Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương V: Phát nguyện vãng sanh Cực lạc

26/04/201317:41(Xem: 10362)
Chương V: Phát nguyện vãng sanh Cực lạc

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HẢI NGOẠI TẠI HOA KỲ
VĂN PHÒNG I I VIỆN HÓA ĐẠO

TỔNG VỤ HOẰNG PHÁP
PHÚ LÂU NA TÙNG THƯ 63

NHÀ XUẤT BẢN PHÚ LÂU NA

Tái bản tại Hoa Kỳ – Phật lịch 2546-2002

PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

H.T THÍCH TRÍ THỦ

Biên tập

Chương V 

PHÁT NGUYỆN
VÃNG SANH CỰC LẠC

Tiết Thứ 1

Tánh Cách Trọng Yếu của Sự Phát Nguyện

Trong một chương trước đã nói sự quan trọng của lòng tin, nay xin giải rõ tính cách trọng yếu của sự phát nguyện.
Ngài Ngẫu Ích Đại Sư nói: “Được vãng sanh hay không là do Tín Nguyện có hay không; còn phẩm vị vãng sanh cao hay thấp là tùy việc trì danh sâu hay cạn”.
Ở đây, chưa bàn đến phẩm vị cao thấp sau khi vãng sanh. Vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết là có được vãng sanh hay không đã. Vì vậy, chưa bàn đến vấn đề hành trì sâu hay cạn, mà chỉ nên bàn đến tín, nguyện có hay không thôi.
Tín, Nguyện, Hạnh là ba tư lương sanh về Tịnh độ. Nếu tư lương không đủ, quyết không được vãng sanh. Vì thế, sự phát nguyện chiếm một địa vị tối quan trọng trong pháp môn tu Tịnh độ.
Đức Phật A Di Đà ngày xưa phát 48 lời nguyện làm duyên khởi tạo thành thế giới Cực lạc. Từ đó về sau, chúng sanh trong mười phương đều lấy sự phát nguyện vãng sanh làm căn cứ tu hành của tông Tịnh độ. Một đàng, Phật nguyện tiếp dẫn, một đàng chúng sanh nguyện vãng sanh, hai nguyện gặp nhau, hai lực lượng tự, tha, hỗ trợ nhau mới đủ sức kết thành quả vãng sanh. Vì thế, người tu tịnh nghiệp quyết phải phát nguyện dõng mãnh.
Trong 48 lời đại nguyện của đức A Di Đà. Lời đại nguyện thứ 19 nói một cách rõ ràng rằng nếu có người chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước Ngài, lúc lâm chung nhất định Ngài sẽ đến tiếp dẫn. Cho nên, hễ có phát nguyện là quyết định phải được vãng sanh.
Lại nữa trong kinh “Phật thuyết A Di Đà” đức Phật Thích Ca bảo Ngài Xá Lợi Phất “Nếu có người đã phát nguyện, đương phát nguyện, sắp phát nguyện, nguyện sanh về thế giới đức Phật A Di Đà, các người ấy tất đã sanh, hoặc đương sanh hoặc sắp sanh tại thế giới kia, và hết thảy đều được quả bất thoái chuyển vô thượng Chánh đẳng Chánh giác” . Đoạn trích dẫn đây cũng thuyết minh rằng hễ có phát nguyện tức có vãng sanh vậy.
Lại nữa, trong kinh Hoa Nghiêm cũng từng dạy rằng: “Người ấy khi gần lâm chung, trong sát na tối hậu, tất cả các căn thảy đều bại hoại, tất cả thân thuộc đều xa rời, tất cả uy thế đều tan rã…chỉ còn nguyện vương là hằng cùng theo dõi, hướng dẫn trước mắt; trong một khoảnh khắc, liền được vãng sanh thế giới Cực lạc”. Căn cứ vào các kinh văn trích dẫn trên đây, ta thấy công dụng của phát nguyện là như thế nào rồi vậy.

Bây giờ, trên thực tế, đây là câu chuyện mà thầy Bạch Sa ở Qui nhơn đã kể cho tôi nghe: Bà Thái Xương, vợ một Hoa kiều buôn bán ở Qui Nhơn, là một đàn việt chùa Bạch Sa và đã giúp thầy ấy kiến tạo ngôi chùa Bạch Sa hiện nay. Bà chuyên tu pháp môn niệm Phật và chỉ phát nguyện khi thọ chung được gặp ngày vía đức A Di Đà “tức ngày 17 tháng 11 âm lịch) và được biết trước giờ thọ chung ấy. Năm bà mất, đã 80 tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Đầu tháng 11 năm ấy, bà đến xin thầy Bạch Sa tụng cho một bộ kinh Thủy Sám và một bộ kinh Pháp Hoa để kịp đến ngày 17 tháng ấy bà về chầu Phật. Thầy Bạch Sa lấy làm kinh ngạc vô cùng, nhưng vì bà là bổn đạo thuần thành đã lâu năm nên thầy cũng phải chìu theo. Đến ngày 17, bà con và đạo hữu mà cái tin ấy đã làm cho họ kinh ngạc, tụ tập đến nhà bà rất đông để thỏa mãn tánh hiếu kỳ. Suốt buổi sáng hôm ấy, bà vẫn khỏe mạnh và bình tỉnh như thường ngày, khiến thầy Bạch Sa trong thâm tâm rất e sợ, không khéo phen nầy làm trò cười cho thiên hạ. Bỗng đâu đến khoảng quá 10 giờ sáng, bà bảo người giúp việc in một in cơm đem lên nhờ thầy cúng Phật rồi đem xuống cho bà, bà chắn in cơm làm hai phần, tự mình ăn một nửa, còn một nửa bảo người giúp việc ăn mà từ tạ rằng: “Gọi là đền đáp công ơn bà giúp đõ tôi trong mười mấy năm trường, nay đến ngày vĩnh biệt, xin biếu bà ăn nửa phần cơm nầy để sau nhờ Phật tiếp dẫn về Tây phương”. Nói xong, rửa mặt, súc miệng và thay áo quần thì đúng 12 giờ trưa. Bà chào tất cả mọi người, ngồi xếp bàn, hai tay chấp trước ngực mà hóa một cách vui vẻ trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người trong nhà. Năm ấy ở Qui Nhơn, thiên hạ xôn xao bàn tán rất nhiều về cái chết của bà Thái Xương, tiếng bà thành Phật lan ra khắp các tỉnh.

Xem đó đủ biết sự vãng sanh Cực lạc là một điều tối cần thiết cho người tu theo pháp môn Tịnh độ. Phát nguyện là một nhu kiện không thể không có, ta không nên sơ suất để phải mất công hiệu và lợi ích rất lớn về sau.

Từ xưa nay, người tu theo pháp môn Tịnh độ đã làm ra rất nhiều bài vãng sanh Cực lạc. Mỗi bài đều có một ý nghĩa hoặc sâu hoặc cạn nhưng mục đích chung vẫn là:

Nguyện khi thân mạng gần chung, biết trước giờ chết mà thân tâm vẫn được an vui, được thấy Phật và Bồ Tát đến tiếp dẫn”.

Trong các bài phát nguyện, nổi tiếng nhất là bài “Khể thủ Tây phương” của Ngài Liên Trì Đại Sư, bài “Nhất tâm quy mạng” của Ngài Từ Vân Sám chủ, bài “Thập phương tam thế Phật” của Ngài Đại Từ Bồ Tát. Bài nào bài nấy, lời văn rấy hay, ý nghĩa rất đầy đủ và hàm súc. Trong quốc văn ta thì có bài “Đệ tử chúng con từ vô thủy” và bài “Đệ tử kính lạy”. Sau một thời kinh và trì niệm danh hiệu Phật, ta nên vận hết thành tâm đọc một trong những bài ấy, hoặc đọc tiếp hai ba lần cũng được. Đọc như thế tức là mượn lời văn để tự mình phát lời ngyện vậy. Lúc lâm chung, nhất định sẽ được nhờ Phật tiếp dẫn vãng sanh thế giới Cực lạc.

Nếu không muốn lắp theo khuôn có sẵn, ta có thể tự mình viết lấy bài phát nguyện riêng cho thích hợp cũng được. Đại cương lời phát nguyện không ngoài việc cầu vãng sanh, cầu Phật tiếp dẫn, cầu chứng quả, để trở lui tam giới cứu độ chúng sanh đồng sanh Lạc quốc. Còn nếu muốn thêm những chi tiết nào thâm thiết khác, ấy là tùy hoàn cảnh và sở nguyện riêng từng người. 

Trong văn phát nguyện bao giờ cũng có câu cầu Phật và chúng Bồ tát đến tiếp dẫn là vì lẽ gì? Xin thưa:

Người Tịnh độ, nếu công phu chưa được thuần thục, thường hay bị hãm vào trong những trạng thái sau đây, nên khi lâm chung không niệm được, hoặc lắm khi cũng không kịp mời người khác hộ niệm giùm. Các trạng thái ấy có thể là: hoặc vì bệnh khổ bức bách nên sinh hôn mê, hoặc bị bà con thương tiếc khó bề xả bỏ nên sinh si luyến, hoặc vì sự nghiệp của tiền khó dứt lòng tham đắm nên sinh bi ai, hoặc vì thù hận đầy dẫy khó giải nỗi lòng nên sinh sân hận v.v... Đó là chưa kể các trường hợp hoạnh tử, miệng chưa kịp niệm đã vong.

Nếu lúc gần lâm chung mà không được Phật hiện đến tiếp dẫn thì không những không được vãng sanh, lại còn vì các sự đau khổ tham sân luyến tiếc mà bị đọa lạc ba đường dữ nữa là khác. Vì các lý do ấy nên trong văn phát nguyện, bao giờ cũng cầu Phật đến trướcc để tiếp dẫn mới là chu toàn. Sự phát nguyện hằng ngày có thể ở tại chùa vào bất luận giờ nào cũng được, miễn là sau khi lễ Phật xong thì quỳ ngay trước điện Phật mà đọc lời phát nguyện. Nếu ở nhà có bàn thờ Phật thì hằng ngày nên đốt hương lạy Phật rồi phát nguyện. Hoặc giả nếu không hiện thờ Phật thì viết câu: “Nam mô Thập phương Tam thế Phật Bồ tát” dán lên trên vách, hằng đêm trước khi đi ngủ, đối mặt vào vách mà đốt hương phát nguyện. Gặp khi đi đường, chưa kịp trở về thì nên xây mặt về hướng Tây chấp tay niệm năm, mười hiệu Phật, rồi lâm râm đọc lời phát nguyện. Ta lại có thể phát nguyện mỗi khi làm được một việc thiện nào, bất luận lớn nhỏ v.v…

Trong nghi lễ phát nguyện, đều tuyệt đối cấm hẳn là không được đối trước đền tháp thờ thần thánh ma quỷ mà phát nguyện.

Tiết Thứ 2

Giới Thiệu Vài Bài Phát Nguyện Của Người Xưa Và Nghi Thức Phát Nguyện

a)Nội Dung Phát Nguyện

Bài của Ngài Từ Vân Sám Chủ:

Nguyên Văn:

Nhất tâm quy mạng!

Cực lạc Thế giới

A Di Đà Phật.

Nguyện dĩ tịnh quang chiếu ngã

Từ thệ nhiếp ngã

Ngã kim chánh niệm

Xưng Như Lai danh

Vị Bồ Đề đạo

Cầu sanh Tịnh Độ

Phật tích bổn thệ:

“Nhược hữu chúng sanh,

Dục sanh ngã quốc,

Chí tâm tín nhạo,

Nãi chí thập niệm,

Nhược sanh bất giả,

Bất thủ Chánh giác”.

Dĩ thử niệm Phật nhân duyên

Đắc Nhập Như Lai

Đệ thệ hải trung

Thừa Phật từ lực

Chúng tội tiêu diệt.

Thiện căn tăng trưởng

Nhược lâm dục mạng chung

Dự tri thời chí

Thân vô bệnh khổ

Tâm bất tham luyến

Ý bất điên đảo

Như nhập thiền định

Phật cập Thánh chúng

Thủ chấp kim đài

Lai nghinh tiếp ngã

Ư nhất niệm khoảnh

Sanh Cực lạc quốc

Hoa khai kiến Phật

Tức văn Phật thừa

Đốn khai Phật huệ

Quảng độ chúng sanh

Mãn Bồ đề nguyện.

Dịch:

Một lòng quy kính

Phật A Di Đà

Thế giới Cực lạc

Nguyện lấy tịnh quang chiếu con

Từ thệ nhiếp con

Con nay chánh niệm

Xưng hiệu Như Lai

Vì đạo Bồ đề

Cầu sanh Tịnh Độ

Phật xưa có thề:

“Nếu có chúng sanh,

Muốn sanh nước ta,

Hết lòng tín niệm,

Mà chẳng đặng sanh,

Thề chẳng làm Phật”.

Nhờ nhân duyên niệm Phật nầy

Được vào trong biển đại thệ

Của đức Như Lai

Nhờ từ lực Phật

Các tội tiêu diệt.

Căn lành tăng trưởng

Khi thân mạng gần chung

Biết trước giờ chết

Thân không bệnh khổ

Tâm không tham luyến

Ý không điên đảo

Như vào thiền định

Phật và Thánh chúng

Tay nâng kim đài

Đến nghinh đón con

Trong một khoảng niệm

Sanh về Cực lạc.

Sen nở thấy Phật

Liền nghe Phật thừa

Bừng tỏ Phật huệ

Lui về độ sanh

Tròn nguyện Bồ đề.

Bài của Ngài Đại Từ Bồ tát:

Nguyên Văn

Thập phương Tam thế Phật

A Di Đà đệ nhất

Cửu phẩm độ chúng sanh

Uy đức vô cùng cực.

Ngã kim đại quy y

Sám hối tam nghiệp tội.

Phàm hữu chư phước thiện

Chí tâm dụng hồi hướng

Nguyện đồng niệm Phật nhơn

Cảm ứng tùy thời hiện

Lâm chung Tây phương cảnh

Phân minh tại mục tiền;

Kiến văn giai tinh tấn

Đồng sanh Cực lạc quốc.

Kiến Phật liễu sanh tử

Như Phật độ nhất thế.

Vô biên phiền não đoạn

Vô lượng pháp môn tu

Thệ nguyện độ chúng sanh

Tổng nguyện thành Phật đạo.

Hư không hữu tận

Ngã nguyện vô cùng

Tình dữ vô tình

Đồng viên chủng trí.

Dịch:

Trong ba đời mười phương

Phật A Di Đà thứ nhất

Chín phẩm độ chúng sanh

Uy đức cao tột bậc.

Con nay nguyện quy y

Sám hối tội ba nghiệp.

Phàm làm được phước thiện

Thảy nhất tâm hồi hướng

Nguyện cùng người niệm Phật

Tùy thời niệm cảm ứng

Khi lâm chung thấy rõ

Cảnh Tây phương trước mắt;

Thấy nghe đều tinh tấn

Đồng sanh về Cực lạc.

Thấy Phật đoạn sanh tử

Như Phật độ hết thảy.

Dứt vô biên phiền não

Tu vô lượng pháp môn

Độ hết thảy chúng sanh

Đều trọng thành Phật đạo.

Hư không có hạn

Nguyện con không cùng

Hữu tình vô tình

Đều trọn trí giác.

Một bài phát nguyện khác:

Nguyên văn:

Nguyện dĩ thử công đức

Trang nghiêm ư Phật độ

Thượng báo tứ trọng ân

Hạ tế tam đồ khổ

Nhược hữu kiến văn giả

Giai phát Bồ đề tâm.

Tận thử nhất báo thân

Đồng sanh Cực lạc quốc.

Dịch:

Nguyện đem công đức nầy

Trang nghiêm nơi cõi Phật

Trên đền bốn ơn sâu

Dưới độ ba đường khổ.

Nếu có kẻ thấy nghe

Đều phát lòng Bồ đề.

Khi báo thân nầy mãn

Đồng sanh về Cực lạc.

b)Nghi Thức Phát Nguyện.

Chuẩn bị; Rửa tay, súc miện, y phục chỉnh tề.

Hành lễ: Đến trước Phật đài đốt hương cúng dường Phật.

Chấp tay trước ngực đọc:

Đại từ đaị bi thương chúng sanh

Đại hỷ đại xả cứu muôn loài

Tướng tốt rực rỡ tự trang nghiêm

Đệ tử lòng thành xin đảnh lễ.

Nam Mô Thập phưong thường trụ Tam Bảo (lạy 1 lạy)

Đệ tử, pháp danh…nguyện quy y Phật, là Đấng Phước Huệ vô biên. Thề đời đời kiếp kiếp không quy y thiên thần quỷ vật. (1 lạy)

Đệ tử, pháp danh…nguyện quy y Pháp, là nền Giáo lý vô thượng. Thề đời đời kiếp kiếp không quy y ngoại đạo tà giáo. (1 lạy)

Đệ tử, pháp danh…nguyện quy y Tăng, là những bậc Thánh hiền thanh tịnh. thề đời đời kiếp kiếp không quy y tổn hữu ác đảng. (1 lạy)

Nam mô Sa bà giáo chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (1 lạy)

Nam mô Tây phương Cực lạc Thế giới Đại từ Đại bi A Di Đà Phật (1 lạy)

Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát (1 lạy)

Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát (1 lạy)

Nam mô Thanh tịnh đại hải chúng Bồ Tát (1 lạy)

Nam mô Thập phương Tam thế, Nhất thế chư Phật, vô lượng Bồ Tát (1 lạy)

Xong quỳ niệm danh hiệu Phật (càng nhiều càng tốt).

Tiếp theo, đọc lời phát nguyện (một trong các bài trên)

Đọc xong lời phát nguyện, đứng dậy, đọc Tam tự quy y và hồi hướng:

Tam Tự Quy Y:

Tự quy y Phật , xin nguyện chúng sanh thể nhập đạo cả, phát lòng vô thượng. (1 lạy

Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, thấm nhuần giáo lý (hay thấu rõ kinh tạng), trí huệ như biển. (1 lạy)

Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, hết thảy không ngại. (1 lạy)

Hồi Hướng:

Nguyện đem công đức nầy

Chung cùng khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo

(Vái 3 vái, lui ra)

Có thể áp dụng nghi thức nầy hằng ngày, hoặc một thời, hoặc hai thời, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy.

Nếu nhà không thiết được bàn Phật thì ngồi ngay ngắn trên giường hay trước bàn viết, bàn ăn, chấp tay ngang ngực, quán tưởng như có tượng Phật trước mặt, rồi đọc trọn cả nghi thức trên. (Chỗ nào trong nghi thức có ghi 1 lạy thì thay vào 1 vái). Điều cốt yếu là phải thật hành đều đều và nhất thiết tránh cho được cái thông bệnh là “thủy cần chung đãi”. (trước siêng sau nhác).

---o0o---

Vi tính: Diệu Vân

Trình bày: Phổ Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]