệt hết được mê lầm chỉ thành A La Hớn đều do lầm chấp cái vọng tưởng tử sanh là chơn thật. Thế nên, ông nay tuy học rộng nghe nhiều mà không thành chánh quả.
Ông A Nan khóc lóc bạch Phật: Từ khi tôi phát tâm theo Phật xuất gia, thường ỷ lại lòng thương của Phật, tự nghĩ rằng rồi đây Như Lai sẽ ban cho tam muội, chia sớt đạo quả cho. Giờ đây mới biết: Thân tâm không ai có thể thay thế cho ai. Từ lâu tôi đã bỏ mất bản tâm của tôi rồi. Thân tuy xuất gia mà tâm chưa vào đạo. Như đứa con hoang cùng khổ, bỏ cha bỏ nhà ra đi. Ngày nay mới biết, tuy được nghe Phật pháp nhiều mà không tu hành, thì chẳng khác gì người không nghe, như nói ăn mà không ăn rốt cuộc không thể nào no được.
Kính Bạch Thế Tôn ! Chúng tôi hiện nay còn bị hai chướng buộc ràng, do vì không biết tâm tánh vắng lặng thường nhiên, xin Như Lai thương xót kẻ nghèo cùng rách rưới, phát minh cho cái tâm nhiệm mầu, sáng suốt và khai mở con mắt đạo cho chúng tôi !
Bấy giờ đức Như Lai từ tướng cát tường hải vân trước ngực phóng ra ánh sáng rực rỡ soi khắp thế giới chư Phật mười phương và chiếu khắp đảnh các Như Lai trong hằng sa cõi nước, rồi xoay về chiếu đến đảnh ông A Nan và đại chúng.
Phật bảo: A Nan ! Trước ông trả lời: rằng ông thấy cái nắm tay của tôi, vậy cái nắm tay do đâu mà có ? Và ông lấy cái gì để thấy ?
Bạch Thế Tôn ! Cái nắm tay có là do bàn tay Phật co các ngón tay lại. Tôi thấy nắm tay của Phật là do con mắt của tôi.
Phật bảo: Nếu không có bàn tay thì không có nắm tay. Nếu không có con mắt (mắt bị ��ui) thì không có cái thấy. Hai sự việc đó có giống nhau chăng ?
Bạch Thế Tôn ! Đúng vậy. Nếu không có bàn tay thì không có nắm tay; nếu không có con mắt thì không có cái thấy.
Phật bảo A Nan ! Ông nói như vậy là không đúng. Không có bàn tay thì tuyệt nhiên không có nắm tay, chứ không có con mắt (đui) không phải hoàn toàn không thấy. Ông thử hỏi những người đui xem họ có thấy gì không ? Chắc hẳn họ sẽ trả lời với ông: Rằng họ thấy tối đen trước mắt. Lấy nghĩa đó mà suy nghĩ tiền trần tự tối, chứ cái tánh thấy nào có hao kém gì ?
Bạch Thế Tôn ! Những người đui trước mắt chỉ thấy tối đen, sao gọi rằng thấy ?
Phật bảo: Dù thấy tối đen cũng vẫn là thấy còn thấy sáng hay thấy tối là do tiền trần sáng tối, tánh thấy vẫn y nhiên. Nếu vì tối mà cho là không thấy, vậy thì khi người ta ngồi trong nhà tối không thấy gì hết, chỉ thấy trước mắt tối đen, bỗng nhiên được đèn sáng thấy rõ các vật, chẳng lẽ ông bảo đó là cái đèn thấy hay sao ? Vậy nên suy biết: đèn làm tỏ rõ các vật, nhưng thấy như vậy là mắt chứ không phải đèn. Mắt làm tỏ các sắc, nhưng thấy là tâm, chứ không phải là mắt.
*
* *

TRỰC CHỈ

Ai ăn nấy no, ai ngủ nấy khỏe, thì sự tu hành, ai tu nấy chứng, không ai tu thế giúp đỡ cho ai được. Có giúp đỡ chăng chỉ làm tăng thượng duyên, mà nhân duyên phải là tự lực của chính mình. Đó là sự thật hiển nhiên, người trí không ai có thể phủ nhận. Vì đó là chân lý. Chân lý đó, nói lên cái chân lý Nhân quả của thế gian và xuất thế gian. Nó bao trùm xuyên suốt hết nền giáo lý Phật. Ông A Nan nói lên lần nầy là lần thứ hai, sau khi ông thoát nạn trở về: Rằng sự tu hành không thể ỷ lại tha nhân, dù tha nhân đó là Như Lai Thế Tôn Vô thượng. Càng không thể có sự ân sủng, ban cho hay tặng thưởng trong tiến trình tiến lên đạo quả giải thoát giác ngộ. Nếu ai đó làm cái việc tặng thưởng, ban cho là tự trái với chân lý, mâu thuẫn với quy luật nhân quả khách quan của vũ trụ vạn hữu, người trí không tin có việc đó xảy ra.
Học Phật cốt ở thực hành. Học không hành chẳng khác nào nói ăn mà không ăn, thì không thể no được.
Ánh sáng là biểu trưng cho trí tuệ. Ánh sáng soi khắp hằng sa cõi nước Phật và chiếu khắp đảnh chư Như Lai trong cõi nước mười phương; sau đó, xoay về chiếu lên đảnh ông A Nan và đại chúng. Sự kiện nầy, nói lên ý nghĩa: Dùng trí huệ giác mà nhìn vũ trụ vạn hữu, thì vũ trụ vạn hữu trở thành thế giới đại đồng, thành nhất chân pháp giới. Trí tuệ giác xóa bỏ hết ranh giới, cõi nước đất đai ngăn cách bởi ý thức hệ vô minh: Tham, sân, si, mạn… Phật và hằng hà sa chư Phật trong mười phương, cùng chung thọ dụng một ánh sáng báu rực rỡ, lung linh màu sắc, trong đó có ông A Nan và đại chúng cũng có phần thụ hưởng của phần mình, trong bầu thế giới đại đồng, nhất chân huy hoàng ấy. Qua bài học thậm thâm đó, Phật tử chúng ta hãy tự cảnh tỉnh lòng mình:
Thân tại hải trung hưu mích thủy
Nhật hành lảnh thượng mạc tầm sơn…
Ánh sáng mặt trời lúc nào cũng có, chỉ vì mù trong bụng mẹ nên không thưởng thức được cảnh trúc biếc, mai vàng, thông xanh, mây bạc, thường xuyên phô diễn dưới ánh sáng của gầm trời.
Vấn đề nắm tay và cái thấy; cái thấy là mắt hay là tâm, làm cho người đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm, không thể không phân vân, kiểm tra lập trường nhận tức của mình. Ông A Nan mệnh danh là con người đa văn đệ nhất, thế mà còn lúng túng chưa ngã ngũ được bằng nhận thức của mình huống hồ Phật tử chúng ta chẳng mấy tí đa văn, giải quyết sự kiện ấy còn khó khăn vạn bội. Phật tử đừng xem thường vấn đề thấy, nghe, ngửi, nếm… và vấn đề tâm vật trong đời sống hằng ngày.
Bảo rằng con mắt thấy thì sai lầm, vì thiển cận. Bảo rằng không phải con mắt thấy, càng ngớ ngẩn ngô nghê. Bảo rằng tâm thấy, thì đó là phương tiện của Như Lai chứ chưa hẳn vậy. Bởi vì: "Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khẳ đắc, vị lai tâm bất khả đắc". Vậy thì tâm thấy là cái tâm nào ?
Nói rằng tâm thấy, là ý Phật muốn dạy cho ông A Nan biết về "ngũ câu ý thức" về hiện tượng, tỷ lượng và phi lượng của bát thức tâm vương, nói theo thuật ngữ của duy thức học. Tiền ngũ thức, nhãn thức là một, tiếp xúc với ngũ trần, chỉ thông qua hiện lượng. Hiện lượng là sự lượng biết còn trong đệ nhất sát na nghĩa là chưa qua tư duy phân biệt. Sự tiếp thu tiền cảnh của tiền ngũ thức, giống như sự tiếp thu hình ảnh và âm thanh của chiếc máy quay phim màu. Hình ảnh, màu sắc và âm thanh có đủ, nhưng cuồn phim, chiếc máy, thì bình đẳng tiếp thu không mảy may phân biệt. Vậy mà ông A Nan cho rằng mắt thấy thì làm sao không bị Phật quở rầy ! Mắt, chỉ tiếp thu làm tỏ rõ các vật sắc, mà thấy biết là phải có ý thức tâm vương cộng vào.
Nghĩa là: Nhãn thức cộng với ý thức tâm vương thành nhãn câu ý thức. Đử ngần ấy điều kiện mới thành cái thấy biết của mắt. Vì vậy Như lai nói: Mắt không phải thấy mà thấy là do tâm. Tâm ở đây, chỉ cho tâm vương ý thức vậy.
Do đó, ta thấy rõ: Cái thấy của mắt, chỉ là hiện lượng thôi, cho nên chưa đầy đủ yếu tố để gọi là mắt thấy. Vì vậy:
Nói mắt thấy đã sai
Nói không phải mắt thấy càng sai
Nói tâm thấy, chỉ là Như Lai phương tiện !
Mà phải nói: cái thấy của mắt chỉ là hiện lượng !
*
* *

GẠN HỎI NGHĨA KHÁCH TRẦN NHẰM CHỈ RÕ HIỆN TƯỢNG VỌNG TƯỞNG DIỆT SANH.
VÍ DỤ CHỦ VÀ HƯ KHÔNG ĐỂ KHAI THỊ BẢN THỂ CHƠN TÂM THƯỜNG TRÚ

Bấy giờ đức Thế Tôn giơ cánh tay mềm mại lên, bảo ông A Nan và đại chúng: Sau khi thành đạo, lần đầu tiên ở Lộc Giả Uyển, tôi có dạy cho nhóm ông A Nhã Kiều Trần Như rằng tất cả chúng sanh không thành Vô thượng Bồ Đề và A La Hớn, do vì phiền não khách trần làm mê hoặc. Thuở đó, bọn ông do đâu mà tỏ ngộ, hiện nay được thành chánh quả ?
Ông Kiều Trần Như đứng dậy thưa: Bạch Thế Tôn ! Nay tôi đã già ở trong đại chúng, tôi được cái tên Giải, là do thuở đó tôi tỏ ngộ được ý nghĩa hai chữ khách trần. Khách là người đi đường, khi cần, họ vào quán trọ thuê phòng hoặc ở, hoặc ngủ, hoặc ăn. Ăn ngủ xong xếp hành lý lên đường, không ở luôn được, còn người chủ thì ở vĩnh viễn không phải đi đâu nữa. Từ suy nghĩ đó, tôi hiểu ra rằng: Khách có đến, đi; còn chủ thì ở luôn không đi đâu hết.
Về nghĩa chữ trần, thì vào lúc mặt trời mới lên, ánh sáng xuyên vào các kẽ hở, lỗ thủng của mái nhà, nhìn theo làn ánh sáng trong khoảng hư không yên lặng ấy, tôi thấy vô số bụi trần li ti loạn động, cuồn cuộn tuôn bay. Do đó tôi nhận ra được nghĩa chữ trần: Trần thì lay động, còn hư không thì yên lặng tuyệt nhiên !
Phật bảo: Đúng vậy.
Đoạn, Phật đưa tay lên, co năm ngón tay lại rồi mở ra và hỏi:
- A Nan ! Ông thấy gì ?
- Tôi thấy bàn tay Phật, nắm lại rồi mở ra. A Nan đáp.
- Ông thấy tay tôi có nắm có mở hay cái thấy của ông có nắm có mở ?
- Thưa ! Tay Phật có nắm có mở, chứ cái thấy của tôi làm sao có nắm mở được !
- Cái gì động ? Cái gì tĩnh ? Phật hỏi.
- Thưa ! Bàn tay của Phật không yên, chứ cái thấy của tôi còn không có tĩnh thì làm chi có động !
Phật bảo: đúng vậy.
Bấy giờ Phật dùng tay phát ra một luồng ánh sáng, chiếu qua phía bên phải của ông A Nan. Ông A Nan quay nhìn qua bên phải. Phật lại phát qua phía trái, ông A Nan quay đầu nhìn qua phía trái.
Phật bảo: A Nan ! Hôm nay vì sao đầu ông động lay qua lại như thế ?
- Bạch Thế Tôn ! Tôi vì thấy hào quang của Phật phóng ra bên phải và bên trái của tôi. Đầu tôi lay động bởi ngó theo hào quang của Phật.
- Đầu ông lay động quay bên phải bên trái. Vậy cái đầu ông động mà cái thấy của ông có động chăng ?
- Bạch Thế Tôn ! Đầu tôi tự lay động, chứ cái thấy còn không biết nó ở chỗ nào, thì lấy gì mà lay động !
Phật bảo: Đúng vậy.
Bấy giờ, Phật bảo ông A Nan và đại chúng: Rằng mọi người ai cũng có thể nhận biết: Không ở luôn là khách, chủ thì vĩnh viễn không đi đâu. Bụi trần thì lay động còn hư không yên lặng tuyệt nhiên. Có nắm có mở là tay, cái thấy thì không có nắm mở. Quay qua quay lại là đầu, tánh thấy thì không hề xoay chuyển.
Vậy mà, các ông hiện nay lấy cái động làm thân, cái động làm tâm, lấy cái động làm cảnh, bỏ mất đi tâm tánh chơn thường, bất động, yên lặng nó thường ở luôn với mình. Hằng ngày làm những việc trái ngược, nhận vật làm thân, nhận vọng tưởng làm tâm, xoay vần trong đó, tự nhận lấy sự trôi lăn trong sáu nẻo !
*
* *

TRỰC CHỈ

Đọc đến đoạn kinh nầy, người đệ tử Phật có tư duy tu tập, thiền định ít nhiều, có thể bừng tỉnh ngộ: Rằng thường trú chơn tâm không phải ở đâu xa xôi cách trở, cần phải tìm kiếm hay cầu khẩn van xin mới có. Tìm thường trú chơn tâm cũng không cần ở ngay chánh điện của ngôi chùa đồ sộ nguy nga có tượng Phật to, có đại hồng chung lớn. Tìm chơn tâm thường trú cũng không cần đóng cửa trong một vuông phòng kín và ngồi thờ thẩn với đôi mắt lim dim. Thường trú chơn tâm muốn tìm nó chỉ cần có chất liệu thiền tư. Thiền tư hay thiền định với nghĩa tư duy quán chiếu. Người đệ tử nào muốn đi trên đường Bồ Đề, Niết Bàn chỉ cần tu tập tư duy quán chiếu thân tâm, cảnh giới quanh cuộc sống hằng ngày của bản thân mình. Đức Phật đã dạy quá rõ ràng. Rằng cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc, cái biết, nói chung là những tác dụng nhận thức của sáu giác quan, Phật bảo chúng không phải chơn tâm, nhưng chúng cũng không rời ngoài chơn tâm mà có. Biết sử dụng, trong vọng tâm ta tìm thấy chơn tâm thường trú. Không biết sử dụng chỉ có toàn vọng tưởng, bóng dáng của tiền trần; cũng như nước thanh bình thạnh trị thì mọi người công dân trong nước là tôi hiền con thảo. Khi thượng bất chánh thì… cũng những công dân ấy trở thành tôi loàn con giặc. Tiền trần luôn luôn thay đổi lúc có lúc không, thì sự hồi tưởng lại cái tướng của tiền trần cũng lúc sanh lúc diệt. Vì vậy, Phật gọi sự hồi tưởng bóng dáng tiền trần vào trong ký ức phân biệt chỉ là vọng tâm, là những phiền não khách trần. Vì là khách cho nên không ở được luôn. Vì là trần nên không có phút giây yên lặng. Phật dạy cho người đệ tử phương pháp tu học để sống với sự an lành, yên lặng, như hư không và quay về với vai trò người chủ, không đi đâu nữa. Vì ngoài người khách đến đi, còn có chủ không đi, ở lại. Trong sự loạn động cuồn cuộn tuôn bay của trần, còn có hư không yên lặng không hề lay chuyển. Trước sự nắm mở duỗi co qua nắm tay của Phật, còn có cái không duỗi co nắm mở đó là cái thấy của ông A Nan. Thế thì, sự nhận thức của sáu giác quan, luôn luôn thay đổi từng sát na, từng phút từng giờ, nhưng ngoài sự thay đổi luôn luôn ấy, con người còn một cái. Cái đó là gì ?… Là chơn tâm thường trú.
Theo lời Phật dạy thì chân tâm thường trú có thể biểu hiện ở mọi con người, khi trí tuệ con người có khả năng nhận thức được vọng tâm. Nhận được vọng tâm cũng nhận thức được gì là vô minh phiền não khách trần để rồi hóa giải chúng đến độ hoàn toàn sạch bóng.
Sự bác bỏ của Phật đối với ông A Nan về vấn đề tâm thấy hay mắt thấy, sự thật chẳng có gì quan trọng giữa hai thầy trò. Nhằm mục đích giáo dục chúng sanh, Phật bày ra cuộc vấn đáp cho lý cùng trí tận vậy thôi. Giải quyết vấn đề đó, khó khăn gì đối với người đệ tử tinh tấn, đa văn như ông A Nan ấy !
Cái gì thấy ? Mắt có thấy được không ? Thấy cách nào ? Cần bao nhiêu điều kiện để thấy ? Sao gọi là tâm thấy ? Tâm thấy cách sao ? Tâm ở đâu ?… Bao nhiêu câu hỏi đó, ông A Nan đem pháp tướng học ra giải quyết, dễ như người ta thò tay vô túi mà lấy… tiền tiêu, chẳng có gì khó khăn cả.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]